Tính “biệt ly” trong ca khúc của cố nhạc sĩ Anh Việt,
Lịch sử chiến tranh hay cách mạng của một đất nước, luôn có những thời điểm rõ ràng, cụ thể. Thí dụ, cuộc cách mạng Pháp, khởi đầu từ vụ phá ngục Bastille, ngày 11 tháng 7 năm 1789. Hay cuộc nội chiến Nam-Bắc Mỹ, khởi sự ngày 12 tháng 4 năm 1861. Gần gũi hơn với chúng ta, không ai tranh cãi về ngày 19 tháng 8 năm 1945, là ngày toàn dân Việt Nam kháng chiến chống Pháp…
Nhưng, ở những lãnh vực khác, như lãnh vực Văn Học, Nghệ Thuật (VHNT) Việt Nam, tới giờ, người ta có thể đồng thuận với nhau rằng, dòng VHNT tiền chiến, khởi đi từ đầu thập niên 1930. Nhưng không ai có thể chỉ ra một cách rõ ràng và, thuyết phục được tất cả mọi người về thời điểm kết thúc của dòng VHNT ấy.
Một số nhà phê bình văn học đã lấy ngày 19 tháng 8 năm 1945, làm ngày tang của dòng VHNT tiền chiến. Đó cũng là ngày chấm dứt một thời kỳ thanh bình của Việt Nam. Dù tạm bợ trong chế độ quốc gia do người Pháp bảo hộ.
Nhưng thời điểm từ 1946 tới 1954 (trước khi có hiệp định Geneva và, cuộc đi cư vào miền Nam của hơn 1 triệu đồng bào miền Bắc), thì chúng ta phải gọi đó là thời kỳ VHNT gì?
Có nhiều người gọi đó là thời kỳ VHNT Kháng Chiến.
Tôi thiển nghĩ chỉ danh này không đúng lắm. Bởi nếu có một số văn nghệ sĩ thoát ly gia đình, bỏ thành phố, vào chiến khu tham gia công cuộc chống Pháp - - (Mà, không lâu sau, thực tế cho thấy, cuộc kháng chiến của toàn dân đó, đã bị người CS tiếm đoạt) - - Thì, cũng có không ít văn nghệ sĩ ở lại vùng quốc gia.
Chưa kể, cũng có rất nhiều văn nghệ sĩ, sau một thời gian đi theo kháng chiến, đã “dinh tê” về “tề,” tức trở lại vùng quốc gia. Như các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Tạ Tỵ, Mai Thảo, v.v... Các nhạc sĩ, ca sĩ như Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Lê Trọng Nguyễn, Nhật Bằng, Thái Hằng, Thái Thanh, v.v…
Lịch sử oan nghiệt của Việt Nam, trong mỗi thời kỳ chiến tranh, ly tán, đều có hiện tượng phía này đã nhìn phía kia, nếu không phải là kẻ thù, chí ít cũng là những kẻ…phản quốc!!!
Những người có tinh thần công bình, với ý thức sáng suốt tối thiểu, không ai có thể quả quyết những người dân ở vùng…“tạm chiếm” là không yêu nước! Trái lại. Tôi có thể khẳng định: Họ yêu nước theo cách của họ.
Cũng thế, dù đứng ở phía nào, quan điểm nào, những người có tinh thần khách quan, cũng không thể phủ nhận tinh thần yêu nước, yêu quê hương, dân tộc của những văn nghệ sĩ sống, hay từ vùng kháng chiến trở về vùng quốc gia kiểm soát.
Vì thế, không ít người cho rằng, dựa vào thời gian khởi sự cuộc kháng chiến của toàn dân Việt Nam năm 1945, làm dấu mốc chấm dứt giai đoạn VHNT tiền chiến, để bước qua giai đoạn mới, giai đoạn VHNT kháng chiến, tự thân thiếu tính thuyết phục trong thực tế.
Bởi vậy, ở lãnh vực âm nhạc, nhiều nhà nhạc - sử (điển hình như nhạc sĩ Trần Quang Hải,) đã khá lúng túng, không biết phải xếp những nhạc sĩ có sáng tác từ trước điểm mốc 1945 vào giai đoạn nào?!?
Khi mà, vì sự giới hạn của phương tiện phổ biến thời đó, khiến sáng tác của một số nhạc sĩ ở giai đoạn này, chỉ được quần chúng biết đến, sau thời điểm vừa kể.
Ngược lại, cũng có những ca khúc sáng tác sau 1945, nhưng lại được quần chúng yêu thích, phổ biến một cách rộng rãi, cùng lúc với những ca khúc ra đời từ thời tiền chiến.
Điển hình là trường hợp của cố nhạc sĩ Anh Việt / Trần Văn Trọng. (1)
Căn cứ vào bài viết nhan đề “Lỡ chuyến đò – Tưởng nhớ nhạc sĩ Anh Việt” của nhạc sĩ Thanh Trang, (tác giả nhiều ca ca khúc nổi tiếng, trong số đó, có “Duyên Thề”) - - Thì cố nhạc sĩ Anh Việt / Trần Văn Trọng sáng tác nhạc từ năm 1940. Điểm mốc này nằm trong giai đoạn được khẳng định là giai đoạn VHNT tiền chiến.
Tôi không biết những năm đầu thập niên 1940, nhạc sĩ Anh Việt ở đâu? Nhưng dù ở đâu thì, đó vẫn là thời gian mà, những phương tiện phổ biến nhạc ở miền Nam còn rất giới hạn. Hậu quả, những ca khúc đầu tay của ông, đã không được biết tới.
Phải đợi tới những năm sau 1950, những ca khúc như “Bến cũ”, “Một chuyến đi”, “Lỡ chuyến đò” hay, “Thơ ngây” của cố ông, mới được nhiều người biết tới. Hơn thế nữa, chúng còn được đón nhận như những cơn sốt vỡ da trong tâm hồn người thưởng ngoạn.
Chỉ riêng với ca khúc “Thơ Ngây” của cố nhạc sĩ Anh Việt, nhạc sĩ Trần Quang Hải trong bài viết “Nhạc sĩ Anh Việt và dòng nhạc 50 năm sáng tác”, đã ghi nhận rằng:
“Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, những nhạc phẩm có tác dụng giao hòa được tâm hồn và trái tim của người trình diễn lẫn người thưởng thức, như nhạc phẩm ‘Thơ Ngây,’ không phải là nhiều. Chính vì thế ‘Thơ Ngây’ đã sống mãi với thời gian, không khác gì những nhạc phẩm lãng mạn bất hủ như ‘Biệt Ly’ của Doãn Mẫn, ‘Con Thuyền không bến’ của Đặng Thế Phong , ‘Nỗi lòng' của Nguyễn Văn Khánh hay ‘Em đến thăm anh một chiều mưa’ của Tô Vũ, v.v…” (2)
Biệt ly, một ma lực trong sáng tác của cố nhạc sĩ Anh Việt,
Trong bài viết như một thứ kỷ niệm được kể lại một cách chân thành, ý nghĩa của mình, nhạc sĩ Thanh Trang ghi nhận:
“Nhạc sĩ Anh Việt vừa mới qua đời ở Bắc Cali. Biết được cái tin buồn ấy thì tôi đã không tránh được nỗi ngậm ngùi không nhỏ! Có những con người trong cõi nhân gian này họ như thể đánh dấu cho một thời. Họ ra đi vĩnh viễn thì như thể một mảng đời của mình có liên quan gần xa gì đấy đến những con người ấy cũng vĩnh viễn mất đi theo. Tôi không hề có cái may mắn trực tiếp quen biết gì với nhạc sĩ Anh Việt, thế nhưng tôi lại rất quen thuộc với những bài hát của ông.
“Đối với những người nghệ sĩ có thực tài, được người đời biết đến, thì hình như điều ấy - được người đời biết đến tác phẩm của mình - có lẽ mới là điều thực quan trọng. Và nếu như từ thuở còn nhỏ cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn yêu thích một số những bài hát của Anh Việt mà tôi quen biết từ xưa thì đối với riêng tôi như thế cũng đã là đủ!
(…)
“Thuở mới tám chín tuổi đầu thì ở Sài Gòn hàng ngày tôi vẫn nghe những bài hát của Anh Việt như ‘Lỡ chuyến đò’, ‘Một chuyến đi’, ‘Thơ ngây’ trên Đài Phát Thanh Pháp Á. Xưa giờ tôi vẫn nghĩ rằng không có những bài hát của lớp nhạc sĩ tiền bối khi xưa như Văn Cao, Phạm Duy, Hoàng Giác, Đoàn Chuẩn, Ngọc Bích, Nguyễn Văn Khánh, Anh Việt, Lâm Tuyền, Việt Lang,... thì tôi đã chẳng bao giờ có được lòng yêu thích âm nhạc như tôi vẫn hằng yêu thích.
“Một bài hát có thời gian tính, khung cảnh cùng môi trường sống trong tâm thức của người nghe. Sài Gòn thời tôi còn nhỏ tương đối ‘đất rộng người thưa’ gấp bội so với mãi về sau này. Hay ít ra nó cũng còn tương đối ‘vắng vẻ’ so với cái thời bắt đầu từ năm 54, với cuộc Di Cư từ Bắc vào Nam. Con đường Đại Lộ ‘Charner’, sau trở thành ‘Nguyễn Huệ’, cứ chiều đến, khoảng bốn năm giờ đã đủ hoang vắng để đám con nít tụi tôi kéo nhau ra giữa lộ mà thả diều. Con đường đó dẫn thẳng ra bến sông Sài Gòn. Những buổi chiều lang thang ra đấy, nhìn những con đò chở khách qua sông, phía bên kia bờ ‘Thủ Thiêm’, rồi nhìn ánh nắng chiều đọng trên triền núi xa xa về hướng ‘Vũng Tàu’ – ‘Cap Saint Jacques’- thì không thể nào không liên tưởng đến bài hát ‘Lỡ chuyến đò’ của Anh Việt mà hàng đêm tôi vẫn nghe trên Đài Pháp Á. Ai thuở nhỏ không có sự ‘gắn bó thiết thân’ gì với những bài hát thì tôi không biết. Tôi chỉ biết rằng đối với tôi thì nó là như thế…” (3)
Như nhạc sĩ Thanh Trang, tôi cũng được nghe “Một chuyến đi” của cố nhạc sĩ Anh Việt khi còn rất nhỏ, từ thời Hà Nội tới di cư vào Nam. Tôi nhớ, đó là những ngày tháng đầu tiên khi gia đình chúng tôi đến Đà Nẵng. Rồi Hội An. Xong lại ngược về Đà Nẵng…
Những buổi chiều tựa cửa từ ngôi nhà ở tạm, trên đường Bạch Đằng, còn gọi là đường Bờ Sông, nhìn qua bên kia đường là con sông Đà - - Như một tấm gương lớn mênh mông, trong nắng hoàng hôn; với một phần chiếc tầu hay chiến thuyền bị đánh đắm, ngước đuôi tầu trên mặt nước… Hay những ngày nước sông Thu Bồn dâng cao, từ mặt sau của ngôi nhà ở đường Phan Bội Châu, Hội An, thì:
“Ngoài ngàn dặm, đoàn người ra đi / Trong sương lạnh lòng trai bền chí / Ra biên cương xa xăm ngàn phương / Và còn vọng tiếng hát trong sương / Người theo ngàn gió / Biệt ly buồn nhớ / Chờ đợi bao năm / Sống với âm thầm / Chốn ấy xa xăm người đi / Chiếc bóng bên song chờ chi…” (Anh Việt, “Một chuyến đi.”) (4)
Dù không hiểu hết ý nghĩa của từng ca từ, nhưng những câu như “Biệt ly buồn nhớ” và “chiếc bóng bên song chờ chi” thì, dù không hề được quen biết tác giả, tôi vẫn lạnh người với cảm tưởng ông hiểu thấu tâm tư, hoàn cảnh của… tôi. Hơn thế, như thể ông còn muốn hỏi riêng…tôi: “Chiếc bóng bên song chờ chi”? (Mặc dù, sự thực nếu ai hỏi, tôi chờ đợi gì thì, tôi sẽ không biết phải trả lời thế nào nữa!”
Cũng vậy, khi ấy, dù tôi không hiểu hết ý nghĩa những ca từ trong ca khúc “Lỡ chuyến dò” của Anh Việt; nhưng ca khúc của ông đã có một tác động mạnh mẽ trong tâm hồn non nớt của tôi.
Chẳng những thế, giai điệu và, rất nhiều ca từ đã mặc nhiên ở lại trong tôi. Như sự ở lại tự nhiên của những bài hát, mẹ tôi đã ru tôi ngay cả những lúc tôi không ngủ, mà thức… ngồi trong lòng bà:
“Chiều vàng lại đem nhớ tiếc thương / Đây người sang với con đò xưa /
Và chiều chiều thôn nữ vấn vương / Duyên tình xưa êm thắm còn đâu / Người nghệ sĩ lăn lóc gió sương / Tơ đàn say đắm quên sầu thương / Dành tình này cho kẻ khổ đau / Quên tình xưa thôn nữ chờ mong // Người của bốn phương / Người đã ra đi có nhớ bao giờ / Dù duyên thề ước đắm với giấc mơ / Đường tơ vấn vương / Đem gieo thắm tươi vào đời đau thương / Và cố quên đi tình người bơ vơ…” (5)
Tôi không biết hấp lực hay ma lực của sáng tác đã khiến không cần một chút cố gắng, tôi vẫn có thể…ậm ừ…hát lại “Lỡ chuyến đò.” Cứ như thể ngay từ ngày đó, tôi đã thật sự bị…lỡ chuyến đò rồi vậy.
Sau này, tôi được biết “Lỡ chuyến đò” của Anh Việt đã sớm có cho nó một dị bản.
Lời hai.
Thường thì chúng ta không biết ai là tác giả lời hai! Nhưng riêng với ca khúc “Lỡ chuyến đò,” nhiều người biết tác giả là nghệ sĩ Trần Văn Trạch. Vì sau khi cho nó lời thứ hai, người nghệ sĩ “quái kiệt” này, đã đem nó vào chương trình diễn của ông:
“Đò một chiều đưa lỡ khách đi / Nhưng lòng vương chút hương biệt-ly
Và chiều chiều thôn-nữ nhớ mong / Trên đò xưa nghe gió ngàn thông / Người nghệ-sĩ vui nắn phím tơ / Gieo nguồn vui khắp trên trần-gian / Vì ngoài đời ôi lắm khổ đau / Duyên tình xưa ai nhớ chờ mong / Tìm người bốn phương / Nàng nhớ năm xưa khách ấy sang đò / Tình duyên đằm-thắm nay khóc với thương / Đường tơ dở-dang / Mơ theo bóng ai đường đời lang-thang / Vì nước quên đi lời thề năm xưa…” (6)
Điều đáng nói, lời hai của nghệ sĩ Trần Văn Trạch không hề mang tính khôi hài. Ngược lại, lời hai của họ Trần rất ý nghĩa. Chân thành với xu hướng nghiêng nặng tình đất nước!
Tôi nghĩ đó là một trong những ca khúc có lời hai sớm nhất của nền tân nhạc Việt.
Nói cách khác, dù là thi ca hay âm nhạc, một khi tác giả cho thấy khả năng nhập một giữa giai điệu và ca từ, như một thứ “thân / tâm đồng nhất thể,” thì đấy là hiện tượng đám đông đã thực chứng tài hoa của nhạc sĩ đó.
Tình Khúc Anh Việt, Đối Nghịch Với Những Nhạc Sĩ Khác
Tôi nghĩ dường như chia ly, tan tác, đổ vỡ là một thuộc tính của tân nhạc Việt. Cũng như thi ca, những ca khúc mang tính khổ đau, tuyệt vọng, thường có xu hướng ở được bền lâu trong trí nhớ người thưởng ngoạn.
Nhìn lại lịch sử nền tân nhạc Việt, ngay tự bước khởi đầu, cách đây trên dưới bảy mươi năm (và luôn cả hiện tại) thì, những tình khúc dang dở, tuyệt vọng, thường được yêu thích, được nhiều ca sĩ tìm đến, bước vào, cất tiếng hát như chiếc cầu kỳ diệu nối từ trái tim họ, tới trái tim người nghe...
Tôi không biết những sáng tác như “Buồn tàn thu”, “Trương Chi” của Văn Cao; “Biệt ly” của Dzoãn Mẫn; “Con thuyền không bến”, “giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong; “Tà áo xanh”, “Lá thư”… của Đoàn Chuẩn Từ Linh; “Nỗi lòng”, “Chiều vàng” của Nguyễn Văn Khánh; “Tan tác” của Tu Mi; “Nắng chiều” của Lê Trọng Nguyễn; “Bên Cầu biên giới”, “Nghìn trùng xa cách”…của Phạm Duy; hay “Nửa hồn thương đau”, “Người đi qua đời tôi” (thơ Trần Dạ Từ) của Phạm Đình Chương...; cùng rất nhiều ca khúc của các nhạc sĩ khác, được sáng tác trong hoàn cảnh hoặc, tâm trạng nào?
Nhưng hiển nhiên, tất cả những tình khúc chia lìa, tuyệt vọng, tự thân, đã có được cho chúng, tính bất tử. Như những đền bù cho nỗi bất hạnh hay, niềm đau mà các tác giả ấy, đã trải nghiệm.
Trường hợp của cố nhạc sĩ Anh Việt / Trần Văn Trọng, không khác.
Những tình khúc tiêu biểu của ông, hiểu theo nghĩa đến hôm nay vẫn còn được giới thưởng ngoạn yêu thích. Mỗi khi nghe lại, thính giả vẫn còn bồi hồi, rung động. Tựa thú đau thương, được tắm lại, một lần nữa nơi bến sông chia ly vậy.
Tôi cũng nhận thấy cảm thức buồn bã, xa vắng nơi những người trẻ, khi họ được nghe những tình khúc như “Lỡ chuyến đò,” “Bến cũ,” hoặc “Thơ ngây”…của Anh Việt / Trần Văn Trọng. Có thể họ không hiểu rõ lắm ý nghĩa, những gửi gấm tâm sự của họ Trần vì, trong bộ nhớ của họ, không có những hình ảnh, kỷ niệm gần xa với những ca từ ấy. Nói cách khác, có thể họ không hoặc chưa kinh qua những hoàn cảnh như:
“Bến ấy ngày xưa người đi vấn vương biệt ly
“Gió cuốn muôn phương về đây, thấy bóng người về hay chăng?
“Xa nhau bến xưa ngày ấy
“Anh đi thế thôi từ đây
“Sầu chất bên lòng
“Hồn nặng nhớ mong
“Biết đi sầu em mong
“Nhưng ngàn dân đang ngóng
“Dưới trời gió mưa
“Làn gió chiều đưa…”
Ghi nhận thứ nhất của tôi là những cuộc chia tay của những người trẻ hôm nay, không còn là một bến đò, con sông. Hầu hết những chia ly nếu có, thường diễn ra ở sân bay, bến xe, hoặc chí ít, cũng ở nhà ga xa lửa!
Thứ đến, những người trẻ có thể vì không hiểu, nên khó cảm thông với những từ như : “Biết đi sầu em mong / Nhưng ngàn dân đang ngóng…”
Lý do thời chinh chiến đã lùi xa. Quá khứ đã đứt đoạn. Tiếng gọi thiêng liêng của tình yêu tổ quốc, không có cơ hội thúc hối, réo gọi nồng nàn trong tim người trẻ hôm nay… Nhưng, ở một mặt nào khác, qua giai điệu, họ vẫn rung động. Họ vẫn có thể buông thả tâm hồn họ, nổi trôi trên những ngọn sóng chia ly buồn bã…
Cũng thế, với tình khúc “Lỡ chuyến đò” của Anh Việt / Trần Văn Trọng, sáng tác năm 1947, diễn tả sự lỡ làng của một tình yêu tuyệt vọng!
Khi người phụ nữ trong ca khúc, mơ ước, khát khao mòn mỏi được “sang sông” tức đi lấy chồng - - Và, người trong mộng của người nàng, không ai khác hơn, là người yêu trong quá khứ:
“Chiều vàng lại đem nhớ tiếc thương
“Đây người sang với con đò xưa.
“Và chiều chiều thôn nữ vấn vương.
“Duyên tình xưa êm thắm còn đâu.
“Người nghệ sĩ lăn lóc gió sương.
“Tơ đàn say đắm quên sầu thương.
“Dành tình này cho kẻ khổ đau.
“Quên tình xưa thôn nữ chờ mong….”
Bối cảnh của chia ly trong “Lỡ chuyến đò” của Anh Việt / Trần Văn Trọng vẫn là bến sông, con đò… Nhưng trong tình khúc này, người đàn ông, tác nhân của tình tuyệt vọng, kẻ gieo đau thương một đời cho người nữ, không phải là người quên mình, ra đi vì đất nước mà, là một…nghệ sĩ…Hiểu theo nghĩa là người chỉ muốn duy trì cho đời mình một cuộc sống “lăn lóc” với “gió sương” mà thôi…
Tôi nghĩ những người trẻ hôm nay, có thể sẽ lấy làm khó hiểu trước ẩn số: Tại sao là nghệ sĩ thì cứ phải… “lăn lóc gió sương” - - Mà, không thể có một đời sống bình thường như mọi người? Như thực tế của thời hiện đại?
Nhưng, tôi vẫn tin, khi nghe được “Lỡ chuyến đò” của họ Trần, qua giai điệu tha thiết, những người trẻ vẫn cảm nhận được một điều gì, giống như sự mất mát mà, ca khúc mang lại cho họ.
Bước vào một tình khúc khác, cũng nổi tiếng không kém của cố nhạc sĩ Anh Việt / Trần Văn Trọng: Tình khúc “Thơ ngây”. Một tình khúc mà ngay từ thời trung học, cách đây nhiều năm, như sự ghi nhận của tôi, đã được nhiều học sinh chọn hát trong những buổi văn nghệ tất niên của lớp hay, toàn trường:
“Khi ấy em còn thơ ngây
“Đôi mắt chưa vương lệ sầu
“Cười đùa qua muôn ánh trăng
“Đắm xinh đôi môi hồng thắm
“Em ngắm mây hồng hay giòng nước trong
“Thấy lòng vẩn vơ như tìm một bóng ai
“Kìa đôi bướm nhởn nhơ vờn hoa
“Và trong nắng em nhìn đôi chim
“Nắng tơ bướm vàng ánh trăng tiếng đàn
“Bóng thông gió ngàn lòng càng say sưa
“Rồi một hôm
“Có chàng trai trẻ đến nơi này
“Đời em có một lần
“Là lần tim em thấy yêu chàng
“Khi lòng yêu ai
“Môi hồng dần phai
“Lắm buồn nhớ bâng khuâng
“Lắm yêu đương, lắm tơ vương
“Nước mắt không vơi hết lúc thơ ngây!”
Ở tình khúc “Thơ ngây” tâm lý của người con gái khi yêu được nhạc sĩ Anh Việt / Trần Văn Trọng ghi nhận rất tinh tế.
Tương tư trong âm thầm, yêu trong tuyệt vọng, đối với người con gái lần đầu bước vào thế giới tình ái…là lối ngõ đương nhiên dẫn tới: “Môi hồng dần phai / Lắm buồn nhớ bâng khuâng / Lắm yêu đương, lắm tơ vương / Nước mắt không vơi hết lúc thơ ngây!”
Tôi cho rằng, không giống, nếu không muốn nói là nghịch chiều với những nhạc sĩ cùng thời và, luôn cả những nhạc sĩ ở các thế hệ sau mình, cố nhạc sĩ Anh Việt / Trần Văn Trọng không hề “gieo tiếng ác” cho người nữ, trước những đoạn lìa của một cuộc tình mà, ông luôn nhận người nam (hay chính ông?) là tác nhân gây nên những tan nát, đổ vỡ của tình yêu kia!
Thực tế quá khứ cũng như hiện tại, cho chúng ta thấy đa phần những đổ vỡ tình yêu do người nam gây nên, chứ không phải bởi người nữ!
Qua dữ kiện này, tôi cho đó là một trong những nét riêng, rất cá biệt của tình khúc Anh Việt / Trần Văn Trọng. Cái lớn của tình khúc họ Trần, tôi nghĩ, nằm ở điểm đó.
(Aug. 27-2012.)
___________
Chú thích:
(1) Cố nhạc sĩ Anh Việt / Trần Văn Trọng sinh năm 1927 tại Rạch Giá. Theo tư liệu của nhạc sĩ Trần Quang Hải thì, nhạc sĩ Anh Việt lập gia đình với bà Tố Oanh, người Huế, họ Nguyễn. Ông bà có được với nhau tất cả 9 người con, đều đã thành danh. (Wikipedia / Bách khoa toàn thư mở.)
Theo trang mạng Art@all.net trích dẫn bản tin của Dân Sinh News thì:
“Trong giờ tưởng niệm vào chiều Thứ Bảy ngày 22 tháng 3 -2008 ca sĩ Thu Hà, tức bác sĩ Nguyệt đã hát bài Bến Cũ bằng 1 giọng truyền cảm và xúc động để tiễn đưa lần cuối nhạc sĩ Anh Việt tại nghĩa trang Oak Hill, thành phố San Jose.
“Bà Thu Hà cho biết nữ sĩ Tố Oanh là phu nhân của cố nhạc sĩ đã để bản Bến Cũ trên đầu giường bệnh. Nghe nửa chừng thì ông ra đi.”
Đó là ngày 14 tháng 3 năm 2008.
(2), (3), (5), (6) Nguồn đd.
(4) Theo trang mạng Dac Trung.