Phía Bên Kia Những Bài Thơ “Cà Rỡn” Của Nguyễn Bắc Sơn
Cuối thập niên 1960s, một tiếng thơ lạ, bất ngờ xuất hiện, tạo được sự chú ý của nhiều độc giả ở miền nam, khởi đầu từ giới trẻ. Những người phải nhập ngũ vì lệnh tổng động viên mới, do chiến tranh leo thang, tới hồi khốc liệt. Đó là tiếng thơ Nguyễn Bắc Sơn
Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn
Những xao động, như một trận bão trong tách trà và, những xốn xang như những câu hỏi lớn về ý nghĩa chiến tranh? Sự sống và lẽ chết của con người, tựa con tin trong bàn tay lạnh lùng của thảm kịch? Không lâu sau, tiếng thơ họ Nguyễn nhận được sự chú ý đặc biệt giới cầm bút, dù đứng phía nào nơi quảng trường bom/ đạn.
Nhiều thành phần, nhiều lớp độc giả bị xao động và, xốn xang bởi thơ Nguyễn Bắc Sơn, không phải vì thơ họ Nguyễn mang đến cho sinh hoạt văn chương miền Nam thuở đó, những cách tân mới mẻ! Chúng cũng không hề là những mũi khoan tiền phong khai quật một mỏ quặng triết lý nhân sinh diệu dụng! Mà chúng chỉ là những bài thơ tác giả cố tình tự lố bịch hóa mình, lố bịch hóa đời thường của mình, trên phông cảnh chiến tranh sống/ chết vô nghĩa:
“Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Vung tiền mua vội một ngày vui.”
Hoặc:
“Trên trái đất có rừng già núi non cùng biển sông
“Trong Nguyễn Bắc Sơn có kẻ làm thơ
Kẻ làm thơ đôi khi biến thành du đãng
Hoặc nhà tu theo khí hậu từng mùa.”
Hoặc nữa:
“Khi tao đi lấy khẩu phần
Mày đi mua rượu đế Nùng cho tao
Chúng mình nhậu để trừ hao
Bảy ngày sắp đến nghêu ngao trong rừng
Mùa này gió núi mưa bưng
Trong lòng thiếu rượu anh hùng nhát gan…”
Nhưng mặt khác của chủ tâm lố bịch hóa sinh hoạt hàng ngày của mình, tiếng thơ họ Nguyễn cũng có tác dụng lột trần phần nào những lý tưởng kiên cưỡng được những người có mưu đồ, chụp chiếc mũ đầy mầu sắc rực rỡ ý nghĩa cho chiến tranh. Sự lộ bịch hóa chiến tranh của ông, đồng nghĩa với sự lố bịch hóa tất cả những hô hoán, chiêng trống ồn ào ở hai lằn ranh quốc/ cộng:
“Vì sao ta đến đây hò hét
Học trò bẻ bút tập mang gươm
Tập uống máu người thay nước uống
Múa may theo lịch sử điên cuồng
Vì sao người đến đây làm giặc
Đóng trò tráng sĩ loạn Xuân Thu
Giận đời ghê những bàn tay bẩn
Đưa đẩy ngươi trong cát bụi mù”
Hoặc:
“Xem cuộc chiến như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xuôi khiến đó thôi
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi”.
Và, khi họ Nguyễn gom một số bài thơ để in trong tập “Chiến Tranh Việt Nam và Tôi” (CTVN & T) thì dư luận lập tức vạch một lần ranh bênh/ chống quyết liệt. (1)
Theo một bài viết của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên thì:
“…Hai mươi bảy bài thơ phơi trải trong Chiến Tranh Việt Nam & Tôi đã được đón nhận (thời đó) bằng những thái độ khác nhau: Các nhà làm chính trị và đạo đức giả cầy gọi thơ Nguyễn Bắc Sơn là ‘con sâu bệnh hoạn’, là ‘phản chiến, khiếp nhược’, các em tiểu thư khuê các vừa nhắm mắt vừa đọc, vừa thè lưỡi rụt đầu vừa rung bần bật những khoái cảm sũng nước. Và chỉ có những kẻ bị xô đẩy vào chốn ‘du côn, du đãng’ mới đồng cảm được tiếng thơ bi hài lồng lộng bão cát, chói chang lửa đỏ và dầm dề mưa lũ…” (2)
Nhưng ngược lại, thi phẩm của tác giả những bài thơ cố tình lố bịch hóa mình, diễu cợt mọi sự việc chung quanh đời thường của mình, trên phông cảnh chiến tranh sống/ chết vô nghĩa kia, cũng được nhiều cây bút tên tuổi ngợi ca. Nhà văn Chu Tử, trong một bài viết về thơ Nguyễn Bắc Sơn trên tuần báo Đời số 9, đề tháng 11 năm 1969, viết:
“(Thơ Nguyễn Bắc Sơn) có cái ngang tàng đượm màu sắc Lão Trang, đánh giặc không lý tưởng mà vẫn đánh, coi cuộc chiến như trò chơi, thương xót kẻ thù như ruột thịt…” (3)
Hoặc nhà văn Doãn Quốc Sỹ, trên tạp chí Văn số 185, đề ngày 1 tháng 9-1971:
“… Đọc thơ Nguyễn Bắc Sơn tôi có liên tưởng đến tiếng thơ Quang Dũng trong bài ‘Tây Tiến’, chỉ khác thơ Quang Dũng là kết tinh của một hoàn cảnh bi hùng, còn thơ Nguyễn Bắc Sơn là kết tinh một hoàn cảnh bi hài”. (4)
Riêng nhà văn Nguyễn Lệ Uyên, trong bài viết của mình, đã ghi xuống những cảm nghĩ ông, sau nhiều chục năm đọc lại thi phẩm “CTVN & T” của Nguyễn Bắc Sơn, như sau:
“… Những tra khảo tâm óc dường như chưa hề có câu trả lời, không thể trả lời nổi, để cuối cùng phó mặc mọi sự đẩy đưa. Mặc kệ tất. Thằng nào giương cao ngọn cờ cứ giương, đứa nào hò hét cứ hò hét, cứ xông tới và trốn chạy, xông tới và ngã xuống, chiến thắng và bại trận. Tất cả đan chéo vào nhau như đường gươm ma thuật của phái Bạch Mi. Riêng ta bỏ tuốt cái phía trước và phía sau, bỏ cái quyền uy và khuất phục để làm một kẻ lãng đãng khói sương trong khói lửa mịt mùng, kinh lợm:
“Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất
Dừng quân đây nói chuyện tiếu lâm chơi
Hãy tựa gốc cây hãy ngắm mây trời
Hãy tưởng tượng mình đang đi picnic
Kẻ thù ơi các ngài du kích
Hãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheo
“Không lạ, không xa mà cũng chẳng nhọc nhằn lý giải theo phép biện chứng khi mà guồng máy xay thịt cứ nghiền nát từng cánh tay, bàn chân, thân thể con người. Những công dân, những đồng bào, họ không bao giờ muốn thân xác mình biến thành món thịt băm; họ đâu muốn bắn giết nhau. Chỉ có các ngài chính trị lợi dụng sự cả tin, phều ra chút nước bọt để tranh giành quyền lợi cá nhân theo mộng tranh bá đồ vương, nên ‘lúc này đây ta không thèm đánh giặc’. Ta ‘không thèm đánh giặc’ bởi trong đầu óc ta luôn nghĩ:
“Xem cuộc chiến như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xuôi khiến đó thôi
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi…(5)
Là tiếng thơ nặng tính thời sự, nên tùy tâm cảnh, quan niệm thời cuộc, chiến tranh mà, mỗi người có một ghi nhận riêng, về thơ Nguyễn Bắc Sơn. Nhưng dù đứng ở góc độ nào, từ quan điểm nào, thì thi phẩm “Chiến Tranh Việt Nam và Tôi” (CTVN&T) của họ Nguyễn, vẫn là tập thơ được nói tới nhiều nhất trong những năm đầu thập niên 1970s. Và, hiển nhiên thi phẩm "CTVN&T" của Nguyễn Bắc Sơn đã không được thành phần quá khích, cực đoan ở cả hai phía tả/ hữu mở rộng vòng tay đón nhận (như đa số độc giả bình thường).
Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn
Nguyễn Bắc Sơn: “Người sống sót nâng ly mời kẻ khuất!”
Với thành phần phản chiến, nghiêng về cánh tả thì, chẳng những họ không chấp nhận tiếng thơ của Nguyễn Bắc Sơn vì, chẳng những ông không cao giọng lên án chế độ miền Nam mà, ông còn giễu cợt những… ”chiến sĩ cách mạng” các anh du kích, bộ đội miền Bắc qua những câu thơ như:
“Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất
Dừng quân đây nói chuyện tiếu lâm chơi
Hãy tựa gốc cây hãy ngắm mây trời
Hãy tưởng tượng mình đang đi picnic
Kẻ thù ơi các ngài du kích
Hãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheo” (6)
Hãy tránh xa ra ta xin tí điều
Lúc này đây ta không thèm đánh giặc
Thèm uống chai bia thèm châm điếu thuốc
Thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh
Kẻ thù ta ơi những đứa xâm mình
Ăn muối đá mà điên say chiến đấu
Ta vốn hiền khô ta là lính cậu
Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem cuộc chiến như tai trời ách nước…”
Và, tác giả nhìn cuộc chiến như một thứ “tai trời ách nước” chứ không phải vì lý tưởng… “giải phóng” miền Nam, tiêu diệt “Mỹ-Ngụy”:
“Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xuôi khiến đó thôi
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
Suy nghĩ làm chi cho lao tâm khổ trí
Lũ chúng ta sống một đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau
Mượn trời đất làm nơi đốt hỏa châu
Những cột khói giả rừng thiêng uốn khúc
Mang bom đạn chơi trò chơi pháo tết
Và máu xương làm phân bón rừng hoang” (7)
Ngược lại phe hữu hay phe chống cộng cực đoan, cũng không thể chấp nhận một Nguyễn Bắc Sơn với những câu thơ làm… “nản lòng chiến sĩ” như:
“Mày gửi một chân ngoài trận mạc
Mang về cho mẹ một bàn chân
Mẹ già khóc đến mù hai mắt
Đời tàn trong lứa tuổi thanh xuân”'
Hay hình ảnh người lính không mấy… hào hùng trong ghi nhận của Nguyễn Bắc Sơn, như:
“Ngày trước mày hiền như cục đất
Giờ mở miệng ra là chửi tục
Hà hà ra thế con nhà binh
Ngôn ngữ thơm tho như mùi cứt”
(…)
“Giờ tối nằm mơ chỉ thấy tiền
Nhân nghĩa gì gì quên tuốt luốt” (8)
Với tôi, lý do tiếng thơ Nguyễn Bắc Sơn được đông đảo quần chúng, bằng hữu đón nhận nồng nhiệt, trước nhất, ông không làm thơ để đáp ứng quan điểm hoặc, thỏa mãn một lăng kính chính trị nào! Ông viết vì nhu cầu, thúc bách nội tâm của chính ông, trước những vô lý và, vô nghĩa của một cuộc chiến giữa những đứa con cùng một giống nòi, cùng nói một thứ tiếng, cùng tha thiết một tình yêu quê hương.
“Buổi chiều uống nước dòng Ma Hý
Thằng Xuân bắn chết thằng Mang Khinh
Hỡi ơi sống chết là mưa nắng
Gió tối mưa đêm chớ lạnh mình
Đốt lửa đồi cao không thấy ấm
Lính Chàm giận ghét Chế Bồng Nga…” (9)
Với tôi, thơ Nguyễn Bắc Sơn đi ra từ tâm thức trước nhất của một người Việt Nam. Kế đến cũng là tâm thức của một thi sĩ, phải đối mặt với cuộc chiến mà máu xương hai bên, dù nhân danh chủ nghĩa nào, thì máu, xương kia cũng vẫn là máu xương Việt Nam. Và có người Việt Nam nào không khao khát, không ước mơ một đời sống thanh bình, êm ả?
“Cởi áo trận và hoa mai ném tuốt
Xin giã từ đời vũ khí, huy chương
Xin trở về như một kẻ hoàn lương
Xin vứt hết xin bắt đầu lại hết…” (10)
Trong tâm thức thi sĩ của Nguyễn Bắc Sơn, ông mơ ước, ông hình dung một ngày Việt Nam khác. Một ngày Việt Nam không chiến tranh. Một ngày Việt Nam gặp gỡ những Việt Nam:
“Lạng quạng ra bờ sông ngó nước
Trên bờ dưới nước gặp ông câu
Ta câu con đú ngươi con đẽn
Chung một tâm hồn tất gặp nhau” (11)
Tinh thần thi sĩ của một Nguyễn Bắc Sơn còn mơ ước tìm kiếm chân dung đích thực, ý nghĩa sau cùng một kiếp người. Nói cách khác, thơ ông muốn mở tới những chân trời tâm linh rốt ráo:
“Người sống sót nâng ly mời kẻ khuất
Lại gần đây trên bãi cỏ bờ sông
Soi mặt mình trong dòng nước xanh trong
Để nhìn thấy hình bản lai diện mục…” (12)
Tôi trộm nghĩ, tìm kiếm kể trên nơi tâm thức của họ Nguyễn cũng nhằm đem đến cho chính ông câu hỏi ông sớm có từ những năm đầu thập niên 1960s khi ông viết xuống trong bài thơ “Những điều cần nói khi thôi học 1963”:
“Khi ta thôi học
Người khách trú bán ve chai già đã chết
Y đã hát cho ta nghe
Những buổi trưa buồn rầu
Trong ngôi trường đầy vết tích chiến tranh
Những bài hát làm nhớ hoài một nước cổ Trung Hoa
Một nước Trung Hoa loạn lạc
Thiếu cơm và thừa nước mắt
Ôi giấc mộng anh hùng Lương Sơn Bạc
“Khi ta thôi học
Các giáo sư dạy cho lũ học trò những điều họ không tin
Và chúng ta tin những điều họ không dạy
“Khi ta thôi học
Ta không biết con người sinh ra để làm gì
Và ta mải miết
Đi tìm câu trả lời
Để sống yên tâm”. (13)
*
Tôi tin, hôm nay, khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt đã lâu, thời thế đã có cho nó một chương sách khác, nhưng thơ Nguyễn Bắc Sơn, dù là tiếng thơ gắn liền với thế sự thì, chúng vẫn lồng lộng trong tâm hồn, ký ức, chí ít, cũng nơi những người lính, cùng thời với ông. (14)
Và, tôi cũng tin, ông đã và đang “sống yên tâm” những ngày còn lại, nơi quê nhà?
Du Tử Lê
(Calif. Mar. 2014)
_________
Chú thích:
(1) “Chiến Tranh Việt Nam và Tôi” của Nguyễn Bắc Sơn, xuất bản lần đầu năm 1972.
(2): Nguyễn Lệ Uyên: “Nguyễn Bắc Sơn người thọc chân vào làng thơ như một kẻ ‘du côn chữ nghĩa’ và tiếng thơ bi hài”. Nguồn “vanchuongplus”.
(3), (4), (5) Trích Nguyễn Lệ Uyên, nđd.
(6) “Bắn nheo” = “Bắn sẻ” hay "bắn tỉa" (chú thích của Nguyễn Ngọc Thuận).
(7), (8), (9), (10), (11), (12), (13) Nđd.
(14) Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn tên thật Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1944 tại Phan Thiết. Sau 1975, đến nay, ông vẫn cư ngụ tại thành phố này.