Về thăm cha, tôi mới vô nhà cha liền hỏi:
_ Con về hồi nào?
_ Dạ, con mới về!
_ Tụi nhỏ đâu?
_ Dạ, mấy đứa nhỏ hôm nay đi học nên không về!
_ Má chồng con khỏe hả?
_ Dạ, má con ở trển mất rồi, hôm đám tang cha có đi đưa...
Và điệp khúc đó cha lập lại với tôi hàng chục lần cách nhau chừng nửa tiếng. Và cho dù cha có hỏi tôi trăm lần như vậy, tôi vẫn nhẫn nại mà từ tốn trả lời cha...
Không phải tôi có tính kiên nhẫn mà vì tôi nhớ thuở nhỏ cha cũng đã nhẫn nại trả lời hết những câu hỏi ngây ngô của tôi...
Tôi trả lời cha vì tôi trân trọng tâm hồn cha tôi, tận sâu trong tiềm thức một người lãng trí tạm thời như cha vẫn còn nguyên vẹn nghĩa tình với người chung quanh, cha hỏi thăm cháu, hỏi thăm bà sui gia...
Mỗi lần nhìn cha, tôi lại nhẩm câu: "Cọp già nay đã xụi râu, thời oanh liệt nay còn đâu...!!!" Rồi bật cười...
Thời trước cha làm trong sở Mỹ, một hãng tư nhân, họ cấp xe cho cha tự lái đến hãng. Cưới má tôi về để ở nhà chỉ sinh con và chăm sóc gia đình. Chiều Thứ Sáu cha về, sáng Thứ Hai cha lại đi. Cha làm ở Công trường Khai thác Đá VECCO Núi Sập. Anh chị em tôi rất thích đón cha vào cuối tuần. Cha mang về cho mười anh chị em tôi những món quà mà trẻ con thích, cha mua những thứ đó mỗi lần cha đi ngang chợ Long Xuyên.
Cha yêu tất cả các con và cha đánh đòn tất cả. Mỗi lần má... méc, chúng tôi bị bắt nằm sấp trên "bộ ngựa" như cá mòi... Sau một màn nhịp nhịp cây roi kể tội, chúng tôi mỗi đứa bị quất vô đít hai roi... xong ngồi dậy, khoanh tay "xin lỗi cha mai mốt con không dám vậy nữa..." Tuy bị đòn đau (Cha có cây roi để trên nóc tủ không ai dám đụng tới,) mà sao chúng tôi vẫn yêu cha... Mỗi lần về nhà, cha hay kể chuyện cha đi làm, chuyện trên hãng. Cha kể có lần cha đánh thằng sếp Đại Hàn sặc máu mũi vì nó... ăn hiếp thợ bắn đá của cha... Chỗ cha làm có mấy người Thái Lan, Phi Luật Tân, Đại Hàn làm chung, cha được lòng thợ, họ thương cha lắm vì cha bênh vực họ
Đến thời kỳ sau 1975, bệnh ghẻ ngứa, bệnh lác, hắc lào, bệnh huyết trắng phụ nữ v.v... tràn lan trong dân. Cha đeo túi đi khắp vùng nông thôn đến thành thị, để bán thuốc. Ở nhà, lúc nào cũng có mấy hủ rượu thuốc trị trật tay, lọi (gãy) xương... Có thời, đội bóng đá Đồng Tháp mỗi lần đi tập hay thi đấu về là cầu thủ ghé qua đầy một nhà, họ đến để nhờ cha sửa tay, chân bị chấn thương, có vài lần, đi thi đấu ở xa, đội bóng "rinh " cha theo luôn!
Đi bán về thuốc lúc nào cũng hết, thuốc rượu cạn nhanh, nhưng cha cứ phải kêu gọi nhà tài trợ là các con mới đủ tiền đi bốc thuốc...!!!
Cuộc sống cha như vậy đến nay xem như hết cả đời, ông không dành lấy gì cho riêng mình, mà cho tất cả mọi người cả con cái và người dưng.
Vu Lan này tôi cài hoa trắng
Mẹ tôi đi vắng, tôi chăm cha
Ai cũng bảo, cha già lẫn thẩn
Tôi thấy, cha trẻ từng bước chân
Mất người thân ai mà không tủi
Tôi bơ vơ lầm lủi ơ hờ
Đứng giữa trời lạc lõng bơ vơ
Đâu điểm tựa cuối đời cha hởi
Mẹ tôi đi trước cha, ngay ngày đưa Ông Táo. Cha hơi lẫn nên hôm đám tang mẹ thỉnh thoảng cha hỏi: Má bây đâu rồi? Lúc lại hỏi: Đám ma ai vậy? Tôi trả lời cha mà nước mắt chảy dài...
Mẹ tôi rất hiền, hay cười, ít nói, cha tôi nể mẹ tôi lắm mặc dù cha nuôi cả gia đình và mẹ tôi không cần phải làm gì. Tôi không biết cách người lớn đối xử với nhau thế nào vì lúc đó tôi còn nhỏ... chỉ biết là cha không bao giờ lớn tiếng với mẹ và mẹ cũng không hề cãi cha chuyện gì. Trong cuốn sổ làm việc của cha có tấm hình cha chụp với một phụ nữ lạ, mẹ tôi lấy treo lên tường nhà chung với nhóm ảnh gia đình. Cha cười, mẹ khen hình đẹp... vậy thôi!
So với đàn ông thời nay, có thể xem cha là người đàn ông thành công trong cuộc sống. Cha luôn là thần tượng cao nhất trong lòng tôi, mà tôi nghĩ, đứa con gái nào cũng vậy
Ngày con bước chập chững
Cha mừng, nước mắt rơi
Giờ cha đi lững thửng
Đau lòng con cha ơi!
Cha bị sạn trong cuống mật, không ăn uống được mà bị đau bụng vì viêm, bác sĩ cho nằm yên trên giường không đi lại năm ngày, chỉ truyền dịch có đạm để mật không hoạt động. Bác sĩ nong cuốn mật cho cha, chúng tôi thay phiên chăm cha. Có lúc, đứa em trai thứ chín đi vắng, tôi ở bên giường cha, tôi thấy cha cứ loay hoay hoài không ngủ, tôi nghĩ cha khó chịu vì bị nằm một chỗ quá lâu. Một lúc ông nói nhỏ, cha muốn đi vệ sinh, tôi hơi sửng trong một giây... Rồi cũng xong. Thương cha quá, con gái chăm cha sao mà như con trai chăm cha chứ. Thế mới hiểu hết nghĩa chữ phụng dưỡng và chăm sóc là như thế nào!
" Bây giờ thôi hết bâng khuâng
Hai bờ sinh tử, cũng ngần ấy thôi"
(thơ Phượng Hồng)
Rồi cái ngày tôi lo sợ nhất cũng đến, ngày cha về với mẹ.
Trước ngày đó hai tuần, cha té trong phòng tắm, chỉ ngã nhẹ thôi, nhưng xương đùi cha nứt, không còn sức để đứng hay bước đi? Mấy tuần trước bỗng nhiên cha "tỉnh lại" cha nhớ cái nhà cũ, nhớ tên từng đứa và điều kinh khủng nhất là biết mẹ tôi đã mất! Cha cứ nằm mãi trên giường không ăn uống gì, nước mắt cha cứ chảy mấy ngày liền, đến khi tôi nghe tin chạy về, chị hai nói cha không ăn được nữa, phải đút cha mới ăn. Dấu hiệu đầu tiên cha tỉnh là lúc cha vào nhà vệ sinh mà cài chốt lại, cha không muốn các con phụ cha lúc cha đi cầu, cha ngã trong nhà tắm. Theo gợi ý của bác sĩ là chỉ mổ hàn xương lại cha mới đứng và đi được. Các con đưa cha lên bệnh viện Saigon mổ. Vì có người anh làm bác sĩ, nên việc mổ xương của cha được mau chóng. Vết thương tốt và cha tỉnh táo. Chúng tôi đưa cha về bệnh viện gần nhà để tịnh dưỡng và tập đi sau hai hôm mổ xong. Nhưng khi về được hai hôm thì cha đột quỵ.
Người đàn ông ấy đã yêu thương tôi vô điều kiện, ôm ấp chở che tôi khi tôi ốm đau buồn bã. Người đàn ông đó đã, dõi theo tôi từng bước chân, chỉ chực nâng tôi khi tôi ngã.
Người đàn ông ấy đang vẫy tôi giục giã, tôi chạy ngay về lòng thổn thức: Cha ơi!
Các con đưa cha về bên mẹ trong nước mắt
Nguyễn Kiều Phương