Tạ Tỵ (1922-2004) và Bùi Xuân Phái gắn bó thân thiết với nhau từ khi các ông còn là những sinh viên trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Tạ Tỵ là một hoạ sĩ thành danh sớm của Việt Nam, có một sự nghiệp lớn trong hội hoạ Việt Nam. Ông là người tiên phong trong mỹ thuật Lập thể và Trừu tượng từ đầu những năm 1950 ở thế kỷ trước. Cuộc đời Tạ Tỵ trải qua nhiều thăng trầm gắn liền với những biến loạn của đất nước. Tạ Tỵ sinh ra tại Hà Nội năm 1922, vào Nam năm 1953, rời khỏi Việt Nam năm 1982 bằng con đường vượt biên, năm 2004 trở về Việt Nam với ước vọng sống những ngày cuối cùng ở quê mình.
Năm 1946, chiến tranh nổ ra giữa Việt Minh và Pháp. Tạ Tỵ, cùng với Bùi Xuân Phái và các họa sĩ khác, đã tham gia mặt trận Việt Minh chống Pháp. Vào năm 1948, trong chiến khu, Tạ Tỵ, Bùi Xuân Phái và Văn Cao đã tổ chức một cuộc triển lãm nhóm đầu tiên. Tạ Tỵ khi ấy trưng bày những bức tranh lập thể, trừu tượng còn Bùi Xuân Phái bày những bức tranh ấn tượng với những khu phố cổ cũ kỹ và những hẻm ngõ buồn heo hắt. Sau lần triển lãm này, các họa sĩ ít nhiều đã gặp rắc rối, khi những đợt thảo luận khuynh hướng của nghệ thuật để phục vụ kháng chiến bắt đầu, chiến dịch “phê bình và tự phê bình” được thực hiện với sự đôn đốc của một số cán bộ chính trị Trung Quốc. Bùi Xuân Phái được yêu cầu giải thích tranh phố cũ nhà xưa của ông xem có nội dung cách mạng hay không, trước một cuộc họp mà phần lớn là nông dân; ngoài những câu hỏi ngây ngô, còn có những câu được “gợi ý” bởi người tổ chức cốt làm hạ gục quan niệm nghệ thuật của các hoạ sĩ. Bùi Xuân Phái bị thẩm vấn và yêu cầu giải thích từng chi tiết trong các bức tranh, đặc biệt là phải cho biết màu đỏ được dùng trong từng trường hợp mang ý nghĩa gì
Trong hoàn cảnh đó, thật khó khăn cho người nghệ sĩ để tự bảo vệ, biện hộ cho quan điểm sáng tác của mình, họ biết rằng người đối thoại với họ đang có sức mạnh tập thể nhưng lại không có nhiều kiến thức hội họa. Vì thế, nếu muốn tồn tại, họ buộc phải chấp nhận im lặng và nhận mình đã sai lầm. Năm 1950, Tạ Tỵ rời khỏi vùng Kháng Chiến. Trước khi đi, Tạ Tỵ gặp Bùi Xuân Phái và nói "Nghệ thuật của tụi mình không thể có tiếng nói chung với tụi họ được." Và năm 1952, đến lượt Bùi Xuân Phái rời Chiến khu trở về Hà Nội.
Tạ Tỵ và Bùi Xuân Phái cùng bước vào cuộc chơi nghệ thuật trong một giai đoạn lịch sử trầm luân của đất nước, điều đó đã có tác động nhiều vào sự sáng tạo của các ông. Rồi khi đạt tới giai đoạn sung sức nhất trong sự nghiệp nghệ thuật - thập niên 60, đất nước càng ngày càng lún sâu vào chiến tranh. Một cuộc chiến triền miên, nuốt mất bao nhiêu cơ hội phô diễn cho một thế hệ tài năng thời bấy giờ. Trong suốt giai đoạn này, xem lại tranh của các tiên sinh dễ dàng nhận thấy: Nghệ thuật của các ông là sự giải tỏa ẩn ức nội tâm của con người, ý thức về sự bất lực của mình trong cuộc chiến tranh đẫm máu, dai dẳng của dân tộc.
Năm 1953, Bùi Xuân Phái đã từ chối khi Tạ Tỵ rủ ông cùng di cư vào Nam, Bùi Xuân Phái có kể lại chuyện này với tôi, và có những giai đoạn quá ngặt nghèo, ông cũng đã tỏ ra than tiếc và đổ lỗi cho số phận. Tuy tình bạn của họ phải xa cách trong thời kì hai miền Việt Nam chia cắt, nhưng Bùi Xuân Phái vẫn thường kể lại những kỷ niệm về tình bạn với Tạ Tỵ với các bạn hữu. Hiện nay trong tủ sách của tôi vẫn đang giữ cuốn sách Hội họa Tạ Tỵ với dòng chữ Tạ Tỵ đề tặng "Gửi Bùi Xuân Phái, bạn của tôi. Lần này mong bạn đừng cho mượn sách nữa, khó đòi lắm."
Năm 1979 Bùi Xuân Phái vào thăm Sài Gòn và yêu cầu Thái Tuấn đưa đến thăm gia đình Tạ Tỵ (lúc này Tạ Tỵ đang phải đi học tập cải tạo tại miền bắc. đến thăm gia đình một họa sĩ di cư vào Nam rồi trở thành trung tá đấu tranh chính trị trong quân đội Việt Nam Cộng hòa) Cử chỉ đến thăm gia đình một cựu sĩ quan tâm lý chiến của Bùi Xuân Phái lúc bấy giờ được xem là can đảm và cảm động.
Lần cuối cùng tôi chứng kiến cảnh gặp lại của Tạ Tỵ với Bùi Xuân Phái, đó là lần Tạ Tỵ được ra khỏi trại cải tạo, trước khi trở lại Sài Gòn đoàn tụ với gia đình, Tạ Tỵ đã tìm đến nhà Bùi Xuân Phái. Dáng người Tạ Tỵ cao lớn, ông đứng trước cửa nhà và gọi to khi vừa thấy Bùi Xuân Phái. Hai người bạn tay bắt mặt mừng khi gặp lại nhau sau hơn hai mươi năm xa cách. Nhưng chỉ sau những câu hỏi han ban đầu tiếp theo là sự im lặng của cả hai người. Tôi ấn tượng mãi về sự im lặng khó hiểu ấy, cả hai ông ngồi bên nhau hàng giờ đồng hồ mà chỉ lặng im và nước mắt nhòe ướt trên đôi mắt của họ...
(Trong cuốn Nhớ cha tôi, Bùi Xuân Phái)
Gửi ý kiến của bạn