môi: nguyệt quế, lỡ thì; tay: ở trọ
một góc vườn, em, đỏ mẫu đơn tôi.
thơ dtl.
1.
Nằm trên trục lộ chính nối liền nhiều thành phố, nhưng khi cây cần chặn bị bật lên bởi chiếc remote control, con đường rợp tàng khuynh diệp với những cành lớn nắm tay nhau, rì rào trên cao; cho ta cảm tưởng đột ngột lạc chân vào một khu rừng cấm. Hoặc một lãnh địa cách biệt hẳn dòng sống, bên ngoài, xô bồ chảy xiết. Con đường chạy thẳng tuốt tới bờ tường ngang, lên rêu cùng những lằn trắng ngoằn ngoèo, tia ra nhiều đường chỉ nhỏ, chấm dứt bằng những hình lá bé xíu, in hằn tựa khắc ăn xuống mặt đá. Có thể đó là những nhánh cây thằn lằn, quá lâu, không người chăm sóc, chết khô, rớt xuống. Con đường từ điểm cụt, tẽ ra như chân rết; dẫn tới những khu nhà làm toàn bằng cây. Mỗi khuôn cửa uốn cong như vòm mái của những tòa lâu đài cổ thâu nhỏ. Con đường nhỏ, rụng đầy lá magnolia. Những chiếc lá to bản, chưa kịp vàng, bị mưa, gió bất thường mấy ngày qua, hái sớm, ném, rụt xuống lối đi, làm thành lớp thảm xanh, ủng; sũng tiếng nước kêu dưới những bánh xe lăn chậm, hay bước chân thả bộ lặng lẽ.
Người đàn ông vừa chăm chú quan sát khung cảnh rợp xanh, mát lạnh của cánh rừng, vừa hờ hững hỏi:
“Em về đây hồi nào?”
“Cũng cả năm rồi anh,” người con gái trả lời, mắt không rời khoảng không phía trước. Tựa nàng đang canh chừng một bất trắc nào đó, cuối đường.
“Một năm?”
“Dạ, vâng. Đúng hơn là một năm, một tháng, 10 ngày.” Người con gái thở ra.
“Một năm giữa khu rừng già này, với dòng sống chảy xiết bên ngoài,” người đàn ông nói, tuồng với chính ông ta.
Gió hái thêm những giọt nước lì lợm ẩn nấp đâu đó trong những tàng khuynh diệp cao tít, ném xuống kính xe. Người con gái bật nút cho chiếc gạt nước xua qua, xua lại. Tiếng cao su chà sát tấm kính mỗi lúc mỗi khô, bỏng hơn.
“Dòng sống bên ngoài chỉ là lưu lượng xe... Nó không đáng sợ bằng những thứ lưu lượng khác.”
“Em muốn nói...”
“Lưu lượng kỷ niệm, lưu lượng quá khứ quá tải trong tâm hồn, trong trái tim con người.”
“Vì nó cũng chẩy xiết?”
“Không.”
“Quá chậm?”
“Cũng không, anh...”
Người con gái kéo dài tiếng anh. Người đàn ông nghe xa lạ, chưng hửng như tiếng kêu ngắn, thình lình cất lên rồi biến mất.
Khuôn mặt Miện ửng đỏ từng phần. Tôi đọc được sự bối rối qua hai bàn tay hết đặt trên volant, lại thả ra; vuốt tóc, tìm kiếm vật gì đó nơi thùng băng ngăn cách hai băng ghế. Miện càng tỏ ra chăm chú nhìn đường đi, càng khiến tôi tin tâm trí nàng ở một nơi khác. Dù cố giữ vẻ thản nhiên, tôi hiểu, tôi cũng đang bối rối.
2.
Người đàn ông đổi thế ngồi. Ông nghiêng đầu ngó sang phía người con gái. Nàng vẫn với những bối rối, che đậy vụng về.
“Điều ghê rợn, em nghĩ, không phải là tốc độ. Mà là khoảng chân không. Khoảng chân không không trọng lực. Không tốc độ. Hay nếu có thì đó là thứ tốc độ của thinh lặng, của yên ắng. Kỷ niệm hay quá khứ chẳng hề có trọng lực. Nó cũng không hề cất tiếng, dù rất khẽ, bao giờ.”
Người đàn ông nhăn mặt. Những vết nhăn biến khuôn mặt anh thành một tấm vải lỗ mỗ nhầu nát.
“Anh không hiểu! Thực sự, anh không hiểu.”
Nơi người con gái, mường tượng vừa nở một nụ cười. Nụ cười thoáng, dù sao cũng có khả năng làm thư dãn phần nào những căng thẳng hay, bối rối nơi nàng.
“Dạ, cũng dễ hiểu thôi anh. Em nói kỷ niệm, em nói quá khứ không có trọng lượng, không có tốc độ nhưng nó lại có cái phần lặng thinh, phần câm nín của thời gian. Kỷ niệm hòa với thời gian thành một thứ dung dịch, hãy cứ tạm gọi như vậy, ăn luồng, ăn ruỗng đời sống, ngày tháng ta. Trong câm lặng như mưa, nắng, kỷ niệm có khả năng ốc xít hóa thịt xương, gân cốt, tương lai ta. Đấy, anh nghĩ coi, nó có đáng sợ không nào?”
Chiếc xe bị chặn lại bởi bức tường cao, lên rêu. Bức tường nhác trông như bức tranh sơn dầu mà, mầu sắc chính là mầu rêu xẫm. Người con gái rẽ trái. Đường nhỏ hơn. Những ngọn cây me dại, tàng rộng, rợp những chiếc lá nõn, hình thuyền. Người đàn ông rơi hẫng vào im lặng. Nếu bảo ông ta đã bị ấn sâu xuống vực tối im lặng, cũng không là lời nói quá.
Tôi vẫn nghĩ, ý nghĩa của sống, chết đâu chỉ nằm nơi sự tắt thở của trái tim, sự lên mùi một thân xác. Nhiều khi người ta đã chết giữa khi còn đang sống nhăn! ngay khi kẻ đó vẫn đi lại, ăn uống, hít thở, kiếm tiền, làm tình...
Mặc dù, chết, trong một số trường hợp nhất định nào, cũng mang lại ý nghĩa hằng cửu của những mầm sống thiết tha và, rất mực buồn bã.
Tôi đã nghĩ tới cái chết, ở lần gặp gỡ Miện sau cùng, dù cho mỗi lần nghe lại băng nhựa ghi âm tiếng hát Từ Công Phụng, trong tình khúc “Đừng Nữa Nhé, Chia Lìa,” lòng tôi còn bị nỗi bùi ngùi khuấy động. Đó là một trong những bài thơ tôi viết dưới vòm tối của đôi mắt Miện, mưa nâu. Đó là một trong những bài thơ, tôi viết trên chăn gối tình yêu chúng tôi, nắng tím.
cũng em nữa! - ngực chiều: chim, tắt thở
gai ăn năn cào rách buổi trưa người
môi: nguyệt quế, lỡ thì: ở trọ
một góc vườn, em, đỏ mẫu đơn tôi
cũng em nữa! - nắng xanh mà gió, tím
tôi thọ thương tiếng hát cẩn: đêm, hoa
sóng khua đập: cũng chỉ đôi bờ đá
em đập khua: cùng khắp trái tim, xa
cũng em nữa! - tình cờ gươm, giáo đó
xẻ, phân tôi thành triệu miếng tương tư
ai dám bảo thịt, da không biết khóc?
nhìn tôi đi! em sẽ hiểu mưa, về
...
Đó là thơ tôi, viết trong những ngày sống ở một nơi chốn rất xa Miện. Bài thơ như một tổng hợp những rung động, suy nghĩ, ghi nhận từ nhiều hình ảnh, từ nhiều nguồn cảm xúc khác nhau. Miện không hề là nguồn lực duy nhất. Bên cạnh Miện, còn có Thuấn, còn có Suối Muộn, còn cả nỗi giận hờn đời sống, oán thán định mệnh một cách quá khích... Chúng vốn tiềm phục suốt một hành trình đằng đằng năm tháng của đời tôi. Nhưng Miện vẫn là dòng chính. Miện vẫn là sóng đầu/ nguồn khởi. Thịt da bài thơ, vẫn là thịt da Miện. Nhịp đập bài thơ, vẫn là nhịp đập trái tim Miện, ngu ngơ, mẫn cảm tội nghiệp. Nắng, gió bài thơ, vẫn là nắng, gió Miện.
3.
Xe chạy chậm mà còn như trượt trên tấm thân lá õng nước. Thêm vài ngã rẻ nữa, người con gái lái xe vào khu carport, một đầu mái, bằng nhiều miếng gỗ kết lại, ghếch vào bờ tường... Bước xuống, người con gái chỉ chiếc hành lang ngắn, ngay bên cạnh, dẫn vào ngôi nhà condominium. Tầng dưới là phòng ăn, phòng khách, bài trí bằng tranh ảnh, bàn ghế loại contempo, chủ yếu dùng kính và, hai mầu đen trắng. Người đàn ông nói:
“Một nơi chốn sang trọng.”
Người con gái gật đầu:
“Dạ. Anh Thạnh lo cho em.”
“Một người tốt bụng.”
Người con gái vứt chùm chìa khóa lên mặt bàn ăn. Những thỏi sắt mỏng lết trên kính dầy, bật nhiều tiếng kêu đục.
“Không hẳn vậy đâu, anh ạ.”
Người đàn ông ngắm nhìn một số bức tranh lộng kính, trước khi lại bộ ghế salon, ngồi xuống. Người con gái đặt trước mặt anh chiếc gạt tàn thủy tinh.
“Anh hút tự nhiên.”
“Anh Thạnh cũng hút thuốc sao?”
Người con gái ngước nhìn người đàn ông. Vẻ ngạc nhiên tan biến rất nhanh trên gương mặt mệt mỏi, và lớp nọng đã bắt đầu lộ dưới chiếc cằm nhọn của nàng.
“Không anh. Anh Thạnh không ở đây. Em đấy.”
Người con gái vừa nói vừa đi vào bếp. Nàng bật đèn. Qua khung kính lớn, người đàn ông nhìn thấy một khoảng trời xanh nơi miếng sân nhỏ. Miếng sân đầy lá và, búp magnolia, còn xanh. Buổi trưa im. Không cả tiếng thời gian.
Tôi đã nghĩ tới cái chết, ở lần gặp nhau sau cùng. Mặc dù: chết, trong một số trường hợp nhất định nào, mang lại ý nghĩa hằng cửu của mầm sống thiết tha, và, rất mực buồn bã.
Lần gặp nhau sau cùng, nơi thành phố Lara. Chúng tôi gọi cái thành phố nằm cao trên mặt biển, chiều chiều hắt chiếc bóng rừng cây và núi đá, xuống một dòng nước lũ, là thành phố Lara. Thành phố trong trí tưởng / tiểu thuyết / thơ của Pasternak. Thành phố bạt ngàn những cánh đồng hoa vàng. Thành phố thắp tới chân trời, những ngọn nến vàng trên từng bước chân lãng mạn thiếu phụ của Lara. Miện kể, ngay những giờ phút riêng biệt hiếm hoi trong suốt bao năm tháng cuộc tình của hai đứa, dường vẫn có kẻ thứ ba chen giữa. Miện bảo, ở đâu, chốn nào, bao quanh chúng tôi, cũng… “người ơi là người!”
Miện kể, ngay những giờ phút riêng lẻ hiếm hoi trong suốt bao năm tháng của cuộc tình hai đứa, Miện cũng vẫn thấy đâu đó, trong mắt/ hơi thở/ giọng nói tôi, kẻ thứ ba. Người vắng mặt. Miện nói, không lẽ cuối kiếp, Miện vẫn không thể có một lần, được sống như những đôi tình nhân trẻ tuổi.
“Miện thèm một lần được nghe đất đá dưới lưng, cành lá trên ngực...”
Tôi hiểu Miện nói gì. Tôi biết Miện chân thực, rất chân thực trong bày tỏ của nàng. Bởi, Miện cũng cho tôi cảm giác ấy. Cảm giác ngày mai bất định. Ngày mai xa lắc. Ngày mai, ngày Miện hoàn tất được trách nhiệm làm chị. Trách nhiệm làm con.
Tôi không có khả năng sống chập chờn giữa tình yêu và bổn phận. Tôi không có khả năng sống chìm nổi giữa tình yêu; và, những dự tính đầy tính cao thượng ha,y trách nhiệm. Tôi đồng ý hoàn toàn với Langston Hughes, khi ông bảo “I cannot live on tomorrow’s bread.” Với tôi, tình yêu là mù lòa/ điên rồ/ xuẩn ngốc. Tôi đã chẳng từng mù lòa/ xuẩn ngốc/ bao lần rồi sao?
4.
Bữa ăn trưa gồm những đồ ăn to go, được bày biện trên bàn ăn. Người con gái cởi tablier, rửa tay, mở nhạc, trước khi ngồi xuống chiếc ghế đối diện người đàn ông. Nàng hỏi:
“Anh có muốn nói một lời gì trước bữa ăn hơn hai năm có lại giữa chúng ta chăng?”
Người đàn ông lắc đầu:
“Anh tưởng mọi điều cần, em đã nói hết. Ngôi nhà đã nói hết. Có chăng chỉ còn lại lời chúc mừng. Nhưng...”
“...”
“Để làm gì, khi ngay lời chúc mừng, nếu có thốt ra, cũng chỉ cho thấy sự giả dối tới trơ trẽn của mình.”
Người con gái cúi đầu, làm dấu thánh giá. Cô cầm nĩa và dao, cắt miếng thịt gà trong đĩa của ông. Cô lẩn tránh đôi mắt soi bói của ông:
“Anh không thích thịt gà. Em nhớ. Nhưng chúng ta không có nhiều thời giờ. Em không thể chạy ngược đường ra Bolsa tìm mua sườn nướng, hay thịt bò cho anh. Mời anh.”
“Không sao. Còn thấy nhau... Được thế này...” Người đàn ông cầm dao. Anh bẻ miếng bánh mì, quết bơ. Người con gái chăm chú cắt thịt ở chiếc đĩa của cô; tuy không hề cho thấy dấu hiệu cô sẽ ăn những miếng thịt bị cắt nhỏ kia.
Người con gái chăm chú nhìn người đàn ông ăn, uống. Nĩa và dao vẫn hờ hững trong tay cô. Chợt người đàn ông khựng lại:
“Em không ăn?”
Người con gái mỉm cười. Không chớp mắt:
“Em muốn được nhìn anh ăn. Lâu quá... Lâu quá em không được nhìn anh ăn.”
Người đàn ông có phần ngượng nghịu. Ông nhai vội, nuốt phần bánh mì trong miệng:
“Anh tưởng đã chẳng còn điều gì quan trọng nữa, với em.”
Người con gái lắc đầu, thở nhẹ.
Buổi trưa, rời sân giáo đường, chúng tôi phải leo ngược con dốc dẫn lên lộ cái. Con dốc như được dát vàng hai bên bởi thảm cúc Phi châu, từ đáy dốc chạy ngược lên tới đỉnh. Đó là loại cúc cho những bông hoa lớn, cánh hoa vàng xậm, vạm vỡ; đài hoa nhỏ xíu, đen lánh, như điểm xuyết cho mầu vàng và sức mạnh của bông hoa.
Tới đầu dốc, Miện cúi xuống ngắt một bông cúc, mở bóp... Nghĩ sao, Miện lại thôi. Nàng vò nát bông cúc, thả xuống đáy dốc.
Giữ Miện lại, tôi hỏi, chuyện gì vậy? Miện lắc đầu, bảo không. Không có cả.
“Có nhiều thứ chúng ta chỉ có thể đem theo trong lòng mà, không thể giữ, mang giữa đời sống,” Miện kết luận.
Miện có lý. Tôi không thể gửi thêm vào tâm hồn, vào trái tim Miện, những gì liên quan tới Hạnh. Tôi không thể cho Miện biết, tôi không thể quay lưng trước lời kêu cứu tuyệt vọng của Hạnh. Tôi không thể quay lưng trước cuộc tình bị bóp cổ tức tưởi, cùng với Sài Gòn, cùng với phần thịt xương kỷ niệm, thanh niên tươi rói, mười chín năm trước. Không phải Hạnh xứng đáng hơn những người đàn bà khác, nhận đón sự cấp cứu. Không phải Hạnh xứng đáng hơn những người con gái khác, nhận đón biệt lệ, hưởng dụng sự hy sinh, từ bỏ cuộc sống tự do của tôi. Có chăng, trong suy nghĩ của tôi, Hạnh chính là hiện thân của những bất hạnh ấu thơ/ niên thiếu / bước chân tình yêu thứ nhất. Bất hạnh từ bậc thềm đầu tiên đi vào cuộc tình, không lối thoát, với một người như tôi. Có chăng, trong suy nghĩ của tôi, Hạnh đã là người vợ ân, nghĩa. (Dù chúng tôi chưa một ngày chính thức vợ chồng. Dù tôi, chưa một hạt máu gửi nơi Hạnh. Vậy mà nàng đã lặng lẽ để tang tôi, khi bạn bè cho Hạnh biết tôi đã bị bắn chết ở chân Cầu Xa Lộ, buổi trưa 30, Tháng Tư...)
Miện có lý. Rất nhiều thứ chúng ta chỉ có thể đem theo trong lòng mà, không thể giữ, mang giữa đời sống. Và, tôi biết, tôi không thể giữ, mang Miện giữa đời sống, nhưng tôi đã và, sẽ còn đem theo Miện, trong tâm hồn, trong trái tim, giờ phút cuối.
6.
Người đàn ông buông muỗng, nĩa. Lúc này, ông mới phát hiện trên bàn ăn, khuất sau bình hoa tulip, là gói thuốc lá cùng loại với thứ thuốc ông quen hút và, bao diêm giấy ai đã dùng quá nửa. Ông vói tay cầm lên gói thuốc, xong bỏ lại chỗ cũ. Người con gái cúi xuống đĩa thức ăn còn nguyên vẹn của cô.
“Em.”
“Dạ.”
“Ăn đi.”
Người đàn ông ra lệnh.
Người con gái ngước lên, thật nhanh, rồi lại cúi xuống phần ăn của mình.
“Anh muốn thấy em ăn . Dù chỉ một chút.”
“Vâng,” người con gái miễn cưỡng.
“Với điều kiện anh phải ăn tiếp, với em.”
“Đồng ý. Anh ăn đây.”
Người đàn ông cầm lên muỗng nĩa của mình trong tư thế sẵn sàng trở lại bữa ăn. Mắt ông không rời khỏi người con gái.
“Đừng nhìn em như thế. Anh ăn đi.”
“Còn em?”
“Em ăn đây. Em ăn chứ. Em ăn để mừng gặp anh. Chúc mừng cho chúng ta. Chúc mừng điều anh muốn chúc mừng cho em mà, không tiện nói.”
Nhiều lần, tôi đã úp mở cho Miện thấy, tôi sẽ thay đổi. Tôi phải chọn lựa. Tôi không thể tiếp tục cuộc sống mà mỗi đứa một đầu nguồn, bất trắc. Mỗi đứa một cửa biển, phong ba.
Tôi bảo Miện, tôi già rồi. Tôi không còn sức lực tuổi trẻ/thời gian để hoài hoài ném mình lên ngọn sóng phiêu lưu, ngay kẻ trong cuộc cũng không nhìn thấy đoạn kết thúc. Tôi không thể sống bằng miếng bánh ngày mai sẽ có!
7.
Vừa nói, người con gái vừa xiên chiếc nĩa của cô vào miếng thịt to nhất. Cô đưa lên miệng. Đúng hơn, cô thồn nó vào miệng, cùng lúc, người đàn ông thấy những giọt lệ lăn nhanh, qua hai cánh mũi, qua môi...
Những giọt lệ nóng? Những giọt lệ rơi xuống thấm ố tấm khăn ăn.
“Miện...”
“...”
“Ngẩng mặt lên anh coi.”
Người con gái miễn cưỡng ngước đôi mắt đẫm ướt nhìn người đàn ông. Đôi mắt cô đẫm ướt oán hờn. Đẫm ướt tủi thân. Đẫm ướt ê chề. Đẫm ướt nhục nhã. Cô mỉm cười. Nụ cười nở trên đôi môi méo xệch với hai má lùng bùng thịt gà.
Người con gái mang nụ cười, thịt gà và nước mắt chạy vào phòng ngủ.
8.
Trước khi thả người đàn ông xuống nơi để xe của ông, người con gái nói:
“Em quên kể anh nghe mẹ và hai em đã tới.”
“Họ hiện đang ở đâu?”
“
“…”
“Em đã thông báo trả nhà.”
“...”
“Em cũng đã cho Thạnh biết.”
“Em điên chưa?”
“Có thể. Thạnh cao thượng hơn hình dung của bất cứ một người nào. Thí dụ, anh. Nhưng em không thể... Em không thể bắt Thạnh chờ đợi lâu hơn. Mai em đi
“Đó là lý do em tìm gặp anh hôm nay?”
“Xin anh cứ coi là như vậy?”
Người con gái đáp, hờ hững. Cô tiếp:
“Liệu anh có lời chúc mừng nào dành cho em? Hãy cho em một lời chúc mừng dù giả dối. Bởi vì, có thể, ta sẽ chẳng bao giờ còn có dịp thấy nhau, để cho nhau những lời chúc mừng giả dối, khác.
(