Chỗ Nào Cho Doãn Dân
Doãn Dân tên thật là Trần Doãn Dân. Sinh năm 1938 tại Nam Định. Tử trận tại Quảng Trị ngày 29-4-1972.
Chỗ của Huệ là nhan tác phẩm đầu tay của Doãn Dân. Tôi thích cái nhan này, như thích cái lối nói chuyện say sưa của anh, buổi tối nào, ở quận P. Đó là những buổi tối khi anh em chưa tan tác. Đây là những khoảng thời gian mà sinh kế chưa quất vụt xuống lưng anh em những đường roi cay nghiệt, khiến anh em phải mỗi người về một phía. Đó cũng là cái khoảng thời gian mà Chỗ của Huệ ra đời.
Những người có mặt trong chiếc bàn vuông hôm đó, tôi nghĩ chắc khó có thể quên một Doãn Dân với khuôn mặt vuông, cằm bạnh, lưỡng quyền cao, trán lớn và bóng, với chồng sách còn ướt mực in trên tay. Anh nâng niu từng cuốn, tặng từng người. Anh say sưa với giọng nói đục và (như) nằm ngang về những gian nan của cuốn sách. Về cái tính của N.T., người chủ trương nhà Huyền Trân, người mà Doãn Dân coi như ân nhân của mình trong cố gắng tận lực để Chỗ của Huệ ra đời đúng với ý nguyện tác giả.
Nói như nhà văn Mai Thảo thì mỗi người cầm bút ngoài khả năng thực sự của mình, họ còn thành công hay thất bại, nhanh hay chậm, do nơi cái gọi là “duyên may”
Nếu có một số ít anh em được hưởng cái duyên may kia, thì ngược lại, theo tôi có quá nhiều anh em ở trường hợp ngược lại, Doãn Dân ở trường hợp sau.
Cái không may của anh, ở chỗ lẽ ra tác phẩm đầu tay của anh phải được trình làng vào những năm cuối năm mươi. Đó là khoảng thời gian có mặt tạp chí Văn Hoá Ngày Nay do nhà văn Nhất Linh trông nom. Tôi không biết trước thời gian này, Doãn Dân đã viết cho báo nào chưa, nhưng tôi nhớ từ thời Văn Hoá Ngày Nay, Doãn Dân đã có mặt, ngang hàng với những tác giả thời đó. Hãy tưởng tượng nếu ớ những năm cuối thập niên năm mươi kia, tác phẩm của Doãn Dân ra đời, niềm mơ ước và khao khát bỏng cháy của anh thành hình và được thể hiện từ những năm đó, có thể anh đã khác. Cái khác ở đây, tôi muốn nói, có thể nó sẽ không đưa anh tới cái chết ở Quảng Trị. Tôi không tin nơi những lời nói nhà văn không cần thác phẩm, nhất là ở trong thời hiện đại. Câu nói này nghe nó có vẻ lãng mạn kiểu trung cổ quá đi. Và tôi vẫn nghĩ công việc cũng như khó khăn đầu tiên của một nhà văn là y phải có tác phẩm. Tác phẩm đầu tay. Điều này cần thiết lắm. Tôi ví nó như một tấm gương. Một tấm gương chỉ in hình của chính nhà văn đó mà thôi. Nó cần thiết như một thử thách không thể không có cho một lên đường hay bỏ cuộc. Từ ấy, nhà văn có thể viết lại, bằng một lối khác, điều đã viết ra kia, hay kể lại, bằng một cách khác, câu chuyện kể đã có sẵn đấy. Hoặc hơn nữa, y xoá bỏ hoàn toàn để vẽ lên một dung nhan mới. Nhưng cách nào, thế nào, cũng chỉ là một lối nói, một quan niệm của từng người. Việc đầu tiên vẫn là cái tấm gương phải có hình ảnh y. Và tôi nghĩ, quá muộn màng cho Doãn Dân khi gần hai mươi năm sau, tác phẩm đầu tay của anh mới được ra đời! Cái không may, cái không có duyên của Doãn Dân còn ở chỗ anh đã không được nhìn thấy cuốn sách thứ hai của anh lên khuôn (1). Tôi nghĩ đến cái đam mê lớn nhất của người bạn vắn số này là cái đam mê dành cho chữ in. Dành cho màu mực. Tôi hiểu cái khát khao quặn thắt tâm hồn anh, những tháng năm đã đi qua là cái khát khao của những dòng chữ mang tâm hồn và ý nghĩ anh. Nhưng đã vô ích rồi tất cả những thứ đó! Đã hoài công rồi, những gì mà giờ phút này anh em, bè bạn và đám đông có thể dành cho anh!
Tôi cũng nghĩ, cái kém may mắn cái không có duyên của Doãn Dân, còn ở chỗ anh đã quên không dành lấy cho chính mình... một chỗ. Một chỗ nào đó, trong suốt thời gian, còn làm người. Và phải chăng chính sự quên mình, chính vì sự chỉ mưu toan giữ chỗ cho những gì khác, ngoài một chỗ cho Huệ, đã khiến tôi thấy yêu anh hơn, và hẳn chất nghệ sĩ nơi con người anh, từ đấy đậm nét hơn.
Bây giờ, lúc mà chiến tranh đã dành cho Doãn Dân một chỗ không êm đẹp. Lúc mà những viên đạn vô tình của những người anh em bên kia, đã dành chỗ vội vàng trên thân thể Doãn Dân, tôi muốn xin những người còn lại, những người thân yêu hãy để cho Doãn Dân một chỗ nào đó khuất kín trong lòng mình. Cũng như đã để cho những người nằm xuống khác, những chỗ tương tự. Hy vọng đặc tính mau quên của thời đại mới, sẽ không đúng với trường hợp này. Và lời cuối cùng trong bài viết ngắn này, tôi muốn gửi tới người con gái đi bên Doãn Dân, trong buổi tối nào khi cuốn sách đầu tay của Doãn Dân còn ướt mực, một lời xin riêng. Có thể là một ngỏ ý thừa thãi, một lời xin trễ tràng nhưng tôi cùng xin được nói. Đó là một chỗ, vâng, một chỗ nhỏ nhoi thôi, trong tâm hồn cô, nhưng đó là một chỗ mãi mãi, dành riêng cho bạn tôi, Doãn Dân. Được chăng? Hỡi người con gái của một tối mà tới bây giờ, tôi vẫn chưa biết tên.
Xin cám ơn cô, và cám ơn tất cả những ai còn dành cho Doãn Dân một chỗ nhỏ nhoi trong trí nhớ, như anh, anh đã dành suốt cuộc đời anh, kiếm tìm những chỗ cho bất cứ ai đó, trong chúng ta.
________
(1) Tiếng gọi thầm, Tân Văn