Lê Quỳnh Mai, Phỏng vấn nhà thơ Du Tử Lê

29 Tháng Mười Hai 200912:00 SA(Xem: 3951)
Lê Quỳnh Mai, Phỏng vấn nhà thơ Du Tử Lê

blankTiểu sử: Theo "Vẻ Vang Dân Việt," Tập 4 (*) của ký giả Trọng Minh, xuất bản năm 1998, thì Du Tử Lê sinh ngày 10 tháng 11 năm 1942, tại Phủ Lý, Hà Nam - - Đã xuất bản trên 40 tác phẩm, đủ loại.

-Ông từng được trao giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc, bộ môn Thơ, năm 1973, tại Việt Nam - - Có thơ được chuyển dịch sang Anh, Pháp và Đức ngữ; và là nhà thơ Việt Nam duy nhất, tính tới hôm nay, có thơ đăng tải trên Nhật báo Los Angeles Times và New York Times.

-Ông có thơ cũng như văn đã và đang được dùng để giảng dạy tại một số đại học Hoa Kỳ và Âu châu - - Có thơ được dịch và phê bình trong các tác phẩm như:

 1-"Understanding Việt Nam" của G.S. Neil L. Jaimieson, do liên đại học U.C. Berkeley; UCLA và Cambridge London đồng xuất bản, năm 1991.

 2-"La Rage d'Être Vietnamien" của Nhà văn Jean Claude Pomonti, do nhà Seuil de Paris, xuất bản tại Paris, năm 1975...

-Năm 1998, một bài thơ của Du Tử Lê được nhà xuất bản W.W. Norton, New York chọn là 1 trong 6 bài thơ tiểu biểu cho Thi Ca Việt Nam Thế kỷ 20, in trong tác phẩm "World Poetry - An Anthology of Verse From Antiquity to Our Time / Tuyển Tập Thi Ca Thế Giới - Từ Thời Thượng Cổ Tới Thời Chúng ta," cùng với các nhà thơ nổi tiếng khác của thế kỷ XX, như Paul Éluard, Jacque Prévert, Rimbeau, Verlaine, Robert Frost, Neruda, Octovio Paz, Boris Pasternak, Langston Hughes, vân vân... 

Thơ và sách của ông cũng nhiều lần được tuyên đọc, hoặc trưng bày trong "Tháng Di Sản văn Hóa Á Châu" các năm 1994, 1995, 1997 và 1998 tại Hoa Kỳ. 

Lê Quỳnh Mai (LQM): Năm vừa qua, thi sĩ Du Tử Lê ra mắt tập thơ Du Tử Lê Toàn tập 1(1957-1974) Xin ông cho biết chi tiết về tập thơ này (gồm những tập thơ nào, năm xuất bản, và bao gồm những chủ đề nào?) 

Du Tử Lê (DTL): Như tựa nơi ngoài bìa sách nói rõ: Đó là tuyển tập những bài thơ và những tập thơ của tôi đã in tại Việt Nam, trước tháng 4 năm 1975. Toàn tập đó, gồm 5 thi phẩm, sắp theo thứ tự thời gian xuất bản, là: Thơ Du Tử Lê (xb 1964;) Tình Khúc Tháng Mười Một (xb 1965;) Tay Gõ Cửa Đời (xb 1967;) Thơ Du Tử Lê 1967-1972 (xb 1972;) Đời Mãi Ở Phương Đông (xb 1974.)

Trong Toàn Tập này, chỉ thiếu thi phẩm Lục Bát Du Tử Lê do nhà Con Đuông, của họa sĩ Ngy Cao Uyên xuất bản năm 1973 mà thôi. 

LQM: Sau Du Tử Lê Toàn tập 1, ông có dự định cho ra mắt Tập 2,3... nữa không? 

DTL: Toàn tập mà Quỳnh Mai mới nhắc đến, do ba người thân trong gia đình tôi là Hạnh Tuyền, Orchid Lâm Quỳnh và Nam Quan thực hiện, như một món quà đặc biệt, dành cho sinh nhật 60 của tôi... Tôi không chờ đợi trong tương lai dù gần hay xa, Toàn Tập II, hoặc III. Lý do, để hoàn tất một toàn tập như vậy, mức tốn kém rất lớn... 

LQM: Bút hiệu Du Tử Lê khai sinh trong trường hợp nào? Tại sao? 

DTL: Dựa theo nội dung bài thơ “Du tử ngâm”, nói về tâm trạng của một đứa con xa mẹ. 

LQM: Bài thơ đầu tiên của Du Tử Lê sáng tác vào năm nào và xuất hiện ở đâu?

Xin ông cho độc gỉa thưởng thức lại bài thơ ấy? 

DTL: Tôi có thói quen xấu là không lưu giữ những gì viết xuống. Chỉ nhớ tôi làm thơ rất sớm, khi còn học lớp nhì, lớp nhất ở Hà Nội. Những bài thơ đầu tiên, thuở đó, đăng tải trên tờ Măng Non, ở Hà Nội.

Tuy nhiên, bài thơ đầu tiên, với bút hiệu Du Tử Lê dùng tới bây giờ, thì đó là bài Bến tâm hồn đăng tải trên tạp chí Mai (số 3, hoặc 4,) xuất bản tại Saigòn, năm 1958. Bài thơ ấy, sau đó, được in trong tập Thơ Du Tử Lê, xuất bản năm 1964 (có thể tìm thấy trong Thơ Du Tử Lê, Toàn Tập, tập I.) 

LQM: Thời gian sau này, trong thơ Du Tử Lê thường có dấu: /

 Tại sao ông lại sử dụng những ký hiệu này? Và công dụng của nó ra sao? 

DTL: Tôi không nghĩ tôi có thể trả lời tương đối đầy đủ câu hỏi này trong vài trang giấy... Huống chi, chỉ ít dòng... Tuy nhiên, tôi xin hết sức vắn tắt như sau:

- Trước hết, về phương diện văn phạm, dấu gạch chéo / slash (/) tôi dùng, như một dấu thêm, trong các dấu mà chúng ta đã mặc nhiên chấp nhận như dấu phết (,), dấu chấm (.), dấu chấm than (!), hoặc dấu hai chấm (:)...

-Thứ đến về phương diện tương quan giữa người viết và người đọc, thì, khi sử dụng ký hiệu gạch chéo / slash (/) kia, tôi muốn minh thị với người đọc hai điều:

-Thứ nhất: người đọc có thể hoán vị chữ đứng trước dấu slash (/) đi một nơi nơi khác, trong câu thơ của tôi.

Thí dụ như bài Giả Thuyết Đám Táng của tôi, có in lại trong tập Hoa Nào Tin Quả Đắng Đến Không Ngờ, xuất bản tháng 3 năm 1999, California, có 4 câu như sau: 

“đám táng/ đỏ/ trên thiên đàng đông lạnh (1)

“những trò chơi nạo sạch tính người (2)

“hoa bó rọ căng niềm tin nhức nhối (3)

“em/ băm vằm/ nuôi ký ức tôi.” (4) 

Giả sử người đọc không thích tĩnh tự đỏ đi sau danh từ đám táng nơi câu số 1, họ có thể hoán vị (convern) nó đến một vị trí khác trong câu thơ.

Thí dụ: đỏ đám táng trên thiên đàng đông lạnh.

Hoặc: đám táng trên thiên đàng đông lạnh đỏ.

Hoặc: trên thiên đàng đông lạnh, đám táng đỏ.

Trong trường hợp này, người đọc thực sự trở thành tác giả thứ hai - - Chứ không phải là kẻ đứng ngoài... 

Điển hình, cách đây năm năm, nhà thơ Hồng Khắc Kim Mai đã hoán vị những chữ trong một bài thơ của tôi, để làm thành nhiều bài thơ khác mang tên chị, và những bài thơ đó, cũng đã được in trên tạp chí Văn, bộ mới, số 16, đề tháng 4-98. (**)

-Thứ nhì, trong một số trường hợp khác, khi tôi dùng dấu slash (/) nó mang ý nghĩa chuyển-động-hai-chiều.

Tại sao tôi lại phải nhấn mạnh điều này? Thưa, bởi vì, chẳng mấy ai trong chúng ta để ý, để hiểu rằng:

-Một nhóm chữ hay một câu nói, khi chúng ta nói ra, vốn đi theo tiến trình hay, một hướng cố định. Tôi thí dụ tôi nói với bạn qua điện thoại rằng: 

Hôm qua, tôi mới đi ăn phở với ông Khánh Trường và cô Quỳnh Mai... 

Nếu chữ qua không đẩy chữ hôm ra khỏi cổ họng tôi, thì bạn tôi sẽ không nghe được hai chữ hôm qua...

Cứ thế, chữ thứ ba sẽ đẩy chữ thứ hai ra khỏi cuống họng tôi, cho đến khi câu nói trên chấm dứt. 

 3- Khi chữ cuối cùng ra khỏi cổ họng thì những chữ đi ra trước đó, đã tan biến trong không gian. 

Nếu phải biểu thị nó bằng một đường biểu diễn, thì đó là một đường thẳng, hướng đi tới, và từng chữ, sẽ bị hấp lực của trái đất, hút xuống, tức rơi xuống.

Tiến trình hay trật tự này cũng là tiến trình hay trật tự rất tự nhiên của một câu văn, hay thơ.

Tôi cũng lấy ngay một câu thơ có trong tập thơ kể trên, làm thí dụ.

Đó là câu đầu tiên của bài thơ nhan đề tôi ngoại tình: sinh, nở một tôi, riêng: 

dậy thì /lá/ trên cành sương góa bụa 
 Như cách đây nhiều chục năm, cũng câu thơ đó, tôi sẽ viết như sau:
dậy thì lá, trên cành sương góa bụa 

Lý do: với một chữ lá tôi chỉ có thể chọn lựa một trong hai trường hợp:

Chữ lá đi với hai chữ dậy thì, để bổ túc hay làm trọn nghĩa của cụm từ đó là: lá-dậy-thì.

Chữ lá đi với cụm từ kế tiếp là lá-trên-cành-sương-góa-bụa.

Trường hợp (1) khi chữ lá là bổ tức từ làm rõ nghĩa hai chữ dậy thì, thì người đọc (nhất là các bạn trẻ lớn lên tại quê người,) sẽ khó nhận biết được là cái gì nằm trên cành sương góa bụa?

Trường hợp (2) nếu chữ lá thuộc về cụm từ lá trên cành sương góa bụa thì, câu hỏi sẽ được nêu lên là ai dậy thì đây? 

Do đó, khi tôi dùng hai dấu slash (/) trước và sau chữ lá - - Tôi đã minh thị cho người đọc tôi hiểu rằng: chữ lá trong trường hợp này, có chuyển động cả hai hai chiều: Chiều đi tới và chiều đi lui - - Hoặc đơn giản hơn, có thể hiểu là nó lập lại chính nó.
Nói cách khác: 

1- Ở đây người dậy thì là chiếc lá (nhân cách hóa.)

2- (Và,) chiếc lá là cái nằm trên cành sương góa bụa. 

Câu thơ ấy, nếu không có hai dấu slash (/) sẽ phải được viết như thế này: 

dậy thì lá, lá trên cành sương góa bụa. 

Nhưng, vì đó là thơ tám chữ, tôi sẽ phải lựa chọn cắt bỏ một chữ nào đó trong câu vừa kể, để câu thơ còn đúng 8 chữ mà thôi. Trường hợp này, tôi sẽ chọn hy sinh chữ sương.

Câu thơ khi đó (như tôi viết như trước đây,) khi in ra, sẽ là: 

dậy thì lá, lá trên cành góa bụa. 

LQM: Nhưng cũng có một số ý kiến không hài lòng với lối giải thích của nhà thơ Du Tử Lê, xin ông cho biết cảm tưởng về vấn đề trên? 

DTL: Ô! Quỳnh Mai. Quỳnh Mai lại cho tôi một câu hỏi mà tôi thấy ngay là không thể trả lời một cách ngắn gọn được!

Tuy nhiên (lại tuy nhiên,) tôi cố gắng vắn tắt trong ba điều căn bản, đơn giản và, dễ hiểu như sau:

1- Nói chung, khi là tiếng mẹ đẻ, không ai bận tâm học hỏi, tìm hiểu kỹ lưỡng về văn phạm và ngữ pháp. Bởi vì, ngôn ngữ đó, đã nằm sẵn trong ta, ngay khi vừa được sinh ra. Đó là lý do tại sao kết quả nghiên cứu lại thấy sinh viên Mỹ lại kém xa sinh viên ngoại quốc về văn phạm tiếng Mỹ.

2- Nói riêng, các nhà văn Việt Nam, chí ít cũng thế hệ của tôi, rất ít người chú ý, học, hiểu về văn phạm, ngữ pháp Việt Nam, trừ những nhà chuyên môn.

Hầu hết các nhà văn cầm bút viết văn vì bẩm sinh có năng khiếu văn chương, vì say mê văn chương...Bước đầu của đa số các nhà văn, thường là đọc người đi trước, người đồng thời, sau đó, viết, theo những cách mà họ thẩm thấu một cách vô thức...Viết riết, như người thợ làm mãi một công việc, tay nghề sẽ mỗi lúc mỗi cao hơn, tinh vi hơn... Nó giống như một thứ quán tính vậy. 

Một số người (rất ít,) với thời gian, tìm được cách viết riêng, cho họ. Nhưng với ngay cả những người tìm được cách viết riêng kia, nếu hỏi họ, tại sao viết như vậy, tại sao đặt dấu chấm, dấu phết như vậy? Hoặc tại sao ông / bà lại dùng một tĩnh tự, như một danh từ hay ngược lại?

Tôi tin rằng họ sẽ lúng túng. Họ sẽ khó trả lời một cách suông sẻ, dễ dàng...

3-Phần người đọc, họ lại càng không có lý do, bổn phận gì phải quan tâm về văn phạm, ngữ pháp... Độc giả khi đọc một tác phẩm văn chương, giống như người xem một bức tranh. Tùy cảm quan, kiến thức, kinh nghiệm, nguồn gốc và môi trường sống mà tiếp nhận bức tranh theo cảm nghiệm của riêng họ. (Tất nhiên, nếu một người đọc có quan tâm có hiểu biết về văn phạm, ngữ pháp thì đó lại là chuyện khác.) 

Tóm lại, ý tôi muốn nói, tôi không hề chờ đợi có nhiều người (cầm bút hay độc giả) đồng ý với tôi về những sáng kiến đổi mới của tôi về phương diện văn phạm...

Trước đây, có dễ đã cũng trên 30 năm, thời còn ở Việt Nam, khi tôi dùng dấu phết để ngắt lại nhịp đi của thể lục bát, trong bài thơ nhan đề bài cuối 66, đăng trên tạp chí Văn, số Xuân 1967, (in lại trong tập Tay Gõ Cửa Đời, Nguyễn Đình Vượng, Saigòn, 1967) - - Đó là câu: 

phố cao, gió nổi, bóng mờ

đêm lu, trời nặng, tôi gù lưng, đi. 

Ngay khi báo in ra, gặp nhau tại báo quán, dể lãnh tiền nhuận bút, nhà văn Mai Thảo (một người tôi rất mực kính trọng và yêu mến,) bảo tôi, ông đã đọc bài lục bát của tôi. Nhưng ông không chịu được cái dấu phết tôi đặt sau chữ lưng, trước chữ đi...

Sau đó, cũng những ngày còn ở Việt Nam, trước tháng 4 năm 1975, tôi không chỉ dùng dấu phết ngay trong nhan đề các bài thơ, truyện ngắn, truyện dài mà, tôi còn dùng dấu phết in chình ình ngay nơi bìa sách nữa. Thí dụ như nơi bìa cuốn truyện dài Với nhau, một ngày nào (nhà xuất bản Ngạn Ngữ của nhạc sĩ Anh Việt Thu xuất bản, Saigòn, 1974.)

Trở lại với thời gian cách đây trên ba thập niên, Quỳnh Mai tìm thử cho tôi xem có bao nhiêu nhan đề bài thơ, truyện mà tác giả sử dụng dấu phết nơi tựa tác phẩm của họ? Tôi nghĩ là rất ít, nếu không muốn nói là không có. Càng không thể có một cái dấu phết, dấu chấm in chình ình nơi bìa sách!

Sau đó, những năm tháng ở quê người, tôi chủ tâm (tôi nhấn mạnh hai chữ chủ tâm (nghĩa là dụng tâm, chủ ý,) để phân biệt với tình cờ, không ý thức) sử dụng không chỉ dấu phết, mà luôn cả dấu chậm (.), dấu hai chấm (:), dấu chấm than (!)...không chỉ trong tựa các bài viết, mà luôn cả nơi bìa sách của tôi nữa.

Cách đây trên dưới mười năm, có người viết báo, chửi tôi, bảo tôi vô học...Chỉ có một cái dấu phết, một chữ và thôi, mà cũng không biết đặt đúng chỗ, không biết dùng...thì làm thơ, viết văn cái gì... 

Tôi không hề trả lời một dòng nào về bài viết ấy, dù tờ báo đăng tải bài viết kia, có nhắn cho tôi biết rằng, họ sẵn sàng cho tôi cơ hội...lên tiếng!!!

Nhưng, hôm nay, sau nhiều năm, Quỳnh Mai thấy gì nơi nhan đề của các sáng tác trong nước cũng như hải ngoại?

Ngay cách đặt nhan đề một tác phẩm dài hơn 5, 6 chữ của tôi thoạt dầu cũng gây khó chịu cho rất nhiều người. Kế đến, khi tôi chủ trương chẻ chữ để thêm nghĩa cho những từ kép, như chia, ly; buồn, bã...Ban đầu tôi cũng bị nhiều người chế nhạo, mỉa mai, thì, bây giờ, chính những người từng mỉa mai, chế nhạo tôi, cũng làm theo một cách rất hồ hỡi! 

Những người chửi tôi đâu hiểu rằng, ngôn ngữ Việt Nam thuộc loại đơn âm (monosyllable,) nên có rất nhiều từ kép, tức thêm chữ, để rõ nghĩa muốn nói. Tôi thí dụ: Cũng một từ chia đã nói. Nếu không thêm từ ly thì người nghe, người đọc, sẽ không hiểu là chia...buồn, chia...ly, chia...sẻ, chia...phần, chác...hay chia cái gì? 

Tôi muốn cho sinh viên, nhất là sinh viên ngoại quốc hiểu rõ sự phong phú, thâm thúy của ngôn ngữ Việt Nam, nên tôi từng giảng cho họ hiểu rằng, nếu tiếng Mỹ chỉ có một động tự separate thì, tiếng Việt Nam có nhiều hơn một, như chia ly, chia lìa, chia biệt...

Và, nếu tôi dùng dấu phết để vào giữa động tự kép này, thì các bạn sẽ hiểu thêm rằng: Có chia, rồi mới ly; có chia rồi mới tan, hay có chia rồi mới biệt... Nếu là người Việt Nam thì không ai nói hay viết ly chia, tan chia, hay biệt chia - - Vì, chia là từ gốc, từ chủ vị. 

Gần đây, tôi cũng thấy một hai nhà báo, trong những bản tin của họ, cũng đã chịu khó mất công dùng dấu phết để chẻ đôi một từ kép, cho từ đó thêm nghĩa, rõ và ý, nghĩa mạnh mẽ hơn. 

Tôi muốn nói với Quỳnh Mai rằng, tôi đã qua quá lâu rồi, thời kỳ cần phải làm dáng, lập dị, giả bộ điên khùng chữ nghĩa để được dư luận chú ý, nhắc nhở, hầu ngỡ mình...nổi tiếng! Thực tế, những cố gắng đổi mới của tôi chỉ làm cho tôi mất đi rất nhiều độc giả. 

Tôi hiểu, người Việt Nam, nói chung, đa số không (chưa) quen với những đổi mới quá lạ lẫm... Tôi cũng hiểu trình độ của những người cầm bút lớp trước, cùng thời, hay sau tôi...

Tôi lập lại, tôi không hề chờ đợi - - Trước sau, tôi vẫn xác nhận trên trang giấy, cũng như nói ra, ở tất cả mọi nơi rằng, nếu những nỗ lực đổi mới của tôi, không giúp ích gì cho sinh hoạt văn học của chúng ta, thì, chí ít, tôi cũng là kẻ lót đường cho những người khác. 

 

LQM: Nhà thơ Darwich, thần tượng trong nền thi ca của dân tộc Palestine(1) đã tuyên bố rằng: rất mệt mỏi vì nguyên tắc làm thơ, ông muốn diễn tả những gì thế giới không

cho đó là thơ. Thi sĩ Du Tử Lê nghĩ sao về thông điệp này? 

DTL: Xin cho tôi miễn có ý kiến về lời tuyên bố này, ngoài thắc mắc mà, nếu có dịp, Quỳnh Mai hỏi hộ thần tượng của nền thi ca Palestine, giúp tôi rằng, những gì nhân loại không cho đó là thơ.... Thì nó là cái gì vậy? Tranh hí họa? Nhạc Rap?

Tiếc thay, hí họa, nhạc Rap cũng có những quy luật của nó! 

LQM: Tập thơ của thi sĩ tài hoa bậc nhất sau nội chiến Nam Bắc Mỹ, thi sĩ Robert Lowell vưà được xuất bản sau hơn 25 năm ông qua đời(2). Lowell là nhà thơ không bao giờ hài lòng với sáng tác của mình và thường viết lại những lời thơ khác nhau của cùng

một bài thơ. Thi sĩ Du Tử Lê có thường viết lại những lời thơ khác nhau của MỘT bài thơ ông sáng tác hay không? Nếu có, xin ông cho một ví dụ . 

DTL: Không. Chưa bao giờ. Không MỘT bài thơ nào, thưa Quỳnh Mai. Tôi sẽ không viết nữa, một ngày nào, tự nhận ra, tôi đã lập lại chính mình. 

LQM: Thi sĩ Du Tử Lê nghĩ sao về thơ Tân Hình Thức?

DTL: Tôi trân trọng tất cả mọi nỗ lực đổi mới văn chương, hình thức hay nội dung - - Miễn là nó thực sự mới hiểu theo nghĩa chưa ai dùng, chưa hề có trước đó. 

LQM: Thi sĩ Du Tử Lê làm thơ với nhiều chủ đề khác nhau, nhưng nổi bật nhất vẫn là thơ tình. Trong một bài thơ của Du Tử Lê có hai câu nổi tiếng:

 Tình muôn thủa nên suốt đời vẫn mới

 Môi đam mê nên vẫn nụ hôn đầu

 Có phải nhờ quan niệm này mà thơ Du Tử Lê lúc nào cũng mới mẻ nồng nàn? 

DTL: Tôi thực sự không biết có phải nhờ nghĩ vậy? Tôi chỉ tin chắc rằng, tôi sẽ yêu người, yêu đời tới giây phút cuối của đời tôi... mà, giây phút cuối kia, coi bộ cũng gần lắm với tôi rồi đấy, Quỳnh Mai à. 

LQM: Người ta thường cho rằng tình yêu đôi lứa là đề tài và đam mê lớn nhất của các thi sĩ, ông nghĩ thế nào về nhận xét này? 

DTL: Điều đó rất đúng với tôi. Nhưng, kể từ sau cái chết của mẹ tôi, cuối năm 1988, tôi nghiệm ra, bên cạnh tình yêu đôi lứa, vẫn có nhiều đề tài khác mà cá nhân tôi cũng đam mê, cũng vật vã với nó, không kém... Thí dụ, đề tài về đời sống hàng ngày, quanh ta; đề tài về siêu hình, tôn giáo, thiền... 

LQM: Theo một số ý kiến, nhà văn Mai Thảo, với hơn 50 tác phẩm văn xuôi, nhưng ông được biết đến nhiều nhất qua thi phẩm Ta Thấy Hình ta Những Miếu Đền. Thi sĩ Du

Tử Lê có ý kiến thế nào về nhận xét này? 

DTL: Tôi nghĩ, nhà văn Mai Thảo có hai đóng góp lớn lao nhất, cho văn học Việt Nam hiện đại - - Một là vai trò đầu đàn của ông qua nhóm Sáng Tạo; (và,) hai là thi phẩm Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền. 

LQM: Ngoài thi ca, ông còn sáng tác văn xuôi, tác phẩm nào ông ưng ý nhất? 

DTL: Điều tôi nói sau đây, xin Quỳnh Mai đừng hiểu là một cách nói kiểu cách - - Đó là tôi thực sự chưa ưng ý bất cứ một tác phẩm nào của tôi, luôn cả thi ca. 

LQM: Thi sĩ Du Tử Lê thích đọc tác phẩm văn xuôi Việt Nam nào nhất trong thập niên

vừa qua? Tại sao? 

DTL: Nên cho phép tôi được chọn hai cuốn (thay vì một.) Đó là cuốn Chuyện kể năm hai ngàn của Bùi ngọc Tấn, và Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh. Cả hai tác giả này, hiện ở trong nước. Họ nhân bản. Họ lớn lao, theo tôi (dĩ nhiên) khi họ vượt trên, rất xa sự trả thù. Tôi từng tự xét mình, nếu tôi ở trường hợp của họ, tôi e tôi không thể có được cái tinh thần không hằn học, không mỉa mai, cay đắng, xuyên suốt mấy trăm trang chữ in như vậy. 

LQM: Rộng hơn, thi phẩm quốc tế nào ông ưa thích nhất? Ông nghĩ gì về Tagore? 

DTL: Tôi thích toàn bộ thơ của Boris Pasternak và Kahlil Gibran. Hai tác giả này, lần nào đọc lại, tôi cũng rung động, như đọc lần đầu. Có thể vì mỗi lần đọc lại như thế, tôi lại khám phá hay nhận được những điều mới từ thơ của họ.

Có một thời gian Tagore là sách gối đầu giường của tôi, như cuốn Selected Poems (Penguin Books, ấn bản năm 1994.) Có dịp Quỳnh Mai nên đọc lại ông ta. Về hình thức thơ của ông còn mới cho tới ngày hôm nay. Bằng cớ là gần một thế kỷ qua rồi, vậy mà, hôm nay vẫn còn có rất nhiều người bắt chước.

Nhưng, với tôi, nếu thơ Tagore là những bài thánh ca dâng lên Thượng Đế, thì thơ của Kahlil Gibran lại là những bài thánh ca tặng cho nhân loại.

Tôi cũng thích Langston Hughes, vì thấy gần với tâm cãnh mình. Thích e.e.cummings, điển hình qua cuốn 73 poems; nhưng hoàn toàn vì sự mới mẻ hình thức của ông ấy.

Những tác giả khác như Octavio Paz, qua cuốn Collected Poems, 1957-1987, hoặc Selected Poems, edited bởi Eliot Weinberger, do nhà A New Directions Book, xuất bản năm 1984; hoặc cũ hơn như Edgar Allan Poe (1809-1849;) Herman Melville (1819-1891;) hoặc Edwin Arlington Robinson (1869-1935)...Nhưng chỉ một ít bài hoặc một ít câu mà thôi. 

LQM: Thi sĩ Du Tử Lê nghĩ thế nào về tương lai của nền thi ca Việt nam nói chung? 

DTL: Tôi cho rằng tương lai thi ca việt Nam nằm nơi những người trẻ ở Việt Nam hôm nay - - Ngày nào họ ra khỏi cái bóng rợp thâm u của thi ca miền Nam trước tháng 4-1975. Hiện tại họ vẫn còn quá mức hăm hở, sôi nổi thậm chí múa may, la hét...với những đề tài mà văn chương miền nam Việt Nam đã khai thác gần như cạn kiệt gần 30 năm trước đây, như các đề tài hiện sinh, tính dục, nhấm nhẳng, hay tôn sùng cá nhân v.v... 

LQM: Người ta cho rằng có một tương quan hữu cơ giữa tác gỉa và độc gỉa. Nếu không có độc gỉa, tác phẩm sẽ không là tác phẩm. Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng tác gỉa chỉ viết cho chính bản thân của mình để làm đầy một hay nhiều nhu cầu có tính cách chủ quan, độc gỉa chỉ là kẻ đến sau không ảnh hưởng gì đến tác phẩm. Theo thi sĩ Du Tử Lê, quan niệm nào đúng? 

DTL: Tôi cho tất cả chỉ là cách nói - - Trong trường hợp này, nó tố cáo một điều gì đó, không ổn nơi người nói.

Tôi thấy, ngay ghi nhận đầu tiên của Quỳnh Mai, trong câu hỏi này, đã khẳng định tính tương quan hữu cơ giữa người viết và người đọc rồi. Ngay cả khi tôi làm xong một bài thơ (dĩ nhiên là để nói ra những gì có trong tôi - - Nên, mọi giải thích thêm, là dư thừa,) tôi muốn đọc hay muốn khoe với một người nào khác, dù chỉ một người thôi, thì, tự vô thức, tôi (hay thơ của tôi,) đã nhắm tới người đọc rồi. 

LQM: Thời gian sau này, nhịp độ sáng tác của Du Tử Lê chậm lại. Có phải công việc báo chí và truyền thanh truyền hình là nguyên nhân chính hay không? 

DTL: Không. Tôi thoát được nghiệp báo đã trên 10 năm. Công việc hàng ngày của tôi, phát thanh và, truyền hình, có lấy của tôi khá nhiều thời gian. Nhưng, lý do tôi chậm lại trong việc sáng tác, là bởi vì:

1-Như tôi đã nói lúc nẫy, với Quỳnh Mai, tôi sợ lập lại chính mình.

2-Năm, mười năm trở lại đây, qua báo chí, tôi thấy dường như chúng ta đang ở giai đoạn lạm phát...thơ. Nhà nhà làm thơ, người người làm thơ... Mở bất cứ một tờ báo nào, từ báo biếu, tới báo bán, tôi thấy có quá nhiều chùm thơ... Nhiều tới mức độ khiến tôi bắt dị ứng...

Cho nên, tuy vẫn viết (không nhiều,) nhưng thản hoặc, tôi mới nhận lời gửi thơ cho những người bạn mà tôi thực sự quý, như Khánh Trường, Nguyễn Xuân Hoàng, Trần Dạ Từ, hay ở xa như Hữu Nguyên, Úc Châu. 

LQM: Ông nghĩ thế nào nếu có ý kiến cho rằng một tác phẩm thi ca, một bài thơ được

biết đến nhiều vì bài thơ ấy được nhạc sĩ phổ thành nhạc phẩm? 

DTL: Bài thơ khi được tháp thêm đôi cánh âm nhạc, hẳn nhiên nó sẽ đi tới một lớp người đọc khác - - Tôi muốn nói người nghe.

Nhưng câu hỏi cần phải được đặt ra ngay rằng, phần âm nhạc đó thế nào? Ra sao? Thực tế cho thấy rất nhiều bài thơ hay đã bị nhạc sĩ phổ nhạc quá tồi! Rồi đem ra hát!... Bài thơ, khi đó, giống như bị bóp cổ...một cách dã man, oan ức đầy ngộ nhận...! 

Tôi không loại trừ những người làm thơ, nhờ có các nhạc sĩ phổ nhạc, mà được nhiều người biết tới, như Kim Tuấn, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên...

Nhưng cũng có những bài thơ tự thân vốn là một tuyệt tác, cho nên, khi tháp thêm phần âm nhạc cho nó, và, nếu đó là phần âm nhạc xứng hợp, thì chúng ta đừng quên rằng, chính bài thơ hay thi sĩ đã mang lại vinh quang không ít, cho nhạc sĩ - - Thí dụ thơ của Đinh Hùng, Quang Dũng, Huy Cận... 

LQM: Thi sĩ Du Tử Lê có lời khuyên nào về lãnh vực thi ca cho thế hệ trẻ tại hải ngoại? 

DTL: Nếu tôi cần phải nói với họ những lời chân thành nhất, thì đó là:

1-Tuyệt đối không hấp tấp, hối hả chạy theo phong trào. Tôi thí dụ, dư luận ồn ào về thơ tục, thì không nên vì vậy mà vội vã sáng tác hàng loạt thơ...tục. 

2-Cố gắng tiết giảm tối đa sức sản xuất sung mãn, ồ ạt...Ngay cả khi tự thấy mình rất... sung sức... Làm xong một bài thơ, nên cất đi, quên đi, chứ đừng vội vã tìm đủ mọi cách vận động sao cho bài thơ ấy sớm được trình làng. Ít, nhiều ngày sau, đọc lại, có thể ta sẽ có một bài thơ...khác; chắc chăn...khá hơn nhiều, bản nháp đầu.

3-Đừng vội vã in...thơ, để kịp có tác phẩm ra mắt, hoặc tặng các...văn, thi hữu! Dù cho việc in thơ ngày nay, ở đây, chỉ tốn vài trăm bạc, hoặc hơn nghìn bạc!

Chỉ nên in khi tự thấy thơ của mình, có điều gì mới, khác hơn những tập thơ của những người khác, đã được xuất bản - - Hay in với chủ tâm, mục đích đoạn tuyệt với một giai đoạn thơ của chính mình, hầu bước qua một giai đoạn, một hành trình thi ca khác. 

Lê Quỳnh Mai thực hiện.

(Oct. 23 03)

(Trích trong “Tác Giả, Với Chúng Ta,” Khôi Nguyên, XB, Canada 2004.) 

Chú thích:

: Magazine Litteraire Lire, France, n. 317

: Poets&Writers, USA, 8/2003

(*) Cần thêm chi tiết, mời đọc Trọng Minh: “Vẻ Vang Dân Việt”, tập IV / Ấn bản tiếng Mỹ “The Pride of The Vietnamese, Selection IV, Trọng Minh, California, 1998.

(**) Xem thêm Tôn Nữ Hoàng Hoa: Phong trào thơ Du Tử Lê và sự tiếp tay của các văn thi sĩ hiện đại, “Du Tử Lê, tác giả và tác phẩm” tập IV, HT Productions, 2000, California. 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Sáu 20199:37 SA(Xem: 5276)
Cuộc phỏng vấn nhà thơ Du Tử Lê do Nguyễn Ngọc Bảo thực hiện cho chương trình Văn Học Nghệ Thuật trên đài phát thanh Saigon Houston ngày thứ Bẩy 1 tháng 6 năm 2019
21 Tháng Tám 201712:00 SA(Xem: 17285)
nhà văn, nhà thơ Du Tử Lê là một trong những thi sỹ có khá nhiều bài thơ được phổ nhạc kể từ những năm trước 1975 đến nay
03 Tháng Tư 201712:00 SA(Xem: 10220)
một kẻ gian đã xuyên tạc, sửa một số câu trong bài “Ai nhớ ngàn năm một ngón tay, của chúng tôi, sau đó phát tán trên một số diễn đàn internet.
15 Tháng Hai 201512:00 SA(Xem: 15108)
Hôm nay, chương trình âm nhạc xin được cùng quý vị tìm hiểu về một trong những bản tình ca rất nổi tiếng của Việt Nam, đó là bản Khúc Thụy D
16 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 23986)
Thưa quí vị, là một trong những thi sĩ có số lượng thơ được phổ nhạc nhiều nhất, lên tới hơn 300 bài hát,
03 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 7758)
Xin nhà thơ nói về cảm nghĩ về tập Tùy Bút mới được ấn hành?
17 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 8660)
Tôi không có được sự thủy chung trong lòng yêu thích văn chương! Phản bội dường như là bản chất của tôi, đối với văn chương.
05 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 20102)
Vào lúc 8:30 tối Thứ Bảy, ngày 30 tháng 4 vừa qua, tại studio của đài phát thanh Văn Nghệ Thúy Nga, xướng ngôn viên Thúy Anh đã có một cuộc nói chuyện với nhà thơ Du Tử Lê, dài gần một tiếng.
09 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 6115)
Du Tử Lê có lẽ là một trong những người cầm bút sắt son với nghệ thuật bền lâu nhất
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 6390)
Thơ của anh thường được các nhạc sĩ phổ thành ca khúc. Trong những ca khúc đó, anh thích bản nhạc nào? Và theo anh thì có sự khác biệt ít nhiều gì về tình ý, giá trị giữa bài thơ nguyên thủy và thơ phổ nhạc không?
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 20360)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15326)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17168)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 9847)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18240)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 4729)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1497)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2014)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1915)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23254)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 19811)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8603)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9611)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9076)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11939)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31490)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21390)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26294)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 23721)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22504)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 20606)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18771)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19911)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17522)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16654)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25494)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 32857)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35456)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,