Tôi có một niềm thương với Tuồng có lẽ từ trong tiền kiếp. Tôi thấy tâm tư mình quanh quẩn trong những giọng hát, bàn tay, đôi mắt người nghệ sĩ. Tôi thương quý những mái tóc dài mộc của người nghệ sĩ, thương quý sự lặng thầm, tận hiến của họ trong mỗi vai diễn.
Cũng như việc làm mẹ, việc hoàn thành vai diễn của mỗi nghệ sĩ là một hành trình nhẫn nại, thiêng liêng. Năng lượng sân khấu được kết nối một vòng khép kín tuần tự từ đời sống thường nhật. Tôi luôn nghĩ rằng mỗi nghệ sĩ chân chính đều là một bậc chân tu trong lĩnh vực riêng của mình.
Ngày còn nhỏ tôi hay tự hỏi sao năm nào người ta cũng chỉ diễn đi diễn lại những vở tuồng đó. Thật là chán! Thấy mẹ tôi năm nào cũng như năm nào cũng háo hức đi xem hát đầu năm và lại vui lại khóc hai mắt đỏ hoe. Tôi đã nghĩ mẹ mình phù phiếm quá. Mắc cái chi cũng vở nớ, cảnh đó mà khi hì cười, khi khác lại khóc. Tôi đã nghĩ mẹ là người cuồng cảm xúc và đôi khi lại thể hiện thái quá.
Cho đến khi lớn lên, đi xem tuồng vào những ngày mùa xuân. Tôi mới hiểu rằng mẹ tôi đã đi viếng thăm lại cảm xúc của mình. Mới hiểu ra rằng Tuồng là một đời sống trong những đời sống khác của bà.
Người nghệ sĩ đã làm sống dậy những thân phận, những kỉ niệm, những khoảng êm đềm đã qua, đã mất. Trong dòng chảy của vở diễn là những bước chân cảm xúc lớn lên, ngược dòng của mẹ. Có sự trưởng thành trong nhận thức, có những xúc chạm tâm tư mà thời điểm trước mẹ cười nay lại làm mẹ khóc.
Mẹ nói đi xem hát tuồng vào mùa Xuân thì mới thấy được hết cái hay cái đẹp thực sự của nhân vật thông qua người hoá thân nhân vật. Bởi, những ngày Tết là ngày của sum họp, của nghỉ ngơi… thì những nghệ sĩ phục vụ Tết phải ở lại với sân khấu. Lúc này, chỉ những nghệ sĩ thực thụ mới có khả năng gạt bỏ hết những nỗi buồn, lo toan cơm áo để nhân vật hoá thân vào họ. Họ sẽ mang chúng ra ra khỏi khói bụi đời thường, ra khỏi những khuôn mặt người nửa vời cười nói. Sự bình yên sẽ chiếm lấy chúng ta. Yêu thương và an lành ngập tràn không gian sân khấu. Sân khấu chính là nơi an trú.
Người nghệ sĩ tài hoa sẽ kết nối được năng lượng bình yên, tự tại của mình đến với khán giả. Sẽ làm cho sân khấu thực sự là một Thánh đường. Thánh đường đó sẽ là nơi khán giả muốn quay về sau những mỏi mệt của đời sống. Thánh đường đó cũng là nơi nuôi dưỡng những ước vọng thanh cao trên bước đường đời.
Những vở diễn được chuyển thể từ những câu chuyện cổ tích, thông qua trải nghiệm sống của các thời đại, đạo diễn và nghệ sĩ đã lột tả hết được bản chất xã hội và tâm lý con người qua từng thời kỳ. Cái cũ vẫn uy nghiêm, bí ẩn và có sức hút tiền tàng mạnh mẽ. Đó đều nhờ vào một tình yêu chân chính và bền bỉ của nhiều thế hệ đối với môn nghệ thuật đòi hỏi sự hoàn thiện và ổn định về nhân cách.
Hôm qua sau khi ngồi xem xong vở Thoại Khanh Châu Tuấn, hai đứa con của tôi mặc dù rất hào hứng, chăm chú trong suốt hơn 2 giờ đồng hồ diễn ra vở diễn. Nhưng cuối cùng chúng cũng thắc mắc hỏi mẹ:
Mẹ ơi! Nay là thời nào rồi mà mẹ lại dẫn hai đứa con vào đây xem cái gì khó hiểu và lâu như vậy hả mẹ? Con muốn đi chơi helio, công viên hơn…
- Các con phải biết rằng có xưa thì mới có nay. Có những thế hệ ông bà mà các con cho rằng “cổ hủ” “nhàm chán" thì mới có cha mẹ, có các con. Các con có thể không thích điều này thích điều kia đó là tự do cá nhân của các con. Nhưng các con cần hiểu nguồn cội của mình. Hằng ngày người lớn đã làm lụng chăm lo cho các con, dắt các con đi chơi những nơi các con thích. Người lớn sẵn sàng ngồi đợi con hàng giờ ở công viên, ở trường học, ở khu vui chơi… Thỉnh thoảng con chỉ dành một buổi để đến nơi mẹ thích đến. Để tìm khám phá thêm một điều con không biết là con cần phải biết. Đó cũng là một cách yêu thương, chia sẻ. Đó là cách sống ở đời mà. Các con thấy có đúng vậy không?
Hai đứa nhỏ nghe vậy liền tỏ ra hối lỗi vì lời trách móc của mình. Hai con bắt đầu hỏi mẹ về người đánh trống chầu. Về những nhạc công trong dàn nhạc. Hỏi mẹ về cách thức tán thưởng nghệ sĩ. Hỏi về đôi hia cao và nhọn vậy mà các chú diễn viên đi sao giỏi quá mẹ hì.
Khi cảm nhận được ánh mắt của các con bắt đầu ánh lên theo những câu hỏi và câu trả lời của mẹ, con đường về nhà gió xuân đưa hương biển mặn mòi ngập tràn trên những khuôn mặt cười nói sau lớp khẩu trang.
Gửi ý kiến của bạn