Truyện ngắn Knut Hamsun:
Lời giới thiệu: Hamsun Knut, nhà văn rất nổi tiếng của Na Uy, sanh năm 1859 ở Lom. Mất năm 1952. Tên thật là Knud Pedersen. Năm 1889 ông lấy vợ, tên Bergljot Bech. 1906 đời sống hôn nhân tan vỡ. 1909, ông lại lập gia đình với Marie Andersen.
Năm lên ba, gia đình ông dọn tới Hamarøy tại Nordland. Nơi ấy tạo cho ông nhiều ấn tượng về thiên nhiên, đã phản ảnh trong văn thơ của ông sau này. Trong đời sống ông làm rất nhiều việc, từ phu khuân vác, thợ sửa giầy, phụ tá ủy viên an ninh, giám thị trường học và nhân viên phục vụ thương mại, v.v...
Năm 1877, ông ra tập truyện đầu tay. Năm sau, ông xuất bản tập thơ «Et Gjensyn» và tập truyện ngắn «Bjøger». Ông trở thành nhà thơ xuất sắc, hai cuốn sách trên được đánh dấu là kiệt tác.
1886 ông tới Hoa Kỳ và tạm trú tại đấy hai năm. Ông đi diễn thuyết nhiều nơi. Và tới Copenhagen, với chương đầu của cuốn tiểu thuyết «Sult» trong túi. Cuốn sách ấy xuất bản năm 1890, đã làm chấn động giới văn học Na Uy.
Ông viết rất nhiều tiểu thuyết, kịch, truyện ngắn, thơ v.v... Năm 1920 ông nhận giải thưởng Nobel văn chương qua cuốn «Markens Grøde».
Dương Kim
1
Chính tôi đã viết. Mới viết hôm nay để lòng được nhẹ nhàng. Tôi đã bị mất việc làm ở quán cà phê cùng những ngày vui. Tôi đã mất hết tất cả. Quán cà phê ấy mang tên Maximilian.
Một người đàn ông trẻ, áo xám, chiều nào cũng như chiều nào, cùng hai người bạn tới quán cà phê. Họ ngồi vào một trong những cái bàn do tôi trông coi. Khách đàn ông tới rất nhiều, ai cũng chào hỏi tôi niềm nở, nhưng ông ấy thì không. Ông ta cao, yếu, tóc đen mềm, và đôi mắt xanh của ông thỉnh thoảng nhìn tôi. Phía trên môi, mép râu ghi-đông đã bắt đầu mọc cong lên.
Mới đầu, hình như ông ghét tôi.
Ông tới đều đặn. Chuyện ấy đối với tôi đã trở thành thói quen, hôm nào ông không tới tôi cũng nhớ. Một hôm ông không tới. Tôi đi quanh quán cà phê tìm. Cuối cùng tôi thấy ông ngồi cạnh cột nhà ở cửa vào phía bên kia. Ông đang ngồi với một cô gái làm xiếc. Cô ta mặc bộ đồ vàng, găng tay dài cong lên tới khuỷu. Cô ta còn trẻ, đôi mắt đen đẹp, còn mắt tôi thì xanh.
Tôi đứng yên một lát, nghe được họ đang nói chuyện. Cô ta trách móc chi đó, vẻ chán ngán và muốn ông ta đi cho khuất. Tôi nghĩ bụng: Lạy Đức Bà đồng trinh, sao ông ấy không tới với tôi nhỉ?
Chiều hôm sau, ông đến cùng hai người bạn, họ ngồi vào bàn của tôi, tôi có năm cái bàn để chạy. Tôi không tới gặp ông như thường lệ, nhưng tôi đỏ mặt và làm bộ như không thấy ông. Nhưng ông vừa vẫy tay ra hiệu là tôi tới ngay.
Tôi nói: «Hôm qua ông không tới.»
Ông bảo với hai người bạn: «Cô chiêu đãi này có dáng người thon tuyệt vời.»
Tôi hỏi: «Bia?»
Ông đáp: «Được!»
Tôi vội vàng lấy ngay ba bình bia lớn.
2
Vài ngày sau.
Ông đưa tôi một tấm thiếp, bảo:
- Mang tới...
Ông chưa nói dứt lời, tôi cầm lấy tấm thiệp đưa cho cô mặc áo vàng. Trên đường đi, tôi đọc thấy tên ông: Wladimierz T***
Khi tôi trở lại, ông nhìn tôi như muốn hỏi.
Tôi nói: «Tôi đã đưa rồi!»
- Không có trả lời gì à?
- Không!
Ông đưa cho tôi một mark, mỉm cười nói:
- Không trả lời cũng là một cách trả lời.
Suốt buổi chiều ông ngồi nhìn cô áo vàng và những người đeo đuổi cô ta. Mười một giờ khuya, ông đứng dậy, tới bàn của cổ. Cô đón tiếp ông lạnh nhạt, nhưng ngược lại, hai người đàn ông theo cô lại tiếp đón ông, họ mỉm cười hỏi những câu hiểm hóc. Ông đứng ở đó vài phút. Khi ông trở lại, tôi ra hiệu cho ông hay túi áo choàng mùa xuân của ông bị dính bia. Ông cởi áo, xoay nhanh người, nhìn về phía bàn của cô gái làm xiếc. Tôi lau áo cho ông, ông mỉm cười:
- Cảm ơn, người nô lệ.
Lúc giúp ông choàng áo, tôi ngầm phủi lưng ông.
Ông ngồi trầm ngâm. Một trong những người bạn của ông kêu thêm bia, tôi lấy bình bia rót vào ly của hắn. Tôi cũng định lấy bình bia của ông T*** rót cho ông.
«Không», ông nói rồi đặt tay lên tay tôi. Sự đụng chạm này làm cánh tay tôi khựng lại. Ông cũng cảm thấy thế, vì liền sau đó ông rút nhanh tay về.
Đến tối, tôi quỳ trước giường và cầu nguyện cho ông hai lần. Tôi sung sướng hôn bàn tay phải, bàn tay mà ông ta đã đụng vào.
3
Có một lần ông cho tôi hoa, một đống hoa. Ông mua của một bà bán hoa vào quán cà phê cùng lúc với ông, dường như ông mua hết cả rổ hoa. Hoa tươi đỏ. Ông để hoa trên bàn, trước mặt. Không có một người bạn nào của ông đi cùng. Tôi thường đứng sau cột nhà nhìn ông và nghĩ: Ông ấy tên là T***.
Có lẽ mất cả tiếng đồng hồ. Ông chăm chú nhìn đồng hồ.
Tôi hỏi:
- Ông đợi ai ạ?
Ông lơ đễnh nhìn tôi, rồi bỗng nói:
- Không, tôi chẳng đợi ai cả. Tôi đợi ai chứ?
Tôi nói: «Tôi tưởng là ông đang đợi ai.»
Ông bảo: «Lại đây. Cho cô này!»
Rồi ông cho tôi cả đống hoa.
Tôi khẽ cảm ơn, nhưng nói không nên lời. Máu như hân hoan chảy khắp người tôi, tôi tới quầy đứng thở hổn hển.
Cô thiếu nữ ngồi ở quầy hỏi: «Chị cần chi?»
Tôi hỏi lại: «Dạ, cô nghĩ gì vậy?»
Cô thiếu nữ nói: «Tôi nghĩ gì à? Chị có mát không?»
Tôi bảo: «Thử đoán coi, ai cho tôi hoa thế này?»
Người quản lý đi ngang, tôi nghe ông ta hỏi: «Sao cô không đem bia tới cho ông khách ở cái bàn ba chân kia?»
Tôi vừa hấp tấp cầm ly bia đi vừa nói: «Ông Wladimierz cho tôi đấy.»
Ông T*** chưa đi. Lúc ông đứng dậy, tôi lại cám ơn ông. Ông lấy làm ngạc nhiên, nói:
- Thật ra tôi mua hoa cho một người khác.
Hẳn rồi, ông ta mua hoa cho một người khác à. Nhưng tôi lại được hoa, chứ không phải người ấy. Ông để mặc cho tôi cảm ơn về hoa tặng. Xin chúc ông Wladimierz ngủ ngon.
4
Sáng hôm sau trời mưa.
Bữa nay, tôi bận áo xanh hay đen đây? Áo xanh. Vì nó mới nhất. Lòng tôi cảm thấy vui sướng.
Tôi đến trạm xe, lúc ấy có một người đàn bà cũng đứng đợi. Bà ta không có dù. Tôi mời bà cùng che dù với tôi, nhưng bà ta cảm ơn và từ chối. Tôi cụp dù lại. Tôi nghĩ: Rồi, không phải chỉ một mình bà ta bị ướt.
Tới chiều, ông Wladimierz đến quán cà-phê.
Tôi hãnh diện: «Cảm ơn ông hôm qua đã cho tôi hoa.»
Ông hỏi: «Hoa nào? Thôi, đừng nói tới nữa.»
Tôi trả lời: «Tôi chỉ muốn cám ơn thôi mà.»
Ông nhún vai đáp:
- Người nô lệ à, cô không phải là người tôi yêu đâu.
Tôi không phải là người ông yêu, thế đấy. Tôi đâu có mong chờ chi, nên tôi chẳng hề bị thất vọng. Nhưng chiều nào tôi cũng thấy ông, ông chỉ ngồi vào cái bàn của tôi, không ngồi bàn ai khác, và tôi là người rót bia cho ông. Xin chào đón ông, Wladimierz.
Hôm sau, ông tới trễ. Ông nói:
- Người nô lệ, cô có nhiều tiền không?
Tôi trả lời: «Đáng tiếc là không, tôi là một cô gái nghèo.»
Lúc đó ông mỉm cười nhìn tôi:
- Cô hiểu lầm rồi. Ngày mai tôi cần tiền.
Tôi trả lời: «Tôi có một ít tiền, một trăm ba mươi mark ở nhà.»
Ông bảo: «Ở nhà ư, không có ở đây à?»
Tôi đáp:
- Ông đợi khoảng mười lăm phút nữa, khi quán đóng cửa, ông đi với tôi, tôi sẽ lấy tiền.
Ông đợi mười lăm phút rồi cùng đi với tôi. Ông nói: chỉ cần một trăm mark thôi. Ông luôn đi bên cạnh tôi, không để cho tôi đi trước hoặc đi sau, như những tay đàn ông khác.
Tới trước cửa nhà, tôi nói: «Nhà tôi chỉ có một phòng nhỏ.»
Ông bảo: «Tôi không vào đâu. Tôi đứng ở đây.»
Rồi ông đứng đợi.
Khi tôi xuống, ông đếm tiền, nói:
- Chỗ này những hơn cả trăm mark. Tôi cho cô mười mark tiền boa. Ờ, ờ, nghe này, tôi muốn cho cô mười mark tiền trà nước.
Ông đưa cho tôi tiền xong và chào tôi trước khi đi. Đi tới đầu góc đường, ông ngừng lại cho người ăn mày già khập khiễng một shilling.
5
Đêm hôm sau, ông xin lỗi tôi về chuyện ông không thể nào trả được số tiền đã mượn tôi. Nhưng chuyện ấy tôi lại cảm ơn ông. Ông nói thật rằng ông đã lỡ tiêu hết số tiền đó rồi.
Ông mỉm cười: «Biết nói sao, người nô lệ ơi! Cô biết cô áo vàng chứ?»
Một trong những người bạn của ông hỏi: «Tại sao lại kêu cô ta là nô lệ? Xem ra anh còn nô lệ hơn cô ta nữa.»
Tôi cắt ngang: «Bia?»
Lát sau, cô áo vàng bước vào. T*** đứng dậy cúi chào. Ông cúi thấp đến nỗi tóc rủ xuống phía trước. Cô áo vàng đi ngang, ngồi vào bàn lẻ loi, cố ý để trống hai chiếc ghế. T*** liền đi tới chỗ cô ta, ngồi xuống một chiếc ghế. Hai phút sau, ông đứng lên nói lớn:
- Được, tôi đi. Không bao giờ tôi trở lại đây.
Cô áo vàng nói: «Cảm ơn!»
Tôi mừng quýnh lên, tôi chạy đến quầy nói chi đó. Chắc tôi kể là ông ta không bao giờ tới với cô áo vàng nữa. Người quản lý đi ngang, nhìn tôi khiển trách, nhưng tôi không đếm xỉa đến.
Khi quán đóng cửa, T*** theo tôi về tới trước nhà.
Ông nói: «Đây là năm mark của số mười mark mà tôi hứa cho cô hôm qua.»
Tôi muốn cho ông lại cả mười mark và ông đã nhận, nhưng ông cứ đưa cho tôi năm mark tiền boa, và không muốn nghe tôi từ chối.
Tôi nói: «Tôi rất vui mừng. Nếu tôi có thể mời ông lên nhà, nhưng nhà tôi chỉ có một căn buồng nhỏ.»
Ông đáp: «Tôi không lên đâu, chúc cô ngủ ngon.»
Ông bỏ đi. Ngang qua chỗ người ăn mày đang nhún mình chào, nhưng ông quên cho bà ta tiền. Tôi chạy đến cho bà chút đỉnh, nói:
- Đây là của ông mới đi ngang qua, ông áo xám đó.
Bà ta hỏi: «Ông áo xám nào?»
- Ông tóc đen ấy mà. Ông Wladimierz.
- Cô có phải là vợ của ông ta không?
Tôi đáp:
- Không, tôi là người nô lệ của ông ta.
6
Từ đó nhiều đêm ông xin lỗi tôi về vụ ông không thể trả tiền tôi được. Tôi yêu cầu ông đừng làm tôi khó chịu, nhưng ông cứ nói lớn, khách khứa trong tiệm nghe và cười ông.
Ông nói: «Tôi là một đồ tồi. Tôi đã mượn tiền của cô và không thể trả được. Tôi muốn chặt bàn tay phải của tôi để trừ vào năm mươi mark của cô.»
Tôi đau đớn nghe những lời này, tôi nghĩ tại sao tôi lại cho ông ta mượn số tiền, đối với tôi quá lớn vậy.
Ông tiếp:
- Và cô hỏi ngoài chuyện ấy ra, tôi có làm sao không à. Cô áo vàng đã đi theo đoàn xiếc của cổ rồi. Tôi đã quên cô ta. Tôi không còn nhớ cô ta nữa.
Một trong những người bạn của ông nói: «Hôm nay anh vừa viết thư cho cô ta mà.»
Wladimierz đáp: «Đấy là bức thư cuối cùng.»
Tôi mua một bông hồng của bà bán hoa rong rồi cài lên khuyết áo trái của Wladimierz. Tôi cảm thấy hơi thở ông phả trên tay và tôi gần như không cài nổi kim lại được.
Ông nói: «Cảm ơn.»
Tôi lấy mấy đồng dư của tôi ở két rồi đưa cho ông. Chuyện chẳng đáng chi.
Ông lại nói: «Cảm ơn.»
Suốt buổi tối hôm đó tôi sung sướng cho tới khi Wladimierz thình lình lên tiếng:
- Tôi sẽ đi xa một tuần với mấy đồng bạc này. Khi tôi trở lại, cô sẽ có tiền.
Ông nhìn tôi rồi tiếp: «Cô mới là người tôi yêu!» Ông nắm lấy tay tôi.
Tôi quýnh lên vì ông sẽ đi xa mà không nói đi đâu. Tất cả, cả tiệm cà-phê, góc phòng, khách hàng như trôi quanh tôi, chịu không nổi, tôi nắm cả hai tay của ông.
Ông đột ngột đứng lên: «Một tuần sau tôi sẽ trở lại với cô.»
Tôi nghe người quản lý nói với tôi:
- Cô sẽ nghỉ làm ở đây.
Tôi thầm nghĩ: «Ừ, có sao đâu! Một tuần nữa Wladimierz sẽ trở về với tôi! Tôi định cảm ơn ông nhưng khi quay lại, ông đã đi mất rồi.»
7
Một tuần sau, vào một đêm, tôi về nhà nhận được thư ông. Bức thư buồn, ông kể ông đã cố đeo đuổi người đàn bà áo vàng, và ông không bao giờ có thể trả được tiền cho tôi nữa, ông đang nghèo túng cùng khổ lắm. Ông tự mắng nhiếc mình là một người có lòng dạ đểu cáng. Cuối thư, ông viết: «Tôi là kẻ nô lệ của người đàn bà áo vàng.»
Cả ngày lẫn đêm tôi buồn bã không làm gì được. Một tuần sau tôi mất chỗ làm và bắt đầu tìm chỗ mới. Ban ngày tôi tới xin việc làm ở mấy quán cà phê, khách sạn, gọi điện thoại tới tư nhân. Không thành công. Ban tối tôi mua tất cả các tờ báo hạ nửa giá, về nhà đọc kỹ quảng cáo. Tôi nghĩ: Có thể kiếm được việc gì cứu được cả Wladimierz lẫn mình...
Tối hôm qua, tôi đọc một tờ báo thấy tên ông, rồi tôi đọc bài báo nói về ông. Sau đó, tôi đi ra khỏi nhà, quanh quẩn ở ngoài đường, sáng hôm sau tôi mới trở về. Có lẽ tôi đã ngủ ở một chỗ nào đó hoặc ngồi trên một cầu thang và không đi được nữa; có lẽ vậy, tôi không biết.
Hôm nay tôi đọc lại những tờ báo mà đêm qua tôi đã đọc ở nhà rồi. Mới đầu tôi nắm tay lại, ngồi xuống ghế. Sau đó, tôi ngồi bệt xuống đất rồi lại leo lên ghế. Tôi vừa đập tay xuống sàn nhà vừa suy nghĩ. Có thể tôi không suy nghĩ gì cả; đầu óc tôi lẩn quẩn trống rỗng, chẳng còn biết gì nữa. Ra ngoài, tôi đi xuống góc đường, tôi nhớ đã cho bà ăn mày một shilling và nói:
- Đây là của ông áo xám đó, bà biết mà.
Bà ta lại hỏi: «Chắc cô là vị hôn thê của ông ta?»
Tôi đáp:
- Không. Tôi là quả phụ của ông ta...
Rồi tôi đi khắp phố cho đến sáng. Và tôi lại thầm đọc một lần nữa, tên ông ấy là Wladimierz T***.
Bản dịch của Dương Kim.
(Nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ)