Sở trường truyện ngắn đã giúp Vũ Ngọc Giao khẳng định mình trên văn đàn.
Nhưng chị vẫn không ngừng tìm tòi, phát triển đề tài sáng tác và thay đổi thể
loại văn học. Điều đó đã thôi thúc chị thử sức với tiểu thuyết. Sau hai năm
thai nghén, tiểu thuyết “Miền Trăng Tối” đã ra đời và được NXB Dân Trí ấn
hành vào tháng 8.2023.
Vũ Ngọc Giao và hành trình trên con đường văn chương
Vũ Ngọc Giao (1972) tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Giao, nguyên quán Bình Sơn
(Quảng Ngãi). Hiện nay, chị đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Bố chị là
nhà thơ, đạo diễn phim tài liệu, NSƯT Đoàn Huy Giao. Chính vì thế, từ nhỏ chị đã
được tiếp xúc nhiều với những người trong giới văn chương như: Lưu Quang Vũ,
Xuân Quỳnh, Thanh Thảo, Du Tử Lê, Đặng Tiến… Mầm mống nghệ thuật đã
được đặt trong tâm hồn chị từ đó.
Lớn lên, chị chọn truyện ngắn là con đường để kết nối bản thân với văn chương.
Rất nhiều những truyện ngắn của nữ văn sĩ đã để lại ấn tượng trong lòng độc giả,
đặc biệt là những nhà phê bình. Sinh thời, nhà phê bình Đặng Tiến đặc biệt đánh
giá cao truyện ngắn “Con Dứt”. Ông nhận xét:
Tuy không gắn bó máu thịt với quê hương, nhưng Vũ Ngọc Giao luôn đau đáu về
một miền đất “nghĩa tình rộng lớn”. Nhiều lần trò chuyện với tôi, chị cũng chia sẻ
về điều này. Chị thường lấy cảm hứng từ quê hương để sáng tác. Mà chính Đặng
Tiến cũng đã nhận xét: “Tác phẩm Vũ Ngọc Giao dù trong hồi ức hay truyện
ngắn, cùng đồng vọng một dòng tâm tư xuôi về quê nội. Một thôn xóm nên thơ,
những con người còm cõi, an phận. Giá trị tâm cảm còn chuyển tải thêm nhiều tư
liệu xã hội về một làng quê hẻo lánh miền Trung Trung Bộ.” Đó là tấm lòng của
người con của quê hương đối với nơi chôn nhau cắt rốn.
Sau một quãng thời gian miệt mài sáng tác, Vũ Ngọc Giao đã thành công và được
đông đảo bạn đọc biết đến. Nhiều năm qua chị đã có truyện ngắn đăng trên các
báo và tạp chí như: Báo Văn Nghệ, Báo Đà Nẵng, Báo Cần Thơ, Báo Quảng Ngãi,
Tạp chí Văn nghệ TP.HCM, Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Sông Trà… Tính đến
thời điểm hiện tại, nữ nhà văn đã có bốn tác phẩm được xuất bản: Búp bê
Matryoshka (NXB Hội Nhà văn), Dòng chảy (NXB Hội Nhà văn), Người đàn bà
và chiếc dương cầm (NXB Dân Trí), Miền trăng tối (NXB Dân Trí).
Có thể thấy Vũ Ngọc Giao viết khá nhiều thể loại, song truyện ngắn vẫn là sở
trường của chị. Và càng về sau này, bạn đọc có thể nhận thấy chị viết rất…“nghệ”.
Truyện ngắn của Vũ Ngọc Giao trước kia đơn giản và đọc “dễ vào” lắm. Nhưng
độ vài năm trở lại đây, tác phẩm đã bắt đầu được cài cắm nhiều tiểu xảo, nên tác
phẩm có sự đánh đố và cũng chiều sâu mở thêm. Đó là truyện ngắn, còn tiểu
thuyết, mà cụ thể là “Miền trăng tối” sẽ có những điểm nổi bật hơn. Vẫn là Vũ
Ngọc Giao nhưng “công phu” đã điêu luyện hơn.
“Miền Trăng Tối” – miền đất hư và thực
Đến với “Miền Trăng Tối”, bạn đọc sẽ lạc vào một vùng đất mà biên giới giữa hư
và thực, ranh giới giữa cõi người và cõi siêu hình bỗng trở nên mong manh. Theo
chân cô phóng viên Hà Lam từ Lâm Đồng ra Thái Nguyên, đó cũng là hành trình
đi từ thực đến ảo. Những sự việc từng xảy ra ở “ngọn đồi thiêng” đã tái hiện trong
giấc mơ của cô gái ấy. Đó là câu chuyện về một nhóm thanh niên tình nguyện làm
nhiệm vụ đào giao thông hào. Nhưng không may, sáu người trong số đó đã vĩnh
viễn gửi lại tuổi thanh xuân của mình trên ngọn đồi sau một vụ sạt lở. Chỉ còn duy
nhất San sống sót với một sinh linh bé nhỏ đang hoài thai.
Rồi hạt giống ấy cũng nảy mầm, một bé trai kháu khỉnh ra đời. Và San bắt đầu
chuỗi ngày ngây ngây dại dại với những ám ảnh kinh hoàng, sau khi chạy thoát
khỏi tay Shinigami. San trả đời mình về không khi con trai mới lên ba tuổi. Cậu bé
sống với bà ngoại. Lên mười sáu, bà qua đời. Kể từ đấy, cậu bé ấy đã ra đi, đến
với cao nguyên Di Linh và lập nghiệp tại đó. Cậu bé ấy về sau chính là bố của Hà
Lam.
Kết thúc tiểu thuyết, theo lời kể và hành trình của Kevin trong chuyến đi tìm tòi bí
mật trên ngọn đồi ấy, bố Hà Lam một lần nữa lại về chốn cũ, nơi cha mẹ ông đã
gửi lại tuổi thanh xuân tươi đẹp. Và hơn cả, ông tìm đưa mộ mẹ và cha về nằm
cạnh nhau.
Mạch truyện của Vũ Ngọc Giao chậm rãi, nhẹ nhàng như chính không gian mà chị
đã chọn để đưa vào truyện, và cũng nhẹ nhàng. Thế nhưng người đọc được dẫn dắt
từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Mười hai chương là mười hai cánh cửa, mỗi
lần mở ra, người đọc lại vỡ ra một điều mới mẻ. Ví như, đọc ba chương đầu,
người đọc chưa thấy dụng ý của tác giả, chưa biết chị muốn viết về điều gì. Chỉ
khi khép lại cuốn tiểu thuyết, bạn đọc mới hiểu vì sao Hà Lam thường lo lắng cho
bố mình vào những đêm giông bão.
“Miền Trăng Tối” đúng với cái tên của nó, ngoại trừ một số đoạn tả cảnh, những
đoạn trữ tình ngoại đề thì không khí ma mị trong tác phẩm thể hiện rõ nét như
những đường gân nổi lên trên cánh tay một lực sĩ. Lời văn của Vũ Ngọc Giao khá
bay bổng. Sự bay bổng ấy có khi bồng bềnh như mây trắng vắt ngang trời, cũng có
khi lửng lơ như những đốm lửa ma trơi trong đêm cô tịch. Chính điều này đã
khiến người ta say sưa, mê mẩn và cũng khiến người ta rợn người. Chị miêu tả
hình ảnh mùa thu Hà Nội cứ như chị là người đàn bà sinh và lớn lên ở đó. Những
hình ảnh quen thuộc như: “Ven đường, hàng cây trút lá trơ những cành khẳng
khiu, tiêu điều. Gió len qua phố. Mưa vẫn rơi. Và đêm. Đêm sâu hun hút”. Hình
ảnh bờ hồ Gươm với hàng cây chỉ còn những ngón tay gầy guộc bỗng chốc hiện
lên trong trí tưởng của bạn đọc.
Không khí ma mị, thực chất không phải đến hôm nay mới xuất hiện trong tác
phẩm của Vũ Ngọc Giao. Nếu bạn đọc dõi theo chị, sẽ thấy trong một số truyện
ngắn sau này, yếu tố tâm linh và ma mị đã được tác giả lồng vào thể loại truyện
ngắn khá nhiều. Với dung lượng của thể loại tiểu thuyết, tác giả có thể tự do bay
bổng, phiêu lưu với những con chữ và biểu đạt tư duy của mình trong những áng
văn. Có những đoạn văn khiến bạn đọc sởn gai óc: “Căn nhà của tôi quanh năm
chỉ có ánh đèn dầu lúc mờ lúc tỏ, âm u, hiu hắt. Nhưng có một thứ lúc nào cũng
tràn ngập là âm thanh, những âm thanh lạ lùng, quái gở, đầu tiên là tiếng mèo kêu
suốt đêm, tiếng kêu như tiếng trẻ con quấy khóc vì không có người dỗ dành, nghe
bất an và buồn nẫu nuột”. Sự ma mị thể hiện rất rõ khi chúng ta chẳng biết ai là
người đang ở cõi trần, ai là người đang ở thế giới bên kia. Thế giới nào là nơi tồn
tại của sự sống.
Tác phẩm của Vũ Ngọc Giao cuốn ta đi, vì chỉ khi việc đọc được hoàn tất thì việc
cảm nhận mới trở nên trọn vẹn. Với tác phẩm này, Vũ Ngọc Giao đã phá vỡ
đường biên thể loại. Tiểu thuyết đã mang dáng dấp của điện ảnh rất rõ nét, tác
phẩm hoàn toàn có thể dựng thành phim. Và khi tiếp cận tác phẩm, bạn đọc dễ
dàng mường tượng ra những hình ảnh như đang được chiếu lên màn ảnh. Một tác
phẩm kể theo trật tự phi tuyến tính, và đánh đố bạn đọc với một số yếu tố của chủ
nghĩa hậu hiện đại cũng là điều đáng chú ý trong “Miền Trăng Tối”.
Tuy nhiên, một tác phẩm rất khó có thể hoàn mỹ. Tác phẩm của Vũ Ngọc Giao
cũng không ngoại lệ. Để thể hiện hết ý tưởng của mình, chị đã lặp lại một vài
motif trong các truyện kinh dị. Điển hình như chi tiết khi Hà Lam đi giữa đêm
trong rừng, chợt thấy bóng người, và: “Tôi bắt đầu bỏ chạy, được vài bước chân
vấp phải hòn đá bên đường, ngã sóng soài, chưa kịp định thần, ngẩng lên đã thấy
một bóng người trước mặt” – ngươi đó là Cầm. Những tình tiết như vậy rất dễ bị
người đọc bắt bài. Vì người đọc dễ dàng phỏng đoán được rằng cô gái kia là một
người quen. Bạn đọc đã “miễn dịch” với những tình tiết như vậy, nên độ hấp dẫn,
bất ngờ cũng giảm đi một chút. Một bản nhạc đều đặn như một toa xe lửa, nếu
đánh sai một nốt thì sẽ hỏng cả bài nhạc, người nghe cũng hẫng đi một nhịp. Tác
phẩm văn chương cũng có phần tương tự như vậy, nhưng ít nguy hiểm như âm
nhạc. Tác phẩm vẫn sẽ lôi cuốn nếu như tác giả tạo được sự hứng thú cho bạn đọc.
Và Vũ Ngọc Giao đã làm được điều đó, chị dẫn dụ người đọc đi cùng mình cho
đến cuối tác phẩm để giải mã mọi vấn đề.
Là tiểu thuyết đầu tay, nên khó có thể tránh khỏi những điều sơ sót. Chúng ta hãy
cởi mở đón nhận “Miền Trăng Tối”, để rồi về sau chúng ta sẽ gặp gỡ Vũ Ngọc Giao
với một tập tiểu thuyết mới thú vị hơn, mới mẻ và hoàn hảo hơn.
Nguyễn Nhật Thanh
***