Viết về tình trạng đổ vỡ gia đình trong tập thể người Việt tỵ nạn ở Mỹ, ngày một gia tăng, và đó cũng là tình trạng của chính tác giả.
Lần đầu tiên, tác giả đưa ra một quan điểm hoàn toàn ngược lại, vốn rất phổ cập trong thơ văn Việt
“Chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn/ nói gì kiếp khác, với đời sau.”
Có người cho rằng câu thơ này là đỉnh điểm của quan niệm hiện sinh – sống với hiện tại. Nhưng dù cho có đúng là như vậy, thì nội dung bài thơ, tự nó cũng vẫn thủy chung tấm lòng thương yêu, tưởng tiếc hạnh phúc đã mất. Tinh thần này, rất đông phương, không một chút tây phương nào hết!
chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi
chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
chim về góc biển. Bóng ra khơi
lòng tôi lũng thấp. tâm hiu quạnh
chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi.
chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
buổi chiều chăn, gối thiếu hơi ai!
em đi để lại hồn thơ dại
tôi, vó câu buồn sâu sớm mai.
chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
em còn gương lược dấu đường ngôi?
nằm mơ thấy tóc thơm vai hẹn
và, khoảng trời xanh đến rợn người.
chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
bàn tay dư mấy ngón chia phôi!
(tặng nhau chính ngón không đeo nhẫn)
và những tàn phai đầy tuổi tôi.
chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
như trời nhớ đất (rất xa xôi.)
nắng mưa nhớ mãi hàng hiên đợi
thư nhớ hồi âm. Lệ nhớ môi.
BIS.
chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn
nói gì kiếp khác với đời sau.
đôi khi nghe ấm trên da, thịt
như thể ai đi mới trở về.
2.1990