Họ phải thức từ 1-2 giờ sáng; có người sớm hơn, để cùng lặng lẽ lao vào dòng sống theo từng cách riêng của mình, không tranh phiên với ai, không giành chỗ của ai. Những người ấy đều thầm lặng nhưng lại làm ta có thể cảm động!
Chuyện cô Bích
Nơi ngã ba Bùi Viện - Cống Quỳnh, ở số nhà 276, từ 7-8 năm nay người ta quen thấy có một cái xe bán bánh nhỏ, ngày ngày, một người phụ nữ có tính cách nhuần nhị cứ 6 giờ sáng là lại đẩy nó ra đó. Xe ấy bán một thứ bánh đặc sản miền Tây, bây giờ trong cả thành phố rộng lớn này, thực sự không dễ tìm và mỗi lần cứ nhắc đến tên nó, là lại phải chẩy nước chân răng. Bánh Cóng.
Phải, là bánh Cóng. Thứ bánh của tỉnh Sóc Trăng, ăn với rau sống và rau thơm. Xà-lách, cải bẹ cay, tía-tô, rau húng, chỉ thế thôi, cùng nước mắm với thật nhiều đồ chua bào mỏng thành sợi và pha chua ngọt. Thứ bánh mà người ta ngỡ làm cứ tưởng dễ mà lại kỳ công. Đỗ xanh phải đồ chín; bột gạo phải pha đúng độ, không lỏng quá mà cũng không đặc quá; thịt xay phải chọn thứ mềm và thơm; và cuối cùng, con tôm cắm trên mặt bánh phải bóc nõn, nhưng để lại phần vỏ ở đuôi và khi cắm nó vào bánh thì phải cho cái đuôi ấy nhìn lên trời. Bột, từng muỗng cho nhè nhẹ vào một vật dụng trông giống như một cái ly bằng inox - Nhưng có tay cầm dài na ná một cái muôi mà cũng giống cả một cái vá - một lớp làm đáy bánh, phải đổ từ từ để phần đáy đó dầy vừa đủ. Rồi đến một lớp đỗ xanh, một lớp thịt xay, lại đổ bột lên lớp trên cùng làm mặt bánh và trong khi bột ấy vẫn còn lỏng, nhanh tay cắm con tôm bạc như đã nói vào đó. Tất cả đem đi rán vàng, nhiều nhất chỉ là ba cái một trong một lượt chảo. Khi bánh chín vàng, gác từng cái lên một cái giá thép bắc ngang một phần ba chảo, đợi khách đến mua. Không cao xa gì, không đắt đỏ gì, chỉ 15.000 đồng một chiếc. Người ăn khỏe như tôi thì chỉ 4 chiếc là no dù khi bánh ấy, hoàn chỉnh thì to chỉ bằng một cái cốc uống rượu. Bởi vì người ta phải ăn nó trong lúc còn nóng với rất nhiều rau, phải rất nhiều rau cùng cho nhúng vào chén nước mắm pha đúng mực.
Hôm 27 Tết vừa rồi, đúng 6 giờ 15 tôi đã lê la tại cái ngã ba đó, tìm đến đúng cái xe đó của cô Bích, mua 5 cái để đem về nhà, đặt lên bàn thờ bố mẹ tôi. Lúc bố tôi còn sống, ông không thích món ấy lắm nhưng mẹ tôi lại đặc biệt thích - Nên tôi lại phải cất công quay về khu chợ Xóm Chiếu để mua cho bố tôi thêm một chục bì cuốn nữa. Tôi thì thầm nói chuyện với bố mẹ tôi và mời bố mẹ tôi xơi quà sáng, vẫn như ngày nào. Tôi biết mẹ tôi, ở chốn nào xa ấy hẳn là đang phải thèm bánh cóng lắm, cũng như chắc chắn, bà luôn thèm món bánh khoai dân dã ngày xưa ở miền Bắc mà từ hơn hai mươi năm qua, tôi đi khắp nơi, tìm khắp chỗ trong cái thành phố bao la này, không bao giờ gặp lại nó dù trong thời thơ ấu của mình, tôi đã từng ăn nó, từ bàn tay mẹ mua cho, không biết bao nhiêu lần.
Trong lúc đứng mua bánh, tôi lẩn thẩn hỏi cô Bích là bao giờ cô nghỉ Tết, và bao giờ cô bán lại. Cô trả lời là hết đúng hôm 27 đó, cô sẽ nghỉ vì ở nhà cô, đến lúc ấy chưa hề dọn dẹp hay sắm sửa gì. Cô phải chuẩn bị cho nhà mình đón Tết ở đây đã, rồi đúng nửa đêm Mùng Hai, ngồi xe Phương Trang suốt 6 tiếng tất tưởi về quê ở chính Sóc Trăng, chỉ ở đó có 2 đêm, sáng Mùng Bốn lại quay về Sài Gòn, để chuẩn bị mua vật liệu, khuya Mùng Năm ở nhà làm bánh, sáng Mùng Sáu lại đẩy xe ra cái ngã ba này. Cô Bích nói, món bánh này là từ nghề gia truyền của ông bà ngoại, cô biết làm từ rất lâu rồi, khi còn con gái, nhưng mãi đến gần đây, nhà có vất vả về chuyện tiền nong, cô mới đẩy xe ra vỉa hè, và “sống được.” Một ngày của cô bắt đầu bao giờ cũng từ 1 giờ rưỡi sáng, khi chồng con mình còn đang ngủ ngon - Mà con gái cô nay đã hơn đôi mươi rồi - thì cô đã phải choàng dậy, bắt đầu lựa đỗ xanh, luộc, để ráo và chờ nguội. Trong khi đó thì tự tay mình pha nước mắm, bào đồ chua, xay thịt và xào khẽ trước một lượt. Rồi cô rón rén đi ra, 3 giờ sáng xách xe chạy sang chợ Xóm Chiếu, trăm ngày như một, chọn mua mớ rau tươi đầu ngày và quay về, lèn tất cả mọi thứ vào cái tủ kính của xe bánh.
Khi nghe tôi hỏi, tại sao nhà cô gần chợ Thái Bình có mấy bước chân như thế, lại không mua rau thơm ở đó cho gần mà lại phải vất vả qua cầu Ông Lãnh, tìm vào chợ Xóm Chiếu làm gì. Cô cười và đáp, bởi vì rau chợ Thái Bình đắt hơn nhiều và cũng bởi vì, chính người bán rau chợ Thái Bình cũng phải sang chợ Xóm Chiếu lấy hàng. Tôi phải nhìn nhận cô đúng bởi vì rau ăn kèm bánh của cô luôn tươi rói, xanh mướt, và bao giờ cô cũng cho khách rất hậu hĩnh, nhà tôi ăn không hết thì cái cô bé Yến giúp việc lại xin về, ăn ở nhà. Tía-tô ra tía-tô, từng lá to bằng lòng bàn tay người, rau diếp hay rau cải bẹ cay đều to bằng đùi người, và phải to như thế thì mới đủ rộng để cuốn từng nửa cái bánh cóng vào trong, chấm vào bát nước mắm thơm. Và tôi cũng hiểu, tại sao cô không cho ai trong gia đình mình, kể cả con gái cô, giúp cô làm bánh, vì họ sẽ không làm vừa ý cô.
Chuyện chị Phượng
Câu chuyện đi mua rau vào giấc đêm của cô Bích, làm tôi nhớ đến câu chuyện cũng phải thức đêm từ trước 1 giờ sáng, để làm cơm Tấm của chị Phượng.
Cô Bích khoảng 45 tuổi thì chị Phượng phải 70. Ngày xưa, khi các con tôi còn đi học cấp II ở trường Nguyễn Du thì chúng nó đã ăn cơm Tấm của chị đến mòn cả thìa; bây giờ, chúng nó đã ba mươi tuổi, đúng tam thập nhi lập, tôi vẫn mua cơm Tấm của chị Phượng về cho gia đình vào mỗi bữa ăn sáng. Tôi ăn thứ món ngon đó của chị từ lúc, như lời chị kể, nhà chị còn nằm ở khu Tân Sơn Nhì thuộc quận Tân Bình, trước khi có thêm quận Tân Phú. Bây giờ, chị và gia đình dọn về khu Tôn Đản, nhưng cái hàng cơm Tấm đó vẫn y nguyên.
Nó vẫn ở mặt tiền đường Gia Long, bây giờ là Lý Tự Trọng, như ngày nào. Nó vẫn nằm nơi căn nhà bé tí tẹo ở sát cửa rạp Long Phụng chuyên chiếu phim Ấn Độ ngày cũ. Nó vẫn chỉ có các món quen thuộc như cơm Sườn Bì Chả, cơm Ớp-pla, cơm Trứng vịt kho và cơm Chả cá. Nhưng nó vẫn giữ nguyên cái mùi vị ấy, không đổi một chút nào và để được như thế, chị Phượng phải lấy đêm làm ngày.
Cô Bích đi ngủ lúc 8 giờ tối để còn sức đãi đỗ xanh vào 1 giờ sáng; chị Phượng ngủ sớm hơn, vì chị phải đi mua thịt vào lúc còn sớm hơn cả giấc ấy, mà đi rất xa, có khi tới tận chợ đầu mối Bình Điền, đi về đã hết 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Về phải nhanh, để còn kịp thái thịt nạc ra thành một đĩa to, làm bì nạc, rồi nướng thịt sườn đủ loại trên lửa liu riu, và 2 giờ sáng thì sẽ có đợt khách đầu tiên đến.
Chị Phượng bán loại cơm Tấm không phải “cơm đêm” mà 10 giờ đêm người ta mới bắt đầu dọn hàng ra. Chị bán “cơm ngày,” nhưng phải đi mua vật liệu ngay trong đêm bởi vì khách của chị là lui tới từ 2 giờ sáng trở đi đến 9 giờ sáng, chị đã đóng cửa. Họ là những thanh niên phụ việc trong các quán bar, trong các quán karaoke, luôn hết lượt khách cuối cùng vào 1-2 giờ sáng. Họ là những dân nhậu, ngồi tới mềm người, trước khi quay về nhà vẫn nhớ ra mình cần tìm một cái gì đó bỏ bụng. Họ là những tài-xế taxi chạy đêm. Họ là những cô gái tô son, mệt mỏi sau một tối quá dài. Có nhiều đêm, chị Phượng bán đắt hàng cho những vị khách thuộc nửa đêm về sáng ấy đến mức, khi tôi đến đó dù rất sớm, chỉ 6 giờ sáng, khay thịt nướng của chị chuẩn bị từ vài tiếng trước đó đã gần như không còn gì. Và ít ra một đôi lần, tôi đã gặp một người bạn cũ, là Trần Tấn Ngô, từng làm giám đốc công ty Phát hành Sách miền Nam, ở đó và chắc chắn anh ta đã phải ăn cơm của chị Phượng từ trước 6 giờ.
Cái công mà chị Phượng, hay cô Bích, vất vả bỏ ra để chuẩn bị từ đêm cho giấc bán hàng sáng của mình, dẫu người này mấy chục năm, hay người kia chỉ mấy năm, đã không uổng phí. Tôi lại nhớ lan man sang cô Vân bán sữa Đậu nành.
Chuyện cô Vân
Tôi chỉ không hiểu một điều, nhưng đó lại là điều chắc chắn cốt yếu: Tại sao cô Vân đang ở một ngôi nhà to đến vậy, ngang 7-8m, dài 17-18m, cao 5 tầng, ngay mặt tiền đường Tôn Thất Thuyết và nằm gọn trong ngôi chợ cùng tên mà ngày ngày, cô vẫn lại phải cầy cục dậy sớm từ 2 giờ, chuẩn bị cho buổi bán sữa Đậu nành của mình, chỉ 5.000 đồng cho mỗi bịch ny-lông, và cũng chỉ 6.000 đồng cho mỗi chai nửa lít?
Chồng cô cho tôi biết, ngày xưa ở đó là căn nhà 2 gian của ông bà nội trong gia đình, trệt, trước có cái sân gạch, hàng rào cũng bằng gạch, xây có trụ làm cột đỡ cho cánh cổng sắt dễ đến hơn trăm năm. Khi người già trong nhà lần lượt ra đi hết cả, vợ chồng cô Vân cũng là lúc gom đủ tiền, cất nó lên thành nhà cao tầng như bây giờ. Mặt tiền, bề ngang cô bầy bàn bán sữa Đậu nành không hết, bên kia, chồng cô cho một cửa hàng bán và sửa điện thoại di động đến thuê. Tôi nghĩ, chắc là thời buổi khó khăn dần, nên cô đã phải dậy sớm, kiếm từng đồng bạc lẻ qua hàng sữa do chính tay cô chế biến.
Lọc và ngâm đậu, nấu, lại lọc, một mình cô Vân lặng lẽ cho ra đời từng mẻ sữa ngon, không đường, ngậy và nóng bỏng lưỡi. Quanh đó, bạn hàng ai cũng uống sữa do cô nấu; hàng xóm ngoài mặt đường, và cả trong hẻm sâu, ngày ngày, cũng tìm ra đó để mua về hoặc ngồi uống tại chỗ. Đàn ông, trẻ già, nhiều người đã không uống cà-phê sáng, mà uống sữa Đậu nành ấy, bên điếu thuốc đầu ngày, thành thói quen rồi.
Tôi đã không bao giờ tọc mạch, tại sao cô ở nhà to mà lại cực thân nhặt tiền hào. Tôi thắc mắc, nhưng tôi đã biết câu trả lời. Bởi vì qua một số câu chuyện khác mà tôi đã vô tình trở thành người nghe - Chắc có lẽ các bà, các cô bán hàng nhìn thấy nơi bản mặt tôi một cái vẻ gì đó là tin cậy được của một thằng đàn ông quen đi chợ thay vợ - để họ cứ hồn nhiên trút vào tôi mọi nỗi niềm từ công việc của họ, từ gia đình chồng con của họ, tôi đã nghiệm ra tại sao họ phải đi trong đêm. Âm thầm dậy sớm, quá sớm là đằng khác, ngồi vào căn bếp nhỏ của mình, người đãi đậu, người thái thịt, người nấu đường.
Chị em cô Nhung bán bánh ướt trên đường Hoàng Diệu, có nhà mặt tiền con đường lớn đó, cho thuê mỗi tháng 8 triệu - Một con số quá khiêm tốn! - vẫn phải ngày ngày đi bán bánh nơi cái gốc cây cách nhà mình khoảng 50m. Chỉ mấy ngày Tết, họ mới được bán bánh ngay trước cửa ngôi nhà của chính mình bởi vì khi đó, số người thuê nhà họ để mở cửa hàng bán điện thoại kia đã về quê hết. Rồi cô Ánh bán chè, con cái trong nhà ở riêng hết cả, chồng thì đi theo người khác, còn một mình, ngày ngày vẫn lặng lẽ dậy từ 1 giờ để nấu khoảng 14 - 15 món chè khác nhau - Trong đó, có món chè đỗ đen và chè thưng mà mẹ tôi rất thích. Cậu Tâm tiệm bánh mì Sáu Minh nổi tiếng khu Võ Văn Tần, mấy chục năm, đêm nào cũng dậy để cắt thịt, nấu khìa, sáng ra kịp có món mới từ 5 giờ. Rồi hai chị em chị Nga bán bánh cuốn trên đường Nguyễn Minh Chiếu, bây giờ là Nguyễn Trọng Tuyển. Chị em cô Hương bán hủ tíu trong hẻm 178 Phan Đăng Lưu. Cô bé bán bánh Tằm nơi khu chung cư Đỗ Thành Nhân, bây giờ là Đoàn Văn Bơ, bụng chửa vươt mặt đến tháng thứ chín mà không chịu nghỉ vì tham công tiếc việc. Chị em cô Loan và cô Diễm bán món mì Gà quay trên đường Bà Hạt. Cô chủ xe bánh mì 61 Đặng Dung, anh Hùng bán bún bò trứ danh trong con ngõ nằm cạnh bệnh viện K trên đường Nơ Trang Long, gần hơn cả là gia đình bà chủ tiệm phở Cầu Dừa, gần nhà tôi.
… Họ đều đi trong đêm. Họ phải đi trong đêm để kịp có cái của ngon mang đến cho chúng ta vào giấc điểm tâm. Họ không làm việc gì lớn lao cả. Họ chỉ tùy vào sức của mình. Họ lặng lẽ, âm thầm làm nên một góc nhỏ của cuộc sống cứ chạy đi hối hả nơi thành phố đang chật đi dần dần này.