Tan học, trên đường về nhà chiều hôm ấy con nơm nớp lo âu, con nghĩ thế nào bà nội cũng kể chuyện hồi sáng cho bố mẹ con nghe. Con chưa kịp bước lên thềm nhà, con Vện đã quấn lấy chân, mừng rỡ. Nó không biết con đang lo lắng, con phải đẩy nó ra hai ba lần.
Hơn nửa thế kỷ rồi nhưng con vẫn nhớ như in những gì xảy ra ngày hôm ấy.
Hôm ấy là một ngày đẹp trời. Nếu trả con về cái thời thơ ấu ấy, con sẽ để ý xem hôm ấy là đầu mùa thu hay mới là cuối hạ. Bố đi làm từ sáng sớm. Mẹ cũng ra chợ ngay từ lúc nắng lên. Nhà chỉ còn hai bà cháu và con chó Vện. Bà nội lấy cho con bát cơm nguội với hai quả cà và một quệt mắm tôm. Cà pháo bà nội muối cả tuần ép chìm dưới nước trong cái hũ nhỏ để giữ được lâu. Con ăn sáng bằng bát cơm nhỏ với hai quả cà pháo ấy. Thấy ít vậy nhưng sẽ no tới chiều. Bởi ở trường con không chạy nhảy tung tăng như lũ bạn. Giờ ra chơi con thường loay hoay ở một góc bình yên của sân trường, xem mấy đứa bạn đánh bi, đánh đáo, chơi khăng, hoặc lẩn thẩn đếm bước dọc theo hàng rào, nhìn lũ bạn vây quanh những gánh hàng quà vặt.
Không đói bụng nên con chẳng cần tiền quà. Thế nhưng buổi sáng hôm ấy nắng đã lên cao, lũ chim ở cây bàng trước sân đã tíu tít gọi nhau đi kiếm ăn từ lúc tinh mơ, con vẫn nhùng nhằng không chịu bước ra cửa khiến bà nội phải dỗ dành.
“Sao lại không chịu đi học thế này!” Con nhớ bà nội đã hỏi như thế.
Con lúng búng câu trả lời trong miệng. Bà nội nhìn cái mặt méo mó, cái môi phụng phịu, xuống giọng dịu dàng, “Cháu của bà hôm nay làm sao vậy?”
Và bà nội sờ bàn tay lên trán con rồi gật gù, “Có nóng sốt gì đâu.”
Con chó Vện cũng lẩn quẩn bên chân bà nội, nghểnh cổ nhìn ra điều hỏi han. Con lặng im. Bởi con không đau ốm gì hết, nhưng con không biết phải trả lời như thế nào.
“Cháu của bà chăm học lắm mà, sao hôm nay lại thế này.” Giọng bà nội nặng trĩu những lo âu.
Bà nội ơi, con xin lỗi bà nội nhé. Cái tội đã không nói cho bà nội biết vì sao buổi sáng hôm ấy con cứ nhì nhằng không chịu đi học. Mãi đến khi bà nội mở cái ruột tượng, lấy ra tờ giấy bạc năm đồng màu gạch cua nhét vào túi áo ngực của con, và đặt bàn tay ấm áp của nội lên vai con, con mới lầm lũi bước đi. Bà nội đi với con suốt đoạn đường đất viền hai bên bởi hàng cây dâm bụi xanh lá. Khúc đường đất gập ghềnh, ngắn ngủi ấy là đoạn đường bình yên nhất của lộ trình tuổi thơ con. Tới khúc quanh cuối ngõ, bà nội đứng lại, nhìn theo. Con biết bà nội nhìn theo bởi đi một quãng xa, ngoái cổ lại nhìn, con vẫn thấy bà nội đứng đó. Chiếc bóng nhỏ bé của bà nội nhập nhòe, cánh tay vẫy đều trong nắng sớm.
Con chó Vện đứng bên bà nội, vẫy đuôi tíu tít. Cái con Vện ấy lúc nào cũng vẫy đuôi.
Con chó Vện đứng bên bà nội, vẫy đuôi tíu tít. Cái con Vện ấy lúc nào cũng vẫy đuôi.
Từ khúc quanh ấy con chỉ còn một mình. Lẻ loi, đơn độc và đầy những lo âu.
Chiều hôm ấy bà nội không nói gì với bố mẹ con chuyện hồi sáng. Con cũng lặng im.
Và cho đến bây giờ, hơn nửa thế kỷ sau, con vẫn giấu chuyện ấy trong lòng.
Chắc bà nội đoán con đã dùng năm đồng bạc ấy mua quà vặt. Những hàng quà thường tụ tập trước cổng trường. Và dạo ấy món quà vặt mà con có thể đứng chầu hàng giờ mà ngắm nghía là chiếc xe đạp của hàng kẹo kéo. Ông hàng kẹo kéo có cái miệng dẻo hết biết luôn. Bây giờ con không nhớ hết những câu ông ấy hát để rủ rê bọn học trò tụi con, những đứa trẻ luôn bâu quanh chiếc xe đạp và cái kệ cồng kềnh nhưng vững chãi phía sau yên xe. Hình như trong những câu hát của ông kẹo kéo có cái câu gì đó mà con nhớ mang máng là “ăn đồng kẹo kéo chồng mê tới già.” Hồi ấy con chẳng biết làm cách nào người này ăn kẹo mà lại làm người kia mê cho được, con chỉ biết kẹo kéo dẻo và ngọt lịm, bên trong có nhân lạc rang bùi hết biết luôn.
Chắc bà nội đoán con đã bỏ tiền mua kẹo kéo và để được quay số, hy vọng cái mũi tên chỉ vào con số trúng và được thưởng thêm phần kẹo nữa. Năm đồng bạc mua được biết bao nhiêu là kẹo kéo. Và cứ mỗi năm mươi xu tiền kẹo, ông hàng kẹo lại cho quay số một lần, nếu may mắn là trúng thêm phần kẹo nữa, tha hồ chia cho lũ bạn.
Năm đồng bạc bà nội cho nằm sâu trong túi áo. Suốt đoạn đường đến trường, con sờ túi áo không biết bao nhiêu lần, chỉ sợ đồng bạc ấy biến đi mất. Khi không có tiền tụi con cũng vẫn vây quanh xe kẹo kéo, dán mắt nhìn những đứa có tiền rón rén chạm đầu ngón tay vào cần quay số, mím môi, nín thở đẩy mạnh cái trục quay. Mũi tên may mắn ấy quay vùn vụt rồi chậm dần, và ngừng ở đầu một con số. Tiếng trẻ con reo vang khi mũi tên chỉ vào con số trúng. Ông hàng kẹo kéo hoan hỉ nụ cười và ông mở lớp bọc nhựa, phơi ra trước mắt bọn trẻ thỏi kẹo kéo trắng muốt, ông túm lấy một đầu thanh kẹo, kéo dài ra. Những hạt lạc lộ ra dần dần. Bọn trẻ con nín thở. Đứa trúng thưởng hí hửng đưa hai tay đón lấy hai thỏi kẹo trắng muốt. Ông hàng kẹo kéo kéo cách nào đó mà những thỏi kẹo lúc nào cũng bằng nhau và nhìn giống hệt nhau.
Giây phút hạnh phúc ấy ngày nào con cũng được hưởng ở cổng trường. Chẳng cần được ăn. Chỉ cần nhìn thôi cũng đủ. Những đứa trúng thưởng kẹo kéo cũng chẳng cần là bạn của mình. Chỉ cần một đứa có tiền, được cái vinh dự đẩy cái vòng quay ấy trong lúc những đứa khác bâu chung quanh, tròn con mắt nhìn, và giây phút linh thiêng ấy có con trong đám lau nhau ấy là quá đủ.
Ngày hôm ấy chắc bà nội vui lắm bởi bà nội nghĩ con được ăn quà vặt ở sân trường. Buổi chiều tan học. Con về nhà, mặt mũi buồn thiu. Hai bà cháu nhìn nhau không nói. Con sợ bà nội hỏi năm đồng bạc bà cho ban sáng cháu làm gì với nó. Con sợ bà nội hỏi câu ấy và bố mẹ con sẽ thắc mắc sao phải xin tiền bà nội. Rồi con sẽ phải nói dối, rồi sẽ lộ ra cái chuyện con nhùng nhằng đến khi bà nội cho tiền mới chịu đi học.
Sẽ rầy rà biết chừng nào!
Nhưng buổi chiều hôm ấy, hai bà cháu chỉ nhìn nhau mỉm cười mà không nói năng gì hết. Hai bà cháu hiểu ngầm với nhau, hai bà cháu cùng phe với nhau, như mỗi lần con nghịch ngợm bị đòn, bà nội luôn đứng ra xin bố, mẹ tha và không đánh đòn. Bao nhiêu lần con tái phạm nhưng mỗi khi bị phạt là bà nội vẫn lại xin “tha cho nó lần đầu.”
Thực ra ngày hôm ấy con cũng được hưởng cái thú đứng mê mẩn nhìn những đứa bạn quay cái vòng có mũi tên trên quầy xổ số hàng kẹo kéo. Tim con vẫn đập rộn ràng trong lồng ngực khi thằng bạn rụt rè chạm đầu ngón tay vào cái cần quay số. Rồi cũng reo ầm lên cùng với bọn trẻ học chung trường khi thằng bé có phúc kia quay trúng và được thưởng thêm một phần kẹo kéo. Ơi miếng kẹo kéo trắng muốt với những hạt lạc rang từ từ hiện ra dưới lớp mạch nha tinh khiết như chiếc nụ tinh khôi nở ra thành đóa hoa tròn đầy.
Nhưng buổi sáng hôm ấy con đã không tiêu năm đồng bạc của bà nội vào hàng kẹo kéo, con đã không dùng đồng bạc giấy màu gạch cua có những chữ Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam và con số năm tròn trĩnh vào bất cứ hàng quà nào hết. Con cũng không lơ đãng để tờ giấy năm đồng quý báu của bà nội rơi mất đến nỗi phải ngơ ngẩn đi tìm. Từ nhà đến trường con chạm tay vào túi áo hàng trăm lần để biết chắc tờ giấy bạc năm đồng của bà nội không biến đi cơ mà.
Vậy mà hơn nửa thế kỷ đã qua rồi!
Sáng hôm ấy thằng Thông, bà nội biết nó mà, nó là bạn thân nhất của con, nó hay lại nhà mình ngồi nói chuyện với con ở vỉa hè, dưới bóng cây bàng xum xuê cành lá. Hôm ấy nó có tiền mua kẹo kéo. Ông kẹo kéo cho nó quay số. Nó quay và nó trúng. Nó hí hửng chia cho con cái thỏi kẹo trúng số ấy. Con gói lại thật kỹ, nhét thật sâu vào túi áo, định tan học sẽ đem về cho bà nội ăn thử. Bà nội vẫn bảo bà chưa biết cái vị kẹo kéo nó ra làm sao. Cả buổi học con cứ nghĩ hôm nay bà nội sẽ nếm được cái vị ngọt của đường, cái vị bùi của lạc rang. Hai bà cháu sẽ vui không làm sao nói hết.
Ông hàng kẹo kéo ở cổng trường con ngày xưa giờ này đã về nơi chốn bình yên, nơi có bọn trẻ con ca hát rộn ràng ở sân trường làm rung rinh những vạt nắng trên những cánh phượng đỏ thẫm. Nơi bình yên ấy hẳn vẫn rộn ràng tiếng trống trường nơi những đứa trẻ hí hửng đăm đắm mắt nhìn cái mũi tên quay vòng và chậm dần rồi ngừng hẳn ở phần thưởng của ông hàng kẹo kéo. Nhiều lần con đã kể cho bà nội nghe chuyện ông kẹo kéo. Kể cho bà nội nghe về những vòng quay có thưởng. Bà nội nghe con kể mà ánh mắt bà nội sáng rực niềm vui. Con chia sẻ với bà nội một góc tuổi thơ con. Con kể cho bà nội nghe rằng ông hàng kẹo kéo luôn cho bọn trẻ quay số để thưởng thêm một phần kẹo như chút quà nhỏ nhoi. Và đứa trẻ có tiền mua kẹo kéo được thêm một phần kẹo cho thằng bạn thân của nó.
Thằng Thông không còn trên thế gian này nữa. Nó và nhiều đứa bạn cùng lớp con hay kể cho bà nội nghe giờ này cũng đã về nơi chốn bình yên có thật nhiều những ông hàng kẹo kéo rộng lượng và vui tính. Nhưng chắc chắn nơi chốn bình yên ấy không có mặt một đứa. Cái đứa khiến sáng hôm ấy con chần chừ không chịu ôm cặp sách ra cửa. Cái đứa mà không bao giờ con dám kể về nó cho bà nội hay bố mẹ con nghe. Cái đứa có sợi dây xích luồn quanh thắt lưng quần dùng làm vũ khí, có con dao nhỏ bấm nút một một cái, lưỡi dao bật ra, sáng lòa. Cái đứa mà nhiều lần cũng vì nó mà con bị trầy trụa đầu gối, sưng môi, chảy máu răng mà không dám hé môi một lời với bố, với mẹ, nhiều lần con suýt nói cho bà nội nghe vì sao con bị sưng môi, bầm má, trầy trụa đầu gối, khi bà nội dịu dàng nhắn nhủ rằng đừng chạy nhảy, leo trèo nhiều quá lỡ gẫy tay, gẫy chân vừa đau đớn vừa làm khổ bố mẹ, nhưng rồi con lại lặng im.
Nơi chốn bình yên của bà nội bây giờ chắc cũng là nơi chốn bình yên có ông hàng kẹo kéo, có lũ bạn học hiền lành dễ thương của con những ngày thơ dại, có cả thằng Thông đã chia cho con một phần kẹo kéo, nhưng chắc chắn không có mặt cái đứa cướp đường cướp chợ ấy.
Ấy là cái đứa ngày nào cũng chặn đầu con ở lối rẽ vào cổng trường, cái đứa luôn hầm hè dí nắm tay vào mũi con, đe dọa sẽ đánh con gẫy hết răng, sẽ bẻ con què chân, sẽ quăng sách vở con xuống ao cho cá rỉa, cái đứa có cái sẹo dài trên má, kéo tận xuống cằm, mà nó khoe rằng lúc đi ăn cướp nó bị người ta xua chó đuổi theo cắn gấu quần nhùng nhằng kéo lại, làm nó ngã vào hàng rào kẽm gai. Và nó đã xé toạc gấu quần để trốn thoát.
Nó đó, cái thằng có cái sẹo dài trên má ấy là đứa đã giật phắt miếng kẹo kéo con định đem về cho bà nội ăn thử, rồi bỏ ngay vào miệng nó nhai ngấu nghiến. Và tay này dí nắm đấm vào mũi con, tay kia lục lọi túi con để rú lên mừng rỡ khi thấy năm đồng bạc bà nội cho con ban sáng.
Nhờ năm đồng bạc của bà nội mà nó tha, không đấm con vỡ mũi ngày hôm ấy.
Con sẽ không cầu cho cái thằng cướp cạn ấy phải xuống địa ngục bởi bà nội vẫn dạy con phải có lòng vị tha, nhưng mai mốt khi con về chốn bình yên gặp bà nội, con không muốn tình cờ thấy mặt nó. Con không muốn phải dí tay vào mũi nó để đòi đấm vỡ mũi nó cho hả giận, vì nó đã lấy tờ giấy bạc năm đồng màu gạch cua mà bà nội cho con buổi sáng ngày hôm ấy, và lấy miếng kẹo kéo con định đem về cho bà nội ăn thử.
Cái thằng cướp cạn ấy giờ này chắc vẫn còn sống - bọn gian ác thường sống lâu, con nghiệm ra như thế – nhưng có lẽ nó đang ở một nơi xô bồ, hỗn độn nào đó, và biết đâu đang bị một trong vô số những thằng cướp cạn khác moi túi nó tìm tiền lẻ và đòi đấm cho nó gẫy hết răng.
15 tháng Tám 2021
Gửi ý kiến của bạn