Trên đường ra Hà Nội bằng ô-tô Kha và Thùy dừng ăn trưa ở một quán nhỏ ven quốc lộ 1A Quảng Trị. Gió Lào khô khốc, quán thu hút khách vãng lai nhờ cây mít cổ tỏa bóng râm giữa sân.
Trong khi chờ phục vụ Thùy nhìn quanh, để ý cây bon-sai đặt dưới mái hiên. Điều lạ nó chỉ là cây quýt chứ không phải loài kiểng hiếm quý nhưng được trồng trong chậu sứ cổ và chưng trên đôn gỗ khảm xà-cừ. Thùy đến gần để xem rõ hơn. Hình thù cây bon-sai có vẻ đẹp của sự tương phản giữa phần gốc già lão sần sùi với cành lá gầy mảnh xanh nõn. Chùm quýt chín mọng hấp dẫn đến mức Thùy không cưỡng được ý muốn chạm tay vào.
Người đàn ông cởi trần từ trong nhà nhô ra cửa chính, giọng hốt hoảng lẫn tức giận: Đừng, không được!
Rồi ông thụt vào trong, nhanh cũng như khi xuất hiện. Thùy giật mình và ngượng khi bị phản ứng bất ngờ, cũng vội quay lại bàn.
Từ phía sau quầy, người đàn bà có vẻ là chủ quán đến gần Thùy với vẻ ái ngại: Xin quý khách thứ lỗi, chẳng qua nhà tôi quá cưng cái cây, đối xử với nó như đứa em của ảnh vậy đó…
Nói xong bà quay về quầy, để lại một thông tin bí ẩn.
Kha hỏi hiểu gì không, Thùy lắc đầu, còn bối rối với điều vừa gặp phải.
Người đàn ông ban nãy lại xuất hiện ở cửa, lần này tươm tất trong bộ âu phục dẫu phai bạc. Ông ngập ngừng vài giây trước khi đi thẳng đến bàn của hai người, hơi cúi đầu khi nói với Thùy: Xin lỗi đã làm cô giật mình.
Thùy đứng lên: Là do tôi.
Kha kéo ghế mời người đàn ông: Quên chuyện vừa rồi đi và uống bia với tụi tôi.
Người đàn ông ngồi vào bàn, vẻ nhẹ nhõm khi nhận được phản ứng nhẹ nhàng. Ông xoa tay:
Cám ơn, nhưng phải cho tôi đãi quý vị bữa này.
Cám ơn, nhưng phải cho tôi đãi quý vị bữa này.
Kha mỉm cười: Uống mừng thêm bạn đã, mọi chuyện tính sau. Đây là Thùy, còn tôi Kha.
Tôi là Cam. Người đàn ông tự giới thiệu.
Sau một lượt bia, Thùy rụt rè: Xin lỗi, lúc nãy chị có cho tụi tôi biết anh đối xử với cây quýt đó như đứa em. Nói thật tụi tôi không hiểu.
Ông Cam gật đầu: Tôi biết. Nhưng nếu rõ chuyện gia đình tôi, hẳn chị sẽ đồng ý rằng cây quýt đó nhất định tôi phải chăm như chăm đứa em.
Cho tụi tôi nghe chuyện anh đi. Kha nôn nóng.
*
“Làng quê tôi nằm trong vùng chuyên canh cam và quýt. Dân làng có cái ăn cái mặc, con cái được học hành đều trông vào hai loại cây này. Từ chỗ dân làng biết ơn cây, bọn trẻ chúng tôi nhiều đứa trùng tên, Cam-Cam, Quýt-Quýt. Nhà tôi hai con trai, tôi là Cam, em tôi là Quýt.
Từ năm sáu lăm máy bay Mỹ bắt đầu rải chất độc khai quang vùng quê tôi, những vườn cây mất mùa liên tiếp, cả làng lâm cảnh nghèo đói. Hơn nửa trẻ con phải nghỉ học. Phần tôi gặp may. Chú tôi, một trung sĩ quân đội Sài Gòn, đưa tôi vào Huế nuôi ăn học.
Hai năm sau, chú chết trận Mậu Thân. Lúc đó làng tôi đã thuộc quyền kiểm soát của quân giải phóng, còn tôi học năm cuối trung học. Tôi không muốn quay về nhà trước khi thi tú tài, nhưng ở lại Huế thì biết nương tựa vào ai.
Trong rủi có may, một chỉ huy của chú tôi trước đó giúp tôi bằng cách thuê làm gia sư cho con gái. Tôi vinh dự giới thiệu đó là bà xã tôi bây giờ, mà anh chị vừa gặp. Nhờ vậy, tôi có thể tiếp tục học và thi đỗ. Ngay sau đó tôi bị động viên, đeo lon chuẩn úy, rồi được điều đến một tiểu đoàn đóng ở bắc Quảng Trị.
Thời gian đó quân đội Sài Gòn đã chiếm lại khu vực có làng tôi, nhưng chỉ kiểm soát được vào ban ngày, từ chiều tối đến sáng hôm sau thuộc về quân giải phóng. Dầu sao, tôi đã có thể về nhà vào ngày giỗ cha. Những lần như thế, tôi thường đưa vài chiến hữu cùng về, trên một chiếc jeep súng ống sẵn sàng.
Lần nào cũng vậy, mẹ tôi chia con gà cúng làm đôi, một nửa dọn riêng cho bàn bọn tôi. Gà cúng là con được chọn kỹ, thơm ngon nhất trong số gà phục vụ đám giỗ. Vì vậy, có lần mấy người bạn sau khi nếm thử gà ‘loại hai’ nói muốn ăn nốt nửa con gà cúng mẹ tôi để dành trên bàn thờ. Tôi nhìn đồng hồ nói muộn rồi, bọn mình phải về đơn vị trước khi Việt Cộng xuất hiện, tới chợ Đông Hà muốn nhậu gà ngon mấy con tôi cũng ô-kê.
Thật ra tôi không thể nói toạc rằng nửa con gà cúng kia là phần của em tôi, thằng Quýt, chỉ huy du kích xã, và tôi luôn tôn trọng luật không thành văn của mẹ. Đó là một bí mật, nó có thể hủy hoại tương lai tôi. Trong hồ sơ cá nhân, tôi khai Quýt chết hồi mười ba tuổi bởi bệnh đậu mùa.
Hàng đêm, trước khi đi ngủ mẹ tôi thắp hương bàn thờ cha tôi, lâm râm khấn cầu ông phù hộ cho thằng Cam được bình an vô sự, xong, cầu ông phù hộ cho thằng Quýt cũng bình an vô sự. Một lần tôi đùa ‘mẹ ơi, đừng đặt cha tụi con vô thế khó xử’.
Rồi một năm tôi về làng giỗ cha, vẫn với chiến hữu tháp tùng yểm trợ. Mẹ tôi dọn cho bọn tôi nguyên con gà cúng. Tôi bật khóc, biết em mình bị giết. Nhưng tôi phải lu loa trước mọi người là tự nhiên nhớ ông già.
Sau đó tôi gặp riêng mẹ: Lúc nào?
Đêm qua.
Xác đâu?
Mẹ tôi đưa mắt nhìn ra cửa sổ. Tôi nhìn theo. Vườn nhà tôi vẫn còn là bãi tha ma của loài cây cam-quýt chết trắng, nhưng lúc đó tôi bất ngờ bắt gặp một cây quýt non chưa kịp bén đất mới, cành lá rũ mềm.
Mẹ tôi thì thầm: Mẹ lén chôn em con trong vườn, không dám đắp mộ. Nó là thằng Quýt, thì trồng cây quýt lên chỗ nó nằm làm dấu. Chiều qua vô tới Huế mới xin được một cây đó.
Sau cái chép miệng, mẹ tôi tiếp: Đang lo không biết sau chừng đó năm thuốc khai quang có còn làm chết cây không nữa…
Rồi mẹ tôi im lặng, mắt không rời cây quýt.
Tôi đau đớn nhìn vai mẹ rung nhẹ. Đó là lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là khóc trong lòng.
Mẹ tôi không bao giờ biết Quýt rồi sẽ được truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang và hài cốt của nó được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ của xã sau năm bảy lăm, bà đã mất trước đó.
Khi bốc hài cốt em tôi ở vườn nhà, dân quân xã đào bật gốc quýt. Sau năm năm ở trại học tập dành cho sĩ quan chế độ cũ, tôi về thấy gốc quýt dẫu nằm nghiêng sát mặt đất vẫn sống như một phép mầu. Nghĩ đó là một phần máu thịt của đứa em, tôi đưa về đây, tạo dáng bon-sai để được gần gũi, chăm sóc. Hai mươi năm rồi đó…”
*
Chào vợ chồng chủ quán, Kha và Thùy lên xe tiếp tục hành trình. Sau một lúc lặng im, Kha nói với Thùy mà như với chính mình: Chuyện vừa rồi nếu viết thành truyện, thì nhân vật chính phải là người mẹ.
-------
"Debris of Debris": Đại học Saint Benedict, Minnesota, Mỹ, 2009 – Nxb Austin Macauley, London, Anh quốc, 2014. Bản Việt ngữ do tác giả tự dịch, "Mảnh vỡ của mảnh vỡ", nhận Giải tiểu thuyết 2011-2015 Hội Nhà văn Việt Nam.
Gửi ý kiến của bạn