Hữu Nguyên: Thưa anh Du Tử Lê, anh em chúng tôi rất vui mừng được tin anh tái ngộ Úc Châu, và cũng rất cảm động khi được anh nhận lời cho Sàigòn Times hỏi một số câu hỏi qua email. Vậy câu hỏi đầu tiên, xin anh cho biết, mục đích chuyến viếng thăm Úc Châu lần này của anh?
DTL: Vâng, thưa các anh chị trong ban biên tập Saigòn Times, cá nhân tôi cũng rất náo nức, trông mong được gặp lại các anh chị tại tòa soạn.
Mục đích chuyến đi lần này của tôi, là để xuất hiện trong hai chương trình nhạc thính phòng, chủ đề “Du Tử Lê: Ơn Em” - - trình diễn gần 30 ca khúc của nhiều nhạc sĩ khác nhau, phổ từ thơ của tôi. Cả hai chương trình nhạc thính phòng này, đều do tuần báo Việt Nam Thời Nay, tổ chức. Chương trình thứ nhất, sẽ diễn ra tối Thứ Bảy, ngày 14 Tháng Hai, tại Sydney; và, chương trình thứ hai, sẽ diễn ra vào lúc 2 giờ trưa, Chủ Nhật, ngày 15 Tháng Hai, tại Melbourne.
Hữu Nguyên: Nhớ lại sau chuyến viếng thăm Úc Châu lần trước, anh có gửi cho Sàigòn Times bài viết “Con dế buồn tự tử giữa đêm sương”. Sau khi đăng bài viết đó, nhiều độc giả của Sàigòn Times thắc mắc, tại sao anh, một thi sĩ nổi tiếng, thường xuyên đi nhiều nơi trên thế giới, và đến đâu cũng được nhiều người ái mộ, lại không hề có chung mơ ước “được đi nhiều” như Nguyễn Tuân, tác giả Vang Bóng Một Thời? Đọc câu anh viết, “Tôi vẫn nghĩ, nếu được lựa, chọn, tôi chọn ở bền chặt, ở dài lâu, một nơi chốn”, nhiều độc giả băn khoăn, phải chăng anh sợ những cuộc chia tay, những ân tình mới, ở những nơi anh đến; hay vì tâm hồn, tình cảm của anh đã chôn sâu buộc chặt ở một nơi nào đó?
DTL: Tính riêng giới cầm bút thì, có lẽ, tôi là người may mắn được đi, đến nhiều nơi trên thế giới. Nên, muốn hay không, tôi cũng khá quen với những chia tay, những biệt ly. Tình huống này, cũng là tình huống trong đời thường của tôi nữa.
Tuy nhiên, mỗi nơi chốn, mỗi cảnh thổ cho ta cảm nhận và, những kỷ niệm khác nhau. Sau nhiều năm, tháng, đôi khi chưa kịp mở valise, tôi đã lại lên đường, lại đi nữa...Tôi nghiệm ra hai điều:
1- Khi ta đến một nơi chốn nào đó, (thì,) trước nhất là ta đến với con người. Tôi chưa (và sẽ không) có được cái thân / tâm của một đạo sĩ, háo hức tìm tới và ở lại một chóp ngọn nào đó, của dãy Hi Mã Lạp Sơn. Nói cách khác, với tôi, nơi chốn, tự thân không là một mời gọi, nếu không có những con người (mà,) tôi ao ước được gặp. Nơi chốn khi ấy, trở thành một tình thân, một phần đời sống mình.
2-Do đó, khi ta nhìn nơi chốn như một (hay nhiều) con người, thì, có người chúng ta mong ước, được gặp lại, được sống với... Hoặc, ngược hẳn.
Úc châu, trong tôi, chính là khao khát gặp lại và, sống với, đó.
Hữu Nguyên: Một ai đã nói, “Khi ta đến đất là nơi ta ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Với tâm hồn đa cảm của một thi sĩ, lại đi nhiều đi liên tục, anh có thấy lòng mình bị dằn vặt, bị dầy vò, nếu không nói là bị hành hạ, một khi trở về sau mỗi chuyến đi?
DTL: Cảm ơn anh Hữu Nguyên, đã nhắc lại, câu này.
Tôi hiểu vế thứ hai của câu thơ(?) đó, là, khi ta đi, thì nơi chốn bỏ lại, đã biến thành một phần trong ký ức đời ta. Nhưng ký ức, theo tôi có rất nhiều ngăn, tầng. Có ký ức hân hoan. Có ký ức buồn thảm. Có ký ức mỗi khi sống lại, cho ta cảm tưởng, ta lớn lao hoặc, ta hèn hạ... Nên, cá nhân, tôi xin được nói rõ hơn: Mỗi quay về, từ Úc Châu, với tôi là một thêm nặng gánh nhớ nhung.
Hữu Nguyên: Trong bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Hồn Quê do Trường Đinh thực hiện, anh có cho biết một điểm rất quan trọng trong tuyển tập "Thơ Du Tử Lê 1967-1972" “là nỗ lực thi ca hóa, hay quần chúng hóa những danh từ, những hình tượng thuộc về đạo Thiên Chúa” mặc dù anh không phải là một Ky Tô hữu. Vậy xin anh cho biết, từ 1975 đến nay, nỗ lực chính của anh trong thi ca là gì? Và nếu được chia thành từng giai đoạn, thì có mấy giai đoạn?
DTL: Đây là một câu hỏi lớn và rộng. Trong phạm vi một bài trả lời, giới hạn của những cột báo, tôi xin cố gắng tóm gọn như sau:
- Biến cố 30 Tháng Tư, 1975 cùng lúc giết chết và cho tôi sống lại. Sống lại, tôi là kẻ khác. Từ cảm nhận, quan niệm về quê hương, tổ quốc, chính trị, tôn giáo... tới cá nhân, cơm áo, nghề nghiệp, sống/ chết!...
- Ở lãnh vực văn chương, tôi có những quan niệm đúng đắn hơn, nghiêm chỉnh hơn, không còn tùy hứng nữa. Tôi bắt đầu dành nhiều thì giờ, cho những câu hỏi căn bản, như văn chương là gì? Hình thức, nội dung văn chương (nhất là thi ca,) của chúng ta đang ở đâu? Thế nào? Tuy đến giờ này, thế giới chưa có trường dạy làm thơ, nhưng ta có thể quy luật hóa thi ca, như một vài chìa khóa căn bản, để mở cửa ngôi nhà ấy?
Từ những suy nghĩ kia, nỗ lực của tôi, trong gần 30 năm qua, ở quê người là:
1-Tiếp tục khai triển những thử nghiệm của riêng tôi từ nhiều chục năm trước, thời còn ở quê nhà, về văn phạm, đặt để lại vai trò, vị trí của từ ngữ trong một câu thơ/ văn.
Chủ tâm (khác với tình cờ) sử dụng tất cả những dấu có sẵn, như dấu phết, dấu chấm, dấu than, dấu chấm hỏi để ngắt lại nhịp đi, mạch chảy của câu thơ / văn. (1) Thậm chí, tôi còn đem chúng vào tựa đề, trưng chúng ra ngoài bìa sách. (2)
2-Thêm cho những dấu cho sẵn, một dấu khác - - Đó là dấu gạch chéo / slash, có trên bàn phím computer. Tôi gọi là Thời đại điện toán - - Ý nghĩa giống như Thời đồ đồng, đồ đá. Đó là ký hiệu báo thị cho người đọc, khi gặp một chữ (hay một cụm từ) nằm trước dấu gạch chéo / slash, họ có thể đem chữ (hoặc cụm từ) kia, tới một vị trí khác, trong câu thơ (mạch văn) của tôi. Trường hợp này, người đọc mới thực sự trở thành tác giả thứ hai. (3)
3- Dùng dấu phết, phết giữa những từ kép, để cụm từ ấy rõ và, thêm nghĩa. (4)
4- Tôi chủ tâm biến những tĩnh tự, trạng tự, giới tự... vốn là những phụ từ trở thành chủ từ một mệnh đề.
5- Về nội dung, tôi chủ tâm đem vào thơ / văn của tôi những cảm nhận về tôn giáo, nói rõ hơn là sự tương thông giữa con người và một Đấng Thiêng Liêng nào đó, (mà,) tên gọi, tùy theo mỗi tôn giáo, cá nhân. Riêng tôi, tôi thích dùng chữ Đấng Một.
Hữu Nguyên: Anh là một nhà thơ có nhiều thơ được nhiều dịch giả nổi tiếng dịch ra tiếng Anh tiếng Pháp, tiếng Đức và được đăng ở nhiều nhật báo lớn trên thế giới. Theo anh, khả năng thể hiện cảm xúc của những bản dịch đó ở mức nào so với nguyên tác? Trong tư cách là tác giả có nhiều thơ được dịch, anh thấy dịch giả nên làm những gì để bản dịch trung thành hơn với nguyên tác?
DTL: Thưa anh, cảm xúc từ nguyên tác qua tới bản dịch, đôi khi chỉ còn 5, 10 phần trăm thôi! Về tương quan tác giả và dịch giả, theo thiển ý của tôi, (thì,) nếu được, các dịch giả nên liên lạc, trò chuyện, thảo luận trực tiếp với tác giả, trước khi dịch, là cách tốt nhất để không chứng minh câu nói bất hủ: Translate is betrayed / dịch là phản bội!
Nhưng hầu hết những dịch giả ngoại quốc, như giáo sư Neil L. Jamieson, học giả ngoại quốc đầu tiên dùng thuyết Âm – Dương / Yin – Yang để so sánh hai nền văn học miền bắc và miền nam Việt Nam, tính tới 1975, qua cuốn Understanding Vietnam, xuất bản bởi liên đại học Berkeley, UCLA (Hoa Kỳ,) và Cambridge, London, 1994. Khi dịch và, phê bình một bài thơ của tôi, cũng như nói về tôi ông ta không biết tôi còn sống hay đã chết(!) Cụ thể qua đoạn văn từ dòng thứ 3 tới dòng thứ 10, trang 334, ông nhắc tới phần đóng góp cũng như vị trí của Nhất Linh, Thanh Lãng, Nguyên Sa và tôi trong cùng một mệnh đề. (4)
Trường hợp này, tôi đành phải phó mặc cho định mệnh của chính bài thơ ấy.
Hữu Nguyên: Được biết trong Tháng Di Sản Văn Hoá Á Châu 1996, do cơ quan The Bureau of National Affairs Library tổ chức, cùng với những bài thơ chọn lọc của các thi sĩ nổi tiếng thế giới như Tagore và Baso, bài thơ "Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển" của anh cũng được tuyển chọn và được đọc. Bài thơ này được giáo sư Phạm Trọng Lệ dịch. Anh thấy bản dịch này độc đáo ở chỗ nào?
DTL: Về bài thơ "Khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển," tôi hiện có trong tay, 4 bản dịch Anh ngữ, 1 bản dịch Pháp ngữ, và 1 bản dịch Đức ngữ. Bản nào, cũng có ưu, khuyết... Tuy nhiên, người đọc ngoại quốc quen thuộc với hai bản dịch đầu: Một của dịch giả Đỗ Đình Tuân và, một của Giáo sư Huỳnh Sanh Thông, ở đại học Yale. Vì, nó được in lại trên nhật báo Los Angeles Times, cũng như trong Tuyển tập thi ca Việt
Khi dịch chữ hãy đem (xác) tôi ra biển; tôi thích chữ carry on, trong bản dịch của giáo sư Phạm Trọng Lệ. Chữ carry on nó hàm nghĩa thương tiếc, nâng niu, cẩn trọng hơn chữ take hay chữ bring trong các bản dịch khác. (5)
Hữu Nguyên: Với một thi sĩ làm thơ suốt mấy chục năm dài, sự đổi thay về khuynh hướng sáng tác, hình thức thể hiện, là điều khó tránh khỏi. Nhưng với anh, những đổi thay đó lớn hơn nhiều so với những thi sĩ khác. Vậy theo anh, sự đổi thay đó là do nhu cầu thể hiện nội dung mới đòi hỏi phải có hình thức mới? Hay anh đã tìm đến hình thức mới để qua đó đánh thức những những cảm xúc mới, nội dung mới? Hay anh đã “khai phá cho riêng mình, một hướng khác, hiểu theo nghĩa tự biến mình thành vật thử nghiệm cho những thử nghiệm mới” như anh đã nói trong dịp trả lời phỏng vấn của Trường Đinh?
DTL: Thưa anh, tôi ở trường hợp thứ hai - - Trường hợp tự biến mình thành vật thử nghiệm cho những thử nghiệm mới, như tôi đã trả lời cuộc phỏng của nhà thơ Trường Đinh, ở Anh quốc, cách đây nhiều năm.
Có dễ chính vì thế (mà,) một phụ tá Khoa trưởng phân khoa Oral History Department / Phân Khoa Lịch Sử Truyền Khẩu, đặc trách khu vực Châu Á, thuộc đại học California University of Fullerton (CUF,) cô Trang Đài Trần Nguyễn, sau khi thu vào những cassette tapes, tiếng nói (audio) của tôi (bằng tiếng Việt;) - - dịch ra tiếng Mỹ (in lên giấy,) làm tham khảo tại đại học CUF. Sự kiện này khởi công và, hoàn tất từ năm 2000.
Mới đây, cô cùng một nhóm bằng hữu lại khởi công thực hiện một cuốn phim 35 ly (không phải phim video) về cuộc đời và những nỗ lực đổi mới hình thức văn chương của tôi. Cô đã đặt tên cho cuốn phim gồm cả hai thứ tiếng Việt / Mỹ, của cô là: LÊ – LÊ-Ism. (6)
Hữu Nguyên: Tại Đại học
DTL: Trước nhất, tôi xin thêm rằng, bài nói chuyện ấy, sau đó, tôi cũng được cầu thuyết trình tại đại học MIT do MIT và Harvard đồng tổ chức. Thứ đến, tôi xin trả lời ngay rằng: Có. Tôi có bị ảnh hưởng. Bị ảnh hưởng nhiều mặt, nhiều khía cạnh.
Thí dụ, nhờ đọc cuốn “73 Poems” của E. E. Cumming, (mà,) tôi thêm tự tin, phấn khởi với chủ trương dùng dấu phết để chẻ đôi từ kép, cho từ kép này thêm nghĩa, của mình.
Rõ hơn, trong nhiều bài thơ của E. E. Cumming, ông ta đã cắt đôi, cắt ba một chữ / word (gồm nhiều mẫu tự / letter,) và bắn nó đi nơi khác, hoặc hàng khác. Tỉ như chữ morning / buổi sáng, thay vì viết liền như mọi người, ông ta lại cắt thành hai hoặc ba dòng, khi thì:
-mor (xuống dòng) ning. -Khi thì mor (xuống dòng) ni (xuống dòng) ing
(Vậy mà tác giả này chẳng những không bị (cộng đồng của ông ta) chửi rủa thảm thiết, mà còn được giảng dậy tại rất nhiều đại học nữa!)
Phần khác, sau những lần nói chuyện tại một số đại học, tôi bị sinh viên ngoại quốc cật vấn rằng: Người Việt tự hào tiếng Việt phong phú, giầu có, sâu sắc... Nhưng họ không thấy như vậy.
-Vẫn theo họ, đôi khi Việt còn không minh bạch như tiếng Mỹ
-Ngoại trừ sự giầu có về các nhân xưng đại danh tự, như: ông bà nội, ngoại; cậu mợ; cô dì, dượng; chú bác, tôi, tớ, mày, cậu, đằng ấy...
Với sinh viên ngoại quốc, anh thừa hiểu, không thể nếu không chứng minh được quan điểm, ý kiến của mình một cách rõ ràng, anh sẽ chỉ làm trò cười cho họ...
Vì thế, tôi đã đi đến quyết định chẻ những chữ kép ra làm hai, để thêm cho chữ kép ấy.
Tôi xin lập lại ở đây, một trong những thí dụ, tôi thường dùng để giảng cho các sinh viên ngoại quốc về sự giầu có, ý nghĩa sâu xa của tiếng Việt.
Đó là một động tự rất quen thuộc: Động tự chia ly, hay chia lìa...
Trong tiếng Mỹ, đó là động tự to separate. Nhưng ở tiếng Việt, khi tôi dùng dấu phết, phết giữa hai chữ chia và ly thành chia, ly - - Thì trước nhất, nó có nghĩa chia đồng nghĩa với separare hay divide (của tiếng Mỹ) - - Rồi sau đó mới ly biệt, đồng nghĩa với to depart (của tiếng Mỹ.)
Bởi vậy, để dùng được chữ chia ly hay chia tay của Việt Nam, tiếng Mỹ muốn rõ ràng, và tương hợp phải dùng một lúc hai động tự là to separate (và rồi) to divide or, to depart. (6)
Hữu Nguyên: Trước những đổi thay trong thơ của anh, phản ứng của văn thi giới, của những nhà phê bình, của bằng hữu và của độc giả (nhất là những người ái mộ anh), như thế nào?
DTL: Thưa anh, tôi xin chia ba loại (không phân biệt giới phê bình, hay độc giả,) như sau:
a- Loại thứ nhất: Quả quyết tôi là tên vô học. Ngay chữ và cũng không biết dùng! Tôi từng được đọc, chí ít cũng một bài báo, chửi tôi, như thế. Tờ báo đăng bài viết đó, có đánh tiếng dành cho tôi quyền trả lời, nếu muốn. Nhưng tôi chỉ xin ghi nhận và, cảm ơn!
Cũng ở loại này, nhưng chữ nghĩa họ dùng, tương đối nhã nhặn hơn. Đó là Tháng Năm, 1985, ở Montreal, trong nhà bếp của anh Phạm Nhuận, tình cờ tôi nhặt lên một tờ Thế Kỷ 21, nơi trang bạn đọc viết, tôi đọc được một độc giả lên tiếng bênh vực tôi, khi ông / bà này viết rằng, tôi có một thứ văn phạm riêng, cho thơ của tôi. Hỏi ra, tôi mới biết, trước đó một số, báo này đã đăng một thư độc giả, dọa sẽ không mua báo Thế Kỷ 21 nữa, nếu còn đăng tải những bài thơ tối tăm, vô nghĩa, không đúng văn phạm của tôi. (7)
b- Loại thứ hai: Thất vọng não nề về tôi. Có người còn cho tôi phản bội những người yêu thơ tôi từ nhiều chục năm trước. Một phản bội không thể tha thứ được. Trong số này, có một người bạn thân của tôi, từ thời niên thiếu, anh Đào Quý Châu, hiện làm báo ở San Jose, miền bắc California.
c- Loại thứ ba: Hưởng ứng, khuyến khích nhiệt tình, như các nhà thơ Hoàng Xuân Sơn, Hồng Khắc Kim Mai, Trần Quán Niệm (8)...
Ngoài ra, nếu để ý, anh sẽ thấy, ít năm qua, nhiều người đã bắt đầu dùng dấu phết, dấu chấm với mục đích ngắt lại nhịp chảy của câu thơ / văn; hoặc chẻ chữ để thêm nghĩa; (mà,) ngay nơi những bản tin báo hàng ngày, tôi cũng đã thấy bắt đầu. Tôi rất vui, khi gần đây, tình cờ, đọc một vài bản tin trên nhật báo Người Việt, ở California, tôi thấy người viết tin cũng đã dùng dấu phết, phết giữa những danh từ kép như vợ chồng, ông bà, anh chị...
Hữu Nguyên: Anh là người có quan niệm “Nếu tình dục là hệ quả của tình yêu, thì, nó cũng đáng trân trọng như tình yêu. Nếu tình dục xuất hiện trong thơ văn ở trường hợp tôi mới nói, thì, đó cũng là niềm hạnh phúc. Vấn đề là tác giả có khả năng poetic, khả năng văn chương hóa nó hay không mà thôi. Với cá nhân tôi, tình dục chiếm một vị trí không nhỏ trong thơ văn của tôi.” Xin anh cho một vài thí dụ chứng tỏ “tình dục [theo quan niệm là hệ quả của tình yêu] chiếm một vị trí không nhỏ trong thơ văn của anh”?
DTL: Một thí dụ (về thơ,) tôi tin nhiều người đã đọc, nghe, hoặc có hát qua, đó là bài Ơn Em (do nhạc sĩ Từ Công Phụng phổ nhạc.) Bài đó, có hai câu:
ơn em ngực ngải môi trầm
cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan.
Một thí dụ khác (về văn xuôi,) đó là tập truyện nhan đề "Chỗ một đời em vẫn để, dành." Nhan đề này, tôi trích từ câu thơ:
rừng. mưa. tháng chín. môi tôi: mặn
chỗ một đời em vẫn để, dành. (9)
(Xin cho tôi hỏi: Riêng anh Hữu Nguyên cảm, nhận gì với 4 câu thơ ấy?)
Hữu Nguyên: Có một số độc giả cho rằng, tập thơ "Vì Em, Tôi Đã Làm Sa Di" là cuốn “thơ Thiền mà không giống thiền”. Anh nghĩ sao về nhận định này?
DTL: Tôi nghĩ, họ có lý do để đi đến kết luận đó. Tôi xin trân trọng ghi nhận.
Trước đây, có đôi người cũng từng bày tỏ thất vọng của họ; khi họ không tìm thấy trong tập thơ "Vì em, tôi đã làm Sa Di," những cụm từ quen thuộc như: phù vân, phù sinh, phù ảo, phù hư, ta bà, vô thường, sắc sắc, không không... Hoặc, những hình ảnh quen thuộc như: thiền sư chống gậy lên núi, nhìn mây trắng bay, thấy đời... hư huyễn! Hay, thiền sư chống gậy, xuống núi, tới ngồi bên dòng suối, rồi đánh một giấc dưới gốc mai, cội tùng, quên...t iệt mọi chuyện thế gian; vân vân...
Tôi đã xin lỗi họ về khả năng chữ nghĩa giới hạn của mình!
Thưa anh, theo tôi, Thiền là một nghệ thuật sống đã ra khỏi phạm vi tôn giáo - - Mà, cái gì thuộc phạm trù nghệ thuật, đều có nhiều trình độ. Tôi ở trình độ nhập môn - - Trình độ... Sa Di.
Theo đạo Phật, Sa Di là từ chỉ chú tiểu, được chia làm 2 loại là Sa Di Khu Ô, nghĩa là Sa Di đuổi quạ tuổi từ 7 đến 12; và Sa Di Ứng Pháp, tuổi từ 13 đến
Hữu Nguyên: Xin anh cho biết, Sa Di trong bài thơ “Vì Em, Tôi Đã Làm Sa Di” là Sa Di loại nào?
DTL: Thành thật cảm ơn anh, câu hỏi này. Chú tiểu trong bài thơ của tôi, là loại thứ hai, Sa Di Ứng Pháp - - Vì chú tiểu này biết... yêu hơi... sớm một chút!... Lậy Phật!
Hữu Nguyên: Đọc bài thơ “Vì Em, Tôi Đã Làm Sa Di”, trong đó có những đoạn tuyệt vời:
thiền viện tôi trưng chỉ ảnh em
kinh kệ nghìn pho có một tên
viết hoa một chữ không ai hiểu
Phật bảo: kinh mà không phải kinh
Có người xúc động cho rằng đỉnh cao của tình yêu phải là thiền, và đỉnh cao của thiền phải là tình yêu. Anh nghĩ sao về quan niệm này?
DTL: Xin anh, nếu có cơ hội, cho phép tôi, được gửi lời biết ơn độc giả đó. Tôi rất muốn được gửi biếu người ấy, tập thơ nhỏ của tôi - - Dù tôi phải mua lại từ nhà xuất bản. Lý do, tập thơ ấy, tôi cúng dường bản quyền của mình, cho nhà xuất bản Tống Châu ở Canada và, tạp chí Pháp Âm, ở Garland, Texas.
Nếu không vì chữ Tình (viết hoa,) tôi không nghĩ, ngày nay nhân loại có nhiều Đức Phật! Cũng như, nếu không vì chữ Tình (viết Hoa,) tôi không nghĩ Đức Chúa Jêsu cần thiết phải chịu cực hình trên thánh giá!
Hữu Nguyên: Được biết, trong ba ngày liên tiếp 22, 23 và 24 tháng Giêng vừa qua, ở Mỹ, đạo diễn kiêm sản xuất là Cô Trang Đài Trần Nguyễn, đã bắt đầu thực hiện một bộ phim 35 ly, về cuộc đời cùng sự nghiệp văn chương của anh. Xin anh cho biết rõ hơn về nội dung bộ phim này?
DTL: Đó chỉ là những ngày khởi đầu thôi, thưa anh. Tôi còn phải làm việc với họ nhiều ngày, tháng nữa. Ở trên tôi đã nói qua về cuốn phim ấy; giờ xin thêm vài chi tiết khác, cho rõ hơn.
- Cuốn phim 35 ly, do đạo diễn Trang Đài Trần Nguyễn, ở phân khoa Oral History Department, đại học California University of Fullerton, thực hiện, khác hẳn hai cuốn phim trước đây, cũng liên quan tới cá nhân tôi; đó là:
- Bộ video (2 cuốn,) nhan đề Du Tử Lê: Giữ Đời Cho Nhau; do Trung tâm Diễm Xưa sản xuất; đạo diễn Đinh Anh Dũng thực hiện; phát hành năm 1998.
Ở bộ video này, tuy cũng có một số tư liệu như hình ảnh, nguồn gốc tác phẩm, nhận định văn học... Nhưng nội dung chính vẫn là những bài thơ của tôi phổ nhạc, nhiều hơn là tư liệu / documentary.
- Cuốn thứ hai, phim (đen trắng) nhan đề Day’s Du Tu Le, do Nhiếp ảnh gia Brian Đoàn thuộc đại học
Riêng cuốn phim 35 ly, tựa đề Lê – Lê-Ism, thì khác hẳn. Nó là tập trung nhiều tư liệu về cuộc đời, cũng như tác phẩm của tôi.
Nhóm thực hiện có tham vọng lý giải thơ văn của tôi qua những giai đoạn đời sống tôi đã trải qua. Từ những ngày thơ ấu, với một bàn tay có tật (6 ngón,) tới cái chết của thầy tôi, khi tôi chưa tới ba tuổi. Rồi một người chị, chết vì ho lao. Người anh cả chết vì máy bay oanh tạc của Pháp, ở Nho Quan, ngày mồng 3 Tết, năm 1950- - Từ sự kiện tôi lớn lên trong chiến tranh, trong vòng tay của mẹ tôi, người đàn bà góa bụa khi còn khá trẻ, chị Vú, U Gìa, một người chị kế, một người chị dâu (cũng sớm góa bụa!)... Tới những cuộc tản cư, di cư vào miền Nam, tỵ nạn tại Hoa Kỳ; những cuộc tình, những cuộc hôn nhân đổ vỡ; những mặc cảm, những điều tiếng ê chề, xấu xa...
Tóm lại, rất chi tiết, họ muốn vẽ lại cuộc dời tôi bằng hình ảnh – và tương ứng với thơ / văn, gồm luôn cả những thuật sự (kể lại bởi chính tôi,) cũng như qua tiếng nói của nhiều người khác. Phần âm nhạc được dùng, nhưng rất ít. Nó chỉ có công dụng làm nền (background) cho sự tái hiện quá khứ cuộc đời tôi.
Điều nữa, tôi thấy có dễ cũng nên nhấn mạnh rằng, nhóm thực hiện là những người trẻ, họ tốt nghiệp đại học đã lâu. Có người cũng đã tốt nghiệp cao học, như Howard Vũ, cameraman của cuốn phim... Nhưng họ rất tự hào, hãnh diện về người Việt
Thâm sâu, tôi nghĩ, họ muốn cho các nhà nghiên cứu ở các đại học thấy, Việt Nam có rất cá nhân, có những đóng góp vượt ngoài cái “ghetto” của cộng đồng Việt. Nên, họ hợp sức thực hiện phim Lê-Lê-Ism.
Tôi hiểu tiếp vĩ ngữ ISM đi sau một tên người, mang nghĩa lý thuyết, học thuyết, hay trường phái. Tôi tự thấy tôi không có một đóng góp nào xứng đáng với ý nghĩa đó. Rất tiếc là, tôi chẳng thể làm cách nào khác hơn, ngoài việc tôn trọng quan điểm, cái nhìn đầy chủ quan của những người trẻ ấy, dành cho tôi.
Hữu Nguyên: 15. Nhan đề cuốn phim được cô Trang Đài đặt tên là “Lê – Lê-Ism”. Vậy theo anh, trong sự nghiệp của anh, những gì được coi là đặc biệt nhất, quan trọng nhất, tạo thành trường phái “Lê-Ism”?
DTL: Thưa anh, như mới trả lời ở trên, tôi tự thấy, cho tới hôm nay, tôi vẫn chưa có một đóng góp to lớn nào về phương diện lý thuyết, để có thể thành trường phái... Nhưng, có thể đạo diễn Trang Đài Trần Nguyễn đã căn cứ vào sự kiện có nhiều tác giả, ký giả hưởng ứng chủ trương sử dụng dấu phết, dấu chấm...của tôi, để ngắt lại nhịp đi câu thơ / văn; chẻ đôi chữ kép cho rõ hoặc thêm nghĩa... Thậm chí, các dấu đó, còn xuất hiện trong cả tựa bài, tựa in trên bìa sách hôm nay, ở ngoài cũng như trong nước. Đó là những điều chưa từng thấy từ thời văn chương cổ, tới văn chương cận đại.
Và, trường phái / ism là gì, nếu không phải là một chủ trương, quan điểm được nhiều người hưởng ứng?
Lại nữa, thưa anh, cũng có thể cô Trang Đài bị ảnh hưởng những bài thuyết trình, sách, báo của những tác giả như Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, Hà Bỉnh Trung, Nguyên Sa, Nguyễn Hưng Quốc, Tôn Nữ Hoàng Hoa (9,) vân vân... Cho nên, cô đã dứt khoát chọn cho cuốn phim của cô, nhan đề đó chăng?
Cá nhân, rất thành thật, tôi tự thấy mình không xứng đáng.
_____
Bị chú:
(1), (2) & (3): Đọc thêm: Chỉ như mặt khác tấm gương soi, Du Tử Lê, Nhân Chứng XB. Calif. USA, 1997- - Ngoại tập: Vài nỗ lực cách tân thể lục bát và quan niệm hoán vị - - Bài nói chuyện tại đại học UCLA, ngày 25 tháng 5 năm 1996 và, UCI, ngày 26 tháng 11 năm 1997.
(4): Đọc thêm: Understanding Vietnam, Neil L. Jameison, First paperback, 1995, University of California Press – Berkeley - Los Angeles – London - - Du Tu Le, các 253, 254 và 344; hay tra trong Index, trang 416.
(5) Xem thêm: Thơ Tình / Love Poems, Nhân Chứng, xuất bản, lần thứ 4,
(6): Trang Đài Trần Nguyễn: vietnameseamerican@fullerton.edu
(7): Nhà văn Phạm Phú Minh, chủ bút tạp chí Thế Kỷ 21, cho biết, cuối cùng, dộc giả đó, vẫn tiếp tục mua dài hạn, cho tới ngày hôm nay. May mắn thay, cho tôi!!!
(8): Đọc thêm: Bài nói chuyện trong Đại Hội Văn Học, Truyền Thông và Báo Chí, kỳ 1 của Tôn Nữ Hoàng Hoa, nhan đề: Phong trào thơ Du Tử Lê và sự tiếp tay của các thi văn hữu hiện đại - - Hilton Hotel, Tampa, Florida, 1998. In lại trong Du Tử Lê, Tác Giả và Tác Phẩm, tập IV, Nhân Chứng XB, California, USA. 2000.
(9): Đọc thêm: Chỗ một đời em vẫn để, dành, Du Tử Lê, Nhân Chứng XB,
(10): Toàn Phong - Nguyễn Xuân Vinh: Đao pháp Du Tử Lê trong thơ văn - - Nói chuyện tại