Chủ đề “tìm về” hay “trở về” một nơi chốn nào đó, trong dòng tân nhạc Việt phong phú tới mức, tôi nghĩ có thể tạm chia thành hai loại. Loại thứ nhất, căn cứ vào ca từ, giới thưởng ngoạn biết được đích danh nơi chốn người nhạc sĩ muốn nói tới. Và, loại thứ hai, trong phần ca từ, nhạc sĩ không chỉ rõ địa danh, hoặc nơi chốn làm thành cơn bão nội tâm, khao khát trở về của họ. Nó có thể là bất cứ một địa danh nào vì tính phiếm-định của nó. Cũng vì thế, loại phiếm-định này dễ vào được, ở lại sâu hơn trong ký ức người nghe.
Ở loại thứ nhất, có thể kể tới những ca khúc nổi tiếng như “Hướng về Hà Nội” của Hoàng Dương: “Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi – Ánh đèn giăng mắc muôn nơi – áo màu tung gió chơi vơi…” (1) Hoặc “Giấc mơ hồi hương” của Vũ Thành, cũng nhắc tới Hà Nội:”… Rồi đây dù lạc ngàn nơi - Ta hướng về chốn xa vời - Tìm mộng xưa lãng quên tháng ngày tàn phai - Nghẹn ngào thương nhớ ‘em’ ... Hà Nội ơi…” (2) Hay “Nha Trang” của Minh Kỳ: “Nha Trang là miền quê hương cát trắng - Có những đêm nghe vọng lại - Ầm ầm tiếng sóng xa đưa…” (3) Hoặc nữa, cũng Nha Trang, trong “Nha Trang ngày về” của phạm Duy: “Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya - Tôi đi vào thương nhớ, tôi xây lại mộng mơ năm nào - Bờ biển sâu, hai chúng tôi gần nhau…” (4) vân vân…
Ở loại thứ hai, như đã nói, tuy cùng chủ đề “tìm về” hay “trở về”, nhưng nhạc sĩ không minh thị nơi chốn hay địa danh nào trong trong phần ca từ của mình.
Ở loại thứ hai này, chúng ta có thể đơn cử những ca khúc như “Ngày về” của Hoàng Giác, “Ngày trở về” của Phạm Duy. (Ông đã thi ca, lãng mạn hóa ngày trở về của một thương binh): “… Ngày trở về có anh nông phu chống nạng cầy bừa - Vì thương yêu anh nên ngày trở về - Có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ…” (5) Và, cũng Phạm Duy trong “Người Về” tha thiết, cảm động hơn: “Me có hay chăng con về - Chiều nay thời gian đứng im để nghe - Nghe gió trong tim tràn trề - Nụ cười nhăn nheo bỗng dưng lệ nhoè…” (6)
Người ta cũng tìm thấy tính phiếm-định trong ca khúc “Đường xưa lối cũ” của Hoàng Thi Thơ: “… Khi tôi về, bồi hồi trong nắng - Tưởng gặp người em hân hoan đứng đón anh về - Nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn - Con đò nào đây đưa em tôi vào xa vắng... ” (7) Cùng rất nhiều ca khúc nổi tiếng khác nữa.
Trong số những ca khúc nằm trong chủ đề thuộc loại thứ hai, (không chỉ danh nơi chốn), có ca khúc nổi tiếng “Trở về” của nhạc sĩ Châu Kỳ. Nó không chỉ là tâm sự hay nỗi lòng của riêng ông. Nó còn tiêu biểu cho mất mát, đổ vỡ, tang tóc của những nạn nhân trong và sau thiên tai, chiến cuộc nữa:
“Về đây nhìn mây nước bơ vơ
Về đây nhìn cây lá xác xơ
Về đây mong tìm bóng chiều mơ
Mong tìm mái tranh chờ
Mong tìm thấy người xưa
“Về đây buồn trông cánh chim bay
Về đây buồn nghe gió heo may
Về đây đâu còn phút sum vầy
Đâu còn thắm niềm say
Lạnh lùng ngắm trời mây
“Nơi xưa, ôi giờ đây nát tan
Đò vắng không người sang
Thôn xóm trông điêu tàn
“Xa xa, nghe tiếng chim kêu đàn
Nghe suối reo bên ngàn
Dường như oán như than!
“Chiều nay buồn trông cánh chim bay
Chiều nay buồn nghe gió heo may
Chiều nay đâu còn phút sum vầy
Đâu còn thắm niềm say
Lạnh lùng ngắm trời mây.” (8)
Ca khúc “Trở về” của nhạc sĩ Châu Kỳ gây nên không biết bao nhiêu những con sóng xúc động trong tâm hồn người nghe, trải qua nhiều thế hệ - - Tới độ đã có nhiều bài viết về nguồn gốc của ca khúc ấy. Những người biết rõ hoàn cảnh “Trở về” ra đời của nhạc sĩ Châu Kỳ sẽ còn mủi lòng hơn nữa! Căn cứ vào một tư liệu của nữ ký giả Thy Nga, trong một lần phỏng vấn tác giả thì: Ngày ông trở về Huế (nơi chốn ông được sinh ra), cũng là ngày mẹ ông bị bão lụt cuốn trôi:
“… Tám mươi tư tuổi, nhạc sĩ Châu Kỳ đã dừng bước giang hồ, nhưng ông vẫn giữ được nét hào hoa của một chàng lãng tử ôm đàn guitare nghêu ngao cùng trăng với gió ngày nào. Ông kể: ‘Tôi sinh ra từ làng quê nghèo của đất thần kinh. Muốn sang phố thị, phải qua một chuyến đò dọc. Cha tôi có bằng tú tài chữ nho, là thầy đồ nhưng cũng là bậc thầy ca cổ Huế. Tôi bỏ Quốc Học Huế nửa chừng, theo gánh hát của người chị ruột để bớt gánh nặng gia đình cho mẹ. Bão lụt năm Thìn, từ Hà Nội tôi quay về Huế, cũng là ngày mẹ tôi bị nước cuốn trôi...’
“Đến đây, đôi mắt của người nghệ sĩ đa cảm chợt long lanh một ngấn lệ khô dưới tròng kính lão. Đôi mắt buồn xa xăm của ông như gác lên ngọn ngọc lan trước cửa rồi bật thành lời nho nhỏ ca khúc đầu tay của mình về kỷ niệm buồn này: ‘Thôn xưa ôi giờ đây nát tan/ Đò vắng không người sang/ Thôn xóm trông điêu tàn/ Xa xa nghe tiếng chim kêu đàn/ Nghe suối reo bên ngàn/ Dường như oán như than... (Trở về)…” (9)
Tính “Bất hạnh” Trong Đời Nhạc Châu Kỳ.
Không biết có phải khởi nghiệp đời nhạc của Châu Kỳ vốn là một bi kịch quá lớn hay không mà, hôm nay, nhìn lại, tôi thấy hầu hết những sáng tác của ông ít nhiều, đều mang tính bất hạnh, chia lìa, đổ vỡ?
Bìa một bản nhạc của Châu Kỳ
Với trên dưới hai trăm ca khúc để lại cho đời, chúng ta rất khó tìm thấy những giai điệu vui tươi, hân hoan, nhẩy nhót như không ít ca khúc, được sáng tác bởi những nhạc sĩ cùng thời với ông, như Văn Phụng, Phạm Đình Chương, Y Vân v.v… Có dễ cũng vì thế mà những sáng tác ông phổ từ thơ hay, hợp tác với những nhà thơ, nhạc sĩ khác, cũng thường là những ca khúc mà, thất vọng, chia ly là chiếc bóng buồn bã, ăn ở gần như một đời ông. Ngay những ca khúc ông hợp soạn với một số bằng hữu của ông, như nhà thơ Tô Kiều Ngân (còn được biết dưới tên Tô Lang), Đinh Hùng, Tố Như, Nguyễn Tiến Thịnh, Hoài Hương Tử, Hải Phương... (nhiều nhất là với thơ cũng như đặt lời của nhà hai nhà thơ Hồ Đình Phương và Trương Minh Dũng), cũng bị “phủ sóng” bởi những chiếc bóng buồn bã đó.
Thí dụ ca khúc nổi tiếng “Mưa rơi”, một sáng tác chung với Ưng Lang, thì tính cô đơn chói lọi và những “tiếc than giây phút lìa tan” cũng phất phới ngọn cờ chia lìa, đổ vỡ ấy:
“Mưa rơi…/ chiều nay vắng người/ bên thềm gió lơi/ mơ bóng ngàn khơi Mưa rơi…/ màn đêm xuống rồi/ mây sầu khắp nơi/ thương nhớ đầy vơi/ Bâng khuâng nghe tiếng tơ dịu dàng/ nhìn lá úa theo hoa tàn/ tiếc than giây phút lìa tan/ ai đi như xóa bao lời thề/ thuyền theo nước trôi không về/ thấu cùng lòng ai não nề/ riêng chốn phòng khuê…” (Ưng Lang – Châu Kỳ. (10)
Với những sáng tác mà từ giai điệu đến ca từ hoàn toàn của Châu Kỳ sau ca khúc đầu tay “Trở Về” của ông thì tính đặc thù kia, còn đậm nét hơn nữa:
“Bước sông hồ như đắm như mơ / Trở về đây khi gió sang mùa/ Mong ước tìm cô gái Xuân xưa, cho vơi bao niềm nhớ Có ngờ đâu Xuân vắng người thơ…” (Châu Kỳ, “Đón xuân này nhớ xuân xưa”) (11)
Hay:
“Người ơi nay hết rồi/ Tình duyên lìa hai lối/ Giờ em vui với chồng/ Anh về lòng tê tái/ Lệ rơi trong tiếng cười…” ( Châu Kỳ, “Được tin em lấy chồng”) (12)
Hoặc nữa:
“Đây nén hương xưa tôi khép chặt tình thơ/ Cho đến bao giờ ta nối lại đường tơ/ Trên bến sông thuyền đưa/ Dưới trăng còn tôi chờ…” (Châu Kỳ, “Hương giang còn tôi chờ”) (13)
Trong một bài viết về Châu Kỳ, còn lưu trữ trên Bách khoa toàn thư Wikipedia, nhạc sĩ Lê Dinh kể lại chuyện khi tác giả “Được tin em lấy chồng”, thời gian lưu diễn ở Nha Trang, đã lọt vào mắt xanh một nữ sinh “dòng dõi trâm anh, con nhà quyền quý tên Đoàn Thị Sum”… Nhưng mối tình vừa chớm nở đã bị bức tường “môn đăng hộ đối” thời đó chia cách, dẫn tới quyết định quyên sinh của Đoàn Thị Sum…
Họ Lê kể:
“Hôm ấy là vào ngày 10 tháng 12 năm 1942. Ngày cô Sum tự tử vì Châu Kỳ và cho Châu Kỳ, người nhạc sĩ đa tài của chúng ta đang diễn tại Phan Rang. Nghe tin sét đánh này, Châu Kỳ cũng quyết nhảy xuống dòng nước để hủy mình theo người yêu nhưng nhờ bà chị cản ngăn, khuyên bảo, viện dẫn lý do Châu Kỳ là con trai trưởng, còn cha mẹ già phải lo phụng dưỡng cho nên Châu Kỳ bỏ ý định quyên sinh. Chúng ta ắt cũng hiểu vì sao những sáng tác của Châu Kỳ đa số là những bài nhạc không vui như ‘Tôi viết nhạc buồn’, ‘Xin làm người tình cô đơn’, ‘Khúc ly ca’ v.v...
“Người yêu chết, Châu Kỳ không chết theo được, chàng buồn bã rời bỏ đoàn hát, trở về Huế để rồi - họa bất đơn hành - chàng lại được một tin buồn khác khi thân mẫu của chàng bị nước cuốn trôi trong cơn lũ lụt ở Thanh Hà…”
Vẫn theo tác giả Lê Dinh thì năm 1947, Châu Kỳ vào Saigon, “… cộng tác với Đài Phát thanh Pháp Á trong ban ‘Thần Kinh Nhạc Đoàn’ của ca nhạc sĩ Mạnh Phát và ban ‘Tiếng Thùy Dương’ do chính anh làm trưởng ban. Trong hai ban này, có mặt các ca sĩ như Mạnh Phát, Linh Sơn, Minh Diệu, Minh Tần, và Mộc Lan. Chúng ta không ngạc nhiên chút nào khi tình cảm nẩy nở giữa đôi trai tài gái sắc, một Châu Kỳ đã nổi danh từ Huế vào Nam, một người đẹp Mộc Lan, tính tình đoan trang, thùy mị, dịu dàng, duyên dáng mà không chút kiêu căng, còn tiếng hát thì truyền cảm, dễ thương. Không lâu sau đó, đôi trai tài gái sắc thành chồng vợ. Tháng 11 năm 1949, hai vợ chồng Châu Kỳ - Mộc Lan được ông Thái văn Kiểm, giám đốc Thông tin ở Huế mời hai người ra cộng tác với Đài Phát thanh Huế. Châu Kỳ nghĩ rằng bây giờ đã có gia đình, thôi thì cũng nên trở về Huế làm việc và sống gần gũi với mẹ cha. Nhưng chỉ được 3 năm, vào năm 1952, Mộc Lan âm thầm từ giã Châu Kỳ để chàng thêm một lần nữa, khóc cho tình duyên của mình thêm một lần ngang trái, bẽ bàng. Buồn vì cuộc tình không trọn vẹn, Châu Kỳ xin thôi cộng tác với Đài Phát thanh Huế để trở vào Saigon với những nhạc phẩm viết cho mối tình dang dở này như ‘Từ giã kinh thành’, ‘Mưa rơi’...”
Vẫn theo nhạc sĩ Lê Dinh thì năm 1955, Châu Kỳ thành hôn với một ý trung nhân người miền Nam, cô Kha Thị Đàng. Hôn lễ được cử hành trọng thể tại một tửu lầu ở Chợ Lớn, có sự tham dự của rất nhiều anh chị em trong giới tân nhạc cũng như cổ nhạc. Với bà Kha Thị Đàng, ông có được 4 người con, 3 trai và một gái. Tất cả đã thành gia thất.
Trước một quá khứ dư thừa bi kịch của người bạn đời của mình, trong một cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Thy Nga (RFA) ở Virginia, bà Kha Thị Đàng cười thật tươi, kể:
“… Lấy chồng nghệ sĩ, lại sinh đúng tuổi… Hợi (1923) nên ông ấy phởn phơ lắm, còn mình thì… mệt đứt hơi. Tuy nhiên, sự mệt đứt hơi của bà đã được đền đáp xứng đáng: năm 2005 ông bà đã được bạn bè, con cái tổ chức kỷ niệm đám cưới vàng - nửa thế kỷ ở bên kia nửa vòng trái đất.
“Năm 1955, cô nữ sinh áo tím trường Gia Long - Kha Thị Đàng - lên xe hoa với chàng nghệ sĩ lớn hơn mình 15 tuổi, đã gãy đổ chuyện tình duyên một lần. Trước quyết định ấy, ‘vọng tộc họ Kha’ nổi tiếng ba thế hệ của xứ Sàigòn - Chợ Lớn cảnh báo: Lấy chồng nghệ sĩ... chỉ ở nhà thuê, ăn cơm quán, mau chán ‘cơm’ nhà... Nhưng rồi thương con gái út, ba mẹ cô cũng tổ chức một đám cưới đàng hoàng và là đám cưới đầu tiên trong giới nghệ sĩ lúc bấy giờ.
“Bà Đàng kể: ‘18 tuổi lấy chồng, hành trang làm vợ, làm mẹ của tôi là chiếc áo dài của cô nữ sinh đã từng vượt qua 3000 thí sinh khác để được đứng vào 300 thí sinh đầu bảng đậu vào trường nữ Gia Long, mà vạt trước là bốn chữ công - ngôn - dung - hạnh được học ở trường, còn vạt sau là năm điều nhắc nhở của gia đình: nhân - nghĩa - lễ - trí – tín… cùng với hai bàn tay không và bắt đầu cuộc đời ‘lang bạt kỳ hồ’ với lịch sinh hoạt đều đặn: Sáng ngủ. Trưa ăn sáng. Chiều ăn trưa. Tối đi hát. Khuya ăn chiều rồi chui vào cái nhà kho tồi tàn bỏ trống của một ngôi biệt thự để chờ vòng quay mới.’… "(14)
Ba năm sau “Lễ Vàng”, nhạc sĩ Châu Kỳ từ trần. Đó là ngày 6 tháng giêng năm 2008 tại Thủ Đức, ở tuổi 85, sau gần 2 tháng, nằm liệt trên giường vì bệnh già. Thi hài của ông được bà Kha Thị Đàng đưa về Huế, an táng tại đồi Nam Giao. Những người thân cận với ông cho rằng, tuy cuộc đời tác giả “Trở Về” là một chuỗi dài bi kịch, nhưng cuối cùng, ông đã được Thượng Đế trao tặng ông một phần thưởng vô giá: Tình yêu rực rỡ và, mức độ hy sinh cao cả của người bạn đời Kha Thị Đàng của ông vậy. Một hạnh phúc lớn, không phải nhạc sĩ nào cũng có được!
Du Tử Lê
(Calif. 12. 2013)
__________
Chú thích:
(1) Wikipedia, Bách khoa toàn thư mở.
(2), (3), (4), (5), (6), (7) Nđd.
(8) Nđd. Trọn bài.
(9) Tư liệu của nữ ký giả Thy Nga (RFA). Trích theo một bài viết của Võ Quê, trên Wikipedia – Tiếng Việt.
(10) Theo Wikipedia – Tiếng Việt thì, nhạc sĩ Châu Kỳ sinh ngày 5 tháng 11 năm 1923 tại Huế; mất ngày 6 tháng 1 năm 2008 tại Thủ Đức. Nhạc sĩ Ưng Lang sinh năm 1919 tại Huế. Ông mất ngày 17 tháng 8 năm 2009 tại Saigon.
(11), (12), (13), (14) Nđd.