Thứ Năm, 8 Tháng Giêng, 1998:
- 4:45PM: Mưa tiếp từ đêm trước. Nhưng bầu trời vẫn óc ách, xộc xệch những đám mây õng nước. Tôi vừa bước vào nhà. Điện thoại reo. Đầu dây bên kia, giọng nói nhanh, trẻ, gẫy gọn, và rất mực lễ phép.
“Thưa bác cháu là Tâm, bác cháu, bác Mai Thảo muốn gặp bác gấp, nếu có thể được...” Tôi nhận ra ngay. Đó là người con gái lặng lẽ, trong nửa năm qua, nhiều lần đứng tựa tường, dọc hành lang bệnh viện
“Thưa bác, bác cháu không còn ở dưỡng đường Haster nữa. Bác cháu đang nằm ở bệnh
“Biết. Biết.”
“Cháu không có địa chỉ. Nhưng dường như nó là Garden Grove Art Hopistal, lầu 6. Bác nhớ.”
“Nhớ, bác ghi được rồi.”
“Nhân tiện, nếu bác gặp bác Đỗ Ngọc Yến, cũng xin bác nhắn hộ là bác cháu cũng muốn được gặp bác Yến...”
“Có chuyện gì Tâm biết không?”
“Dạ cháu không biết.”
“OK. Bác sẽ nhắn bác Yến. Bác sẽ đi ngay.”
- 5:00PM: Mưa tiếp từ đêm trước. Bầu trời vẫn óc ách, xộc xệch những đám mây õng nước. Chiếc xe trôi chậm rì trong gió và, bóng tối lép nhép. Khúc đường gần xịt, bỗng trở nên dài đẵng. Một chiếc quạt nước gẫy tiếp tục đào sâu đường rãnh có sẵn, hình cánh cung trên kính xe. Linh cảm tôi dự báo điều bất thường. Điều tôi chờ đợi từ nhiều tháng qua, phải chăng đã tới? Chúng tôi im lặng. Chúng tôi ghìm giữ trong lòng những cảm nhận, những suy nghĩ riêng của mình. Tuồng, nếu không giữ được, tai họa, bất hạnh sẽ không có cơ hội sập xuống. Tuồng, nếu hai đứa tôi, dối gạt được nhau, thì, cũng có nghĩa là đã dối gạt được định mệnh!
Mưa tiếp. Nặng hạt hơn. Một chiếc quạt nước gẫy, đào nhanh hơn, sâu hơn đường rãnh có sẵn, hình cánh cung trên kính xe. Tôi không thể nghĩ, đoán bất cứ một lời trối trăn nào của người đàn ông mà Tâm gọi bằng “Bác”; và, anh em chúng tôi quen gọi bằng “Anh”, với tất cả yêu mến, kính trọng gần như tuyệt đối.
Tôi cố để không nhớ lại lời anh kể với chúng tôi rằng:
“Vũ Tài Lục bảo tôi, nhiều lắm thì cũng chỉ hai tới ba năm nữa là cùng.”
Tôi nói lớn trong đầu, cũng có khi Vũ Tài Lục sai chứ. Sai quá đi chứ. Bằng chứng Anh đã bước qua biên giới sinh tử. Anh đã được đưa về Convalestion Home để tập ăn, nói, đi lại, một đời thường. Tôi nhắc nhở tôi, câu nói đùa của một người bạn, chưa lâu, rằng: “Biết đâu một ngày nào, người ta lại thấy ông Mai Thảo lại lững thững đi trên đường Bolsa. Ông lại băng ngang khu Phước Lộc Thọ... Có thể lắm chứ. Who knows? Và trong túi người bạn già của chúng ta, lại có thêm vài cái ticket phạt người đi... bộ...
Mưa tiếp. Chúng tôi vượt qua ngã tư Harbor. Vượt qua ngã ba, nơi có nhà hàng Pháp mà người bác của Tâm thỉnh thoảng vẫn ghé lại. Nơi anh đã đem Nguyễn Bá Khanh tới để chụp những tấm hình cho một ngày trong đời anh. Nơi (đi tới vài phút) là đầu đường
- 5:20: Mưa bị tòa building 8 tầng chặn lại. Tôi bị người phụ nữ Mễ Tây Cơ, mặc áo blouse mầu hồng, lớn tiếng, đuổi ra khỏi căn phòng 608. Bà ta đang vật lộn với trở ngại ngôn ngữ. Với bộ xương dài ngoằng, bất động trên chiếc giường sắt.
Hành lang lạnh. Trắng. Hun hút những câu hỏi không câu trả lời nơi những cửa phòng đánh số và, những ngã rẽ. Đôi ba bóng người hiện ra, rồi biến đi, tựa hình ma hay, bóng quế!
Bình nước tiểu sóng sánh chút nước đỏ cạch cùng những tấm drap được mang ra cùng nụ cười của người đàn bà Mễ Tây Cơ. Chúng tôi bước vào. Đôi mắt anh sáng lên. Có dễ cũng cả nửa năm qua, tôi mới gặp lại ánh mắt tinh, ranh, thoáng chút riễu cợt, khinh mạn nơi đuôi mắt. Linh tính tôi sai bét. Dự báo nhảm.
“Vũ Tài... gì thì lần này cũng té giếng thôi...” Tôi nghĩ.
Không một chờ đợi trầm trọng nảo trong phỏng đoán nào của chúng tôi, xảy ra. Anh ra dấu bảo tôi cho anh một điếu thuốc. Những ngón tay dài ngoẵng, đúng hơn những lóng xương nối nhau, khó nhọc, vất vả đưa lên gần đôi môi mỏng, mím, nơi khuôn mặt đã biến dạng. Anh ra dấu. Ra dấu. Ra dấu.
Vài giây im lặng qua đi. Tôi hỏi:
“Anh cần gì? Thuốc lá phải không anh?”
Ánh rạng rỡ nơi đôi mắt anh, tăng cấp số nhân. Lại thêm vài giây im lặng lăn qua. Ánh rạng rỡ ngúm tắt. Tôi đọc được ý nài nỉ nơi cái đầu Anh cố gắng đưa xuống gần ngực. Tôi đọc được ý nài nỉ nơi đuôi mắt anh chuyển động. Nháy. Nháy.
T. buột miệng bảo tôi:
“Không được anh. Anh phải ra hỏi y tá thôi. Nguy hiểm lắm. Máy báo động sẽ kêu. Còn giường bên cạnh...”
Đuôi mắt tiếp tục nháy. Nháy. Cường độ nài nỉ tăng cấp số nhân, với toàn bộ khuôn mặt anh: Những phần da, xương còn khả năng biểu lộ. Tôi ra khỏi phòng, tựa vách tường.
Hành lang lạnh. Trắng. Hun hút những câu hỏi không câu trả lời nơi những căn phòng đánh số và những ngã rẽ. Đôi ba người hiện ra, biến đi, tựa những hình ma hay bóng quế.
T. bước ra, trên tay lắt lẻo miếng plastic mầu xanh, ghi hàng chữ: “Patient: Nguyễn, Quý. Dr. Nguyễn Khiêm.” Tôi hỏi, ở đâu ra cái này? T. đáp:
“Em gỡ. Anh ấy đòi. Em sợ anh ấy muốn giựt bỏ mọi thứ dây nhợ chạy quanh người. Triệu chứng gì em không biết. Nhưng đây là lần đầu tiên... Phải báo y tá ngay!
Tôi gật đầu. “Phải báo y tá ngay”!
Tôi báo sự việc bất thường này với bà y tá già và, người đàn bà Nurse Aid, Mễ Tây Cơ rồi trở vào phòng. Những lóng xương xếp thành hình dạng những ngón tay dài ngoẵng, lại lẩy bẩy nhấc lên. Chúng lại khó khăn, vất vả đưa về gần đôi môi mỏng, mím. Lần này, cùng với thủ hiệu, là đuôi mắt trái của anh nháy. Nháy. Tôi chỉ còn chọn lựa sau cùng, dối gạt nài nỉ kia:
“Vâng. Anh để tôi xuống xe lấy thuốc lá cho anh.”
Tôi đi thẳng một mạch ra thang máy.
Những mẩu thuốc nở, trương, sũng nước hớ hênh cười nhạo trên dưới ánh đèn. Mưa tiếp. Núp dưới hiên, tôi rút một điếu thuốc. Đốt cho chính mình, cho mưa, và, cho sự dối gạt còn mặn, ướt trên môi tôi.
5:30PM: T. xuống. Đưa tôi miếng giấy. Đúng hơn, là bao đựng mấy miếng sponges của nhà thương. Miếng giấy có hàng chữ sau cùng của một người có trên nửa thế kỷ ăn ở trân trọng, nghiêm chỉnh với chữ nghĩa. Giòng chữ viết:
“1 cà phê sữa đá.”
Mưa xấn sổ ném lên những con chữ, như thể muốn nuốt chửng, muốn bôi xóa chúng. Hay tố giác sự bất lực, đớn hèn tới đốn mạt của chúng tôi?
8:10PM: Mưa tiếp. Tôi điện thoại xin gặp Tâm. Tôi muốn báo cho Tâm biết tôi đã hoàn tất lời Tâm nhắn. Tâm không có nhà. Tôi nói chuyện với mẹ Tâm.
Chị Yến kể cách đây 10 phút nhà thương đã đưa anh ấy trở về lại đường Haster. Một lần nữa, linh tính tôi sai toét. Dự báo lầm. “Vũ Tài... gì thì cũng có lần phải sai chứ...” Tôi nói với chị, ngày mai, chị lén mang cho anh ấy một điếu thuốc và, “một cà phê sữa đá.” Bệnh viện không thể, nhưng Convalestion Home thì được.
Tôi kể chị nghe về khuynh hướng muốn dứt bỏ mọi thứ dây nhợ. Chúng tôi đồng ý với nhau, tình trạng anh, trở lại mức khởi điểm đầy hy vọng:
“Bolsa - Phước Lộc Thọ - Và dăm tấm giấy phạt người đi... bộ.”
8:20PM: Mưa tiếp. Nằm trên chiếc sofa, vẫn bằng vào lạc quan kia, trả lời điện thoại Đỗ Ngọc Yến, tôi nói. Nói. Nói:
“... Tuy nhiên, ngày mai bác cố gắng đến Haster, thăm anh ấy. Haster, chứ không phải nhà thương Garden Gorve. Có thể ông ấy nghĩ bác ba đầu sáu tay sẽ đốt được cho ông ấy một điếu thuốc và 1 cà phê sữa đá... không chừng...”
Yến ậm ừ. Tôi nghĩ nhiều phần có thể Yến không đến Haster, ngày mai... Cuộc nói chuyện chấm dứt khi tôi có đường dây khác tới.
9:00 PM: Mưa tiếp. Anh Nguyên Sa gọi. Hỏi thăm. Tôi tóm tắt những diễn biến chính. Anh bảo:
“Vậy thì tốt.”
“Tốt hả anh?”
“ Tốt chứ. Về lại Nursing home mà. Đâu có ở nhà thương nữa.”
Thứ Bảy 10-1-1998
“Chị ăn gì chị Phương Hoa?”
Chị nói, ăn rồi.
“Cho tôi 1 cà phê sữa đá.”
Hào tìm người chạy bàn. Tôi nhúng thìa, đũa vào tô phở của mình. Nhạc xuân. Một bài hát cũ. Rất cũ. Của Nguyễn Văn Đông? Nói về một người lính ôm súng trong vọng gác, đón giao thừa. Phương Hoa khuấy ly cà phê sữa đá. Tiếng muỗng, đá va vào thủy tinh, lanh canh. Tiếng lanh canh bứt rứt. Ngập ngừng. Đứt đoạn. Tôi ngước nhìn chị. Đôi mắt chị đỏ hoe. Chuyện gì? Tôi không đoán. Chị cúi xuống ly cà phê sữa đá. Tiếng lanh canh bứt rứt khua động thêm một vài hồi rời rạc. Rồi tắt.
“Tôi không thể đợi tới lúc anh ăn xong tô phở,” vẫn cúi xuống ly cà phê sữa đá của mình, chị tiếp:
“Anh Mai Thảo mất rồi. T. mới báo cho chúng tôi biết. Anh Thăng kẹt bệnh nhân. Tôi nghĩ phải ra đây cho anh biết, trước khi anh đi
Tôi đặt đũa, muỗng xuống. Hào đặt muống, đũa xuống. Chiếc muỗng trong ly cà phê sữa đá của chị Hoa vẫn được những ngón tay chị giữ chặt. Có phần chặt hơn. Những ngón tay bầm, thâm vì máu không thể đi tới.
“Khi nào?”
“Ba giờ sáng nay.”
Trước mặt chúng tôi, là ba “ly cà phê sữa đá.”
“Anh có thèm một ly cà phê sữa đá?”
Tôi gật đầu:
“Nên lắm chứ. Hạnh phúc biết bao nếu lúc này, chúng ta có được một ly cà phê sữa đá. Thật ra, tôi muốn nói với Hào rằng: “Hạnh phúc biết bao, trong đời sống này, chúng ta có được một người tên Mai Thảo.”
Suốt cuộc hành trình trên xa lộ 290 W., trong tôi cứ lẩn quẩn hoài câu nói của Khổng Tử (?) rằng: “Được làm người đã khó, nhưng sống cho ra một con người còn khó hơn nữa!” Chưa bao giờ tôi thấm thía câu nói đó, bằng lúc này. Và, nếu được phép sửa một chút, tôi sẽ xin được sửa thành:
“Sống cho ra một con người đã khó, nhưng sống như Mai Thảo/ Nguyễn Đăng Quý trong đời sống này, còn khó hơn một bậc nữa vậy!”
Mặc dù, mỗi chúng ta, hằng ngày, bất cứ lúc nào, ở đâu, cũng có thể gọi được, tự làm được cho mình “một ly cà phê sữa đá.” Chỉ riêng anh thì không.
Chẳng bao giờ. Chẳng bao giờ, có nữa!
11 Tháng Giêng, 1998.