“Cần phải viết về chiến tranh trong niềm thôi thúc ấy, viết sao cho thôi thúc nổi lòng dạ, xúc động nổi trái tim con người như thể viết về tình yêu, về nỗi buồn, sao cho có thể truyền được vào cuộc sống đương thời luồng điện của những cảm xúc chỉ có thể diễn đạt bằng quá khứ của quá khứ” (Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh). Niềm thôi thúc viết về chiến tranh trở thành “chiến lược” của nhiều nhà văn nặng lòng với quá khứ gian khổ của dân tộc. Và những tác phẩm chiến tranh làm “xúc động nổi trái tim con người” vẫn luôn hướng về cái đẹp giữa đau đớn thể xác và sang chấn tâm hồn.
Trong văn học viết về chiến tranh, định nghĩa về chiến tranh có khác nhau từ những góc nhìn văn hóa - lịch sử nhưng đều có điểm chung là nỗi ám ảnh từ kí ức buồn. Điểm gặp gỡ này rõ nét trong ba cuốn tiểu thuyết được giới thiệu bằng hai thứ tiếng làm nên tính chất liên văn hóa trong dòng văn học viết về chiến tranh ở Việt Nam. Đó là Nỗi Buồn Chiến Tranh (The Sorrow of War) của Bảo Ninh, Debris of Debris (Mảnh Vỡ Của Mảnh Vỡ) của Vĩnh Quyền và On Earth We're Briefly Gorgeous (Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian) của Ocean Vuong.
Các nhà văn với những lối viết riêng đã tái hiện, làm rõ từng góc khuất của chiến tranh và góc tối của nội tâm con người ở cả hai chiến tuyến. Chiến tranh từ kí ức có cùng một mẫu số chung là nỗi đau của những mảnh vỡ phận người. Những mảnh vỡ ghép lãng đãng bên nhau, với các mối quan hệ nghịch lí gợi nỗi buồn chiến tranh day dứt, ám ảnh trong tác phẩm của Bảo Ninh. Những mảnh vỡ ghép rời rạc làm nên chân dung của một thế hệ mất mát, lạc loài trong tiểu thuyết Vĩnh Quyền. Những mảnh đời vỡ vụn, bạo lực, tình dục, cái chết làm nên kí ức u buồn trong tiểu thuyết Ocean Vuong. Mỗi mảnh người đều mang những niềm đau. Mảnh mặc cảm và bất an. Mảnh trôi dạt. Mảnh đánh mất mình. Kể cả những mảnh còn sót lại của một thế hệ bên kia bờ đại dương tham chiến một cách vô nghĩa và khủng hoảng cuối đời. Ước mong gắn kết, xóa bỏ hận thù khiến bao người lính Mỹ day dứt thành “bệnh lí”, muốn quay lại Việt Nam để sám hối, để chữa lành vết thương hơn nửa thế kỉ vẫn còn toang hoác.
Buông bỏ hận thù là một nét đẹp của văn hóa nhân loại. Xóa bỏ thù hằn, gắn kết những mảnh vỡ chấn thương là cảm hứng chủ đạo trong nhiều tác phẩm viết về chiến tranh. Trong đó, một mệnh đề chung chưa bao giờ cũ là chấn thương nữ giới. Những người phụ nữ “không phân biệt đâu là giọng Bắc đâu là giọng Nam trong tiếng khóc của họ”; những người phụ nữ cùng nỗi đau “chưa biết hài cốt chồng nằm đâu, cứ thắp hương dọc đường Chín, là nơi nghe tin chồng lần cuối (Mảnh vỡ của mảnh vỡ). Những phận đàn bà da vàng trên đất Mỹ, luôn bị ám ảnh bởi cuộc chiến mà họ là nạn nhân trực tiếp (Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian). Phương (Nỗi buồn chiến tranh) là trường hợp đặc biệt. Trở về trước và cho đến nay, có lẽ chưa có người phụ nữ nào được khắc họa đồng nghĩa với chiến tranh như thế. Ngôn từ của Bảo Ninh giàu tính thẩm mĩ. Phương là kí ức đẹp và buồn. Khao khát và buông thả. Lãng mạn và đau thương. Lạc thú và “hư hỏng”. Mạnh mẽ và mềm yếu, Phương, “cái hình hài yêu dấu, mong manh, mềm mại như cánh hồng”, “cái vẻ đẹp lạc thời và lạc loài” chính là nỗi buồn của chiến tranh. Cái buồn ám đậm trên từng con chữ, dữ dội và đầy ảo giác. Phương gắn với đêm tối, bám riết trong dòng nhớ rối bời, cuồng loạn của Kiên. Đêm “đau đớn, say cuồng, tột cùng hạnh phúc” khi cô đốt bản thảo cùng bố của Kiên - người họa sĩ đơn độc thuộc một thế hệ “vĩ đại và bi thảm”. Đêm đầu đời vụng dại ở bờ hồ. Khao khát. Mời gọi. Nhưng... “hai đứa mình... Có thể đến khi chết đi vẫn còn trong trắng... Vậy mà chúng mình yêu nhau biết là ngần nào”. Đêm kinh hoàng trên chuyến tàu thời chiến; đêm từ ngọn đèn bị bỏ quên nơi căn phòng cũ; đêm của những ám ảnh trong từng giấc mơ vật vã. Và đêm của những cơn mê sảng sáng tạo. Nỗi buồn chiến tranh là một thế giới trần trụi, bi thương, thậm chí tàn nhẫn của chiến tranh. Tất cả được gợi lại từ kí ức, được tái lập trong dòng tâm trạng bị xáo trộn, mù mờ, rối rắm. Tuy vậy, giữa những hoảng loạn ám ảnh là những khoảnh khắc kí ức đẹp và buồn. Cái rối mù mê cung tâm trạng lấp lóe một chất thơ say đắm. Nỗi buồn chiến tranh - nhan đề tiểu thuyết đã ôm chứa đầy đủ những gì chiến tranh diễn ra và để lại. Nó bóp thắt trái tim thế hệ trai trẻ từng trải qua chiến tranh và những thế hệ nối tiếp nhìn về chiến tranh; nó đánh thức trái tim người Mỹ, đặc biệt là những người thuộc thế hệ tham chiến ở Việt Nam, bởi “tác giả (Kiên) đã viết những trang loạn nhất trong niềm đau khổ vì đắm say mê mệt cuộc đời”.
Vĩnh Quyền góp một tiếng nói khác. Cuốn tiểu thuyết song ngữ đề cập tâm trạng lưỡng phân của một thế hệ mất mát ở miền Nam mà Zac Herman, một nhà văn Mỹ, gọi là “quá trình phai bạc tuổi thanh xuân trong sáng đầy lý tưởng”. Những mảnh vỡ người vô danh làm nên một thế hệ. Tiểu thuyết Vĩnh Quyền xoay quanh bi kịch của một thế hệ trí thức không bị cái chết đánh gục nhưng bị sang chấn nặng nề về tâm lí trong khoảnh khắc giao tranh giữa chiến tranh và hòa bình. Hiếm có cuốn tiểu thuyết chiến tranh nào đi vào cảm xúc chân thật của tuổi trẻ miền Nam và một phần tuổi trẻ Hoa Kì trong những năm tháng đau thương của hai miền Việt Nam chia cắt. Nỗi đau không chỉ dừng lại ở những người con Việt mà còn để lại những chấn thương khó lòng liền miệng của một thế hệ ở bên kia bán cầu. Đó là cảm xúc rất thật của một phóng viên chiến trường người Mĩ cận cảnh với những cái chết đau thương: “Trong đời phóng viên chiến trường tôi hiếm khi quay được cận cảnh một trận giáp lá cà kinh hoàng như vậy. Tất cả đã diễn ra trong thứ ánh sáng đỏ như máu của hoàng hôn núi rừng. Tôi chưa từng nghĩ có lúc phải nghe những tiếng thét man dại, tiếng rú đau chết của con người, giống như nghe bản giao hưởng chết tiệt của tử thần”; nhưng trong khoảnh khắc đó “khủng khiếp hơn, với máu nghề nghiệp, lúc đó tôi đã sướng run trước cơ hội của riêng mình” để mong có một tấm ảnh để đời. Và cũng chính khoảnh khắc đó đã để lại nỗi ám ảnh dai dẳng trong cuộc đời còn lại của Thomas. Tất cả làm thành những sang chấn tinh thần chi phối suốt một đời người. Đặt điểm nhìn chiến tranh từ cảm xúc của một người lính đến từ bên bờ đại dương, khuôn diện cuộc chiến Việt Nam được nhìn nhiều mặt. Nó khiến cho tác phẩm không dừng lại ở một phía, một bên, mà trở thành vấn đề lớn, bao quát. Đó là số phận con người qua những xô lệch giữa quá khứ ám ảnh và hiện tại ẩn ức. Có thể nói, “quá trình phai bạc tuổi thanh xuân trong sáng đầy lý tưởng” của một thế hệ trẻ miền Nam cũng chính là tâm trạng, tình cảnh của một thế hệ mất mát/bỏ đi (lost generation) in hằn dấu ấn trong văn học Mỹ. Tâm thế tiếp nhận của người đọc ở Mỹ cho thấy tính chất liên văn hóa của cuốn tiểu thuyết này: “Debris of Debris là câu chuyện không dành riêng cho Việt Nam mà cho bất kì hoàn cảnh hậu chiến đương đại nào trên thế giới. Điều đó thu hút bạn đọc Mỹ, nhất là với những người đã tham chiến ở Việt Nam” (Zac Herman). Thế hệ trẻ ở Việt Nam và những người lính Mỹ trên mảnh-đất-này cùng chung niềm khao khát hòa bình, chung nhiều cảm xúc trong những khoảnh khắc giao tranh giữa phản trắc và hòa nhập, cô độc và dấn thân. Chiến tranh và tình yêu. Những cái chết. Những cuộc tình éo le. Biển vỡ vụn và gắn kết. Biển chôn vùi nỗi đau. Tiểu thuyết Vĩnh Quyền có những trang viết về biển đầy cảm xúc. Là những kí hiệu thẩm mĩ. Là liên kí hiệu nhiều tầng nghĩa. Nó nối kết những mảnh vỡ của mảnh vỡ, nó chữa lành những chấn thương, “như dải cát vàng vỡ nát dấu chân người chiều tối qua giờ phẳng mịn tinh khiết như vẫn vậy tự hồng hoang”. Oán thù, phe phái, bên thắng bên thua dường như lùi ra sau, chỉ là cái bỡ ngỡ, cái chưa quen, cái hụt hẩng và hòa nhập của những con người từng đứng hai bên giới tuyến. Những câu chuyện tình yêu vừa đau đớn vừa đẹp đẽ, những nỗi niềm li biệt vốn dĩ đã quá quen thuộc trong chiến tranh, tuy vậy, chất bi thương lãng mạn trong lối viết khiến những trang văn của Vĩnh Quyền lưu được dấu ấn riêng. Những trang viết in bóng một con người trí thức nghệ sĩ, chùng chình do dự và dấn thân. Như tác giả tâm sự, Mảnh vỡ của mảnh vỡ là “tiểu thuyết về đoạn trường hàn gắn vết thương chiến tranh và tìm kiếm tương lai trong xã hội mới, chế độ mới của thế hệ trí thức miền Nam sau 1975”. Từ góc nhìn này, tác phẩm của Vĩnh Quyền làm nên một nhánh của văn học chiến tranh. “Bảo Ninh nói đến Nỗi buồn chiến tranh - The sorrow of war. Còn đoạn trường hàn gắn đau buồn ấy thuộc về câu chuyện khác trong tiểu thuyết Debris of Debris - Mảnh vỡ của mảnh vỡ của Vĩnh Quyền (Nxb Austin Macauley - London).
Cái chết, sự sống và ám ảnh là những vấn đề ngỡ như quá quen thuộc trong những tác phẩm viết về chiến tranh và hậu chiến. Dẫu vậy, từ góc nhìn của thế hệ trẻ, chiến tranh hiện ra có một khuôn mặt khác, khiến cho đề tài chiến tranh dẫu được khai thác quá nhiều vẫn không già cỗi. Trong tiểu thuyết của Ocean Vuong, chiến tranh từ những ám ảnh của kí ức buồn hiện lên thật đặt biệt từ góc nhìn của một nhà văn Mỹ gốc Việt. Câu chuyện được kể bằng những lá thư, con/người viết thư cho mẹ và cũng là người kể chuyện kí ức. Cuốn tiểu thuyết không trực diện mô tả chiến tranh nhưng cuộc chiến ở Việt Nam nằm trong mảng kí ức nguyên vẹn của một thời. Cái kinh khủng của chiến tranh là nó để lại nỗi ám ảnh dai dẳng qua nhiều thế hệ. Mỗi thế hệ là một niềm đau. Chạm vào nhân vị người, nhân vật của Ocean Vuong đầy tủi nhục. Một người phụ nữ mù chữ trên đất Mỹ, lớn lên từ chiến tranh Việt Nam, luôn mang trong mình những ám ảnh thành điên loạn. Một cô gái điếm lấy Mỹ, một kẻ mua dâm có tình yêu, đứa bé gái lai không biết bố là ai trong số những lính da trắng dày vò thân thể mẹ. Một đứa bé lớn lên từ kí ức chiến tranh của bà ngoại, của mẹ, gánh luôn hậu quả nặng nề của chiến tranh không thể nào gột rửa. Ba thế hệ chưa một ngày nguôi quên quá khứ, dẫu chiến tranh ngỡ đã xa tít mù qua thời gian và kể cả không gian. Bà ngoại, mẹ tôi, kể cả tôi đều bị chi phối bởi một cái bóng âm truyền đời: mặc cảm con lai, mặc cảm di dân, mặc cảm màu da. Nỗi ám ảnh chiến tranh được viết đầy ấn tượng, vừa như thơ vừa thô nhám trần trụi. Có cảm giác như con/Cún con/người viết lại kí ức vật vã và đam mê trên những con chữ của mình. “Nhưng hai năm sau, cuộc sống ở Việt Nam - vẫn còn tan tác mười ba năm sau khi chiến tranh kết thúc - đã trở nên khó khăn tới nỗi cả nhà chúng ta sẽ chạy trốn khỏi chính mảnh đất mà ba từng đứng, mảnh đất mà, cách đó chừng mét, máu của mẹ đã chảy thành một vũng đỏ giữa hai chân, biến đất cứng bên dưới thành bùn tươi - và con thành sống trên đời”. Đứa trẻ mang mặc cảm truyền nối từ nhiều đời trước, hay nói cách khác là mang giùm mặc cảm của ngoại, của mẹ, của những nạn nhân bị ám ảnh bởi chiến tranh. “Con chạm vào thế giới nhưng không phải là con mà là một tiếng vọng của thứ từng là con. Mẹ có nghe được con chưa? Mẹ có hiểu được con không?”; “Con là mảnh gỗ lênh đênh đang tìm cách nhớ lại mình vỡ ra từ đâu mà đến được nơi đây”; “Đôi lần, khi bất cẩn, con tin rằng vết thương cũng là nơi mà da gặp lại mình, bờ này hỏi bờ kia, mày đã ở đâu? Mình đã ở đâu, hả mẹ?”. Con, “một thằng nhóc da vàng và gần như không tồn tại” khẳng định bản ngã bằng những nhọc nhằn nhục thể, trong những cơn bạo hành của người mẹ đầy mặc cảm, trong cơn “chập chờn, thoắt tỉnh thoắt điên” của bà ngoại, kể cả trong mối tình đồng tính đau đớn và đẹp đẽ. Cú chạm vào nhân vị yêu rã rời đan xen niềm thống khoái được viết bằng những con chữ rưng rưng, vừa sáng rõ vừa mù mờ. Dữ dội mà lại dịu dàng. Khốc liệt và êm ái. Mọi trạng thái cảm xúc không đối lập mà hòa vào nhau như một bức tranh tâm trạng lập thể. Những nhát cọ như không hề được vẽ mà vẫn hằn lên ngang dọc. Những con chữ ngập ngừng, lấp lửng giữa nghĩa và ý. Đồng tính. Tình dục đầu đời. “Cậu da trắng con da vàng”. Vị của dòng sông, màu của hoa hướng dương. Màu xanh rút ra từ lá cỏ. Mùi táo xanh. Trong cách viết của Ocean mơ thực, ảo giác, quá khứ hiện tại hòa với nhau, không đường biên, phi thời gian không gian. Cái chết tím của ngoại và những bụi hoa tím nhổ vội vã bên đường. Cái chết đau đớn của Trevox và mùi táo xanh. Thoắt ảo thoắt thực. Chợt mê chợt tỉnh. Êm ái nhẹ nhàng lẫn thống khổ, bạo lực. Những hiện sinh nhọc nhằn. Có thể nói tác giả tư duy bằng ngôn ngữ để viết nên câu chuyện đầy ám ảnh. Chữ, câu, kể cả không chữ (sự mù chữ của người mẹ) làm nên/chính là sự viết của tác giả. Ngôn ngữ trong tiểu thuyết của Ocean Vuong là ngôn ngữ khơi gợi, nó cũng chính là những mảnh vỡ rời như một thách thức sự đọc. Hoặc đôi khi thân thể cất lên lời, như sự hòa hợp “cậu da trắng con da vàng” nhòe lẫn chỉ còn mảng sáng lên trong bóng đêm, và “cơ thể mình cất lên những ngôn ngữ còn lại”. Xâu chuỗi, lắp ghép những mảnh rời ngôn ngữ trong tiểu thuyết hiện lên một cuộc sống đa phức, phân rã, hỗn độn, chông chênh những phận người.
Lối viết mảnh vỡ liên văn bản với kiểu nhân vật nhà văn người kể chuyện khiến cả ba cuốn tiểu thuyết mang dáng dấp “tiểu thuyết trong tiểu thuyết” - một mô hình tự sự khá mới mẻ những năm cuối thế kỉ XX mà Bảo Ninh là một trong những nhà văn tiên phong thành công. Các tác giả đều nói về sự viết/công việc viết của mình với sự có mặt của kiểu nhân vật nhà văn. Nhìn chung là nhọc nhằn, cuồng mê và thống khoái. Bảo Ninh viết như mê sảng; OceanVuong “viết như mộng du” (chữ của nhà phê bình Hoài Nam); Vĩnh Quyền và dòng cảm xúc tràn ra qua những mảnh chuyện với hình thức “truyện trong truyện”. Nhân vật của Bảo Ninh, của Vĩnh Quyền, của Ocean Vuong vừa mang nội dung câu chuyện kể, vừa làm công việc viết/kể chuyện. Mỗi tác phẩm đều thấm đẫm đau thương. Nỗi đau thừa thải nhưng không thiếu hụt niềm tin, trong tuyệt mù vẫn lấp lóe một cái gì đó dẫu đôi lúc chỉ là một “phép thắng lợi tinh thần”. Tình yêu thánh thiện trong tác phẩm Bảo Ninh; tình dục đầu đời dị biệt lạ lẫm cay đắng trong tiểu thuyết của Ocean Vuong; tình yêu, hôn nhân và mặc cảm trong tiểu thuyết Vĩnh Quyền. Cảm xúc đến từ nỗi buồn thê thiết nhưng giữa bóng đen kí ức vẫn có những khoảng lặng xanh. Những con chữ xanh. Những con chữ thơ. Những xác chữ cõng trĩu nỗi buồn vẫn nhen lên niềm tin, khi Bảo Ninh gửi cảm xúc vào cái đẹp vĩnh viễn của Phương bất chấp bạo tàn và ô nhục kinh khủng của chiến tranh: “Phương của anh vĩnh viễn trẻ trung, vĩnh viễn ở ngoài thời gian, vĩnh viễn bên ngoài mọi thời buổi... Nàng xinh đẹp, mê dại và bất kham, hấp dẫn đến lịm người bởi sắc đẹp kì ảo và khôn lường, đẹp một cách đau lòng, đẹp như thể một sắc đẹp bị chấn thương, như thể một sắc đẹp lâm nguy, mấp mé bên bờ vực”. Đó là niềm tin khi đứng trước biển của Vĩnh Quyền, “từ biển con người có thể học cách tự chữa lành vết thương hôm qua”. Đó cũng là khi Ocean Vuong thầm thì với mẹ: “Suốt thời gian qua con tự nhủ mẹ con mình sinh ra từ chiến tranh – nhưng con đã nhầm rồi mẹ à. Mình sinh ra từ cái đẹp”. Cái đẹp cứ chen lên giữa hoang tàn đau thương, thậm chí ngỡ là tuyệt diệt để rồi rực lên, dẫu chỉ là “một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”.
Chiến tranh tưởng đã qua, 10 năm, 20 mươi năm, rồi gần trọn nửa thế kỉ, len vào cuộc sống nhiều mặt hôm nay là những mảnh kí ức còn tươi rói, kể cả “kí ức tương lai” như cách nói của nhà văn Vĩnh Quyền. Cách viết về chiến tranh sau chiến tranh là đồng hiện, dòng ý thức ngổn ngang, lắp ghép vô thức; là chất thơ của triết lí, chất thơ của nỗi buồn. Mỗi nhà văn có một lối viết riêng, mỗi nhà văn chọn một góc nhìn nên tác phẩm về chiến tranh sau chiến tranh thật đa dạng, làm nên một mảng lớn trên diện mạo văn học đương đại.
____________
1. Năm 1993, Nỗi buồn chiến tranh đã được dịch ra tiếng Anh với tên The Sorrow of War, và sau đó được chuyển ngữ tại nhiều quốc gia trên thế giới.
2. Sáng tác bằng Anh ngữ của nhà văn Vĩnh Quyền, đã in lần đầu tại Đại học Saint Benedict – Hoa Kỳ năm 2009. Bản thảo hoàn thiện được NXB Austin Macauley – London phát hành đầu tháng 3.2014. Debris of Debris được xem là tiểu thuyết Anh ngữ đầu tiên được viết bởi một nhà văn Việt Nam sống trong nước và không qua người dịch.
3. Được viết bằng Anh ngữ (Khánh Nguyên dịch).