Thanh Sơn và Phượng Vĩ, tiếng ve trong nhạc Việt
Bây giờ là tháng Chín. Mùa tựu trường. Cách gì thì những người trẻ ở khắp nơi trên thế giới, vẫn phải chia tay với mùa hè của họ. Chia tay ở đây, còn mang ý nghĩa, có thể có những học sinh theo gia đình di chuyển đi nơi khác. Họ sẽ tới những sân trường khác. Làm quen với những người bạn mới… Chia tay ở đây, cũng không loại trừ trường hợp vì lý do gì đó, họ chia tay trường lớp, sớm bước vào đời. Nhưng, mùa hè vẫn ở với họ, như một trong những gốc cây kỷ niệm vĩng cửu thời niên thiếu. Để từ đó, tương lai sẽ mọc thêm nhiều cành, nhánh thương yêu hay đoạn lìa khác.
Như hầu hết chúng ta, ai cũng có một thời… mùa hè. Dù cho mùa hè có (hay không) tiếng ve réo đỏ trên những cành phượng vĩ. Hay mùa hè nắng xót trên những cánh đồng nhấp nhô chân rạ, hoặc chai, nẻ núi, đồi…
Mùa hè, như thế đó, đã mặc nhiên cháy rực hoa phượng và, thấp thoáng những đường bay của tiếng ve không đứt đoạn trong văn chương, nghệ thuật Việt.
Dù mùa hè đã đi qua hay sẽ trở lại thì, những ca khúc vui tươi, nhảy nhót trên những đôi chân sáo, trong ca khúc “Hè về” của cố nhạc sĩ Hùng Lân, (1) vẫn nổi trôi theo những bước chân nhiều thế hệ:
“Trời hồng hồng sáng trong trong
Ngàn phượng rung nắng ngoài song
Cành mềm mềm gió ru êm
Lọc mầu mây bích ngọc qua mầu duyên
Đàn nhịp nhàng hát vang vang
Nhạc hoà thơ đón hè sang
Hè về trong khóm trúc mềm đầu bờ
Hè về trong tiếng sáo diều dật dờ
Hè về gieo ánh tơ…”
(“Hè về” – nhạc và lời Hùng Lân.) (2)
Tôi nghĩ, mùa hè ở đâu cũng có thể tràn ngập tiếng “đàn nhịp nhàng hát vang vang / nhạc hòa thơ đón hè sang!” Nhưng có dễ chỉ riêng Việt Nam, mùa hè mới có được những hàng phượng vĩ, phóng tay quệt những mảng sơn đỏ lên bầu trời xanh ngắt. Và, tiếng ve dệt những trường khúc ngày, đêm bất tận như chào mừng, cùng lúc níu chân thời gian hối hả…
Tuy nhiên, vẫn theo tôi, mùa hè trong nền tân nhạc miền Nam, 20 năm, không chỉ về trong “…khóm trúc mềm đầu bờ” hay trong “…tiếng sáo diều dật dờ” mà, mùa hè của ca khúc còn có những nỗi buồn đỏ thắm, không thua gì mầu hoa phượng; cũng chẳng kém gì tiếng ve khẩn khoản van nài thương yêu những khuya khoắt:
“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn,
chín mươi ngày qua chứa chan tình thương,
ngày mai xa cách hai đứa hai nơi
phút gần gũi nhau mất rồi,
tạ từ là hết người ơi.
“Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng,
biết ai còn nhớ đến ân tình không,
đường xưa in bóng hai đứa nay đâu,
những chiều hẹn nhau lúc đầu,
giờ như nước trôi qua cầu.
“Giã biệt bạn lòng ơi,
thôi nay xa cách rồi,
kỷ niệm mình xin nhớ mãi.
buồn riêng một mình ai,
chờ mong từng đêm gối chiếc,
mối u hoài này anh có hay?
“Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn,
cảm thông được nỗi vắng xa người thương,
màu hoa phượng thắm như máu con tim,
mỗi lần hè sang kỷ niệm,
người xưa biết đâu mà tìm.
(“Nỗi buồn hoa phượng”, nhạc và lời Thanh Sơn) (3)
Tôi không biết trên thế giới trước khi mùa hè tới, học sinh nam, nữ có trao nhau những cuốn sổ ghi lại kỷ niệm, tình bạn thời chung trường, chung lớp như thường thấy ở Việt Nam?
“Lòng xao xuyến mỗi khi hoa phượng rơi
Nhắc lại câu chuyện buồn
Trường còn kia ôi mái đổ tường rêu
Nơi kỷ niệm êm ái
Đâu dư âm của tiếng nói ngây thơ
Ngày hai đứa dìu nhau đến sân trường
Cùng đuổi bướm hái hoa trên cuối đường
Tiếng cười vạn tình thương
“Và thuở ấy biết bao nhiêu buồn vui
Gói trọn trong tuổi đời
Tình đẹp như trang giấy kết vần thơ
Như một nụ hoa trắng
Nhưng bao nhiêu yêu dấu đã phai mờ
Thời gian nỡ vùi chôn tuổi học trò
Người em gái mến thương nơi chốn nào
Bao giờ mình gặp nhau…”
(Trích “Lưu bút ngày xanh”, nhạc và lời Thanh Sơn). (4)
Nhưng hiển nhiên, qua những ca khúc của Thanh Sơn và, nhiều nhạc sĩ khác, mùa hè của tuổi trẻ Việt Nam, đã như một cửa gương lớn, đón nhận phấn, hương tình yêu chưa rõ mặt! Nó cũng là mùa của những cuộc chia tay, như một thứ dự báo nhiều đoạn lìa kế tiếp, mai sau…
Những chân trời khác, trong cõi nhạc Thanh Sơn
Tôi không biết, khi sáng tác ca khúc “Sắc Hoa Màu Nhớ”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có liên tưởng tới hai câu thơ quen thuộc, “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy / có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”của Hàn Mặc Tử (5):
“Hoa phượng rơi đón mùa thu tới
Màu lưu luyến nhớ quá thu ơi!
ngàn phượng rơi bay vướng tóc tôi,
xác tươi màu pháo vui
tiễn em chiều năm ấy…”
(Nguyễn Văn Đông, trích “Sắc hoa màu nhớ”) (6)
Nhưng, qua ca từ của ca khúc này, họ Nguyễn đã cho mùa hè / hoa phượng một nỗi buồn khác. Một cuộc chia tay khác. Nó mang ý nghĩa của một chấm dứt hoàn toàn trường lớp. Chấm dứt đời học trò, bằng một chuyến xe hoa (hay đò ngang)!
Tuy nhiên, người cho phượng vĩ / mùa hè nhiều gam màu nhất, vẫn là nhạc sĩ Thanh Sơn. Ông không chỉ có ca khúc “Nỗi buồn hoa phượng” mà, những ca khúc khác của ông viết về mùa hè, như “Lưu bút ngày xanh”, “Em vẫn nhớ trường xưa”, “Hạ buồn”, Thương Ca mùa hạ” v.v. những hoài niệm lung linh ánh sáng hoặc, bóng tối của tuổi học trò
Trong số những ca khúc được nhiều người tới giờ vẫn nhớ có bài “Ba tháng tạ từ”:
“Người ơi thắm thoát niên học hết rồi.
Chúc nhau cạn lời giây phút ly bôi.
Ngày mai tan trường mình không chung lối.
Thương nhau nhiều biết gửi về mô.
Kỷ niệm cũ tan vào hư vô.
“Cầm tay bốn mắt thương cảm nỗi sầu.
Tiễn đưa bùi ngùi phút cuối như nhau.
Đời không bao giờ hợp nhau mãi mãi.
Thương yêu rồi nỡ đành biệt nhau.
Để nhung nhớ muôn vạn ngày sau.
“Thôi nhé, từ đây cách xa trong đời.
Vẫn buồn theo tháng ngày trôi.
Nụ cười khô héo trên môi.
Mỗi lần, thấy phượng nở tim xao xuyến.
Bạn bè đâu chỉ ta một mình.
Nỗi buồn này đành câm nín…”
(Thanh Sơn, trích “Ba tháng tạ từ”) (7)
Tình yêu hay tấm lòng thắm thiết của Thanh Sơn dành cho tuổi học trò ở miền Nam, đã gắn bó với mùa hè tới độ, có người cho rằng, nói tới hoa phượng / mùa hè, phải nhớ tới nhạc Thanh Sơn.
Tuy nhiên, nếu chúng ta lãng quên những sáng tác khác trong sự nghiệp âm nhạc của cố nhạc sĩ Thanh Sơn, tôi cho là một khiếm khuyết đáng trách.
Bởi vì ngoài mảng nhạc dành cho sân trường, mùa hè, nhạc sĩ Thanh Sơn cũng có nhiều ca khúc dành cho quê hương, đất nước. Thí dụ những ca khúc như “Đôi lời cho Huế”, “Nhớ cánh cò’, “Bạc Liêu hoài cổ”, “Yêu dấu Hà Tiên”, hay “Trở lại thành phố sương mù”, “Như lục bình trôi” v.v… Về lãnh vực tình ca, ông cũng có những tình khúc được nhiều người biết đến như “Chuyện tình hoa bướm”, Đời hợp tan”, “Dối lòng”, hoặc “Hãy tìm nhau”, hay “Hương tình cũ” v.v…
Ở mảng tình ca, có lẽ tình khúc “Nhật ký đời tôi” là ca khúc đến nay, vẫn còn được nhiều người nhắc nhở nhất:
“Thôi, thế là thôi, là thế đó
dĩ vãng là thơ, đem thơ về ghép nhạc, thành khúc tình ca,
Thôi thế là thôi, là thế rồi,
hiện tại ước mơ nhiều,
cuộc đời rồi đây biết bao giờ mới được yêu.
“Ngược thời gian, trở về quá khứ phút giây chạnh lòng.
Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ân tình chỉ còn lại con số không.
Ai thương ai rồi, và ai quên nhau rồi,
trong suốt cuộc đời tương lai trả lời thôi.
“Một mùa xuân, năm nào hai đứa ngắm hoa đào rơi.
Lo cho số phận, lo cho duyên mình sẽ thành một kiếp hoa.
Sớm nở tối tàn, đời ai không một lần,
quen biết rồi thương, yêu nhau rồi lại xa…”
(Thanh Sơn, trích “Nhật ký đời tôi”) (8)
Chọn cho mình cách diễn tả đơn giản, bình dị như phong thổ, như bản chất Nam Bộ ở mọi dạng ca từ, nhạc của người nhạc sĩ tài hoa này đã dễ dàng đến với, lưu lại dư âm sâu đậm trong tâm hồn quảng đại quần chúng.
Được biết, nhạc sĩ Thanh Sơn từ trần ngày 4 tháng 4 năm 2012 tại Saigon. Những giây phút cuối cùng của tác giả “Nỗi buồn hoa Phượng”, “Nhật ký đời tôi”…được người bạn đời của ông, kể lại:
“… Ánh mắt buồn rười rượi, bà Lê Thị Hương cho biết: ‘Tui biết ông ấy yếu, cũng suýt ‘đi’ mấy lần rồi, nhưng không ngờ lại ra đi nhanh quá. Mới hồi trưa này, ông còn ăn một tô bún bò ngon lành, còn đòi ăn thêm mấy cái chả giò nữa nhưng tui sợ ăn dầu mỡ không tốt nên không cho. Thế mà…”
“Văng vẳng những bản nhạc của nhạc sĩ Thanh Sơn, xen lẫn tiếng kinh kệ siêu thoát, bà Hương nhớ lại giây phút cuối cùng được gần người chồng đã đầu ấp tay gối với bà gần 53 năm trên cuộc đời: ‘Ông ấy kêu đau. Tôi và mấy đứa con gọi bác sĩ đến mà không kịp. Lúc đau quá, ông còn nói với bác sĩ: Cứu tôi bác sĩ ơi, tôi mang ơn suốt đời. Tôi đâu có ở ác mà hành hạ tôi thế này. Ông nói đến đó, rồi gồng mình mạnh lên, tay buông xuôi…” (GDVN – Theo Wikipedia - Tiếng Việt.)
Tuy nhạc sĩ Thanh Sơn không còn nữa và, khoảng trống ông để lại cho gia đình, bằng hữu, những người yêu mến ông là, những khoảng trống không thể lấp đầy…
Nhưng, mùa hè, hoa phượng, tình ca quê hương và tình khúc của ông đã và sẽ còn sống mãi trong tâm hồn người thưởng ngoạn. Dù cho sân trường, phượng vĩ, tiếng ve đã qua đi, và có thể không bao giờ còn trở lại với đời thường của chúng ta nữa.
(Sept. 2013)
_______
Chú thích:
(1) Trang mạng Wikipedia (Tiếng Việt) cho biết, nhạc sĩ Hùng Lân tên thật là Hoàng Văn Cường. Nhưng do nhầm lẫn, giấy khai sinh ghi là Hoàng Văn Hường. Sau lại đổi là Hoàng Văn Hương. Ông sinh ngày 23 tháng 6 năm 1922 tại phố Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội, trong một gia đình theo đạo Công Giáo. Ông là người con thứ 4 trong gia đình có 11 anh chị em. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Nhạ, người Phủ Lý, Hà Nam. Cha ông vốn là người họ Nguyễn, tên thật là Nguyễn Văn Thiện, người làng Hương Điền (?), tỉnh Sa Đéc. Ông nội của ông là Nguyễn Minh Châu từ Sa Đéc ra Hà Nội làm việc, mang theo ông Thiện. Sau khi ông Châu trở về Sa Đéc thì gửi lại ông Thiện cho một người bạn ở Sơn Tây, là Hoàng Xuân Khoát. Về sau, ông Thiện được ông Khoát nhận làm con và cho đổi sang họ Hoàng. Từ đó, ông Thiện và các con sau này đều mang họ Hoàng.
(2) Theo trang mạng “dactrung.com”
(3) Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện, sinh ngày 1 tháng 5 năm 1938, tại Sóc Trăng. Ông là con thứ mười trong một gia đình có 12 anh chị em. Ông được học nhạc từ hồi tiểu học với nhạc sĩ Võ Đức Phấn; rồi với nhạc sĩ Lê Thương năm 1955 ở Sài Gòn. Năm 1959 ông ghi danh tham dự cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của Đài Phát Thanh Saigon. Đoạt giải nhất, ông được nhạc sĩ Hoàng Trọng mời hát trong ban Tiếng Tơ Đồng. Đây cũng là thời gian ông chập chững sáng tác ca khúc… "Tình học sinh" ca khúc đầu tiên của ông ra đời năm 1962, không nhận được nhiều chú ý. Năm sau (1963) "Nỗi buồn hoa phượng" ra đời, trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng nhất viết về mùa hè thời đó. Tiếp theo là những ca khúc viết về đề tài học sinh, và tình khúc của ông, được nhiều tầng lớp khán giả yêu thích. Ông đã viết trên 500 bài hát, với nhiều bài trở nên quen thuộc với công chúng. Năm 2011 ông bị tai biến mạch máu não khi đang cùng trung tâm Thúy Nga thực hiện cuốn Paris By Nigth 103: "Tình sử trong âm nhạc Việt Nam". Sau một thời gian điều trị ông qua đời lúc 14h30 ngày 4 tháng 4 năm 2012, tại Saigon. (Theo Wikipedia, Tiếng Việt).
(5)Trang mạng Wikipedia – Tiếng Việt cho biết: “Hàn Mặc Tử tên là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22/9/1912 ở Lệ Mỹ, Đồng Lộc, Đồng Hới và mất ngày 11/11/1940, hưởng dương có 28 tuổi thôi. Ông làm thơ từ năm 16 tuổi, lúc đầu có các bút danh là Phong Trần, Lệ Thanh, từ năm 24 tuổi mới lấy tên là Hàn Mặc Tử (Hàn Mặc có nghĩa là Văn chương). Ông mắc bệnh phong, khi đó chưa có thuốc chữa nên cuối đời theo Hoài Thanh và Hoài Chân thì Hàn Mặc Tử ‘đã sống trong một túp lều tranh phải lấy bì thư và giấy nhật trình che mái nhà cho đỡ dột. Mỗi bữa cơm đưa đến người không sao nuốt nổi được vì ăn khổ quá. Cảnh cơ hàn ấy và chứng bệnh kinh khủng đã bắt người chịu bao nhiêu phũ phàng, bao nhiêu ruồng rẫy. Sau cùng người ta vứt hẳn ra ngoài cuộc đời, bị giữ riêng một nơi, xa hết thẩy mọi người thân thích’. (Theo AloBacsi.vn - GS.TS Nguyễn Lân Dũng - Báo Nông nghiệp Việt Nam.)” Nđd.
(4), (6), (7), (8) Nđd.