Giống các bạn cùng tuổi, tôi theo gia đình di cư khỏi Hà Nội cuối năm 1954. Thời gian đó, tôi đang học lớp nhất ở trường Nguyễn Du tức trường Hàng Vôi cũ. Tôi không được may mắn như các bạn khác. Thay vì vào thẳng Sàigòn, gia đình tôi lại trôi dạt về Đà Nẵng, Hội An; rồi lại Đà Nẵng... Trong không đầy một năm, tôi theo chân anh tôi, đi cùng khắp Trung Việt.
Tôi thi xong tiểu học, vừa lúc đơn xin đổi về Sàigòn của anh Q. tôi được chấp thuận.
Vào Sàigòn, gia đình chúng tôi chia thành hai nhóm. Mẹ tôi, chị Băng và anh Du ở khu Bàn Cờ. Tôi theo anh chị Q. về cư xá Hòa Bình, trên đường Trần Hưng Đạo, thuộc Chợ Lớn. Tôi theo anh chị Q. vì lý do phải chuẩn bị thi vào đệ thất.
Thuở ấy, tôi không có một chút ý niệm nào về việc học hành cũng như, danh tiếng, uy tín của trường này với trường khác. Anh Q. bảo thi vào Chu Văn An, thì, tôi nạp đơn.
... Tôi không tin mình có thể đậu; mặc dù, chương trình lớp nhất tôi học như vậy, hai lần. Tôi không bận tâm, việc này. Đầu óc tôi, như một mớ chỉ non rối bung. Phải làm quen với tiếng nói, tập quán, đời sống của người Trung chưa quen, nay, tôi lại tập sống đời sống người Sàigòn.
Tôi co rút, như một con ốc tội nghiệp, dấu mình trong vỏ cứng.
Tôi sống, cùng những bí ẩn, không câu trả lời. Tôi sống, cùng những hình ảnh sắc, bén, ngọt lẻm như những mảnh thủy tinh vỡ nát. Mảnh vỡ nào cũng có thể cứa lên tâm hồn tôi. Làm chảy máu những vùng u ám và, kín khuất.
Căn nhà ở cư xá Hòa Bình hồi đó, ngoài anh chị Q., cháu Trâm và tôi, còn có một gia đình sĩ quan khác. Gia đình anh Ba Phương. Anh Ba Phương, người Sóc Trăng. Mùa hè, sau khi tôi đến ở được vài tuần, anh Phương có cô em gái tên Út Hòa, từ quê lên chơi. Út Hòa chừng bảy tám tuổi nhưng, tinh ranh như một con mèo hoang.
Thoạt đầu, Út Hòa nhìn tôi bằng một con mắt khinh khi, pha chút tò mò, rình rập. Sau, Út Hòa lân la làm quen.
Không hiểu Hòa sống ở Sóc Trăng như thế nào mà, Hòa biết rất nhiều chuyện, nhiều trò chơi. Trong số có những trò chơi tôi không thể tưởng tượng nổi. Một lần hai đứa đang ôm nhau chơi trò vợ chồng (chữ của Hòa) thì anh Du từ Bàn Cờ lên thăm. Mẹ tôi bảo anh, mang cho tôi mấy cái bánh rán. Tôi nhớ, lần nào Hòa cũng cẩn thận đóng cửa sổ, khóa cửa chính. Không hiểu sao lần đó, Hòa lại quên! Anh Du gọi không thấy, mở đại, bước vào, bất ngờ thấy chúng tôi. Mặt anh đỏ bừng, đôi môi anh mím lại. Anh túm tôi đứng dậy, tát cho hai cái. Tôi cố gắng không khóc. Hòa ôm quần áo, chạy vào trong phòng anh chị Phương. Anh Du cầm mấy cuốn sách học thi của tôi, vứt xuống nền gạch. Anh nói “tao mà còn thấy mày như vậy lần nữa, thì đừng có trách.” Anh ném lại bịch giấy dầu, rồi, hầm hầm bỏ đi.
Tôi sống hồi hộp trong nhiều ngày sau đấy. Nhưng, sự hồi hộp, nỗi sợ hãi anh Du, ở tôi, không thắng nổi sức quyến rũ của đôi mắt Hòa, thân thể Hòa.
Chỉ ít ngày sau, lúc nhà vắng người, khóa mọi cửa nẻo, tôi và Hòa lại tiếp tục trò chơi trên, tới ngày Hòa phải về lại Sóc Trăng.
Hình ảnh ngôi trường Chu Văn An, ngày thi đệ thất, làm tôi thất vọng không ít. Nó còn thua ngôi trường Hàng Vôi, thua các ngôi trường Nam tiểu học Hội An và Đà Nẵng cũ, của tôi nữa.
Ngày nhập học, cảm giác lẻ loi, bơ vơ, như buổi sáng mùa thu, Hà Nội. Ngày khai giảng trường Hàng Vôi, tôi ngồi xe xích lô với chị U. và chị Băng tới trường. Chị U. dẫn tôi vào tận lớp. Gửi tôi cho ông hiệu trưởng, tên Niên, xong đứng ngoài, rất lâu... Trước khi quay lưng, chị còn đưa tay vẫy vẫy...
Lần này, không ai đưa tôi vào lớp. Lần này, không còn ai đứng trước cửa... Tôi cũng không khóc nức nở như ngày xưa, lúc chị U. quay lưng, vậy mà, tôi vẫn cảm thấy lẻ loi, bơ vơ như lần bị lạc giữa phố hàng Buồm. Tôi nghe gọi tên mình, xếp vào hàng được chỉ định. Những học sinh ở các lớp lớn hơn, liếc qua chúng tôi. Người thì, cười cười, đe dọa. Người thì, nháy mắt, khuyến khích. Tôi nhìn xuống đôi giầy đế “crếp” mới tinh, chiếc quần soọc màu xanh, áo trắng, tay ngắn. Tôi ngước nhìn những tàng cây hoa muồng, hít một hơi thở dài, tự nhủ: Mình đã lớn. Tôi cố lập lại trong đầu, lời nói của anh Q.; buổi sáng, anh khao tôi bằng một chầu phở gà ở đường Trương Tấn Bửu. Anh bảo: “Em phải nhớ, lên trung học là lớn rồi! Trung học, là phải biết nghe giảng. Phải học toán lý hóa, phải học tiếng Pháp nhiều hơn dưới tiểu học. Ngày xưa những người trung học, đã có thể lấy vợ rồi đấy. Nay em đệ thất... lại được vào một trường nổi tiếng... rán học, đừng sợ. Có gì cứ hỏi anh...”
“Đừng sợ!” Anh Q. nói mới dễ dàng làm sao! Anh đâu nhớ chưa lần nào tôi phải tự vào lớp một mình, thế này. Tôi đã học trung học bao giờ đâu? Trung học là cái gì? Tại sao những người đứng chung một hàng với tôi, lại hớn hở, tự tin, như vậy?
Cảm giác lẻ loi, bơ vơ rồi cũng trôi qua! Cuối năm đệ thất, lớp tôi vợi hẳn. Đa số những người bạn, bỏ học vì lý do... lấy vợ. Số khác, đi làm. Lên đệ lục, tôi chơi thân với Trần Tán Trụ, Nguyễn Ngọc Chấn và Đào Chí Hồng...
So với tôi, hồi đó, Trần Tán Trụ cao to, bắp thịt cuồn cuộn như một lực sĩ. Tóc Trụ chải miết phía sau. Trụ đi học bằng xe đạp cuộc, tay áo xắn cao, rất oai phong. Trong lớp, Trụ là mẫu “người hùng” chuyên bênh kẻ yếu kém.
Không biết có phải Trụ cảm kích tấm lòng “tri kỷ” hay, thấy tôi nhút nhát, ngờ nghệch, một hôm, Trụ rủ tôi “cúp cua” cho tham dự vào “đời riêng” của Trụ. Giờ ra chơi, tôi bỏ lớp, ôm cặp leo lên thanh sắt ngang chiếc xe đạp “cuộc” của Trụ, trốn khỏi trường. Trụ đạp xe tới sở thú. Vừa đi vừa coi giờ. Tới nơi, thay vì phải gởi xe như mọi người, Trụ đạp thẳng vào trong. Nội điều này thôi, đủ làm tôi phục Trụ lắm rồi. Tới hồ sen, Trụ đẩy tôi xuống, hất chiếc xe đạp tênh hênh trên cỏ, khệnh khạng đi tới đám thanh niên mặt mũi dữ dằn, đợi sẵn. Phản ứng tự nhiên của tôi, là lùi lại. Bấy giờ, tôi mới ân hận, theo Trụ. Càng tới gần kẻ địch, tôi thấy đôi tay Trụ, càng khuỳn ra, dáng đi khệnh khạng hơn. Đôi mắt Trụ không ngớt theo dõi từng cử chỉ kẻ thù. Lúc hai bên cách nhau độ năm bước, Trụ dừng bước. Tôi nghe Trụ hỏi: “Mày là Chín đầu bò?” Tên đen chũi, lùn tịt, gật đầu, hất hàm: “Chính tao. Chín đầu bò đây. Còn mày?” Trụ gật đầu: “Tao. Trụ Bà Hạt. Pạc-co?” Tên lùn đen, lập lại: “Pạc-co.” Trụ thêm: “Mình mày thôi chứ?” Tên kia cười khẩy: “Bộ muốn nhiền hơn sao?” Trụ gật đầu: “Vậy thì tốt. Vô đi!” Tên lùn, đen, phanh ngực, ném áo cho đồng bọn. Trụ cũng cởi phăng áo. Hiềm nỗi tôi đứng lấp ló ở xa, Trụ đành ném áo xuống đất. Hai bên khum người xuống, dang tay vờn nhau... Thình lình Chín đầu bò nhảy phắt lên cao, đá. “Song phi” (tôi nghĩ: “?”) giữa ngực Trụ. Trụ ngã lăn trên cỏ. Tên kia được thể, xông lại. Tôi đinh ninh Trụ phải chết dưới sức đá tàn bạo của địch thủ. Tôi sai. Trụ lăn thêm vài vòng rồi, bật dậy như có gắn lò xo. Cả người Trụ lao thẳng vào Chín đầu bò. Bị bất ngờ, tới phiên Chín đầu bò ngã vật ra. Hai cánh tay Trụ, như hai thanh sắt nguội, liên tiếp dộng vào mặt kẻ thù. Tôi không hiểu cách đè của Trụ. Chỉ thấy Chín đầu bò không nhúc nhích nổi. Một lát, Trụ hỏi: “Thua chưa?” Tên kia đáp: “Đ.M. thua,” Trụ đứng lên nhặt áo. Tôi hoàn hồn, thở ra. Chín đầu bò lồm cồm ngồi dậy ném cho tôi cái nhìn lạnh buốt, nói:
“Đ.M. Tao sẽ gặp lại mày...” Trụ cũng lạnh lùng, vừa mặc áo vừa gật đầu: “Được. Tao đợi.”
Trên đường về, tôi sung sướng hãnh diện, như thể, chính mình, không phải Trụ, hạ được Chín đầu bò. Tôi nhủ lòng, không nên nói với Trụ một điều gì.
Tôi muốn che dấu niềm hãnh diện lẫn nỗi sợ hãi.
Hết năm đệ lục, lớp tôi có ba người bị đuổi. Trụ là một trong ba người này! Tôi buồn, vì nghĩ không còn được học chung với “người hùng trừ gian diệt bạo” của mình.
Trụ bỏ học, đi hẳn vào con đường dao búa. Giữa năm đệ ngũ, Trụ về trường thăm anh em; mang theo một cô bạn gái nhỏ tuổi, rất đẹp. Khi đó, Trụ đã thành võ sĩ nổi tiếng. Võ sĩ Trụ Huỳnh, cao đồ của võ sư Huỳnh Tiền; Anh em kết nghĩa với võ sĩ Hiệp Huỳnh.
Ở tuổi mười bốn, mười lăm, một lần nữa, tôi lại khâm phục, và, mơ ước được như Trụ, dù chỉ một nửa.
Vài năm sau, trước khi lên đệ tam, tôi nghe tin Trụ bị gia đình từ. Đó là tin cuối cùng tôi nghe được, về người bạn học, “thần tượng” tuổi thơ tôi.
Giáp Tết năm 1969, một hôm đọc báo, tình cờ tôi đọc tin: “Tướng cướp Trụ Huỳnh ăn hàng tại một building của Mỹ bị bắn chết...” tôi bàng hoàng không tin, chạy ngay tới trường Huấn Luyện Căn Bản Chiến Tranh Chính Trị, ở đường Lê Thánh Tôn, hỏi người anh ruột của Trụ. Anh bảo, gia đình Trần Tán từ lâu, “không có ai tên Trần Tán Trụ nữa!”
Tôi hiểu trong gia đình “Trần Tán” không còn một người tên “Trụ.” Nhưng Trần Tán Trụ, vẫn là một tên tuổi đẹp đẽ, vĩnh cửu trong chúng tôi, những người bạn học thuở nhỏ cùng Trụ. Cũng như tôi hiểu, trong thinh không vẫn có, đâu đó, một linh hồn mang tên Trần Tán Trụ; nếu linh hồn này chưa được hóa kiếp, đầu thai.
Đào Chí Hồng,
Tôi được tin cậu qua, đã hơn hai tháng. Thằng Châu San José, cho tôi số điện thoại cậu. Tôi gọi cậu nhiều lần, hôm Thanksgiving, không người trả lời. Bây giờ, gia đình cậu đang chuẩn bị Tết? Cái Tết tha hương đầu tiên của cậu; với tôi là Tết thứ mười lăm...
Giáp Tết, tôi kể lại chuyện Trần Tán Trụ, để chúng ta cùng nhớ một người bạn học cũ. Người bạn, cậu từng thử sức. Người bạn, chết giữa Sàigòn, đón Tết, cách đây hơn hai mươi năm.
Đào Chí Hồng, tôi biết cậu không chỉ bỏ ngôi trường Chu Văn An, mà, còn đem lòng oán hận nó.
Mọi chuyện, đã qua. Cách gì, cũng đã gần 40 năm. Bây giờ, chúng ta đều già hết. Tóc tôi đã bạc nhiều. Tôi nghĩ mọi hận thù, mọi mơ ước, một thời tuổi trẻ, tựa vết mực đã phai. Mầu son thôi thắm. Tôi nghĩ, dù kéo được bao lâu, thì, đời sống chúng ta cũng chẳng còn mấy.
Cuối năm, ngồi đây viết bài này, tôi hy vọng cậu đọc được. Hy vọng cậu sẽ gọi tôi. Tôi sẽ tới thăm cụ, và, cậu. Thay vì, những ly cà phê “xây chừng” như thuở nhỏ, chúng ta sẽ có với nhau một ấm trà “thí quân ầm” chúng ta sẽ kể chuyện, ngày xưa.
Câu chuyện giữa tôi và cậu sẽ bắt đầu bằng: “Chu Văn An, ngày ấy...”