Ngọc Bích, tác giả bài hát ‘Suy Tôn Ngô Tổng Thống’
Không rõ do ai đề nghị, nhưng ngay tự những năm đầu tiên khi mới về miền Nam chấp chính, cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã có chính sách ưu đãi giới văn nghệ sĩ di cư từ miền Bắc vào Nam; qua chương trình đồng hóa vào quân đội một số nhà văn và nhạc sĩ. Cấp bậc trong quân đội của những văn nghệ sĩ được đồng hóa đó, căn cứ theo bằng cấp để ấn định cấp bậc từ hạ sĩ quan tới sĩ quan.
Trong số những văn nghệ sĩ xin đồng hóa với một cấp bậc nào đó của quân đội, ở giai đoạn đầu tính từ năm 1955, về phía những nhà văn, nhà báo, người ta thấy có những nhà văn như Đỗ Tốn, tác giả “Hoa Vông Vang”; Nguyễn Mạnh Côn, tác giả “Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử”; Thanh Nam, tác giả nhiều tiểu thuyết được xuất bản tại Hà Nội, trước cuộc di cư 1954, v.v...
Phía nhạc sĩ xin đồng hóa vào quân đội, có phần đông đảo hơn. Như các nhạc sĩ Ngọc Bích, Đan Thọ, Anh Bằng, Xuân Tiên, Nhật Bằng v.v...
Lý do chính khiến các văn nghệ sĩ phải xin đồng hóa vì chế độ động viên, quân dịch thời đó. Nếu không xin đồng hóa để được ở lại Sài Gòn, họ sẽ bị đưa đi phục vụ tại những đơn vị hoặc thành phố xa Sài Gòn. Sự kiện này sẽ gây trở ngại lớn cho nghề làm báo, viết văn hay, chơi nhạc cho các phòng trà, dancing, phòng thu...
Trong số những văn nghệ sĩ được đồng hóa đợt thứ nhất vào quân đội thì, nhạc sĩ Ngọc Bích là một trong những nghệ sĩ chọn ở trong quân ngũ tới tháng 4, 1975.
Nhạc sĩ Ngọc Bích được nhiều người ở miền Nam biết tới vì, ông là tác giả phần nhạc của bài “Suy Tôn Ngô Tổng Thống.” (Lời do nhà văn Thanh Nam phụ trách)
Tiền thân của ca khúc này là bài “Vè Bảo Đại” cũng là sáng tác chung của Ngọc Bích và Thanh Nam.
Dĩ nhiên khi ca khúc có nội dung “Suy Tôn Ngô Tổng Thống,” nhà văn Thanh Nam đã phải cho nó những ca từ khác.
Tuy nhiên, có thể ít người biết rằng nhạc sĩ Ngọc Bích cũng là một trong những nhạc sĩ thuộc thế hệ thăng hoa hóa nền tân nhạc Việt Nam, ở giai đoạn mới phát triển. Ông có rất nhiều tình khúc còn được lưu truyền tới ngày hôm nay.
Về những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Ngọc Bích, được nhiều người thuộc (nhưng sau này, ít người biết rõ tác giả là Ngọc Bích), có thể những ca khúc tiêu biểu như “Con Đò Đưa Xác” (lời Nguyễn Văn Đức) “Đôi Chim Giang Hồ,” “Khúc Nhạc Tương Tư,” “Mộng Chiều Xuân,” “Đón Gió Mới,” “Trở Về Bến Mơ” v.v...
Ông cũng là nhạc sĩ có nhiều ca khúc được các ca nhạc sĩ khác chọn để trình bày trên sân khấu hoặc thu đĩa. Như ca khúc “Đôi Chim Giang Hồ” của ông, được nhạc Tuấn Khanh, chọn để trình bày trong cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài Pháp Á ở Hà Nội năm 1953. Chính ca khúc này đã giúp tác giả “Hoa Soan Bên Thềm Cũ” đoạt giải khôi nguyên cuộc thi. Hay ca khúc “Con Đò Đưa Xác” của ông, được nhạc sĩ Châu Kỳ (tác giả “Trở Về”) chọn để thu đĩa từ những năm đầu thập niên 1950...
Ngay nam danh ca Anh Ngọc, thuở khởi nghiệp, cũng chỉ hát các sáng tác của Ngọc Bích mà, được nhiều thính giả ưa thích.
Trong một bài viết có tính cách nhắc lại một số kỷ niệm với Ngọc Bích, nhạc sĩ Phạm Duy kể:
“Trong những năm đầu thập niên 50, vài ba nhạc phẩm của anh (Ngọc Bích), đã được rất nhiều người ưa thích khi được phóng đi trên đài phát thanh Hà Nội như các bài Hương Tình, Trở Về Bến Mơ v.v... qua giọng ca Tâm Vấn. Thanh niên Hà Nội ưa nhạc Ngọc Bích vì tính chất Jazz của nó, đa số soạn theo nhịp swing rất mới mẻ so với những ca khúc khác...
“Nhạc mang tính chất lãng mạn của Ngọc Bích lúc đó có phần ngang ngửa với nhạc Đoàn Chuẩn, Từ Linh...”
Vậy, nhạc sĩ Ngọc Bích Là ai?
Tổng hợp một số tư liệu được phổ biến trên nhiều trang mạng, người ta được biết:
Nhạc sĩ Ngọc Bích tên thật là Nguyễn Ngọc Bích, sinh năm 1924 tại Hà Nội; (một vài tư liệu khác lại cho rằng ông sinh năm 1925), trong một gia đình gia thế. Thân phụ của ông, là Bác Sĩ Nguyễn Huy Bằng, được ghi nhận là người có tài sử dụng nhiều nhạc cụ cổ truyền như đàn bầu, tỳ bà, tam thập lục v.v...
Ngay từ năm mới lên 10, Ngọc Bích đã tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc.
Thoạt tiên, ông bắt đầu học về ký âm pháp với thầy Nguyễn Văn Thông cùng thời điểm với các nhạc sĩ cũng nổi tiếng sau này như Đỗ Thế Phiệt, Nguyễn Văn Huấn, Nguyễn Văn Ngạc, Nguyễn Hiền, Tu Mi-Đỗ Mạnh Cường.
Sau khi tốt nghiệp tiểu học, ông thi đậu vào trường Bưởi (tiền thân của trường Trung học Chu Văn An sau này). Cũng năm đó, ông tham dự đơn ca ở Nhà Hát Lớn Hà Nội. (Đó là chương trình tuyển lựa ca sĩ xen giữa các màn kịch, do cố nhạc sĩ Thẩm Oánh phụ trách)
Vẫn trong lãnh vực âm nhạc, sau này, ông còn được nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ hướng dẫn thêm một thời gian.
Năm 1940, nhạc sĩ Ngọc Bích được mời qua Côn Minh, Trung Quốc, trình diễn.
Năm 1942, theo cố nhạc sĩ Nguyễn Hiền thì Ngọc Bích là nhạc sĩ Việt Nam trẻ nhất được ban giám đốc của vũ trường Takara, ở khu phố Khâm Thiên mời tham gia ban nhạc của họ. Đó là khiêu vũ trường đầu tiên, chơi nhạc sống tại Hà Nội.
Giữa năm 1942, khi vừa bước vào năm thứ hai, bậc cao đẳng tiểu học, ông rời trường Bưởi để chuyên tâm theo con đường âm nhạc.
Năm 1943, ông lại cùng một ban nhạc lớn của Hà Nội sang biểu diễn tại Côn Minh, giúp vui cho lực lượng Đồng Minh ở thành phố này.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ năm 1945, nhạc sĩ Ngọc Bích tham gia kháng chiến ở Liên Khu 3, cùng với người bạn học cũ là nhạc sĩ Nguyễn Hiền.
Theo nhạc sĩ Phạm Duy thì trong thời gian ở Lào Kai, họ Phạm cũng đã có dịp hát chung với nhạc sĩ Ngọc Bích tại quán Biên Thùy và hai người còn sinh hoạt chung với nhau ít năm sau đó.
Nhạc sĩ Ngọc Bích bắt đầu sáng tác từ năm 1947. Ông khởi đầu sự nghiệp âm nhạc của mình với các ca khúc viết theo nhịp swing và blues. Hai thể điệu được coi là rất mới lạ thời đó.
Trong những năm đầu của thập niên 1950, một số nhạc phẩm của ông đã được nhiều người ưa thích, khi những ca khúc ấy được giới thiệu trên Đài Phát Thanh Hà Nội...
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền cho biết, thời gian kháng chiến chống Pháp là khoảng thời gian nhạc sĩ Ngọc Bích sáng tác được nhiều tình ca giá trị nhất. Những tình khúc như “Khúc Nhạc Chiều Mơ,” “Thiếu Nữ Trên Mây Ngàn” (tức “Bông hoa rừng”), “Lời Hẹn Xưa,” “Con Đò Đưa Xác, “Thuở Trăng Về,” “Đêm Trăng Xưa,” “Bến Đàn Xuân,” “Đôi Chim Giang Hồ,” “Dưới Trăng Thề”...
Nhạc sĩ Phạm Duy lại cho biết, cũng với nhịp điệu swing và blues, Ngọc Bích đã dùng cho những bài ca phục vụ kháng chiến như “Say Chiến Công,” “Bà Già Giết Giặc”...
Thất vọng trước những dấu hiệu cho thấy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã bị những người cộng sản lợi dụng, chi phối, năm 1949, Ngọc Bích rời bỏ chiến khu, trở về Hà Nội.
Cùng với làn sóng người di cư từ miền Bắc vào miền Nam, năm 1954, nhạc sĩ Ngọc Bích vào Sài Gòn. Ban đầu ông làm việc tại các nhà hàng có ca nhạc, sau đó để tránh bị đi lính, ông xin đồng hóa vào quân đội, phục vụ tại Đài Phát Thanh Quân Đội.
Ở miền Nam, ông tiếp tục sáng tác và chơi nhạc cho các ban nhạc thuộc đài phát thanh Pháp Á, đài Sài Gòn, đài Quân Đội.
Mặt khác, ông cũng là một thành viên được nể trọng trong những ban nhạc chơi cho các vũ trường, trên sân khấu đại nhạc hội ở các rạp chiếu bóng...
Tháng 4 năm 1975, di tản khỏi Sài Gòn, tới Hoa Kỳ, nhạc sĩ Ngọc Bích chọn định cư tại miền Nam Cali. Tại đây ông tham gia nhóm AVT hải ngoại do nhạc sĩ Lữ Liên đứng đầu cùng với nhạc sĩ Vũ Huyến (tác giả ca khúc, “Cô Hàng Nước”...)
Sau đó ban AVT cùng Thúy Liễu, vợ của nghệ sĩ Lữ Liên, thành lập ban thoại kịch Gió Nam, đã hợp cùng đoàn nghệ sĩ của cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ qua Âu Châu trình diễn rất sớm, chỉ một năm sau biến cố tháng 4, 1975.
Năm 1988, khi nhạc sĩ Nguyễn Hiền đến Hoa Kỳ, Ngọc Bích và Nguyễn Hiền cùng các nhạc sĩ bạn như Nguyễn Lưu, Phi Hùng... thành lập ban Saigon Band, với tham vọng vực dậy sinh hoạt âm nhạc có tính chính quy ở quê người.
Sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Hiền từng nhấn mạnh rằng bạn ông, nhạc sĩ Ngọc Bích là một người rất cẩn trọng trong lĩnh vực sáng tác. Ông quan tâm rất nhiều về cách sử dụng các âm giai, cung bậc sao cho thích hợp với nội dung của từng ca khúc.
“Mặc dù ông là người du nhập hai thể điệu swing và blues coi như rất sớm vào nền tân nhạc Việt. Nhưng ở một mặt nào khác, ông cũng là người chủ trương né tránh tối đa những quãng cách mang tính phương Tây. Ông luôn cố gắng gìn giữ, duy trì bản sắc Việt Nam trong nhạc của mình... Ông rất sợ nhạc của ông nghiêng nặng khuynh hướng tây phương...” Nhạc sĩ Nguyễn Hiền nói.
Tác giả “Khúc Nhạc Tương Tư,” Nguyễn Ngọc Bích từ trần ngày 15 tháng 10, năm 2001 tại miền Nam Cali.
Ông mất đúng một tuần sau khi tham dự đám tang nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ ở thành phố Westminster, quận hạt Orange County!
Tuy nhạc sĩ Ngọc Bích là người được nhiều nhạc sĩ cùng thời đánh giá cao qua nhiều sáng tác, với nhiều thể loại khác nhau. Ông cũng là nhạc sĩ được mời chơi cho vũ trường đầu tiên ở Hà Nội và xuất ngoại khi còn rất trẻ... Nhưng trong đời thường, những người biết ông, đã có chung một nhận xét:
- Bản chất ông là người lặng lẽ tới khép kín!
Sự khép kín hay lặng lẽ của tác giả “Con Đò Đưa Xác” đã dẫn tới nhiều thắc mắc nơi nhiều bằng hữu của ông.
Những người này kể rằng, sinh thời, vì có tài, lại nổi tiếng sớm nên nhạc sĩ Ngọc Bích được rất nhiều phụ nữ săn đón. Vậy mà tác giả “Trở Về Bến Mơ” với những ca từ não lòng người như:
“Nghẹn ngào niềm nhớ nhau
“Thương xót ai trăng sầu bên mái lầu!
“Hay đớn đau vì câu hẹn kiếp sau!
“Trăng ứa màu lệ dâng ướt ngàn sao!”
Đã không hề đáp ứng tình cảm của những người nữ đó. Chính sự kiện này đã khiến dư luận một thời, đặt câu hỏi, “Phải chăng nhạc sĩ Ngọc Bích khép kín trái tim ông vì một mối tình oan trái nào đó?”
Chung quanh chuyện tình bí ẩn một đời của nhạc sĩ Ngọc Bích
Theo một vài nhà nghiên cứu 20 năm tân nhạc miền Nam, thì song song với dòng chảy tình ca sinh động, mới mẻ, ở những phần còn lại của lãnh vực sáng tác ca khúc, người ta có thể chia thành nhiều thời kỳ. Đại để như:
-Thời kỳ 1955-1960, là thời gian được mùa của những ca khúc nhắm tới quê hương miền Bắc của hơn 1 triệu người di cư vào miền Nam. Đây cũng là thời kỳ nền tân nhạc miền Nam đề cập tới sự hình thành một xã hội mới, ở phần đất mới của quê hương.
Tiêu biểu cho thời kỳ này, ta có thể nhắc tới ca khúc “Giấc Mơ Hồi Hương” của Vũ Thành, “Khúc Nhạc Ly Hương” của Lâm Tuyền, “Thương Về 5 Cửa Ô Xưa” của Y Vân, “Sầu Ly Hương” của Lam Phương, “Nỗi Lòng Người Đi” của Anh Bằng...
Trong khi những ca khúc nói về sự hình thành hay hứa hẹn một xã hội mới, một niềm tin yêu, hy vọng nơi vùng đất mới, có thể kể tới những ca khúc như “Nắng Đẹp Miền Nam” (của Hồ Đình Phương & Lam Phương), “Hò Leo Núi” của Phạm Đình Chương, “Khánh Hội Và Em” của Phan Hồng Sơn, “Gạo Trắng Trăng Thanh” của Hoàng Thi Thơ...
Kế tiếp là thời kỳ mà một số nhạc sĩ quen gọi là phong trào “nhạc chiến dịch”, khi chính quyền của nền Đệ Nhất Cộng Hòa phát động những chiến dịch như chiến dịch bình định những vùng trước 1954 thuộc quyền kiểm soát của chính quyền CS Hà Nội; chiến dịch tiêu diệt các giáo phái; cổ võ quốc sách tòng quân nhập ngũ...
Ở giai đoạn này có những ca khúc được nhiều người biết, như “Anh Đi Chiến Dịch” của Phạm Đình Chương, “Tình Quê Hương” của Đan Thọ (phổ thơ Phan Lạc Tuyên) “Chiều Biên Khu” và “Hoa Soan Bên Thềm Cũ” của Tuấn Khanh...
- Sau đó là thời kỳ nền tân nhạc của miền Nam nói nhiều về tình yêu trong chiến tranh và những ca khúc phục vụ cho chiến dịch “Chiêu Hồi” của chính phủ. Đó là giai đoạn 1960-1970.
- Cuối cùng, giai đoạn 1970 tới tháng 4, 1975, là thời kỳ tân nhạc miền Nam được mùa với những ca khúc trực tiếp nói về sự leo thang của chiến tranh, chết chóc, hy sinh...
Ở thời kỳ này có hai khuynh hướng đối chọi nhau, nhưng cùng được giới thưởng ngoạn đón nhận... Đó là khuynh hướng ca ngợi những hy sinh tổn thất của miền Nam, của người lính VNCH. Điển hình như một số ca khúc của Trần Thiện Thanh, Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng... Hoặc chống chiến tranh của Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Phạm Thế Mỹ, Phạm Duy...
Ngay dòng chảy của tình ca thuộc 20 năm tân nhạc miền Nam, cũng là một dòng chảy khác. Sự thay da đổi thịt của tình ca, là một đổi thay quyết liệt: Từ giai điệu tới ca từ.
Bản chất tình khúc, trước sau vẫn có một mẫu số chung: Lãng mạn. Nhưng chất lãng mạn của giai đoạn này, ở miền Nam đã không còn lầy lội trong bi lụy, tuyệt vọng, cùng đường.
Ngôn ngữ được các nhạc sĩ viết tình ca sử dụng, cũng là thứ ngôn ngữ ít nhiều trực tiếp phản ảnh thời đại; với những tự do phóng dật, những triết lý mang tính thời thượng và, những cái tôi đặc thù, cá biệt (trở thành chung). Chúng không còn bóng gió xa xôi, với những sáo ngữ mông lung, mơ hồ nữa.
Trước biến chuyển tận gốc kể trên, một số nhà nghiên cứu nền tân nhạc Việt Nam cho rằng, nhạc sĩ Ngọc Bích đã từ chối tham dự vào chuyển động lớn của biển sóng tân nhạc Việt (?) Hoặc ông không thích hợp với những hăm hở trẻ trung, của nhịp đập có phần gấp gáp, sôi động của trái tim miền Nam (?)
Tôi nghĩ, không ai có thể cho chúng ta câu trả lời rõ ràng về trường hợp của nhạc sĩ Ngọc Bích, ngoại trừ chính ông. Dù cho sau năm 1954, ở Saigon, ông có viết một số ca khúc như “Nắng Mới” “Tiếng Hát Bình Minh” hoặc “Đón Gió Mới”... Nhưng thực tế cho thấy ông không thành công lắm.
Nói cách khác, giai đoạn huy hoàng nhất của sự nghiệp âm nhạc Ngọc Bích là những năm trước 1954.
Ở thời kỳ này, ngay cả những ca khúc viết cho nhu cầu kháng chiến chống Pháp, sáng tác của ông, cũng được đón nhận nồng nhiệt. Thậm chí ca khúc có tính tuyên truyền kích động lòng yêu nước, mang tên “Bà Già Giết Giặc” của ông - - Kể chuyện một bà cụ khi nhận nấu cơm cho lính Pháp, đã lén bỏ thuốc độc vào nồi cơm, khiến tất cả toán lính Pháp này ngộ độc và chết hết sau đó.
Sự phổ cập của ca khúc này rộng lớn tới mức cụm từ “bà già giết giặc,” sau đó đã trở thành một thứ “thành ngữ” mà hôm nay, nhiều người còn dùng khi muốn nói tới một phụ nữ lớn tuổi nhưng vẫn có khả năng làm những việc mà nhiều người trẻ không dám...
Nếu nhạc sĩ Ngọc Bích từng có một thời kỳ thành công rực rỡ với cả hai thể loại tình khúc và ca khúc phục vụ nhu cầu chính trị giai đoạn thì, trong đời sống riêng, ông lại là người gần như hoàn toàn bí ẩn!
Trên trang mạng Bách Khoa toàn thư mở Wikipedia, phần tiểu sử nhạc sĩ Ngọc Bích ghi rằng, nhạc sĩ Ngọc Bích lập gia đình với ca sĩ tên Lệ Nga Ông có một con trai tên Kim Ngọc với người phụ nữ này.
Nhưng bài viết nhan đề “Ngọc Bích qua con mắt Phạm Duy” lại có một đoạn nguyên văn như sau:
“... Ngọc Bích khi tới Mỹ, cùng với Vũ Huyến trở thành 2 ca sĩ trong bộ ba AVT. Cùng với Lữ Liên họ được mời đi hát nhiều nơi trên đất Mỹ. Họ còn được tham gia vào đoàn văn nghệ Hoàng Thi Thơ, đi lưu diễn Châu Âu, Châu Phi... Đó là chưa kể với khả năng đánh bass, kéo accordion, đánh keyboard, Ngọc Bích luôn luôn có 'show' để có tiền thù lao, đủ nuôi sống anh chàng nghệ sĩ trường kỳ độc thân này.”
Sinh thời, cố nhạc sĩ Nguyễn Hiền, vốn thân thiết với nhạc sĩ Ngọc Bích từ những ngày ở Hà Nội, cũng nhiều lần đề cập tới cuộc sống một mình của tác giả “Khúc Nhạc Tương Tư.”
Trước hai tư liệu trái nghịch này, những người quan tâm tới nhạc sĩ Ngọc Bích không biết sự thật nằm phía nào.
Như đã nói, cố nhạc sĩ Ngọc Bích có một đời sống khá bí ẩn. Ông gần như không tâm sự với ai, về phần đời tình cảm riêng của mình. Ông cũng không tiết lộ với ai về linh hồn hay, nguồn cảm hứng từ người nữ hoặc mối tình nào, giúp ông đã để lại hôm nay, những tình khúc đẫm ngất đau thương, bằn bặt chia lìa kia. Như:
“Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung - Người yêu thoáng qua trong giấc mộng - Vui nguồn sống mơ - Những ngày mong chờ - Trách ai đành tâm hững hờ!...
“Hãy trả lời lòng anh mấy câu - tình duyên với nhau trong kiếp nào - Xuân còn thắm tươi - Anh còn mong chờ - Ái ân kẻo tàn ngày mơ.” (Mộng Chiều Xuân)
Hay:
“Chiều vàng rơi trong khúc nhạc tương tư - Đời phiêu lãng sống những ngày mong chờ - Thấu tình ta chăng hỡi người phương xa - Cung đàn theo với lòng thiết tha -... - Lòng sầu lên trong những ngày cô đơn - Mùa xuân đến với mối tình âm thầm - Bóng huyền chưa phai, hỡi người ngây thơ - Mong chờ trong khúc nhạc ái ân.” (Khúc Nhạc Tương Tư)
Hoặc nữa:
“Ngày nào một giấc mơ - Đâu những đêm trăng mờ ai ngóng chờ - Khi áng mây thành thơ nhẹ gió đưa - Theo tiếng đàn thuyền mơ tìm bến xưa - Một chiều mùa chiến chinh - Xuân ngát hương thanh bình say mối tình - Khi ánh trăng về vui đời thắm xinh - Bóng dáng huyền thầm mơ lúc tuổi xanh.” (Trở Về Bến Mơ)
Trong khi đó, theo nội dung cáo phó đăng tải trên một vài tờ báo xuất bản tại quận hạt Orange County sau ngày 15 tháng 10, năm 2001 (ngày nhạc sĩ Ngọc Bích từ trần), thì phần “tang gia” ghi:
“Nguyễn Kim Dũng, con trai, và gia đình”...
Nói cách khác, chẳng những không có tên bà Lệ Nga mà cũng không có tên Kim Ngọc, như tài liệu đăng tải trên trang mạng Wikipedia.
Tuy nhiên, sự kiện này, đối với những người ái mộ nhạc sĩ Ngọc Bích, vẫn đã là một niềm vui đáng kể. Vì: “Bề gì, nhạc sĩ Ngọc Bích cũng đã có người nối dõi.”
Tóm lại, nếu có những cái chết giống như sự chấm dứt một chương sách, hay sự gia tăng âm vực, làm bật lên nét đẹp đoạn coda một ca khúc thì, cũng có những cái chết lại bật lên những câu hỏi mà trước đó, chưa một ai lên tiếng.
Cái chết của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Bích ở trường hợp thứ hai.
Tôi muốn nói tới sự kiện bất ngờ, một sự kiện không ai chờ đợi, không ai tiên liệu. Nhưng nó đã xảy ra!
Đó là sự kiện nhân giỗ 49 ngày của cố nhạc sĩ Ngọc Bích, một người em của ông, từ tiểu bang khác về Cali, dự lễ giỗ anh mình.
Giữa không khí tưởng niệm giới hạn trong tình thân đầy ngậm ngùi, xót thương kẻ vắng mặt, ông nói:
“Anh Bích tôi sáng tác không nhiều. Nhưng nhan đề ca khúc nào của anh tôi, nếu không có chữ ‘mộng,’ thì cũng có chữ ‘mơ’ và, gần như quá nửa những sáng tác ấy, có chữ ‘xuân.’ Chữ ‘xuân’ không có ngay nơi nhan đề thì cũng có đâu đó, trong bài hát.
“Ngày xưa, có lần tôi đã hỏi anh Bích tôi rằng, tại sao anh thích mấy chữ đó quá vậy? Bộ anh không thể lựa cho nhan đề nhạc của anh một chữ nào khác hay sao? Thì, mặt anh tôi sa sầm xuống. Anh trả lời tôi bằng cái nhìn lặng lẽ. Chịu đựng.
“Cái nhìn lặng lẽ của anh ấy khiến tôi bắt rùng mình! Từ đó, không bao giờ tôi dám hỏi thêm.
“Về chuyện di tản thì anh Bích tôi, theo đài Mẹ Việt Nam di tản tới đảo Phú Quốc, nhiều ngày trước ngày 30 tháng 4. Chúng tôi kẹt lại Saigon, nhiều năm sau mới vượt biên đi thoát.
“Tôi nhớ đâu khoảng một hai ngày trước 30 tháng 4, giữa lúc Saigon cực kỳ hỗn loạn, chúng tôi nhận được một bức thư tay, gửi cho anh Bích, do ai đó đem tới tận nhà. Khi ấy anh Bích tôi đã đi mất tiêu. Cá nhân tôi cũng không hy vọng gì gặp lại anh. Tuy vậy, tôi vẫn thấy trường hợp nào thì cũng nên biết lá thư nói gì. Cuối cùng tôi là người đọc...
“Đó là lá thư của một người đàn bà tên Xuân. Viết rất vắn tắt. Khó hiểu.
“Đại ý lá thư bảo anh Bích tôi ở lại chờ bà ấy. Bởi vì mọi chuyện đã đổi khác.”
Trong lá thư, tôi nhớ có câu:
“ ‘Đã tới lúc chúng ta có thể sống đời sống thật chứ không còn là giấc mơ nữa.’
“Nhiều năm sau, gặp lại anh Bích ở Mỹ, tôi kể lại câu chuyện và cho anh biết, tôi vượt biên, bị cướp sạch sẽ! Ngay quần áo tôi cũng không còn, nói chi bức thư...
“Anh tôi im lặng. Tôi nghĩ anh thông cảm hoàn cảnh của tôi.
“Nhưng chẳng vì thế mà anh nói với tôi một lời nào, về người đàn bà kia.
“Bởi thế, trước vong linh anh tôi ở đây hôm nay, tôi không dám thêm thắt điều gì... Tôi muốn nói là tôi không biết, có phải đó là người đàn bà trong những bản nhạc của anh tôi hay không!”
Dù cho tới hôm nay, không một ai trong chúng ta có câu trả lời rõ ràng về linh hồn hay nguồn cảm hứng của những tình khúc, như những hạt ngọc mà, cố nhạc sĩ Ngọc Bích đã lưu lại cho chúng ta. Nhưng, chúng ta cũng không nên quên rằng, không phải bất cứ một nghệ sĩ nào khi mất đi, cũng để lại cho hậu thế, những món nợ tinh thần to lớn, như trường hợp tác giả “Mộng Chiều Xuân,” Ngọc Bích.
Tôi muốn nói, cách gì, ông cũng đã tận hiến đời ông, cho một Việt Nam. Bất diệt. Và, chúng ta, trải qua nhiều thế hệ, đã nợ ông. Món nợ tinh thần lớn và, những câu hỏi, sẽ vĩnh viễn không có câu trả lời thỏa đáng, cho chúng ta, những người yêu mến tài năng ông.
(3 tháng 5, 2010)