Với C., “Em Về Thăm Thẳm Núi Non”
"Tôi cũng như mọi người, phải sửa soạn: survival kit, súng cá nhân, lương khô, tất cả dồn vào ba lô, dĩ nhiên. Gọn nhẹ, có thể mang được trong một đoạn đường dài, như vậy, chỗ nào dành cho tập thơ kỷ niệm của tôi? Thế là, Du Tử Lê và 'Tình Khúc Tháng Mười Một' cứ được nhét vào, lấy ra từ ba lô."...
NMT.
Một buổi sáng trên xa lộ, tôi lái xe mà lòng lãng đãng, trí óc như để ở một chỗ nào khác, không còn hiện hữu trên thế gian này.
Kỳ quái thật! Hôm nay, cũng như mọi ngày, bình thường, đâu có gì khác lạ? Cũng con đường thiên lý, ngày hai buổi nam bắc, bắc nam, đi về. Cũng những khúc quành, những lối vào ra xa lộ, đã quen thuộc đến nhàm chán. Và cũng những bảng chỉ đường hay những bảng quảng cáo, đánh thức dậy tiềm thức những ngày tháng trôi qua, lặng lờ, bình thản.
Thế mà, sao hôm nay lại ngầm ngầm nhiều xao động. Có phải, lúc trời đất giao mùa, tấm lòng tôi cũng chấn động theo. Cứ lan man nghĩ ngợi, những việc, những người, những chuyện nối tiếp nhau không ngớt. Bánh xe lăn nhanh trên xa lộ một nhịp đều đều, tầm mắt lơ đãng về phía trước, sao tôi lại có cảm giác mình đang ngược trở lại một ngày nào đó, rất xa và rất cũ.
Ngày hai buổi, mỗi lần cả tiếng đồng hồ lái xe, tôi coi đó là một thời khắc lạ lùng nhất. Có khi, tôi đang sống với hiện tại, với những điều lo toan, những việc dự định cho cuộc sống. Phải để ý đến những việc gì khi bắt đầu buổi sáng, và còn lại những điều gì chưa xong, phải ghi chép lại cho ngày mai. Công việc nối tiếp công việc, như những giây trói buộc, mệt nhoài.
Nhưng, ở ngày hôm nay, trời đất có điều khác lạ. Gió ào ạt ngoài khuôn kính. Trầm mây thấp, u ám và không có ánh mặt trời. Giữa mùa hạ mà thời tiết làm mặt lạ lùng, se se hơi lạnh. Hình như có bàn tay dắt tôi trở về. Những ngày tháng cũ. Những thuở thanh niên, vừa bước vào đời. Ngọn núi xanh lam thân quen mỗi ngày, hôm nay cũng đổi khác. Nó nhắc nhở đến núi rừng ngày nào. Bỗng dưng tôi đọc lại câu thơ của mình, của một ngày nào xa xôi lắm lắm: "Ừ, mai tao lên Pleiku / đêm căm hơi đá ngày mù núi xanh / uống say quên mộng quẩn quanh / về nơi gió cát cũng đành cuộc chơi."
Quá khứ, như một cuộn phim chiếu lại trong ký ức, chậm rãi trở về và nhắc nhở trí nhớ tôi, hôm nay.
Lúc ấy, tôi vừa vào lính. Là một sĩ quan Không Quân thật trẻ, tôi biệt phái lên Pleiku lúc mới 19 tuổi. Mặc quần áo nhà binh, tôi coi mọi chuyện đã xong, và mặc trời đất an bài. Thế nên, khi vác khăn gói lên trực thăng làm một chuyến đi xa, lòng tôi dửng dưng. Ở đâu, thì cũng là thân lính thú xa nhà, biết đâu ở xứ nắng bụi mưa sình này ngày tháng lại vui hơn. Quả thực, sống ở Nha Trang, tôi chưa quen với những đụng chạm trong đời sống quân ngũ và nhiều lúc tỏ ra bực dọc chán nản. Với những người lính ở xứ duyên hải này, viễn ảnh bị đổi lên Pleiku luôn luôn ám ảnh họ như một cơn ác mộng. Riêng tôi coi chuyện vào lính là chấp nhận mọi sự. Còn trẻ, đi đâu mà chẳng được. Tôi tình nguyện biệt phái trường kỳ. Tự nhủ, xa mặt trời nhiều khi đỡ nóng hơn. Sống ở biệt đội, có việc thì làm, không thì thôi, chẳng có ai theo dõi kiểm soát. Với xếp lớn, mọi chuyện đều O.K., miễn là đủ phi cơ cho nhu cầu hành quân, kể cả chuyện mỗi tháng được về phép 4 ngày bằng sự vụ lệnh của Biệt đội trưởng kỹ thuật. Đời sống cứ thế mà trôi. Có lúc làm việc ngày đêm, bằng mọi cách và mọi giá để có đủ phi cơ khả dụng, nhưng cũng có lúc tà tà, thời tiết xấu máy bay không cất cánh được.
Buổi sáng nhìn mưa rơi trên hangar với giấc ngủ nướng, kể cũng thú vị. Có lúc cả ngày lái chiếc xe ho hen lên dốc, xuống dốc trên phố núi, để bâng khuâng nhìn theo những tà áo trắng và những mầu áo len đa tình.
Tôi đến Pleiku vào một ngày mưa bão trên chuyến trực thăng đổi Biệt Đội từ Nha Trang. Những cánh rừng xanh um bạt ngàn ở dưới thấp, và trên trời là những vầng mấy xám đen mù mù tầm mắt. Mưa đập vào khuôn cửa kính, mưa ào ào phủ chung quanh, và chiếc trực thăng như chiếc lá cuốn vào vô định. Tôi đang đến một môi trường khác, một không gian lạ lùng, vừa có nét bí hiểm quyến rũ nhưng cũng có nét cô đơn dễ thương.
Hình như, trong lúc ấy, mở ra cho tôi một khuôn trời thi ca. Tôi bắt đầu yêu những vần thơ và tập tành với ngôn ngữ. Tôi tình cờ hiểu được một điều, cảnh vật ảnh hưởng rất nhiều đến cảm xúc con người. Có lúc, trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ, con người không thể không suy nghĩ để thấy mình bé nhỏ đi. Và, khi ấy, ta như một cánh chim vươn lên, sẽ cao, cao vút tận một đỉnh trời nào đó, gần chạm tới hư không. Và thơ, chính là con đường đi theo sợi giây của con diều thả, mang ước nguyện lên tới những vầng mây nào, bay trên nửa từng cao.
Sống ở thành phố ấy, sách vở là một nhu cầu không thể thiếu. Một kệ sách nhỏ, những quyển truyện, những tập thơ, và những tạp chí văn học: Văn, Bách Khoa, Văn Học,... là những người bạn, thân thiết và trung thành. Có nhiều quyển sách có cả một lịch sử ly kỳ, với tôi là một kỷ vật. Như tập thơ "Tình Khúc Tháng Mười Một" của Du Tử Lê, kỷ niệm của C. trao lại từ những ngày ở Saigòn.
Tôi nhớ những lần C. nói với tôi về thơ Du Tử Lê, "anh hãy đọc đi và tìm thấy chúng mình trong đó!"
Câu nói quả là khó hiểu, và đến khi hai đứa chia tay nhau, tôi vẫn chưa tìm được hình bóng mình hoặc C. ở trong. Nhưng có một điều, mỗi khi đọc những câu thơ trong tập này, tôi đều có sự rung động. Có thể vì tôi chợt bồi hồi nhớ đến C., đến những sợi tóc lòa xòa ngang vai, đến đôi mắt tròn đen tinh nghịch. Tôi đã rưng rưng mỗi lần đọc đến những câu thơ như:
"tôi từ đó nhỏ nhoi như châu chấu
như cào cào vỗ cánh chả bay xa
người tôi yêu là thảm cỏ mượt mà
khi tôi đến nàng uốn mình cảm động.
"tôi từ đó rêu xanh ôm đá tảng
khinh loài người nên chọn kiếp vô tri
người tôi yêu là con suối thầm thì
âu yếm mãi hồn tôi sầu chín ủng.
(Trong "Tình Khúc Tháng Mười Một") *
Người thì đã xa thật xa, nhưng kỷ vật vẫn còn đây, y nguyên trên kệ sách. Mỗi lúc nhớ đến C., lại đọc những bài thơ, để thấy hình dáng C. phảng phất đâu đây. Giở từng trang sách, chỗ này còn in đôi môi còn nồng nàn vết son, chỗ khác, một sợi tóc còn kẹp trong trang giấy.
Có một lúc, tôi đã tưởng C. là những bài thơ và ngược lại, những bài thơ hiện hình thành C. Có thể tôi quá lãng mạn, nhưng, trong tận cùng khứu giác tôi, có mùi hương con gái, vị chua chua ngọt ngọt gợi cảm làm sự xúc động lên tới tột cùng. Trong mắt tôi, dường như có những hạt bụi đọng vào gáy sách, những hạt bụi của hồi tưởng, của niềm tiếc nhờ khôn nguôi.
C., có phải em đã đọc những câu thơ Du Tử Lê ở một buổi chiều mưa gió, khi em và anh đẫm ướt nước mưa. Qua vai anh, dù tiếng mưa ào ạt, anh vẫn nghe được hơi thở của ngôn ngữ, những âm điệu trầm, kéo dài ra như những cái với tay nào, để đến một nơi chốn chỉ có trong cổ tích, những câu thơ như:
"thân ngựa chạy một đêm sầu phố núi
mắt chim theo giọng suối, đứng riêng trời
hơi thở ngọt em một đời phong kín
nhớ nhung gì? em buộc tóc chia hai
"con sóc nhỏ mang hồn lên núi lạ
ta chim rừng cánh mỏi đã thương đau
hương cỏ dại mát dưới chân ngà ngọc
em bảng đen, vôi trắng giết đời nhau." **
Em còn nhớ không C.? Tôi yêu và trân trọng tập thơ ấy, bởi vì ở đó có hình dáng của em, em có biết? Có những đêm khuya, nằm trên giường ấm cúng, nhìn sang kệ sách, thấy tập thơ, tự dưng buồn buồn. Mất còn còn mất, tình đến rồi đi, nhưng kỷ niệm thì chẳng rời xa.
Sau này, tôi đã kể với chính thi sĩ về chuyện của tôi và tập thơ "Tình Khúc Tháng Mười Một".
Lúc ấy, tình hình thật căng thẳng. Chiến trận bùng nổ dữ dội ở cả ba mặt trận chính: An Lộc, Trị Thiên và Tây Nguyên, một thời kỳ mà các sử gia gọi là "Mùa Hè Đỏ Lửa".
Ở Tây Nguyên, cả ba sư đoàn địch quân vây hãm Kontum, và có thể thừa thắng xuôi nam đến Pleiku. Những đơn vị không quân ở thủ phủ của quân đoàn II này sửa soạn di tản, và chuyện bất ngờ có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Mỗi người lính, bất kể cấp bậc, phải sẵn sàng một hành trang để lên đường. Có thể, sẽ không còn đường không vận và như vậy, sẽ phải qua một con đường dài mấy trăm cây số đầy bất trắc để về Nha Trang. Tôi cũng như mọi người, phải sửa soạn: Survival Kit, súng cá nhân, lương khô, tất cả dồn vào ba lô, dĩ nhiên. Gọn nhẹ, có thể mang được trong một đoạn đường dài, như vậy, chỗ nào dành cho tập thơ kỷ niệm của tôi? Thế là, Du Tử Lê và "Tình Khúc Tháng Mười Một" cứ được nhét vào, lấy ra bao lần từ ba lô. Bỏ lại thì không nỡ, mà mang đi, thì làm sao ở những đoạn đường xa... Rốt cuộc, tôi không thể quên một kỷ niệm, cũng như không thể quên C.
Với tôi, C. ở trong những câu thơ, ở trong những buổi tối nhìn nhau không nói, những tia mắt âu yếm đã sóng sánh muốn tràn dung lượng ngôn ngữ. Thoang thoảng mùi hương, nòng nồng, gây gây, khiến tưởng lại những buổi chiều hẹn nhau, mưa mịt mù, mưa như giọt lệ thầm, nhưng mưa cũng là tiếng reo vui của những ấu thời xôn xao tiếng guốc. Nhiều khi, trong trang sách, bóng hình C. trùng trùng điệp điệp. Có phải, những trang thơ Du Tử Lê của "Tình Khúc Tháng Mười Một" là mộ chí của cuộc tình riêng tôi?
Thời gian qua đi, đời tôi biết bao thăng trầm theo từng tháng ngày của lịch sử đất nước. Năm 1973, tôi thuyên chuyển về Biên Hòa, và năm 1975, dù cả gia đình đã di tản, tôi còn kẹt lại. Ở tù Cộng sản xong, năm 1980, vượt biên tới Nam Dương.
Một thời kỳ mới lại bắt dầu những chuỗi ngày chờ đợi định cư. Trong cái nôn nao làm lại cuộc đời, có sự lo lắng khi ngóng về những ngày phía trước. Dù tuổi mình chưa già lắm, nhưng liệu có thích hợp với đời sống mới ở xứ tạm dung?
Thơ từ của bạn bè, của gia đình đã trấn an. Từ từ, đâu rồi sẽ vào đó. Chẳng có lúc nào là muộn màng cả.
Đến được đảo đã là trải qua phần nguy hiểm nhất. Phần còn lại, từ từ trông vào trời đất... Tôi thầm nhủ nhiều lần với tôi. Mọi sự sẽ qua đi, có phải? Nhưng trong lòng, nhiều lúc không khỏi băn khoăn. Làm thế nào để có một đời sống cho ra đời sống, khi đã trải qua cơn bão sanh tử; giỡn đùa với trùng khơi ở những ngày tháng lênh đênh trên biển? Đến được bến bờ tự do rồi, bổn phận và trách nhiệm đâu phải nhẹ! mà, tài sức của mình thì giới hạn! Câu hỏi khó cứ hoài vương vấn. Ta đã và ta sẽ làm chi đời ta?
Tâm tư tôi lúc ấy mang nhiều trạng huống, đôi khi trái ngược nhau. Một đằng, nghĩ phải lo cho bản thân mình, cố gắng học hành cũng như kiếm tìm một nghề nghiệp khả dĩ. Một đằng, lại thấy mình dường như vô tâm, ngoảnh mặt trước nỗi khổ của bao người khác. Tự nhiên, tôi thấy mình muốn nói giùm cho bạn bè, cho những người thân thuộc ước muốn của họ. Những người không may mắn còn sống lại ở quê hương. Phải nói lên những u uất, những nghẹn ngào mà những người kẹt lại đành câm nín chịu đựng.
Trong tình cảnh ấy, tôi như người lên cơn đồng thiếp. Có lúc tôi đánh vật với những giấc mộng lớn lao vá trời lấp biển, đâu cần biết rằng tài sức khả năng của mình có hạn. Hừng hực những cơn lửa bốc, chúng tôi đã sống và đóng những vai trò khác hẳn chính mình. Chúng tôi gần gũi ước mơ, xa rời thực tế. Chúng tôi cắt máu ăn thề, xiết tay nhau để tưởng tượng một ngày về chiến đấu cho quê hương. Có lẽ đó là những đầu môi chót lưỡi của nhiều người trong tình trạng bấy giờ.
Trong thời kỳ đó tôi làm thơ khá nhiều. Là một đứa lãng mạn và nhiều mơ ước, tôi dùng ngôn ngữ và vần điệu để một phần nào trang trải tâm tư mình. Bây giờ đọc lại tôi vẫn thấy được con người tôi dạo đó. Tôi không cố tình giả dối nhưng vẫn bị ảnh hưởng của những cơn đồng thiếp. Thơ tôi làm có hừng hực tráng sĩ, có hình ảnh tiễn đưa của đôi bờ sông Dịch Thủy, có súng gươm, có rượu tiễn, và cũng có hừng hực lửa chiến tranh.
Ở đảo, chúng tôi có một số bạn bè, và thường hay tụ họp với nhau, nói chuyện văn chương, cùng những băn khoăn đất nước, thời cuộc...
Cùng chung tâm trạng nên dễ chia sẻ, lúc ấy, chúng tôi rất thích những bài thơ mang âm vận hùng tráng, có chất bi hùng như những bài hành có nhiều vần trắc, đọc lên tuy có một điều gì cứng cứng nhưng gợi được hình ảnh tráng sĩ thuở xưa. Một vài anh em tỏ ra thích những bài thơ của tôi, về lính tráng hay về cải tạo. Tôi đọc thơ giọng đã dở, mà lại không kiểu cách truyền đạt, nhưng buổi họp mặt nào cũng bị thúc dục đọc cho anh em nghe. Thành ra, tôi phải chép sẵn vài bài tủ trong túi, để khi nào tiện thì sử dụng. Vài người bạn tỏ ý muốn xin làm kỷ niệm khi chia tay đi định cư. Tôi đưa ngay và quên ngay. Với tôi, lúc ấy, thơ làm cho riêng tôi, và không có ý muốn gì xa xôi cả; nhất là trong hoàn cảnh trại đảo của tôi thời đó.
Bất ngờ, tôi nhận được hai số báo Nhân Chứng có đăng thơ của tôi, kèm theo lá thư của Du Tử Lê. Thật là một ngạc nhiên to lớn với tôi. Tôi có gửi thơ đi đâu mà lại được đăng báo. Kỳ lạ thật. Lá thư của anh Lê làm tôi sung sướng và xúc động thật sự. Có lẽ đó là một kỷ niệm những ngày đầu cầm bút của tôi.
Riêng với anh Du Tử Lê, trước đây tôi nhìn anh như một người làm thơ. Nhưng sau này, tôi nhìn anh như một người đồng diệu. Điều gì tôi không biết chắc, chứ điều tôi có thể xác quyết là anh Lê yêu văn chương hơn tất cả những gì có trên đời. Sau năm 1975, anh định cư ở Hoa Kỳ, có công ăn việc làm rất sớm, làm điện tử ở hãng Rockwell. Thế mà anh bỏ tất cả để đi làm báo, để hoạt động văn nghệ, và nhất là làm thơ. Thơ của anh càng ngày càng điêu luyện, cả ý lẫn lời, cả kỹ thuật lẫn nội dung. Kết quả nào cũng có giá để trả, có được những bài thơ nhiều tuổi thọ, để sau này vài ba chục năm còn có người đọc đến, nhắc đến,... thì bù lại, phải mất mát điều nọ điều kia.
Tôi biết anh về tiền bạc nhiều khi rất hạn chế, nếu không nói là nghèo nữa, nhưng năm nào cũng có sách xuất bản. Mà tôi biết, thị trường sách vở ở hải ngoại như thế nào rồi! Tôi đọc thơ anh, thấy được hành trình thi ca của anh đang đi, cũng như những cố gắng đổi mới, cách tân. Tôi cũng làm thơ nên hiểu được sâu sắc nỗi khao khát được bước đi trên con đường khai phá; con đường chưa có dấu chân người. Công trình suy tư, chiêm nghiệm để đến nỗi ăn nằm với thơ, thở nhịp đập của thơ, chắc chắn là phải có. Tôi đã thấy anh sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau, cũng như nhiều đề tài khác nhau. Càng ngày, anh càng đi vào những lãnh vực có tính cách lâu dài hơn và thường đối thoại với những điều miên viễn hơn.
Tôi quen biết anh đã hai chục năm. Thời gian khá dài để chúng tôi hiểu nhau. Những lúc buồn chúng tôi thường nói chuyện với nhau cả mấy tiếng đồng hồ. Anh là người có nhiều hệ lụy với đời sống, và cũng có nhiều ân oán giang hồ. Nhưng ở cái nhìn của tôi, cái con người thi ca vẫn sáng lấp lánh và nổi bật trong anh.
Tôi cũng là người bị nhiều chuyện trong văn chương, nên nhiều khi hiểu anh hơn. "Đã mang lấy nghiệp vào thân / cũng đừng trách cứ trời gần trời xa."(ND) Ăn thua nhất, là tính sổ cho cả một đời người; là những gì để lại. Mà, với Du Tử Lê thì để lại quá nhiều. Những tập thơ, những bài thơ phổ nhạc, là một gia tài quá lớn. Có nhiều người tuy không thích anh, nhưng cũng phải nhìn nhận vóc dáng thi ca của anh. Với một người nghệ sĩ, như thế tưởng là quá đủ.
Tôi là một đứa yêu văn chương, quý sách vở; luôn luôn tôi nghĩ, chữ nghĩa phải chuyên chở những điều hay đẹp, với ý hướng dâng hiến cho đời. Thành ra, tôi trân quý biết bao nhiêu những cống phẩm mà tôi cho là những hạt ngọc trời cho, để lại cho đời, cho người.
Riêng tôi, không hiểu tại sao, mấy chục năm sau, đọc lại thơ Du Tử Lê, tôi lại nhớ về C., về những ngày ở Pleiku mà thi sĩ gọi là "em về thăm thẳm núi non":
"em về trên chiếu chăn tôi
mùi hương tháng chín, nụ cười cuối năm
nhớ nhau bật máu chỗ nằm
vết răng tháng chạp. Dấu bầm tháng hai
"em về trong quạnh hiu tôi
trái tim cứu rỗi, mắt ngời bóng cây
rừng mù, lối tóc, chim bay
bớt son, môi cỏ, buồn lay lá, người
"em về trong bão giông tôi
que diêm Đông Hải, dáng ngồi vọng phu
lệ còn trên gối tôi, thu
bàn tay ngón út giam tù tháng, năm
"em về thăm thẳm núi non
hồn sông, lòng suối, thịt, xương chốn nào
mai quên nhau. - Mất lời chào
hôm nay chăn, gói vẫn ngào ngạt, hương
"em về trong một đêm, sương
có tôi thất chí, ngồi thương bóng còi
da người, dấu cắn, răng tôi
đó em, giây phút mở đời đã ghi
góc trời mai mốt em đi
nhớ đem tháng chạp tôi, về nghĩa nghĩa trang." (***)
C. ơi, thế là em đã hiểu tại sao anh thích thơ Du Tử Lê rồi đó. Đọc lại cả bài thơ đi. Anh Lê đã nói giùm anh với em đấy, bằng ngôn ngữ của miên viễn thời gian; bằng trái tim luôn luôn tồn tại nhịp đập dù có nghìn năm sau. C. bây giờ đã ở một nơi chốn rất xa trên cao, có lẽ đã hiểu được lẽ mất con của cuộc đời. Những điều xấu xa phải dần dần mất đi trên trần gian này và những tốt đẹp phải được trân trọng và hiện hữu mãi mãi.
C. ơi, đọc thơ anh Lê để nhớ đến C., đến những ngày xa xưa, rồi bây giờ anh gọi tập thơ cũ thuở nào là mộ chí tình yêu chúng mình. Cho anh thắp một nén hương tưởng niệm, nhé.
Và, với anh Du Tử Lê, xin lỗi đã mượn thơ anh để nói với một người con gái bây giờ đã xa tôi muôn trùng. Đời của tôi có nhiều kỷ niệm, nhiều buồn vui, nhưng sâu sắc nhất vẫn là những tấm hình chung thủy. Tôi cố gắng một điều, nếu nợ ai một đồng, thì cũng phải gắng trả một đồng, dù là một đồng tình nghĩa.
Với tôi, tôi đã nợ anh những bài thơ mà anh đem tâm huyết mình ra cống hiến cho đời. Và có phải cách hay nhất, là cố gắng thế nào, cũng phải trả nợ bằng những bài thơ tương tự của tôi. Nghĩ thì như vậy, nhưng không biết có thực hiện được không?
NGUYỄN MẠNH TRINH
(Tháng 6, 2000)
--------------------------------------------------
(*) "Tình Khúc Tháng Mười Một," Nhân Văn xuất bản, Saigòn, 1966. (CCCNXB)
(**) Trong "Đời Mãi Ở Phương Đông," Gìn Vàng Giữ ngọc xuất bản, Saigòn, 1974. (CCCNXB)
(***) Trong "Love Poems / Thơ Tình," in lần thứ tư, Nhân Chứng xuất bản, Califonria, 1998. (CCCNXB)