Mỗi lần nghe tiếng khóa thắt lưng kêu leng keng, em trai út cách anh Cả đúng 20 tuổi vội chạy sang phòng mừng rỡ, tíu tít hỏi han. Anh ở trong một căn phòng dài, có cửa thông sang phòng ngủ của Ba Me, cửa xếp thông sang phòng khách và nhiều cửa sổ nhìn ra dẫy nhà ngang có kho, bếp, nhà tắm... Em thật vui sướng được gần anh, nói chuyện xem các hình ảnh, cầm các vật dụng trong phòng...
Có hai người trong căn nhà rộng lớn để nhớ, nhất là Me và anh Cả. Me thì lo bận rộn quán xuyến mọi công việc trong nhà, các anh chị khác mỗi người một thế giới, Ba còn làm trong Sài Gòn sắp về hưu. Anh Cả hay đùa vui, mua quà cho em út nhưng anh lại rất ít có mặt ở nhà, ngày nào cũng đi, có khi tối mới về ngủ. Anh có lắm bạn, nhiều nhất bạn Hướng Đạo.
Trong bộ quần soóc áo sơ mi ngắn tay màu nâu nhạt, chiếc mũ múi khế nâu đậm, đôi giày ba ta và bí tất trắng dài kéo cao gần đến đầu gối, trông anh thật trẻ, khỏe, lanh, vui và anh luôn ca hát trong phòng, các bài Thiên Thai, Suối Mơ, Giọt Mưa Thu... Thỉnh thoảng lại thấy các bạn đến nhà; lâu lâu vào cuối tuần hay dịp lễ, các nhóm Hướng Đạo đến cắm trại trong khu cây chay ăn trầu, sâu hun hút, tận cuối vườn. Me rất chiều anh, sẵn sàng đón tiếp, mời các bạn của anh ăn uống hoặc tặng thực phẩm.
Ba quê Nam Định, học trường canh nông Tuyên Quang được bổ làm việc ở Vườn Bách Thảo Hà Nội từ 1913, năm 1915 về Thanh Hóa làm đám cưới với Me. Ở Hà Nội thuê nhà ở phố Hàng Bông, anh sinh ra và lớn lên tại đây.
Tuổi đi học vào trường sơ Công Giáo, lên mười, Ba đổi đi Tuyên Quang, anh vẫn ở lại Hà Nội học. Me thường nhắc: anh Cả sung sướng từ nhỏ, học trường Tây, ăn mặc như con Tây. Ba lương tháng lĩnh 35 đồng trong khi tiền ăn học, trả bà sơ 25 đồng, chưa kể vài tháng lại nhận facture mua sắm đồ dùng cho anh.
Ở Hà Nội, Ba là cán sự canh nông, chăm coi vườn Bách Thảo, Me thầu các cây trái và hồ cá nên có tiền cho con học. Anh Cả kể lại, trong lúc phu đào hố trồng cây đã phát hiện ra một món đồ sứ hình người cưỡi rùa, rỗng ruột, công nhân đưa Ba vật lạ và nhận một món tiền thưởng. Từ đây Ba đã thích thú sưu tầm và dần dần tìm kiếm, mua sắm thêm nhiều đồ xưa. Trước năm 1945, các nhà thích cổ ngoạn hay đến trại ở Thanh Hóa thăm và xem các đồ sứ Đông Thanh, Giang Tây, cả gốm lẫn đồ mộc, đồng đen...
Không biết anh vẽ từ bao giờ, ít nhất là năm 1939. Một hình vẽ bằng bút chì ghi “Sơn 1 tuổi” vẫn còn thấy sau năm 1945. Cái khuôn mặt chú bé bầu bĩnh, nốt ruồi đen trên má phải, mắt nhắm ngủ, hình để lăn lóc trong đám sách vở của gia đình.
Em út được anh Cả thăm hỏi và đùa vui hàng ngày. Khi lên năm sáu tuổi chú em thích nhất và hay nài nỉ anh vẽ những hình nhiều màu, những nét gạch ngắn cỡ nửa đốt ngón tay, song song, liên tiếp và từng lớp. Chú em tưởng tượng ra những đoàn lính xếp hàng, dàn quân đánh trận. Trong phòng anh đầy những giấy vẽ bằng bút chì, phấn màu hay màu nước với hình các bạn văn nghệ, bạn Hướng Đạo, hình thiếu nữ, phong cảnh núi rừng... để trên bàn, trong kẹp giấy.
Anh có xe đạp, thích thể thao và sinh hoạt ngoài trời, về nhà khi không đọc sách báo thì vẽ bằng bút chì, phấn hay màu nước. Các giấy tờ, hình vẽ kể cả mền mùng, quần áo để ngổn ngang trong phòng. Me cứ nói anh là người rất vô tâm, vô tính!
Anh vào học trường Mỹ Thuật Hà Nội sau khi chú em út ra đời đầu năm 1938. Đến năm 1940, Me và các em từ Sài Gòn về Thanh Hóa, anh thôi học cũng về ở nhà luôn. Từ ngày về Thanh Hóa anh làm quen, tụ tập với các bạn ưa văn, thơ, họa. Các bạn thân như họa sĩ Phạm Viết Song, nhà văn Thanh Châu, Hoàng Sĩ Trinh (Hà Thượng Nhân)... vài anh Hướng Đạo tên Khâm, Inh, Lãng, Thạch, Họat, Trí... Cái thú của anh là gặp, nói chuyện với các bạn hữu, đa số những người trên dưới 25 mê thích trào lưu văn chương mới. Anh cũng tiếp tục liên lạc với các bạn văn nghệ ở Hà Nội. Mùa hè năm 1940 Đặng Thế Phong đi nghỉ hè ở Sầm Sơn (bãi biển Thanh hóa) lúc trở lại Hà Nội có gửi thư xưng mày tao và xin lỗi không ghé thăm anh vì quần áo đi đường hôi bẩn.
Ba về hưu năm 1943 từ Sở Lúa Gạo Sài Gòn, là chuyên viên có ngạch thượng hạng ngọai hạng. Đã từng thanh tra, khảo sát về lúa và côn trùng khắp Đông Dương, cả Vân Nam, Quảng Đông... Vì có một số công lao cho nông nghiệp nên khi nghỉ sở đã được triều đình phong hàm Hồng Lô Tư Khanh. Người quen hay gọi cụ Hường và anh Cả được lên cậu ấm. Ba ham đọc sách báo, thường mua năm các báo Ngày Nay, Tân Á, Trung Bắc Chủ Nhật; những bản tin thời sự Nhật Nga Chiến Kỷ, Trung Nhật Chiến Tranh; nhiều các loại sách dịch của Nguyễn Văn Vĩnh như Người Biển Lận, Miếng Da Lừa; thơ đủ các lọai, tác giả từ Đường Thi qua thơ mới với Nguyễn Khắc Hiếu đến Hàn Mạc Tử, Huy Cận, Chế Lan Viên... sách Tự Lực Văn Đoàn đủ loại; những bộ Thủy Hử, Đông Chu Liệt Quốc, Hồng Lâu Mộng... tất cả đều là những bản mua khi mới ra. Trong nhà còn thêm các sách báo tiếng Pháp, và sách chữ Nho. Anh Cả và Ba cùng có thói quen đọc sách báo hàng ngày.
Những ngày Cách Mạng tháng Tám 1945, anh cùng vài bạn cắt xết hình sao năm cạnh, dùng gỗ thị vẽ rồi khắc hình lãnh tụ. Đầu năm 1946 anh vẽ tranh Tết, đưa khắc và tự in, bảo các em tô màu rồi anh đưa đi tiêu thụ. Lúc này anh em đã tự phá một phần nhà theo lệnh tiêu thổ kháng chiến. Nhà mất mái, tường xung quanh bể nát phía trên, gia đình có vài người tản cư vào trong ấp, nơi có mấy chục mẫu ruộng cho dân làm rẽ, đóng thuế cách thị xã Thanh Hóa khoảng tám chín cây số, trên đường đi Nông Cống. Khu ruộng không tốt lắm nhưng xung quanh là di tích khảo cổ Tam Thọ, Thạch Thất, Vạn Vật đã được chuyên viên khảo cổ Pháp khai thác từ các năm đầu của thế kỷ Hai Mươi, trên các cồn cao, giữa đồng ruộng vẫn còn các hầm hố để lại.
Khi cuộc kháng chiến phát triển, anh Cả gia nhập hội văn nghệ, có đi dự đại hội văn hóa toàn quốc, gặp gỡ, tiếp xúc và làm quen với nhiều văn nghệ sĩ tụ tập ở Thanh Hóa như nhà văn Nguyễn Tuân, Thanh Châu, nhạc sĩ Văn Cao, Phạm Duy, nhà thơ Hồ Dzếnh, Quang Dũng, Nguyễn Trọng Dực biệt hiệu Tuân Tử, anh này người cùng huyện Đông Sơn có tiếng thơ hay lúc bây giờ.
Cho đến năm 1975, chú em vẫn còn cất giữ được nguyên bài thơ Tây Tiến viết bằng bút chì với chữ Quang Dũng ghi: “Tặng Công, 1948”. Trong thời gian sinh họat “văn nghệ cứu quốc”, anh đi vẽ chân dung và quen với chị Trâm rồi chưa đầy một năm sau đám cưới được tổ chức.
Đúng dịp lễ Giáng sinh năm 1948 cử hành đám cưới tại nhà chị Trâm tại Khoa Trường. Một khu nhà rộng, nằm trên đồi nhìn ra quốc lộ 1 đi Tĩnh Gia, xa xa là biển nước. Từ ấp nhà, cậu em theo Mẹ và người gánh đồ cưới đi bộ hai ngày, đêm ngủ trọ dọc đường. Có những đọan đường phải đi tắt qua các làng. Lúc này các con lộ trải nhựa đã bị đào đắp thành những giao thông hào, các ụ đất, chỉ có xe đạp mới đi lại dễ dàng. Đám cưới kháng chiến chỉ có hơn hai chục người, bố mẹ hai bên, họ hàng vài người, nhà trai ở xa chỉ có Ba Me, hai em trai, bạn Hướng Đạo, văn nghệ có sáu bảy người. Sau lễ cưới, dọn đồ ăn trên giường, các ông các bà ngồi ăn riêng. Đến màn nói chuyện vui và văn nghệ, có xướng họa thơ của các bạn, cậu em út sắp 11 tuổi được yêu cầu solo, đã hát mừng anh chị Cả bài Mùa Đông Chiến Sĩ, bài hát kháng chiến bấy giờ. Trong lúc các bà ăn trầu, nói chuyện, các ông vài người phì phèo thuốc lá tự quấn, những người khác quây xung quanh vò rượu trộn chấu của bản Mường. Bữa tiệc cưới vui cho đến khi người cuối cùng nằm mê man bên vò rượu cần.
Tiệc cưới của anh Cả đúng ngày 24-12-1948, hôm sau lễ Noel cô dâu vu quy. Ba Me và một người anh đi về ấp, anh chị Cả thuê một xe tay người kéo trở về trại tại thị xã Thanh Hóa. Chú em út được anh chị cho ngồi ké để khỏi phải cuốc bộ 50 cây số. Xe kéo chạy từ sáng sớm ở Khoa Trường, người phu xe luôn phải tránh các giao thông hào chữ chi, đi vòng các ụ đất, trên xe lại có ba người cô dâu, chú rể và chú em. Dọc đường người phu lái xe tay luôn lấy vạt áo thấm mồ hôi. Đến chiều tối về đến nhà người phu xe vẫn tỉnh táo, nhận tiền công ra về! Căn nhà ở trại đã xác xơ, trống hoắc, chỉ còn một hai phòng có mái thuộc dẫy nhà sau, vốn dùng làm kho, phòng người giúp việc. Đêm tân hôn của anh chị Cả cũng là đêm sau Giáng Sinh, có chú em nằm nép bên.
Cho đến năm 1949, trang trại có căn biệt thư phá dở phải bán đi cho một người bà con giàu có, buôn gỗ Lim. Con cái phân tán, anh Cả đưa chị Cả và con trai đầu lòng về ở với Ba Me cùng vài em nhỏ trong ấp. Ba căn nhà tranh ở ấp nằm trên cồn đất cao, xung quanh là ruộng, xa cả cây số mới có làng mạc. Tại cồn đất nhà ở khi đào xuống vẫn moi lên được các chum, chóe đất nung chưa men có hoa văn hình quả trám, hình vạch thô sơ... Thời loạn lạc các bình gốm lấy lên chỉ dùng đựng ngũ cốc, đồ khô...
Những ngày tháng kháng chiến gian khổ, người thành phố bị bắt buộc tự phá nhà rồi tản cư về nông thôn, thành phố tiêu thổ đã đổ nát hoàn toàn. Một số người cố nấn ná sống chui rúc trong các căn nhà đổ. Dần dần một số người tụ họp theo con quốc lộ 1 cách thị xã Thanh Hóa vài cây số thuộc địa phận làng Bố Vệ. Những căn nhà tranh được dưng lên từ năm 1948, dọc hai bên đường khoảng vài trăm thước và dần dà biến thành khu buôn bán có hàng quán, cửa tiệm. Anh Cả có một số vốn do tiền bán trại của Ba Me, anh để chị và các cháu ở ấp, ra Cầu Bố mở cửa hiệu quảng cáo Mỹ Thuật. Một thanh niên phụ anh kẻ bảng hiệu, anh phác thảo. Sau anh nhận vẽ cả nhãn thuốc lá, nhãn bao diêm. Anh cũng vẽ cả bìa sách trong đó có cuốn Chiếc Va Ly, kể chuyện đánh thông-báo-hạm Amyot D’Inville, tác giả Hoàng Đạo, một điệp viên và sau là trưởng ty công an tỉnh Thanh Hóa. Cửa tiệm vẽ quảng cáo của anh rất đông khách, đây là thời gian tự lập sung túc nhất của gia đình anh. Sau trận hỏa hoạn năm 1950, thị trấn Cầu Bố tan rã, anh trở lại ấp với chị và có thêm đứa con trai thứ hai. Lúc này anh cùng người bạn mua đá litho về in quảng cáo thương mại, nhận in cả tài liệu công... Làm chung không khá, chỗ ở xa thành thị, thiếu tiện nghi, anh đưa chị và hai con về thị xã, làm căn nhà tranh hai gian trong khu vườn bỏ hoang, ở khu Ba Lít, ngay cạnh đường nhựa từ thị xã dẫn ra cầu Hàm Rồng.
Thời gian này nhà thơ Hồ Dzếnh hay ghé thăm, trên vai địu con trai nhỏ hai tuổi. Sau đại hội văn hóa, có lần nhà thơ đã đưa anh bài “Lột Xác” mà chú em út đã được đọc và còn nhớ một số câu:
Có những đêm ngổn ngang tình kháng chiến
Lạc về đâu một thuở hoa hương
Không dưng sực tỉnh thiên đường
Kẻ du khách nằm mơ đời Lưu Nguyễn
Là mộng ảo mà thôi nhưng vì đâu xao xuyến
Bướm phiền hoa ngùi xém dưới lê dương
Gối nghiên nức nở đêm trường
Tâm sự cuối mùa biết mà khó dập
...
Chỉ còn ta thắp nến vọng đêm dài
Chỉ còn ta nằm mơ ngày tháng cũ
Xác chưa buông hồn, hồn còn ủ
Men càng cay càng đượm ý thê lương.,
...
Mưa đêm thâu nức nở nét xa khơi
Ngày sáng chói sẽ thiêu tàn ước nguyện
Ta viết trang thơ này, viết mà viết mãi
Mà xóa đi như vết tích phong lưu
...
Hà Nội ơi, Hà Nội điêu tàn, trụy lạc
Nhưng lòng ta Hà Nội mãi chưa nguôi.
Năm 1952, kháng chiến ngày càng phát triển, ở địa phương khó kiếm sống, anh Cả tìm ra Phát Diệm, vẽ quảng cáo. Đây là lần đần tiên anh xa gia đình. Sau vài tháng, có được một số tiền anh trở về Ba Lít.
Cuối năm 1952, Thanh Hóa rục rịch cải cách ruộng đất. Me, các em lần lượt vào vùng Quốc Gia. Ba tuy là điền chủ nhưng đã phải hiến hết ruộng và lúc này hành nghề thuốc cao đơn hoàn tán, món gia truyền. Anh Cả có hai con nhỏ, tuy không bị buộc đi dân công nhưng phải dời khỏi thị xã. Gia đìmh anh tản cư, ở nhờ nhà dân tại các làng xa thị xã. Anh vẽ thuê tranh cổ động, kẻ bảng hiệu cho các cơ quan... Chị Trâm trông giữ hai con nhỏ 3 và 4 tuổi. Thời gian này ở Thanh Hóa gia đình anh túng quẫn.
Đầu tháng 8-1954, sau khi ký hiệp định Genève vài tuần, tìm ra đến phố Nam Đồng Hà Nội, anh Cả đã gặp Me, có được một số tiền để về lo cho gia đình và nhắn Ba rời Thanh Hóa vào Miền Nam đoàn tụ.
Nguyễn Xuân Sơn
10-2007
(Nguồn FB Khế Iêm)
10-2007
(Nguồn FB Khế Iêm)
Gửi ý kiến của bạn