LNĐ: Trong sinh hoạt 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam, một sinh hoạt đặc biệt, rất phổ quát từ đô thị tới các thị trấn hẻo lánh, đó là sinh hoạt “thi văn đoàn” mà, danh từ chung thời đó gọi là phong trào “văn nghệ học sinh.”
Đây là một hiện tượng dường chỉ có trong dòng chảy văn học, nghệ thuật miền Nam 1955-1975 mà thôi.
Rất nhiều tác giả thành danh sau này, khởi nghiệp từ phong trào “Thi văn đoàn” hay “Văn nghệ học sinh” đó.
Để bạn đọc có được một cái nhìn sát thực về hiện tượng đặc thù vừa kể, chúng tôi trân trọng kính mời quý vị theo dõi cuộc nói chuyện giữa chúng tôi với một người mà, cách đây trên nửa thế kỷ, đã được nhìn như một trong những “mũi nhọn” hăng say nhất của sinh hoạt văn nghệ học sinh, nhà báo Ngọc Hoài Phương.
Cuộc nói chuyện này của chúng tôi, giới hạn trong giai đoạn “văn nghệ học sinh” của Ngọc Hoài Phương. Những dữ kiện khác liên quan tới 50 Năm làm báo từ quê nhà ra tới hải ngoại của ông, chúng tôi xin để dành cho một lần khác, khi có dịp.
Trân trọng, DTL.
Báo chí và hiện tượng văn nghệ học sinh
Du Tử Lê (DTL): Trước nhất, xin ông một tiểu sử vắn tắt.
Ngọc Hoài Phương (NHP): Tôi là dân “Bắc Kỳ Di Cư” 1954 sau khi hiệp định Genève chia đôi đất nước. Quê quán tại làng Quan Đình, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Nhưng trong thời Pháp thuộc, làng tôi và một số làng kế cận được sát nhập vào Quận Đông Anh, tỉnh Vĩnh Phúc Yên. Trên giấy tờ ghi ngày sinh của tôi là 18 tháng 10 năm 1942, nhưng bố tôi lại bảo thật sự tôi tuổi Tân Tỵ. Là con trai lớn trong một gia đình gồm 10 anh em (7 trai, 3 gái) qua 2 đời Mẹ (Cả hai bà đều là con gái họ Đàm nổi tiếng của làng Me, Từ Sơn, Bắc Ninh). Như vậy, theo người miền Bắc thì tôi được gọi là “Cậu Cả”. Tôi bị ám ảnh bởi cái chức “Cậu Cả” này suốt nhiều năm sau khi khám phá ra một chi tiết khá lạ lùng về gia đình mình. Số là Cụ Cố của tôi vốn không phải là người con trưởng mà, anh của cụ mất sớm nên cụ mới được đôn lên làm con trưởng. Rồi đến đời Ông Nội tôi cũng vậy, Ông Bác tôi mất sớm nên Ông Nội tôi thành Con Cả. Rồi Bác Thành của tôi, nghe nói đã qua đời khi mới hơn mười tuổi nên Bố tôi thành Cậu Cả... Và đến đời tôi... rét, chẳng biết sẽ “ở lại” hay “ra đi” vào tuổi nào? Nhưng rồi, Hiệp định Genève chia đôi đất nước, Bố tôi quyết định rời bỏ Hà Nội, đưa gia đình di cư vào Nam. Đúng là một cuộc đổi đời: nhà cửa, tài sản, ruộng vườn... bỏ hết! Và dĩ nhiên tôi cũng xin gửi trả lại đất Bắc hai tiếng “Cậu Cả” vì ở miền Nam, người con trai trưởng được gọi là “Anh Hai”. Cho đến nay, khi trả lời cuộc phỏng vấn này, tôi đã lướt qua hai cuộc đổi đời để đến mốc “Thất Thập Cổ Lai Hy”, vượt qua bờ “Bảy Bó” rồi thì, cái chuyện - nói theo thơ DTL - “đi với về cùng một nghĩa như nhau”...
DTL: Kế tiếp, chúng tôi được biết hồi còn học trung học, ông đã có những sinh hoạt mà, danh từ thời đó, gọi chung là “văn nghệ học sinh.” Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là, ông đã đến với sinh hoạt văn nghệ học sinh trong hoàn cảnh nào? Hay bắt nguồn từ những lý do gần, xa nào?
NHP: Theo tôi, ở bất cứ lứa tuổi nào trong đời người cũng đều cần có “trò chơi”. Khi còn nhỏ thì đánh bi, đánh đáo, nhảy dây... Lớn lên một chút, có người thích đá banh, bơi lội, bóng chuyền hoặc... đánh lộn. Một số người khác như tôi chẳng hạn, lại thích có một chút “văn nghệ, văn gừng” cho vui. Tôi nhớ thời đó, giữa thập niên 50, dưới mái trường Chu Văn An -Thày Vũ Ngô Xán làm Hiệu trưởng- lớp Đệ Lục B.2 chúng tôi có một đội đá banh lừng lẫy mà các đội banh của các lớp khác phải kiêng nể với những tên tuổi mà, cho đến nay, gần sáu mươi năm đã trôi qua, bạn bè cùng thời vẫn chưa thể quên được như Thủ quân Trương Trọng Trác (nhà báo Trọng Kim), thủ môn “Minh Dê” (Nguyễn Quang Minh), trung phong Văn Sơn Trường (sau này là một bác sĩ của binh chủng Hải Quân), các cầu thủ “Ngân Ngố” (Ngô Đình Ngân), “Toàn Bò” (LS Nguyễn Thế Toàn), Lê Ái Quốc (sau này là Trung tá Không Quân), Trương Minh Triết, Nguyễn Ngưu, “Cò Viễn” (Nguyễn Chí Viễn)... Một nhóm khác với Nguyễn Khắc Thành, “Cậu Trời” Nguyễn Ngọc Chân... và tôi tập tành làm quen với thơ văn qua những “tác phẩm” trên tờ Bích Báo của lớp... Thật sự mà nói thì hồi đó, ngay cả trong những năm cuối của bậc Trung học, khi đã tìm được “Đất Dụng Võ” trên nhật báo Ngôn Luận và tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong của ông Hồ Anh (Nguyễn Thanh Hoàng), chúng tôi cũng chẳng bao giờ ôm giấc mơ rằng mình sẽ trở thành “Nhà Thơ, “Nhà Văn” hay “Nhà Báo” gì cả, mà giản dị chỉ là một cuộc vui chơi, giải trí trong lớp tuổi học trò mà thôi.
DTL: Khi nói tới sinh hoạt, là nói tới những hoạt động có tính cách văn nghệ và, có sự tham dự của nhiều bạn trẻ cùng sở thích. Ở điểm này, chúng tôi có ba câu hỏi nhỏ:
a- Bước khởi đầu hành trình văn nghệ học sinh của ông là thơ hay văn?
b- Ông và các bạn có chọn “trụ” ở một trang văn nghệ học sinh của một tờ báo (Hay)
c: Ông và các bạn gửi bài cho bất cứ báo nào mình thích?
NHP: a- Không phải chỉ riêng mình tôi, mà còn rất nhiều người khác, trước khi chính thức gia nhập làng báo, đều đã có một khoảng thời gian tập tành làm thơ, rồi sau đó mới chuyển qua văn, viết tùy bút, truyện ngắn, truyện dài...
b- Một số báo cũng có trang “Văn Nghệ Học Sinh” hàng tuần, nhưng nổi bật nhất và ồn ào nhất hồi đó là phụ bản “Bé Ngôn Bé Luận” của nhật báo Ngôn Luận. Trong khi trang “Văn Nghệ Học Sinh - Sinh Viên” của đa số các báo khiêm nhường nằm trong tờ báo hàng ngày thì, phụ bản “Bé Ngôn Bé Luận” được tách rời ra, in riêng thành một tập. Mấy chục ngàn phụ bản Bé Ngôn Bé Luận đã được các bạn trẻ ở khắp nơi tiếp đón nồng nhiệt vào ngày Thứ Bảy hàng tuần. Tưởng cũng nên nói thêm người chịu trách nhiệm chọn bài vở để đăng trong tập phụ bản này là nhà văn Phạm Cao Củng. Ông đã có công quy tụ được khá nhiều các “nhóm”, các thi văn đoàn ở khắp nơi kết hợp thành một đại gia đình gọi là “Gia Đình Trẻ Việt”. Hiện nay -2012- nhà văn Phạm Cao Củng đã 99 tuổi đời, chỉ còn hơn năm nữa là tròn một thế kỷ vui chơi trong Cõi Tạm; ông sống với gia đình một người con gái (Diễm Quỳnh) tại Florida.
c- Có lẽ chính vì phụ bản “Bé Ngôn Bé Luận” nổi đình nổi đám quá nên đa số anh chị em chúng tôi không còn thì giờ để quan tâm đến trang văn nghệ của các báo khác. Nên nhớ, việc chính của chúng tôi trong giai đoạn đó vẫn là chuyện học, còn chuyện vui chơi văn nghệ thường chỉ diễn ra vào cuối tuần, mang tính tiêu khiển giải trí mà thôi.
DTL: Ai là những người bạn đồng hành với ông, ở thời kỳ ấy?
NHP: Ngay tại lớp học, tôi đã có một số bạn cùng chung sở thích thơ, văn, nhạc như Đào Văn Bình, Vũ Khang, Vũ Thành An... Sau đó, khi thơ, văn của chúng tôi đã có cơ duyên xuất hiện đều trên mặt báo rồi, có một số bạn trẻ ở các tỉnh xa viết thư làm quen, xin nhập “bọn” luôn... như trường hợp nhà thơ Vũ Tiêu Giang (Vũ Văn Ước) ở Vũng Tàu, và còn nhiều nữa nhưng vì thời gian quá lâu, tôi không thể nhớ hết tên từng người...
DTL: Ông có thể cho biết, ai còn ai mất (trong chiến tranh, lao tù, vượt biên...) tính đến ngày hôm nay?
NHP: Riêng nhóm của tôi, cho đến nay, hình như chỉ có nhà thơ Vũ Tiêu Giang đã trở về với cát bụi. Ông là một phóng viên, nhiếp ảnh viên chiến trường và đã tử nạn tại mặt trận Gia Định trong “Mùa Hè Đỏ Lửa” 1972. Ông gục chết vì một tràng đạn AK bắn ra từ hầm kháng cự cuối cùng của địch, chỉ cách nơi ẩn nấp của bạn bè và các chiến sĩ Quân lực VNCH có vài chục thước. Ấy vậy mà không thể nào vào lấy được xác ông ra, cho mãi đến khi hầm kháng cự đó (gồm cả B.40 và AK) bị các chiến sĩ Dù xóa sổ. Cái chết của Vũ Tiêu Giang là một trong những hình ảnh bi thương mà tôi đã được chứng kiến trong suốt 20 năm Quân Dân Miền Nam chống lại những kẻ xâm lược đến từ phương Bắc.
DTL: Ngoài thơ, văn, nhóm hay tạm gọi là “thi văn đoàn” của ông, ông có nhận được sự tham gia của những mầm non văn nghệ ở các lãnh vực khác? Thí dụ ca nhạc, hội họa, sân khấu...?
NHP: Không hẳn là một “Thi Văn Đoàn”, mà nhóm của chúng tôi chỉ là sự kết hợp một số bạn cùng sở thích. Nhất là khi đã có phụ bản văn nghệ học sinh của báo Ngôn Luận, dưới sự hướng dẫn của nhà văn Phạm Cao Củng, chúng tôi hầu như không còn phân biệt người này thuộc nhóm này, người kia thuộc nhóm khác, mà mỗi lần họp mặt, chúng tôi đều ríu rít như anh em trong một đại gia đình. Tôi không nhớ hết, nhưng đại khái như bên Trưng Vương thì có “Nhóm Huyền” với hai người nổi bật nhất là Mộng Huyền (Hồng Thủy), Bích Huyền (Phạm Nga)... mà cho tới nay, trải qua bao biến đổi của đất nước, rồi lưu lạc xứ người, chúng tôi vẫn còn giữ được những liên lạc thân tình, thư từ, điện thoại thăm hỏi thường xuyên, hoặc lâu lâu có dịp gặp lại nhau. Chẳng hạn như hồi đầu tháng 6-2012 vừa rồi, chị Hồng Thủy có dịp từ DC qua Cali, đã dành một buổi tối cuối tuần để gặp lại bạn học, bạn văn nghệ ngày xưa. Vỏn vẹn chỉ có hơn một ngày để thông báo, ấy vậy mà chị Bích Huyền cũng quy tụ được đúng 70 người trong bữa cơm thân mật diễn ra (ồn như cái chợ vỡ) tại nhà hàng Royal (thương xá Catinat đường Bolsa)... Thi Văn Đoàn Giòng Sông Xanh do Nguyễn Văn Tâm làm trưởng nhóm có Hoài Băng với giọng ngâm thơ sang sảng mà mọi người đều “nể”... Sau này khi tuổi “Văn nghệ học sinh” đã qua, Hoài Băng thay đổi bút hiệu, và từ đó đến nay, nhiều người yêu thơ thường nhắc đến tên nhà thơ Hà Linh Bảo. Dù sinh sống tại một tiểu bang xa xôi, nhưng lâu lâu Hà Linh Bảo cũng xẹt về Cali thăm các bạn cũ, nhân tiện thưởng thức những món ăn Việt tại Quận Cam để nhớ lại quê xa của một thời không thể quên... Bên “Nhạc Đoàn Bốn Phương” nổi bật với anh trưởng nhóm Hoài Yên Lang qua những đề tài thuyết trình thật “Nổ” thuộc loại “Đao to búa lớn”...
DTL: Như tôi hiểu, khi những người trẻ còn là học sinh tập làm văn nghệ, thường bắt chước y chang những thế hệ đi trước... Họ cũng chọn tên riêng cho thi văn đoàn của họ. Họ cũng “bầu” chủ tịch, phó chủ tịch v.v... Ông và các bạn có nằm trong thông lệ này?
NHP: Theo tôi biết, một số thi văn đoàn cũng đặt ra điều lệ trong việc kết hợp với nhau và, dĩ nhiên họ cũng bầu chủ tịch, phó chủ tịch... Nhất là ở các tỉnh xa xôi, tuổi học trò ít “trò chơi” hơn học trò ở Thủ đô Sàigòn nên các nhóm văn nghệ thường gắn bó với nhau chặt chẽ hơn. Riêng nhóm của chúng tôi chẳng có chủ tịch, tổng thư ký gì hết.
DTL: Ông và các bạn có những họp mặt định kỳ? Thí dụ, mỗi tuần? Mỗi tháng? Nếu có, ông và các bạn nói chuyện hay, bàn thảo với nhau, những vấn đề gì trong các lần họp mặt ấy?
NHP: Chúng tôi cứ “bồng bềnh như mây nổi”, không có những họp mặt định kỳ. Mỗi tháng tìm đến nhau đôi ba lần, thăm hỏi nhau bình thường và, “Mấy ngày qua cậu có sáng tác nào mới không, đọc cho tớ nghe với.”
DTL: Có mách bảo nhau, nên đọc sách này, sách kia? Nên nghe bản nhạc này nhạc nọ?
NHP: Dĩ nhiên là những người đang tập làm quen với thơ, văn trong tuổi học trò thì dù nhiều hay ít cũng đã tự tìm đọc sách này, sách kia rồi. Sau đó, trong những lần gặp nhau, kể lại cho nhau nghe, ai thích thì tìm đọc, nhưng cũng có người “phán”: “Tớ đọc cuốn đó rồi, cũng thường thôi.”
DTL: Ông và các bạn có vạch ra những “đường lối văn nghệ” riêng cho nhóm của mình?
NHP: Chúng tôi chẳng có “đường lối” riêng, mà chỉ mong những sáng tác của mình được xuất hiện đều trên mặt báo là vui rồi. Tôi thấy có những nhà thơ không cần phải kết hợp với ai thành nhóm nọ nhóm kia, mà chỉ “một người một ngựa rong ruổi trên đồi cỏ xanh”, cũng tạo thành hình ảnh đẹp đấy chứ. Chẳng hạn như nhà thơ Vũ Thành (Tuấn) nổi bật qua những bài ca tụng “Áo Tím”. Nhà thơ Y Dịch (Lê Đình Điểu) dù chỉ “già” hơn tôi hai tuổi nhưng cũng chẳng cần phải kết bè, kết nhóm với ai. Và “già hơn” chút nữa có nhà thơ Nhất Tuấn nổi tiếng qua những bài thơ ghi lại “Chuyện Chúng Mình”. (Nhà thơ Nhất Tuấn tức Trung Tá Phạm Hậu sau này có thời là Tổng Giám Đốc Việt Nam Thông Tấn Xã).
DTL: Đương nhiên là ông và các bạn đọc sáng tác của nhau. Nhưng có bao giờ phê bình, góp ý về những sáng tác ấy?
NHP: Đã gọi là “nhóm”, dù không có điều khoản trói buộc chặt chẽ nào trong việc kết hợp, chuyện góp ý về những sáng tác của nhau đương nhiên phải có trong những lần họp mặt; đôi khi góp ý nhẹ nhàng, cũng có khi sôi nổi dù chỉ để thay đổi một vài chữ, một vài câu trong một bài thơ hay một đoản văn.
DTL: Tôi nghe kể, dường như đầu thập niên (19)60, ông và các bạn từng tổ chức một cuộc họp mặt tại Câu Lạc Bộ Báo Chí, Saigon, ở đường Lê Lợi? Tôi nhớ đó là nơi hội họp của những sinh hoạt có tính cách quan trọng, quy mô lớn của các cơ quan chính phủ, đoàn thể, tổ chức lớn... Thời gian đó, ông còn là học sinh, làm sao ông có thể thuê mướn được? Tôi muốn hỏi, có ai "chlống lưng" cho các ông không?
NHP: Đương nhiên là phải có. Không phải chỉ một lần, mà nhiều lần chúng tôi đã có dịp tụ tập tại Câu Lạc Bộ Báo Chí, số 15 đường Lê Lợi, Saigon do nhà văn Phạm Cao Củng chủ xướng, được gọi bằng cái tên dễ thương là “Gia Đình Trẻ Việt”. Câu Lạc Bộ Báo Chí là cơ sở trực thuộc Bộ Thông Tin của chính phủ nên chuyện lâu lâu “mượn đỡ” một buổi để họp hành bàn chuyện văn nghệ, ca hát, ngâm thơ.... chẳng có gì khó khăn và, cũng không tốn kém tiền bạc gì cả. Còn vấn đề bánh, nước... đã có nhật báo Ngôn Luận đài thọ. Tưởng cũng nên nói thêm, hồi đó tôi được chỉ định là “Trưởng Ban Tổ Chức” những buổi họp mặt văn nghệ học sinh do báo Ngôn Luận bảo trợ, quy tụ nhiều nhóm, nhiều thi văn đoàn. Có lẽ vì vậy nên những năm sau này, nhiều người tôi hoàn toàn không còn nhớ tên, cũng chẳng nhớ mặt nữa trong khi hầu hết mọi người vẫn còn nhớ đến tôi qua hỗn danh “Phương Kều”. Xin đơn cử một vài trường hợp như các nhà thơ Hà Linh Bảo, Phan Bá Thụy Dương... mấy năm gần đây, trên bước đường lưu lạc xứ người, gặp lại nhau trong quán cà phê, tôi vẫn chỉ tưởng rằng quý vị này là những người từng có một thời sinh hoạt thơ, văn, báo chí ở Saigon trước 1975. Nhưng có đôi lần cả Hà Linh Bảo và Phan Bá Thụy Dương thao thao nhắc lại những “kỷ niệm ngày xưa” thì tôi mới vỡ lẽ ra rằng “các cụ” này cũng đã có thời “văn nghệ học sinh” cùng với mình hơn nửa thế kỷ trước. Trong khi đó, ngược lại, có những người không cùng “nhóm” với tôi mà lại rất thân thiết liên tục mấy chục năm qua, như Nguyễn Đức Nam, Đinh Tiến Dũng (Đinh Lang, Đinh Bù-Loong)...
Đến dây, thiết tưởng cũng -xin phép- được nói thêm một chút: Có lẽ vì đã liên hệ với nhật báo Ngôn Luận từ những năm đầu thập niên 19(60) thuộc Đệ Nhất Cộng Hòa nên sau này, cuối năm 1966 (Đệ Nhị Cộng Hòa), ông Hồ Anh quyết định tục bản tờ báo với tên Thần Phong, được mấy số thì đổi thành Thời Thế. Khi đó, hầu hết bộ biên tập của Ngôn Luận ngày xưa đã “yên phận” trên báo Chính Luận của bác sĩ Đặng Văn Sung. Khi tôi đến gặp ông Hồ Anh (theo lời nhắn) tại tòa soạn, vẫn ở địa chỉ cũ đường Lê Lai, ông chỉ nói với tôi vài lời vắn tắt: Báo mình coi như đầy đủ rồi, với nhà văn Lê Xuyên là Tổng Thư Ký, trưởng ban phóng viên là chị Minh Đức Hoài Trinh... “Hiện chỉ còn thiếu một chức thôi, đó là phụ tá của tôi, anh về làm phụ tá cho tôi”. Ông Hồ Anh là một chủ báo có đời sống rất “khép kín”, riêng tư; chẳng bao giờ tôi thấy ông nói chuyện cười đùa với ai cả, mặt lúc nào cũng “nghiêm và buồn”, với điếu xì gà to tổ chảng cầm trên tay hay ngậm trên môi... Mặc dù tôi nhỏ tuổi hơn ông nhiều, nhưng ông gọi tôi là “anh”, xưng tôi, chứ không gọi tôi là “em” như ông Quốc Phong của báo Tiếng Vang và Kịch Ảnh, hay “cậu” như bác Nghiêm Xuân Thiện bên Thời Luận...
DTL: Trong họp mặt cực kỳ “hoành tráng” đó, ông và các bạn bàn luận những gì? Có đúc kết hay đưa ra “nghị quyết” nào chăng?
NHP: Chẳng có gì gọi là “hoành tráng” cả, chỉ là những buổi họp mặt của một số người trẻ yêu thích thơ, văn. Cũng bày ra những vấn đề để cùng nhau thảo luận, rồi ca hát, ngâm thơ cho nhau nghe... Còn cái chuyện đưa ra “nghị quyết” này nọ, xin dành cho các thi văn đoàn ở các tỉnh xa, nhất là các nhóm ở miền Trung xa xôi.
DTL: Tôi thí dụ 1 thành viên có sáng tác mới, muốn được phổ biến trên báo, ông và các bạn có thể giúp họ? Nếu có bằng cách nào?
NHP: Tôi biết có nhiều nhà thơ, nhà văn thành danh sau này nhưng, nhìn lại khoảng thời gian trước đó, khi mới chập chững “vào nghề” đã gặp khó khăn không ít trong việc muốn phổ biến sáng tác của mình trên báo. Điều này không có nghĩa mấy ông, mấy bà phụ trách các trang văn nghệ đó “làm khó” nhau mà, giản dị là “đất dụng võ” của tờ báo thì nhỏ mà bài vở từ bốn phương gửi về lại quá nhiều. Riêng anh em chúng tôi vì có phụ bản “Bé Ngôn Bé Luận” và báo Văn Nghệ Tiền Phong phát hành hàng tuần nên chuyện muốn phổ biến các sáng tác mới tương đối dễ dàng.
DTL: Thời cực thịnh của phong trào văn nghệ học sinh, miền Nam có rất nhiều nhóm văn nghệ học sinh. Nhiều thi văn đoàn. Hiện tượng này không chỉ lan tràn ở Saigon hay những thành phố lớn mà, nó còn phát triển rầm rộ ở các tỉnh nhỏ nữa. (Mặc dù thực tế, nhiều thi văn đoàn chỉ có một hai người! Và, một hai người ấy có khi “làm chủ” tới 3, 4 thi văn đoàn khác nhau...)
Từ đó, không thiếu những “tuyên ngôn văn chương” nẩy lửa được các thi văn đoàn “công bố”. Đa số các “tuyên ngôn” có nội dung kêu gọi các “thành viên” phải làm “cách mạng.” Phải lên án, phải tố cáo hay xóa bỏ tên tuổi của thế hệ cha, chú, đàn anh đi trước để “dành quyền sống dưới ánh mặt trời...”
Tôi thiển nghĩ cái “dịch” dẹp bỏ lớp đi trước này, nó lây lan từ chủ trương dẹp bỏ văn chương tiền chiến, do tạp chí Sáng Tạo phát động và cổ súy vào cuối thập niên (19)50. Ông và các bạn có ra những “tuyên ngôn” tương tự?
NHP: Các nhóm, các thi văn đoàn phổ biến những “tuyên ngôn văn chương” đòi làm cách mạng này kia chẳng qua là cố tạo tiếng vang, gây sự chú ý của mọi người, chứ thật ra dưới ánh mặt trời, “đất dụng võ” còn rộng mênh mông, đâu đến nỗi cần phải xóa bỏ nhau để dành quyền sống. Nhất là trong lĩnh vực Thơ, Văn và, bước kế tiếp chính thức đi vào sinh hoạt truyền thông, báo chí thì người đi trước đã có chỗ đứng của người đi trước; người đi sau nếu muốn, cũng sẽ có chỗ đứng của người đi sau. Riêng tôi nghĩ những nghề có liên hệ xa gần với thơ, văn, báo chí thường gắn liền với mấy chữ “bạc như vôi!” chứ có gì ghê gớm lắm đâu mà cần phải kèn cựa, giành giật nhau!
DTL: Năm nào, trong trường hợp hoặc do hoàn cảnh nào, lần đầu tiên, ông được giao trách nhiệm phụ trách một phụ trương văn nghệ học sinh cho một nhật báo?
NHP: Đó là mùa Hè năm 1964, tôi chính thức gia nhập làng báo Sàigòn trong một trường hợp hết sức tình cờ, không hề có tính toán, sắp xếp gì trước cả. Thời gian đó tôi đang hoạt động trong hội Thanh Niên Thiện Chí và là thành viên trẻ nhất trong Ban Chấp Hành Trung Ương Hội Thanh Niên Thiện Chí Việt Nam từ 1962 với chức vụ Phụ tá Ủy Viên Công Tác (Ủy viên Công Tác là anh Hà Tường Cát). Qua năm 1963, Thư Ký BCH Trung Ương của Hội là Nguyễn Đức Minh được học bổng tu nghiệp tại Tân Tây Lan nên anh em “đun” tôi lên thay thế. Đến cuối năm 1963, đầu năm 1964 (khởi đầu Đệ Nhị Cộng Hòa VN), hội chúng tôi có được ngân khoản viện trợ (trực tiếp chứ không phải qua “trung gian” cơ quan nào của chính phủ) để thành lập “Đoàn Thanh Niên Chí Nguyện Việt Nam”... Đây cũng là giai đoạn khá lý thú trong đời tôi, nhưng nằm ngoài phạm vi bài này nên xin miễn kể lể, hẹn trong một dịp khác.
Bây giờ xin nói tiếp về mùa Hè năm 1964, một người bạn học cũ của tôi là anh Nguyễn Ngọc Chấn (theo ngành sư phạm) sắp phải đổi về Vĩnh Long nên đã tìm gặp tôi để bàn giao trang “Văn Nghệ Sinh Viên Học Sinh” (tuần 2 lần) của nhật báo Thời Luận do ông Nghiêm Xuân Thiện (cựu Tổng Trấn Bắc Kỳ) làm chủ nhiệm. Trang văn nghệ này không ký tên người phụ trách là “Cậu Trời” Nguyễn Ngọc Chấn mà lại được đặt dưới cái tên “Chị Ngọc Anh”. Và, tôi vẫn tiếp tục dùng bút hiệu “Chị Ngọc Anh”, coi như không có chuyện gì thay đổi cả. Mới nhập cuộc được ít ngày, Bác chủ nhiệm Nghiêm Xuân Thiện đã gọi tôi vào phòng riêng nói chuyện. Theo lời bác Thiện thì tờ báo hiện chỉ có hai ký giả thường trực là các anh Sao Biển (cậu của Linh mục Nam Hải) và Tâm Chung (nguyên SVSQ Khóa 9 Võ Bị Đà Đạt), do đó tờ báo cần thêm ít nhất một ký giả thường trực và, tôi là người được chọn. Ngoài ra, tờ báo còn cần một người phụ tá cho nhà báo Ký Ninh trong vai trò của một Phụ Tá Tổng Thư Ký Tòa Soạn, bác Thiện muốn tôi đảm trách luôn cái phần vụ này. Tài cán chẳng bằng ai nhưng, tuổi trẻ nhiều nhiệt huyết, tôi nhận lời tuốt luốt những phần vụ được trao phó. Như vậy, tờ báo mỗi ngày có 8 trang thì ông Tổng thư ký Ký Ninh phụ trách bài vở tin tức thuộc các trang 1,8 và trang 3,6; còn “bài nằm” thuộc các trang 2,7 và 4,5 do tôi “lãnh cái búa”.
DTL: Tính tới năm 1965, cách đây gần 50 năm, là thời gian ông trở thành nhà báo chuyên nghiệp, thì, những chuyện gì ông nhớ nhất, trong những năm tháng đầu tiên trở thành chuyên nghiệp ấy?
NHP: Ngay từ những ngày đầu gia nhập “Làng Báo Saigon” tôi đã gặp nhiều may mắn và học hỏi được nhiều điều bổ ích với một số nhà văn, nhà báo lớn tuổi như các bác Hải Âu Tử, Phan Huy Chiêm, Anh Độ (Đỗ Cẩm Khê), Nguyễn Thạch Kiên... Quý vị này cung cấp bài vở (đa số là các tài liệu dịch từ báo ngoại quốc) cho các trang báo do tôi chịu trách nhiệm. Quý vị này không lãnh lương cố định hàng tháng mà tiền nhuận bút tính theo bài, tháng nào có nhiều bài được chọn đăng thì lãnh tiền nhiều, đăng ít thì lãnh ít... Có lẽ vì vậy nên ngay trong buổi trao trách nhiệm cho tôi, ông chủ nhiệm nhắc nhở: “Cậu nên “nâng đỡ” ông Anh Độ vì ông này nghèo hơn mấy ông kia”. (Nghe nói nhà thơ Anh Độ- Đỗ Cẩm Khê từng là Trung Úy trong quân đội Pháp, sau khi Tây đã về Tây rồi, ông chuyển qua nghề báo). Như vậy, ngoài công việc của một ký giả thường trực cộng thêm trang “Văn Nghệ” (tuần 2 lần qua bút hiệu “chị Ngọc Anh” phụ trách), tôi còn phải dành khá nhiều thì giờ mỗi ngày để sắp xếp “bài nằm” cho các trang trong, đưa thợ xếp chữ trước... Cũng nhờ phải gánh vác nhiều tiết mục linh tinh như vậy nên tôi có cơ hội để đăng một số bài vở của các thân hữu như truyện ngắn, biên khảo, ký sự... Đặc biệt là những “Ký sự chiến trường” của Vũ Ngự Chiêu (bút hiệu Nguyên Vũ). Trước đó bạn tôi, Vũ Ngự Chiêu muốn sau này trở thành một Bác sĩ y khoa. Nhưng khổ nỗi “ngông nghênh vốn sẵn tính trời đã ban”, mới chập chững làm quen với Y khoa, Vũ Ngự Chiêu đã chê... “Thầy dốt”. Học trò mà dám chê “thầy dốt” thì sống sao nổi, nhất định là “con phải vỡ mộng làm bác sĩ rồi!”. Chút xíu nữa một người bạn khác của chúng tôi: Phạm Gia Cổn cũng bị dính chùm luôn với Chiêu. Nhưng may quá Cổn đã thoát để sau này trở thành một Bác sĩ khá nổi tiếng của binh chủng Nhảy Dù. Ngoài ra Phạm Gia Cổn còn dính tới nhiều chữ “Sĩ” khác như Võ Sĩ, Nhạc Sĩ, Ca Sĩ... (nhưng vẫn còn thiếu “Thi Sĩ”). Không thành bác sĩ thì đi Lính cũng tốt thôi; Vũ Ngự Chiêu theo học khóa 16 Thủ Đức. Lâu lâu về phép một lần, và lợi dụng mấy ngày phép đó, Chiêu hầu như thức trắng nhiều đêm để ghi lại “Bút Ký Chiến Trường”. Những loạt bài nóng hổi đó được đăng liên tục trên báo Thời Luận, mới đầu chỉ nhằm mục đích thực tế “để bạn mình có thêm tiền tiêu vặt chứ chỉ trông vào lương Quan Một Nhà Nước thì coi bộ không khá lắm...” Nhưng rồi sau đó, những loạt ký sự chiến trường của Vũ Ngự Chiêu được nhà xuất bản (tôi không còn nhớ tên) gom lại để in thành sách và bạn tôi, được thêm nhiều đọc giả biết đến với bút hiệu Nguyên Vũ, là một trong các nhà văn gốc quân đội nổi tiếng một thời.
Sau biến cố tháng 4-1975, lưu lạc xứ người, khi bắt liên lạc được với nhau, Chiêu thông báo “Tao lấy xong Cao Học Sử rồi”. Nếu tôi nhớ không lầm thì nhà văn Nguyên Vũ là người tỵ nạn đầu tiên có bằng Tiến Sĩ Sử tại Hoa Kỳ. Mấy năm sau, ông lại “khều” thêm cái bằng Luật Sư. Nói đến Luật Sư, thiết tưởng cũng nên thêm vài câu là có khá đông những luật sư đã hành nghề ở Việt Nam trước 1975, khi qua Hoa Kỳ cũng cố gắng đi học lại nhưng chỉ một số đạt được mục đích, số đông khác chỉ lấy xong bằng Tiến Sĩ Luật là đừ rồi, thi bằng hành nghề hoài vẫn không xong. Nhưng đặc biệt một người chưa hành nghề luật sư ở Việt Nam trước 1975 lại là người tỵ nạn đầu tiên trở thành Luật sư tại Hoa Kỳ. Đó là LS Nguyễn Duy Tiếp, trước 75 ông chỉ là một sĩ quan trong ngành Cảnh Sát, nhưng đã học xong Cao học Luật. Do đó khi qua Hoa Kỳ, đi học lại và chính thức trở thành Luật sư cuối năm 1979 (hơn ba mươi năm rồi).
DTL: Hiện tại, riêng ở hải ngoại, những thành viên nào của thời văn nghệ học sinh cùng hoạt động với ông, vẫn còn sinh hoạt trong lãnh vực văn học, nghệ thuật?
NHP: Còn khá đông. Chỉ nói riêng một số bạn học cũ cùng lớp thời trung học với tôi hiện cũng có một số tên tuổi khá quen thuộc với những người hằng quan tâm đến sinh hoạt thơ văn, chẳng hạn như nhà văn Đào Văn Bình, nhà thơ Vũ Khang, nhạc sĩ Vũ Thành An với những bài “Không Tên”... Còn các bạn trẻ thường gửi bài về đăng trên trang văn nghệ học sinh của báo Thời Luận ngày xưa, bây giờ cũng có một số gửi bài đóng góp với tạp chí Hồn Việt. Người có thơ đăng thường xuyên nhất là nhà thơ Thy Lan Thảo (Nguyễn Sơn) thuộc nhóm văn nghệ trẻ nổi tiếng của tỉnh Gò Công thuở nào. Qua thời văn nghệ học sinh, Thy Lan Thảo là một sĩ quan trong ngành Chiến Tranh Chính Trị. Sau biến cố tháng 4-1975, ông kẹt lại và đi tù cải tạo, rồi sang Hoa Kỳ qua diện HO, sau khi đã ổn định đời sống, ông cũng dành khá nhiều thì giờ để tiếp tục sáng tác...
DTL: Hôm nay, sau hơn nửa thế kỷ, ở tuổi “thất thập cổ lai hy,” nhìn lại thời văn nghệ học sinh của mình, nếu phải tự đánh giá giai đoạn đó của mình thì, theo ông cái gì ông cho là được? Cái gì không?
NHP: Câu hỏi có vẻ “quan trọng hóa vấn đề”. Với tôi, cái chuyện “được” hay “không” của thời văn nghệ học sinh chẳng có gì ghê gớm để phải đưa lên “bàn mổ” vì, đa số (tôi không dám nói tất cả) những người trẻ còn đang trong tuổi cắp sách đến trường đều phải có thêm “trò chơi” (thể thao hay văn nghệ) để cuộc sống được thăng bằng, không bị liệt vào loại “bất bình thường”.
DTL: Nếu được phép khởi đầu cuộc đời của mình, có nghĩ ông sẽ vẫn đi trở lại trên con đường “văn nghệ học sinh” của mình? Nếu câu trả lời là “có” thì tại sao?
NHP: Dĩ nhiên là tôi vẫn thích trở lại con đường “văn nghệ học sinh” vì đó chính là khoảng thời gian đẹp nhất của tuổi học trò thay vì phải chọn “một trò chơi” khác, biết đâu sẽ “nguy hiểm” hơn trò chơi văn nghệ.
DTL: Ông còn thấy cần phải nói thêm câu gì với quý độc giả theo dõi cuộc nói chuyện ngày hôm nay của chúng ta?
NHP: Nhớ lại 37 năm trước, khi mới đặt chân đến Hoa Kỳ, còn tạm trú tại trại Pendleton, một số anh em từng liên hệ với sinh hoạt báo chí tại Sàigòn thường gặp gỡ nhau để cùng “mơ” về sự hình thành của một tờ báo Việt ngữ trên xứ người. Thứ nhất là để “nuôi dưỡng tiếng Mẹ đẻ”; tiếp đó là tạo nhịp cầu cho bà con ta -rồi sẽ tản mác khắp nơi- có dịp liên lạc lại với nhau... Ngày nay, như mọi người đều đã thấy, các bộ môn sách, báo, CD ca nhạc, DVD, phát thanh, truyền hình tiếng Việt phát triển đến mức độ ngoài sức tưởng tượng. Cá nhân tôi rất vui khi được kể là một trong những “viên gạch lót đường” của lãnh vực này. Nhưng tôi lại nghĩ nếu đã là viên gạch lót đường thì chỉ nên hiện diện trong một khoảng thời gian nào đó thôi, không nên ở lại quá lâu. Những viên gạch lót đường của các lãnh vực khác, tôi không biết chuyện vinh, nhục ra sao, chứ riêng với những “nghề” liên quan đến chữ nghĩa thường gắn liền với “bạc như vôi”, ở lâu quá, biết đâu sẽ có lúc kiệt sức, gục xuống thê thảm. Tôi không thể quên được ông chủ nhiệm báo Việt ngữ đầu tiên của cộng đồng người Việt tỵ nạn, ký giả Nguyễn Hoàng Đoan, chỉ sau hơn 5 năm đánh vật với tờ Hồn Việt, đã quyết định “về hưu” vì mệt quá, chỉ làm khổ vợ con thôi! Nhà văn Lê Tất Điều tức nhà thơ Cao Tần cũng chỉ chính thức vui chơi trong sinh hoạt báo chí một thời gian không dài. Ký giả Lê Thiệp khi mới từ Nhật Bản qua định cư tại Hoa Kỳ cũng rất say mê trong sinh hoạt báo chí, nhưng sau một thời gian chạy xuôi chạy ngược từ Đông qua Tây... rồi cuối cùng cũng đành chuyển qua nghề khác... Hầu hết những người trong ngành truyền thông ngày nay, với phương tiện kỹ thuật tân tiến, máy computer có dấu tiếng Việt... không thể nào tưởng tượng được nỗi gian nan mà những viên gạch lót đường như tôi đã trải qua mấy chục năm về trước, nên xin miễn kể lể dông dài thêm... Chỉ xin vắn tắt: tôi rất khâm phục những người hiện đang gắn bó với lãnh vực truyền thông, báo chí Việt ngữ ở hải ngoại, nhiều chông gai hơn là tìm đường vào dòng chính, thênh thang và nhiều cơ hội để thăng tiến.
DTL: Trân trọng cám ơn nhà báo và, cũng là nhà thơ Ngọc Hoài Phương./.