TRỊNH ANH KHÔI - Trôi đi, những tháng ngày

07 Tháng Tám 20247:15 SA(Xem: 252)
TRỊNH ANH KHÔI - Trôi đi, những tháng ngày

 

Ngày tôi còn bé, chưa đến 10 tuổi, những lúc mình không phải đến trường thì mẹ tôi lại đưa tôi ra chợ suốt cả buổi để trông – Vì bố tôi đi làm suốt ngày. Bà vất vả lắm, vừa lo bán hàng cho khách, vừa phải nhìn ngó hai thằng con trai lúc ấy còn lau nhau, chân tay cứ ngọ nguậy không lúc nào yên. Mà nhiều năm…

 

... Tuổi thơ tôi, tại khu chợ ấy, là xen kẽ những màn rượt đuổi vã mồ hôi trán với lũ con trai của các bà bạn hàng ngồi gần sạp mẹ tôi, và những lúc hể hả ngồi thưởng thức đĩa cơm Sườn bì chả của chị Lai bán cho mẹ tôi vào giấc trưa - Không hiểu sao lại ngon đến thế. Còn là những ly Sương sâm hay Sương sáo của chị Thanh mắt lác, con bà Hiệu có sạp chè nằm đầu dãy hàng ăn phía sau lưng hàng vải, hay là tô cháo Cá giò luộc quá thơm và nóng đến nhớ đời của bà Sáu ngồi cuối dãy đó, và cả những đĩa bánh Tằm có kèm miếng bánh Củ cải chan nước dừa miễn chỗ chê của bà Thi người Thủ Đức. Nó còn là những buổi lang thang đi từ hết sạp này đến sạp khác ở các khu hàng sáo, hàng tạp hóa, hàng bán va-li và hàng da, loanh quanh chỗ mẹ tôi ngồi. Cứ nghếch mắt nhìn lên, tôi còn nhớ, không hiểu sao tất cả tên các sạp hàng ở chợ lúc đó, quãng những năm 1960, lại cứ phải giống nhau ở chỗ có cái chữ “Tân” đứng phía trước – Ví dụ, sạp vải mẹ tôi là “Tân Hòa”, sạp cô Ba Nhu ngồi trước mặt bà và chuyên bán nón lá là “Tân Mỹ”, sạp mỹ phẩm của cô Cúc là “Tân Hương”, hoặc sạp của bà Cường chỉ chuyên bán guốc và đóng guốc là “Tân Cường”.

LangGieng 01 copy
Trường Pháp Saint-Exupéry, 1963, ngã tư Ngô Thời Nhiệm - Đoàn Thị Điểm. Nơi người viết học các năm Sixième và Cinquième (Lớp 6 và lớp 7) ở đó, trước khi chuyển sang học Quatrième (Lớp 8) tại Marie Curie. (Hình tác giả cung cấp


 

Mấy bà bạn hàng của mẹ tôi, coi tưởng đâu thường thường vậy, mà hóa ra có gia đình rất oách. Chẳng hạn như cô Lã Loan ngồi cách mẹ tôi mấy sạp, bằng tuổi mẹ mà vẫn bắt tôi phải gọi bà là “cô” cho bà nghe có vẻ trẻ hơn và chính bà ấy vẫn gọi mẹ tôi bằng “chị” và xưng “em”. Cô Loan có chồng là phi công lái chiến đấu cơ hồi chế độ cũ, mãi tới khi cô hơn 40 tuổi hai người mới thành hôn, và sau này có hai con trai, nhỏ hơn tôi khá nhiều mà một người đã trở thành đồng nghiệp, làm cho một tờ báo chuyên ngành thể thao. Hay cô Hải cũng bán vải, ngồi chếch sạp mẹ tôi, có chồng là thiếu tá Thủy quân Lục chiến; và bác Năm bán nón lá ngồi gần đó có anh ruột bà chính là linh mục Thanh Lãng, tiến sĩ văn chương và là giảng viên Đại học Văn Khoa. Chỉ duy nhất mỗi mẹ tôi là có chồng làm nhà văn, lại đi làm cho Phủ Tổng thống…

 

Những người đàn bà cam phận bán buôn suốt đời lúc đó để lo đỡ kế sinh nhai cho chồng và có khi còn phải nuôi ngược chồng, vì nhà đông con, hay vì gần như tất cả những người cha làm trụ cột gia đình ấy, trông bảnh thế mà lương vừa thấp, lại vừa cứ mất mặt suốt nhiều ngày tháng dài, ngoài mặt trận.

 

Gần như tất cả những con người ấy, nay đều đã về cõi khác – Dù không ít người nhỏ tuổi hơn mẹ tôi nhiều. Hai người sống lâu nhất nếu còn đây chỉ có chính mẹ tôi, và bà Cường đóng guốc - Một người 94, một người 96. Kỷ niệm về họ nơi chuỗi năm tháng cũ, cả về ngôi chợ đó, đã mờ nhạt đi dần dần dẫu ngày ngày, tới tận giờ tôi vẫn chạy xe qua nó. Khu chợ ngày nào nay đã được cất lại sau nhiều lần, mỗi lần cất là mỗi lần mẹ tôi phải vất vả tìm chỗ ngồi ghé tạm đâu đó nơi những ngôi nhà nằm ngay trong hẻm chợ - Nhà bà Kim Hoa bán vàng hay nhà bà Hai Căn bán tạp hóa, chẳng hạn.

 

Tôi thương mẹ tôi cứ mỗi lúc lại mỗi bạc tóc thêm, tới mức khi bà chỉ mới có 45 Xuân mà vì lo nghĩ đủ thứ, đã bạc trắng cả nửa đầu. Tôi không còn thấy những người ngồi cùng mẹ tôi nơi dãy sạp vừa kể đó nữa, vì họ bị sắp xếp lại, phải đi chỗ khác mà bán theo chỗ mới. Tôi cũng không còn thấy cả dãy hàng ăn trong tuổi thơ mình ngày nào và dường như, mãi tới bây giờ, ngôi chợ đó vẫn là duy nhất ở cả thành phố này, từ chỗ có một dãy hàng ăn ngồi tập trung tử tế mà đã bị xóa mất - Các sạp ấy bị tán lạc vào các con hẻm chi chít nằm đâm vào lườn ngôi nhà lồng khổng lồ bao lấy chợ. Muốn ăn Chả giò thì phải nhớ chị Hà tóc ngắn ngồi ở đâu; muốn ăn cơm trưa thì phải nhớ vợ chồng ông Danh và bà Nga ngồi ở đâu; muốn ăn Bò kho hay Cà-ri bánh mì thì phải nhớ chị Hiếu nấu hai món béo ngậy đó ngồi đâu… Nhưng mấy chục năm qua rồi, chuyện bất tiện ấy vẫn không thấy thay đổi - Ăn uống ở chợ Vườn Chuối từ nhiều năm, là không bao giờ gặp một khu hàng ăn có vị trí thống nhất, mà người ta phải đi rạc chân khắp nơi để tìm. Thậm chí muốn ăn tô phở Đuôi bò nức danh khu đó, bố tôi phải ngày ngày đi đến cuối đường Vườn Chuối, gần ngã ba Phan Thanh Giản trước khi nó trở thành Điện Biên Phủ.

 

Những kỷ niệm chạy từ lòng chợ ra tới ngoài đường lộ, Phan Đình Phùng. Ông cụ ngồi bán những lồng Dế, lồng Cánh cam và Bọ cánh cứng nhiều mầu bên kia đường, đã biến mất từ lúc nào không rõ. Một ông cụ khác ngồi bán bạt ngàn thứ “truyện tranh nhảm nhí” – Như lời bố tôi – gồm Chú Thoòng, Tiểu Lưu Manh Trần Tú Hoành, Con Quỷ Truyền Kiếp, Con Quỷ Một Giò... là những cái tựa rất khác với các tựa truyện tranh Pháp mà tôi là thằng nhóc học trường Tây Aurore của bà hiệu trưởng Ngô Thị Chi vốn dĩ quen đọc, nay cũng cứ thích lây rồi mê mẩn; ông ấy cũng đi đâu mất dạng. Cái tiệm tạp hóa nho nhỏ từ lúc đầu, sau cất thành tòa nhà 6 tầng vẫn bán tạp hóa, của gia đình ảo thuật gia Z-27 nổi danh, cũng tự dưng trở thành một phần quá khứ.

LangGieng 02 copy
Sửa xe gắn máy nơi góc phố. (Hình tác gỉa cung cấp)

 

Chúng trôi vào miền quên lãng như là tiệm sách Thanh Bình nằm chếch với trường Aurore ngày xưa – Còn gọi là trường Rạng Đông của bà Chi và em trai bà, là thầy Ngô Tuấn nổi tiếng đánh dữ đòn, làm tổng giám thị. Tiệm sách đó nhỏ thôi, nhưng nó vẫn làm tôi nhớ vì những hộp chì mầu nhãn Soleil mới cứng nằm sắp hàng ngoan ngoãn trong cái tủ kính với khung gỗ nâu, lúc nào cũng làm tôi ứa nước bọt như thèm kem Esquimeau mỗi lần bố tôi dắt tôi vào đó để mua các bao vở bằng giấy thủ công nhiều mầu, phải cho lồng vào các bao vở ngoài khác bằng nhựa trong, để bọc từng quyển vở Olympic có bảng cửu chương in trên bìa chót. Tiệm Thanh Bình càng gợi nhớ cho tôi tiệm Đức Quang bán đồ chơi chạy pin nằm phía bên này đường, cùng dãy với trường cũ, mà trong nó giữa những hỏa tiễn, xe lửa hay xe cứu hỏa, có một món đồ chơi đến chết tôi vẫn còn mê cho mãi tới bây giờ già bạc đầu vẫn chưa mua được, dù lúc ấy nó là của những năm 1960:

 

Chiếc Batmobile có 2 cửa của nhân vật Người Dơi do Adam West thủ vai trên truyền hình Mỹ.

 

Nhớ cả tới tiệm cho thuê sách Cảnh Hưng cao 6 tầng chứa bao nhiêu là sách mới cũ trong đó mà bố tôi rất ghét nó vì ông cho rằng, những tiệm cho thuê sách ấy chính là những kẻ giết các nhà văn không chút thương tiếc và quả thật, bao nhiêu tác phẩm bố tôi in ra, chẳng lâu sau đều thấy bọc giấy dầu trong tiệm Cảnh Hưng cả. Thế mà, đâu chỉ một hai tuần trước 30/4, mẹ tôi còn “dám” ra tới đó theo lời mời của bà chủ tiệm – Không hiểu sao trông bà ấy rất giống nữ diễn viên cải lương Út Bạch Lan nổi tiếng – để bê mấy giỏ sách của Kim Dung, của Nguyễn Hiến Lê, của Nhất Linh, Duyên Anh hay Nguyễn Mạnh Côn… mà người ta bán tống bán tháo về nhà mình!

 

… Tôi nhớ tới một cô giáo của trường Aurore, lúc đó là cô Bằng, còn có tên nghệ sĩ là Đỗ Anh mà rất lạ ở chỗ, chính mẹ tôi cho tôi biết, thuở đó cô còn là kịch sĩ, vẫn đóng những vai nhỏ trong các vở kịch trên TV của ban kịch Sống của bà Túy Hồng. Rồi cô Ngọc Phi, dạy lớp Ba, có biệt tài viết chữ trên bảng đẹp và đều tăm tắp tới mức cứ tưởng những nét chữ ấy là được in từ khuôn ra chứ không phải được nắn nót từ tay người. Rồi cô Thái Hương dạy lớp Năm, một chiều mưa tầm tã, vẫn kiên quyết chạy xe sang hai trường Pétrus Ký và trường Saint-Exupéry nằm ở hai đầu khác nhau, một ở Ngô Thời Nhiệm, một ở Cộng Hòa, để lấy danh sách các học trò do chính mình dạy trong lớp, đã đỗ vào hai trường đó. Tôi còn nhớ lúc đó, môi cô thấy tím tái đi vì mưa lạnh nhưng lòng tôi lại vui như mở hội vì tên mình, từ Aurore đi thi, đã đỗ vào Saint-Ex. Tôi nhớ cả những cái tên, Lê Thị Đạt là con gái bà chủ tiệm bánh mì Hà Nội trên phố Nguyễn Thiện Thuật, và Trần Thu Trang, con gái bà chủ Bảo Hiên Rồng Vàng trên phố Gia Long… - Hay Trương Kim Long là cháu ruột cô Diệu Lan dạy Pháp văn xuất chúng, mà cậu ta cũng là cháu của bà luật sư Nguyễn Phước Đại, là chị cả của cô Lan và mấy cô khác nữa.

 

… Rồi tới giai đoạn đánh Tư sản. Năm 1977, nhà tôi bị đóng chốt cả 15 ngày với 4 thanh niên từ phường xuống cùng dân phòng, họ ngủ ngổn ngang ngay trên nền gạch chỉ vì mẹ tôi có cái sạp vải to nhất chợ và nằm ngay số 1D dãy nhà lồng. Mười lăm ngày đó là 15 ngày hai anh em tôi cứ ra khỏi nhà để đi học nốt một hai năm cuối thường phải đi tay không, vì hễ cứ mang túi xách ra ngoài là chắc chắn sẽ bị gọi lại, rồi tay người ta cứ nôn nóng, hối hả thọc vào bên trong để xem chúng tôi có mang tiền hay vàng đi giấu ở đâu khác không… Mười lăm ngày đó, hàng đêm bố tôi phải trèo lên cái gian gác trống chỉ cao có 40cm nằm giữa lớp trần bằng ván ép và lớp mái tôn nóng hầm hập, mà phải trèo như thế trong ánh mắt canh chừng của mẹ tôi lúc 3 giờ sáng khi tất cả những người gác đó đã ngủ say, để rón rén cất chút ít tiền mà mẹ tôi bán được trong ngày vào một cái hộp bánh quy.

 

Tôi vĩnh biệt những ngày cũ nơi khu chợ tuổi thơ và con phố tuổi thơ khi mình bắt đầu du học, và khi mình phải trở về, đúng vào những ngày mà cả nửa thành phố bỏ đi, để thấy gia đình mình phải oằn lưng và nghiến răng chịu đựng những đòn roi của cuộc thay đổi. Mâm cơm hàng tối nay có thêm những củ sắn ném vào nồi, mà nửa nồi đã là gạo đỏ quạch. Tôi bắt đầu thấy bố tôi ngày ngày ngồi sạng chân kiên nhẫn trên ban-công nắng, cắm cúi nhặt những hạt Tấm nằm lẫn chi chít trong các rổ gạo không còn màu trắng tinh tươm như từ lúc trước. Tôi bắt đầu biết nhằn những thứ hạt không tên, còn sót ít nhiều trong ngay bát cơm dứt khoát đã nấu chín của mình. Tôi bắt đầu thấy những con Mọt bò lổm ngổm trong thạp gạo nhà mình. Và tôi dần nghe thấy lời mẹ tôi thì thầm với bố tôi về tin hôm nay có người này mất trong trại học tập cải tạo, rồi ngày mai, là tới phiên người kia bỏ nhà đi đâu đó vì gia đình họ ly tán. Tôi bắt đầu biết chơi với lũ thanh niên lêu lổng sống cùng xóm mà trước kia, do vùi đầu vào học và bởi vì mình từng du học, nên chẳng bao giờ tôi để ý đến họ. Tôi bắt đầu lây thói văng tục và chửi đổng…

LangGieng 03 copy


Hàng Quân tiếp vụ bầy bán tại chợ Cũ, Tôn Thất Đạm. (Hình tác gỉa cung cấp)

 

 

Ông Thuấn chồng cô Lã Loan kể trên rồi cũng lấy người vợ khác trẻ hơn, mà nhà giàu hơn dưới miền Tây – Dân phi công thì hẳn phải đào hoa rồi! – và ông ấy cũng có con dòng khác từ bao lâu mà mãi về sau, cô mới phát hiện. Cô giận chồng quá nên đã khai sinh lại họ tên cho cả hai thằng con, lấy họ của cô là họ Lã, và cô cứ ở vậy mà nuôi hai em ấy khôn lớn để nên người. Câu chuyện của cô làm tôi nhớ lây sang chuyện cô Hòa “lùn” cũng bán vải gần sạp mẹ tôi; người ta phải phân biệt gọi mẹ tôi là “Hòa lớn”, còn cô ấy do thua mẹ tôi 8 tuổi là “Hòa nhỏ”.

 

Cô “Hòa nhỏ” rất xinh, xinh tới mức có thể nói, cùng mẹ tôi là 2 người đàn bà đẹp nhất chợ. Cô ấy có tới 7-8 người con trai và chỉ một con gái út mà sau 1975, khi gia đình cô gặp biến cố do chồng cô phải đi cải tạo, cô đã can đảm và âm thầm lo cho cả 7 con trai mình đi Mỹ qua con đường thuyền nhân thành công. Họ sang đó, về sau đều có công ăn việc làm ổn định, còn cô ở lại với cô con gái út, chờ đoàn tụ theo dạng được con trai bảo lãnh - Mà chuyện ấy cũng đã xong xuôi lâu rồi, từ cách đây 20 năm.

 

… Thời buổi khó khăn lắm, mẹ tôi gần như mất tất cả, khi chính bà ngoại tôi rất giàu mà lại từ chối không giúp mẹ tôi trong khi chính mẹ cô “Hòa nhỏ” ấy, lại gọi mẹ tôi tới, đưa cho 5.000 đồng vốn rất khá hồi ấy để cho bà có điều kiện làm lại từ đầu. Rồi khi mẹ tôi, 6 tháng sau trả xong nợ ấy, chính cô “Hòa nhỏ” đã nằn nì mẹ tôi, hãy giao tôi cho cô ấy làm con rể, mà bất kể con gái cô ấy tên là Huyền quá xinh, xinh như ngọc, mẹ tôi vẫn lắc. Ai mà giao con mình đi cho đành, dù khi ấy nó đã hơn đôi mươi, và được hứa là sẽ cho đi cùng các gã “anh vợ tương lai”, lên thuyền vượt biển?

 

Giá như ngày ấy mẹ tôi gật - Chứ không phải bố tôi vì lúc đó ông còn đang phải đối phó tơi bời với bao thứ mà địa phương cứ gây khó khăn khác để tồn tại - Dù chỉ với bất cứ một ai đó trong số những bà Cảnh Hưng, cô “Hòa nhỏ”, cô Mỹ bán vàng hay thậm chí là bà Phoóng người Tàu bán chạp-phô, mọi thứ có lẽ đã khác… Những tháng ngày ấy, chúng chứng minh cho những thứ lý lẽ mà chỉ có chính người trong cuộc mới biết, tại sao mình đã lựa chọn, dù rất không muốn!

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Chín 20249:22 SA(Xem: 23)
Ngược dòng. Tôi ngược dòng trận đại hồng thủy và loạt vỡ núi kinh dị trong lịch sử khí hậu Việt Nam...
07 Tháng Chín 20249:21 SA(Xem: 108)
hãy nghĩ về những ngọt ngào thú vị ngày xưa
31 Tháng Tám 20248:20 SA(Xem: 135)
Ước gì có ai vẽ được linh hồn của những giọt mưa!
21 Tháng Tám 20245:08 CH(Xem: 222)
Phán quan để tập giấy trắng xuống trước mặt tôi.
14 Tháng Tám 20247:13 SA(Xem: 245)
Thành thử anh Bình Định hấp dẫn, đầu đuôi chỉ vì một lối di dân nhì nhằng.
31 Tháng Bảy 20247:01 SA(Xem: 819)
Họ phải thức từ 1-2 giờ sáng; có người sớm hơn, để cùng lặng lẽ lao vào dòng sống theo từng cách riêng của mình,
24 Tháng Bảy 202410:20 SA(Xem: 428)
Chợt nghe hơi thở dịu dàng trong giai điệu thổn thức ngọt ngào mà xa vắng Je ne suis que de l'amour… Bài hát tôi từng nghe chiều nay trong quán cafe ở phố Hàng Bạc...
17 Tháng Bảy 202411:22 SA(Xem: 654)
Tôi vừa buông tay ra thì ông ngừng thở. Ông chết nhẹ nhàng như gấp lại một cuốn sách. Tính ra, ông đã để tang cho sách đúng một trăm ngày.
07 Tháng Sáu 20248:55 SA(Xem: 928)
Những ngày sau, rồi những ngày sau nữa, tôi không gặp lại anh ta. Tôi vẫn đều đặn ngồi uống cà phê chỗ công-tơ, ngồi một mình. Cà phê quán này làm như không còn ngon như trước...
30 Tháng Năm 20248:20 SA(Xem: 1846)
Khi nàng đứng dậy thì ông lão đã qua đời. Bình minh cháy đỏ ngoài cửa sổ và trong ánh sáng ban mai, khu vườn đã phủ đầy hoa tuyết ướt.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 20499)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15379)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17201)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 9898)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18294)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 4777)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1546)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2050)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1949)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23286)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 19835)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8630)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9642)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9099)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11982)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31526)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21404)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26330)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 23758)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22537)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 20648)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18792)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19935)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17543)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16666)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25538)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 32897)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35477)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,