Em đi trăm núi nghìn sông
Nào tìm thấy lá diêu bông bao giờ…
(Lá diêu bông - Hoàng Cầm)
Người đàn bà bắt đầu đi nhặt lá từ sau sinh nhật bốn mươi tuổi. Như một cái duyên, chiếc lá vàng rơi đúng xuống những ngọn nến cắm trên bánh, cháy hực lên. Mấy đứa bé vỗ tay reo cười. Người đàn ông nhíu mày, cho là điềm gở. Còn người đàn bà, dửng dưng, xem điều đó ngẫu nhiên. Chớm thu. Trời nắng đẹp. Buổi tiệc sinh nhật ngoài trời. Một chiếc lá khô, gặp lửa, cháy. Có gì để vui? Có gì phải lo lắng?
Nhưng rồi trong đêm, hình ảnh chiếc lá co rúm lại, những vết nám loang dần rồi hở toác ra cùng lửa và khói khét cứ ám lấy người đàn bà. Đáng lẽ đám tro than ấy phải rơi lả tả xuống mặt bánh để chồng con người đàn bà xúm lại thổi, hớt, thì chúng vụt xoè ra như một bàn tay xanh ngắt đầy sức sống, rồi úa, rồi cháy, rồi lại phục sinh. Vòng luân hồi của chiếc lá xoay càng lúc càng nhanh, giấc mơ của người đàn bà chóng mặt ngã xấp xuống mặt nệm nồng hương da thịt và ướt đầm mồ hôi.
Trời rạng sáng. Người đàn bà rời bỏ giấc mơ về chiếc lá, bước vào đời sống thực. Nhưng đã không còn là đời sống thường nhật của một lũ ngày tháng y khuôn đúc. Bây giờ là ngày đầu tiên của tuổi bốn mươi mốt, là buổi sáng đầu tiên sau giấc mơ của chiếc lá – phượng hoàng phục sinh từ tro than. Người đàn bà chợt tìm ra công việc cho đời sống tẻ lạnh của mình: đi nhặt lá.
Những chiếc lá đầu tiên được gom lại từ vườn nhà. Lá hồng ba nhánh răng cưa, lá cúc rách đều đặn, lá tre nham nhám, lá mimosa lăn tăn. Nhưng người đàn bà thích nhất những lá nho dại. Mỗi lần gió lớn, một loạt lá rơi, để lộ mảng tường đen bẩn. Người đàn bà chạy tuôn ra, nhặt lấy nhặt để, so sánh, lựa chọn. Đến cuối mùa thu, mảng tường xanh lá đầu hạ chỉ còn lại những thân rễ bám ngoằn ngoèo và vài chùm quả teo tóp, nhưng người đàn bà đã có trong bộ sưu tập của mình hơn hai mươi chiếc lá nho dại, với một gam màu trải rộng từ xanh đậm qua vàng nâu cam đến đỏ bầm. Người đàn bà dán những chiếc lá đã được ép thẳng thớm ấy vào một mảnh bìa cứng, lồng kính rồi treo nơi phòng khách. Như để tự khẳng định. Như tiếng còi bắt đầu một trò chơi lớn.
Những mùa thu sau, người đàn bà đi xa hơn vườn nhà, đem về nhiều chiếc lá ngộ nghĩnh. Lá dẻ nhặt ở công viên, lá sồi nhặt nơi bìa rừng. Những chiếc lá có lông mịn trên phiến, có gai nhọn nổi nơi gân, có dấu vết gặm nhấm của loài sâu, có những hầm hào ngoằn ngoèo của giống rệp. Những chiếc lá không còn chất sống được người đàn bà cẩn thận sắp xếp theo giống loài, ghi tên họ, ngày chết, nơi qua đời. Chúng đột nhiên trở nên quan trọng, sang cả đẹp đẽ sau lần giấy bóng kính, nằm ngay ngắn trong cuốn album bìa đỏ gáy mạ vàng, trong khi anh em cùng lứa đã mục rữa trong đất ẩm sau mấy tháng mùa đông…
Nhiều mùa thu nữa trôi qua, người đàn bà đã có dịp trở về những nơi chốn kỷ niệm, cầm trên tay chiếc lá bàng đỏ ối thuở mẹ sai đi nhặt về đun bếp. Cây bàng già rũ theo năm tháng, nhưng người đàn bà lại thấy tuổi thơ của mình hiện ra tươi tắn, quẩn quanh dưới gốc. Lò cò, ô ăn quan, rồng rắn, đánh đũa, nhảy dây. Những lá bàng xanh xoè ra như quạt nan che nắng. Những lá bàng đỏ khô nẻ nổ lốp bốp trong bếp, khói hăng cay hắt hơi chảy mũi. Lá bàng cắt đôi làm tiền mua, lá bàng thái nhỏ để bán quán. Vô tư đã ở lại với những lá bàng. Người đàn bà tiếc nuối và chảy nước mắt.
Xuôi nam. Thơ ấu lớn dần lên, tóc mềm hơn, áo dài guốc mộc đạp xe đến trường. Đó là thời của lá me, lăn tăn vàng rơi xuống bám đầy lên tóc rối. Đó là thời của tình yêu học trò, của sách đèn, phấn bảng. Những hàng cổ thụ trăm năm đan cành đưa lối cho những lứa tình nhân hai mươi tuổi. Nhiều thế hệ đã đi qua. Và người đàn bà quay trở lại lững thững một mình trên con đường cũ, cúi nhặt những chấm lá me thuôn đều rơi vãi. Để nghe gối mỏi, lưng đau. Để thở dài và lại chảy nước mắt.
Lá khoai, lá sắn, lá buông, lá sống đời buổi chiếm đóng, lá thốt nốt, lá chuối, lá dừa ngày tị nạn, lá ngô đồng vùng biển phương nam nắng ấm, lá phong núi đồi phương bắc lạnh lùng, dấu vết những chiếc lá vẫn còn tươi nguyên trên cột mốc đánh dấu từng phần đời phẳng lặng của người đàn bà. Và thời gian đẩy mãi những bước chân người đàn bà tới trước, đều đặn vòng quay năm-tháng-ngày-giờ-phút-giây. Người đàn bà, con rối, người máy mộng du đi theo một hướng đã được định sẵn, trên một con đường đã được vạch sẵn. Có lúc đồng hành là chồng, đôi khi là con, hay họ hàng, bạn bè. Nhưng rồi có người rẽ sang lối khác, có kẻ vượt qua mặt, có kẻ bị bỏ rơi lại sau lưng, để, sau một thời gian dài lầm lũi bước, người đàn bà giật mình ngẩng mặt, thấy mình trơ trọi giữa một rừng lá hàng lớp xếp chung quanh. Những chiếc lá dường như cũng muốn mời người đàn bà vào nằm chung với chúng sau lớp giấy bóng kính trang nhã để trở thành bất tử, để người đời sau bái lạy, chiêm ngưỡng. Nhưng người đàn bà thấy con đường phía trước còn dài, bèn quyết định bước tới, dù chỉ một mình.
Một hôm, người đàn bà nhận được lá thư không đề tên và địa chỉ người gửi. Bên trong chỉ có hai lá thông nhọn hoắt dính vào nhau. Đâm xuống ngón tay thấy đau. Người đàn bà nhớ lại lần trao thân trên đồi, cách đây một nửa đời trước. Cái đau bên trong bên ngoài thân thể vì những vật nhọn đâm xuyên. Tiếng cành lá thông khô gãy rào rào bên dưới thân thể. Mùi nhựa thông hăng hắc. Mùi mồ hôi nồng nàn. Mùi môi hôn mằn mặn. Trăng sao trên trời và đôi mắt người tình rơi tõm vào vực sâu ký ức, đột ngột trồi lên cùng với nhánh lá khô. Một nửa đời sau đã tìm được dấu vết nhau. Nhưng rồi để làm gì? Người đàn bà tự trả lời bằng cách dán nhánh lá thông vào trang giấy, ghi ngày qua đời của nó: một nửa đời trước, thời thanh xuân.
Thêm một vài mùa thu. Người đàn bà không còn sức nhặt lá, bèn đi mua. Những cửa tiệm bán lá khô có thêm một khách hàng trung thành. Xuân hạ thu đông, dù trời mưa trời nắng, ngày trong tuần, ngày cuối tuần hay ngày lễ, người đàn bà đều siêng năng xách giỏ đi một vòng thành phố chọn lá khô. Những chiếc lá mới của bộ sưu tập ngày càng lạ, càng đẹp so với đám lá quê mùa thuở trước. Nhưng người đàn bà dần dần mất hứng khởi. Những chiếc lá mua từ cửa hàng được khử trùng, sấy khô cẩn thận, được phết một lớp dầu bóng chống ẩm mục, chúng lộng lẫy và giả tạo. Chúng không có kỷ niệm, và nhất là không có ngày qua đời. Còn người đàn bà lại cần biết về chi tiết của từng chiếc lá, ghi lại để đánh dấu, để nhớ thay cho bộ óc cùn mằn ngày càng lười hoạt động. Buồn bực, người đàn bà quyết định ngưng mua lá khô.
Đứa cháu ngoại vừa kịp lớn. Người đàn bà nhờ nó đi nhặt lá hộ mình. Đứa cháu đem về thật nhiều hoa và những chiếc lá tươi mởn. Nó thích vói tay hái hoa lá mới trên cành hơn là khom lưng bươi tìm những tàn tích cũ. Người đàn bà không hài lòng, nhưng để chiều cháu, cũng chọn được một chiếc lá để dán vào bộ sưu tập, với lời ghi chú "chết non". Cho thay đổi. Người đàn bà nghĩ vậy.
Đành phải quay về với những chiếc lá khô trong vườn nhà. Vài cây ăn trái đã được trồng thêm để lấy bóng mát. Cây mimosa và cây hồng đã chết. Những bụi cúc, trái lại, nhảy khắp nơi, hoa nở mọi xó xỉnh. Lá nho dại với những sắc màu biến đổi, từ lâu đã không còn là mối bận tâm của người đàn bà nữa. Dần dà, có thêm vài lá táo, lá anh đào nho nhỏ vào nằm khiêm nhường trong bộ sưu tập. Như để điền vào chỗ trống, thay cho những dấu chấm lửng cuối câu. Bỗng, người đàn bà nảy ý định dựng những bức tranh hoành tráng bằng lá tre. Kiểu thủy mặc. Người đàn bà vội bắc thang, săm soi cắt tỉa, chải chuốt từng nhánh tre khô, rồi kết chúng thành một bức tranh lớn, treo giữa nhà. Bức tranh như một hoài niệm đường thi, như tiếng còi chấm dứt cuộc chơi lớn.
Mùa thu cuối cùng, người đàn bà dành trọn thì giờ ngồi bên cửa sổ đếm lá bay. Những ngày đầu, khi con số lên đến hàng trăm thì người đàn bà dừng lại vì trời tối ập xuống. Những ngày sau, số lá rơi thưa thớt dần. Người đàn bà chán nản, lôi bộ sưu tập của mình ra ngắm nghía. Bỗng rơi ra mảnh giấy cũ ố, có ép một chiếc lá hình trái tim, nửa đỏ nửa xanh, chiếc lá kỳ lạ nhất mà người đàn bà thấy được trong suốt cuộc đời mình. Thêm một dòng chữ phai mờ bên cạnh. Người đàn bà cúi sát, lẩm nhẩm đọc. "Tặng em, người tôi yêu quý và thù ghét."
Nét bút của người đàn ông, đã chết từ lâu.