HUỲNH HỮU ỦY - Thế giới Nguyễn Trọng Khôi - Nhìn từ một góc độ riêng

31 Tháng Mười Hai 20248:38 SA(Xem: 436)
HUỲNH HỮU ỦY - Thế giới Nguyễn Trọng Khôi - Nhìn từ một góc độ riêng
Đã có cơ hội quan sát sinh hoạt của nhiều họa sĩ, tôi ít thấy một trường hợp nào như Nguyễn Trọng Khôi. Tất nhiên là các họa sĩ đều thích vẽ, thích làm hội họa, thích tạo hình. Nhưng khi đã tìm ra một lối đi, phát hiện một cách nhìn thì họ thường sẽ cứ mãi hoài bước đi trên một lối mòn, tuy cũng rực rỡ cỏ hoa nhưng chỉ là những con đường mòn trong khu rừng quen thuộc.

Nguyễn Trọng Khôi từ thủa đầu bước vào nghề mỹ thuật, học vẽ theo kiểu trường ốc, anh đã chế ngự kỹ thuật vẽ rất tài hoa. Anh vẽ đẹp như kiểu Picasso vẽ chân dung mẹ, chân dung bố, bà dì, người chị gái, và buổi Rước lễ lần đầu ( First Communion). Nhưng không dừng lại ở đó, anh mau chóng chuyển đổi để bước qua những cánh cửa mới. Anh bước tiếp trên con đường sáng tạo miệt mài, từ kiểu cách này đến kiểu cách khác, và đã giữ được ngọn lửa rực rỡ đam mê với cái đẹp suốt đời bằng sự kiên trì tìm kiếm.

Hai khái niệm Vẽ và Hội Họa tưởng là một nhưng thực sự là hai. Nắm được kỹ thuật vẽ là điều kiện tất yếu, nhưng người nghệ sĩ muốn đi xa, phải biết nhìn ra cái mới mẻ, mới có thể làm hội họa được. Sáng tạo chính là dựng ra một vũ trụ riêng mà nơi đó luôn bừng cháy ngọn lửa đam mê khao khát. Người nghệ sĩ cũng phải như một đứa trẻ, và muốn sống tiếp định mệnh của mình thì phải giữ gìn, un đúc sự trong trẻo, hồn nhiên, ngây thơ với đôi mắt đầy bỡ ngỡ cho hết suốt cuộc đời mình. Như Picasso từng nói: “ Tôi mất bốn năm để vẽ được như Raphael, nhưng tôi phải mất suốt đời để vẽ được như một đứa trẻ.”(1)

Vẽ như một họa sĩ cổ điển mẫu mực, như Rembrandt, như Raphael, nhưng muốn làm hội họa thực sự thì phải nhìn thấy thế giới bằng con mắt kỳ lạ, đôi lúc cả kỳ dị khác thường cũng không sao.

Nguyễn Trọng Khôi tự chia tranh của mình theo từng loại, như biểu hiện, hữu hình, trừu tượng, tĩnh vật, mixed media, giai đoạn vẽ tranh Tây Bắc. Chúng ta có thể nói mỗi loại tranh ấy như một giai đoạn, một thời kỳ, như Thời Xanh, Thời Hồng, Lập Thể, Thời Tân-Cổ-Điển và Siêu Thực của Picasso. (2)

Nhìn vào sự miệt mài làm việc của Nguyễn Trọng Khôi. Tôi có cảm giác anh chiêm nghiệm rất nhiều và rất kỹ về Picasso.

Nguyễn Trọng Khôi say mê đi qua những nẻo đường của nền nghệ thuật hiện đại. Vững vàng tay nghề trong kỹ thuật hiện thực, rồi bay bổng qua những giấc mộng siêu thực, rồi lại đập cánh giữa không gian vô hạn của trừu tượng, của vô thể, và rồi lại trở về với hiện thực nhưng đã chuyển thể để trở thành cực thực.

Cây bút của anh vờn tỉa rất tài tình. Một ly nước trong veo với mấy bông hoa đã cắm vào đó, một chai whisky uống dở nửa chừng mà màu rượu sóng sánh như hồng ngọc ngả sang nâu, những bình gốm tuyệt đẹp đứng bên cạnh những trái táo đỏ, những quả mận nâu đen, quả lựu đỏ, những viên đá sỏi. Thực lạ lùng, hấp dẫn vì vật thể hoàn toàn như thực và bắt mắt vì cách bố cục. Đẹp chính là do sự chọn lựa và sắp đặt vật thể. Thế giới đã có sẵn, nhưng ở đây được sắp đặt và bố cục thành một thế giới mới.

Vấn đề không phải chỉ là bố cục sự vật, mà thế giới sự vật ấy đã có lúc trở thành những giấc mộng. Như tảng đá lơ lửng giữa trời, bên dưới một đám mây trắng nơi René Magritte mà chúng ta từng thấy, những hòn đá cuội của Nguyễn Trọng Khôi được dựng đứng lững lờ giữa không gian như một dàn thạch cầm không có dây móc lên. Chỉ còn là ảo mộng, một thứ Enigma of Poetry, là vẻ bí mật của chất thơ lan tỏa không thể hiểu được bằng lý trí.

Hòn sỏi ấy, đúng hơn là tảng đá ấy bay lờ lững trên bầu trời nơi Một Thời Đang Qua thì quả là kỳ lạ quá. Tất cả đã hòa hợp trong một sự lặng lẽ mênh mông. Người đàn ông ngồi trần trụi trên chiếc ghế gỗ, bên bờ tường trơ trọi vắng lặng, bầu trời xám nhẹ vô tận phía bên kia. Người đàn ông ấy nhìn lên bầu trời mênh mông, hay nhìn vào nội tâm sâu thẳm của chình mình?

Một thế giới khô khan, không chải chuốt, buồn thảm nhưng quả là lạ kỳ vô song, nếu không muốn nói là thơ mộng làm sao. Nó phù hợp với tiếng gọi xa xăm của một thời của những dày vò xao xuyến, giữa hư và thực, giữa có và không. Đó chính là nỗi buồn và sự vắng lặng mà chúng ta đã gặp nơi Giorgio de Chirico, Marx Ernst hay ngay cả nơi Salvador Dali. Đó là dòng chảy của cả một thời đại. Không phải là từ chân không, nhưng từ những sự thực, những hình bóng thực và người nghệ sĩ tài năng đã biến đổi, chuyển động những sự thực ấy thành một cái gì khác, tạo thành vũ trụ của mình.

Chúng ta hãy tiếp cận với một cảnh tượng khác mà Nguyễn Trọng Khôi gọi là Chiến Tranh. Một hình ảnh hoàn toàn có tính tượng trưng, đôi chút siêu thực, nhưng từng mỗi thành tố trong ấy thì rất thực, rất sống động. Đó là hình ảnh con chim bồ câu trắng trơ trọi nơi cái chuồng bồ câu bị sụp đổ, tan vỡ phần nào. Và chung quanh là một đàn quạ đen bay lượn, đập cánh, tràn ngập không gian; gợi nên cảm giác tan tác, tấn công, xâm chiếm. Đó là một cảnh ảo, không thực, không thể có, vậy nhưng vẫn gây nên ấn tượng sống động nơi người xem là vì con chim trắng và đàn quạ đen được gợi lại theo bút pháp hiện thực.

Tôi nhớ đến bức tranh của René Magritte vẽ một quả táo, y đúc như quả táo, như một sản phẩm nhiếp ảnh, vậy mà ông viết thêm trên chính bức tranh Đây không phải là quả táo ( Ceci n’est pas une pomme ). Cũng vậy, nơi một bức tranh khác danh tiếng và quen thuộc với mọi người hơn, vẽ cái tẩu thuốc, trên bức tranh là dòng chữ Cái này không phải là cái tẩu thuốc ( Ceci n’est pas une pipe) (3). Mà đúng như vậy thực; hình vẽ ấy, nói theo cách của René Magritte, chỉ là một lời nói dối, bởi vì đó là hình vẽ về cái ông tẩu, đâu có phải là ống tẩu thực để có thể nhồi thuốc hút được. Nghệ thuật là như thế, cái thực và cái giả, ảo giác và sự thật, hữu thể và vô thể, hiện thực và siêu thực, tất cả có thể tổng hòa để đi tới một tiếng gọi vô cùng của cái đẹp.

Cho nên cái giả ấy của Nguyễn Trọng Khôi về cuộc chiến khốc liệt đã gây được cảm xúc sâu đậm. Cũng như những mảng hình ảnh tượng trưng mạnh mẽ, dữ dội được chọn lọc, được nghiên cứu và phác họa rồi ráp lại trong toàn cảnh của Guernica, đã tạo thành một kiệt tác vĩ đại hàng đầu của thế kỷ XX.

Nhìn vào toàn bộ tranh của Nguyễn Trọng Khôi, Vịnh Sương Mù rất đặc biệt mà tôi có cảm giác ít người chú ý đến sức nặng và những lực đẩy của nó. Có lẽ vì tên gọi của bức tranh nhẹ nhàng và thơ mộng quá đã đánh lạc hướng người thưởng ngoạn, đưa chúng ta bước ra bên ngoài ý nghĩa của chữ và ký hiệu hình ảnh. Vịnh Sương Mù vẽ một chiếc bè nan tre vượt đi trong sương mù, người đàn ông chèo chống đưa vợ và đứa con nhỏ ra đi trong đêm tối. Bức tranh khá sống động vì hình ảnh được chọn lọc và đó là một thế giới rất thực, hơi cường điệu để trở thành một chuyển động cực thực. Bức tranh gợi lại những chuyến đi bấp bênh, mong manh, bất chấp bão tố hiểm nghèo và mọi gian nguy nơi hai dấu mốc 1954, 1975. Bay bổng chất sử thi, đầy chất nặng sử tính. Có lẽ đây là một tác phẩm nghệ thuật thành công bậc nhất của chúng ta, là dấu vết sống động của một thời đại tàn khốc chưa từng thấy, rồi sẽ có một chỗ đứng trong một Nhà Bảo Tàng Nghệ Thuật Việt Nam khi tình hình cởi mở hơn, rồi sẽ có một chỗ đứng xứng đáng trong giòng sinh mệnh lịch sử văn hóa Việt Nam.

Loạt tranh sau cùng của Nguyễn Trọng Khôi phải nói là tuyệt đẹp. Anh nhẹ nhàng, tĩnh tại, thanh thoát đưa đẩy uyển chuyển nét bút tinh tế, tinh vi, tỉ mỉ, và những mảng màu chuyển động mềm mại, tài hoa nơi những Bà mẹ trẻ, Cuộc đi dạo, Mặt nạ, Vai diễn, Sân khấu, Áo hoàng hôn.

Anh gọi là biểu hiện, nhưng thực sự biểu hiện chỉ là một phần của cách thức phát biểu ở đây. Tuy nhiên, cũng chẳng có gì quan trọng nữa, cái quan trọng chỉ còn là tâm hồn và cây bút tài hoa nói tiếng nói của cái đẹp, của vẽ, của hội họa, của tạo hình với cuộc đời, với thế giới, với chúng ta.

Tháng 1 / 2024

HUỲNH HỮU ỦY
________

Chú thích:
(1) “ It took me four years to paint like Raphael, but a lifetime to paint like a child”
Dẫn lại trong Artists: Their lives and works DK Publishing, New York,2017, trang 290.
(2) Hãy nhìn lại các thời kỳ hội họa của Picasso, để có thể thấy chìa khóa của sáng tạo là tìm kiếm, học hỏi, và khám phá mãi mãi.
1- Bước đầu đời, trước 1900.
2- Thời Xanh (The Blue Period, 1901-1904)
3- Thời Hồng (The Rose Period, 1905-1906)
4- Thời Lập Thể (Cubism. 1907-1914)
Picasso khám phá và ngưỡng mộ nghệ thuật điêu khắc Phi Châu. Les Demoiselles d’Avignon (1907) là dấu vết rõ ràng của sự ngưỡng mộ đó. Rồi Picasso sẽ cùng Georges Braque phát triển trường phái Lập Thể từ điểm nến tảng khởi đầu ấy.
5- Thời Tân Cổ Điển và Siêu Thực (Neo classism & Surrealism, 1917-1935)
6- Thời chiến tranh bạo lực (The Violent Years, 1936-1945 với tác phẩm đánh dấu của thế kỷ Guernica)
7- Thời hậu chiến (Postwar Years. 1946-1954, hai bức tranh vẽ trên panel Chiến tranh và Hòa bình là điển hình của thời kỳ này.
8- Thời sau cùng (1955-1972) Thời kỳ này, đáng chú ý là loạt Erotic Gravures bùng nổ thực hiện khoảng tháng 3 đến tháng 10.1968. Đúng là một cái đầu vĩ đại của nghệ thuật nhân loại. 87 tuổi vẫn còn thần sầu với loạt những bản khắc đầy tràn sức mạnh tụng ca thần Eros.
(3) Hai tác phẩm của René Magritte:
- Đây không phải là quả táo (Ceci n’est pas une Pomme) 1964, Sơn dầu trên bảng gỗ,142 x 100 cm, sưu tập riêng.
- Ceci n’est pas une pipe, Sự Dối Trá Của Hình Ảnh ( The treachery of images),1929. Sơn dầu trên bố. 60 x 80cm. Bảo Tàng Nghệ Thuật Los Angeles.

Nguồn từ FB Nguyễn Trọng Khôi (Nguyễn Trọng Khôi: PS/ Xin lỗi tác giả vì trên FB chữ không format được nên phần nhấn mạnh những chữ nghiêng không thể được.)



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Mười Hai 202412:00 SA(Xem: 9427)
Loạt tranh Phục Sinh là một thí dụ thật hùng hồn cho sự quyết chí vượt qua những khó khăn về thể lực, trầm uất trong bệnh hoạn
17 Tháng Mười Hai 20244:03 CH(Xem: 406)
Hai chữ giang hồ không mấy xa lạ trong đời sống của mỗi người đều thường đề cập trong thơ, văn, điện ảnh…
30 Tháng Mười Một 20249:07 SA(Xem: 505)
ta không lo công nghệ số sẽ bào mòn cảm xúc của con người; ta chỉ nên lo con người không biết khai thác thế mạnh của công nghệ số để làm giàu cho kiến văn, suy tưởng và cảm xúc của chính mình.
19 Tháng Mười Một 20243:45 CH(Xem: 445)
Thủy Phủ sẽ tràn đầy lòng yêu thương và vang tiếng cười khi con người hiểu biết thế nào là tâm lành và tâm thiện!
22 Tháng Mười 202411:32 SA(Xem: 719)
Tôi thấy lớp nhà văn, nhà phê bình độ tuổi trên dưới 40 hiện nay rất đáng nể, tôi tin là họ sẽ làm nên chuyện.
10 Tháng Mười 20241:03 CH(Xem: 698)
Thơ tài tình luôn luôn hiếm hoi và thường đến từ sáng tạo của những nghệ sĩ tài hoa.
26 Tháng Chín 20244:37 CH(Xem: 511)
Màu, khối, nét, bố cục, ánh sáng đã thay ông kể mãi những câu chuyện của con người.
27 Tháng Tám 202410:07 SA(Xem: 744)
Người nhạc sĩ đã gửi vào ánh sáng một tuổi thơ biết đi đứng, chạy nhảy.
21 Tháng Tám 202410:15 SA(Xem: 931)
Bài viết sau cùng của ca sĩ Quỳnh Giao
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 11633)
Chính Mai Thảo là người đầu tiên, vào từ miền Bắc, mở được cánh cửa tương thông, thân ái giữa những người làm nghệ thuật ở hai đầu “thế giới” lạ lẫm.
(Xem: 19513)
Tôi biết tôi dường còn muốn nói với NXH, nhiều hơn nữa,
(Xem: 8926)
màu vàng rực rỡ của dã-quỳ đã dắt tay tôi trở lại Pleiku
(Xem: 21884)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 16361)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 15136)
Du Tử Lê, ông ấy là ai? Sao định mệnh tôi cứ mãi gắn liền với những dòng thơ của ông ta? Nghe nói bây giờ đang ở tại Mỹ
(Xem: 5532)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 2272)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2820)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2598)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 20306)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 9172)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 10289)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9464)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12795)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 32244)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21735)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 27020)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 24407)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 23231)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 21361)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 19169)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20453)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17939)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16949)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 26404)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33636)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35802)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,