Trịnh Cung, con sói đơn độc của hội họa Việt Nam đương đại
Bốn mươi bảy năm trước, một sự kiện lớn (theo tôi), ở lãnh vực nghệ thuật tạo hình đã ra đời ở miền Nam.
Đó là tháng 11 năm 1966 (*), khi những người trẻ ở độ tuổi mới trên hai mươi, ngồi lại với nhau, thành lập Hội Họa Sĩ Trẻ VN (HHSTVN). Họ quyết liệt, nỗ lực khai phá con đường Hội Họa - - Một bộ môn nghệ thuật, tương đối còn xa lạ với đám đông. Họ hăm hở đi tiếp con đường làm mới đường nét và sắc màu, của những tên tuổi đáng kể như Tạ Tỵ, Duy Thanh, Thái Tuấn, Ngọc Dũng... từng một thời vỡ đất.
Thành viên của HHSTVN hầu hết là những người mà tài năng của họ đã được công nhận qua những huy chương cao quý, của những cuộc triển lãm ở cấp bậc Quốc Gia. Những thành viên đầu tiên của HHSTVN, theo một bài viết của họa sĩ Trịnh Cung gồm có: Ngy Cao Uyên, Hiếu Đệ (mất năm 2009), Cù Nguyễn, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề (mất năm 1998), Nguyễn Phước, Nguyễn Lâm, Mai Chửng (mất năm 2001), Đinh Cường, Hồ Thành Đức và, Trịnh Cung. (1)
Nếu không kể Ngy Cao Uyên, chủ tịch đầu tiên của HHSTVN thì, Nguyễn Trung là chủ tịch dài lâu nhất, trước khi chuyển giao vai trò chủ tịch Hội, cho cố điêu khắc gia Mai Chửng.
Tài năng Nguyễn Trung đã được thực chứng rất sớm với hai thành tích: Huy chương bạc (1960) và, huy chương vàng (1963) Triển lãm Mùa Xuân. (2)
Tôi nhớ, sinh thời cố thi sĩ Nguyên Sa (3) từng nói, đại ý, trong học thuật, người ta không chỉ bị ảnh hưởng chiều dọc - - Là những người đi trước, (gồm cả những tài năng lẫy lừng thế giới) mà, người ta còn bị ảnh hưởng chiều ngang - - Là những người cùng thời, nữa.
Từ nhận định trên, tôi không ngạc nhiên khi thấy một số thành viên HHSTVN, mặc dù cũng là những tài năng đã định hình trong cõi-giới nghệ thuật riêng của họ. Nhưng không vì thế mà số người này không bị ảnh hưởng đường nét, cũng như màu sắc của tài hoa Nguyễn Trung - - Con chim đầu đàn của HHSTVN.
Tuy nhiên, tôi vẫn ngạc nhiên khi nhận thấy có những thành viên, dù sinh hoạt, gắn bó với Hội ở nhiều mặt, từ thời gian, không gian, tới quan niệm... mà, vẫn giữ được phong cách độc đáo của mình.
Một trong những người đó, vẫn theo tôi, chính là Trịnh Cung/ Nguyễn Văn Liễu- - Một thành viên sáng lập HHSTVN, từng giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội trong nhiều năm.
Tôi muốn ví ông, như một con sói đơn độc trên lộ trình nghệ thuật cay nghiệt, dài lâu đi tìm cái mới. Mặc dù tôi hiểu, khi một họa sĩ đứng trước giá vẽ (cũng như nhà văn trước trang giấy hay, bàn phím của mình), đó là lúc họ cô đơn nhất.
.
Về hành trình hay thành tựu của “con sói đơn độc” Trịnh Cung, ký giả Mặc Lâm của đài phát thanh RFA, ngày 11 tháng 5 năm 2014 cho biết:
“Họa sĩ Trịnh Cung sinh quán tại Nha Trang năm 1939. Năm 1957 ông theo học trường Mỹ Thuật Huế và tốt nghiệp vào năm 1962. Cũng trong năm này tác phẩm ‘Mùa Thu Tuổi Nhỏ’ của ông đã được chọn triển lãm chung với 21 quốc gia.
“Tác phẩm này được trao bằng danh dự, đây là tác phẩm sơn dầu duy nhất của Việt Nam được chọn trong kỳ triển lãm này. Trong giải ‘Hội Họa Mùa Xuân’ ông được chọn và trúng giải hai lần vào hai năm 1963 và 1964. Đây cũng là giải cuối cùng của mỹ thuật Sài Gòn.
“Họa sĩ Trịnh Cung cũng đã có thời gian giảng dạy tại hai trường mỹ thuật Huế và Gia Định trong tư cách thỉnh giảng. Ông có nhiều triển lãm cá nhân trong và ngoài nước, vào năm 1994 cuộc triển lãm đầu tiên ở nước ngoài của ông diễn ra tại Pháp.
“Năm 1996 ông được đại học San Francisco mời giảng dạy mỹ thuật tại trường với tư cách thỉnh giảng. Trong thời gian từ năm 1998 đến năm 2000 ông có nhiều cuộc triển lãm tại Mỹ và tranh của ông được giới mỹ thuật đánh giá cao.
“Mới đây tổ chức Willams Joyner Center mời họa sĩ Trịnh Cung tham gia vào diễn đàn của tổ chức này tại Massachusetts và ông có bài tham luận với đề tài ‘Mỹ Thuật Việt Nam Đương Đại Từ Chiến Tranh Đến Hòa Bình’ ”. (4)
Ở một góc độ khác, nhà thơ Luân Hoán vào sâu những góc khuất của đời riêng Trịnh Cung. Đặc biệt, Luân Hoán còn ghi lại nguồn gốc của ca khúc nổi tiếng, “Cuối cùng cho một tình yêu” (thơ Trịnh Cung, nhạc Trịnh Công Sơn) và, một số chi tiết khác, có thể nhiều người chưa biết, như:
“... Trịnh Cung tên thật Nguyễn Văn Liễu, ra đời năm 1939, tại làng Chụt, cạnh bờ biển đẹp nhất Việt Nam. Cha gốc Quảng Nam, mẹ gốc Nha Trang. Anh theo học tại trung học Võ Tánh Nha Trang. Cùng một số bạn đồng trang lứa, Nguyễn Văn Liễu say mê đọc sách, thích thơ và vẽ vời. Anh dùng bút hiệu Duy Trang cho những sáng tác có hơi thở học trò của mình. Duy Trang biết mơ mộng và biết yêu khá sớm. Một trong những người đẹp của đất Nha Trang làm anh mê say là cô nữ sinh tên Nguyệt, chị họ của nhà thơ Từ Thế Mộng, (một bạn học trên Trang một năm). Yêu Nguyệt, Duy Trang không những mang ‘vầng trăng’ óng ánh này vào thơ, mà anh còn dùng tên người đẹp để làm bút hiệu cho mình. Cái tên Thương Nguyệt từ đó xuất hiện khá nhiều trên một số báo, tạp chí của thủ đô Sài Gòn. Tôi hình dung ra cái thời khắc Nguyễn Văn Liễu ngồi nắn nót từng nét chữ Nguyệt trên rất nhiều trang giấy. Bàn tay anh hẳn vô cùng bay bướm và trang trọng. Chắc chắn anh phải nghĩ ra nhiều chữ để ghép cùng tên người mình yêu. Có thể là Liễu Nguyệt, Nguyệt Liễu… Những gá nghĩa thông thường, hơi quê quê này, không thích hợp với một tay chơi thơ đã có trình độ chơi chữ mới lạ. Yêu Nguyệt nhưng trưng dụng thẳng hai chữ này thì lộ liễu và làm giảm đi nhiều tính cách nghệ thuật. Liễu đã đổi từ Yêu thành từ Thương một cách duyên dáng, tài tình.
“Vì mê thơ, đặc biệt thích những bài thơ viết về xứ Huế, Nguyễn Văn Liễu đến đất cố đô và vào học Cao Đẳng Mỹ Thuật từ năm 1957. Hội họa đã thổi lớn Nguyễn Văn Liễu từng ngày. Tuy vẫn còn lai rai làm thơ, nhưng anh đã đặt hết lòng cho sơn cọ. Bút danh Trịnh Cung được khai sinh, mỗi ngày một lớn mạnh (...)
“...Trịnh Cung chơi thân với Đinh Cường, Trịnh Công Sơn. Tình bạn sớm giúp họ tạo ra cái không khí sinh hoạt thật sinh động hào hứng, khởi sắc. Theo tiết lộ của nhà biên khảo Nguyễn Đắc Xuân, trong giai đoạn này, Trịnh Cung để ý và si mê một cô sinh viên văn khoa Huế có tên là… Nh.Hg và viết được bài thơ để đời ‘Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu’. Ông Nguyễn Đắc Xuân viết tiếp:
“… ‘Trịnh Cung thú nhận cho đến nay Nh.Hg đã có gia đình, có cháu nội, cháu ngoại mà vẫn chưa biết bài thơ phổ nhạc bất hủ ấy Trịnh Cung đã làm cho chính mình’.
“Nhưng trong một bài viết ‘Người Tình Cuối Cùng Của Trịnh Công Sơn Là Ai?’ phổ biến trên trang web Vietnam.net, vào ngày 28 tháng 02 năm 2005, Trịnh Cung cho biết:
“… ‘Đánh dấu lớn nhất và dài lâu nhất cho tình bạn giữa tôi và Sơn chính là bài thơ ‘Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu’ tôi viết vào năm 1958 ở Huế và Sơn đã phổ nhạc vào khoảng giữa năm 1959, trước ca khúc Diễm Xưa và chỉ sau các ca khúc Ướt Mi, Thương Một Người và Nhìn Những Mùa Thu Đi. Nhiều người đã hỏi tôi viết ca khúc này cho ai? Anh bạn, nhà nghiên cứu Huế học Nguyễn Đắc Xuân đã xác định bài thơ ấy viết cho Nh. Hg, một nữ sinh trường Đồng Khánh (Huế) nhưng thật ra không phải như vậy.
“ ‘Tôi có nhắc đến cô ấy vì vẻ đẹp rất Huế của Nh. Hg. Nhưng bài thơ ấy là một hư cấu để nói về những năm tháng đầu tiên của một sinh viên tỉnh lẻ từ say đắm đến thất vọng trên con đường tình của Huế. Ca khúc này, Sơn đã làm cho bài thơ tầm thường ấy trở nên bất tử trong nhiều thế hệ người Việt. Điều này tôi không chờ đợi khi chơi với Sơn. Có nhiều năm, gia đình Trịnh Công Sơn in sách nhạc và các nhà xuất bản băng đĩa đã không in tên tôi là tác giả của lời nhạc, vì thế có rất nhiều giới trẻ ngày nay và có lẽ cả mai sau không biết điều này. ‘Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi’ (Trịnh Công Sơn). Tôi đang sống với khái niệm: Để Gió Cuốn Đi…’ ” (5)
Con sói đơn độc, Trịnh Cung: tự “treo mình trên giá vẽ”!!!
Tôi hằng nghĩ, khi một thảm họa chính trị giáng xuống đầu một dân tộc thì, dù ở đâu, lưỡi dao oan nghiệt của thực tế phũ phàng, sẽ không chỉ lột da, tưa máu đại đa số nạn nhân mà, nó còn là cơ-hội-vàng-mười cho một thiểu số bung thoát khỏi mặc trốn, lánh; hớn hở nhảy múa, reo hò trên bất hạnh, lầm than nơi thành phần đa vừa nói.
Cũng thế, thảm kịch tháng 4-1975 ở miền Nam, đã là cơ hội bất ngờ, không thể... “tốt đẹp” hơn cho một số người! Tôi muốn gọi đó là “những hân - hoan - bệnh - hoạn” ở tất cả mọi thành phần xã hội - - Không loại trừ giới văn nghệ sĩ, trí thức!!!
Trịnh Cung / Nguyễn văn Liễu, ở trường hợp khác. Chằng những họ Nguyễn không thuộc thành phần thiểu số trên, nó còn cho Nguyễn thấy cái định mệnh bất khả chuyển. Cái định mệnh khốc, nghiệt của "con sói đơn độc", một sớm một chiều bỗng đã nhân đôi. Đã bình phương! Tôi muốn nói, đó là thời gian ông không chỉ thấy mình đơn, độc trước giá vẽ mà, Nguyễn còn thấy rõ, ông đã đơn, độc ngay giữa xã hội, bằng hữu, chung quanh nữa.
Nhưng, theo tôi, Hội Họa đối với Trịnh Cung / Nguyễn Văn Liễu, không chỉ là cái nghiệp mà, đã là một niềm tin thiêng liêng. Như Tôn Giáo. Nên, cộng với bản chất cực đoan, quyết liệt như rịnh Cung, tôi không nghĩ một quyền lực độc đoán nào, có thể "cải đạo"; có thể biến dạng niềm tin nơi Nguyễn! Ngắn gọn hơn, ông khước từ bất cứ một chọn lựa khác. Với ông, tâm thái kẻ sĩ đã xập xuống, mọi cánh cửa. Nẻoo, ngõ nhân sinh nào, cũng dẫn, chỉ Nguyễn về cõi bất biến. (Cõi tai ương, trong mắt nhìn đời thường của nhân thế!!!)
Vì thế Nguyễn đã có 10 năm bẻ cọ. Trong số 10 năm “sống như đã chết” của “con sói đơn độc” Trịnh Cung có 3 năm tù cải tạo cộng hai năm từ chối về vùng kinh tế mới.
Được trả tự do từ năm 1979, đến năm 1985, cùng người bạn đời và hai đứa con còn nhỏ, mỗi sớm mai, Nguyễn cùng toàn thể gia đình tất tưởi ra khỏi nhà với gánh xôi của họ. Tối mịt, sau khi bán hết gánh xôi, trước khi thả chiếc thân xác mỏi mòn rã rượi, xuống mặt giường, họ táp vào một xe bán phở lề đường, ăn vội những bát phở “không người lái (chỉ có bánh, không thịt) để, hôm sau, lại tiếp tục cực hình nhân sinh dành cho những kẻ thua trận - - Nhưng, dứt khoát, quyết liệt không đầu hàng. Không thỏa hiệp hầu kiếm chút cơm thừa, canh cặn của tân chế độ.
Tôi không thể hình dung 10 địa ngục, 10 năm kiếp nạn của tài hoa Trịnh Cung / Nguyễn Văn Liễu!
Nhưng tôi tin, vẫn có những đêm, bất ngờ tỉnh giấc, “con sói đơn độc”của hội họa Việt Nam đương đại, ngửa cổ hú trăng...
Đó là những tiếng hú thân phận trầm thống. Không thanh âm. Những vô thanh đã nghẹn ngào trở ngược vào tàng-thức Nguyễn. Nơi những tế bào sáng tạo của riêng Nguyễn, vẫn từng giờ cảnh báo nguy cơ chết dần trong tuyệt vọng.
Tôi cũng trộm nghĩ, những tiếng hú không thanh âm kia, nơi con thú trầm kha thương tích này, cách nào đó, vẫn đi tới, chạm đụng được cõi hư vô. Dù hư vô cũng chỉ có thể gửi lại cho ông những thinh lặng câm-nín-định mệnh.
Tôi không thể hình dung 10 địa ngục, 10 năm kiếp nạn của tài hoa Trịnh Cung / Nguyễn Văn Liễu!
Nhưng tôi tin, vẫn có những đêm, bất ngờ tỉnh giấc, “con sói đơn độc” của hội họa Việt Nam đương đại, phân thân, tách thoát khỏi giới hạn nhục thân, trở thành một thứ Samurai, lạc lõng giữa hoang tàn đất nước - - Đánh ra những đường kiếm vô chiêu / hữu chiêu - - Đi tìm “bản lai diện mục” - (hay đi tìm chân dung đích thực một giai đoạn lịch sử?)
Những có / không, những hư huyễn vốn mịt mù, âm u thế sự, tôi tin, cũng sẽ không có một câu trả lời dứt khoát nào cho Nguyễn. Ngoài lưu lượng cuồng xiết của dòng chảy băng băng những hớn hở bệnh hoạn và, cái chết hềnh hệch, chực sẵn.
Tôi nghĩ, hào phóng lắm thì, lịch sử cũng chỉ có thể cho Nguyễn: Tiếng thở dài! Nhắm mắt!
Tôi cũng không biết, nếu năm 1985, một “phép lạ” không xẩy ra cho Nguyễn thì, liệu hôm nay, chúng ta còn có một Trịnh Cung / Nguyễn Văn Liễu? Dù cho đó chỉ là chiếc bóng của Nguyễn! Chiếc bóng của con sói đơn độc, hội họa Việt?
Họ Nguyễn kể, thời điểm đó, (thời điểm VN chỉ mới mở cửa cho du lịch Pháp), một Việt kiều Pháp (còn trẻ) yêu tranh Trịnh Cung, từ Âu Châu về lại Saigon, tìm mua tranh của Nguyễn.
Người bạn trẻ sống xa đất nước đã lâu, nhưng những chủng tử VHNT Việt nơi anh, vẫn tiềm tàng một sức sống kỳ diệu.
Người khách trẻ phương xa, mê tranh Trịnh Cung thuật rằng, anh đã trải qua nhiều ngày ở Saigon, tìm hỏi địa chỉ Trịnh Cung, đều thất bại.
Nguyễn ngao ngán, cay đắng cho biết:
“Tất cả những người được người bạn trẻ này hỏi địa chỉ của tôi, đều lắc đầu. Từ chối...”
Ở đoạn trên, tôi dùng hai chữ “phép lạ” để nói rằng, cuối cùng người trẻ yêu tranh Trịnh Cung đã tìm được thần tượng của anh. Và, bức tranh tựa đề “Người chơi vĩ cầm” (khổ 30x40cm) còn sót lại của họ Nguyễn được lôi ra, trao cho người ái mộ với giá 50 Dollars.
Trịnh Cung nói:
“Những ai không sống ở VN, giai đoạn đó, rất khó hình dung được giá trị to lớn của 50 đồng Mỹ kim đó. Với số tiền này, cả gia đình tôi sống được ba tháng, không cần phải đi bán xôi!”
Nhưng “phép lạ” không ngừng ở đó! “Phép lạ” còn hiển lộng tính bí nhiệm của nó, khi từ nó mà họ Nguyễn thấy rằng, cách gì, ông cũng phải cầm lại cọ! Cách gì ông cũng không thể phụ lòng những người yêu mến tranh của ông! Và, cách gì, ông cũng không thể để mình âm thầm chết mục, trong chờ đợi hân hoan của kẻ khác!
Chỉ với 50 Mỹ kim thôi, ông có phương tiện trở lại với “tôn giáo” đầu tiên và sau cùng của mình.
Tưởng cũng nên nhấn mạnh rằng, 10 năm chìm / nổi địa ngục trần gian của Trịnh Cung / Nguyễn Văn Liễu, đã kết tinh thành những trầm tích không thể ý nghĩa và, giá trị hơn cho ông (cũng như cho hội họa VN) khi một trong những bức tranh đi ra từ tâm thế tuyệt vọng kia, gây chấn động cảm thức người thưởng ngoạn, bức: “Treo mình trên giá vẽ / Hanging Himself” (khổ 80x99 cm) ra đời năm 1989. (6)
Đó là một bức tranh theo tôi, không chỉ như một chứng tích khả năng sáng tạo lớn mà, nó còn là phản xạ tự thân hay, tiếng kêu cuối cùng của một con thú, trước khi chọn lấy cho mình cái chết, để xác tín niềm tin tôn giáo của mình.
Chính tính xác tín niềm tin tôn giáo của mình kia, nơi bức “Treo mình trên giá vẽ” của Nguyễn mà theo tôi, đó là bức tranh duy nhất, tới hôm nay, hội họa thế giới, có được.
Trịnh Cung, những đóng góp ngoài giá vẽ
Đóng góp của tài năng Trịnh Cung / Nguyễn Văn Liễu không chỉ dừng trong giới hạn những tác phẩm hội họa cá nhân mà, ở lãnh vực chuyên môn, họ Nguyễn còn cho thấy ông sở hữu một kiến thức uyên bác về lịch sử tạo hình thế giới - - Về những hình thành và, khác biệt giữa các trường phái hội họa của nhân loại...
Tôi hiểu, khi một họa sĩ được đào luyện chính quy nơi trường ốc thì, hầu như ai cũng được trang bị một số kiến thức căn bản về những kênh, mạch tiêu biểu; những thời kỳ dẫn tới sự hình thành nền Mỹ thuật đương đại. Sau đó, tùy xu hướng cá nhân mà, mỗi họa sĩ có những hiểu biết thêm, thấu đáo hơn về những thần tượng riêng, của họ...
Nhưng tôi nghĩ, kiến thức tổng quát chỉ là một phần hiểu biết của mỗi cá nhân trong khu vực chuyên môn của mình. Ở khu vực nghệ thuật trừu tượng như khu vực nghệ thuật tạo hình, hiểu biết này, chưa đủ để diễn giải, soi rọi tới những lớp cắt chập chùng, lấp lánh biến thái vi tế của nghệ thuật (vốn hư ảo). Nhất là với những tài năng ngoại khổ.
Vì thế, dù cho giao tình giữa chúng tôi từ nhiều chục năm qua, vẫn chưa vượt quá giới hạn sơ giao, nhưng tôi vẫn thấy, tôi sẽ thiếu tự trọng, công bình, nếu không nói ra rằng, tôi quý, trọng những bài thuyết trình về hội họa Việt Nam trải qua nhiều thời kỳ - - Cũng như nghệ thuật tạo hình Việt Nam, đặt trong toàn cảnh Châu Á – Thái Bình của Trịnh Cung / Nguyễn Văn Liễu tại các đại học hay, những hội thảo chuyên đề từ nhiều chục năm qua của ông.
Tôi cũng cho rằng tôi sẽ thiếu tự trọng, công bình, khi không nói ra rằng, tôi đã hân hoan khi đọc cuốn “Mỹ Thuật Việt Nam Những Vấn Đề Xoay Quanh” - - Tập hợp những bài viết hoặc phỏng vấn Trịnh Cung, cho thấy viễn kiến, dự báo và, những quan điểm có tính cách căn-để ở lãnh vực hội họa của Nguyễn. (7)
Ngay lãnh vực lý luận chuyên môn này, họ Nguyễn cũng cho thấy tính khai phóng, xẻ đường, mở tới những chân trời mới, lạ. Như những bài “Cái đẹp có tiêu chuẩn không; Vẽ tranh không bao giờ là muộn; Mầu sắc - Cuộc chơi không đơn giản; Vai trò của trường phái và phong cách trong ý thức sáng tạo; Một số tên tuổi và khái niệm nghệ thuật đương đại; Trao đổi với Nora A Taylor về vấn đề tại sao Việt Nam chưa có họa sĩ lớn; Lối ra nào cho khủng hoảng sáng tạo”. Hoặc “Mỹ thuật Việt Nam; Hội Họa Việt Nam thời chiến tranh và hậu quả; Hội họa của những người thành đạt” v.v...
Tôi không biết, có phải vì thụ đắc được những kiến thức rộng, sâu toàn cảnh cõi-giới mỹ thuật VN, nên tên tuổi của họa sĩ Trịnh Cung / Nguyễn Văn Liễu đã vượt khỏi đường nét, sắc màu tranh vẽ của ông, trở thành một thứ bảng chỉ đường, dẫn, đưa một số nhà nghiên cứu hội họa đông / tây tìm đến ông (?) - - Để treo móc trông cậy của họ vào kho kiến thức uyên bác của Nguyễn về: Lịch sử cùng những biến động tử, sinh của nghệ thuật tạo hình Việt Nam?
Đó là những cơ quan, những nhà nghiên cứu hội họa có thẩm quyền, như: Đại diện của tổ chức nghiên cứu Plum Blossoms (International) LTD (Hồng Kông); Lã Vọng Gallery (Hong Kong) hoặc tác giả Corinne de Menonville, đại diện nhà Arhis, Paris (Một nhà xuất bản chuyên về lịch sử mỹ thuật của Pháp)... Hầu từ đó, những tác phẩm đồ sộ như những bảng chỉ đường cho thế giới biết đến Hội Họa Việt (từ Nam chí Bắc), qua mọi giai đoạn, thăng trầm - - Nhất là nền hội họa Việt, sau biến cố tháng 4-1975, những tưởng đã yên bề lãng quên với thân phận ốc đảo của mình!
Thực tế, đó là một chân trời mỹ thuật trẻ trung; đầy nghịch lý: Giữa công dụng tuyên truyền và, ngồn ngộn lửa sáng tạo (dù khá nhiều đoạn đường đã bị nám đen chiến tranh, thương tích!.!)
Tôi không biết có bao nhiêu người trong giới tạo hình Việt, biết được rằng, nếu không có Trịnh Cung / Nguyễn Văn Liễu, thì những ấn phẩm đồ sộ, giá trị như bộ “Uncorked Soul Contemporary Art from Vietnam”, do nhà Plum Blossoms (International) LTD Hong Kong, XB năm 1991; bộ “Vietnamese Contemporary Painting”, do nhà Lã Vọng Gallery Hong Kong, XB 1992; và nhất là bộ “Vietnamese Painting From Traditional to Modern” của tác giả Corinne de Menonville, do nhà xuất bản lịch sử mỹ thuật- Arhis, XB tại Paris 2003, ấn hành... đã không thể ra đời?
Tôi cũng không biết có bao nhiêu thức giả, họa sĩ Việt từ Nam tới Bắc (ngay cả những họa sĩ Việt sinh sống tại Hoa Kỳ), biết rằng, nhờ những bộ sách nghiên cứu kể trên mà, hội họa Việt Nam thoát khỏi tối tăm ao tù, ốc đảo, để một thời chen chân nơi các thị trường châu Á như Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan và, Âu Châu..., khi VN mở cửa đổi mới, vào giữa thập niên 1980...? Mà, người gián tiếp mở được những cánh cửa vừa kể cho Mỹ thuật Việt Nam, chính là Trịnh Cung / Nguyễn Văn Liễu.
Là một người “ngoại đạo”, trước đây, tôi hoàn toàn không biết chút gì về “những đóng góp ngoài giá vẽ” của Trịnh Cung / Nguyễn Văn Liễu! Nhưng dù cho ai đó, biết hay không biết thì, Trịnh Cung / Nguyễn Văn Liễu cũng vẫn là người góp phần mang lại những trữ lượng vinh quang cho hội họa Việt.
Dù cho, chính Nguyễn cũng không hề bận tâm về thành quả mà, ông là người đứng sau, âm thầm kiến tạo.
Tôi đồ chừng, Nguyễn đã quá quen với những phủ nhận, ngộ nhận, bất công mà, định mệnh đời thường cũng như nghệ thuật dành cho ông?
(Cũng như những ngộ nhận, tranh cãi từng bùng lên, bước ra từ những bài viết, phát biểu có tính cách đời thường của Nguyễn, thời gian qua... Tất cả, với tôi, chúng chỉ tựa những “trận bão trong tách trà”).
Bởi, như ông có lần tâm sự:
“Tôi không bận tâm. Tôi không đính chính. Vì, rốt ráo, chính tôn-giáo-hội-họa đã ‘cứu rỗi’ tôi và gia đình tôi. Cũng như thi ca, đã cứu rỗi, đã hồi sinh tôi, từ một mối tình như cổ tích ở cuối đời tôi, cay nghiệt...”
.
Trước khi bước sâu vào điều họ Nguyễn gọi là “Tình yêu thực sự, cuối đời tôi” của Trịnh Cung / Nguyễn Văn Liễu, tôi nghĩ, có dễ chúng ta cũng nên trở lại đoạn khởi nguồn thi ca thời thanh xuân của Nguyễn. Thời mà thơ đến với Nguyễn như một hạnh ngộ bất ngờ, không hẹn trước của định mệnh.
Tôi nghĩ, trở lại tốt nhất với một Trịnh Cung / Nguyễn Văn Liễu Nguyễn, ở mảng thi ca, không gì hơn là quay về với bài thơ “Cuối cùng cho một tình yêu” của Nguyễn.
Họ Nguyễn nói: “Cuối cùng cho một tình yêu” ông viết năm năm 1958 ở Huế và Sơn đã phổ nhạc vào khoảng giữa năm 1959, và thêm:
“... Bài thơ ấy là một hư cấu để nói về những năm tháng đầu tiên của một sinh viên tỉnh lẻ từ say đắm đến thất vọng trên con đường tình của Huế...” (Bđd)
Tuy tác giả cho, đó là một bài thơ tầm thường, nhờ nhạc của Trịnh Công Sơn mà trở thành nổi tiếng; nhưng nếu đặt bài thơ trở lại thời gian ra đời thì, “Cuối cùng cho một tình yêu” vẫn có một số hình ảnh mới mẻ xét trong giai đoạn đó. Như:
“Ừ thôi em về, chiều mưa giông tới / Bây giờ anh vui, hai bàn tay đói / Bây giờ anh vui, hai bàn chân mỏi...”
Dù vậy, với tôi, bài thơ này tựa trái-bói của một đời cây mới trồng. (8) Phải đợi tới năm 2004, khi một người làm thơ trẻ, tên Nguyễn Thị Phương Lan, (bút hiệu eL), xuất hiện bất ngờ trong đời Trịnh Cung / Nguyễn Văn Liễu thì đó mới là thời điểm Nguyễn gặt hái những vụ-mùa-thi ca sum suê hoa, trái.
Tôi muốn nhắc tới thi phẩm “Nội tình cái hẻm” Trịnh Cung / Nguyễn Văn Liễu, XB tại Saigòn, 2008, do Cửa XB.
Tình yêu của eL, nguồn “cứu rỗi” đời Trịnh Cung?
Tình yêu của eL, nguồn “cứu rỗi” đời Trịnh Cung?Bài thơ thứ nhất, mở vào thi phẩm này, tựa đề “Cáo Trạng số 10/04” sáng tác đầu năm 2005, Tác giả viết:
“Có tiếng đàn chìm trong gối
Em cất giấu hớ hênh niềm hoan lạc
Ướt đẫm anh nước trăng tháng 10 ngai ngái men non
Bữa tiệc người không báo trước
Bản giao hưởng nước mắt và thân xác của hai nửa thất lạc
43 năm qua hành trình sự sống và cái chết
“Làm sao em tìm thấy anh trong khói bụi Saigon
Giữa rừng người mang khẩu trang
Chực cận chiến khi đèn ngã tư bật xanh
“Làm sao em tìm thấy anh
Kẻ đào tẩu khỏi con người
Che dấu con thú hoang đằng sau những chiếc mặt nạ thánh thần cha truyền con nối
Khắc khổ và từ bi
Món thời trang hết thời dở trò khuyến mãi
“Có lời ru của những giọt nước mắt lăn về khởi thủy
Em vụng về vai diễn để chảy loang ướt lộ khoảng tối thiên đường
Cho anh úp mặt xuống máng cỏ nhận phần nước thánh
Rửa tội sau lần tái sinh (...)
“Làm sao em tìm thấy anh trong hằng hà quán nhậu bia ôm
Nơi mặt người đã đổi từ đỏ qua xanh
Từ xanh qua đỏ
Trốn chạy lương tâm bằng trò rượu thịt
Hoan hỉ cuộc tự sát (...)
“Làm sao em tìm thấy anh trong phù phiếm xa hoa bãi rác ô hợp Sài Gòn
Giữa ngập ngụa mỹ phẩm, mỹ nhân và mùi lừa dối
Anh lẩn quẩn mù lòa mê muội đi thụt lùi từ lối ra
Khi em còn chưa hiện thân là trứng
“Làm sao em tìm thấy anh
Giữa mênh mông lưu lạc ngồn ngộn ảo vọng
Băng qua khoảng cách 43 năm với đôi hài ánh sáng
Em nhân danh tình yêu đòi nợ anh món tội tình tiền kiếp
“Bản cáo trạng số 0 10/2004
Tuyên án treo
Tất cả trả về cội gốc
Bằng cam kết sẽ không bỏ trốn em một giây phút nào nữa
Cho đến khi kiệt sức.”
Đó là “Bản cáo trạng...” theo cách nói của Trịnh Cung / Nguyễn Văn Liễu. Hay đấy chính là một thứ “Lý lịch (tình yêu) trích ngang” của Nguyễn?
Trường hợp nào thì bài thơ “Lý lịch (tình yêu” trích ngang” của Trịnh Cung viết về mối tình với người con gái kém ông 43 tuổi, cũng là một trong những đổi mới thi ca dữ dội của tác giả “Cuối cùng cho một tình yêu”.
Cái mới của Nguyễn ở bài thơ mở vào thi phẩm “Nội tình cái hẻm” là tính xum xuê hiện thực (qua những cụm từ như “rừng người khẩu trang”, “chực cận chiến khi đèn ngã tư bật xanh”, “Hằng hà quán nhậu bia ôm” hoặc, “trốn chạy lương tâm bằng trò thịt rượu”, “Ngập ngụa mỹ phẩm, mỹ nhân”... sánh vai cùng những siêu thực, hư-vô-ngỏ như “em cất dấu hớ hênh niềm hoan lạc”, “chảy loang ướt lộ khoảng tối thiên đường” hay, “đôi hài ánh sáng”, “món nợ tội tình tiền kiếp”...
Với tôi, đó là một cõi-giới thi khác, của Trịnh Cung / Nguyễn Văn Liễu.
Đó là những thổ ngơi thi ca, nỗ lực loại bỏ thời gian khỏi những hữu hạn mông muội, để xuôi về chân trời ấn-chứng-xanh, dưới dạng những câu hỏi (ẩn sẵn câu trả lời), như:
“Sao em lại đến
Còn gì để nhặt
Ngoài hoang phế thân xác và rác rưởi tâm hồn
Cái chết tầm gửi đang hối hả những giờ phút thèm muốn cuối cùng
Trong khu vườn hoan lạc lấn chiếm sự lỡ lầm
Của những người đàn bà cầm tinh mèo cái hoang
Rống rách màng đêm trên nóc nhà cháy mùa động tình
“Sao em lại đến
Anh quên cắm biển báo vùng nguy hiểm phải dừng
Dù em có mang mặt nạ chống hơi độc và quần áo bảo hộ
Cũng xin đừng chạm đến anh
Sự chờ đợi đã bốc men tuyệt vọng
Chất độc sẽ vỡ tràn vung vãi bọn tinh trùng đói khát điên loạn trước giờ tự sát tập thể...”
(Trích “Chúc thư con bửa củi”)
Hoặc xác quyết định mệnh tận tụy, bất hoán chuyển:
“... Chỉ còn hai ly nước của chúng ta im tiếng thủy tinh
Vì môi em và môi anh Không cần đường, chanh, sữa, trà và nước đá
Vì tay em và tay anh
Đang lần theo những đường chỉ cất giấu bí mật số phận ngày mai...”
(Trích “Trong quán trưa”)
Hoặc:
“...Thật ra em đã nhận lãnh phần lãi từ lòng hào phóng mê muội
Không có thói quen đếm lại túi mình
Và thường đánh rơi tương lai
Em tự nguyện làm con tin không cần giải cứu...”
(Trích “Mỗi nhịp anh & những tin nhắn từ eL.”
Với những trích đoạn thơ trên, tôi trộm nghĩ, bạn đọc đã nhận ra: Vẫn là những kỹ thuật căn bản của thi ca, như liên tưởng, nhân cách hóa, ẩn dụ... Nhưng tất cả những kỹ thuật vừa kể, đã được Trịnh Cung cho chúng thịt da, cùng hơi thở, nhịp đập mới.
Ở đâu ra những thịt, da, hơi thở, nhịp đập mới của thơ Trịnh Cung hôm nay? Nếu không phải từ tình yêu eL - - tình yêu đầu tiên và cuối cùng – “Tình yêu cứu rỗi”, như họ Nguyễn đã hơn một lần xác nhận.
Nói về “Tình yêu cứu rỗi” đời mình, ở tuổi 67, họ Nguyễn kể, đại ý:
- Năm 2004, định mệnh gõ cửa, cho tình yêu tinh ròng chảy lênh láng đời ông. Nó khởi đầu từ việc eL nhờ nhà văn Nguyễn Viện, giới thiệu với ông, để học hỏi nghệ thuật phỏng vấn, khi eL mới nhận vai trò phóng viên cho tờ Sinh Viên, Sài Gòn. Ông không kể diễn tiến buổi học đầu tiên của người học trò, ở tuổi 24, đã tốt nghiệp đại học ra sao? Thế nào? Mà, chỉ nói, trước khi chia tay, cô học trò ngỏ ý xin “ông thầy” số điện thoại. “Ông thầy” trao ngay mà, không hề hỏi xin ngược lại, số điện thoại của cô.
- Bất đồ, sáng hôm sau, cô học trò “ngoại lệ” điện thoại cho Nguyễn, nói, cô cần một bờ vai để... khóc.” Ông thầy” nói, bờ vai ông hôm nay đã là một bờ vai già cỗi tháng năm dập vùi bi kịch. Liệu có đáp ứng được nhu cầu của cô?
Ông nói, lúc đó, ông chỉ không kể rằng, ông đã có 11 năm gửi bờ vai dòn, ải của mình cho lãng quên, từ ngày người bạn đời đầu tiên của ông, qua đời vì ung thư. Và, cô học trò duy nhất một tối kia, đã bật khóc...
Tôi nghĩ, chính những giọt lệ của eL, không chỉ hồi sinh bờ vai dòn ải, có 11 năm bị nhận chìm, mất tăm trong cay đắng lãng quên mà, những giọt lệ kia, đã phục sinh trái tim mẫn cảm, tài hoa Nguyễn.
Tôi nghĩ, chính những giọt lệ định mệnh ấy, sau đó, đã giúp eL thú nhận, cô bắt đầu làm thơ kể từ khi đọc, nghe ca khúc “Cuối cùng cho một tình yêu” lúc cô còn rất nhỏ.
Tôi nghĩ, những giọt lệ một khuya nọ, chính là nụ cười (theo nghĩa tinh khôi) của định mệnh chăm chút, cuối cùng đã dành riêng cho Nguyễn. Như một đền bù hay, “thưởng công bội hậu” của thượng đế, gửi cho con sói đơn, độc sau 64 năm hú trăng giữa nổi, chìm, sấp, ngửa trần gian này.
.
Người học trò ngoại lệ của Nguyễn, 2004, chính là người bạn đời hôm nay của Trịnh Cung / Nguyễn Văn Liễu, vậy.
(Garden Grove, Oct. 2015)
_________
(*) Một tài liệu trên trang mạng Wikipedia ghi năm thành lập hội là 1968. (1) Nguồn: “Nhớ về Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam trước 1975”, Trịnh Cung, báo Người Việt Giai Phẩm Xuân Quý Tỵ, 2013. (2), (4), (5): Nguồn Wikipedia (3) Cố thi sĩ Nguyên Sa sinh ngày 1 tháng 3 năm 1932, tại Hà Nội. Ông mất ngày 18 tháng 4 năm 1998 tại California, Hoa Kỳ.
(6) Bức tranh này hiện thuộc về bộ sưu tập tranh của nhà sưu tập tranh nổi tiếng Hà Thúc Cần.
(7) “Mỹ Thuật Việt Nam những vấn đề chung quanh”, ấn bản giới hạn do C xuất bản, California, 2010. (8) “Trái-bói” là thuật ngữ thời xưa của dân quê Việt Nam, chỉ sự đậu trái đầu tiên của một cây mới trồng, thường chỉ cho duy nhất một trái. Nhà vườn phải đợi mùa kế tiếp, mới tính chuyện bội thu...