Gần đây, trên một số tạp chí văn học ở hải ngoại, những người yêu thơ được hít thở một thời tiết thi ca mới. Thời tiết thi ca mang tên Phạm Thị Ngọc Liên.
Đó là thứ thời tiết tình yêu không thể đoán trước. Thứ thời tiết đành hanh, đáo để của định mệnh. Thứ thời tiết trớ trêu, xấp ngửa của phần số.
Từ một vòm lá hớn hở xuân thì, bỗng không chiếc lá vàng, xuất hiện.
Từ một nắng ngất ngực vui, bỗng không hạt lệ lên tiếng...
Không ít người đọc đã chẳng thể không tự hỏi:
-Ai, Phạm Thị Ngọc Liên?
-Phạm Thị Ngọc Liên, kẻ lạ mặt nào, đã đến, giữa chúng ta?
Sự thực, Phạm Thị Ngọc Liên không hề là kẻ lạ.
Trong sinh hoạt văn chương quê nhà, ở hàng ngũ của những nỗ lực thanh niên, trẻ, mới, trong vòng ít năm qua, Phạm Thị Ngọc Liên đã bứt lìa đám đông, những người cùng thời với Phạm, để bước tới với chiếc bóng đìu hiu của chính mình. Nhưng đó là sự đìu hiu của những ngọn pháo bông, ở một mặt nào khác.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan, trong một bài tựa mở vào tập truyện nhan đề “Có Một Nửa Mặt Trăng Trong Mặt Trời” viết:
“ ‘Có Một Nửa Mặt Trăng Trong Mặt Trời’ là cách nói đơn giản để chỉ hiện tượng nhật thực. Khi nhà văn và cũng là nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên dùng văn ảnh ấy để chỉ đặt tên cho tập truyện ngắn đầu tiên của mình, hẳn tác giả muốn ám chỉ cái bóng của người đàn ông đã để lại trong cuộc đời người đàn bà – tất nhiên trong đó có cả vùng tâm tư tối sáng của chính tác giả và của cả bạn đọc.
“Nhân vật trong truyện thì nhiều nhưng hình như tác giả không đề cao một cá nhân nào thành nhân vật chính, kể cả cái tôi của mình. Không có cốt truyện, không có cao trào, không có những tình tiết éo le gay cấn, không tốn mầu mè son phấn để tô vẽ chân dung tố nữ, tính cách người hùng hay nhân vật điển hình... Tất cả chỉ là chuyện kể về những mẫu người thường của ngày thường và đời thường. Viết về những cái ‘thường thường’ như thế, tưởng là dễ nhưng thật ra rất khó – già dặn một chút có thể hóa ra rè rà lẩm cẩm; non nớt một chút có thể hóa ra nhảm nhí, vớ vẩn. Ở đây, tác giả đã đưa vào bút pháp sở trường của mình để dẫn dắt bạn đọc đi vào chiều sâu tâm lý của nhân vật. ‘Con cá ấy mầu vàng chứ không phải màu hồng. Cũng như anh tên là Huấn chứ không phải Huân. Cô nhầm tên anh rồi nhầm cả tính cách con người anh trong suốt một thời gian dài...’. “ (Trích Một Nửa Sự Thật.)
“Có Một Nửa Mặt Trăng Trong Mặt Trời” là nhan đề của một trong những bài thơ của Phạm Thị Ngọc Liên, với những câu như:
“đỏ như thế / nồng nàn như thế / một ngày mặt trời rụng xuống tim tôi / cháy bỏng những khát khao lặng im / tôi tìm thấy tôi một nửa / yêu tôi như chưa bao giờ / bạc như thế / lạnh lùng như thế / một ngày mặt trời một nửa chìm sâu / tôi dâng tặng linh hồn tôi / nửa khao khát còn lại / và nửa trăng mệt mỏi cúi đầu”...
Thơ Phạm Thị Ngọc Liên như thế. Nó không chỉ tách lìa một cách quyết liệt khỏi những người đi trước Phạm, ở cùng một môi trường, hít thở cùng một bầu khí với Phạm, mà nó còn cho thấy tính chất tự giới thiệu, hay xác định sự hiện diện của thân phận mình, một cách mạnh mẽ, tự tin, và, đâu đó, (rất nhiều đâu đó,) nỗi buồn rầu thô nhám của chính những tự xác định ấy.
Như bài thơ đầu tiên nhan đề “Nổ Đi Ngọn Pháo Bông” tựa những chùm sáng lênh đênh của ngọn hải đăng kiêu căng một cách ảm đạm, soi, dẫn thi phẩm “Biển Đã Mất,” Phạm Thị Ngọc Liên viết:
“Nổ đi ngọn pháo bông / chiếu ngũ sắc ngời ngời trên sóng / bầu ngực căng những luồng xuân / phơi khoe áo mỏng / em ca hát đợi mùa hè.”
Rồi:
“Mùa dỗi hờn gì em / nụ hoa nở muộn / dấu kín hương thơm của mình / mùa không hiểu em đang chờ ngọn pháo bông / rực cháy những ánh lửa ngũ sắc / đâm thẳng qua đời / niềm mong ước khôn nguôi.”
và:
“Em thở như đã lâu chưa thở / giăng ta đợi chờ mùa hè / khiêu khích những ngọn gió cuối năm bay đi hụt hẫng / chao ơi thèm muốn nụ cười / và nghe mình ao ước / nổ đi ngọn pháo bông!”...
Nhu cầu hay, khát khao tự thực chứng sự có mặt của mình, với cái nhìn đủ ngay thẳng vào định mệnh riêng, cộng một chút kiêu hãnh phái tính nào đó, theo tôi, là một điểm nhận dạng chân dung thơ Phạm Ngọc Liên.
Đó là một chân dung thi ca - Gương mặt khác(?) – Chân dung thật của Phạm(?)
Tôi đọc được đâu đó, những câu thơ rất Phạm Thị Ngọc Liên, như “Sau cơn mưa / Thành phố đã khô / Như mối tình của anh và em / không còn hoảng tưởng nữa / Không còn!...”
Hay:
“Em nguội đi dưới cơn mưa anh / một lần nữa thấy mình nứt vỡ / một lần nữa trái tim tưởng đã khô cong / rỉ giọt máu hồng / thôi những cảm giác hốt hoảng / khi ngồi một mình trong đêm / thấy mình già cỗi / thôi những tiếng thở dài nén chặt / thanh thản tan vào hư không / một lần nữa bùng nổ dữ dội / em lại tìm ra em / điên rồ trong hành trình không thể nào kết thúc.”...
Hoặc:
“Giống như những sự thực không thể lẩn tránh / tuổi trẻ sẽ đi / phải không anh / cả những nỗi háo hức đầu tiên cũng không đứng lại / sợi tóc già nua trên đầu mệt mỏi / như phô một nỗi buồn / tuổi trẻ sẽ đi / ánh sáng những nụ hôn sẽ đi / và những nỗi ái ngại của đôi ta / sẽ không bao giờ được nói.”
Ngay khi Phạm Thị Ngọc Liên viết xuống: “Không bao giờ được nói,” thì đó cũng là lúc mọi điều cần nói, Phạm đã nói xong.
Không những nàng nói xong, mà nàng còn nói đủ. Nói trên cả sự đòi hỏi của nhu cầu “được nói.”
Bởi vì, thơ, văn, với Phạm Thị Ngọc Liên là cửa gương duy nhất, để cô tự thực chứng sự hiện diện của những ngọn pháo bông, bên kia nỗi đìu hiu định mệnh.
Đó là một xác định quyết liệt (?) - Hay một trong những điểm nhận diện chân dung Phạm Thị Ngọc Liên ở khe hở, mí giáp giữa một nửa mặt trời trong mặt trăng?
Tôi cho là cả hai. Dù cả hai, xác định và điểm nhận dạng, cách gì, cũng chỉ là những chùm sáng giữa thinh không của những ngọn pháo bông, đã và, đang nổ.
Chúng đã và còn nổ, đâu đó, trong nỗi kiêu hãnh một cách muộn phiền đầy phái tính của đời thơ Phạm Thị Ngọc Liên.
Và, cũng chính chúng, mang lại cho ta, người đọc, một thời tiết thi ca khác. Một thời tiết thi ca mang tên Phạm.
DTL,
(Calif. 2003.)