Khép lại trang cuối “Dòng sông không ra biển. Bây giờ mới kể chuyện làm nghề truyền thông” – quyển tự truyện đầu tiên trong ngành truyền thông – tiếp thị thương hiệu của tác giả Zennie Trang Nguyễn vào một sáng đầu năm, tại quán cà phê quen thuộc. Lúc ấy, tôi thấy mình như đang đứng sau bức rèm quây phòng nội trú, phía bên kia là Trang và nỗi cô độc yếu ớt ôm lấy mặt trời đỏ riêng mình. Vị cà phê thêm đắng nhưng vị ngọt từ câu chữ và nguồn cảm thức sống của Trang xuyên suốt hơn 500 trang sách, may thay vẫn còn nguyên dư vị.
Cảm thức sống bằng quyền năng được lựa chọn.
Nhân vật tôi của “Dòng sông không ra biển” là cô gái giàu trải nghiệm từ học vấn, đời sống đến chuyên môn nghề nghiệp. Cô đến với hết thảy trải nghiệm bằng cảm thức sống của một người nhận thức rõ quyền năng được lựa chọn của mình.
Ở chương đầu tiên, cô chọn “con đường tự quyết” của một du học sinh vừa tốt nghiệp, thiếu kinh nghiệm, quyết tâm làm công việc đúng chuyên môn. Cô phải đối diện với những điều bất đắc ý để đón nhận những trải nghiệm đầu đời đáng giá. Chương tiếp theo, kể trên đường làm nghề, độc giả chứng kiến nguồn cảm thức sống ấy thêm phần quyết liệt qua hàng chuỗi lựa chọn ngược dòng, phá khung,… để bước vào ngành, kiến lập đường làm nghề riêng của mình. Rồi, điểm sáng có cường độ quyết liệt nhất trong nguồn cảm thức sống, cô dành cho khoảnh khắc bản thân đối diện sinh tử. Ngay cả khi cuộc đời thả xuống trước hành trình nhân thế của cô một vòng dây thòng lọng, cô cũng điềm nhiên chọn “cũng chỉ vậy thôi” để sau tất cả, dòng sông cô luôn tìm thấy niềm an trú trong điều mình đã chọn.
Trang đón nhận và khước từ những gì đến với mình bằng một thái độ mạch lạc: những dải lụa tâm tư mềm mượt dành cho điều cô yêu thương và những đường gươm quyết liệt hạ xuống cho những thứ cô khước từ. Trang hiểu điều mình chọn, sống hết lòng với điều mình chọn và rồi cũng chính cô lại cũng là người từ bỏ điều mình đã chọn, rồi chọn một thứ khác để hành trình ấy đáng đi hơn và đời sống ấy đáng sống hơn.
Cảm thức viết với thế cân bằng giữa tư duy và cảm xúc.
Sinh thời, thi sĩ Du tử lê đọc văn của Trang đã viết: điều tôi thích, tôi yêu lắm, nơi những trang văn Trang có lẽ là sự cân bằng giữa tư duy chân thật, bất ngờ và, những con chữ hiện ra (cũng bất ngờ) tươm tất, mới mẻ. Chúng như những con tôm mới được lưới lên từ vụng biển cảm xúc. Những con tôm chữ nghĩa sống động, xoi xói nhảy trong nắng sớm (hoặc ánh hoàng hôn chợt sáng rỡ muộn phiền).
Nếu xem ngôn ngữ của một tác phẩm là xuất xứ của tác phẩm ấy thì thứ ngôn ngữ mạch lạc, giàu tính tự sự, đậm chất thơ nẩy lên trong từng câu chữ của “Dòng sông không ra biển” chính là biểu thị cân bằng của tư duy và cảm xúc của Trang giao nhau.
Ở những lát cắt khi Trang có những quyết định tưởng chừng như hoàn toàn bị chi phối bởi cảm xúc thì dưới tầng sâu cảm xúc ấy, độc giả vẫn nhận thấy không gì ngoài lý trí. Trang dùng vọng âm từ những không gian lý trí khác để không trực tiếp lên tiếng. Chẳng hạn như, lúc cảm xúc trào dâng đến “chẳng thiết lên tiếng” thì sâu trong lý trí, Trang đã “mượn” một phát biểu của văn hào Fyodor Mikhailovich Dostoevsky để nói với độc giả về định hướng hành động mình: suốt đời tôi không làm gì hơn là đẩy cho đến cùng, cái mà thiên hạ chỉ dám làm có một nửa… Lúc lẽ ra phải thấy mình êm, ổn trong cảm nhận viên mãn bởi suốt chặng đường nghề đã được thỏa sức vẫy vùng, Trang lại “mượn” một ẩn dụ của nữ sĩ Wisława Szymborska để biểu thị tầng sâu con người lý trí của mình khi khẳng định giữa sống và chết: tất cả chỉ giống như nhạc Bach được chơi trên một chiếc cưa.
Trong bản thể “nhân vật tôi” ấy, màu lý trí lấp lánh thứ ánh sáng của ngọn hải đăng, dẫu chỉ le lói bởi sự tiết chế hết mực của tác giả để chỉ còn lại là sự trỗi dậy của cảm xúc. Thứ bản lĩnh này vốn không thuộc về những người viết tay ngang, tìm đến chữ nghĩa như một cuộc dạo chơi tức thời.
Cảm thức văn học qua dáng vóc của một tự truyện
Quyển sách tuy dài nhưng tính hợp nhất và chọn lọc thể hiện chặt chẽ qua 145 lát cắt câu chuyện, hình thành một cốt truyện nhất quán cùng quá trình tính cách nhân vật phát triển qua các bản sắc của sự lựa chọn. Điều này đã mang đến cho độc giả trọn vẹn trải nghiệm của việc đọc một quyển tiểu thuyết sinh động, xúc tích.
Không đơn thuần chỉ là những ghi chép thuật lại sự kiện mang tính cá nhân, “Dòng sông không ra biển” đã dựng lại những hiện thực khách quan của ngành, của nghề và mở ra những không gian chất chứa đối thoại cần thiết. Độc giả hoàn toàn có thể cho phép mình thả lòng đón nhận những “cơn sóng lừng” đến từ những đối thoại mà tác giả đã khơi dòng.
Dù không biểu thị bất cứ dấu chỉ nào về tính hư cấu của “Dòng sông không ra biển” nhưng cách mà tác giả đã tự do phóng tác lên tấm toan hành trình của mình hết thảy những tình tiết, những nhân vật liên quan, những lẫn lộn sắc màu trong trẻo – tăm tối, mạch lạc – di mờ trên một kết cấu nặng tuyến tính thời gian đã rõ ràng khẳng định tính hiện thực của quyển sách.
Nhận thức rõ mình đang viết câu chuyện của mình, hành trình của mình nên tác giả đã chọn lối hành văn hạn chế nhất những gì mang tính chủ quan, cá nhân để kể câu chuyện được kể theo ý hướng điều có-thể-là và nên-là giữa bối cảnh của đời sống, của ngành, của nghề. Bằng cách đó, “Dòng sông không ra biển” đã êm xuôi truyền tải đến độc giả trọn vẹn chủ đề về quyền năng được lựa chọn của một con người.
(Nguồn: Vanvn)