1.
Con hẻm nhỏ, ngắn, đủ rộng cho xe hơi vào, ra và; buổi chiều tìm về, đậu lại, nhẩn nha thả những hạt bóng tối xuống ngôi quán vắng, lặng, qua những cái rây bột vô hình của nó. Từ sân thượng, lầu hai, chông chênh những trận mưa chiều, bạn có thể thấy một phần thành phố với những tàn cây cổ thụ như lùn đi bởi đám cao ốc xập sình, đang xây cất. Sức sống hực, hực như những ngọn đèn nghìn nến, dường phựt, tắt; khi bạn đã có được cho mình một chỗ ngồi, đâu đó, trên / dưới trong ngôi quán nép mình đáy hẻm kia. Ở đó, tôi được Dân giới thiệu Dã.
Tôi không hiểu điều gì, (nghiệp / duyên nào) khiến tôi thấy Dã khô, cháy hoang dại, miểng vỡ tiếng cười (mà) vẫn nhấp nhô, ẩn, khuất lênh khênh ưu uất; như một mảnh đời thất-lạc-tôi, xưa. Cảm giác địa chấn có với Dã, cũng hệt như lần đầu, khi tôi gặp Trân và, Dân (những mảnh đời thật-lạc-tôi, mất.) Chúng là mặt khác của một phiên bản, mang tên tuổi trẻ.
Nếu Dã thu hút sự chú ý của tôi, như một cảnh báo nghiệt ngã về cơn bão đang cuộn mình, lao tới (thì;) Trân và Dân lại cho tôi, năm, tháng tuổi trẻ rụt rè, cố thủ trong những căn hầm mặc cảm, chông chênh. Từ những căn hầm mặc cảm ấy, tiếng dế hoang đàng, lên gân, phóng những tín hiệu tìm bạn, ngày vui, vào khoảng không gian tưởng tượng, run rẩy xiết bao niềm bí mật, khao khát và, sợ hãi,
Khác với Dã, Trân và Dân, còn cho tôi cảm giác êm ả của những sườn đồi biếc thơ, thoải, dốc. Dù tôi không thể quả quyết (với bạn rằng,) cuối dốc là suối khô hay vực tối. Nhưng hề chi, phải không? Một khi, tôi có trở mặt cách nào (thì,) đó cũng vẫn là những mảnh đời thất-lạc-tôi, xưa.
Đó là những năm tháng tuổi thơ tôi, xanh rớt quạnh hiu, nhớt nhợt vắng, lặng với bàn tay tật nguyền và; những người phụ nữ vây quanh, cũng vắng, lặng, cũng thất thường, tật nguyền chiếc bóng.
Đó là những năm tháng thiếu niên tôi, không đủ liều lĩnh đập nát đời mình, như những lần anh Du tôi, nổi điên, đập phá đồ đạc, trước khi bỏ lại mẹ tôi rũ rượi tóc và, nước mắt trên chiếc phản gụ, vân bóng dấu vết thời gian.
Đó là những năm tháng trường thành tôi, trong bóng tối những căn hầm mặc cảm chông chênh ẩn, nấp. Những năm tháng tôi sống giữa hai cực đối đãi, quyết liệt. Nhiều lúc tôi thấy mình lớn, cao như...núi... Nhưng thường hơn, tôi thấy mình nhỏ nhoi, xanh rớt đìu hiu, nhớt nhợt vắng, lặng.
Phải chăng, từ đấy, tôi đã nhìn Dã, Trân, Dân, những người bạn trẻ trong ngôi quán nép, im đáy ngõ kia...như những phần đời tôi đã!?!
Tôi không biết. Tôi thực sự không hiểu. Mà, thưa bạn, theo tôi, mỗi cuộc đời đều được làm thành bởi tổng số những điều không thể hiểu; thì, thêm một điều không hiểu nữa, liệu có nên nỗi than phiền? Đương nhiên là không! Vâng bạn, tôi nghe.
Tôi cũng thực sự không hiểu, tại sao tôi lại muốn viết về Dã, về Trân, Dân và các bạn của họ, lúc này; mà không là anh Du, tôi mới gặp lại.
Anh Du là người anh thứ hai, trong số bốn anh chị em của tôi, sót lại. Anh Du, thanh niên, Hà Nội, những năm đầu thập niên 50. Anh Du, của một Hà Nội, phong trào, sưu tập tờ program của những phim được chiếu; như những nhà sưu tập tem, trân trọng với những con tem hiếm, của họ. Anh Du, của âm nhạc. Anh Du, của những ngày loạn lạc, (mãi gần đây tôi mới biết,) 13, 14 tuổi thôi, anh đã lãnh trọng trách đưa người chị dâu cả của gia đình chúng tôi, từ Khu Tư về vùng tề, chữa bệnh. Sau đó, anh lại chuyển giao “món hàng” chị tôi, từ vùng tề, về Khu Tư cho anh cả tôi, những ngày chiến tranh Việt-Pháp khốc liệt nhất. Nay, anh Du tôi, như người rừng, sống trong một túp lều làm thành bởi những miếng cạc tông, giấy báo, lon nước...người ta vứt đi, bên bờ một con kênh, Rạch Giá. Tôi không nghĩ anh tôi sẽ được sống thêm nhiều năm, dù thần chết có chểnh mảng cách mấy, với riêng anh.
Tôi cũng thực sự không hiểu, tại sao tôi lại muốn viết về Dã, về Trân, Dân và các bạn của họ, trong lúc này; mà không phải là chị Uyển? Chị vừa là dâu cả, vừa là người mẹ thứ hai của tôi? Tôi biết chị tôi mới được nhà thương trả về...Với hồ hỡi...sảng, rằng sẽ còn sống, tiếp.
Chị Uyển, cái tên chẳng những tôi không được phép gọi - - Mà, nếu tôi có gọi; thì nó (có thể cũng) đã trở nên xa lạ với chính chị, kể từ ngày anh tôi bị máy bay Pháp bắn chết trưa mồng ba Tết, năm 1950, tại Nho Quan! Sau năm 1954, chị đã đi thêm bước nữa.
Tuy nhiên, dù tôi có bị các anh, các chị cảnh cáo, yêu cầu, kêu gọi ở tôi sự hiểu biết, tế nhị tối thiểu, thì tôi vẫn không thể thay thế cách gọi chị bằng một tên nào khác - - Thí dụ, chị Oanh, nhũ danh của chị. Bởi vì, sau mẹ tôi, chị Uyển là bóng rợp lớn nhất, suốt một tuổi thơ cháy, đen lủi thủi, đời tôi. Tôi nhớ, những mùa hè Hà Nội, gió Lào(?) đã đặt giữa căn phòng của chúng tôi ở đường Triệu Việt Vương, những chiếc lò lửa điên tiết hơi nóng gùn ghè...Tôi nhớ, đêm hè, tôi được đặt nằm giữa hai người mẹ. Họ thay nhau không ngưng tay, chiếc quạt nan, cho tôi gió mát - - Trong lúc tôi mặc sức...sờ ti cả hai bà mẹ! Tôi nhớ mùa tựu trường đầu tiên của chị Băng và tôi, Hà Nội, trường Hàng Vôi, chị Uyển dẫn chúng tôi đi học bằng cyclo. Chị dắt tay tôi vào tận chỗ ngồi, sau khi cẩn thận giới thiệu tôi với thầy Niên, khi đó, là hiệu trưởng. Tôi nhớ những mùa đông Hà Nội, chị Uyển tôi, dạy thật sớm, đun ấm nước khổng lồ, đổ vào thau nước lạnh, khoắng khoắng... trước khi thức tôi dạy, rửa mặt cho tôi... Và, hôm nay, chị Uyển tôi, đang nằm bệnh ở chung cư Phú Lâm 2, Saigòn...
Ô, vậy mà, tôi không hiểu, nghiệp / duyên nào, khiến tôi muốn viết về Dã, Trân, Dân và các bạn của họ?
Phải chăng, trong cảm nhận của tôi, họ là những mảnh đời thất-lạc-tôi xưa? Nếu tôi không viết ngay, không viết gấp, có thể chúng sẽ lại ra đi, lại bốc hơi và, tôi sẽ lại thất-lạc-tôi, như đã! Còn chuyện anh Du, chị Uyển tôi ư? Cứ thư thả, vội gì, rồi ra, ngày rộng tháng dài...
Bạn cho tôi chủ quan quá chăng? Có thể lắm. Sống đến tuổi này, tôi hiểu, chẳng chuyện gì không thể xẩy ra. Ngay việc, những người bạn trẻ của tôi, có thể sặc sụa / cười khi họ đọc được những cảm nghĩ của tôi, một “ông già,” về họ! Thì đã sao, phải không? Phát biểu buồn / vui là quyền tối thiểu của mỗi con người kia mà! Nhưng tôi cho rằng, sẽ không ai nỡ nổi giận, bực dọc khi nghe tôi nói ra những cảm xúc chân thật của mình. Tôi cho thật là tử tế, thật là đáng kể, nếu ta nói được với nhau những điều chân thật; bằng một giọng ôn tồn hoặc tự chế nào đó. Nếu họ, những người trẻ, có cười (sặc sụa,) thì, cũng tốt thôi! Đó cũng là những phản ứng chân thật, của họ.
Nhưng lời cảnh cáo của bạn cũng có phần hữu lý. Hữu lý ở chỗ, có thể tôi đã lố bịch khi nghĩ rằng anh, chị tôi sẽ còn ở được với cuộc đời này nhiều năm, nữa. Có thể tôi cũng đã lố bịch khi nghĩ, tôi sẽ còn ở được với cuộc đời này, ít gì, cũng ngang bằng thời gian của anh, chị tôi. Nhưng, nếu tôi có đi xa sớm hơn anh Du hay chị Uyển, thì cũng được thôi.
Tôi hiểu, đời sống chẳng hứa hẹn chắc chắn điều gì, với ai! Nên, ta hãy tiếp tục câu chuyện, để nó khỏi trễ chuyến tàu thời gian đã dành cho nó. Nào, ta tiếp tục...)
2.
Không biết chiếc cầu bắc qua con kênh trải qua bao đợt trùng tu? Với tôi, ở lần trở lại này, rõ ràng là nó mới. Cũng rất mới, với tôi, khi người ta xây cho nó, hai bờ kè xi măng. Có điều mực nước quá thấp. Nếu nó không quánh đặc bùn thì tôi đã có thể thấy được những gì con kênh còn giữ lại nơi đáy nó.
Đó là lúc mười giờ tối (hay có thể quá hơn một chút.) Trăng thượng tuần đang hào phóng dát từng miếng kim loại mỏng, không đều, lên khối bùn gần như bất động. Từ trên cao nhìn xuống, con kênh cạn như đường ngôi giẽ giữa, thẳng băng, mà tóc hai bên, như suối đen, nhức. Đôi chỗ tóc được highlight bởi những ngọn đèn mầu từ dẫy quán cóc bên kia đường, chạy song song bờ kè.
Khi tôi tới chân cầu, bờ kè, những người bạn của Dã, Trân và Dân, đang hát. Nếu tôi không lầm thì Ngọc đang sống với một ca khúc do chính anh sáng tác. Ca khúc, theo cách gọi riêng của các bạn anh, là "Rock Xích Đạo." Ngọc nói, đó là thử nghiệm, phối ngẫu giữa rock, và; âm điệu truyền thống tây nguyên. Tôi thấy, không chỉ Dân, Dã, Hải, Tasha...bè theo, mà luôn cả những chiếc bóng của Trân, Hân, Dục, Xoan... cũng hòa theo, trong một điệu múa tự phát - - Nửa muốn phô ra, nửa như ngại ngùng, giữ lại. Nhưng, tựu chung, họ cùng nhập đồng trong một điệu blue (giống chiếc bánh thao thiết âm u) chia đều cho mỗi người - -" xin đem về xích đạo - linh hồn tôi đêm nay - không còn ai muốn nhận – niềm tin thành mây bay - đầu thai là đi đầy - đầu thai là đi đầy... "
Tôi chọn cho mình một chiếc ghế sát lòng kênh; thu mình trong nhập nhoạng âm thanh và những vạt sáng. Tiếng hát những người trẻ bập bùng tự tin, như những ngọn lửa truy hoan muộn màng không ấn định giờ tắt... Nhưng, chẳng nhờ thế mà mùi hôi nồng nặc bốc lên từ con kênh, bị đẩy lui - - Như ngọn lửa (dù cho đó là ngọn lửa truy hoan muộn màng,) và, thần chết (rất công bình,) cuối cùng, rồi cũng tới.
Bản nhạc dứt. Im lặng ập đến, bất ngờ. Tất cả cùng nín thinh. Họ như những kẻ nổi loạn, bỗng không, nhàm chán trò chơi bạo động của / với chính mình. Gương mặt chạm trổ nắng, gió tâm thức gập ghềnh của Dân, lập lòe, lùi xa, sau điếu thuốc. Hải, Tasha cúi xuống ly bia đã tan bọt, với bàn tay không biết dùng vào việc gì, bỏ hờ hững trên bàn. Dã đổi chỗ cho Xoan, ngồi cạnh Hân. Anh trở thành người ngồi đầu bàn, xây lưng vào đường nhựa. Từ vị trí xéo góc, lần đầu tiên, tôi nhìn rõ mặt Dã. Đôi lông mày xếch, đậm của anh, như hai vết mực xạ (qúa tay) từ một người viết thư họa bức bối, thiếu trầm tĩnh. Khuôn mặt Dã vuông vứt, xương hàm bạnh, sắt, thép, như xương mặt người thượng cổ. Bất gíac, tôi cười, với Dã. Có dễ anh không thấy. (Hoặc có thấy, nhưng anh không cho tôi dấu hiệu đáp lại.) Tuồng anh đang đi lại từ đầu, đời mình.
3.
Đêm mỗi lúc một thêm trương phình những bụm tối hăm he dọa nạt, khi các tụ điểm dọc bờ kè bắt đầu thưa vắng. Đèn tắt. Một số hàng quán bên kia đường, đóng cửa. Tiếng gầm thét của những chiếc xe scooter nhiều phân khối, từ xa vọng lại, bơ vơ, lạc lõng treo trên những giây điện vắt ngang bầu trời, ngơ ngác.
Mặt người thanh niên hướng vào con kênh. Giọng anh phẳng, bẹt, không một dợn sóng (dù rất yếu.) Tựa chúng không hề đi ra từ cuống họng anh, (mà,) môi anh chỉ mấp máy như người ta hát nhép, theo một đoạn băng đã ghi âm sẵn. Hay đó là tiếng vọng vô hồn từ một cõi không thật?
Tôi cảm tưởng anh có khả năng vắt cạn kiệt mọi cảm xúc khỏi lời nói mình. Đến độ những con chữ bị bào mỏng như những tờ giấy mới, dễ dàng cắt đứt tay những người thợ in, sơ ý.
Anh nói, sau ba mươi sáu năm nổi trôi từ những năm tháng ở chủng viện, tới những ngày sống ở gầm cầu (vừa nói, người thanh niên vừa chỉ vào dạ cầu, sau lưng tôi,) trải qua tất cả mọi công việc, từ thấp kém nhất, tới địa vị một kiến trúc sư; hiện tại là đạo diễn chuyên ngành tư liệu...những gì anh biết được về mình, rất ít. Nó ít hơn cả những điều anh biết về...kẻ khác!
Người thanh niên kể:
Với hai trang giấy khổ học trò mà, ta tạm gọi là hồ sơ còn lưu trữ tại một chủng viện, ở Đà Nẵng, tôi được ai đó, đem tôi tới chủngviện. Khi ấy, tôi đã hơn một tháng tuổi. Nhưng theo luật của chủng viện, ngày sinh của tôi là ngày tôi được “nhặt.” Đó là ngày...tháng... năm 1969. Lúc họ “nhặt” tôi lên, ai đó quấn sơ sài cho cái hình hài tôi thâm, tím, một manh vải cũ. Những dấu tích đặc biệt trên thân thể, để nhận dạng là...Ngoài ra, dù rất muốn, chủng viện đã không thể có thêm bất cứ một chi tiết nào khác.
Luật của chủng viện cũng quy định, sau mười bốn năm ở viện, bất cứ đứa trẻ mồ côi nào, nếu không được ai đến nhận, nó sẽ được “trả” lại xã hội. Với bốn năm thử thách, nếu còn sống và, nếu không chịu nổi xã hội bên ngoài, đứa trẻ (khi đó đã 18 tuổi,) có thể trở lại chủng viện. Nó sẽ được nuôi dưỡng tiếp để trở thành tu sĩ, tận hiến đời mình, cho Thiên Chúa...
“Cá nhân tôi, tôi chọn ở lại gầm cầu, ở lại bờ kè này - - Ở lại với những kẻ sống bên lề...xã hội!” Anh nói.
Vẫn theo quy định của chủng viện, thì, mỗi cuối năm, đúng ngày...tháng...những đứa trẻ mồ côi chưa được cha, mẹ nhận lại, ở khắp nơi, tụ tập về sân viện; từ 8 giờ sáng tới 8 giờ tối, chờ xem có ai tới “nhận” mình chăng!!!!...
Người đàn ông nhấn mạnh:
“Tôi đã chờ như thế 36 năm. Tôi đã ngồi mười tiếng, mỗi ngày, như thế. Tôi đã trở về chủng viện, như thế, 21 năm... Mỗi cuối năm, dù làm gì, ở đâu, tôi cũng trở về chủng viện. Cuối năm nay, tôi cũng sẽ ‘hành hương’ về chủng viện. Như những tín hữu Công Giáo hành hương về Lộ Đức; những tín đồ Hồi giáo, mỗi năm hành hương về
Tiếng nói đi ra từ người thanh niên (có xương mặt như người thượng cổ và, cặp lông mày xếch, đậm như hai vệt mực xạ (quá tay) từ một người viết thư họa bức bối, thiếu điềm tĩnh...) mỗi lúc một bén ngót hơn. Chúng tựa những lưỡi trủy thủ vốn mỏng như tờ giấy; giờ lại mỏng hơn nữa. Chúng mỏng tới mức vô hình; và vô tình liếc qua, liếc lại trên từng tấc thịt, da kẻ có mặt. Tôi nghe gai ốc nổi, chạy khắp thân thể. Khoảng cách giữa Dân, Hải và Tasha không còn nữa. Tôi không biết ai chủ động việc xích gần, ké, nép vào nhau...Tôi cũng không biết, có phải do những lưỡi trủy thủ của Dã đã liếc quá nhiều lần trên da thịt họ; hay, vì vầng trăng thượng tuần đang khuyết dần bên kia cây cầu và, gió đêm bỗng lạnh?
Tôi cũng không thể quả quyết, (hoặc giả, tôi cố gắng để không bị mang tiếng là hàm hồ,) rằng, điều gì đã khiến da mặt luôn hồng hào của Hân, biến dạng thành da người chết? Trân cũng nhợt nhạt, bấu, níu (thiếu điều đu cả người) trên cánh tay của Hân... Dục bậm môi, như muốn đào thoát...
Người thanh niên vẫn tiếp tục câu chuyện (được kể, lần đầu,) với chiếc mặt nạ (thường trực) cùng, khả năng ngụy trang cao, từ mái tóc đầu đinh, tới bộ quần áo đơn giản, bình thường:
“...Cuối năm nay, năm thứ 22, vào ngày...tháng...tôi sẽ trở lại Đà Nẵng. Trở lại chủng viện. Dù chủng viện đã hai lần thay Mẹ bề trên và, rất nhiều Sơ từng nuôi dạy tôi cách đây 36 năm, cũng không còn nữa. Ngay người quản lý hồ sơ trẻ mồ côi, cũng là người mới... Tôi hiểu chứ, ai thì rồi cũng phải chết thôi. Ngay cả người đẻ ra tôi, người mà 36 năm qua, tôi hằng khao khát thâm gan, ước ao tím mật rằng, cho tôi một lần được thấy mặt mẹ tôi! Cho tôi một lần, được biết tên bà. Cho tôi, một lần thôi, được thốt kêu...Mẹ! Mẹ! Mẹ! Sao mẹ dành bỏ con!!! Sao mẹ không một lần nhìn nhận con, dù đã 36 năm qua? Bây giờ con đã có nghề nghiệp! Bây giờ con đã kiếm ra tiền...tự nuôi thân mình...Và, bây giờ, con đã có thể nuôi được cả mẹ nữa!!! Nhưng, Mẹ! Mẹ! Tại sao? Tại sao? Tại sao?...”.
“...Tôi hiểu chứ, ai thì rồi cũng phải chết thôi. Ngay Mẹ bề trên, các Sơ nuôi tôi, nhân ái, tử tế như thế, cũng chết. Những người trong nhà bếp, nuôi ăn chúng tôi, những người giữ đống hồ sơ trẻ mồ côi, sống tốt lành như thế, cũng chết...Tôi muốn nói, người đàn bà sinh đẻ ra tôi, có thể cũng đã không còn nữa. Nhưng cuối năm nay, tôi vẫn trở về Đà Nẵng. Tôi sẽ trở về nơi người ta ‘nhặt’ được tôi, cho tới khi có người đến... ‘nhận.’ Dù cho tôi có phải trở lại 15, 30 lần nữa. Dù cho khi đó, tôi đã sáu mươi...Tôi vẫn về. Phải về chứ! Không một ai có thể ngăn cản tôi, luôn cả thượng đế. Luôn cả khi, tôi có biết chắc, tới lúc chết, cũng chẳng ai ‘nhận’ tôi, thì, tôi vẫn về. Tôi về, và tôi tin, cuối cùng, nếu mẹ tôi đã chết, thì linh hồn của bà, tôi cũng sẽ ‘nhận’ tôi theo cách riêng của bà ấy...
“...Thì cứ cho là tôi bướng bỉnh, tôi đầu bò, tôi điên rồ đi - - Cũng được thôi - - Nhưng, xin để mặc tôi tin rằng, sẽ có ngày, có lần, ai đó tìm tới chủng viện, ‘nhận’ tôi - - ‘Nhận’ đứa con chuẩn bị bước vào tuổi...bốn mươi, là tôi hôm nay; hay ông già, sáu mươi, là tôi, mai kia, theo cách của họ!!!...”
Thưa bạn, tôi chỉ ghi nhận được đến đó, câu chuyện của người đàn ông. Không rõ sau đó, anh có nói gì thêm? Tôi chỉ ghi nhận được, sau đó, là những giọt lệ lăn chậm trên nhiều khuôn mặt. Tôi chỉ ghi nhận được, sau đó, Trân nhoài người qua Hân. Cô găm những ngón tay ướt đẫm xúc động của mình, lên đùi người thanh niên.
Riêng cá nhân, tôi thấy rõ, im lặng đã gia tăng sức ép ngột ngạt của nó, lên ngực tôi. Dân bỏ chỗ, đi vòng quanh bàn, kéo chiếc ghế mới, ngồi cạnh tôi. Tôi quàng tay qua vai Dân. Sự di chuyển của Dân làm không khí chao, động...
Và, thưa bạn, sau cùng, dường tôi ngửi được chút hương thơm lạ lẫm, từ dạ cầu, từ lòng kênh, bùn đọng. Nơi không còn miếng kim loại nào, sót lại.
2005