Từ nhà tôi, ngó qua bên kia đường là nhà bà Jaguar. Thật ra, bà có một cái tên na ná như thế, nhưng do tôi phát âm sai thành Jaguar, và bà tự nhận luôn.
Tôi mới sang Mỹ, còn ăn tiền trợ cấp của chính phủ. Ngoài vài giờ học Anh văn ở trường, thì giờ còn lại tôi chẳng biết làm gì cho hết một ngày trống trải. Đi dạo phất phơ qua mấy khu phố gần nhà mãi cũng chán. Tôi thường ngồi trước thềm hiên, trông sang nhà một bà già đầu tóc bạc phơ. Không biết bà vốn đã có màu tóc bạch kim trắng xoá như thế, hay vì tuổi già mà bạc tóc? Ngôi nhà của bà kiến trúc rườm rà theo kiểu xưa như một lâu đài cổ nho nhỏ. Chung quanh có nhiều cây cối rậm rạp âm u. Bà đi ra đi vào âm thầm như chiếc bóng, làm tôi liên tưởng đến những nhân vật kỳ bí trong các truyện cổ tích dành cho nhi đồng. Ngoài cô y tá đến chăm sóc bà mỗi sáng, tôi ít thấy bà giao tiếp với ai. Những buổi chiều oi bức, bà cũng thường ngồi trên chiếc ghế dựa, trông sang nhà tôi. Nhiều khi bà giơ tay vẫy vẫy chào tôi. Tôi cũng vẫy vẫy chào lại. Mấy tháng trời vẫy chào nhau mà chưa hề nói chuyện.
Một hôm, tôi thấy bà chống gậy băng qua đường, đi về phía tôi. Với sức khỏe còn khá tốt như bà, đâu cần phải chống gậy? Hay bà cầm gậy phòng thân như một loại “đả cẩu bổng” của những người già?
Tôi vội chạy ra, xổ ngay một câu tiếng Anh đã học trong những ngày đầu ở trường: “Hi! How are you?”
Bà nói: “Fine. And you?”
Và tôi đáp lại: “Fine.”
Sau cái thủ tục tục chào hỏi thông thường của người Mỹ, tôi hỏi bà có cần tôi giúp gì không? Bà trả lời líu lo cả tràng dài. Tôi lắc đầu, bảo bà nói chậm hơn. Bà lập lại rõ ràng từng tiếng một. Có tiếng tôi hiểu nghĩa, có tiếng không. Nhưng tôi cũng đoán mò ra rằng, bà hỏi tôi có thấy hai đứa con nhỏ của bà chạy sang đây không? Già như bà cũng có con nhỏ sao? Tôi nói không thấy, và cũng chưa từng biết mặt người con nào của bà. Sau một hồi nói qua nói lại, tôi hiểu được vấn đề.
Bà sống một mình trong ngôi nhà cổ. Để bớt cô đơn, bà nuôi năm con mèo làm bạn, và coi chúng như con. Trong giờ ăn trưa nay, bà phát giác hai con vắng mặt. Tôi nói, nó đi tìm tình nhân quanh quẩn đâu đó. Khi nào đói, nó sẽ tự động quay về. Sẵn dịp, tôi mời bà vào nhà chơi. Bà đồng ý, nhưng chỉ đi đến thềm hiên và ngồi xuống chỗ tôi thường ngồi mỗi buổi chiều. Tôi cũng ngồi cạnh bà. Hai bên bắt đầu nói chuyện bằng một thứ ngôn ngữ trật vuột của tôi.
Tôi nói: “Mèo ở xứ tôi, người ta chỉ cho ăn những cơm thừa canh cặn, và xương xẩu vất đi. Nhà nào nghèo, không còn cơm thừa canh cặn thì mèo phải tự mưu sinh bằng cách bắt chuột. Bất tài không bắt được chuột thì ráng nhịn đói.”
Bà hỏi: “Người ta không thương mèo?”
Tôi nói: “Con người thương nhau còn chưa đủ, nói chi tới chó mèo.”
“Thế, nuôi mèo làm gì?”
“Để bắt chuột.”
“Chỉ với mục đích bắt chuột thôi sao?”
“Còn nữa. Để ăn thịt.”
Bà trợn mắt: “Ồ! Ăn thịt mèo? Tàn nhẫn!”
Tôi vận dụng tất cả vốn liếng sinh ngữ kém cỏi của mình, phụ họa thêm đôi tay làm dấu hiệu để nói với bà rằng thịt mèo cũng giống như thịt thỏ. Tại sao không thể ăn? Mỗi ngày, ở Mỹ có hàng triệu bò heo gà được đưa vào lò sát sinh. Như thế có tàn nhẫn hay không?
Bà nói: “Ông có những thắc mắc kỳ cục. Người Mỹ không ai thắc mắc như thế cả. Dù tôi có giải thích, thì qua một thứ ngôn ngữ còn quá mới mẽ đối với ông, ông cũng không thể nào hiểu hết ý nghĩa.”
Bà còn khuyên tôi, đừng nên nghi ngờ về tình thương của người Mỹ. Tôi được đến xứ này là một bằng chứng về lòng tốt đó.
Tôi cám ơn, và nói: “Người Mỹ thường rêu rao về lòng nhân đạo. Bất cứ nơi nào trên thế giới gặp thiên tai, đều được người Mỹ cứu trợ. Nhưng bất cứ nơi nào trên thế giới xảy ra chiến tranh chết chóc, cũng đều có bàn tay của người Mỹ nhúng vào.”
“Để làm cho vấn đề trở nên tốt đẹp hơn.”
Tôi tiếp theo: “Vâng. Tốt đẹp hơn cho quyền lợi của Mỹ.”
Bà già cười lớn cởi mở, cho rằng trong quá khứ có những vấn đề làm tôi hiểu lầm người Mỹ nên mất niềm tin. Nhưng dù sao, những ý nghĩ của tôi cũng làm bà thú vị. Bà tỏ ý muốn làm bạn với tôi để nói chuyện cho đỡ buồn. Bà gọi tôi là bạn, rồi tự giới thiệu tên là Jackwar, Jacquewar, hay gì gì đó. Và bảo tôi lập lại.
Tôi phát âm: “Jaguar.”
Bà cười lớn: “Jaguar là cái hiệu xe hơi, và cũng là tên của một con vật có sức chạy rất nhanh. Năm nay tôi tám mươi ba tuổi, nhận thêm cái tên mới do bạn đặt như một kỷ niệm. Tôi rất thích tên này. Và, bạn tên gì?
Tôi nói: “Tôi tên Lâm.”
Bà phát âm tên tôi thành Lamb: “Lamb cũng là con vật. Như thế, bạn và tôi đều là hai con vật. Tôi là con Jaguar. Bạn là con Lamb.”
Không ngờ một bà già cô đơn, âm thầm trong ngôi nhà buồn hiu phía bên kia đường, lại vui tính đến thế. Bà đặt ra nhiều câu hỏi.
Tôi trả lời: “Tôi từ Việt Nam sang đây, được tám tháng.”
Bà kêu lên: “Việt Nam hả? Thế mà tôi cứ tưởng bạn là người Tàu.” Bà còn cho biết, người chồng đầu tiên của bà bỏ mạng ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh vừa qua.
Tôi chia buồn với bà. Và tiếp rằng: “Bà thấy chưa? Ở đâu có chiến tranh là có mặt người Mỹ.”
Bà nói: “Nếu ở Mỹ một thời gian lâu hơn, bạn sẽ biết tại sao người Mỹ làm như thế.”
Trước khi ra về, bà hẹn gặp lại tôi trong một lần khác, và đưa tay vỗ vai tôi, nói “Good boy.”
Tôi ngạc nhiên về lời nói, và cử chỉ này. Năm nay, tôi đã ngoài bốn mươi, sao bà nói good boy và coi tôi như đứa trẻ nít? Không biết đó là cách biểu lộ thân tình theo kiểu Mỹ, hay dưới con mắt của bà, tôi chỉ là thằng bé con?
Mấy ngày sau.
Bà Jaguar đứng bên nhà, ngoắc tôi sang. Bà đón tôi ở cửa, sắc diện tươi vui rạng rỡ, nói líu lo. Tôi đứng nhìn bà, chỉ mỉm cười và lắc đầu. Bà chợt hiểu tôi không bắt kịp lời nói nên nắm tay tôi, dẫn vào phòng khách. Sao lại nắm tay? Sự thân mật nào cũng phải có giới hạn chứ? Bà Jaguar đã già quá rồi, còn muốn gì nữa đây? Tôi còn đang e dè, bà chỉ chiếc sofa, bảo ngồi đó.
Bà lại vỗ vai tôi, nói: “Thằng con đầu của tôi năm mươi tuổi, nhưng trông nó to xác hơn bạn nhiều.”
Thì ra bà nắm tay, vỗ vai vì coi tôi ngang hàng đứa con của bà. Mỗi dân tộc có những đặc tính riêng, tôi chưa quen thân mật kiểu Mỹ nên thấy ngượng. Rồi bà đi lại phía cửa sổ, nơi có chiếc dương cầm đóng bụi, đem đến một cái gói bọc giấy hoa sặc sỡ trông như chiếc hộp.
Bà nói: “Đây là quà tặng cho bạn, hãy mở ra coi.”
Gói quà khá nặng. Khi tôi mở, bà ngồi quan sát một cách thích thú. Tôi mở thật chậm, ra vẻ trịnh trọng. Thật ra là để để suy nghĩ một thái độ sao cho vừa phải. Nếu tỏ vẻ vui mừng quá lố, bà sẽ tưởng tôi là người ham của. Nếu không vồn vã mà chỉ cám ơn suông, bà sẽ nghĩ tôi thờ ơ với quà tặng. Quà của bà là hai quyển tự điển, Anh Việt - Việt Anh.
Tôi cầm giơ lên: “Cám ơn. Đây là hai thứ mà tôi rất cần, dự định đi mua thì được tặng.”
Nói thế cho bà vui, chứ tôi cũng đã có hai quyển tự điển loại này rồi.
Và bà đã vui thật: “Tôi đã đoán đúng những gì bạn đang cần thiết.” Bà nói thêm, “Nếu bạn muốn, mỗi ngày tôi sẽ luyện giọng cho bạn vài giờ.”
“Tôi ngại chuyện này sẽ làm bà bận rộn.”
Bà khoát tay: “Không đâu, thì giờ của tôi quá dư thừa, không biết làm gì cho hết. Luyện giọng cho bạn cũng là một cách để tôi cảm thấy thời gian bớt trống trải.”
Từ đó, tôi trở thành học trò của bà Jaguar. Mỗi buổi chiều, tôi ôm hai quyển tự điển sang ngôi nhà cổ. Bà và tôi nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Tiếng nào bà nói mà tôi không hiểu thì mở tự điển Anh Việt. Tiếng nào tôi muốn nói mà không tìm ra chữ tương đồng thì mở tự điển Việt Anh. Lớp học cứ thế, diễn ra với người học trò duy nhất, và cô giáo cũng chẳng cần soạn trước đề tài.
Vài tháng sau, bà Jaguar khen tôi có tiến bộ. Bây giờ, tôi nghe khá hơn, và thuộc nhiều từ ngữ hơn.
Một hôm, bà Jaguar nhìn chiếc đàn, nói: “Lâu rồi tôi không lái xe, cũng như không sử dụng ngón đàn. Bạn biết đàn dương cầm không?”
Tôi lắc đầu: “Tôi chẳng biết chi về âm nhạc. Đặc biệt ở xứ tôi, chỉ có giới thượng lưu, hoặc những kẻ nhà giàu muốn làm ra vẻ thượng lưu mới sử dụng dương cầm. Còn tôi là dân nghèo, chỉ lo làm sao sống mà khỏi bị đói.
“Thế ở Việt Nam bạn làm nghề gì?” Bà hỏi.
“Đi lính.” Tôi trả lời.
“Chỉ đi lính mà không làm nghề gì khác?”
“Sau khi đi lính, tôi đi tù. Ra khỏi tù là gần hết cuộc đời. Có thể coi lính và tù là cái nghề không?”
“Không. Trong tù, bạn làm những gì?”
Tôi kể cho bà nghe một lô những việc phải làm: “Cuốc đất, trồng khoai, cày bừa, cấy gặt, nhổ cỏ, đốn cây, vác gỗ, làm nhà, đắp đê, đào giếng, nung đá vôi... Tóm lại, tất cả những việc làm trong tù, không đòi hỏi điều kiện phải biết chữ. Vì vậy, ở xứ tôi, ai cũng có đủ điều kiện để vào tù.”
Bà Jaguar bảo: “Đừng đem sự bất hạnh ra làm điều khôi hài.”
Tôi nói tiếp: “Trong tù người ta còn tập cho chúng tôi cái khả năng chịu đói trường kỳ, cũng có cho ăn cầm hơi qua ngày, nhưng chỉ là những thứ rất ít dinh dưỡng như sắn khô và nước muối. Ai chịu đựng giỏi thì tiếp tục sống. Ai không chịu thì chết. Chúng tôi gầy rạc như những thầy Fakia Ấn Độ. Thầy Fakia chỉ nhịn đói tối đa trong thời hạn bốn mươi ngày. Chúng tôi đói từ năm này sang năm nọ, trong điều kiện phải làm việc hàng ngày.”
“Khắc nghiệt như thế mà vẫn sống được.” Bà Jaguar lắc đầu ngao ngán.
“Hiện tại phần lớn những người tù chúng tôi đã sang Mỹ hoặc các nước Tây Phương. Tôi thấy ở đây có một hiện tượng lạ là nhiều người quá mập. Người ta gọi mập là béo phì, là bệnh và loay hoay tìm cách để làm giảm cân, nhưng kết quả không mấy khả quan. Xứ tôi có một phương pháp chữa bệnh béo phì rất có kết quả.”
“Thật thế sao?” Bà hỏi, có vẻ quan tâm.
Tôi gật đầu:”Chỉ cần vào tù. Nhà cầm quyền xứ tôi gọi tù là cải tạo. Muốn đi cải tạo, chỉ cần truyên bố một câu gì khác với chính sách của chế độ, hoặc phê bình chỉ trích các nhà lãnh đạo là được đi cải tạo ngay. Khi đã vào trại cải tạo, người mập sẽ mỗi ngày một sụt cân nhanh chóng. Bảo đảm trong vòng vài tháng, người ấy sẽ chỉ còn da bọc xương.”
Bà Jaguar bảo: “Ở Mỹ, người ta nghiêm cẩn trước sự đau khổ của mình và của người khác. Còn bạn hay đem sự đau khổ ra làm chuyện khôi hài. Có phải đó là đặc tính của dân tộc Việt Nam?”
“Dân tộc tôi thường xuyên sống trên đau khổ, và lấy đó làm đề tài tạo nên nụ cười như một cách hóa giải bớt thương đau. Do đó, dù đi trong gian nan khổ ải, nhưng miệng vẫn mỉm cười. Người ngoại quốc làm sao thấy được phía sau nụ cười ấy là một nỗi niềm cay đắng?”
“Những người lãnh đạo bất tài chỉ làm cho dân đau khổ. Tại sao họ cứ tiếp tục nắm giữ chức vụ quyền hành chi cho mang tiếng xấu?”
“Ở Mỹ, kẻ giàu sang thích làm lãnh đạo vì muốn có danh. Người Cộng Sản Việt Nam thích làm lãnh đạo vì muốn có quyền lực và có tiền. Nếu rời bỏ quyền lực, họ hiện nguyên hình là tên dốt nát, và chỉ có thể làm đồ tể, hoặc đi chăn bò.”
Bà Jaguar ra vẻ suy nghĩ một lúc, rồi nói: “Vận mệnh đất nước mà đặt trong tay của những tên chăn bò thì nó sẽ nhốt người dân vào chuồng. Giao sinh mạng cho đồ tể thì trước sau gì cũng bị nó đưa vào lò thịt!
Một hôm khác.
Tôi hỏi: “Mấy con mèo của bà dạo này ra sao?”
Bà nói: “Có một con đã sinh tư, và một con sắp đẻ. Với cái đà sinh đẻ theo kiểu nhân giống này, chẳng mấy chốc nhà tôi sẽ đầy những mèo. Tôi ngại trong tương lai, nuôi mèo không còn là một thú vui nữa, mà là một gánh nặng.”
Nói xong, bà dẫn tôi xuống basemaent. Vừa mở cửa, tôi nghe mùi hôi xông lên tận óc. Mùi của nước đái và cứt mèo. Tôi dội ngược trở lên. Bà Jaguar kéo tôi lại, bảo hãy vào coi cho biết sự thể.
Khi chúng tôi vào, đàn mèo tưởng bà Jaguar mang đồ ăn nên bu lại ngóc mỏ kêu meo meo. Rải rác dưới nền, và trong các góc kẹt basement là những cứt mèo khô bẩn thỉu.
“Hiện tại, tôi có đến chín con mèo. Nay mai, một con đang chửa sẽ đẻ nữa.”
“Rồi đây nhà bà sẽ biến thành cái trại nuôi mèo hôi không chịu nổi.”
“Có cách nào giải quyết?”
“Bán chúng cho Pet Shop.”
“Đã có gạ bán nhưng người ta không mua. Tặng người ta cũng không lấy. Họ nói khách hàng vùng này không chuộng mèo, chỉ thích nuôi chó.”
Tôi đề nghị bà chọn con nào thích nhất, giữ lại một con. Còn bao nhiêu tống hết ra rừng. Rồi một ngày cuối tuần, tôi sẽ giúp bà tẩy uế basement.
Bà ái ngại: “Không ai cho ăn, chúng sẽ bị đói. Trời mưa gió, chúng sẽ trú ẩn nơi đâu? Đó là chưa kể chúng sẽ bị làm mồi cho những loài thú dữ khác.”
Tôi nói: “Chính sự nuông chìu và cung cấp thức ăn hàng ngày của bà, nên đàn mèo ỷ lại vào sự đùm bọc nuôi nấng của chủ. Và điều này, đã làm chúng mất hết bản năng tự mưu sinh. Nếu đem bỏ giữa rừng, chúng phải tự tranh đấu để giành sự sống. Lần hồi chúng sẽ phục hồi bản năng thiên nhiên của loài vật. Đói, chúng biết tự tìm mồi. Mưa gió, chúng biết tìm chỗ ẩn núp. Gặp thú dữ, chúng biết nhanh chân chạy trốn. Loài nào yếu đuối chậm chạp thì làm mồi cho loài mạnh hơn. Đó là luật rừng xanh. Thiên nhiên dù khắc nghiệt, nhưng muôn loài vẫn có cách riêng để tồn tại. Bà lo chi những con mèo của bà sẽ không sống được.”
Thế là hai hôm sau, bà Jaguar cho đàn mèo ăn một bữa thật no. Rồi nhờ một người láng giềng cùng tôi đưa chúng lên xe, chở đến một khu rừng cách nhà vài dặm, đẩy chúng xuống. Khi đàn mèo còn đang bỡ ngỡ kêu meo meo và đưa mũi ngửi những cây lá chung quanh, chúng tôi quay xe trở về.
Bà Jaguar đón chúng tôi trước cửa. Bà đang ôm con mèo còn lại, có vẻ buồn. Đôi mắt già đỏ hoe, ngấn lệ.
Bà hỏi: “Khi những con mèo xuống xe, chúng có buồn không?”
Tôi nói để bà yên tâm: “Được sống giữa rừng xanh, chẳng những chúng không buồn, mà còn vui nữa là khác.”
Sau đó, tôi bỏ ra một ngày để dọn dẹp, tẩy uế basement cho bà Jaguar. Bà cứ lẩn quẩn bên tôi, săm soi thương tiếc những dấu tích của đàn mèo. Khi tôi ném những chiếc nôi nhỏ vào thùng rác, những chiếc nôi mà bà đã mua để làm nôi cho mèo ngủ thì bà bật khóc thật sự. Nước mắt của bà không làm tôi xúc động. Cả đời bà Jaguar chưa từng gặp cảnh đau thương. Tâm hồn chưa bị ai dày xéo. Cái túi nước mắt đầy ứ lâu ngày, chực chờ một chút gì xao động là rò rỉ tuôn ra. Để bà khóc cho đã nư. Tôi lo làm sạch sẽ. Đã nhiều năm không ai quét dọn, basement đầy những bụi bặm, đồ đạc chất chứa ngổn ngang. Tôi quét dọn sạch sẽ, sắp xếp đồ đạc lại gọn gàng ngăn nắp. Vất đi một số lớn những thứ cũ kỹ dư thừa không cần thiết.
Lúc mọi việc đã hoàn tất, tôi lên ngồi trước thềm hiên, hóng gió. Bà Jaguar đem cho tôi ly nước lạnh, cùng ngồi đó với tôi. Bà lại nhắc đến những con mèo, không biết chúng lấy gì để ăn?
Tôi nói: “Trong rừng có chuột, cóc, nhái, thằn lắn, rắn mối... Đó là thức ăn của mèo.”
“Nhưng làm sao chúng bắt được, vì như bạn đã nói mỗi loài đều có bản năng chạy trốn khi gặp nguy hiểm?
“Dù có chạy trốn, nhưng không lẽ lần nào cũng thoát? Thiên nhiên đã bày sẵn thức ăn ra đó. Không nhanh nhẹn chụp bắt để đưa vào mồm, trách chi tạo hóa bất công?” Nói tới đây, tôi bỗng nhớ lại một chuyện cũ, và kể cho bà Jaguar nghe.
Có một ông luật sư người Việt Nam, đi du học và hành nghề lâu năm ở Pháp. Không biết tại sao ông lại léng phéng về xứ vào giai đoạn chót của chiến tranh. Dĩ nhiên ông trở thành đối tượng nghi ngờ của chế độ mới, bị đưa ra miền Bắc cải tạo. Một hôm, cán bộ trại tập họp anh em lại để nghe chuyện Bác Hồ. Nghe xong, ông luật sư cũng nổi hứng kể chuyện Bác Hồ. Tiêm nhiễm cái tinh thần tự do dân chủ kiểu Tây Phương quen rồi, ông nói năng không kiêng dè ai cả. Tiếng Việt của ông vụng về như tôi đang nói tiếng Anh.
“Ngày Bác Hồ còn lang thang ở Pháp. Bác có đến xin được gặp tôi, rủ tôi theo Bác về xứ tham gia cách mạng. Nhưng tôi từ chối.”
Cán bộ lấy làm tiếc: “Nếu hồi đó, anh chịu theo Bác thì bây giờ đã được quyền cao chức trọng rồi.”
Ông nói: “Hồi đó, tôi đâu biết Bác là ai mà theo? Tôi là một luật sư của luật sư đoàn Pháp Quốc. Bác không theo tôi thì thôi. Sao tôi lại theo Bác, một kẻ vô danh, không nghề nghiệp?”
Nghe xong, cán bộ sửng người. Chúng tôi không ai dám cười.
Ra Bắc, chúng tôi phải làm việc khổ sai cật lực. Ông luật sư già yếu quá rồi, lại không rành ngôn ngữ Việt Nam. Cán bộ chỉ định ông luật sư đi chăn trâu.
Buổi sáng. Trước khi dẫn hai con trâu ra đồng, ông ta hỏi: “Tôi phải đem món gì theo cho lủy ăn?”
Cán bộ không biết “lủy” là gì. Một anh tù giải thích: “Lủy tiếng Tây có nghĩa là nó, chỉ ngôi thứ ba.”
Cán bộ hỏi: “Ngôi thứ ba là ngôi gì?”
“Ngôi thứ ba là con trâu.”
Cán bộ mỉa mai: “Con trâu thì bảo là con trâu. Ngôi thứ chỉ đặt ra cho con người. Các anh lắm chuyện rắc rối!”
Từ đó, cán bộ đinh ninh “lủy” là con trâu. Và nói: “Dẫn lủy ra đồng, cho lủy tự ăn cỏ. Không cần đem theo gì cả.”
Buổi trưa. Ông luật sư chạy về trại, báo cáo: “Lủy không ăn cỏ nữa, lủy lội ra nằm giữa hồ nước. Tôi gọi mãi, lủy không vào. Bây giờ, làm sao gọi lủy vào?”
Trước sự ngờ nghệch của ông luật sư, cán bộ nổi nóng: “Lủy nằm đó, kệ lủy!. Mắc mớ gì anh mà gọi vào?”
Ông luật sư quay qua hỏi người bạn tù: “Mắc mớ nghĩa là gì vậy?”
Lần này, chúng tôi cười thoải mái.
Sau khi nghe chuyện, bà Jaguar thắc mắc: “Tại sao ông luật sư không biết rằng con trâu phải tự gặm cỏ ngoài đồng mà ăn?”
Tôi nói: “Cũng như bà đấy. Tại sao bà không biết rằng con mèo phải tự bắt chuột trong rừng mà ăn?”
Bà cười lớn: “Không ngờ bạn kể một câu chuyện dông dài, mục đích gài bẫy cho tôi đặt câu hỏi để bạn trả lời con mèo phải tự mưu sinh.”
Vào một ngày mùa hè. Bà Jaguar nói với tôi về một bà bạn tên Julie vẫn hay đến đây làm việc thiện nguyện như giúp bà đi chợ, nấu ăn, hoặc dọn dẹp lau chùi nhà cửa. Chung quanh nhà bà Julie là một khu vườn rộng, đang cần một người cắt xén, chăm sóc hoa cỏ.
Bà Jaguar hỏi: “Bạn thích làm công việc ấy không?”
Tôi nói: “Chỉ ngại người ta không chịu mướn tôi.”
“Tôi sẽ giới thiệu, và chắc chắn bà Julie bằng lòng.” Bà cười với vẻ khôi hài, “Bởi vì đây là công việc không cần điều kiện biết chữ, như bạn đã từng làm ở trong tù.”
Hôm sau. Tôi thấy một người đàn ông đến nhà bà Jaguar, lôi chiếc xe hơi bỏ phế lâu ngày từ trong garage, đem đi. Và hôm sau nữa. Chiếc xe được lái về đậu ngay trước cửa, sau khi đã lau chùi sạch sẽ.
Bà Jaguar gọi tôi sang, bảo: “Chiếc xe này đã được tu bổ sửa chữa hoàn hảo rồi. Tôi tặng bạn, để có phương tiện đi làm vườn nhà bà Julie.”
Tôi từ chối: “Tôi không muốn nhận một cái ơn quá lớn, khi tôi chẳng làm được điều gì đáp lại.”
Bà nài ép mãi, nói cái tuổi của bà không còn có thể tự lái xe. Nếu tôi không nhận thì bà cũng để đấy vô ích thôi. Cuối cùng, chúng tôi thỏa thuận bằng cách tôi mua lại với điều kiện trả góp. Bà dặn, khi nào chiếc xe bị hư hao trục trặc, hãy báo cho bà biết vì thời gian guarantee là... một năm.
Tôi cũng ậm ờ cho qua chuyện, nhưng không bao giờ muốn làm phiền một kẻ có lòng.
Tôi cũng ậm ờ cho qua chuyện, nhưng không bao giờ muốn làm phiền một kẻ có lòng.
Khi bà trao cái title để tôi đi sang tên, tôi thấy bà ghi giá bán một trăm đô la.
Tôi la lên: “Thế này thì thiệt thòi cho bà quá. Phải ghi thêm một con số không.”
Bà lắc đầu: “Đã quyết định rồi, không thay đổi. Trên đời sao lại có chuyện người mua đòi trả cao hơn giá bán.”
Từ khi làm vườn cho bà Julie, tôi ít sang nhà bà Jaguar. Những cuối tuần, thỉnh thoảng thấy bà đứng trước sân, tôi sang thăm hỏi bà có cần tôi giúp gì không? Bà bảo, mọi sự bình thường. Khi nào cần, bà sẽ gọi. Bà cũng nói thêm rằng mùa đông sắp tới rồi, bà Julie dự định sẽ đưa tôi vào làm cleaner trong cái hãng do chồng bà làm chủ. Bà Julie đánh giá quả không lầm. Tôi chẳng biết chi về máy móc kỹ thuật, nhưng nếu giao công việc lau chùi dọn dẹp, chắc chắn tôi sẽ tỏ ra vô cùng xuất sắc.
Hàng ngày, tôi vẫn đi làm bình thường nơi khu vườn của bà Julie. Một buổi sáng, khi tôi đang mở cửa nhà kho để lấy dụng cụ, bà Julie xuất hiện.
Bà hỏi: “Hôm nay ông không đi đưa tiễn người bạn già của ông hay sao?”
Tôi hỏi lại: “Bà muốn nói bạn già của tôi là ai?”
“Jaguar.” Bà Julie nói.
“Sao bà cũng biết người ấy có cái tên Jaguar?”
“Chính bà kể cho tôi nghe lai lịch về cái tên này.”
“Nhưng bà Jaguar đi đâu mà cần đưa tiễn?”
“Ông không biết gì sao? Bà ấy chết rồi!”
Tôi tưởng như nghe lầm: “Cái gì?”
“Jaguar chết rồi.” Bà Julie lập lại
Tôi thảng thốt: “Tại sao?”
“Tai biến mạch máu não. Chết trên bàn giải phẩu vì tuổi già không đủ sức chịu đựng. Tôi cũng đang chuẩn bị đưa tang đây.”
Tôi sửng sờ trong giây lát. Nghe có một nỗi gì nghèn nghẹn dâng lên trong cổ. Rồi quên cả chào bà Julie, tôi lên xe phóng về cho kịp tiễn đưa người bạn già kính mến của tôi. Trên đường về, tôi tiếc đã quên hỏi địa chỉ nhà quàng để nhìn mặt bà Jaguar lần cuối. Không khéo, khi tìm được đến nơi thì người ta đã đưa bà ra nghĩa trang rồi.
Lâm Chương
Gửi ý kiến của bạn