Từ Chung Quân Tới Phạm Trọng Cầu: Ngôi làng Trong Ca Khúc Việt
Xã hội dân sự Việt Nam được xây dựng trên đơn vị căn bản “làng xã”, thường được nhiều người gọi một cách thương yêu, thiết tha là “làng tôi”. Khái niệm “làng” hay “làng tôi” do đấy, không chỉ là đơn vị nhỏ nhất, có khả năng chống ngoại xâm hữu hiệu và, bền bỉ mà, nhìn ở góc độ khác, thì “làng xã” cũng chính là chiếc nôi ươm trồng, vun xới tình yêu đất nước sâu, nặng.
Phải chăng vì thế, hình ảnh “làng” đã chiếm giữ một vị trí ưu ái trong văn chương cũng như âm nhạc?
Cụ thể, ở lãnh vực âm nhạc chúng ta có rất nhiều ca khúc nồng nàn tình yêu “làng tôi” hay “làng ta.” Tuy nhiên, theo tôi, có hai ca khúc nổi bật, được phổ biến, lưu truyền rộng rãi hơn cả, là ca khúc “Làng tôi” của nhạc sĩ Chung Quân và, “Trường làng tôi” của nhạc sĩ Phạm Trọng. (1)
Đó là hai ca khúc một khi đã đến được với người nghe thì, nhiều phần chúng sẽ ở lại bền lâu trong ký ức người thưởng ngoạn. Như một thứ tình yêu quê hương bất biến:
“Làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh,
có sông sâu lơ lững vờn quanh,
êm xuôi về Nam
Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau,
bóng tre ru bên mấy hàng cau,
đồng quê mơ màng
Nhưng than ôi!
Có một chiều thu lá thu rơi,
có một chiều thu lá thu rơi,
Ôm súng nhìn quê tôi thầm mơ bóng...ngày về,
Mơ trong bóng ngày về.
Quê tôi chìm chân trời mờ sương!
Quê tôi là bao nguồn yêu thương!
Quê tôi là bao nhớ nhung se buồn!
Là bao vấn vương tâm hồn,
người bốn phương!”
(“Làng Tôi,” nhạc và lời Chung Quân.) (2)
Trong một bài viết mang tính kỷ niệm, hồi ức, tác giả Phạm Văn Kỳ Thanh (tức nhạc sĩ Phạm Mỹ Lộc) viết về nhạc sĩ Chung Quân, có những đoạn như sau:
“…Thầy Chung Quân tên thật là thầy Tiến. Ngày xưa thầy học nhạc ở Chủng Viện nên Thầy rất giỏi về hòa âm và viết hợp xướng. Sở dĩ học sinh Nguyễn Trãi yêu kính Thầy là vì được học nhạc với Thầy suốt bốn năm từ đệ thất đến đệ tứ. Còn các giáo sư khác trong bốn năm học chỉ học một năm họa hoằn mới học hai năm nếu thầy đó dạy hai môn học khác nhau. Tính Thầy hòa nhã nhưng rất nghiêm khắc. Tôi còn nhớ Thầy viết chữ rất đẹp. Nhiều khi bản nhạc Thầy viết trên bảng học trò không nỡ xóa đi dù hết giờ học. Điều đặc biệt là Thầy "vung" phấn trên bảng đen, chỉ với một nét Thầy tạo được cả năm dòng kẻ nhạc và khóa son cùng một lúc (…)
“Thầy Chung Quân viết nhạc rất ít, nhưng có bài ‘Làng tôi’ nổi tiếng cả nước. Theo giai thoại thì nhà sản xuất phim ở Hà Nội trước 54 (hình như phim ‘Kiếp Hoa’) đã dùng bài ‘Làng tôi’ nhưng không xin phép, khiến thầy Chung Quân đưa họ ra tòa, thầy thắng kiện. Lúc vào Sài Gòn thầy có tiền ‘tậu’ vespa rất sớm so với các thầy khác của trường Nguyễn Trãi.
“Trước năm 75, tôi đang học ở San Francisco thì nghe thấy thầy Chung Quân đang học tiến sĩ Sử Học ở New York. Sau đó cho đến khi thầy mất tôi không nghe thêm gì tin tức về thầy nữa. Sở dĩ tôi phải dài dòng để nhắc đến thầy Chung Quân kính yêu là vì ít nhiều, với những dòng nhạc ngây thơ thầy dạy dỗ thời niên thiếu, đã ươm mơ thành những dòng nhạc tình bất hủ sau này của các nhạc sĩ Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Đức Huy, Nam Lộc, Võ Tá Hân và Phạm Mỹ Lộc (cũng chính là người viết bài này, chưa có ca khúc nào nổi tiếng và trở thành bất hủ cả! Nhưng, vì say mê âm nhạc tôi đã bỏ rất nhiều thì giờ đi đến từng địa phương của quê hương để nghiên cứu dân ca, mong có dịp từ những giai điệu đó viết được những dòng nhạc để trả nợ đất nước, trả nợ những thầy âm nhạc ít nhiều đã hướng dẫn tôi trong quá khứ như Chung Quân, Trần Văn Khê, Phạm Duy, Phạm Trọng Cầu. Và nhất là cống hiến cho các bạn Nguyễn Trãi hoặc khán thính giả bốn phương những âm điệu để quên đi những sự mệt nhọc trong cuộc sống hàng ngày.)…” (3)
Nếu ca khúc “Làng tôi” của nhạc sĩ Chung Quân là toàn cảnh ngôi làng của tác giả (?) được vẽ lại bằng âm nhạc qua hai thời kỳ: Thanh bình và chiến tranh thì, ca khúc “Trường làng tôi” của nhạc sĩ Phạm Trọng lại thu hẹp bối cảnh “làng” vào một tiêu điểm nhỏ: Ngôi trường làng. Nhưng không vì thế mà sáng tác của họ Phạm kém phần rung động, tha thiết.
Tình cờ nội dung ca khúc “Trường làng tôi” của họ Phạm cũng có hai phân cảnh tương phản là thanh bình và chinh chiến! Tuy nhiên, trước khi ra khỏi ca khúc của mình, tác giả đã cho “tiếng ê a” vang lên, như khẳng định nhịp đi tới sáng lạng của tương lai trẻ thơ:
“Trường làng tôi cây xanh lá vây quanh
muôn chim hót vang lên êm đềm.
Lên trường tôi, con đê bé xinh xinh
len qua đám cây xanh nhẹ lướt.
Trường làng tôi hai gian lá đơn sơ
che trên miếng sân vuông mơ màng.
Trường làng tôi không giây phút tôi quên
nơi sống bao kỷ niệm ngày xanh.
(ĐK)
Nơi sống bao mái đầu xanh màu
Đời tươi như bao lá xanh, lá xanh
theo tháng ngày chiến cuộc lan tràn
qua xóm thôn nát ngôi trường xưa
Không bóng hình bao trẻ nô đùa,
Cùng nhau vang hát khúc ca vô tư
Mơ đến ngày nước non thanh bình
trong thôn xóm ấm ngôi trường xưa
*
Trường làng tôi nay vang tiếng ê a,
nay in bóng bao em nô đùa
Trường làng tôi không giây phút tôi quên
dù cách xa muôn trùng trường ơi…”
(“Trường làng tôi,” nhạc và lời Phạm Trọng) (4)
.
Nếu hiểu làng là chiếc nhau nối liền con người Việt Nam vào với tổ quốc thì, tôi tin, với những người sinh ra, lớn lên ở thành phố, nhưng qua văn chương, âm nhạc, vẫn có thể có được một “làng tôi” nào đó, cho riêng mình.
(Calif. Sept. 3rd 2013)
________
Chú thích:
(1): a- Tới nay, chúng ta vẫn chưa có được một tiểu sử đầy đủ, chi tiết về cuộc đời, sự nghiệp của nhạc sĩ Chung Quân; ngoài bài viết của tác giả Phạm Văn Kỳ Thanh, được web-site “dac trung” phổ biến, mà chúng tôi đã trích dẫn. b- Trong khi đó, theo trang nhà Wikipedia – Mở thì: Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu sinh ngày 25 tháng 12 năm 1935 tại Phnôm Pênh. Ông mất năm 1998 tại Saigon. Họ Phạm từng theo học trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Saigon; trước khi qua Pháp, thi vào Nhạc viện Paris (Conservatoire Supérieur de Musique de Paris). Ngoài ca khúc “Trường làng tôi”, ông còn có thêm ca khúc “Mùa thu không trở lại”, viết trong thời gian ở Paris, cũng được rất nhiều người yêu thích.
Tưởng cũng nên nhấn mạnh: Trước biến cố 30 tháng 4-1975, tác gỉa “Trường làng tôi” ký tên “Phạm Trọng” cho tất cả những sáng tác của ông. Sau tháng 4-1975, ở lại Saigon, ông mới ký đầy đủ ba chữ “Phạm Trọng Cầu” (là tên thật), cho các sáng tác cũ cũng như mới của mình.
(2): Ca từ của ca khúc này, chúng tôi có được nhờ sự giúp đỡ của hai nhạc sĩ Vũ Thành An và Nguyên Bích.
(3) Theo Phạm Văn Kỳ Thanh, trang nhà “dactrung,” phần liệt kê tên các nhạc sĩ.
(4) Nđd.