Người đàn ông ấy là Phan Vũ.
Người ta gọi ông là nhà thơ, đạo diễn, tác giả, hoạ sĩ,… những nghề và nghiệp ông trải qua và thành danh trong suốt cuộc đời gần một thế kỉ (và hôm nay vẫn tiếp tục) của ông. Nhưng tôi muốn gọi ông là "Người lãng du" với những ý nghĩa đẹp nhất của từ này. Người đàn ông lãng du với một trái tim sôi nổi và trong trẻo, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không đánh mất sự sôi nổi và trong trẻo ấy,…
Phan Vũ thuộc thế hệ những nghệ sĩ trong hoàn cảnh thuộc địa đã tiếp nhận nền văn hoá Pháp qua văn chương, nghệ thuật và cả tinh thần "Tự do-Bình đẳng-Bác ái" của cách mạng Pháp. Đó cũng là thế hệ “cầu nối” giữa văn hoá phương Tây và văn hoá dân tộc, giữa truyền thống với "Đổi Mới”, sau những biến động lịch sử bi tráng của thế kỉ XX mà các ông cũng là những người góp phần làm nên.
Có lẽ phải đến một độ tuổi nào đấy, người ta mới thấm được những gì mà thế hệ nghệ sĩ như Phan Vũ và nhiều người khác đã trải qua và để lại bằng những tác phẩm của họ, là văn, thơ, hoạ, nhạc,... hay chỉ là những mẩu chuyện kể lại một cách bình thản nhưng chứa chất nhiều nỗi truân chuyên, và phải rất lâu sau mới được xuất hiện với công chúng,... Với tôi, thơ Phan Vũ là một trường hợp như thế.
Công chúng phần lớn biết đến thơ Phan Vũ từ ca khúc "Em ơi! Hà Nội-phố!". Nhạc sĩ Phú Quang đã bắt được sự tinh tuý của bản trường ca để phổ nhạc, và mang lại sự thăng hoa cho những câu thơ da diết và giản dị. Thật ra, những người bạn của ông thì đã biết một Phan Vũ nhà thơ từ thập niên 1950, mà bài thơ đầu tiên như báo trước số phận Thơ của ông: Bài Bình vỡ (tôi luôn gọi bài này là Chiếc bình màu xanh - màu của hi vọng, dù bị vỡ vẫn luôn chờ một bông hoa đỏ thắm, một bông hồng của tình yêu). Bài thơ suýt đăng trên Giai phẩm số 6, nhưng sau Giai phẩm số 5 thì bị đình bản. Và thế là bài thơ chỉ lưu trong trí nhớ vài người bạn thân của ông qua mấy chục năm.
Trong tập thơ mới xuất bản của ông (*), ngoài trường ca "Hà Nội - phố" còn có hơn 30 bài thơ tình của ông. Vâng, không thể nói khác, thơ Phan Vũ viết về gì, viết cho ai cũng là Thơ Tình, đẫm tình như tính cách của ông, sôi nổi, trong trẻo và rất trẻ! Những “người tình” của Phan Vũ qua những câu thơ không dễ nhận diện như qua tranh của ông sau này, nhưng có thể nhận thấy ông dành cho họ sự xúc động không kìm nén, và tràn đầy tình yêu như thể họ chỉ mới đi qua ông đây thôi,…
Nhiều bài thơ ông viết cho nghệ sĩ Phi Nga - người vợ xinh đẹp và hiền dịu của ông - da diết và trìu mến lắm, không chỉ như cho một người vợ, người tình mà còn như cho một tri kỉ,… Những mối tình như thế hình như thế hệ sau rất hiếm có, phải chăng vì ít phải trải qua những thử thách của hoàn cảnh, thiếu lòng kiên nhẫn và cả sự chịu đựng để cùng nhau đi đến cuối đường đời,…
Và hơn hết cả là trường ca "Hà Nội - phố" - tình yêu hơn mọi tình yêu, nỗi đau hơn mọi nỗi đau, niềm day dứt hơn mọi day dứt của Phan Vũ. Có lẽ không cần nói nhiều về 23 khổ thơ của trường ca mà mỗi câu thơ chạm vào tim làm ứa ra những giọt hồng nóng hổi thương yêu lối xưa phố cũ,... Những mảnh Hà Nội của Phan Vũ như kim cương nhiều màu sắc, long lanh mà sắc bén, cứa vào kí ức người từng sống ở Hà Nội, như tôi, vỡ oà …
Ta còn em, ta còn em, ta còn em… Hà Nội…
Không nhiều người có thể chung thuỷ được với một kí ức như thế, như Phan Vũ, người đàn ông lãng du qua hai thế kỉ.
.
Mối quan hệ thân thiết của ba tôi, gia đình tôi với chú Phan Vũ và người vợ tuyệt vời của chú - cô Phi Nga, bắt đầu từ những ngày kháng chiến chống Pháp ở Long-Châu-Hà, cũng là bắt đầu từ sân khấu. Ba tôi là Trưởng đoàn truyền bá vệ sinh của Sở Y tế Nam Bộ, chú Phan Vũ ở Chi hội văn nghệ Nam Bộ. Hai cơ quan thường phối hợp biểu diễn văn công phục vụ bà con.
Trong hồi kí của ba tôi có chuyện chú Phan Vũ dựng vở kịch Bạch Mao Nữ của Trung Quốc, với cô Phi Nga đóng vai chính, ba tôi đóng vai Dương Bạch Lao, cha của Bạch Mao Nữ, chú Can Trường đóng vai địa chủ Hoàng Thế Nhân. Diễn viên nhập vai đến nỗi, cô Phi Nga bị phỏng vì lửa cũng không hay, nhân vật của ba tôi bị chết đói, nằm sát cánh gà thì được một bà má đến ngồi quạt xua muỗi vì “tội nghiệp ông già chết rồi còn bị muỗi cắn”, còn chú Can Trường thể hiện địa chủ “ác” đến nỗi suýt chết vì một viên đạn từ dưới khán giả bắn lên.
Sau này tập kết ra Bắc, khi chú Phan Vũ và cả khi ba tôi gặp những chuyện không may tai bay vạ gió thì hai người luôn bên nhau, chia sẻ, nâng đỡ nhau,... Và, như tôi hỏi vui và chú Phan Vũ gật đầu xác nhận, còn “che giấu” cho nhau những mối tình xinh xinh, lãng mạn, trong đó có những niềm đau không dễ quên,...
Ba tôi mất hơn 30 năm rồi nhưng chú Phan Vũ vẫn luôn nhớ và nhắc đến ông, và tôi, được thừa hưởng tình cảm của chú Phan Vũ đối với ba mình, nên giữa hai chú cháu vừa là tình cha con vừa là tình cảm của những người bạn vong niên, vì có lẽ tôi có những đồng cảm với chú, như từng hiểu ba mình.
Chính vì vậy tôi viết những dòng này như một lời cám ơn tình cảm ông dành cho tôi, là sự biết ơn vì ông đã giữ lại qua thơ, và cả tranh nữa - một Hà Nội rất đẹp của tuổi thơ tôi …
Sài Gòn, 1.6.2018
(*) Phan Vũ, TA CÒN EM, thơ. Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội nhà văn, 4.2018
Gửi ý kiến của bạn