Lịch sử tân nhạc Việt Nam ghi nhận: Thời tiền chiến, có một hiện tượng đặc biệt. Đó là sự thành công rực rỡ của nhạc Đoàn Chuẩn với ca từ của Từ Linh. Nếu trong toàn bộ sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, người ta đếm được 11 ca khúc do Từ Linh đặt lời thì, trong khoảng trên dưới 200 ca khúc mà, cố nhạc sĩ Hoàng Trọng để lại cho đời, người ta đếm được ít nhất cũng trên dưới 50 ca khúc do nhà thơ Hồ Đình Phương đặt lời, hay từ thơ của ông. (1)
Tưởng cũng nên nói ngay rằng, nhạc sĩ Hoàng Trọng không chỉ hợp tác với một mình nhà thơ Hồ Đình Phương trong phần ca từ mà, họ Hoàng cũng nhận được sự hợp tác của rất nhiều nhạc sĩ, nhà thơ, nghệ sĩ vốn có tình thân với ông. Trong số này, có nhiều tên tuổi quen thuộc, như Hoàng Dương, Quách Đàm, Vĩnh Phúc, Thanh Nam, Quốc Bảo, Y Vân, Lan Đình, Dạ Chung, Nguyễn Túc, v.v…
Tuy nhiên, cách gì thì số lượng những sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Trọng, có sự hợp tác của những tác giả kể trên, vẫn là những con số rất khiêm tốn, nếu so sánh với phần đóng của họ Hồ. Đó là chưa kể gần như tất cả những sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Trọng với ca từ của nhà thơ Hồ Đình Phương đều là những ca khúc nổi tiếng như: “Mộng ban đầu”:
“Quê em miền thùy dương
Lúa ngọt ngào hoa mới
Gió mang mùa Xuân tới
Hôn liếp dừa lên hương
Hương thơm tràn muôn lối
(…)
Hôm qua buồn nhìn đâu
Thoáng mẹ già nom thấy
Hỏi: con chờ ai đấy?
Em níu lấy cành dâu
Che dấu mộng ban đầu
(…)
Nhớ về thăm em nhé!
Đứng khinh mái lều tranh
Rau muối ấm tâm tình
Cơm ngô thắm no lòng
Anh nhớ về anh nhé!
Trông em mừng vườn cau
Trái mập tròn Xuân mới
Bỗng mẹ cười mẹ nói:
Con bé lớn thật mau,
Mai mốt mẹ ăn trầu…”
(Nhạc Hoàng Trọng. Lời Hồ Đình Phương. Nguồn đd.)
Hoặc:
“Bạn lòng thân mến
Đây tôi hiến bài ca
Mong ai hát vui hòa
Bạn là xuân thắm
Cho tôi đón nhiều hoa
Gieo hương mái tranh nhà
Rồi ta chung ngắm
Đôi chim lướt trời xa
Say sưa muôn tiếng ca…”
(Trích “Bạn Lòng”. Nhạc Hoàng Trọng. Lời Hồ Đình Phương. Nguồn đd.)
Hoặc nữa:
“Ánh Xuân về tràn dâng nắng mới
Tơ trời mừng say gió tới
Ngàn đóa hoa bừng chào đời
Từng bầy én trông đẹp mùa màng
Vờn cánh vui đùa nhịp nhàng
Hòa tiếng chung tình nồng nàn
Có riêng một mình ta với bóng
Không hẹn gần ai ấm cúng
Mà chẳng nghe lòng lạnh lùng
Vì người ấy luôn chờ một lời
Là hiến ta trọn cuộc đời
Thề ước đem tình sánh vai…”
(Trích “Mộng Lành”. Nhạc Hoàng Trọng. Lời Hồ Đình Phương. Nguồn đd.)
Tôi không biết tình thân giữa nhạc sĩ Hoàng Trọng và họ Hồ ở mức độ nào. Tôi cũng không biết hai ông có bàn thảo trao đổi ý kiến chặt chẽ, kỹ lưỡng với nhau, trước khi hợp soạn một ca khúc hay không? Nhưng hiển nhiên, sự hòa quyện của tất cả những sáng tác mà họ là đồng tác giả, thật tuyệt vời.
Trách nhiệm phần ca từ, nhà thơ Hồ Đình Phương không chỉ cho thấy, ông rất đồng điệu, rất tâm lý với những giai điệu mang tính thơ mộng, lãng mạn viết về tuổi trẻ của nhạc sĩ Hoàng Trọng mà, ngay với những ca khúc nặng tình quê hương, đất nước, ông cũng cho thấy khả năng, tài hoa rất mực của mình, ứng hợp với dòng nhạc Hoàng Trọng:
“Thuyền trôi chờ ai nhấp nhô trên sông dài
Phải thuyền năm ấy hòa với lòng tôi
Cùng mơ hàn nối đôi phương cách xa vời
Để người sum vầy khỏi buồn đầy vơi?
Mẹ quê lần bước đưa tôi ra tận thuyền
Nhủ rằng: Luôn nhớ tình nước con ơi
Trời đang mờ tối, quê hương đang tơi bời
Chờ con về xóa ngàn mối u hoài
Mẹ già yêu mến, giờ này con đang thề
Đấu tranh cùng muôn người :
Đợi một ngày mai tràn đầy
Xuân mới về cố hương hòa vui…”
(Trích “Mộng ngày hồi hương”. Nhạc Hoàng Trọng. Lời Hồ Đình Phương. Nguồn đd.)
Nhưng ca khúc viết về niềm tự hào dân tộc, thành công nhất, giá trị nhất, theo tôi là ca khúc “Bên bờ đại dương”, nhạc Hoàng Trọng. Lời Hồ Đình Phương:
“… Hôm nao, ai đã mơ mộng/ Chia mối tơ đồng của một khối non sông vinh quang/ Ai ơi, ai nhớ chăng rằng/ Gươm súng đâu diệt được nòi giống muôn năm hiên ngang/ Anh với tôi còn sống bên bờ đại dương/ Tôi với em còn thắm trong lòng niềm thương/ Đất nước tôi còn gió độc lập Trường Sơn/ Còn lúa tràn đồng phương Nam Còn xóa được hờn quê hương.”
(Nguồn đd.)
Nói cách khác, tới nay, lịch sử tân nhạc Việt Nam chỉ ghi nhận được hai cuộc hôn phối mang tính đường trường. Đó là cuộc hôn phối giữa Đoàn Chuẩn - Từ Linh, thời tiền chiến. Và, Hoàng Trọng - Hồ Đình Phương, hôm nay vậy.
Du Tử Lê,
(Apr. 2013)
_________
Chú thích:
(1)Theo tác giả Lê Mộng Hòa trong tác phẩm “Thi Nhân Huế”, xuất bản năm 1960 thì, nhà thơ Hồ Đình Phương Sinh ngày 1 tháng 3 năm 1927 tại Huế. Tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, năm 1958, nhà thơ Hồ Đình Phương từng cộng tác với một số báo và tạp chí tại Saigon, như Thẩm Mỹ, Phụ Nữ, Văn Nghệ Tiền Phong... Những tác phẩm đã xuất bản của ông, gồm có: “Hai cuộc sống” (Thơ. XB năm 1951) . “Tình thế hệ” (Thơ. XB năm 1952). “Sưởi nắng” (Thơ. XB năm 1953. Tái bản bản năm 1954). Ông cũng là tác giả của ít nhất hai tác phẩm có tính cách nghiên cứu, biên khảo về thi ca, chưa xuất bản như: “Thi pháp thực hành” và, “Thi ca với thời đại”.