Nguyễn Đình Nghĩa - Tiếng Sáo Thần
Trong sinh hoạt cổ nhạc Việt Nam, nếu chúng ta có một giáo sư Nguyễn Hữu Ba, khi mới vừa 18 tuổi đã áp dụng hệ thống ký âm pháp Tây phương vào cổ nhạc Việt; sau đấy, ông cũng là người lập Viện Tỳ Bà nhằm phục hưng nền quốc nhạc (1); hoặc chúng ta có một nhà đồ cổ học nổi tiếng, Vương Hồng Sển, với trên 800 cổ vật ông sưu tập được, mà độc đáo nhất là đồ gốm men xanh, trắng thuộc các thế kỷ 17, 18 và 19 (2); hay chúng ta có một Trần Quang Hải, một đời đắm chìm trong nỗ lực sưu tầm, tìm hiểu công dụng, cách sử dụng các nhạc cụ cổ xưa để giới thiệu với thế giới;… thì, chúng ta cũng có một Nguyễn Đình Nghĩa, bậc thầy của các loại sáo trúc và đàn T’Rưng.
Khác hơn những người vừa kể, nơi Nguyễn Đình Nghĩa là một phối hợp tuyệt vời giữa hai con người. Con người nghệ sĩ trình diễn, trung tâm của những ánh đèn nhiều nghìn watts, nơi những tiền trường sân khấu đông, tây: và con người nghiên cứu, sáng tác.
Được biết, họ Nguyễn đã mang tiếng sáo của ông tới những quảng trường đua tranh quốc tế ngay tự khi ông còn rất trẻ.
Nguyễn Đình Nghĩa đã khiến những tên tuổi lừng lẫy, những chọn lọc cử tọa ở những quảng diễn tại Paris, Bangkok, Manila, Singapore, Cambodia, Laos, phải đứng dậy khi anh trình tấu “Phụng Vũ,” một tổ khúc cổ của triều đình Việt Nam, soạn cho tiêu sáo, bị thất truyền từ hàng trăm năm trước. Ông và những đứa con âm nhạc ưu tú, mang dòng họ Nguyễn của ông, cũng đã khiến cho những cử tọa chọn lọc của những trình diễn quốc tế ở New York, ở Maryland, phải nghiêng mình khi ông độc tấu sáo Mèo, Sáo Tiểu, độc tấu đàn T’Rưng và sáo Ensen cùng với sự phụ họa của những thành viên trong gia đình của mình…
Phải nói nghệ thuật Việt Nam, được thế giới biết đến như một thứ nghệ thuật của một dân tộc có chiều dầy lịch sử gần năm nghìn năm, một phần nhờ nơi tài năng và trí tuệ Nguyễn Đình Nghĩa.
Chúng ta sẽ không thể thuyết phục được một ai, nếu chúng ta mang vác niềm tự hào gần năm nghìn năm lập quốc mà, không có một trưng dẫn cụ thể.
Chúng ta sẽ không thể khiến một ai lắng nghe, tin tưởng nơi độ dầy lớn lao của truyền thống văn hóa lạc Việt một khi chúng ta không thể trưng dẫn, trình diễn trước thế giới, những nhạc cụ cổ truyền vốn đã ăn ở, đã nuôi nấng tinh thần tổ tiên chúng ta, từ bao nghìn năm trước.
May mắn thay, vinh dự thay cho chúng ta, khi chúng ta có được một Nguyễn Đình Nghĩa và, những đứa con của ông. Chính Nguyễn Đình Nghĩa, với cây sáo cổ truyền của Việt Nam, đã mang lại niềm hãnh diện cho Cộng đồng Việt tị nạn, khi họ Nguyễn được trao giải thưởng cao quý: Giải “The Indivisual Artist Award,” từ tay Thống đốc tiểu bang Maryland, năm 1994, trong một cuộc thi quy tụ hầu hết những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của tiểu bang này. Đó là cuộc thi “The Best Musician of the Musical Instruments Performance.”
Bên cạnh con người nhạc sĩ trình diễn chói lòa tại các sảnh đường nghệ thuật thế giới, Nguyễn Đình Nghĩa còn là một nhạc sĩ có công tái tạo và cải biến những nhạc khí cổ truyền của đất nước Việt Nam nữa.
Điển hình, trong thời gian chờ đợi giấy tờ đi định cư Hoa Kỳ, Nguyễn Đình Nghĩa đã bỏ ra 9 năm sống với đồng bào Việt gốc Bahar và Rader ở cao nguyên trung phần để nghiên cứu âm nhạc cổ, các loại nhạc khí cổ mà đồng bào Việt gốc Bahar còn lưu truyền.
Kết quả họ Nguyễn đã tìm lại được chiếc đàn T’Rưng và, năm 1981, ông đã thành công trong nỗ lực cải tiến chiếc đàn này. Ông nâng tổng số ống chia âm độ của cây đàn T’Rưng lên tới con số 51 ống. Nhờ thế mà quãng cách khả dụng của chiếc đàn T’Rưng đã lên tới 4 bát độ. Trước đấy, ông cũng thành công trong nỗ lực cải tiến sáo trúc từ 6 lỗ bấm ra 11 lỗ, 16 lỗ, để có thể trình tấu các loại nhạc mà không ảnh hưởng đến đặc tính của cây sáo nguyên thủy.
Tháng 7 năm 1984, Nguyễn Đình Nghĩa và gia đình tới Hoa Kỳ, cùng với cây đàn T’Rưng đã được ông nâng cấp…
Tôi không biết người nhạc sĩ tài hoa của chúng ta, “cây sáo thần” của Việt Nam trước khi từ trần đã mang theo ông về thế giới bên kia, bao nhiêu mơ ước, bao nhiêu sở nguyện chưa hoàn tất? Nhưng, có một sở nguyện lớn của họ Nguyễn, được nhiều người biết là, sinh thời, ông nuôi tham vọng tìm được và, dựng lại toàn bộ chiếc đàn được coi là cổ xưa nhất của Việt Nam đó là chiếc “Đàn Đá Nước.” Trong chỗ riêng tư, đôi lần ông từng tâm sự rằng, theo kết quả dò hỏi của riêng mình, ông được biết, các quốc gia như Pháp, Mỹ và Việt Nam, mỗi nơi hiện lưu giữ được một ít mảnh…
Bên cạnh những thao thức khôi phục nền cổ nhạc của dân tộc, để chứng minh với thế giới, ít nhất trong lãnh vực âm nhạc, dân tộc Việt có một lịch sử đáng kể, nếu không muốn nói là đáng được ngưỡng mộ, họ Nguyễn thời còn ở trong nước, cũng như khi đã ra tới nước ngoài, dường như chưa có một thời gian nào, ông ngưng hoạt động, từ nghiên cứu, sưu tầm, tới những nỗ lực không ngừng làm mới ở lãnh vực trình diễn, cũng như thu âm.
Những người yêu quý tài năng và trí tuệ Nguyễn Đình Nghĩa còn nhớ năm 1996, họ Nguyễn đã cho ra đời đĩa nhạc “The Magic Flute, Nguyễn Đình Nghĩa & Family in Concert.”
Gần như ngay tức thì, dư luận báo chí, truyền thông Hoa Kỳ ở vùng đông bắc Mỹ đã đánh giá đĩa nhạc đó của Nguyễn Đình Nghĩa và các con, là một tác phẩm có giá trị rất lớn về phương diện trình tấu nhạc cụ cổ truyền Việt Nam. Có tờ báo không ngần ngại cho rằng nhờ đĩa nhạc “The Magic Flute, Nguyễn Đình Nghĩa & Family in Concert” mà những người Mỹ quan tâm tới lịch sử nền nhạc cổ truyền Việt Nam, hiểu độ sâu và mức cao của dòng nhạc dòng phong phú, lãng mạn này.
Nguyễn Đình Nghĩa nổi tiếng sớm, nhưng đa số chúng ta không biết nhiều về tiểu sử của ông. Mãi khi ông từ trần ngày 22 tháng 12 năm 2005, tại tiểu bang Maryland, thì những chi tiết về tiểu sử của “tiếng sáo thần Nguyễn Đình Nghĩa” mới được những người có lòng, bỏ công sưu tầm, biên soạn.
Dưới đây là một vài nét chính về tiểu sử của nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa được ghi lại trên một số trang nhà, do trang mạng Bách khoa toàn thư mở Wikpedia phổ biến:
Theo giấy tờ thì nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa sinh 1943, nhưng sự thực ông sinh năm 1940, ngày 5 tháng 10. Thuở nhỏ ông được gia đình cho theo học chương trình Pháp, rất sớm ông đã cho có cảm ứng mãnh liệt với nhạc Việt. Cũng ngay khi còn tấm bé ông được trau dồi nghệ thuật thổi sáo, từ một nhạc sĩ người Trung Hoa. Từ bước khởi đầu này, không lâu sau, Nguyễn Đình Nghĩa được nhiều người biết đến qua tài nghệ sử dụng tiêu, sáo, đàn tranh, đàn bầu…Cuối thập niên (19)60, ông mở lớp, và xuất bản sách sử dụng tiêu, sáo…
Không ít học viên theo học ông, cũng đã trở thành những nhạc sĩ trình diễn có hạng, sau này. Tính đến trước tháng 4-1975, ông cũng là giáo sư thỉnh giảng về nhạc cổ Việt Nam tại các trường Quốc Gia Âm Nhạc và Đại Học Vạn Hạnh. Trước đó, ông cũng thành công trong nỗ lực cải tiến sáo trúc từ 6 lỗ bấm ra 11 lỗ, 16 lỗ, để có thể trình tấu các loại nhạc mà, không làm đặc tính của cây sáo nguyên thủy.
Trong các năm 1994, 1998, 2000, 2002, nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa đã được trao tặng giải thưởng “Nghệ sĩ xuất sắc” của Hội Đồng xét định Maryland State Council, tiểu bang Maryland.
Tưởng cũng nên lập lại rằng, ông cùng gia đình trình diễn tại hàng trăm hý viện nổi tiếng ở Hoa Kỳ cũng như Canada. Đó là các hý viện như Wolf Trap, Kennedy Center, Carnegie Hall, New York, Liberty of Congress tại Washington DC, International Folk Festival V.V…
Một người con của nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa cho biết, trước khi gặp biến cố tai biến mạch máu não, (ngay trên sân khấu American History of Nature Museum” New York, ngày 11 tháng 5 năm 2003,) ông đã chuyển hóa tâm để vào cõi giới Thiền, với những ca khúc như “Cầu vồng ngũ sắc,” “Hành vân,” Lời một dòng sông,” vốn là một bài kệ của vua Lý Thái Tôn…
Nếu thỉnh thoảng chúng ta được nghe hay, đọc được ở đâu đó cụm từ “…là một mất mát không gì thay thế được,” thì ghi nhận này, ứng hợp hoàn toàn với tài năng và trí tuệ Nguyễn Đình Nghĩa vậy.
Du Tử Lê,
(Feb. 2012.
_________
Chú thích:
(1) Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba sinh năm 1914 tại Triệu Phong, Quảng Trị. Ông mất năm 1997 tại Saigon.
(2) Học giả Vương Hồng Sển sinh năm 1902 tại Sóc Trăng. Ông mất năm 1996 tại Saigon.