Cùng với trận mưa đầu mùa, tôi trở lại nơi đó, sau đúng một năm. Phải. Cũng một năm trước, dưới những hạt mưa nặng và tiếng lộp bộp của những giọt nước gõ trên mái ngói, tôi thường đến đấy cùng với Thụy. Giờ Thụy đã nằm chỗ. Đúng hơn là nàng đang bận rộn với tã lót, gối bông và khăn lông trong chờ đợi với đứa con đầu lòng. Tôi không dám nghĩ là nàng đã bước đến bờ kia của con sông ngăn đôi hạnh phúc và đầy đọa, Bởi nếu có một điều gì tôi biết được chắc chắn về đời sống hiện tại của Thụy, thì đó là nỗi chật vật, thiếu thốn về tiền bạc. Đó là sự dày vò (cũng về tiền bạc) của những người thân quanh nàng.
Có phải nơi chốn nào tự nó cũng phải mặc lấy một vài đổi thay, biến dạng. Làm như chính nó ở mỗi giai đoạn có một lớp phấn son riêng. Và ngườ trở về, trong trường hợp nào, cũng chẳng thể tránh khỏi chút ngỡ ngàng, xa lạ.
Cũng có thể cảnh trí nơi đây đã chẳng thay đổi gì sau một năm, kể từ ngày tôi dời thành phố. Chắc chắn hơn, có lẽ, tại tôi, lúc này, đã không còn là tôi khi xưa. Tôi trở lại với những bước chân nặng nề, với một tâm hồn, qua đôi mắt mệt mỏi, lừ đừ, thiếu máu.
Qua hết bờ tường rêu với những dòng nước ngòng ngoèo chia miếng tường thành nhiều mảnh không đều, gợi ra nhiều hình thù nát đứt, ngôi quán nằm thụt sâu vào trong phía tay phải. Khoảng không gian nhỏ chụp úp lên đầu đám ngườ ngồi dạng chân hay co ro trong một màu tối đặc hơn khoảnh sân lộ thiên phía ngoài. Tôi đứng nhìn. Trong từng góc tối, những gương mặt xa lạ. Còn trẻ. Vêu vao mà lại sẵn đầy hậm hực, phẫn nộ. (Những gương mặt sần sùi như trái lựu đạn lép nhưng có khá nhiều chốt nổ). T. cởi áo mưa, rũ nước xong cầm tay. Chị chủ quán từ sau quày hàng nhô ra đi về phía chúng tôi bằng những bước chân vội như nhảy lò cò. Chúng tôi nhìn nhau. Chắc chị nhận ra sự có mặt đột ngột của tôi. Chị bảo, ông ngồi đỡ ngoài này.
Mưa như tiếp tục cản ngăn sự cố tình xáp lại gần, đến trở thành gượng gạo giữa tôi và T.. Hình như từ lúc tôi gặp T. cũng trong một quán nước đến giờ, chúng tôi chỉ có dăm ba lời trao đổi nhau:
“ Anh mới về?”
“ Vâng”
“ Em còn đi học?”
“ Nghỉ rồi?”
“ Làm đâu?”
“ Cho Đại Hàn.”
“ Anh có xe không?”
“ Có.”
“ Đi nha.”
“ Mưa mà.”
“ Thế mới đi.”
Và tôi đã đưa T. ra xe. Tôi chở nàng qua gần hết những con đường lềnh bềnh nghiêng ngả trong màn mưa tầm tã. Ngồi bên cạnh tôi, T. thu rút người lại, chỉ thỉnh thoảng mở kính gió, cho những hạt mưa lạc, tạt bám vào mặt. Tôi im lặng, hút thuốc và nghĩ tới một địa chỉ trong Chợ Lớn, để ngủ lại qua đêm, nếu có T. Dọc những con đường, trên những vũng nước, dưới những tàn cây còn sót lại của một thành phố đang héo chết, đôi lúc, tôi muốn nhắc nhở T. một ít kỷ niệm để cùng nhớ lại, khi trong số chúng tôi, chưa có một kẻ ra đi, vĩnh viễn. Nhưng không hiểu sao, cứ mỗi lần sắp sửa mở miệng, tôi lại chợt khựng cứng. Hình như sự có mặt lẩn quất mơ hồ của những kẻ gần xa cũ, hay những ám ảnh của chúng đã làm môi tôi tê, lưỡi tôi dại, đờ. Tôi không nói gì được, và cả T. biết đâu chừng, cũng vậy. Cuối cùng tôi phải hỏi T. một câu hỏi không cần thiết lắm: đi đâu? Và câu trả lời là tùy ý. Từ đó, trong óc tôi, ngôi quán này hiện ra. Tôi muốn trở về với nó, không phải vì T., giữa tôi và T. chẳng có một kỷ niệm nhỏ nào, ở nơi này, và ngay cả những nơi khác. Chúng tôi trở thành quá mới mẻ đối với nhau, (trên bước đường đi tạo kỷ niệm), trong khi ở quá khứ đã xa, lại quá quen thuộc (tới độ biết rõ cả cái phần dĩ vãng cá nhân, mà sự thực, mình không hề tham dự).
Tôi mở banh tờ báo nhẹp nước với hình ảnh cùng tin chiến sự. Ánh sáng chỉ đủ cho tôi đọc được những hàng tít lớn và những chữ nhỏ in đậm. T. hỏi, tình hình có gì mới? tôi cười ngó vu vơ ra ngoài thềm mưa. Gió tạt đập vùi mấy chậu cây dồn cục trong một góc sân. “Tình hình lắng dịu khắp nơi.” T. lơ đãng như không nghe câu trả lời của tôi. Nàng bảo: “Anh vẫn ở lính đó chứ!.” Tôi cúi xuống ly cà phê và tay đập đập vào bắp chân trái của mình. Bị thương, giải ngũ rồi. Sao không thấy gì cả?
Tôi bực bội nhìn dữ dằn vào đôi mi mắt hạ xuống, để trơ lại hai đường bút chì xanh sát với chân mày, trên mặt T.. T. nhìn lại tôi. Cái nhìn thẳng. Cũng dữ dội. Vẻ thiệt tình. Tôi nói, dịu dàng: Anh bị trúng đạn ở đây (tôi nắn nắn bắp chân trái, chỉ còn là một đường rãnh lớn). Khi mổ gắp đạn ra, bị đứt một sợi gân. Em không thấy, anh đi với một bàn chân luôn luôn nhón gót sao? T, cười. Nụ cười độc ác vô duyên: Cũng may. Cũng may? Tôi lập lại.T. gật đầu. Ừ. Tôi thở ra. Tôi vẫn cho rằng tôi có cái bệnh ưa bi thảm hóa. Chút chút gì khác thường đối với tôi, cũng có thể kiến tôi hoang mang, giao động tưởng như đời mình thế là hết. (Mặc dù, rồi, đời tôi cũng vẫn còn, dù vẫn còn một cách lây lất). Bao nhiêu lần tôi đã tự hứa phải sửa sai, phải khắc phục sớm ngày nào hay ngày nấy cái bệnh tưởng kịch cởm này. Nhưng tôi đã chẳng làm được gì khác hơn là bi thảm quá đáng, để rôi khi được nghe một ý tưởng nghịch chiều, lại thấy rằng mình thế vẫn còn lá may mắn chán. Và hạnh phúc, ôi thật dễ dàng, đến ngay sau đấy.
Quán mỗi lúc một đông thêm cùng với sự gia tăng của bóng tối và những hạt mưa nhẹ hơn nhưng hứa hẹn dai dẳng, có thể kéo qua hết đêm.
Tôi trả tiền cà-phê và không ai hỏi, tôi khai với T. rằng trong túi tôi hiện đang có một khoản tiền đủ cho một bữa ăn cùng một chỗ nghỉ tốt. Khi nói dứt câu, với cái im lặng bình thản ném ngược trở lại của T. tôi mới nhận ra cái gian ý hay mưu toan biển lận đã được lồng vào trong câu nói ngay từ tiềm thức.
T. cầm áo mưa đứng lên. Cái đầu nàng hơi nghiêng nghiêng. Làm như luôn luôn có một bên đầu T. nặng hơn bên còn lại. Tôi đứng lên theo và thận trọng bước từng bước nhỏ chậm, để những con mắt nhìn theo (trên những gương mặt thuốc nổ) không nhận ra một gót chân tôi luôn bị giựt lên trên mặt đất vì gân rút co. T. lại thẳng xe, nắm cánh cửa chờ tôi ở đó. Có lẽ lúc này mới là lúc T. chú ý tới những bước chân không bình thường của tôi. Tôi nghe những sợi gân chưa đứt còn lại nơi chiếc chân trái của mình giựt giựt. Tôi buộc miệng bảo T.: “Đừng nhìn anh như thế” T. nói” “Anh mở cửa đi chứ.” Tôi cười thầm trong lúc sắp xếp lại đôi chân mình trong gầm xe, cho đúng vào vị trí và tay với chốt cửa, bẻ quặt lại.
Trời vẫn mưa. Lệnh giới nghiêm sớm đã đem chút ám ảnh vẻ chiến tranh rải mỏng lên hai hàng phố của Chợ Lớn đèn màu.
Tôi quẹo xe vào đường Đồng Khánh và cứ thế chạy thẳng. Có thể là T. đã bắt đầu nghe ngóng hay đánh hơi thấy những gì sẽ xảy ra trong phần giờ khắc đang tới. Tôi nghĩ nàng băn khoăn nhấp nhổm không an lòng với đôi bàn tay bẻ tới lui những ngón tay dài bóng màu lụa nõn. Cả tôi, có lẽ, tôi cũng đã không yên ổn với những toan tính mà chính mình biết rõ, trong lòng mình. Dẫu sao thì cũng… đành. Chẳng lẽ quay về? Tôi chặc lưỡi và hết sức tự nhiên, tôi quàng tay qua vai T., kéo nàng ngã vào ngực. Tôi không nghe được mùi thơm của da thịt T. trừ mùi nước hoa mà nàng đã xức quá tay. T. không có một dấu hiệu phản kháng nào (dù lấy lệ). Sự ưng thuận hờ hững, thiếu nhiệt tình của T. đã dấy lên thật nhanh trong tôi cái cảm giác chán ngán. Nhưng rồi chỉ một thoáng sau, khi tôi cúi xuống và tìm trúng được ngay đôi môi T., tôi thấy rõ, người tôi nóng dần. Ngọn lửa rạo rực hừng hực cháy.
Khi tôi đem được xe vào trong sân, thú thực rằng tôi đã thầm phục mình tìm ra đúng địa chỉ, cái địa chỉ mà hồi nào giờ tôi chỉ nghe một thằng bạn làm nghề bán chữ nói loáng thoáng sau lần nó đưa bồ đến đó. Tôi hoan hỉ nhìn T. xuống xe với cánh cửa được mở sẵn bởi một anh bồi mặt mũi sáng sủa đầy vẻ láu cá. Lúc sánh bước ngang nhau, tôi hỏi nhỏ T. “Em có biết nơi này?”, T. đáp ngay: “B.Đ”. Sự biết rõ của T. làm tôi cụt hứng, nhưng đồng thời cũng cho tôi ít nhiều tò mò, ngạc nhiên. Tuy nhiên T. không thể biết được những ý nghĩ đó của tôi. Chẳng đời nào. Phải rồi. Tôi hỏi anh bồi với giọng thành thạo nghe lỏm của mình: “sân thượng ăn được không”. “Dạ được. Có mái tôn kéo, thầy hai”
Mười lăm phút sau, chúng tôi đã ngồi đối diện nhau trước mấy món ăn bốc khói trên sân thượng của cái nhà hàng và đồng thời cũng là khách sạn đó. Khi tôi cầm đũa bảo T. ăn đi. T. cười bí mật và ngồi im. Tôi hỏi sao cười. T. bỗng chuyển sang bộ mặt rầu rầu, (cái bộ mặt có từ lúc mới vào quán). Một lát sau, T. gõ đũa vào miệng chén, nói nhỏ: “Em thấy có một sự trùng hợp lạ lùng?”. Tôi ngạc nhiên nuốt nhanh hợp bia “Cái gì”. “Anh và P.”. “Như thế nên?” “Cũng B.Đ. cũng những món ăn này.” Nhắc đến P. tôi không muốn ăn nữa. Tôi cũng không còn muốn T. trong mắt nhìn của mình. Đột nhiên lòng tôi ngắt lạnh và buốt nhức. Phải chăng dù cố gắng lẫn tránh, ta cũng không thể thoát khỏi ám ảnh của kẻ thứ ba. Kẻ đã khuất. Phải chăng, đó là điều mà cả hai chúng tôi không cách gì thoát được, ít hay nhiều, đó là điều phải nhắc đến. Muốn hay không, đó là chuyện phải được gợi lên, một lần. Dẫu sao cũng còn may, tôi nghĩ, P. đã được nhắc đến, trong lúc này, giữa bữa ăn. Thà rằng thế. Trước khi vào phòng.
Tự dưng giọng tôi thấp xuống, lạc đi trong hổ thẹn và ngoài vòng kiểm soát của lý trí tôi. Tôi nói: “Bởi nó là em ruột tôi.” T. lắc đầu: “Không. Chỉ là bạn. Một người bạn thường. P. nói thế, khi còn sống.” Tôi cố gắng gượng phát một cử chỉ để T. hiểu rằng lời vừa rồi của tôi là một lời nói thành thực và đứng đắn nhất, (nghĩa là không thể đứng đắn hơn), và rằng chúng ta đang nằm giữa cái phút của sự thật. Nhưng tất nhiên T. đã không dễ dàng tin thế. Nàng bảo, dù gì chúng ta cũng không nên lợi dụng sự không còn lên tiếng được của kẻ đã chết. Tôi bảo, thì tôi cũng không mong gì hơn là giải tỏa luôn cho y những gian dối mà y còn để lại trên trần. Cuối cùng buộc lòng tôi phải kể rõ trường hợp của gia đình tôi và lý do khiến P. không muốn nhận tôi là anh nó. Chẳng qua, chỉ vì tôi là con riêng của ba tôi trước khi người chính thức lấy mẹ P. và tôi đã là một trong những cái vòi hút vô hình, hút đi hạnh phúc của mẹ P.. Tôi nói tất cả chỉ vì sự hẹp hòi của mẹ P. và điều đáng tiếc khi bà nhận ra được điều đó, thì bà đã câm, đã không thể nói, cho tới lúc chết, để P. xóa đi đám mây chở nặng cơn mưa chẳng bao gời mưa được xuống tâm hồn nó nức nẻ.
Hình như, trong lúc nghe tôi nói về gia đình, về P., T. đã khóc. Và tôi cũng không thể ăn những ăn những món ăn mà một thời P. đã thích, đã gọi cho T., sau công việc rút hết ruột mình.
Tôi đứng lên, nói với T. số căn phòng mà tôi đã thuê, cho đêm nay. Và tôi cũng nhấn mạnh rằng không có gì trở ngại cho tôi, nếu T. không muốn ngủ cùng
tôi trong căn phòng đó. T. có thể về dù là trong giới nghiêm.