Gần 30 năm trước, tôi gặp anh rất đều. Lúc ấy tôi lo việc bài vở cho tờ Thanh Niên Chủ Nhật, gần như cuối tuần nào cũng gặp anh cả. Có những tối buồn, anh chả biết làm gì, lại sang nhà tôi chơi. Không nhiều chất đưa cay và cả chất cay lúc đó, chỉ có những câu chuyện lan man sau giờ cơm tối trở đi đến khi ngõ xóm tắt đèn hết, thì anh lại liêu xiêu ra về…
Anh Tâm (1) nhiều chữ vậy, mà trông lành lành, rõ ra là một nhà giáo hơn là một người cầm bút. Nhà anh hồi ấy cách nhà tôi khoảng 500m, đi từ ngõ 502 Nguyễn Đình Chiểu (2) nhà tôi ngược về phía chợ Vườn Chuối, là tới ngõ 287 chính ở nơi tôi lớn lên trong căn nhà cũ. Con ngõ 287 ấy chạy suốt sang Võ Văn Tần (3), băng qua đường, là tới ngõ nhà anh và ngõ ấy lại chạy suốt tới Nguyễn Thị Minh Khai (4), ngay ngã ba Tôn Thất Tùng (5). Tôi nhớ, ngồi ghé ngay trước cửa nhà anh, căn nhà trệt sơn cửa sắt kéo màu lơ khi đó là một đôi vợ chồng già, bán chè miền Nam, bánh Lọt, chè Thập cẩm cứ đắt như tôm tươi. Họ có lẽ không biết anh là dịch giả và nhà văn nổi tiếng cả đất Sài Gòn, họ chỉ biết gọi anh là “thầy Tâm.” “Thầy Tâm có nhà không bác?” “Có, vừa đi đâu về!” “Thầy Tâm có nhà không bác?” “Mới đi đâu 5 phút, cậu tới trễ rồi!” Thi thoảng, anh viết một tiểu luận hay bài phê bình sách nào đó, không dài, chỉ 700 chữ trở lại, gửi tôi đăng báo. Hai tuần sau có nhuận bút, thời ấy 1996 – 1997 đã là 200.000 – 250.000 đồng một bài. Thứ Bẩy về sớm, tôi tạt qua đưa anh. Tôi biết, anh chả bao giờ có nhiều tiền trong túi cả. Mà khi nào anh tự nói, “hôm nay tao với mày ra Trống Đồng,” là tôi biết anh vừa trúng quả, không phải từ viết lách gì, vì văn anh chỉ có những tờ như TNCN hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật của Nguyễn Trọng Chức mới kham nổi. Có khi tờ Mỹ Thuật Thời Nay, khổ 13x19cm, do Phù Hư chủ biên, thương quá mà chậc lưỡi chọn đăng một bài nào đó, để cho anh có chút tiền uống cà-phê.
Anh trúng quả từ chơi bài, hoặc chơi “40 con.”
Lúc ấy tôi có 2 tụ để vui vào mỗi chiều thứ Bẩy, tụ 1 là “câu lạc bộ thứ Bẩy” gồm 7 người: Phạm Chu Sa, Nhã Bình, Lê Nguyên Đại, Huỳnh Đình Tân, Bùi Minh Sơn, Dương Đình Hùng và tôi. Tụ này họp đều hàng tuần, mỗi tuần luân phiên một người làm chủ tụ, muốn đi ăn đâu uống đâu thì cả 6 người còn lại phải chiều theo, chơi suốt từ 12 giờ trưa đến 12 giờ đêm, mấy năm như thế. Thành viên nào muốn mời khách, thì phải trả tiền cho khách mời ấy, ngoài số tiền trước đó đã chia đều cho 7. Hầu như tuần nào cũng có khách mời cả, và tôi cùng Phạm Chu Sa có mời Huỳnh Phan Anh hình như mỗi người 2 lần. Tụ 2 thì không thường xuyên bằng, nhưng chơi lớn hơn, dù ít người hơn, gồm Phù Hư, Thượng Hồng, Dương Đức Dũng, vẫn Phạm Chu Sa và tôi. Huỳnh Phan Anh thân với nhóm này hơn, và hòa đồng với phía bên này hơn, vì trừ tôi là mãi tới những năm 1980 mới biết anh, còn tất cả, anh biết họ tít từ đầu những năm 1970, như với Phạm Chu Sa. Hai người quen nhau từ trước cả thuở Chu Sa làm tờ Tuổi Ngọc của Duyên Anh, còn Huỳnh Phan Anh viết cho tờ Văn của Nguyễn Xuân Hoàng. Tức là tính tới bây giờ đã gần 60 năm.
Nhưng Huỳnh Phan Anh đã không còn dịp để tính đếm nữa. Anh cũng không có dịp nào tính đếm xem mình đã kiếm được bao nhiêu tiền từ ngòi bút của mình, trừ một trường hợp duy nhất, là khi viết quyển Duyên Anh, Tuổi Trẻ Mộng Và Thực. Lúc đó do nợ đòi quá gắt, mà “bố già” Nguyễn Đình Vượng lại hết cách để giúp vì sổ tạm ứng nhuận bút đã chi chít chữ ký của anh rồi, trong khi anh lại chưa viết được bao nhiêu chữ để trả nợ. Nên khi một bên thúc bách, bên kia lại giục giã anh viết về Duyên Anh mà tác quyền lại rất cao, anh đã chậc lưỡi.
Đời Huỳnh Phan Anh, trong hơn 10 năm tôi biết và chơi với anh khi anh còn ở Sài Gòn, tôi không dám nói là tất cả trước đó, nhưng chí ít trong những năm tháng ấy, là quay cuồng vì tiền. Vợ anh khéo, đảm đang nữa, xoay sở rất nhiều, nhưng bao nhiêu với anh cũng không đủ và chính anh có viết bao nhiêu triệu chữ cũng không thể khỏa lấp. Có những tối anh bơ phờ sang nhà tôi, thấy lo lắm mà cố bình tĩnh. Tôi biết anh đang trốn tạm khỏi nhà vài tiếng đồng hồ. Tôi cũng từng có lần “ôm rơm ngứa bụng” đi mượn nợ giúp anh, vì tôi quý anh.
Trong những cây bút dịch của Sài Gòn cũ, nổi danh cỡ Ngọc Thứ Lang, Lê Khắc Cầm, Nguyễn Tôn Nhan, cả Hà Mai Anh nữa, không ai chọn con đường đi gai góc như Huỳnh Phan Anh. Không ai chọn Rimbaud, Heinrich Boll, Jean-Paul Sartre và cả những cái tên văn chương Pháp rất ít người biết trên văn đàn Việt Nam như Huỳnh Phan Anh. Tôi nhớ Nguyễn Xuân Hoàng đã viết khi gặp lại Huỳnh Phan Anh tại Paris, sau 25 năm chia cách: “… Tôi đến thăm Huỳnh Phan Anh, người bạn đã cùng tôi sống những năm tháng của một Sài Gòn sôi nổi. (…) Vẫn gầy ốm, đã có chút hư hao. Tôi muốn đến ở với bạn một ngày, nghe bạn nói về Sài Gòn, về những người bạn còn lại của chúng tôi. Trong đám bạn 6 tên vẫn thường ngồi với nhau những buổi sáng ở quán Cái Chùa thời đó, bây giờ chỉ còn Huỳnh Phan Anh và Nguyễn Nhật Duật. Bốn tên kia, Nguyễn Quốc Trụ, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Đình Toàn và tôi, đã rời khỏi nước. Đó là những năm 1960, những năm Sài Gòn cheo leo giữa chiến tranh ngày càng ác liệt và hòa bình rất đỗi mong manh; những năm mà đời sống chúng tôi chui rúc vào những quán cà-phê trên đường Tự Do, như những con Đà điểu vùi đầu trong cát. Những năm Sài Gòn gắn liền với không khí chính trị sôi sục của những cuộc xuống đường và lựu đạn cay; những năm mà mỗi biến động của văn chương Pháp vẫn còn làm những trang sách Sài Gòn dính đầy dấu mực Paris.” “Huỳnh Phan Anh là một người rất “mặn” với tiểu thuyết mới của Alain Robbe-Grillet, Michel Butor, Nathalie Sarraute. Với cuốn tiểu luận đầu tay Văn Chương Và Kinh Nghiệm Hư Vô, Huỳnh Phan Anh đã mở ra một cánh cửa khác của cách nhìn văn chương Việt Nam sau thời kỳ Sáng Tạo. Những bài viết của anh trên tạp chí Văn cho thấy, Huỳnh Phan Anh là một tài năng đa dạng: Anh viết tiểu luận, anh dịch và anh sáng tác.” “Huỳnh Phan Anh có khuôn mặt của một thiền sư, nhưng mang nỗi đam mê của một Dostoievsky. Anh dựng nhà xuất bản Đêm Trắng và (…) nói chung, sách của nhóm Đêm Trắng với Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quốc Trụ, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Nhật Duật và tôi ra đời không được người đọc đón nhận như sách của Duyên Anh, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng hay Nguyễn Thị Thụy Vũ. Điều đó cũng dễ hiểu.”
Đợt đó, khi Huỳnh Phan Anh sang Pháp, Nguyễn Xuân Hoàng chỉ gặp lại bạn trong có 6 ngày ngắn ngủi. Hai lần đến và đi ở phi trường Charles de Gaulle, một lần duy nhất tại nhà một người bạn khác. Xuân Hoàng thấy lúc ấy Huỳnh Phan Anh vẫn như xưa, vẫn những đốm lửa không ngừng cháy sáng trên môi. Có gầy hơn, nhưng sau hơn 2 tháng sống tại Paris, lại đã hồng hào. Anh vẫn còn giữ nguyên đôi mắt của một người đam mê. Họ không nói gì nhiều với nhau, vì Huỳnh Phan Anh là một điển hình lặng lẽ, không ăn to nói lớn, không bao giờ nổi nóng, không giận hờn hay ghét bỏ ai. Tất cả những gì cần nhắc là chỉ quay quanh đời sống. Cuộc sống của những người ở tuổi như anh ngoảnh mặt nhìn lại những tháng ngày đã qua, để giật mình thấy sao quá nhiều biến cố dồn dập đổ xuống đời mình. Bóng tối nhiều hơn ánh sáng, thiên đường ít hơn địa ngục và hãi hùng khi thấy tuổi trẻ đã không còn ở với mình.
Phải, nếu Huỳnh Phan Anh không đi lạc vào văn chương, thì anh đã không phải quay cuồng như đã kể. Nhưng nếu anh cứ là một thầy giáo, thì những Chuông Gọi Hồn Ai của Hemingway, Lạc Lối Về của Boll, Khải Hoàn Môn của Remarque, Victor Hugo - Bí Ẩn Cuộc Đời của Maurois, Thế Giới Của Sophie của Gaarder, Tình Cuồng của Radiguet hay Hợp Tuyển Thơ Yves Bonnefoy đã không đến với người Sài Gòn yêu văn chương thế giới. Rồi tập thơ Rimbaud Toàn Tập, nếu Huỳnh Phan Anh không mang một tâm hồn và cảm thụ thi ca như một nhà thơ đích thực, thì đã không thể chuyển ngữ được những ý và lời thơ với ngôn ngữ đi trước thời đại hàng bao nhiêu năm ấy. Một con người trông hài hước với những câu nói sáng giá bất ngờ như thế nơi mọi cuộc trò chuyện; một con người luôn thấy cháy đỏ đốm thuốc lá sợi đen trên môi; một con người nhỏ nhẹ, khiêm tốn, chả bao giờ nói về mình dù chính mình đã có hàng chục nghìn trang dịch và viết tay đúng nghĩa khi không biết dùng máy tính. Con người không bao giờ chịu học lái xe gắn máy ấy, không xa rời hướng đã chọn suốt đời cầm bút của mình, ghét những gì vong bản và buộc phải ra đi, bây giờ đã ra đi thật. (6)
Tôi nhớ những nét chữ rất dễ đọc, chân phương mà đẹp, viết rất tốn giấy của anh khi chính anh chỉ viết được trên những trang bản thảo tự cắt cho bé khổ đi và chỉ có từ 10 – 12 hàng. Có lẽ, chính quãng thời gian không bị nợ đuổi khi ở Pháp rồi ở San José nữa, mới là quãng đời anh ít lo nghĩ nhất. Chỉ còn lo trả nợ chữ!
———
(1) Huỳnh Phan Anh tên thật là Huỳnh Thanh Tâm
(2) Phan Đình Phùng, quận 3
(3) Trần Quý Cáp, cũng quận 3
(4) Hồng Thập Tự, bên này quận 3, bên kia quận 1
(5) Bùi Chu, quận 1
(6) Huỳnh Phan Anh ra đi ngày 30/8/2020, ở tuổi 81