LNĐ: Tối Thứ Sáu 23 tháng 10 vừa qua, Nhà thơ Du Tử Lê đã dành cho đài Tiếng Nói Việt Nam Hải Ngoại/ Dallas (chương trình Thế Giới Nghệ Thuật) một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, từ lúc 9:00PM tới 10:5PM giờ Texas. Nhận thấy cuộc phỏng vấn liên quan tới nhiều vấn đề văn học, cũng như tới cá nhân, con người của nhà thơ họ Lê này, chúng tôi xin đăng tải nguyên văn cuộc nói chuyện, sau khi có được sự đồng ý của đài TNVNHN Dallas và, người phụ trách chương trình Thế Giới Nghệ Thuật, ông Đào Văn Đại Dương.
Trân trọng.
***
Xướng ngôn viên (XNV): Hôm nay chúng ta được dịp gặp gỡ nhà thơ Du Tử Lê. Những tâm hồn yêu thơ, yêu nhạc, chắc hẳn không ai không nghe đến tên ông. Ông đến với chúng ta bằng hai cách: Thi Ca và Âm Nhạc. Bởi vì thơ ông đã là nhạc. Chẳng thế mà đã có rất nhiều nhạc sĩ phổ thơ Du Tử Lê, và hầu như bài nào cũng thành công; cũng được giới yêu nhạc đón nhận rất trân trọng, rất nhiệt tình, như “Khúc Thụy Du, Em Ngủ Trong Một Mùa Đông, Khi Tôi Chết hãy Đem Tôi Ra Biển, Đêm, Nhớ Trăng Saigòn, Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi, Quê Hương Là Người Đó, Trên Ngọn Tình Sầu, K. Khúc Của Lê, Thương Mẹ Đã Lưng Đời, Trên Nhành Môi Tôn Nữ, Lệ Sầu Nhớ Mi,” vân vân... (và còn nhiều nữa....)
Sau đây, chúng tôi xin bắt đầu cuộc phỏng vấn nhà thơ của chúng ta.
Du Tử Lê bắt đầu làm thơ từ bao giờ? Đã từng xuất bản thơ trước 75 chưa? Đến năm bao nhiêu tuổi thì tên tuổi Du Tử Lê mới thực sự nổi tiếng?
Du Tử Lê (DTL): Kính thưa quý thính giả, ngay câu hỏi đầu tiên những người phụ trách chương trình “Thế Giới Nghệ Thuật” dành cho tôi, đã là một câu hỏi rất khó nuốt. Bởi vì trong một câu hỏi mà nó lại có tới 3 câu hỏi nhỏ, móc xích với nhau. Do đó, để thính giả dễ theo dõi, tôi xin chia vâu hỏi này thành ba câu hỏi nhỏ:
-Thứ nhất: tôi tìm đến với thơ rất sớm, khi mới 10 tuổi, có dễ chỉ vì đời sống ấu thơ của tôi nó quá lẻ loi, nó quá cô quạnh. Tuy nhiên, bút hiệu Du Tử Lê thì mãi tới năm 1957 mới được dùng chính thức, lần thứ nhất trên Tạp Chí Mai, ở Saigòn.
-Thứ nhì: Tính tới ngày hôm nay, tôi có tất cả 36 tác phẩm đã được xuất bản. Trong số đó, hết 22 cuốn in ở Việt Nam. Nghĩa là tại hải ngoại, trong vòng 23 năm, tôi chỉ có 14 cuốn mà thôi. Nhưng, có một số tác phẩm được in nhiều lần, nên khiến một số đọc giả cho rằng tôi tất cả các đầu sách của tôi, đều được xuất bản tại hải ngoại.
-Thứ ba: Tôi vẫn quan niệm một tác giả hay một nghệ sĩ được biết đến nhiều hay ít, do nơi lòng yêu mến của người đọc, người thưởng ngoạn. Ở rất nhiều nơi, tôi vẫn nói, chúng ta sẽ không có Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Tuân, Văn Cao, Nguyên sa, Bùi Giáng vân vân, nếu chúng ta không có người đọc, người nghe. Nói cách khác, tôi nghĩ, tôi được yêu mến nhiều vào đầu thập niên 70, và, nhất là sau khi tôi được trao giải Văn Chương Toàn Quốc Bộ môn Thơ, năm 1973, ở quê nhà.
XNV: Thơ tình của ông lấy cảm hứng từ đâu? Chính ông hay từ bên ngoài? Có người nữ nào ảnh hưởng sau đậm nhất trong thơ ông? (Thụy là ai? trong ca khúc “Khúc Thuỵ Du” hở Du Tử Lê?)
DTL: Tôi nhớ đầu thập niên 70, một độc giả của báo Khởi Hành, thời đó, có hỏi tôi một câu tương tự như hôm nay các anh, chị đang hỏi tôi. Và, tôi đã trả lời rằng: Thơ của tôi là những lời nói thật. Nghĩa là thơ của tôi là phần kết tụ của những cảm xúc từ trái tim tôi. Cảm xúc đó, có thể khởi đi từ chính bản thân tôi, hay từ sự trải qua của những người khác.
Về câu hỏi người nữ nào đã ảnh hưởng sâu đậm trong thơ của tôi, thì, người đó, chính là mẹ tôi. Sau mẹ tôi, là tất cả những người nữ, tôi gặp trong đời mình... Tôi muốn nhấn mạnh rằng: Tất cả mọi người nữ tôi gặp gỡ, tôi nói chuyện, đều ảnh hưởng tới tôi, chứ không nhất thiết người nữ đó, phải có liên hệ tình cảm với tôi.
Về nhân vật “Thụy,” trong bài “Khúc Thụy Du,” tôi nghĩ, từ lâu, đã trở thành một nhân vật tượng trưng, cho bất cứ một người nữ nào trên mặt đất này.
Thụy chỉ là một tên gọi, như A, B, C hay Đ mà thôi. Bởi vì, theo tôi, một tác phẩm khi trở thành phổ cập, nó không còn thuộc về tác giả. Nó thuộc về bất cứ ai, đem lòng yêu mến, xót xa cho nó.
Cũng thế, có bao giờ chúng ta không hỏi Đoàn Thị Điểm rằng người chinh phụ trong “Chinh Phụ Ngâm Khúc” tên gì, con nhà ai, ở đâu, làm gì đâu phải không?
XNV: Du Tử Lê chưa già, nhưng không còn trẻ nữa! Thường thì, khi người ta qua lứa tuổi đôi mươi, qua thời tuổi trẻ, những cảm xúc, những rung động trước cuộc sống sẽ giảm bớt, không còn bén nhậy nữa. Nhưng cho tới nay, thơ Du Tử Lê vẫn còn đầy ắp những rung động từ đáy trái tim, cho cuộc tình, cho quê hương, và sức sáng tác vẫn còn dồi dào. Xin ông cho biết cách nào để Du Tử Lê vẫn còn giữ phong độ như thế, khi mà cuộc sống ở Mỹ vốn bận rộn với thực tế hàng ngày. Và có khi nào ông cảm thấy cạn ý không?
DTL: Với cá nhân tôi thôi, ngày nào bạn còn thấy rộn rã nỗi nhớ quê hương, lòng thương yêu tổ quốc ở xa của mình; ngày nào, bạn còn rung động, còn xốn xang ruột gan trước một người khác phái, trước những cảnh đời diễn ra quanh bạn, thì ngày đó, bạn còn đề tài, bạn còn viết được, dù bạn bao nhiêu tuổi. Vấn đề không phải người ta bao nhiêu tuổi, mà vấn đề ở chỗ trái tim trong ngực ta có còn rung động? Thực sự rung động nữa hay không mà thôi.
XNV: Chúng ta đã biết nền văn học hải ngoại ngày càng giới hạn bởi những thế hệ lớn tuổi sẽ mai một, mất dần. Thế hệ hoàn toàn xa lạ với chính ngôn ngữ Việt Nam. Một số người bi quan, e rằng, rồi đây chúng ta sẽ mất gốc, nền văn học Việt Nam sẽ không còn chỗ đứng, thậm chí sẽ biến mất nơi hải ngoại. Ông có cảm thấy thế không?
DTL: Là người may mắn được đi nhiều, tiếp xúc nhiều với giới trẻ ở hải ngoại; chẳng những tôi không bi quan mà rất lạc quan về tuổi trẻ của Việt Nam ở quê người. Tôi tin chắc văn học, nghệ thuật ta, làm thành bởi những thế hệ sau tôi, sẽ rực rỡ, sẽ giá trị hơn thế hệ của tôi, nhiều lắm.
XNV: Ông có mong muốn nền Văn học Hải ngoại được phổ biến tại VN, nơi đó chính là nguồn độc giả đông đảo và vững bền nhất? Và nói riêng, ông có muốn thơ ông được xuất bản ở VN, để nhiều người cùng biết đến không?
DTL: Muốn lắm chứ. Đó không phải là khao khát của riêng tôi, mà của tất cả những người cầm bút ở hải ngoại. Riêng trường hợp của tôi, thì, từ 1985 tới nay, mặc dù chẳng được ai xin phép, hỏi han, trả tiền nhuận bút, nhưng thơ của tôi vẫn được in trong các tuyển tập thi ca xuất bản ở trong nước. Những tác phẩm lớn như tập “Những Bài Thơ Tình Hay Nhất Thế Giới,” hay tuyển tập “Lục Bát Tình,” gồm 504 tác giả (hầu hết ở trong nước,) cho tới những tuyển tập nhỏ, cho tuổi trẻ, cho tuổi học trò như những tập “Thơ Tình Thời ÁoTrắng,” “Thơ Cất Trong Ngăn Cặp,” đều có in thơ của tôi... Chưa kể họ in hoặc trích đăng trên một số tạp chí, xuất bản tại Việt Nam...
XNV: Bất cứ một nhà sáng tác nào, dù thơ, văn hay âm nhạc cũng đều muốn tác phẩm của mình được phổ biến sâu rộng, được mọi người chia sẻ những cảm xúc, rung động của mình. Chắc rằng Du Tử Lê cũng thế, bằng cớ là thơ ông đã được chuyển dịch sang Anh ngữ. Nhưng ông có nghĩ rằng khi một bài thơ được chuyển dịch sang một ngôn ngữ khác, sẽ không giữ được nguyên vẹn những cảm xúc thật của tác giả, nhất là thi ca vốn dịu dàng, và mỏng manh như sương khói. Chúng tôi nghĩ rằng chỉ có người đọc trực tiếp mới đón nhận được tất cả sự dịu dàng, mỏng manh đó của hồn thơ thôi. Riêng ông nghĩ sao?
DTL: Tôi đồng ý hoàn toàn. Dịch là phản / Translation is betrayed. Nhưng chúng ta chẳng thể có một chọn lựa nào khác, để thế giới, để nhân loại biết tới thơ Việt Nam.
XNV: Ai cũng biết, kể cả ở VN, không nhà thơ nào sống bằng thơ của mình cả, nói rõ hơn, xuất bản một cuốn thơ không đễ gì bán hết. Những cuốn tiểu thuyết tình cảm xã hội éo le của bà Tùng Long, Dương Hà, Trọng Nguyên... còn được nhiều người mua. Nếu mà cuốn Thơ Du Tử Lê xuất hiện ở VN, chắc sẽ không đắt hàng như vậy. Ông có cảm thấy thiệt thòi và bất công không cho giá trị của nền thi ca VN nói chung?
DTL: Theo tôi, chọn lựa đến với văn học nghệ thuật là một chọn lựa hoàn toàn tự do, tự do tới tuyệt đối. Bởi vì không một ai bắt chúng ta phải trở thành thi sĩ, hay ca sĩ, nhạc sĩ. Như chúng ta hoàn toàn tự do tìm tới một tín ngưỡng vậy. Và, chắc anh chị cũng hiểu, có hàng trăm con đường, ngõ ngách khác nhau, để đến với văn học nghệ thuật. Có người đến với văn nghệ để tìm lợi nhuận. Có người đến với văn nghệ như đi tìm một phương cách cứu rỗi chính mình.
Ngay tự khởi đầu, tôi đã chọn lấy cho mình con đường thứ hai. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình bị thiệt thòi, bị đối xử bất công hết. Thơ của tôi không mang một lợi nhuận nào tới cho tôi trong suốt 40 năm qua. Nhưng bù lại, thơ của tôi lại xuất hiện trong cuốn sách “Understanding Vietnam,” của giáo sư Tiến sĩ Neil L. Jamieson. Cuốn sách này do đại học Berkeley xuất bản từ năm 1992, bản paperback in năm 1994. Từ trên 5 năm qua, cuốn sách này vẫn còn được dùng làm sách giáo khoa, ban Cao học văn chương, tại các đại học Berkeley, UCLA ở Hoa Kỳ, Đại học Cambridge ở Luân Đôn.
Thơ của tôi cũng được nhà văn Jean Claude Pomonti, dịch sang tiếng Pháp, in trong cuốn “La Rage D’Être Vietnamien” / xin tạm dịch là “Nỗi Thống Hận Của Những Người Mang Dòng Máu Việt Nam Trong Huyết Quản.” Cuốn sách này, do nhà Seuil de Paris xuất bản năm 1985 tại Paris. Có thể Đại Dương chưa hề nghe tới tên Jean Claude Pomonti bao giờ. Nhưng những người làm chính trị khắp thế giới đều biết đến ông ta. Vì ông ta là một nhà nhà văn Pháp khuynh tả. Ông có trên 50 năm cộng tác với tạp chí Paris Match. Ông ta cũng là người một đời viết về Hồ Chí Minh, cho tới khi tỉnh ngộ. Sau khi phản tỉnh, ông viết cuốn sách mà tôi vừa mới kể, của ông, thì tôi là nhà thơ miền Nam Việt Nam duy nhất mà ông ta chọn để dịch và phê bình. Tôi cũng là nhà thơ miền Nam Việt Nam có thơ được chọn in trong cuốn “World Poetry: An Anthology of Verse From Antiquity to Our Time” tức “Tuyển Tập Thi Ca Thế Giới Từ Thời Thượng Cổ Tới Thời Hiện Tại Của Chúng Ta,” do nhà W. W. Norton, New York, xuất bản hồi Tháng Giêng vừa qua. Thơ của tôi là một trong hơn một trăm bài thơ tiêu biểu cho thế kỷ thứ XX. Thơ của tôi được in chung với những tác giả nổi tiếng thế giới, những tác giả từng được trao giải nobel về văn chương như Paul Eluard, Rimbeaud, Verlaine, Appolinaire, Andre Breton, Whitman, Robert Prost, Tagore, Pasternak, Pablo Neruda, Octavio Paz, vân vân... Và cá nhân tôi, còn nhận được rất nhiều vinh dự khác... Điều quan trọng là nhân loại đã phải biết tới Việt Nam về phương diện văn học, chứ không phải họ chỉ biết đến Việt Nam bởi vì chiến tranh, chậm tiến, tàn ác, nghèo đói, hay mù quáng hận thù.
XNV: Xin ông cho biết về cuốn video: “Du Tử Lê: Kiếp sau Xin Giữ Lại Đời Cho Nhau” gồm 10 bài thơ phổ nhạc, và 2 bài thơ đọc, của Du Tử Lê do Trung tâm Diễm Xưa phát hành sắp tới! Ông có hài lòng khi một số tác phẩm của ông được trình bày riêng trong một video tape? Những ca sĩ nổi tiếng như Ý Lan, Vũ Khanh, Thanh Hà, La Sương Sương,... có nhận thêm ý kiến nào của ông, để bài nhạc và hồn thơ được hài hòa, bay bổng không? Xin ông kể một vài kỷ niệm đáng nhớ khi thực hiện cuốn video này?
DTL: Trước hết, tôi xin nói ngay rằng, tôi rất hân hạnh được là người cầm bút, còn sống, mà cuộc đời được đưa vào băng video. Từ hồi nào giờ, người ta chỉ thực hiện những cuốn video về các nhạc sĩ mà thôi. Thứ đến, một số ca sĩ có gọi cho tôi để kiểm chứng lại lời của các ca khúc cho chính xác, và nhờ tôi góp ý kiến về quần áo trước khi họ xuất hiện trước ống kính. Và, có lẽ tôi thấy, cũng cần phải thêm rằng, trong cuốn video Du Tử Lê, như tôi biết, tới ngày hôm nay, còn có Tuấn Ngọc và Ngọc Huệ nữa.
Riêng về một kỷ niệm đáng nhớ nhất, với tôi, có lẽ là buổi chiều, đạo diễn Đinh Anh Dũng bắt tôi ngồi trên bờ biển Long Beach, tức bờ biển Thái Bình Dương. Ông ta bắt tôi trầm ngâm nhìn theo sóng nước, hướng tâm về Việt Nam. Giữa lúc tôi đang cố... mơ màng thì một con sóng lớn trào tới. Úp chụp lên tôi và cả nhà đạo diễn nữa. Báo hại buổi chiều đó, chẳng những đã không quay được một đoạn phim nào mà cả hai người đều bi cảm lạnh, tưởng không thể qua khỏi. Từ đó, tôi thề nhất định không làm... tài tử và... biển cả nữa.
XNV: Có người so sánh cuốn video “Du Tử Lê: Kiếp Sau Xin Giữ Lại Đời Cho Nhau” với cuốn video “Văn Cao: Buổi Sáng Trong Sự Thật” tại trong nước. Ông nghĩ như thế nào?
DTL: Cố nhạc sĩ Văn Cao không nợ nần thơ của tôi. Trong khi đó, tôi lại thuộc nhạc của ông ta từ khi còn tấm bé. Nên, so sánh kia là một vinh dự vô cùng lớn lao cho tôi.
XNV: Câu hỏi ngoài lề để thay đổi chương trình: Ông có nhận xét và cảm giác gì về những việc làm của Tổng thống Bill Clinton trong vụ Monica Lewinsky vừa qua? Clinton nên từ chức hay không? (Thính giả thích nghe những ý kiến của người nổi tiếng hơn...)
DTL: Xin cho tôi miễn trả lời câu hỏi này được không? Vì tôi và một người đàn bà khá thân thiết, suýt nữa đi đến chỗ không nhìn mặt nhau vì chuyện đó. Bênh hay chống đều phản ánh trình độ thực sự và khao khát vô thức của mỗi cá nhân. Theo tôi, tốt hơn hết, chúng ta nên tìm đọc về gia thế, thiếu thời của tổng thống Bill Clinton và, đọc thêm lời phát biểu của cựu phát ngôn viên Tổng Thống, ông McCurry, trong cuộc họp báo ngày 1 Tháng mười vừa qua tại Hoa Thịnh Đốn về ông Clinton.
Tôi tin thuyết phân tâm học của Sammuel Freud, khi ông này chứng minh được rằng: Nguồn gốc hay gia thế và, thiếu thời của một người đã chi phối 90 phần trăm nhân cách, phẩm hạnh của người đó.
XNV: Những hoạt động nổi bật của ông cho giới trẻ?
DTL: Tôi chưa bao giờ từ chối đến với những người trẻ, dù ở đâu. Họ là nguồn sống của tôi. Điển hình, gần nhất, ngày 12 Tháng Chín vừa qua, tôi đã có một buổi nói chuyện về thơ với sinh viên đại học Wellesley, ở thành phố Boston, Massachusetts.
XNV: Những cuốn thơ của ông? Tựa đề?
DTL: Tôi có trên 10 cuốn thơ đã xuất bản, nên không thể kể hết. Chỉ xin đơn cử một đôi cuốn, mà nhan đề của nó, đã trở thành một thứ thành ngữ mới: như “Ở chỗ nhân gian không thể hiểu,” hoặc “Đi với về cũng một nghĩa như nhau,” hoặc nữa “Tan theo ngày nắng vội,” khi dùng những thành ngữ mới này, chả một người nào còn nhớ rằng đó là thơ của tôi nữa.
XNV: Là một nhà thơ, vậy cuộc sống của Du Tử lê có nên... thơ không ạ? Nhà thơ có phải lo bù đầu cho các bills nhà, xe, điện, nước, và có khi nào phải lo kiếm job để đi... cầy trả nợ cuộc đời như tất cả mọi người không ạ?
DTL: Thượng đế dựng nên vũ trụ, rồi con người. Đó là một nguồn thơ bất tận. Nếu đời sống của tôi không nên thơ thì đó là lỗi của tôi, của chúng ta, chứ không phải của Thượng Đế. Nói cách khác, tôi vất vả hơn bất cứ một người Việt Nam nào trong chúng ta, ở quê người! Tôi không chỉ bù đầu với các bills hàng tháng mà, tôi bù đầu với chúng... hàng ngày. Vì chẳng bao giờ Bills đến mà tôi có khả năng thanh toán ngay hay, nhìn thấy cơ hội để thanh toán chúng. Hóa cho nên, suốt đời tôi cứ đi tìm... job hoài thôi, quý vị ạ. Và, nếu hôm nay tôi ngỏ lời xin job ở Đài Tiếng Nói Việt Nam Hải Ngoại / Dallas, liệu quý vị có dám nói hộ cho một tiếng chăng?
(QN, Arlington, ghi thuật.)