Nhận được tập thơ NĂM CHỮ DU TỬ LÊ VÀ, MƯỜI HAI BÀI THƠ, MỚI vào những ngày cuối năm 2009, đối với nguời đọc, đó là một món quà Giáng Sinh bất ngờ, nhưng không với giấy hoa, nơ hồng mà lại gói ghém nhiều sắc đen, mảng xám, như ba mươi lăm bức tranh minh hoạ của hoạ sĩ Đinh Cường bên cạnh mỗi bài thơ.
Du Tử Lê vẫn là nhà thơ của tình yêu. Toàn bài thơ CHÚNG TA NHỮNG ĐỨA TRẺ: CẦN QUÁ ĐI TÌNH YÊU!!!!! đã nói lên điều đó:
trổ cho tôi cánh cửa
để tôi nhìn em đi.
lấp dùm tôi biển. gió
để tôi nghe em về.
cho tôi những ngón. thương.
từng làm nên kỷ niệm
cho tôi những chân. quên
để nhớ mình: quá khứ.
chúng ta những đứa trẻ:
cần quá đi tình yêu!!!!!
Nhưng đấy là một thứ tình yêu đã ươm đầy những mầm mống ly biệt, thứ tình yêu mong manh chưa kịp toả sáng đã bị chìm ngập ngay vào giữa cơn hồng thuỷ của những chia lìa – tiếc nuối – bệnh tật – tuyệt vọng – cái chết.
Từ sự chia lìa của vật thể…
kệ hỏi sách dọn kho.
bụi cười vui nứt, nẻ.
ghế thở dài. quay lưng.
tường phân thân trụ lại.
Đến con người:
kỷ niệm chia nghìn tay:
- vỗ về tôi-điên-dại.
người xa. xa. xa. xa.
chưa từng ai có mặt.
Khoảng còn lại, ở giữa, trống không, trắng buốt, hư vô:
những ngón tay biệt, ly
giẽ đường ngôi bóng tối.
Dấu vết của những cơn đau thể xác lẫn tinh thần tìm thấy được trong nhiều bài thơ:
lửa đốt ruột, gan này,
tật nguyền / tôi / trình diễn
một mình.
tôi cất tiếng gọi những mùi hương tấy sưng,
và, thương-yêu-mẩn-đỏ.
tôi gọi em.
những con vi trùng biệt ly
lây, lan nhanh hơn tốc độ ánh sáng.
Đôi khi thảm thiết đến tắc nghẹn:
không thể biết lúc nào những con chó sói
cô độc ngửa cổ hú trăng?
riêng con Cocaine
có khả năng tru từng hồi,
bất cứ lúc nào nó muốn.
với cổ họng bị hóc xương cá
(từ thời thơ ấu,)
tôi cũng tru từng hồi.
- không thành tiếng?
- vâng! không thành tiếng.
(TÔI CŨNG TRU TỪNG HỒI,)
Hãy tưởng tượng ra hình ảnh của nhà thơ, ngồi xuống trong một góc hành lang bệnh viện, lo lắng chờ đợi trong khi người thân yêu đi gặp bác sĩ chuyên môn với hồ sơ bệnh lý trên tay:
em nhường tôi chỗ ngồi,
mang theo mọi chú thích.
Và tiếp theo là một chuỗi dài khổ nạn:
hỏi thăm tôi: vết thương.
- nằm yên nghe xạ trị!
thuỷ triều ngập ngang vai.
trăng khuyết chiều hoá trị.
Giữa những ngày tháng ấy, khi mà tác giả thấy mình: tôi thùng rác trống không – - tâm chất đầy phế liệu, thế giới muôn màu đột ngột bị nuốt gọn vào vực sâu tuyệt vọng đen ngòm:
thượng đế, đen.
tôi, đen.
bày ngựa, đen.
rượt, đuổi
linh hồn, xám.
Ở đấy, ngay cả Đấng Cứu Chuộc cũng từng chịu cái chết trần gian đau đớn:
người dang tay thanh xuân
nhận mũi đinh tuyệt vọng.
Cái chết quả thật không xa. Cái chết lấp ló khắp nơi, ngay cả ở hình ảnh một nụ hoa:
buồn tôi như nụ hoa,
đâu biết ngày khô, héo.
linh hồn tôi trổ hoa
trên tình ai. phân, huỷ
Cùng với phân, huỷ, cắt, chôn, trái tim thôi đập, phòng cách ly, hạ huyệt, nấm mồ hớn hở, những chân nhang lãng quên một góc vườn… là một loạt những câu hỏi: “sao màn khép?”, “sao cửa khép?”, “sao vắng mặt?” và lời nhận định:
tôi nhân đôi
(cộng thêm em thành sáu.)
trong quan tài
chỉ một:
hoặc tôi / em.
Để đưa đến câu trả lời đau lòng:
kẻ đi khuất
để quên y ở lại;
Đã lỡ đứng trên con đường một chiều Sinh – Bệnh – Lão – Tử, hãy cùng đọc với tác giả bài thơ SAU NHIỀU THÁNG KHÔNG CÓ THƠ, CUỐI CÙNG, THÁNG SÁU: KÝ-HOẠ-GIÓ. Nhà thơ dẫn người đọc đi từ:
tráng lớp men dậy thì cho nắng.
lá kẻ nhạc vách tường.
nốt-chân-chim, ra ràng – -
Qua:
sương đôi giọt, sót.
trên những đoá quỳnh rã. rệu.
liu điu xe. nhịp rách. nát.
Đến:
tráng lớp men ung thư cho nắng.
lá sâu ăn kẻ nhạc vách tường.
nốt-chân-chim, chiều. quá vãng.
mùa cúm trăng.
Tất cả, phải chăng cuối cùng cũng chỉ là những nét phác nhanh, là một thoảng vội, là ký-hoạ-gió trước khi biến mất vào hư không?
Đọc bài thơ trên cùng nhiều bài khác trong tập thơ 2008-2009, người đọc thấy được, bên cạnh nỗi ám ảnh về bệnh tật và cái chết, Du Tử Lê vẫn tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm điều mới lạ cho thơ, thơ Việt. Ở đây, những chữ dùng rất “đời thường”, rất “chuyên môn”, khi được tác giả đưa vào thơ, bỗng trở nên khác lạ vì mang một ngữ nghĩa mới:
những dòng sông bó tay:
nhìn trái tim thôi đập.
gai luỹ thừa vết xước.
gói kích cầu chia xa.
đìu hiu tôi lạm phát.
trưa ô nhiễm cô đơn.
chim giải trình thất lạc.
phố kinh tế:
những giải đèn cô dâu, tháng chạp.
cười chuyên sâu.
chờ chú rể đại hàn.
Đôi khi, khúc xạ qua nhiều tầng tu từ, ta tìm được những câu thơ với kết quả bất ngờ:
hạt bụi nào hư thai!?!
niết bàn nanh chó sói.
tôi, đưa tay điều chỉnh
nhiễu âm, nàng.
Gấp lại tập thơ của hai năm 2008-2009, người đọc mong sẽ được mở ra những trang thơ mới năm 2010 của nhà thơ Du Tử Lê, vì:
tôi chết đi trọn ngày,
chờ đêm về sống lại.
Quả thật, hy vọng vẫn luôn còn đó, dưới tàn tro, lách tách nhen nhóm ngọn lửa cho một ngày mai ấm áp hơn:
tín cẩn đêm: thì thào,
báo tin ngày sẽ tới.
Cổ Ngư
Paris, những ngày đầu năm 2010
(Nguồn: Tạp Chí Da Màu)