Nguyên Khai: “Màu sắc là dầu được thắp lên bởi trái tim”
Một trong vài dấu ấn mạnh mẽ nhất của sinh hoạt 20 năm VHNT miền Nam (1954-1975), theo ghi nhận của tôi, là sinh hoạt hội họa. Khởi đi với Tạ Tỵ, Tú Duyên, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thái Tuấn…Thế hệ được đào luyện chính quy từ trường ốc hội họa Hà Nội - - Rồi thế hệ kế tiếp là những Cù Nguyễn, Lâm Triết, Nguyễn Trung, Đinh Cường, Nghiêu Đề, Nguyên Khai, Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp, Bé Ký, Hồ Thành Đức v.v... Ít nhiều gì, họ cũng là những người có công xiển dương một bộ môn nghệ thuật tương đối mới mẻ đến với đám đông. Họ không chỉ cho mọi người thấy, Hội Họa là một bộ môn nghệ thuật gắn liền với cái đẹp, ở một trình độ cao mà, tài năng, trí tuệ của họ, còn tạo được niềm tin cậy, sự ngưỡng mộ nơi những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này nữa.
Trong số những người có công đem sắc mầu và đường nét đến với đám đông như một hạnh phúc cao, quý có họa sĩ Nguyên Khai / Nguyễn Bửu Khải. (1)
Năm 1963 (cũng là năm họ Nguyễn tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định), ông được trao tặng Huy chương đồng Triển Lãm Hội Họa Mùa Xuân.
Từ bục gỗ vinh quang này, Nguyên Khai đã ném mình vào những tìm tòi, khám phá không ngừng ở cả hai lãnh vực tạo hình và sắc màu.
Ở cả hai lãnh vực vừa kể, dường như giới thưởng ngoạn rất khó phân biệt biên độ hay khoảng cách giữa hội họa và thi ca trong tranh Nguyên Khai.
Thực vậy, tính tới hôm nay, những người theo dõi cuộc trường chinh đường nét và sắc màu của Nguyên Khai, hẳn không thể không nhận ra rằng, đã có rất nhiều tác giả viết về cõi-giới hội họa Nguyên Khai. Họ đều gặp nhau ở kết luận: Tính thơ mộng, lãng mạn trong tranh Nguyên Khai.
Tranh Nguyên Khai
Ở điểm chung này, nhân một cuộc triển lãm cá nhân của Nguyên Khai ở Virgnia, năm 2011, họa sĩ Đinh Cường viết:
“…
Nguyên Khai là một họa sĩ đã định hình, với thế giới tranh sang trọng và thơ mộng mang âm hưởng Huế, nơi anh đã sống cùng gia đình trong một phủ xưa bên Gia Hội. Những thiếu nữ trong tranh anh mang hình dáng quý phái, đặc biệt có những chân dung hai mặt rất Nguyên Khai.
Tranh Nguyên Khai là thơ được dựng lại bằng màu sắc trên nền vải, đúng như Huỳnh Hữu Uỷ nhận xét. Trong lần triển lãm này thiếu nữ và hoa sen được nổi bật, khác với hoa sen trong tranh Nguyễn Trung và Hồ Hữu Thủ, hoa sen trong tranh Nguyên Khai cũng rất Huế, khiến ta nhớ mùa sen ở hồ Tịnh Tâm, bởi mái tóc xõa đen dài, có khi chỉ nhìn sau lưng mà vẫn thấm đượm cái không gian xanh màu ngọc bích của dòng sông Hương đầy mộng mị. Chất hoài nhớ trong tranh anh bàng bạc, như Chagall đã không quên ngôi làng Witebsk bé nhỏ của mình…” (2)
Trước đấy, năm 2006, nhà thơ Phan Tấn Hải, trong một bài viết trên nhật báo Việt Báo, đã ghi nhận:
“… Các nét vẽ của ông đa dạng, thay đổi theo từng thời kỳ, với những khám phá riêng mà ông theo đuổi, nhưng tất cả đều toát lên một không khí thơ mộng, phảng phất những màu sắc nhiều huyền ảo hơn là thực tại. Trong cuộc triển lãm năm 2006 nêu trên, lúc đó Nguyên Khai triển lãm 24 bức khổ lớn bằng sơn dầu, pha lẫn điêu khắc, chạm trổ, gò nắn những mảng kim loại, có khi lấp lánh tia phản chiếu trông ngỡ như thủy tinh và trong đó có 7 tấm tranh vẽ thiếu nữ... Giáo sư Nguyễn Lâm Kim Oanh lúc đó nhận xét ‘trông các bức tranh cảm nhận ngay sự thanh thoát, nhẹ nhàng, bình yên, thấy được các cá tính của cô gái Việt, từ mộng mơ, yêu đời, nhưng cũng hiển lộ sức chịu đựng, nhẫn nại...’ ” (3)
Và, đây là cảm nhận của họa sĩ Dương Phước Luyến về tính thơ mộng, lãng mạn trong tranh Nguyên Khai, nhân cuộc triển lãm cá nhân của Nguyên Khai ở thành phố Houston, Texas, năm 2007:
“… Trước mỗi tác phẩm của Nguyên Khai, người xem sẽ từ ngỡ ngàng rồi ngất ngây với sự phong phú trong hòa sắc, toàn cảnh bàng bạc chất thi ca và như hồn tranh cứ níu, cứ kéo tâm tư ta vào cái huyền hoặc của cõi mộng ảo diễm kiều.
“Nguyen Khai seems to go from painting to poetry.
“Beware! My friend, you are going to be a poet!” (4)
*
Trong một phát biểu của mình, Nguyên Khai/ Nguyễn Bửu Khải cho biết: “Màu sắc là dầu được thắp lên bởi trái tim”. Phát biểu này, giúp chúng ta hiểu, mọi tác phẩm hội họa của họ Nguyễn đều đi ra từ trái tim nồng nàn, thao thiết tình yêu nhân gian và thiên nhiên.
Đứng trước giá vẽ, tôi cảm tưởng như ông đã hóa thân, nhập vào những game màu của ông. Để từ đó, sắc màu thay ông, nói hộ những thinh lặng, những xao xuyến nơi sâu thẳm cảm thức của riêng ông.
Đứng trước giá vẽ, tôi cảm tưởng như ông đã hóa thân, đã nhập vào những đường nét của riêng ông. Để từ đó, đường nét thay ông, nói hộ những chiêm nghiệm phận người. Những đau đáu kiếp trước và đời nay giữa chơi vơi nhân thế. Giữa bầm dập và thăng hoa. Giữa lãng quên và vẻ đẹp.
Nguyên Khai, khởi đi và ở lại. Như thế. Trong và ngoài chúng ta. Đằm đằm với năm, tháng đã qua và ngày mai, phía trước.
Nguyên Khai, người chụp ảnh tâm cảm mình, bằng sắc mầu và, đường nét.
Vào sâu hơn cõi-giới hội họa của Nguyên Khai/ Nguyễn Bửu Khải, tôi muốn lập lại ghi nhận của một họa sĩ hiện cư ngụ tại miền bắc California, như sau: “Tranh Nguyên Khai vừa thể hiện sự chuyên nghiệp, điêu luyện, vừa đẹp, đa dạng, nhiều thể loại và không chú tâm vào một đề tài nhất định nào.” (5)
Tôi cho nhận định trên rất đúng với trường hợp Nguyên Khai. Từ những chạm mặt đầu tiên với sắc màu và đường nét, thổn thức trên lụa; ông chuyển qua tình yêu thao thiết dành cho sơn dầu. Những năm tháng ở quê người, họ Nguyễn say mê thực hiện loạt tranh sơn mài bằng loại sơn dùng cho xe hơi. Sau đó, ông lại tạo những “trận bão trong tách trà” dư luận; khi sáng tác và triển lãm một loạt tranh có tên “mixed media”. Là loạt tranh được hoàn tất bởi tất cả những vật liệu phế thải, từ con chip của thời điện toán, tới những miểng đồng, miểng sắt, thép gai, thiếc vụn… Hay một vỏ bom, miểng vỡ lựu đạn, nhắc nhở người thưởng ngoạn sự hiện diện của chiến tranh vẫn còn đâu đó trên mặt địa cầu này; quyện với sơn dầu hoặc acrylic…
Ở giai đoạn nào, thời kỳ nào, Nguyên Khai cũng cháy cạn đam mê mình, trong những phiêu lưu tìm kiếm, tưởng chừng không ngày chấm dứt; như chính ông từng phát biểu. (6)
Tuy nhiên, với tôi, người nghệ sĩ dù thường trực ném mình vào những tìm kiếm mới lạ, với những khao khát phiêu lưu đi về chân trời, thì lắng, sâu nơi tiềm thức, y vẫn nghiêng nặng một cảm thức bất khả tư nghì nào đấy.
Tôi muốn cụ thể hóa ý niệm này, tựa như sự quay lại ngôi nhà, chốn nghỉ chân của kẻ một đời khát khao truy tìm cái khác… Đó là ngôi nhà tương thích nhất với vô thức của y.
Đó là nơi chốn y tạm dừng chân giữa hai cột mốc lao tác sáng tạo trong cuộc trường chinh đường nét và sắc màu.
Đó là nơi chốn y trút bỏ quần áo (kiến thức); khu trừ kinh nghiệm thụ đắc, tích lũy từ thời trường ốc hay, năm tháng khỏi tư duy đóng khung, xi măng định kiến… Để y được tự do trở thành con bướm trong giấc mơ Trang Chu, thỏa chí bình sinh bay bổng giữa không bờ, bến.
Bằng hình ảnh con bướm của Trang Chu, ta có thể liên tưởng bướm trong tranh Nguyên Khai vốn cẩn, thếp những màu sáng thi ca, trong trẻo suối xanh đầu nguồn. Nó tươi mát như tâm hồn mơ mộng của ông.
Tôi trộm nghĩ, có dễ Nguyên Khai không hề vẽ tự những lập trình định trước; hay từ vào những kỹ năng trường ốc đã hấp thụ. Ông vẽ từ những mách bảo của trái tim. Hoặc chính nhịp đập của trái tim đã dắt tay ông tới những gam màu, những đường nét, tự thân thanh thoát, bay lên. Như những thiếu nữ bay trong cảm xúc đằm đằm thương yêu con người và vạn vật của tâm hồn ông.
Những vạt áo, những mái tóc, những mắt, môi thiếu nữ, thiên nhiên bay giữa không bến, bờ trong tranh Nguyên Khai, là những giấc mơ thiếu nữ? Hay giấc mơ của chính họ Nguyễn?
Tôi không biết, nhưng dù trường hợp nào thì, tôi cũng vẫn thấy:
- Chúng ta có nhiều họa sĩ chọn đề tài thiếu nữ…
- Chúng ta cũng có không ít họa sĩ chủ tâm đem vào tác phẩm của họ mối tương giao thắm thiết giữa thiên nhiên và vạn vật…
Nhưng tôi e, chúng ta không có nhiều họa sĩ trút bỏ được cái nặng nề, trì kéo của từ-trường-kinh-nghiệm bản thân và, tâm thái nhân sinh, đời thường… Khiến chúng ta đã không có nhiều họa sĩ đạt được thành công ở cả hai mặt: Sắc màu và đường nét. Như Nguyễn Khai / Nguyễn Bửu Khải.
Nói thế, tôi không có ý nhấn mạnh họ Nguyễn thành công ở tất cả mọi đam mê, thử nghiệm trong cuộc trường chinh hội họa của ông.
Với cá nhân tôi, đỉnh điểm sự nghiệp tạo hình của Nguyên Khai, là sơn dầu.
Nhưng nếu cần phải rọi sáng thành tựu vừa kể của tác giả tài hoa này, thì những câu hỏi cụ thể hơn, có thể cần được cất lên. Thí dụ:
- Sơn dầu, đã đành, nhưng với những sắc màu nào?
- Sơn dầu, chính thế, nhưng với những hình tượng nào?
Hoặc:
- Đâu là những chỉ dấu riêng ghi nơi thẻ nhận dạng/ ID tranh Nguyên Khai?
Theo tôi, “bản thể” hay thẻ nhận dạng tranh Nguyên Khai/ Nguyễn Bửu Khải, là ngựa và thiếu nữ, ở phần hình tượng. Những gam màu xanh/ vàng tiêu biểu cho sắc màu của riêng ông. Hai cặp đôi này, vốn là những biểu thị nổi trội nhất trong cõi-giới tranh họ Nguyễn.
Nếu thiếu nữ và ngựa trong tranh Nguyên Khai, tượng trưng cho tương quan có tính hữu cơ giữa con người và thiên nhiên - - Thì “vàng” hoài niệm quá khứ. Trong khi “Xanh” tự tình với tương lai… Là những đường song song. Những con đường song song sẽ gặp nhau ở vô cực! Như sự gặp nhau rất sớm, và bất khả phân ly giữa một Nguyên Khai, họa sĩ và, một Nguyên Khai, thi sĩ.
Chính gặp gỡ mang tính định mệnh nơi tài hoa Nguyên Khai kia, mà tôi muốn được kết luận một cách ngắn, gọn về ông:
“Nguyên Khai, người chụp ảnh tâm cảm mình, bằng sắc mầu và, đường nét.”
Du Tử Lê
(Calif. 10. 2013)
__________
Chú Thích:
(1)Họa sĩ Nguyên Khai tên thật Nguyễn Bửu Khải. Ông sinh năm 1940 tại Huế. Ông học năm thứ nhất và năm thứ hai tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế (1960-1961). Sau đó, ông tiếp tục năm thứ ba và thứ tư tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định (1962-1963). Ông tốt nghiệp tại trường này. Tưởng cũng nên nói thêm, họa sĩ Nguyên Khai từng theo thầy Lê Văn Đệ chọn ngành vẽ lụa. Tuy nhiên sau khi ra trường, ông lại thấy tranh lụa không cho ông những phóng khoáng ông cần, như khi ném màu lên canvas. Để thoát ra khỏi sự gò bó kia, ông đã chuyển từ lụa sang sơn dầu.
(2), (3), (4) Nguồn: Vikipedia - Tiếng Việt.
(5) Ngọc Lan, viết về Nguyên Khai, báo Người Việt tháng 7-2012. (Wikipedia – Tiếng Việt)
(6) Bđd.