SONG THAO - Trộm sách

10 Tháng Ba 202512:51 CH(Xem: 221)
SONG THAO - Trộm sách

Chuyện xảy ra ở Seoul, Nam Hàn, ngày 20/11/2023. Một người đàn ông khoảng 30 tuổi, tới nhà sách Kyobo ở Gangnam, để lại một bao thư dán kín. Nhân viên bán hàng tưởng khách bỏ quên nên giữ lại chờ  hoàn cố chủ. Bốn tháng không thấy có ai tới hỏi, ngày 20/3/2024, cửa hàng mở ra coi có chỉ dấu nào cho biết chủ nhân của chiếc bao thư bị bỏ quên không. Họ thấy trong đó có 20 tờ giấy bạc loại 50 ngàn won. Tổng cộng 1 triệu won, tính ra khoảng 740 đô Mỹ. Kèm theo là bức thư viết: “Tôi từng phạm nhiều lỗi lầm không thể sửa chữa, bao gồm cả việc liên tục trộm sách và học cụ trong chuỗi cửa hiệu của quý vị. Đã có lần tôi bị bắt và cha tôi phải bồi hoàn. Giờ tôi đã có hai đứa con. Nhìn lại quá khứ tôi nhận ra tôi đã có những lỗi lầm không thể đền trả. Hôm nay mùi thơm của sách mới khiến tôi nôn nao khi nhận ra tôi có thể hoàn lại những cuốn sách và học cụ mà tôi từng trộm cắp…Tôi muốn kể với gia đình của tôi về những lỗi lầm của tôi và tôi sẽ cảm thấy hổ thẹn hơn nếu như họ hỏi tôi rằng tôi đã làm gì để sửa chữa. Do vậy, dẫu là quá trễ nhưng tôi thật sự cảm kích nếu quý vị rộng lượng nhận lại khoản tiền này. Tôi mang ơn quý vị bao nhiêu thì sẽ giúp đỡ, cho đi và tha thứ bấy nhiêu”. Hai Giám đốc hiện nay của nhà sách, Ahn Byung-hyun và Kim Sang-hoon cảm kích trước sự kiện hy hữu này, đã góp thêm một triệu won để gửi tới một tổ chức từ thiện chuyên hỗ trợ trẻ em nghèo tại Nam Hàn. Gọi là hy hữu vì hai ông này cho biết con người vốn dĩ không dễ dàng thừa nhận những lỗi lầm trong quá khứ. Khó hơn nữa là ở tuổi 30 còn nhiều tự ái, người đàn ông này đã bỏ ra cả triệu won để cho lương tâm yên ổn.

Chủ nhân sáng lập của nhà sách Kyobo Bookstore ngày xưa, ông Shin Yong-ho là một người rất tôn trọng khách hàng của tiệm. Ông thường dặn các nhân viên: “Không bao giờ được làm nhục bất kỳ ai trộm sách. Phải giải quyết chuyện trộm sách một cách kín đáo. Hãy tử tế với tất cả khách hàng, lễ độ cả với học sinh tiểu học. Không tỏ thái độ hay có bất kỳ cử chỉ nào bất kính với những người vô coi mà không mua sách. Để khách thoải mái với sách, kể cả khi họ ngồi chép lại sách vào tập vở của họ. Chỉ dùng lời lẽ ôn nhu, tốt lành để “trói” những người trộm sách”.

Chuyện xảy ra ở Nam Hàn ngày nay nghe na ná như chuyện ở Sài Gòn ngày xưa. Chuyện của nhà sách Khai Trí. Chủ nhà sách là ông Nguyễn Hùng Trương, một người mê sách. Thuở nhỏ mẹ cho 2 xu ăn sáng, ông nhịn ăn để mua báo đọc. Lên Sài Gòn, học trường Petrus Ký, mỗi cuối tuần đạp chiếc xe đạp cũ về nhà lấy món tiền đủ ăn dè sẻn trong suốt tuần. Muốn có tiền mua sách, ông phải nhịn ăn sáng. Mỗi sáng uống nước lã cho đỡ đói. Ông mua phần lớn sách tiếng Pháp. Thập niên 1940, ông đã có một tủ sách giá trị. Bạn bè đến chơi nhờ ông  mua giùm. Có lần 5 người bạn nhờ ông  mua 5 cuốn, ông mua luôn 10 cuốn để được trừ 30%. Năm cuốn sách dư ông mang ra quán sách nhờ bán giùm. Chỉ ba ngày sau, sách bán hết, chủ quán hỏi ông còn thì mang ra bán tiếp. Ngửi thấy hơi có thể làm ăn được, từ đó ông mua sách ngoại quốc về gửi bán. Sách ông chọn thường là sách có giá trị, quý hiếm, trong nước không có chỗ nào bán. Số lượng ông mua tăng dần theo nhu cầu. Có khi ông mua cả ngàn cuốn.

Yêu sách, quý sách, ông dành tiền làm vốn để mở nhà sách. Năm 1952, ông mở nhà sách nhỏ tại nhà số 62 đại lộ Bonard, lấy tên Khai Trí. Đây là nhà sách đầu tiên tại Việt Nam bán theo kiểu tự chọn. Khách tha hồ đứng đọc tại chỗ không cần mua sách khi ra về. Khách tấp nập khiến nhà sách thu lợi khá khẩm. Ông mở rộng nhà sách sang căn kế cận, cơi thêm lầu, dần trở thành nhà sách lớn nhất Sài Gòn. Ông thành lập nhà xuất bản chuyên in những sách chọn lọc, chủ trương báo Thiếu Nhi với sự cộng tác của nhà văn Nhật Tiến.

Sau tháng 4 năm 1975, nhà sách của ông bị tịch thu, biết bao nhiêu sách trong kho bị tiêu hủy. Ông bị đi tù. Nhà văn Nhật Tiến, một cộng tác viên thân thiết với ông Khai Trí đã kể lại: Sau biến cố 30-4-1975, cùng với số phận của các nhà tư sản khác, ông Khai Trí đã bị chính quyền mới tịch thu toàn bộ tài sản bao gồm nhiều kho sách vừa do chính ông xuất bản, vừa do ông nhập cảng từ nước ngoài, cộng với rất nhiều tài sản, nhà cửa, đất đai, biệt thự ở Sài Gòn do chính ông gây dựng nên sau bao nhiêu năm cật lực làm ăn bằng chính tài năng, mồ hôi và sức lực lao động của mình.

Vào năm 1976, ông đã từng than thở với tôi sau khi nhà nước ra lệnh “Kiểm kê sách báo đồi trụy” như sau: “Chú nghĩ mà coi, họ chỉ cho tôi 2 ngày để kiểm kê bao nhiêu là kho sách chứa  hàng triệu cuốn với trên 20 ngàn tựa sách, làm sao tôi làm nổi”. Giọng nói của ông tuy cố làm ra vẻ thản nhiên nhưng nó đã bao hàm biết bao nỗi bùi ngùi và chứa chan ê chề, chịu đựng. Tuy không nói ra, nhưng chúng tôi cũng đã hiểu số phận mà chính quyền mới đã dành cho ông thế nào. Quả nhiên, để hợp thức hóa việc chiếm đoạt những tài sản kể trên, đặc biệt là nhà sách Khai Trí, nhiều tầng lầu nằm ngay trên đại lộ thênh thang Lê Lợi tại trung tâm Sài Gòn, nhà nước Cộng Sản đã quy chụp nhiều tội nặng cho ông như tư sản mại bản, ấn loát và phổ biến văn hóa đồi trụy đầu độc tinh thần dân chúng miền Nam, rồi bắt ông đi tù trong nhiều năm khiến cho một con người mạnh khỏe, năng động như ông đã trở nên suy sụp rất nhanh chóng, và thân xác của ông còn bị đầy đọa trong tù với nhiều  bệnh tật”.

Năm 1991, ra tù, ông Nguyễn Hùng Trương được con cái bảo lãnh qua Mỹ. Năm 1996, ông quyết định trở về nước và chỉ được nhà nước trả lại căn nhà cũ xây từ năm 1930 ở đường Điện Biên Phủ. Ông sống tại đây cho tới khi mất vào năm 2005, thọ 80 tuổi.

Cuộc đời ông hiến cho sách. Giầu vì sách nhưng ông không coi sách là một món hàng buôn bán. Ăn trộm sách tại nhà sách Khai Trí không phải là tội.

Khoảng năm 1959 báo chí có đăng tin một cậu bé chừng 14 hoặc 15 tuổi, mặt mũi dĩnh ngộ, thông minh, ăn trộm sách. Tên và trường học của cậu bé không được tiết lộ. Hồi đó nhà sách không có nhân viên bảo vệ mà chỉ có nhân viên giả làm khách hàng đề phòng trộm sách. Cậu bé lang thang ở khu sách tiếng Pháp, mở đọc hết cuốn này tới cuốn khác, mắt lấm lét nhìn tới nhìn lui. Rồi cậu giúi cuốn sách Toán Hình Học và Đại Số của Réunion des Professeurs vào ngực áo và ra cửa. Nhân viên giữ lại, sờ ngực cậu, hỏi: “Tại sao cậu ăn cắp sách?”. Nhìn chiếc phù hiệu trường Petrus Ký trên ngực áo, nhân viên nhà sách nói thêm: “Học sinh Petrus Ký sao lại ăn trộm sách? Tôi gọi cảnh sát tới cho cậu chừa cái thói ăn cắp đi!”. Họ giữ cậu tại quầy của cô thâu ngân viên. Cậu bé khóc như mưa như gió: “Lạy chị! Nhà em nghèo không có tiền mua sách, chị nói với chú ấy tha cho em, đừng gọi cảnh sát”. Cô giữ két hỏi: “Ba má em làm gì mà nghèo?”. Cậu sụt sùi trả lời: “Ba em chết, má em quét chợ An Đông”. Cô thâu ngân viên hỏi lại: “Má quét chợ An Đông mà con học Petrus Ký? Em học lớp mấy?”. “Dạ thưa quatrième année. Chị tha cho em. Nếu cảnh sát bắt đưa giấy về trường, em sẽ bị đuổi học, tội nghiệp má em!”. Ông khách sắp hàng kế để trả tiền, ăn mặc lịch sự, nói với cô giữ két: “Để tôi. Cuốn sách giá bao nhiêu? Học trò nghèo mà, lấy một cuốn sách, lỡ bị đuổi học tội nghiệp”. Cô thâu ngân viên chưa biết giải quyết ra sao thì ông Nguyễn Hùng Trương tình cờ bước vô tiệm. Thấy chuyện lùm sùm, ông hỏi ngọn ngành, quay qua ông khách tốt bụng rồi nói: “Phải học trò giỏi mới dùng tới cuốn này. Cám ơn  lòng tốt của ông nhưng để tôi tặng cậu ta, không lấy tiền và còn muốn giúp cậu ta thêm nữa”. Ông lấy tấm danh thiếp, ký vào và đưa cho cậu bé: “Từ nay cháu cần cuốn gì, cứ đem danh thiếp này tới ông quản lý hoặc cô thâu ngân viên, họ sẽ tặng cháu. Ngày trước bác cũng là học sinh Petrus Ký!”. Ba năm sau, cậu bé đậu tú tài loại giỏi, được học bổng du học Canada. Rất lâu sau năm 1975 đổi đời, một buổi chiều người ta thấy một ông già khoảng 70 tuổi, có vẻ là Việt kiều, đứng lặng trước nhà sách Khai Trí cũ. Ông vào nhà sách hỏi thăm về ông Khai Trí. Cô bán sách của nhà sách nay đã đổi tên thành nhà sách Saigon cho biết hình như ông đã mất khoảng chục năm trước. Ông già trở ra trước cửa nhà sách, đứng lặng hồi lâu, lấy khăn giấy lau nước mắt, chắp tay hướng lên trời, vài ba vái, rồi thẫn thờ rời đi. Không người nào biết ông là ai.

Từ khi khai trương nhà sách Khai Trí, nhân viên nhà sách đã bắt được nhiều vụ trộm sách. Nhiều nhất là bọn ăn cắp chuyên nghiệp, trộm sách ra bán cho các người bán sách “xôn” ngoài vỉa hè. Ông Khai Trí thẳng tay giao cho cảnh sát trừng trị loại trộm này. Nhưng những học sinh, sinh viên hoặc ngay các trí thức trộm sách vì họ cần chữ, ông chỉ bắt viết một tờ cam kết không tái phạm rồi tha cho về. Có vài trường hợp như cậu học trò Petrus Ký kể trên, ông tận tình giúp đỡ. Trường hợp nhà thơ Đỗ Trung Quân cũng khá đặc biệt được nhà thơ thuật lại trong “Hồi Ức Đỗ Trung Quân”. Đấy là một buổi chiều Sài Gòn sầm mưa, màu thành phố hệt như màu “chiều tím” của Đan Thọ – Đinh Hùng. Dường như tôi đã chúi mũi ở giá sách này rất lâu, một trăm khổ thơ lục bát của tác phẩm mới xuất bản “Động Hoa Vàng” dường như còn thơm mùi mực. Tôi buộc mình phải học thuộc lòng nó vì lý do duy nhất: không đủ tiền mua ấn phẩm, mà ca khúc “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng” danh ca Thái Thanh đang làm ngây ngất mọi tín đồ “ngồi thiền” ở những quán cà phê Sài Gòn khi ấy.

Nhưng chiều đã xuống, chỉ mới thuộc đến khổ thơ thứ 78. Cậu học trò quyết định một quyết định chưa từng có trước đó trong đời: ăn cắp sách. Tập thơ lận sau lưng áo học trò ra cửa”.
Nhà thơ khi đó còn là một cậu học trò mê thơ không lọt được qua cửa. Cậu được dẫn tới bàn làm việc của ông Khai Trí. “Ông Hùng Trương ngồi sau chiếc bàn cũng chật đầy sách, hầu hết đều ngổn ngang chưa sắp xếp, có đủ mọi thể loại. Có lẽ đấy là những cuốn sách được tịch thu lại từ những kẻ… thó sách như tôi. Giọng ông trầm, ôn tồn, âm miền Nam “Em học lớp mấy? Là học trò sao lại đi ăn cắp. Ăn cắp gì cũng xấu hiểu chưa? Tôi coi sổ thấy em mới phạm lần đầu ở đây nên cho em về. Ráng làm người tốt, được đi học thì đừng thành ăn cắp nghen em!”. Ký tên vào cuốn sổ hứa “không tái phạm”. Tôi bước khỏi Khai Trí mặt cúi gằm. Chưa bao giờ trong đời mình xấu hổ đến thế”.

Vật đổi sao dời, cậu bé mê thơ trộm tập thơ của nhà thơ Phạm Thiên Thư năm xưa nay đã thành nhà thơ nổi tiếng với bài thơ “Quê Hương – Bài Học Đầu Cho Con” gặp lại ông Khai Trí. “Hơn 30 năm sau, tôi bước vào căn nhà nhỏ trên đường Điện Biên Phủ. ông Khai Trí sau nhiều năm sống ở nước ngoài nay tìm về Sài Gòn. Ông chưa thôi nung nấu tâm nguyện mở lại nhà sách dù sau 1975 nhà sách của ông bị tịch biên, hàng tấn sách của ông bị tiêu hủy hoặc phát tán vào tay ai không rõ. Tội danh dành cho ông ngày ấy là “truyền bá văn hóa Mỹ – Ngụy độc hại. Chuyến về thăm này,ông nhờ người liên lạc với tôi và mời đến. Tôi ngạc nhiên không rõ điều gì. Ông già và gầy hơn xưa. Chỉ sự ung dung, điềm đạm của một người thành lập một nhà sách danh tiếng nhất Sài Gòn là còn nguyên vẹn. Ông đưa một bản in tay bài thơ “Quê hương – Bài Học Đầu Cho Con” để xin tác giả ký tên. Ra là thế! Nhưng tôi chưa ký ngay, tôi dò hỏi ông trong ký ức liệu ông nhớ được mặt mũi bao nhiêu đứa học trò ăn cắp sách ngày xưa tại nhà sách của ông, được ông tha về?. Ông già  hiền lành lắc đầu “Sao nhớ nổi thưa ông!”. Và tôi dẫn ông về buổi chiều nhá nhem tối của Sài Gòn hơn 40 năm trước. Tôi nghiêm trang: “Đứa học sinh ăn cắp tập thơ Phạm Thiên Thư được ông tha cho với lời khuyên bảo ân cần ngày xưa. Nó đây thưa ông!”. Tôi ký tên vào bản thơ duy nhất của ông, có lẽ đây là lần tôi ký tên với nhiều xúc động đến thế, còn hơn cả thế, nó còn dòng chữ ghi thêm “Cảm ơn ông với lời khuyên: đã được đi học thì đừng ăn cắp”.

Nhà thơ Thành Tôn kể cho tôi nghe chuyện trộm sách và ông Văn Nghệ. Ông Nguyễn Hùng Trương có tên là “ông Khai Trí” thì ông Võ Thắng Tiết có tên “ông Văn Nghệ”. Khi nhà sách Văn Nghệ còn hoạt động tại Cali, ông Văn Nghệ chuyên chở sách trên xe. Khi đậu xe ông không bao giờ khóa cửa xe. Hỏi thì ông cho biết người ta chỉ trộm sách khi cần con chữ, mà cần chữ thì chẳng tội tình chi. Những người có tình với chữ đều nghĩ như vậy.

Không biết có ai trong chúng ta còn nhớ anh Thực bán sách cũ trên đường Bonard, sau đổi tên thành đường Lê Lợi Sài Gòn từ thập niên 1950 không? Người lùn, ăn mặc nhếch nhác, miệng nói tía lia thân tình với mọi người. Giang sơn của anh chỉ là một kệ sách cũ nho nhỏ dựng bên một con hẻm cụt trên lề đường. Con hẻm tối tăm được anh dùng như một tủ sách. Anh chứa đầy sách trong đó. Khách hàng của anh phần lớn là học sinh, sinh viên, tấp nập suốt ngày. Sách của anh là sách giáo khoa, ngày đó phần lớn là sách tiếng Pháp. Khi gia đình tôi di cư vào Nam, tôi là hàng xóm nhà anh bên đường Bến Vân Đồn, Vĩnh Hội, nên biết đôi điều về anh. Thuở nhỏ anh không được đi học nhiều nhưng sách tiếng Pháp anh rành như bàn tay anh. Anh có mấy chiếc ghế đẩu cho khách ngồi đọc sách, mua hay không không thành vấn đề. Những sách chuyên môn của các sinh viên ngành y, ngành dược, nói tên là anh biết liền. Nhiều sinh viên không đủ tiền mua những cuốn sách dày cộm này anh để cho đọc và ghi chép thoải mái. Anh không giầu tiền bạc, không giầu kiến thức nhưng rất giầu tình với sách.

Sách như những vật linh thiêng nối kết người cùng một tôn giáo. Người bán sách thường có tâm với sách. Người đọc sách như những tín đồ ngoan đạo. Năm ngoái, một chủ tiệm sách nhỏ ở Southhampton, Anh quốc, cần di chuyển sách qua địa điểm mới, cách tiệm sách cũ khoảng 150 thước, vì giá thuê nhà quá mắc. Ông không có tiền nên kêu gọi khách hàng giúp ông chuyển hàng ngàn cuốn sách. Hơn 250 khách hàng già trẻ của nhà sách đã tham gia. Họ tạo thành một “chuỗi người”, chuyền tay nhau từng cuốn từ địa điểm cũ tới địa điểm mới. Công việc hoàn tất chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ. Nếu được kêu gọi, bạn có tham gia không? Tôi nghĩ là những người có lòng với sách đều gật đầu cái rụp!

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Hai 202511:48 SA(Xem: 436)
Buổi tối trước khi đi ngủ, tôi nằm nghĩ vẫn vơ về cuộc đời của anh Cúc với những bí mật nhỏ của nó.
18 Tháng Hai 20254:45 CH(Xem: 594)
Vài ngày sau, ông mai chạy đi chạy về để dàn xếp hai bên. Cuối cùng rồi cũng êm thấm
15 Tháng Hai 20258:48 SA(Xem: 775)
Từ đó mẹ tôi cũng không có tin tức chi của chị. Gia đình tôi dời nhà vào Sài gòn, không còn ai ở Huế.
05 Tháng Hai 20254:09 CH(Xem: 884)
Tôi có một niềm thương với Tuồng có lẽ từ trong tiền kiếp. T
30 Tháng Giêng 20259:46 SA(Xem: 626)
Vào những năm cuối đời, vua Gia Long chỉ dụ Bộ Hộ điều tra tài nguyên thảo mộc của nước nhà.
14 Tháng Giêng 20251:32 CH(Xem: 783)
Lóng rày tôi hay tẩn mẩn viết về những hồi tưởng tuổi thơ, nhất là những côn trùng ngày xa xưa đó như chuồn chuồn, bươm bướm, ve sầu, dế mèn…
20 Tháng Mười Hai 20248:36 SA(Xem: 908)
Ngủ yên, mộng lành. Bay nhẹ nhàng như bông trên cánh đồng, bay về với mẹ đi nhé, xạ thủ Ringo.
17 Tháng Mười Một 20245:34 CH(Xem: 1399)
Nét bút của người đàn ông, đã chết từ lâu.
10 Tháng Mười Một 20244:37 CH(Xem: 2408)
Giải Nobel Văn học năm 2024 đã được trao cho Han Kang, một tác giả người Nam Hàn, vì "văn xuôi thơ mãnh liệt đối mặt với những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người".
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 30997)
Ở thế hệ thứ hai của sinh hoạt 20 năm âm nhạc miền Nam, tính từ 1954 tới 1975, nếu có một người lặng lẽ nhất trong mọi sinh hoạt,
(Xem: 12777)
Chính Mai Thảo là người đầu tiên, vào từ miền Bắc, mở được cánh cửa tương thông, thân ái giữa những người làm nghệ thuật ở hai đầu “thế giới” lạ lẫm.
(Xem: 20596)
Tôi biết tôi dường còn muốn nói với NXH, nhiều hơn nữa,
(Xem: 9843)
màu vàng rực rỡ của dã-quỳ đã dắt tay tôi trở lại Pleiku
(Xem: 23357)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 185)
Trên vòm trời thi ca Việt Nam bao la, hiếm, có một thi sĩ mang trong mình sự giao hòa mượt mà giữa tình yêu, đời sống và triết tính Phật giáo như Du Tử Lê.
(Xem: 15914)
Du Tử Lê, ông ấy là ai? Sao định mệnh tôi cứ mãi gắn liền với những dòng thơ của ông ta? Nghe nói bây giờ đang ở tại Mỹ
(Xem: 6078)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 3017)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 3307)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 20558)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 9514)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 10846)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9669)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 13190)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 32671)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21994)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 27412)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 24785)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 23641)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 21772)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 19431)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20770)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 18210)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 17163)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 26826)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 34048)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 36074)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,