Văn Phụng

16 Tháng Giêng 202212:11 CH(Xem: 1020)
Văn Phụng

Văn Phụng và di sản âm nhạc lớn

 

Trong lãnh vực văn học, nghệ thuật ở nơi nào, thời nào cũng có một số tên tuổi được xưng tụng như những đỉnh cao rực rỡ vì lý do phe phái, chính trị hay địa phương. Tính chất lộng giả thành chân, sự kiện phát hành bạc giả này, đôi khi kéo dài qua nhiều thế hệ. Những thế hệ kế tiếp, bị những bóng ma ám thị, đã nhắm mắt tung hê theo, vì sợ bị chê là kém… trình độ! Nhưng, mặt khác, cũng có những tài năng thực sự bị lãng quên, hoặc không được đánh giá đúng mức!

Một trong những tài năng lớn của hai mươi năm văn học, nghệ thuật miền Nam, chưa được đánh giá đúng mức, phổ cập rộng rãi quần chúng, là cố nhạc sĩ Văn Phụng. Di sản âm nhạc mà ông để lại cho thế hệ sau, là một di sản đồ sộ với nhiều thể tài, thể loại âm nhạc khác nhau. (1)

 

Từ loại nhạc vui tươi, trong sáng, qua tới loại nhạc chan chứa tình tự quê hương và, nhất là những tình khúc của Văn Phụng, từ trên dưới nửa thế kỷ qua, đã là những món ăn tinh thần đáng kể của người Việt ở cả hai miền Nam, Bắc.

 

Với hàng trăm ca khúc đã phổ biến, tính tới ngày người nhạc sĩ đa tài này từ trần, thì quá nửa số ca khúc của ông, có chỗ đứng rực rỡ trong tâm hồn người thưởng ngoạn. Chúng đã được thời gian khách quan đãi lọc. Những ca khúc của ông, trở thành những hạt ngọc thuộc về di sản âm nhạc của Việt. Con số đó rất lớn!

 

Tôi không biết có phải vì tài năng ngoại khổ của ông, bao trùm nhiều kênh, tuyến nghệ thuật khác nhau hay không mà, có rất nhiều sáng tác nổi tiếng của ông đã bị tưởng lầm là của tác giả khác!

 

Điển hình như ca khúc quen thuộc “Nhớ Bến Đà Giang”, có những câu như: “Ai qua bến Đà Giang/ Cho tôi nhắn vài câu/ Thương về mái tranh nghèo bên hàng cau/ Chia ly đã từ lâu/ Ôi mong ước làm sao/ Bao nhiêu bóng người thân mến năm nào/ Tôi thương mái chèo lơi/ Bên manh áo tả tơi/ Những người lái con đò trên dòng nước/ Ai xuôi bến Đà Giang Nghe trăng gió thở than/ Bâng khuâng ngắm dòng sông nước mơ màng/ Đà Giang nước biếc/ Thuyền theo sóng triền miên/ Người ơi, có nhớ? Lòng ta vẫn mong chờ/ Tôi mơ bến ngày xưa Bên đôi mái chèo đưa/ Nhịp nhàng gió ru hoà duyên tình nước/ Ai xuôi bến Đà Giang/ Ai qua chuyến đò ngang/ Cho tôi nhắn niềm thương nhớ dâng tràn…” Nhiều người không ngờ là của Văn Phụng. 

 

Cũng thế, với ca khúc “Trăng Sáng Vườn Chè” nhiều người có thể hát theo một cách dễ dàng: “Sáng trăng sáng cả vườn chè/ Một gian nhà nhỏ đi về có nhau/ Vì tầm tôi phải chạy dâu/ Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay/ Chồng tôi thi đỗ khoa này/ Bõ công kinh sử từ ngày lấy tôi./ Kẻo không rồi chúng bạn cười/ Rằng tôi nhan sắc cho người say sưa/ Tôi hằng khuyên sớm khuyên trưa/ Anh chưa thi đỗ thì chưa (thì chưa) động phòng…” Nhưng họ lại không biết Văn Phụng là tác giả!

 

Ở lãnh vực thơ phổ nhạc, Văn Phụng để lại cho đời 3 ca khúc nổi tiếng. Ngoài “Trăng Sáng Vườn Chè,” thơ Nguyễn Bính vừa kể, ông còn là tác giả của ca khúc “Các Anh Đi.” Ca khúc này, có những câu như: “Các anh đi, ngày ấy đã lâu rồi/ Các anh đi, đến bao giờ trở lại/ Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ trông/ Làng tôi nghèo nho nhỏ ven sông/ Gió bấc lạnh lùng thổi vào mái rạ/ Làng tôi nghèo gió mưa tơi tả/ Trai gái trong làng vất vả ngược xuôi (…)  Làng tôi nghèo xóm nhà tre/ Các anh về không chê làng tôi bé nhỏ/ Nhà lá đơn sơ... nhưng tấm lòng rộng mở/ Nồi cơm nấu đỗ, bát nước chè xanh/ ngồi vui kể chuyện tâm tình xa xôi…

 

Khi được hỏi về tác giả, có người quả quyết là Đan Thọ! (Nhạc sĩ Đan Thọ cũng để lại cho nền tân nhạc miền Nam 20 năm, nhiều ca khúc giáqtrị. Trong số, có ca khúc “Tình quê Hương” phổ từ thơ Phan Lạc Tuyên. Bài thơ tình cờ có cùng một nội dung với ca khúc “Các Anh Đi,” thơ Hoàng Trung Thông, nhạc của Văn Phụng.)

 

Văn Phụng cũng là tác giả ca khúc “Hôn Nhau Lần Cuối”, phổ từ một bài thơ khác, của Nguyễn Bính. Khi ca khúc này được phổ biến, những nốt nhạc tha thiết, chân thành, nâng giấc những lời thơ dỗ dành, an ủi, như những thề nguyền, ước hẹn không thể lãng mạn hơn, đã lấy đi rất nhiều nước mắt của những người nữ giầu tình cảm. Những người cùng hoàn cảnh hay, tự đặt mình vào không gian mà thơ Nguyễn Bính, nhạc Văn Phụng đã mở ra, phóng lớn, ngậm ngùi từng giây trong suốt cuộc chia ly nát ruột, đoạn bào:

 

Cầm tay, anh khẽ nói:/ Khóc lóc mà làm chi?/ Hôn nhau một lần cuối/ Em về đi, anh đi/ Em về đi anh đi/ Rồi  một, hai, ba năm/ Danh thành anh trở lại/ Với em, anh chăn tằm/ Với em, anh dệt vải/ Ta sẽ là vợ chồng/ Sẽ yêu nhau mãi mãi/ Sẽ xe sợi chỉ hồng/ Sẽ hát ca ân ái/ Anh và em sẽ sống/ Trong một mái nhà tranh/ Lấy trúc thưa làm cổng/ Lấy tơ liễu làm mành/ Nghe lời anh em hỡi/ Khóc lóc mà làm chi/ Hôn nhau một lần cuối/ Em về đi, anh đi/ Em về đi, anh đi…” 

 

Dĩ nhiên, tài hoa ngoại khổ của Văn Phụng, không chỉ ở ba ca khúc phổ thơ vừa kể mà, còn ở các lãnh vực khác.

 

Một trong những lãnh vực, theo tôi, cố nhạc sĩ Văn Phụng là người đi trước, tiên phong mở đường, ngay những ngày mới di cư từ Bắc vào Nam. Đó là sự ghi nhận với tất cả lòng biết ơn vùng đất mới: Miền Nam.

Còn nhớ, nếu những văn nghệ sĩ sinh trưởng ở miền Nam, không bị ảnh hưởng nhiều lắm, bởi hiệp định Geneva, chia đôi đất nước; thì ngược lại, đối với những văn nghệ sĩ vốn sinh trưởng ở miền bắc, lại là một cuộc động đất, có độ Richter cao ngất. Nó như một trận Tsunami khốc liệt. Gây chấn thương trầm trọng thân, tâm họ. Vì thế, ngay những năm tháng đầu tiên ở miền Nam, về phía văn xuôi, chúng ta đã có một “Đêm Giã Từ Hà Nội” của Mai Thảo. Phía âm nhạc, chúng ta có ca khúc “Giấc Mơ Hồi Hương” của nhạc sĩ Vũ Thành, với những ca từ như: “Lìa xa thành đô yêu dấu, một sớm khi heo may về/ Lòng khách tha hương vương sầu thương/ Nhìn “em” mờ trong mấy khói, bước đi nhưng chưa nỡ rời/ Lệ sầu tràn mi, đượm men cay đắng biệt ly…”

 

Hay Anh Bằng, với ca khúc “Nỗi Lòng Người Đi”: “Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu/ Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều/ Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ/ Ai đứng trông ai ven hồ khua nước trong như ngày xưa…” Cùng nhiều ca khúc khác nữa. Dù các nhạc sĩ này không trực tiếp nhắc tới hai chữ Hà Nội, trong sáng tác. Nhưng nội dung vẫn phản ảnh những đau đớn, tuyệt vọng của họ… Khi cuối cùng, họ phải chọn lựa lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, phần đất đã vun bồi, ươm giữ bao thành tựu tốt đẹp của họ.

 

Chỉ một người, tự bước chân thứ nhất trên phần đất mới, sớm ý thức được tấm lòng rộng mở của miền Nam, cảm nhận được những vỗ về thân ái của chín con rồng, chín dòng sông kia, là cố nhạc sĩ văn Phụng. 

 

Cũng chỉ mình ông, sớm ngỏ lời cám ơn miền Nam nhân ái, xởi lởi, bát ngát tình nghĩa đồng bào (như ruộng đồng miền Nam, bát ngát,) qua ca khúc “Ghé Bến Saigon.” Một ca khúc tự thân là những mạch sống hưng phấn, hân hoan, hãnh diện trong từng nốt nhạc, từng ca từ. Nhịp đập của ca khúc này, đã như những lượng máu rộn ràng chảy trong trái tim Việt Nam. Trái tim ba miền tổ quốc. Mà Saigon, biểu tượng:

Cùng nhau đi tới Saigon/ Cùng nhau đi tới Saigon/ Thủ đô yêu dấu nước Nam tự do/ Dừng chân trên bến Cộng Hòa/ Người Trung Nam Bắc một nhà/ Về đây chung sống hát khúc hoan ca/ Ngựa xe như nước rộn ràng/ Ngập muôn sức sống tiềm tàng/ Đèn đêm tung ánh sáng như hào quang/ Lòng vui chân bước dật dờ/ Đường đi quanh khúc Bàn Cờ/ Cùng nhau vui sống ấm say tình thơ/ Người ơi Saigon chốn đây/ Là Ngọc Viễn Đông/ Vốn đã lừng danh/ Nắng lên muôn chim đùa hót/ Muôn hoa cười đón/ Vinh quang ngày mới…”

 

Sau Văn Phụng, tân nhạc miền Nam cũng mang đến cho giới thưởng ngoạn những ca khúc ngợi ca miền Nam, ngợi ca Saigon từ một số nhạc sĩ di cư. Nhưng với cá nhân tôi, chúng vẫn là những tỏ tình, những biết ơn muộn màng, thiếu tính sâu sắc, hân hoan chan hòa như ca khúc của Văn Phụng.

 

Bi kịch tình yêu Văn Phụng/ Châu Hà và, kết cuộc có hậu.

Tới bây giờ, tôi vẫn nghĩ, một trong những bí nhiệm đời sống một con người là tình yêu. Tình yêu có thể dẫn tới hôn nhân hay không, theo tôi, lại là một bí nhiệm khác của Thượng đế. Nó nằm ngoài ta, như những cõi giới mà chúng ta không thể hiểu.

 

Cuộc tình giữa Văn Phụng/ Châu Hà, với tôi, là điển hình.

Căn cứ theo bài viết của các tác giả như Lê Quốc Thanh, Lê Minh - Vũ Tuấn Bảo cùng một vài bài viết khác thì, trước năm 1954, ở Hà Nội, tình yêu đã sớm đến với họ, khi nhạc sĩ Văn Phụng và ca sĩ Châu Hà còn rất trẻ. Những người biết chuyện cho rằng, đó là kết hợp không thể đẹp hơn, của một đôi trai tài và gái sắc.

Với Châu Hà, ngoài nhan sắc, còn là tiếng hát uy lực nhất để rao giảng những ca khúc viết về tuổi trẻ, tình yêu, quê hương và đất nước của một Văn Phụng, nhạc sĩ.

 

Nhưng nếu lộ trình nhân gian bằng phẳng y cứ trên những thuận lý, có dễ chúng ta khó hy vọng có được những tác phẩm bất hủ như “Suối Tóc, “Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn,” “Yêu,” hay “Chán Nản” hoặc “Em Mới Biết Yêu Đã Biết Sầu”, vân vân… Quan niệm “xứng ca vô loài” của thân phụ nhạc sĩ Văn Phụng thời đó, đã như một nhát chém tàn khốc của định mệnh ố tài! Hiểu rõ, cuộc tình đầu đời mình, đã gặp phải bức tường thành kiến khắc nghiệt, Châu Hà lặng lẽ rời bỏ Hà Nội. Lập gia đình sau đấy. (Một hình thức nín lặng. Vùi chôn đời mình.)

 

Ở lại Hà Nội, Văn Phụng báo hiếu cha mẹ bằng cách đáp ứng những trông đợi của song thân. Như theo học ngành y khoa (dù chỉ được một năm.) Người nhạc sĩ tài hoa của chúng ta, cũng thuận theo chọn lựa của gia đình, kết hôn với một thiếu nữ con nhà gia thế, nổi tiếng xinh đẹp, nết na…

 

Trên mặt nổi đời thường, cuộc sống người nhạc sĩ trẻ thành danh sớm, êm ả trôi theo dòng chảy của thời thế. Một thời thế cuồng xiết, nhiều biến động. Hung hiểm. Rồi Hiệp định Geneva được ký kết giữa các phe phái ngày 20 Tháng Bảy năm 1954.

 

Là một Ky Tô Hữu, gia đình của tác giả “Ô Mê Ly’ không thể không rời bỏ Hà Nội, di cư vào miền Nam. Nhưng, cũng nhờ biến cố đổi đời lớn lao này mà, Văn Phụng được giải thoát khỏi những giam cầm, trói buộc của quan niệm cổ hủ. Ở Saigon, vùng đất mới, ông được tự do chọn và, sống với âm nhạc, như một hơi thở khác, sau khi cuộc tình đầu tiên với Châu Hà, bị bức tử.

 

Trước khi Văn Phụng gặp lại mối tình đầu, Châu Hà của ông ở Saigon, tôi muốn gọi thời gian đó là giai đoạn “bản lề”, những sáng tác lấp lánh ánh sáng, thơm ngát niềm vui; đồng thời nhập nhòa, nghẹn ngào bóng tối của nỗi buồn mang tên Văn Phụng, ra đời. Chúng hiện hữu như một mặt khác: Mặt thăng hoa của bi kịch tình yêu. Trong số này, có “Suối Tóc,” “Tôi Đi Giữa HoHng hôn,” “Tiếng Dương Cầm,” v.v… 

 

“Suối tóc” đến hôm nay vẫn còn (và sẽ mãi còn) là một dòng suối êm đềm trong liên tưởng từ mái tóc của Châu Hà, người yêu của tác giả, tới dòng chảy của tìm kiếm và, niềm tin sẽ gặp. (Như lời dạy của Chúa, trong Kinh Thánh “... hãy gõ, cửa sẽ mở.”)

 

“Tìm cho thấy liễu xanh-xanh lả lơi/ Hay đi tìm dòng suối tóc trên vai/ Ghi trong khóe mắt u hoài hình bóng ai/ Tôi với em một đêm thu êm ái/ Người em gái đứng im trong hồi lâu/ Tôi ngập ngừng lòng muốn nói đôi câu/ Xin cho suối nước non ngàn tìm đến nhau / Như chúng ta đôi đầu hàn gắn thương yêu…” (2)

 

Ở phần điệp khúc, Văn Phụng cho thấy thoáng qua độ gập ghềnh hay tính đành hanh của định mệnh, khi ông nhấn mạnh:


“Tôi muốn đưa em qua miền giòng núi xanh/ Chúng ta cùng thăm con suối dịu êm/ Nhưng thiên nhiên không êm như tóc huyền/ Nhưng thu qua không trong như đôi mắt em”.


Tuy nhiên, không vì thế mà ông cho thấy dấu hiệu buông xuôi, đầu hàng số phận, như diễn biến thông thường của một tình khúc, mà người ta thường thấy nơi nhiều ca khúc khác. Trước khi bước tới phần coda của ca khúc, tác giả vẫn tiếp tục cho dòng nhạc của mình chảy tới trong ngời ngợi tin tưởng, vàng mười lạc quan qua ca từ:

Lòng tôi muốn viết lên đôi vần thơ/ Hay cung đàn cùng nét bút tranh hoa/ Xin em biết nhé cho tình hai chúng ta/ Trong ý thơ cung đàn và suối tóc mơ.” (3)

 

Tôi không biết có phải vì tính lạc quan hay ca khúc là hợp lưu của ba dòng chảy: Suối tóc, âm nhạc và thi ca (hoặc cả ba), đã làm nên gía trị đặc biệt của sáng tác? Trường hợp nào theo tôi, “Suối Tóc” cũng đã vượt khỏi ngưỡng cửa lãng quên của thời gian, để trở thành bất tử.

 

Cũng trở thành bất tử, một cá khúc khác, được Văn Phụng viết trong giai đoạn “bản lề,” là ca khúc “Yêu.”

 

Ở ca khúc này, với những định nghĩa đi ra từ cuộc tình thương đau, kinh nghiệm bản thân, chứ không phải là những cảm xúc vay mượn hay tưởng tượng, hòa hợp với âm điệu như được chắt ra tâm cảnh riêng, như một nhật ký, ghi lại những xung động tình cảm: Từ bước khởi đầu rụt rè, tới khi tình yêu dâng cao hiểu theo nghĩa hồi chuông định mệnh đã gióng giả, cách của nó:

 

Yêu là lòng bâng khuâng/ nhớ hay thương một chiều thu vương/ gió êm đưa xào xạc tre thưa/ lá rơi rơi, rơi tả tơi  Yêu là tình dâng cao/ gió lao xao ngả hàng phi lau/ phút ái ân đắm say tâm hồn/ nhớ mãi đêm nào bên nhau…

 

Để rồi khi định mệnh hiện nguyên hình một cơn bão lốc, ông an ủi người yêu và mình rằng:

 

“Thôi yêu dấu mà chi/ ngày vui xế bóng đôi lòng chia xa/ hồn tàn hơi buốt giá/ khi mùa xuân qua úa phai ngàn hoa/ Nhớ thương bao nhiêu một người thân yêu/ đã đi xa về miền hoang liêu/ những trang thư là hành trang theo/ cố nhân ơi giận hờn chi nhau…” Cách đây hơn nửa thế kỷ, khi viết xuống dòng chữ “những trang thư là hành trang theo” cho ca từ của mình, theo tôi là một liên tưởng lãng mạn, rất mới mẻ.

 

Tương tự, ca khúc “Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn” một ca khúc khác của Văn Phụng, cũng từng làm nên tên tuổi cho nhiều ca sĩ thuộc các thế hệ từ Việt Nam, tới hải ngoại.

 

Với những người quan tâm hoặc, có đôi chút chú ý về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, sẽ nhận ra tính xác quyết của tác giả, khi ông lập lại ba chữ “Nhớ. Nhớ. Nhớ...” Điệp ngữ này cho người nghe ý niệm dồn dập, xô nhau, đẩy nỗi nhớ tới cực điểm của một trạng thái tình cảm trong phần điệp khúc:

 

Dù cho mưa gió, bên mái tranh nghèo/ Dù cho nắng, dù cho sương khói mịt mù/ Niềm thương yêu hằng xin mãi mãi không hề phai/ Nhớ, nhớ, nhớ đêm nào, trên bến tìm sao/ Hai đứa nhìn nhau, không nói một câu/ Như thầm mơ ước, ước mơ dạt dào/ Như thầm hẹn nhau mùa sau…”

 

Và, ở câu nhạc kế tiếp, tác giả cũng cho thấy nghệ thuật đảo chữ, một cách hoa mỹ, khi ông hoán đổi vị trí hai chữ “mơ ước/ ước mơ” để nâng khao khát “dạt dào” của ông, lên một cấp độ cao hơn…

(Tưởng cũng nên nói thêm rằng, trò chơi chữ nghĩa vừa kể, chỉ có thể làm được với loại ngôn ngữ đơn âm (monosyllable,) cộng thêm năm dấu đặc biệt của tiếng Việt.)

 

Cũng trong giai đoạn “bản lề” của cuộc tình đứt đoạn, chưa tìm lại được nhau, di sản âm nhạc của Văn Phụng, còn để lại cho đời ca khúc “Tiếng dương cầm.”

 

Một nhạc sĩ, bạn thân của tác giả, thời Saigon kể, người nghe đừng quên rằng, khi còn rất trẻ, Văn Phụng đã là một dương cầm thủ hữu hạng.

 

Chính “Tiếng Dương Cầm” là môi giới, trung gian hình thành cuộc tình Châu Hà/ Văn Phụng. Chúng ta cũng có thể ví, “Tiếng Dương Cầm” của Văn Phụng là chiếc nôi để Châu Hà gửi tiếng hát, tình yêu trăm năm của mình vào đấy. Vì thế, khi sáng tác “Tiếng Dơng Cầm,” ở một mặt nào khác, với Văn Phụng còn là một sống lại:

Trầm trầm êm êm thánh thót/Nhịp nhàng khoan thai thắm thiết/ Nhạc lòng đưa câu luyến tiếc  Người ơi còn nhớ Chopin ngày xưa vì ai dệt nên câu nhạc lâm ly/ Cho đời say trong tiếng tơ/ Cho tình dâng muôn ý thơ/ Dù cõi lòng ai mong chờ/ Tiếng dương cầm còn vang thiết tha/ Riêng mình ta đây với ta/ Chìm đắm trong một giấc mơ…

Tôi không biết câu hỏi “người ơi còn nhớ…” được ném vào không gian tâm tưởng và, hồi ức của tài hoa Văn Phụng, bao lâu sau mới có hồi âm?

Chỉ biết, theo hai tác giả Lê Quốc Thanh và Lê Minh thì, tại Saigon, khi cả Châu Hà và Văn Phụng có lại tự do, thì, cuộc trùng phùng, đã như một phép lạ. Họ đoàn tụ. Để tái sinh nhau!

 

Từ đó, thêm nhiều, rất nhiều ca khúc rộn rã tiếng cười hạnh phúc, thánh thót tiếng chuông, khánh tin yêu, mang tên Văn Phụng, liên tiếp ra đời…

 

Tới đây, tôi muốn kết thúc bài viết ngắn của mình, bằng một phát biểu của nhạc sĩ Nguyễn Túc ở Hoa Thịnh Đốn. Khi họ Nguyễn khẳng định: Văn Phụng là một trong những thiên tài âm nhạc của Việt Nam.

 

Chúng ta biết ơn Văn Phụng. Đã đành. Nhưng, có lẽ, chúng ta cũng không nên quên ghi ơn nữ ca sĩ Châu Hà, nguồn cảm hứng lớn và, cũng là người bạn đời, cuối kiếp của tài hoa âm nhạc ngoại khổ này vậy.

(July 6-2011)

 
________

Chú thích:

(1)Nhạc sĩ Văn Phụng họ Nguyễn. Ông sinh năm 1930 tại Hà Nội, trong một gia đình gia thế. Thưở nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh và, có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc. Năm 15 tuổi trong một cuộc thi dương cầm ở Nhà Hát Lớn, Hà Nội, ông đoạt giải nhất. Năm 16 tuổi ông đã thi đậu tú tài, một hiện tượng hiếm hoi thời ấy. Sáng tác đầu tay “Ô mê ly” viết năm 1948,  khi ông mới 18 tuổi. Nhạc sĩ Văn Phụng mất ngày 17 tháng 12 năm 1999 tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.    

(2) Nhân xưng đại danh tự “Tôi” ngôi thứ nhất trong ca khúc này, có bản chép là “Anh.”

(3) Đa số ca từ trích dẫn trong bài viết này, dựa vào những bản văn đã được phổ biến trên trang nhà dactrung.com.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 21392)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 16121)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17782)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10484)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 19024)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 5294)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1980)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2593)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2374)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23699)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 20143)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8974)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 10065)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9345)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12520)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31974)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21632)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26781)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 24182)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22993)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 21132)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 19050)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20278)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17793)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16851)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 26087)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33372)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35672)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,