Mùa xuân và, “Đêm-từ-biệt… Trần,”
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt… Trần.
Nếu khởi đi từ bước chân hay những hạt mầm thứ nhất của chiều dài hình thành với tốc độ của những đôi hia bảy đặm, tôi nghĩ, người viết sẽ cần nhiều hơn một cuốn sách. Trường hợp này, tiếc thay, nó vượt ngoài khả năng giới hạn của tôi.
Nếu xấn xổ xẻ tắt một con đường thì, chỉ cần chút cẩn trọng, người viết sẽ thấy đó là một quyết định đem lại cho ông ta nhiều ân hận, đáng trách mai sau.
Là một trong không nhiều lắm, những người được thụ-nghiệm từng cảnh quan, từng giai đoạn vươn vai bước tới của những đời cây lạ, những thân mộc quý trong khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành “Đêm-từ-biệt… Trần,” tôi nghĩ, điều tôi có thể là, ghi lại một cách nghiêm túc (cách của tôi,) với tất cả lòng trân trọng có được.
Trước sau tôi vẫn tin, mọi sáng tác hay nhân-vật-truyện-ký đều không thể ra khỏi đường dẫn của những ngọn hải đăng rung cảm tinh ròng, hay chân thật tự gốc. Dù cho những chân thật tự gốc, nhất thời có bị vấy bẩn, bị dán nhãn hà tỳ bởi bao nhiêu thiểu năng trí tuệ, văn hóa và, nhân cách chăng nữa!
Từ điểm khởi này, tôi xin được bắt đầu truyện ký đêm-từ-biệt người con gái họ Trần (tức Trần Thy Nhã Ca,) “giải mã” từ ba chữ: Trần Dạ Từ. Thi sĩ.
Tôi không nhớ tôi được đọc bộ truyện ba cuốn liên tiếp “Thằng Cu So,” “Thằng Phượng,” và “Thằng Kình” của nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh ở đâu, lúc nào? (1) Chỉ nhớ đó là những tuổi thơ được tác giả dùng để dương danh ngọn đuốc lý tưởng xã hội mà tôi không có được.
Tôi không nhớ tôi đọc truyện “Miền Thơ Ấu” của Vũ Thư Hiên ở đâu, lúc nào? (2) Chỉ nhớ đó là một tuổi thơ cực kỳ… trẻ thơ của họ Vũ, với những trang văn xuôi đẹp tới mức độ có thể làm chảy những giọt lệ từ những đôi mắt thanh xuân đã luống. Một tuổi thơ lồng lộng không gian miền quê mà tôi không có được.
Tôi cũng không nhớ tôi được đọc trường thiên “Tuổi Thơ Dữ Dội” của Phùng Quán ở đâu, lúc nào? (3) Chỉ nhớ tiểu thuyết của ông quyến rũ tôi mạnh mẽ. Nhưng cái ở lại dài lâu, mạnh mẽ hơn cả trong tôi, lại là nhan truyện.
Có thể vì tôi chẳng những không có một tuổi thơ “dữ dội” như những nhân vật tiêu biểu trong tiểu thuyết của Phùng Quán, như Mừng, Tư Dát, Vện Đầu Bò hay Lượm hoặc Quỳnh Sơn Ca… Mà, những tự nguyện hiến thân cho tổ quốc trong cuộc chiến dành độc lập từ tay thực dân Pháp, của những nhân vật trẻ thơ kia, còn là những tấm gương, những hình ảnh khiến tôi sinh lòng ngưỡng mộ.
Nhưng tất cả những tuổi thơ vừa kể, (ngoại trừ “Miền Thơ Ấu” là những trang văn xuôi tuổi thơ thơm tho tính hồi ký) thì, cách gì những tuổi thơ của Nguyễn Đức Quỳnh, của Phùng Quán, cũng vẫn là những tuổi thơ đi ra từ hư cấu. Từ tưởng tượng của nhà văn, nhằm minh họa hay xiển dương những biểu thị, xác định lập trường xã hội, chính trị của mỗi tác giả.
Thịt da của những nhân vật tuổi thơ đó, trước sau vẫn là thịt da do chữ, nghĩa đắp bồi.
Tuy nhiên, trong đời thường của sinh hoạt 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam, theo tôi, đã có một tuổi thơ xương, thịt “dữ dội” không kém! “Dữ dội” theo khẳng định của định mệnh: Sẽ không thể có một trùng lập nào khác, với tuổi thơ ấy trong đời thường.
Tôi muốn nói, tuổi thơ dữ dội của một Lê Hà Vĩnh/ Trần Dạ Từ. Thi sĩ. Chủ nhân khu rừng quá nhiều những gốc cây lạ, quý.
Tôi cũng nhìn thấy tính lãng mạn dữ dội, tính thi ca đắm ngất khi Lê Hà Vĩnh chọn cho mình bút hiệu sau cùng: Trần Dạ Từ = Đêm giã từ người con gái họ Trần. Cũng có thể hiểu: Đêm giã từ Trần Thy Nhã Ca - - Để từ đó, trong sinh hoạt văn học miền Nam 20 năm, chúng ta có Nhã Ca-Trần Dạ Từ.
Và, sự có được đẹp đẽ kia, vẫn đằm thắm ở với sinh hoạt chữ, nghĩa của chúng ta, mấy chục năm qua nơi quê người.
Mười hai tuổi, Lê Hà Vĩnh thoát ly gia đình ở Hà Nội, di cư vào miền Nam, khởi đầu cuộc hành trình như một thách đố với mười phần bất trắc.
Khi chuyến tầu chở trẻ “mồ côi” cập bến Bạch Đằng, từ trên boong cao, nhìn về khu Majestic, cuối đường Catinat đèn mầu, rực rỡ, thay vì như hàng trăm thiếu niên đồng hành với mình, chờ được đưa về Trại Học Sinh Phú Thọ, (nơi tập trung tất cả những trẻ mồ côi di cư từ miền Bắc, được chính phủ nuôi ăn, chăm sóc, ngõ hầu tương lai trở thành những giáo sư, sĩ quan, công, tư chức thành công trong xã hội…) Lê Hà Vĩnh đã lặng lẽ tách lìa đám đông, làm lấy cho mình một lên đường riêng. Lên đường hay phiêu lưu đơn độc của Lê Hà Vĩnh, từ bước chân miền Nam thứ nhất này, với tôi, cũng là một chỉ dấu cho chuỗi dài những thử nghiệm phiêu lưu đơn độc khác, sau này của họ Lê. Đây là giai đoạn khởi đầu của những bài thơ viết sớm, bút hiệu Hoài Nam.
Những ngày tháng thứ nhất đối đầu với định mệnh cheo leo chỉ bằng vào đôi chân trần, đôi tay không, công việc đầu tiên của Lê Hà Vĩnh, để sinh tồn là nghề xếp báo, giao báo cho các sạp báo… Với tuổi 12, chỉ một thời gian ngắn, họ Lê đã sớm tự hỏi mình, tại sao không mua đứt một số lượng báo nào đó, xong, đem tới từng người đọc trên đường phố, để có được một khoản lợi tức nhiều lần hơn công việc thụ động kia?
Cất tiếng hỏi, có ngay câu trả lời! Cậu bé Lê Hà Vĩnh đã thành công với sáng kiến mới mẻ của mình. Thời đó, thời Saigòn 1954, 1955, có thể nói họ Lê là người đầu tiên đưa báo xuống đường phố. Chàng cũng là người đầu tiên đưa báo tới tận ga xe lửa, bước lên từng toa tầu cho những hành khách có nhu cầu nguôi quên thời gian đợi chờ tầu lăn bánh. Cũng từ bước đi mới mẻ này, họ Lê trở thành người bạn nhỏ dễ thương của những ông xếp ga. (Nhờ sự trở thành này, Lê Hà Vĩnh có được cho mình, cơ hội đi khắp cùng đất nước.)
Phần thưởng cụ thể Lê Hà Vĩnh nhận được cho những sáng kiến của mình là, những ngày tháng dư giả tiền bạc, giầu có kinh nghiệm đi, sống.
Bất ngờ, một “sự cố” như một bỡn cợt của định mệnh, đã cột chân con tiểu thiên lý mã kia ở thành phố Đà Lạt. Thơ mộng.
Thời gian tạm “dừng bước giang hồ” này, cũng là thời gian Lê Hà Vĩnh lại có sáng kiến khác. Sáng kiến giao báo tới tận nhà người đọc.
Với số vốn đủ lớn, họ Lê quyết định bao biện cho tất cả thân chủ của mình, cái hạnh phúc được “đọc báo trước, trả tiền sau.” Mỗi tháng, chàng chỉ đi thâu tiền khách hàng của mình một lần.
Nhờ sáng kiến vừa kể, Lê Hà Vĩnh có nhiều thời gian hơn nữa để đọc, viết, nghiền ngẫm văn chương, cảm thụ thiên nhiên với trưa Mekong, chiều Shanghai (hai nhà hàng nổi tiếng nhất Đà Lạt, thuở đó) và, quần áo bỏ giặt như nếp sống của một… “ông Hoàng nhỏ.”
Tại đây, họ Lê khởi sự bước vào thi ca với hàng trăm bài thơ được viết xuống. Nhuần nhuyễn các thể loại thơ cầu kỳ như Đường Luật, Liên Hoàn, Hát Nói hay, loại thơ đòi hỏi khả năng dài hơi và rung cảm rạt rào, như loại thơ “Trăm câu một vần,” như "trường khúc" v.v…
Cũng từ xuất phát khi còn rất nhỏ, Lê Hà Vĩnh đã khuấy động không gian êm ả của sinh hoạt thi ca miền Nam qua sự kiện một mình chàng (với nhiều bút hiệu khác nhau,) đã trúng ba giải: Nhất, Ba và Bảy của cuộc thi thơ Mùa Xuân do đài phát thanh Pháp Á, Saigòn, tổ chức cuối năm 1956.
Tôi chọn dùng hai chữ “khuấy động” cho giảm nhẹ phần ngỡ ngàng, bối rối của giám đốc đài thuở đó là ông Hoàng Cao Tăng và, những thành viên được đài mời làm giám khảo cuộc thi mà, trưởng ban là nhà thơ Hồ Đình Phương! (4)
Số là ban giám khảo không thể nghĩ được rằng thí sinh trúng giải nhất tên Đoàn Minh Tuấn lại là một thiếu niên, chứ không phải một… lão niên. Thứ đến, tác giả Lê Hà Vĩnh, bút hiệu Đoàn Minh Tuấn (của giải nhất) và hai bút hiệu khác của hai giải còn lại, không có một bằng chứng, một giấy tờ gì khả dĩ thuyết phục được ông Hoàng Cao Tăng cũng như ban giám khảo trao số tiền thưởng trên 3,000 đồng (quá lớn thời đó,) cho một thiếu niên không ai biết mặt!
Tôi không biết một thiếu niên khác, ở trường hợp Lê Hà Vĩnh, sẽ ứng xử ra sao trước sự từ chối hợp lý của đài Pháp Á. Chưa kể sự việc còn liên quan tới vấn đề thủ tục tài chánh, xuất quỹ. Nhưng, với Lê Hà Vĩnh thì, một lần nữa, cũng rất sớm, cho thấy tính quyết liệt của chàng, khi họ Lê khẳng định:
“Tôi không biết. Các ông làm sao thì làm. Tôi chỉ biết, tôi là người trúng tất cả 3 giải. Các ông phải trao tiền thưởng cả 3 giải đó cho tôi!”
Trước cuộc “đối đầu cực kỳ căng thẳng” đó, khi được hỏi, họ Lê kể, có một sự việc tới giờ ông không quên: Đó là tình cảm đặc biệt mà nhà thơ Hồ Đình Phương dành cho… “Đoàn Minh Tuấn.” Ngay tự giáp mặt thứ nhất, Hồ Đình Phương đã bắt tay Lê Hà Vĩnh, nói:
“Anh hoàn toàn tin em là người trúng 3 giải của cuộc thi thơ này. Anh hoàn toàn tin em chính là Đoàn Minh Tuấn…”
Nhưng, như đã nói, vì không có một chứng cớ cụ thể nào khả dĩ khiến đài Pháp Á có thể giao toàn bộ số tiền thưởng cho Lê Hà Vĩnh; cuối cùng nhà thơ Hồ Đình Phương quyết định triệu tập toàn ban giám khảo họp tại trụ sở đài Pháp Á, với sự hiện diện của “thí sinh tự nhận trúng 3 giải thưởng” Lê Hà Vĩnh và, giám đốc Hoàng Cao Tăng, để… thực chứng tài làm thơ của thiếu niên đặc biệt này.
Các giám khảo lần lượt ra đề tài cho Lê Hà Vĩnh với các thể thơ từ hát nói, đường luật tới năm chữ, bảy chữ… Những thể thơ đã đem vinh quang về cho Lê Hà Vĩnh.
Cuộc “Thực chứng tài năng thi ca” diễn ra nhậm lẹ hơn chờ đợi của tất cả mọi người. Nói cách khác, Lê Hà Vĩnh không chỉ thỏa mãn đòi hỏi của ban giám khảo mà chàng còn hoàn tất mọi đòi hỏi một cách dễ dàng, hoa mỹ. Kết quả, toàn ban giám khảo đồng ý ký vào biên bản cuộc “thực chứng”: Xác nhận Lê Hà Vĩnh là tác giả trúng tất cả 3 giải nhất, ba và bảy của cuộc thi. Ký nhận này còn mang ý nghĩa, tương lai, nếu có một người nào khác khai nhận họ mới là người trúng, dù chỉ một trong ba giải vừa kể thì, toàn ban giám khảo sẽ phải trách nhiệm luôn cả số tiền đã trao cho họ Lê.
Lãnh được tiền thi thơ từ đài Pháp Á, Lê Hà Vĩnh đi thẳng tới một tiệm cầm đồ, hỏi mua một chiếc xe đạp “xịn” nhất với giá chẳng đáng bao nhiêu so với số tiền chàng nhận được.
Một điều đáng nói nữa là sau sự việc vừa kể, nhà thơ Hồ Đình Phương đã viết một loạt bài ba kỳ về “Thần Đồng Thi Ca” Hoài Nam (bút hiệu chính thức, đầu tiên của Lê Hà Vĩnh), trên tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong. Loạt bài này đem đến cho chàng không biết bao nhiêu thư ái mộ! Cũng từ đấy, Hoài Nam trở thành bạn thơ nhỏ tuổi, thân ái nhất của thi sĩ Hồ Đình Phương.
Tôi không biết có phải định mệnh đã chọn Lê Hà Vĩnh là người nhận được một mùa văn chương bội thu hay không? Chỉ biết, sau khi được trao giải nhất về thơ của đài Pháp Á, Hoài Nam lại đoạt giải nhất truyện ngắn do tuần báo Đời Mới tổ chức. Ở thập niên (19)50 với nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh trong vai trò chủ bút, Đời Mới được coi là tuần báo uy tín thời bấy giờ. Báo Đời Mới như một thước đo hay, một diễn đàn “ấn chứng” tài năng những cây bút mới.
Cũng thời gian này, họ Lê còn đoạt giải nhất cuộc thi viết kịch do cơ quan Văn Hóa Vụ tổ chức.
Nhưng, như Hoài Nam tâm sự sau này, chính vì vinh quang tới quá sớm với chàng mà, họ Lê không thể tiếp tục công việc bán báo.
“Thần đồng thi ca” Hoài Nam tự thấy phải có cho mình một công việc khác. Một công việc liên quan tới chữ, nghĩa. Bởi thế, họ Lê phải bắt đầu con đường mưu sinh bằng cách viết truyện ngắn cho các nhật báo như Ngôn Luận, Lẽ Sống… Tuy nhiên nhuận bút truyện ngắn nhận được mỗi tháng, không cách gì đủ cho chàng duy trì nếp sống phong lưu trước đó. Chưa kể khi đã thành một “nhà thơ lớn” họ Lê cũng không thể sống dưới mức sống tối thiểu của một... “danh sĩ”.
Trước tình cảnh… bấp bênh của “thần đồng thi ca” Hoài Nam, nhóm học sinh quây quần quanh tuần báo Văn Nghệ Học Sinh (VNHS) - - Như một thứ “nền tảng” của báo này, đã đồng lòng vận động Chủ bút Lê Bá Thảng, Tổng thư ký Giang Tân của tuần báo này, tìm cho Hoài Nam một việc làm tại tòa soạn, như một “đại diện thế giá” của họ.
Tới đây, tôi nghĩ, có lẽ cũng nên mở một dấu ngoặc, để ghi nhận một sinh hoạt khá đặc thù của thế giới văn nghệ học sinh thời giữa 1950, đầu 1960. Đó là sự kiện một số tuần báo, luôn cả nhật báo, đã dành nhiều trang báo cho những cây bút học sinh. Để gây thành phong trào, họ thường tìm một vài cây bút trẻ nhiệt tình, năng động, có điều kiện vật chất và nhất là thì giờ, quy tụ bạn bè cùng trang lứa, sở thích, gặp gỡ nhau mỗi tuần hoặc, mỗi tháng chung quanh một đàn anh hay đàn chị trách nhiệm các phụ trang. Nó giống như một thứ “friend club” của những người trẻ ái mộ các văn nghệ sĩ hiện nay vậy.
Ở dạng này, tuần báo Văn Nghệ Học Sinh được coi là tờ báo đi bước đầu.
Nối gót báo VNHS và thành công là “friend club” vây quanh chị Kiều Diễm Hồng (bút hiệu của nhà văn Phạm Cao Củng), phụ trách phụ trang văn nghệ học sinh, nhật báo Ngôn Luận. “Friend club” của “chị” kiều Diễm Hồng, có những tên tuổi thành danh sau này, như Nguyễn Đức Nam, Hồng Thủy, Bích Huyền, Lê Đình Điểu, Ngọc Hoài Phương v.v…
Hình thức “friend club” đó, cũng được nhà văn Duyên Anh duy trì và khai triển vào những năm giữa thập niên (19)60 qua những buổi họp mặt, cấp phát thẻ “hội viên” cho những người ghi tên tham dự, ủng hộ trang Búp Bê trên nhật báo Sống; khi ông phụ trách trang văn nghệ học sinh cho nhật báo ấy.
Trở lại với “Thần đồng thi ca” Hoài Nam, thoạt tiên, chàng được nhận làm việc ở tòa soạn VNHS trong vai trò “Thầy Cò” (sửa lỗi chính tả). Sau một thời gian, họ Lê được giao phó phần vụ trả lời thư bạn đọc, trước khi trở thành phụ tá Tổng thư ký Giang Tân, trong việc đọc, chọn bài nhận được…
Thời gian này cũng chính là thời gian định mệnh đã lặng lẽ chuẩn bị mở cho họ Lê thêm một cửa khác. Cánh cửa dẫn vào cuộc tình với người con gái họ Trần - - Trần Thị Thu Vân: Cây bút ở cố đô Huế, có nhiều sáng tác xuất sắc, trở thành một trong những “ngọn cờ đầu” của “cộng đồng” những cây bút học sinh tung hoành dọc ngang sân chơi tuần báo VNHS.
Tôi nghĩ, nhiều phần Y Dịch/ Lê Đình Điểu và các bạn cho rằng: Kết hợp hay tao ngộ giữa một Hoài Nam “Thần đồng thi ca” và, một Trần Thị Thu Vân “Ngọn cờ đầu” của họ, là một hạnh ngộ không thể xứng hợp hơn.
Nhưng, vẫn theo tôi, nếu định mệnh không mỉm cười trước tác hợp tốt đẹp này thì, dù các bạn của họ Lê có hăm hở cách mấy, thời gian cũng sẽ cho họ câu trả lời ngược lại!
Không biết những người đưa thư ở hai đầu Huế - Saigòn trong một thời gian dài có nhận ra những túi đựng thư của họ bỗng nặng hơn?
Riêng tôi, tôi nghĩ những lá thư, những bài thơ của Hoài Nam - Trần Thị Thu Vân đã từng ngày rút ngắn khoảng cách địa lý giữa hai đầu tâm tưởng.
Cuối năm 1957, khi chính phủ khánh thành đường xe lửa nối liền Saigòn-Huế, với sự “cổ võ” của bằng hữu, “Thần đồng thi ca” Hoài Nam là một trong những hành khách đầu tiên, bước lên chuyến xe lửa “định mệnh” này; sau khi đã báo trước cho “Ngọn cờ đầu” Trần Thị Thu Vân biết, chàng sẽ ghé thăm họ Trần, chiều Mồng Một Tết. 1958.
Nhiều năm sau, trong “Hồi ký một người mất ngày tháng,” Nhã Ca ghi lại những cảm xúc choáng, ngất đầu đời mình, như sau:
“Mùng Một Tết, 1958
“Hoa vàng. Cành mai nhỏ trên bàn thờ. Cành mai lớn giữa phòng khách. Thềm nhà, hai chậu cúc đại đóa nở rộ. Trong sân, vạn thọ thược dược chen chúc. Ngoài cánh cổng song sắt, những bông cúc thảo dại mỏng manh, vươn lên từ lề cỏ bên đường.
“Coi chừng. Tới giờ. Đó. Tiếng còi tầu. Con bé thật ngố. Đã biết trước, chờ sẵn, vậy mà vẫn giật mình, làm gẫy mất một bông thược dược.
“Tầu hỏa đang hú còi vào ga. Ghê quá. Anh ta tới rồi đấy. Tầu từ Đà Nẵng ra đúng sáng Mùng Một Tết. Còn phải tìm đường, tìm nhà. Trước sau một giờ trưa, sẽ đi qua cổng. Bẩy giờ tối sẽ tới, sẽ gặp. Thư cuối năm, anh ta báo trước vậy.
“Buổi trưa. Bao nhiêu người qua đường, biết ai là anh ta. Run quá. Coi tề, cái người nhìn mình một cái rồi quay đi, bước nhanh hơn. Anh ta? Anh ta vậy há? Mỏng như tờ giấy. Còn mặt mũi? kịp thấy chi mô. Mới nghĩ chắc anh ta đó, mắt con bé đã hoa lên rồi. Nhát.
“Tối đến. Con bé ra sao hỉ? không nhớ. Bước vào nhà, chưa mời, anh ta đã ngồi. Ba đang loay hoay vặn cái radio bóng đèn cổ lỗ, đầy tiếng kêu rồ rồ.
Anh ta vậy. Ông anh lớn trong nhà nhăn mặt, bỏ sang phòng bên.
“Con bé ú ớ. Những lá thư xuôi ngược cả năm Sàigon- Huế- Sàigòn. Những bài thơ tình đầu. Anh ta ngồi đó. Ốm nhom. Mặt rỗ. Giọng Bắc Kỳ dấm dẳng như ông thánh ông tướng. Được gì nhỉ? Cái miệng. May quá, anh ta còn biết cười.
“ ‘Đi dạo với anh một lát nhé. Được chứ?’
“Anh ta nói khi đứng ở cổng.
“ ‘Anh ra trước. Rẽ trái. Đợi ở góc đường.’
“Con bé khoác cái áo vét nỉ mầu vàng, buộc tóc. Có chút mưa bụi lất phất. Sợ cả tiếng guốc mình lê trên lề đường. Run dữ. Rứa mà dám đi với anh ta ra đường.
“Một ngã ba.
“ ‘Cây gì đây?’
“ ‘Cây sầu đông.’
“Một ngã tư:
“ ‘Còn đây là cây gì?’
“Cây đoát.”
“ ‘Cây gì?’
“ ‘Cây đoát.’
“ ‘Đoát. À. Còn con đường?’
“ ‘Đường Hàng Đoát.’
“Đi nữa. Khuôn mặt anh ta lúc nào cũng như muốn lẩn vào bóng đêm. Mấy lần con bé phải nén tiếng kêu, cố để khỏi bổ nhào vì những con cóc ở đâu ra nhiều quá, nhẩy lon ton bên chân.
“ ‘Cóc à?’
“ ‘Cóc.’
“Cứ dấm dẳng vậy cho tới lúc quay về bên cánh cổng sắt.
“ ‘Không nói gì à?’
“ ‘Bao giờ anh đi?’
“ ‘Không biết.’
“Im lặng. Đứng. Gió. Con bé rút cổ lại.
“ ‘Em lạnh?’
“ ‘Không.’
“ ‘Mai làm gì?’
“ ‘Sáng, phải theo ba má sang chúc tết bên ngoại.’
“ ‘Mình còn gặp lại chứ? Buổi trưa?’
“ ‘Ở mô?’
“ ‘Anh ở khách sạn Đồng Lợi. Số 47, đường Gia Long, trên lầu, phòng số 4.’
“Khách sạn? Con bé mà dám leo lên một khách sạn giữa thành phố Huế? Có mà muốn tự tử.
“ ‘Anh chờ sẵn ở dưới. Trưa mai. Tới nhé.’
“Con bé làm thinh.
“ ‘Tùy em. Anh sẽ chờ từ một giờ trưa. Nếu em không đến, sáu giờ chiều có chuyến tầu rời Huế. Chúng ta sẽ không gặp nhau nữa. Lạnh rồi. Em vào đi. Từ biệt.’
“Anh ta quay đi, lầm lũi.” (5)
Tôi nhớ, khi viết về cuộc “đối đầu cực kỳ căng thẳng” giữa Hoài Nam và ban giám đốc phát thanh Pháp Á, tôi đã nói tới tính quyết liệt của họ Lê. Tính quyết liệt này, tôi gặp lại trong phần cuối của trích đoạn hồi ký trên, qua hai chữ “tùy em!” Trước đó, tôi cũng gặp lại tính chất ấy trong bài thơ “Vĩnh Cửu” bài đầu tiên họ Lê dùng bút hiệu Trần Dạ Từ, đăng tải trong tạp chí Gió Mới, số 1, 1957, của Hội Giáo Chức Việt Nam mà, thi sĩ Nguyên Sa là chủ bút:
Mười tám tuổi anh đã là như thế
Một hồn bơ vơ lưu lạc giữa đời
Sáng sân ga, chiều quán xá rong chơi
Thành phố lạ thiết tha từng bước chậm.
“Mười tám tuổi anh đã là như thế,” tôi thích lắm, câu thơ tự tin và, hàm chứa ít nhiều ngạo mạn này. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là tính “quyết liệt” trong đời thường, cũng như trong hành trình chữ, nghĩa của họ Lê.
Không lâu sau “Vĩnh Cửu,” bút hiệu Trần Dạ Từ xuất hiện trên tạp chí Sáng Tạo, với một bài thơ năm chữ, nhan đề “Thơ Cũ Của Nàng”:
Người đi qua đời tôi
Trong những chiều đông sầu
Mưa mù lên mấy vai
Gió mù lên mấy trời
Mây mù lên mấy biển
Người đi qua đời tôi
Hồn lưng mùa rét mướt
Đường bay đầy lá mùa
Vàng xưa đầy dấu chân
Lòng vắng như ngày tháng
Đen tối vùng lãng quên
Người đi qua đời tôi
Chiều ầm vang tiếng sóng
Bàn tay mềm khói sương
Tiếng hát nào hơ nóng
Người đi qua đời tôi
Nghe những lời linh hồn
Phi lao dài tiếng ru
Êm ái lòng hối tiếc
Trên lối về nghĩa trang
Trong mộ phần tối đen
Người đi qua đời tôi
Không nhớ gì sao người
Em đi qua đời anh
Không nhớ gì sao em.
(Trần Dạ Từ, trọn bài).
Năm 1991, khi nhà Vincent and Company xuất bản tuyển tập “Mộng Dưới Hoa – 20 bài thơ phổ nhạc” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, ngay dưới ca khúc “Người Đi Qua Đời Tôi” Thơ Trần Dạ Từ (trang 22,) có một đoạn viết ngắn, nguyên văn:
“Bài thơ mang tựa đề 'Thơ Cũ Của Nàng', trích trong tập 'Thủa Làm Thơ Yêu Em', 1958, khi người viết mới 18 tuổi. Mười một năm sau, tháng sáu 1969, thơ được phổ nhạc.
“Còn nhớ, đó là một sáng Chủ Nhật khi Saigòn mưa bão. Ông Phạm Đình Chương điện thoại, nhất định bắt phải lên Đêm Mầu Hồng ăn sáng.
“Vừa phổ xong bài thơ đêm qua. Ông Bà nghe nhé.
“Nhạc sĩ tự tay pha cặp rượu đầu tiên trong ngày rồi ngồi vào đàn, nắn nót từng giai điệu và Thái Thanh bắt đầu hát.
“Saigòn mưa bão. Phòng trà ban ngày, cột gỗ và bàn ghế ngổn ngang. Đó là ký ức của tôi về bài thơ phổ nhạc này, từ 22 năm trước.
“Trần Dạ Từ, 1991.”
Theo tôi, đó là một trong nhiều bài thơ hay, có từ trước, cũng như sau… “Đêm-từ-biệt…Trần” của nhà thơ Trần Dạ Từ, tính tới năm 1958. Năm “mười tám tuổi anh đã là như thế!”
Vâng. Quả… “đã là như thế”!
Trần Dạ Từ, người đứng sau những khởi động đáng ghi nhớ,
Trong tập “Nguyên Sa Hồi Ký” (NS/HK) do Đời, California, xuất bản năm 1998, ở phần Hai, chương “Nồi niêu soong chảo,” thi sĩ Nguyên Sa đã đề cập tới phần đời làm báo đầy biến động, nhiều đương đầu hào hứng (sau cuộc cách mạng 1 tháng 11-1963 tại miền Nam,) của nhóm ký giả trẻ: Nhóm “Nồi niêu soong chảo” do nhà thơ Trần Dạ Từ đại diện.
Tác giả “Paris có gì lạ không em” viết:
“Những ngày Sáng Tạo có tiền kiếp. Thời gian bỏ đi có tiền kiếp của nó. Những ngày ở Sống với Chu Tử là một tiền kiếp khác, xôn xao Lương Sơn Bạc. Tờ Sống ra được có một số thì bị đình bản, anh em báo Sống với Đằng Giao, Tú Kếu, Trần Dạ Từ nhóm ký giả trẻ gọi là ‘nồi niêu soong chảo’ lếch thếch nồi soong ra đi đầu quân, khi thì ở Tiền Tiến với ông chủ nhiệm Đỗ Công Dụng, khi thì Hòa Bình với linh mục Trần Du, khi khác là Tranh Đấu của chủ nhiệm Ngô Đức Mão, một đệ tử của cụ Nguyễn Thế Truyền, Mai Châu bỏ tiền…” (NS/HK, trang 213).
Trên hành trình báo chí gập ghềnh, cam go lý tưởng, qua mấy chục nhật báo khác nhau, thời gian đáng nhớ nhất của tác giả “Thuở làm thơ yêu em” có lẽ là thời gian ông phải đương đầu với cuộc tranh chấp sống mái với người bỏ tiền in tờ Tranh Đấu. Vì thế, ông đã tìm tới “Ông đội mũ.” (Bí danh Trần Dạ Từ đặt cho thi sĩ Nguyên Sa.) Với tác giả “Áo lụa Hà Đông” thì dường như, đó cũng là một kỷ niệm đáng nhớ, khi ông viết:
“Trần Dạ Từ là một tiền kiếp khác. Phải rồi, Trần Dạ Từ là tiền kiếp. Tiền kiếp đẩy tôi tới nhà in, tôi vẫn đội mũ nguyên trên đầu, Trần Dạ Từ dắt tới trước mặt tôi chủ nhân của nhà in nói đây là ông anh tôi, liệt kê các loại võ nghệ tài chính và xã hội, kể từ hôm nay ông anh sẽ lo mọi vấn đề tiền bạc. Tôi gật đầu bảo chứng người em tiền kiếp, tôi nói tôi trả tiền, cứ in, ngày nào thanh toán ngày đó, không cần để tới sáng ngày mai. Viên quản lý vui vẻ ngay, máy in đang chờ, thợ in đang chờ, có người lãnh nhận việc trả tiền là bật đèn xanh…” (NS/HK, trang 214). Kết quả, “đại gia” Mai Châu đã phải “tung khăn” đầu hàng “Ông đội mũ!”
Lập lại sự việc này, tôi không có ý muốn đề cập tới tình thân giữa Nguyên Sa, Trần DạTừ. Một tình thân mang tính tinh truyền từ kiếp trước. Một tình thân đã vượt xa cái biên giới hạn hẹp của chữ và, nghĩa.
Lập lại sự việc này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh, phải chăng định mệnh đã chọn, trao những dụng cụ cần thiết, như cuốc, xẻng…vào tay tác giả “Người đi qua đời tôi,” để ông xắn sâu và, xới lên những khoáng-sản-tinh- thần. Những khả năng trí tuệ tiềm ẩn nơi con người sinh ra, vốn mang sẵn một “định mệnh dữ dội” (?)
Lập lại chuyện này, tôi cũng chỉ muốn nhấn mạnh, qua trên dưới ba chục nhật báo của miền nam Việt Nam, 20 năm mà, Lê Hà Vĩnh tức Trần Dạ Từ đóng vai tổ chức ban biên tập, cắt đặt bằng hữu ông vào những vai trò, chức vụ có tính vận hành, quyết định. Nhưng, tuyệt nhiên, đọc giả không hề thấy dù chỉ thấp thoáng bóng dáng hay tên tuổi họ Lê trên “manchette” báo.
Tôi muốn cám ơn thi sĩ Nguyên Sa, qua trích đoạn hồi ký kể trên.
Từ đó, tôi muốn gọi họ Lê là: “Người đứng sau những khởi động đáng ghi nhớ.”
Cũng vậy, tôi muốn gửi lời cám ơn ca sĩ Khánh Ly, qua một đoạn viết ngắn, nơi trang 2 booklet đi kèm đĩa nhạc “Nụ cười trăm năm” (Nhạc Trần Dạ Từ,) khi cô viết:
“Mùa hè 1959, ông Mặc Thu, sếp chương trình Tiếng Thơ đài phát thanh Saigon, trịnh trọng bảo một anh nhóc tì, ‘Thi sĩ coi cháu Mai tập bài này, điệu ru con miền Bắc.’ Tức cười. Năm ấy tôi 14. Thi sĩ bất quá chỉ hơn dăm ba tuổi. Hai anh em cùng dân bà cả đọi, đi xin ngâm thơ để kiếm cơm. Biết nhau từ đó…”
Tôi nói, tôi muốn gửi lời cám ơn ca sĩ Khánh Ly vì, nhờ bảng chỉ đường đơn sơ này, tôi mới được biết tác giả “Nụ hồn đầu” đã bước vào lãnh vực phát thanh rất sớm. Đó là những năm đầu thập niên (19)60, khi người Mỹ mở cuộc thi tuyển, chọn ra một số người để huấn luyện họ trở thành những chuyên viên phát thanh chính quy, cho lãnh vực phát thanh ở miền nam Việt Nam. Và, họ Lê là một trong số người được tuyển.
Nhắc lại giai đoạn “hai an hem cùng dân bà cả đọi,” nhà thơ Trần Dạ Từ nói, ông nhớ ông có theo học một khóa phát thanh, diễn ra trong một ngôi biệt thự kín khuất ở đường Chi Lăng, Gia Định. Học viên được chỉ dạy cặn kẽ từ cách viết một bản tin cho phát thanh, tới kỹ thuật biên tập một chương trình. Học viên cũng được dạy và thực tập sử dụng âm thanh, cách chọn lựa, ứng dụng “sound effect”. Kỹ thuật “in / out” một buổi phát thanh, v.v… Tất cả những lớp học đó, đều diễn ra trong những wagon xe lửa, như những studio lưu động, đặt trong biệt thự vừa kể.
Ông nói, khoảng gần 2 năm sau, kỹ thuật phát thanh do người Mỹ dạy, mới được người Mỹ đem về khu cư xá Thành Tín, ở đầu đường Hồng Thập Tự và, giao việc quản trị cho quân đội VN, với ngân sách của Tòa đại sứ Hoa Kỳ.
Nói cách khác, hậu thân của giai đoạn này, chính là đài Tiếng Nói Tự Do với ông Vũ Quang Ninh (thời còn mang cấp bậc Đại Úy).
Họ Lê cũng nhớ, thời gian đầu của đài Tiếng Nói Tự Do, ngoài cá nhân ông, trong vai trò Trưởng ban Phóng Viên, còn có Phan Tùng Mai (con nhà cách mạng Phan Văn Hùm), Trưởng Ban Biên Tập; Nguyễn Sơn, Trưởng Ban Nghiên Cứu; Nhã Ca phụ trách biên tập chương trình văn học nghệ thuật…
Ở giai đoạn hình thành, đài Tiếng Nói Tự Do được phép tuyển thêm phóng viên. Đài đã phỏng vấn một số sinh viên đang theo học trường Bộ Binh Thủ Đức. Một trong những sinh viên sĩ quan được tuyển chọn về làm phóng viên cho đài, là nhà báo tên tuổi sau này, Nguyễn Thượng Hiệp. (6)
Từ bảng chỉ đường đơn sơ của ca sĩ Khánh Ly, nơi booklet của CD “Nụ cười trăm năm” (Nhạc Trần Dạ Từ), hôm nay, tôi mới được biết, sự ra đời của phong trào hát cộng đồng vào khoảng giữa thập niên (19)60, cũng có dấu ấn của “người đứng sau những khởi động đáng ghi nhớ” Trần Dạ Từ.
Ký ức họ Lê cho biết, trong một buổi tham dự trại Suối Thông/ Đà Lạt, 1965 do thanh niên, sinh viên tổ chức, cùng với cố nhà báo Lê Đình Điểu, ông chú ý tới một nhạc sĩ trẻ ôm cây ghi ta thùng, hát một số ca khúc có nội dung phản ảnh những băn khoăn, khắc khoải có tính cách thời đại, như nỗ lực đi tìm tiếng nói chung cho lớp tuổi của họ. Ông càng chú ý hơn nữa, khi thấy các bạn trẻ hân hoan tham dự vào tâm tình, chuyển động của ca khúc, qua tiếng vỗ tay. Nhịp theo. Hào hứng.
Tác giả “Tặng vật tỏ tình” bàn với Lê Đình Điểu:
“Nên đem anh chàng này về Saigon, Điểu à!”
Nhưng bằng cách nào?
Vấn đề ở chỗ đó!
Một lần nữa, tôi lại thấy dường như định mệnh đã chọn, trao những dụng cụ cần thiết, như cuốc, xẻng… vào tay Trần Dạ Từ, để ông xắn sâu và, xới lên những khoáng-sản-tinh- thần, một mặt nào đấy, làm thành ý nghĩa một thời cho miền Nam, 20 năm.
Số là thời gian đó, nhà thơ Trần Dạ Từ đang làm cố vấn cho nhà văn Huy Quang/ Vũ Đức Vinh, Tổng giám đốc Hệ Tổng Truyền Thanh Việt Nam. Nhiệm vụ của ông là cung ứng những chương trình phát thanh đặc biệt theo yêu cầu của nhà văn Huy Quang, hoặc góp ý với ông Tổng giám đốc, trong những vấn đề thuộc lãnh vực chuyên môn.
Ở cương vị này, tác giả “Hòn đá làm ra lửa” đã thực hiện được một chương trình “mẫu,” gọi là “chương trình hát cộng đồng,” thu ngay tại đài Saigon, với hàng chục ca viên một lúc. Nhà văn Huy Quang thích lắm. Ông nói, “đài cần có những chương mới mẻ như thế.”
Tuy nhiên, cũng chính vì sự qúa mới mẻ - - Hiểu theo nghĩa, hồi nào giờ, các đài phát thanh của miền Nam chỉ quen phát những chương trình song ca, tam ca, tứ ca. Nói chung là hợp ca. Chưa bao giờ đài có chương trình “cộng đồng ca” với hàng chục ca viên. Vì thế, nhà văn Huy Quang nghĩ, ông cần phải có được sự chuẩn thuận của cấp cao hơn: Tổng Ủy viên Thông tin - Chiêu hồi (tức Bộ trưởng thông tin – chiêu hồi cũ).
Như tôi từng nói, bản chất họ Lê vốn quyết liệt, đeo đuổi tận cùng những gì đã dự trù. Nên, để thành tựu được mơ ước của mình, ông cùng Lê Đình Điểu và một số bạn khác, thực hiện một băng “mẫu. Do ông và các bạn hát; đưa trình Tổng ủy viên Thông Tin – Chiêu Hồi thời đó: Tướng Nguyễn Bảo Trị. (7)
Nghe và y cứ trên những trình bày của Lê Đình Điểu, Trần Dạ Từ… về nhu cầu giới trẻ cần những hình thức sinh hoạt mới, linh động, lành mạnh, tươi tốt… Tướng Trị đồng ý. Sự đồng ý của ông, có nghĩa “đèn xanh” được bật cho hệ thống Truyền Thanh Việt Nam, phát thanh rộng rãi những ca khúc mang tính “cộng đồng ca” nhắm vào lớp thính giả thanh viên, sinh viên.
Đó là cánh cửa thứ nhất, mở vào phong trào du ca, sau này.
Cũng từ bảng chỉ đường đơn sơ của ca sĩ Khánh Ly, nơi booklet của CD “Nụ cười trăm năm” (Nhạc Trần Dạ Từ), hôm nay, tôi mới được biết, ngay từ (19)60 Trần Dạ Từ và một số bằng hữu của ông, như Thanh Thoại, Lê Đình Điểu, Đỗ Quý Toàn, Trần Đại Lộc, Đỗ Kim Ninh…đã khởi xướng phong trào đọc thơ (chỉ đọc, không ngâm) tại sân trường đại học Văn Khoa Saigon.
Rất mau chóng, ngọn lửa đem thi ca vào đời thường, đã cháy lan qua các khuôn viên đại học khác. Như Vạn Hạnh, Đà Lạt, Huế…Trước khi phong trào tỏa rễ, đâm chồi ra đường phố; với những cuộc đọc thơ tại các quán café, hay những họp mặt văn nghệ của văn nghệ giới trẻ.
Vẫn ở vị trí của “Người đứng sau những khởi động đáng ghi nhớ,” hôm nay, nhắc lại, họ Lê còn hưng phấn cho biết:
“Khi tôi đọc thơ Thanh Tâm Tuyền, với những câu như:
“Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống giòng sông
“mà lòng mình phơi trên kè đá
“con thuyền xuôi
“chiều không xanh, không tím, không hồng
“những ống khói tầu mệt lả…”
“Các bạn trẻ cho biết họ hiểu ngay. Họ không thấy đó là những câu thơ khó hiểu như khi đọc bằng mắt…” (8)
Cá nhân, tôi vẫn lấy làm tiếc sau khi giải thưởng văn học nghệ thuật toàn quốc, bộ môn thơ, năm 1971, trao cho thi phẩm “Thuở làm thơ yêu em” Trần Dạ Từ thì, giữa các nhà thơ như Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Mộng Tuyết, Trần Dạ Từ,… đã xẩy ra một cuộc tranh biện khá ồn ào, kéo dài nhiều tháng! (9)
Du Tử Lê,
Nov. 27-2010
_________
Chú thích:
(*) Bài 1 nhan đề “Mùa xuân và, Đêm-từ-biệt…Trần” in trong giai phẩm 2011, Nhật báo Người Việt, Xuân Tân Mão.
(1) Nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh sinh năm 1909 tại Trà Bồ, Phù Cừ, Hưng Yên. Năm 1946, ông tham gia kháng chiến chống Pháp ở chiến khu; cùng với các nhà văn như Nguyễn Đình Lạp, Đặng Thai Mai, Trưởng Tửu, Nguyễn Tuân… ông thành lập nhóm Hàn Thuyên. Năm 1952 ông về Hà Nội, sau đó vào Huế rồi Saigòn, cộng tác với một số báo chí; làm cố vấn cho một số tổ chức, đảng phái miền Nam. Ông cũng được nhìn như một thứ “lãnh tụ văn nghệ” của miền Nam, qua sinh hoạt gọi là “Đàm trường viễn kiến” ở Saigòn. Nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh mất năm 1974, tại Saigòn. (Theo Wikipedia.)
(2) Nhà văn Vũ Thư Hiên sinh ngày 18 tháng 10 năm 1933 tại Hà Nội. Cùng với thân phụ là Vũ Đình Huỳnh, ông bị bắt giam 9 năm, trong vụ án gọi là “Vụ nhóm xét lại chống đảng.” Từ năm 1993 – 1995, ông ở Nga với tư cách phiên dịch cho một công ty thương mại. 1996 ông ở Ba Lan một thời gian ngắn trước khi quyết định tỵ nạn tại Pháp. Ông hoàn tất hồi ký “Đêm giữa ban ngày” năm 1997 tại Paris. (Theo Wikipedia.)
(3) Phùng Quán là tên thật, sinh năm 1932 tại Hương Thủy, Huế. Ông tham gia phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm năm 1956, nổi tiếng với bài thơ “Lời mẹ dặn.” Nên có một thời gian dài ông bị đầy đọa. Mãi tới năm 1988, khi tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” ra đời, được trao giải thưởng Văn Học Thiếu Nhi của Hội Nhà Văn Việt Nam, ông mới được phục hồi một phần danh dự. Ông mất năm 1995, tại Hà Nội. (Theo Wikipedia.)
(4) Theo Lê Mộng Hòa trong cuốn “Thi Nhân Huế,” xuất bản năm 1960 thì, nhà thơ Hồ Đình Phương sinh ngày 1 tháng 3 năm 1927 tại Huế. Ông nổi tiếng từ những năm cuối thập niên (19)40, đầu thập niên (19)50. Rất nhiều bài thơ của ông được nhạc sĩ Hoàng Trọng soạn thành ca khúc. Trong số này, có nhiều bài được quần chúng yêu thích như “Bạn lòng,” “Mộng ban đầu” hay “Bên bờ đại dương” v.v…
(5) Nhã Ca, “Hồi ký một người mất ngày tháng,” Thương Yêu xuất bản, California, 1991.
(6) Nhà báo Nguyễn Thượng Hiệp đã qua đời vào tháng 11 năm 2009.
(7) Cựu trung tướng Nguyễn Bảo Trị hiện cư ngụ tại miền nam California.
(8) Trong “Bao giờ,” thơ Thanh Tâm Tuyền.
(9) Đọc Nguyễn Đức: “Năm mới chuyện cũ: Giải thưởng văn hóa(?) nghệ thuật toàn quốc năm 1971,” tạp chí Văn Học Cali, số 70 & 71, Xuân Nhâm Thân. (Tư liệu của nhà thơ Thành Tôn.)