Tôi rút lên gác, trước khi anh Hữu nhìn thấy. Bao nhiêu năm sống quanh quất trong ngôi nhà này, tôi đã quá quen thuộc với độ nhàm chán và lợm giọng trước những sự việc xảy ra. Tất cả, chỉ chừng đó. Chỉ chừng đó. Không gì mới lạ. Anh Hữu trở về. Mẹ hỏi thăm năm ba câu về những đứa cháu mà lâu lắm rồi bà không được gặp. Rồi mẹ nhắc tới chị Liên. Tới chị Hạnh, người con dâu trưởng và đầu tiên của gia đình do chính tay bà chọn lựa. Sau rốt tới chị Thiếu. Bao giờ bà cũng ngừng câu chuyện ở chị Thiếu và những đứa con của hai người.
Tôi không muốn nhìn thấy những giọt nước mắt nhọc nhằn vắt ra và chảy xuống từ đôi mắt đã mờ đục của bà. Tôi càng không thể chịu đựng được những giọt nước mắt nơi anh Hữu. Buổi họp mặt này lại có chị Hồ. Ôi, đó là ban hợp ca đồng điệu của những người mau nước mắt nhất trong ngôi nhà này? Mỗi lần gặp nhau như vậy họ không thể khâông cùng khóc với nhau! Làm như nếu không có những giọt nước mắt được chảy xuống thì đó là một thiếu xót không thể chấp nhận được.
Tôi không thể phân tích tỉ mỉ trạng thái tâm hồn tôi mỗi lúc phải chứng kiến cảnh đó.Có lẽ một mặt tôi thấy thương mẹ nhưng mặt khác lại khó chịu và bực dọc với anh Hữu. Tại sao anh Hữu lại phải khóc khi chính anh là nguyên nhân của tất cả mọi sự. Chính anh làm bà cụ đau buồn tới già đi. Chính anh bỏ chị Hạnh để lấy chị Thiếu. Chính anh với thời mới lớn của mình gạ gẫm chị Liên để rồi xô đẩy chị vào con đường trôi dạt với mặc cảm tội lỗi, xấu hổ và u uất một đời.
Tôi không chịu được những người đàn ông vô trách nhiệm. Và càng không thể chấp nhận một người đàn ông dùng nước mắt như tẩy rửa thanh thỏa, một hình thức phủi tay. Nước mắt đã cho anh Hữu những tháng ngày an ổn sau đấy. Có lẽ anh nghĩ với những giòng nước mắt mau mắn của mình, anh đã tròn bổn phận, một cách nào đó, đối với chị Liên, đối với bé Ly.
Trên căn gác này, trong cái giang sơn tối tăm với một tấm nệm mỏng trải trên sàn gỗ, một bàn gỗ mộc, một kệ sách, một chiếc ghế ọp ẹp và một miếng trời vuông vứt trên đầu, được nhìn thấy qua khoảng kính mờ, tôi đã sống những ngày bề bộn sách vở. Những ngày ngổn ngang trăm ngàn ý nghĩa mâu thuẫn dằn vặt. Và thật gần gũi, những viên tranquanil, những vỉ varium. Cái chết lởn vởn, chập chờn trong từng thước không khí ẩm mốc. Đã có những lần tôi nằm thiêm thiếp nhiều ngày với tấm chăn mỏng, với cơn sốt vật vờ cùng ý nghĩ tự tử nung nấu từng chập. Đó là khoảng thời gian của mùa mưa năm nào. Những ngày mùa hè, trước khi tôi quyết định ra đi. Đó là khoảng thời gian của những trống trải tiếp tiếp, của những thất vọng trùng trùng. Đó là khoảng thời gian tôi vừa mới vật lộn xong cái bằng tú tài hai. Tôi hăm hở ghi tên bất cứ đâu, với hy vọng sẽ tìm được cho mình một tương lai. Một lối thoát. Nhưng không một cánh cửa nào mở ra cho tôi, trong khi chút ánh sáng mù mờ lần lần ngúm tắt ở chung quanh. Bố tôi nghỉ việc và chỉ còn trông vào đồng lương hưu trí. Anh Hữu tuyên bố không về nhà nữa, vì mẹ không muốn nhìn nhận chị Thiếu. Anh Long đem chị Thắm về với hai đứa con, giao cho mẹ để theo một khóa học tại ngoại quốc kéo dài hai năm với hy vọng trở về sẽ có đồng lương cao hơn, khả dĩ đủ nuôi vợ con. Đó là khoảng thời gian tôi ra khỏi nhà khi mọi người còn say ngủ và chỉ trở về vào lúc thành phố đã lên đèn.
Tôi không thể ở trong ngôi nhà sặc mùi hơi người, với những bữa cơm tẻ ngắt. Những con mắt lặng lờ, nín câm như những chiếc bóng. Ngay cả mấy đứa cháu, hình như cũng bị cái không khí âm u của chốn ở làm thui chột bớt tiếng cười. Đó là khoảng thời gian rất nhiều lần tôi đã ứa nước mắt khi dắt xe ra khỏi một ngôi trường, một công sở với kết quả não nề: không có tên. Hết chỗ. Rất tiếc. Hay cảm phiền chờ dịp khác. Và xe thì hoặc hết xăng hoặc hỏng. Tôi thất thểu đẩy chiếc xe như vần lăn một tảng đá khổng lồ đi dưới những hạt mưa tơi tả và thấy những đứa con gái cùng tuổi, áo quần, son phấn, cợt nhã với những thằng con trai phóng xe qua lại vun vút. Bùn nước tóe bắn lên mặt, tôi không ghen tỵ với những đứa con gái kia. Tôi không ước mơ một chỗ ngồi nơi yên sau của những chiếc xe bóng nhoáng đó. Nhưng tôi cũng vẫn cứ buồn, vẫn cứ tủi thân. Đó là những lúc tôi tự hỏi, tại sao mình được sinh ra? Tôi có đây để làm gì? Để được gì? Trước sau, tuổi thơ tôi chỉ có những ngày cháy nám trong rừng cao su và trên những bờ thành rêu xám của trường đua Phú Thọ. Đó là những lúc tôi khát khao một chỗ ngồi khuất kín,êm ái, trong một ngôi quán có cửa kính đế nhìn ngắm những hạt mưa gieo xuống một mặt phố. Đó là lúc tôi thèm thuồng một chỗ nằm với ngọn đèn đủ sáng, soi vào một trang sách mở rộng. Đó là lúc tôi mơ ước có được một chiếc áo mưa tử tế, hai túi nhóc đầy những hạt lạc rang nóng hổi., những mơ ước, những thèm khát nghĩ thật nhỏ, tầm thường và vô nghĩa đốivới những người con gái khác…
Rồi những ngày mùa hè qua đi, với những trận mưa mỗi ngày một thêm tầm tã. Ngọc thi đậu chân thư ký trong một cơ quan nghiên cứu của chính phủ. Từ làm hướng dẫn viên cho một hãng du lịch tư, Mậu chính thức gia nhập ban hợp ca của nhà thờ Đức Bà. Những con bạn thân nhất lần lượt có việc làm. Cuộc sống mới làm chúng xa tôi. Thỉnh thoảng gặp nhau, tôi cũng chỉ còn nghe được ở nơi Ngọc những than phiền về cảnh đời công chứùc… Từ khổ sở nhục nhã kể chuyện bao lần nếu không khéo léo chắc đã rơi vào tay ông giám đốc, ông chủ sự. Và, bà giám đốc này, chị giám đốc kia thỉnh thoảng lại đến chỗ Tứ lườm nguýt và đe dọa. Mậu say sưa với những bài thánh ca, muốn bỏ học đi tu luôn để đỡ phải lo cơm áo.
Rút lại, cuối cùng chỉ còn có mình tôi châng lâng. Mình tôi chao qua chao lại trên những con đường mưa mù mịt. Những con đường lạnh lùng ném trả cho tôi chiếc bóng còm cõi và những bước chân rời rã, cô quạnh.
Những trận mưa cuối mùa đến với những ngày khai giảng niên học mới. Tôi không còn cách nào khác: làm quen với giảng đường với cours, với bài. Những ngày đầu của đời sống sinh viên bất đắc dĩ, tôi ném thả tôi vào các sinh hoạt nhào nháo của một đám thanh niên mới lớn, cùng tuổi. Tôi theo chúng nhảy cửa sổ. Tôi theo chúng lê lết từ hội quán qua câu lạc bộ. Tôi tiêu phí thời gian vô vị trống rỗng của mình trong một nhịp sống mới, nhịp sống của con trai. Tôi như một đứa con trai. Khô trân. Cứng trơ và nhâng nháo. Bách, Cự, Kim, Sang, Tuấn, Thạnh… Tôi sống không suy nghĩ, chẳng lựa chọn. Tôi sống với ảo tưởng đã quên được mình, quên được ngày tháng. Quên quá khứ, quên tương lai và cũng chẳng chút ý niệm về hiện tại. Đây là khoảng thời gian tôi tưởng mình đã tạo được một thứ tình bạn mới. Thứ tình bạn không có những thắc mắc, dè dặt, ràng buộc. Chúng tôi như một đám bèo trôi lêu bêu trên một giòng nước đục,. Tôi sống mù lòa như vậy đến hết niên học. Tôi cũng đi thi và thật không thể ngờ, tôi cũng đậu. Tôi cũng chen lấn giữa đám sinh viên lâu nhâu, đi coi bảng, đi lãnh chứng chỉ. Và chỉ khi rời
Ở đấy, đều đặn một tháng hai lần, viết thư trả lời cho mẹ luôn luôn tôi phải dối gạt và bằng những câu không thể quên như: “Con thấy con thích hợp với không khí ở đây lắm. Con ăn ngủ được hơn hồi ở nhà. Con lên cân. Con vui vẻ. Con hoan hỉ….” Tương ứng với cái điệp khúc hoài hoài giống như cái kim mòn trên một rãnh đĩa nhựa cũ của bà. “Con thấy thế nào? Ở được không? Hay con về với mẹ? Nhà ta giờ cũng chẳng còn ai! Các anh các chị và cả em con nữa, cũng đã đi rồi! Thôi thì có gì ăn nấy, hơn là để con gái mẹ mới chút xíu tuổi đầu đã phải lo kiếm ăn…”. Quả thực, đôi lúc tôi cũng thấy khó lòng kham nổi cái đời sống bon chen đó.Tôi chưa đủ già dặn để tham dự vào trò chơi giành giựt miếng cơm manh áo. Lần đầu tiên, khi ông hiệu trưởng của ngôi trường tôi dạy gọi tôi xuống văn phòng, đưa cho một phong bì mỏng dính với mắt nhìn gia ơn ban phước: lương tháng của tôi,. Thiếu điều tôi ném trả ông để bưng lấy mặt xấu hổ với những giọt lê tủi nhục. Nhưng rồi tôi cũng qua được. Tôi đã cầm lấy và lủi thủi ra về. Tôi đã cúi gầm trên suốt đoạn đường về nhà chị Quyến. Tôi đưa nguyên phong bì cho chị mà không thể nói được một lời. Và tôi vào phòng mình trước khi chị Quyến kịp thấy những giọt lệ long lanh trong khóe mắt.
Chiều hôm đó, thác mệt, tôi không ăn cơm. Chị Quyến nấu một bát cháo trắng đem vào phòng lúc tôi đang viết ít giòng cho mẹ: “Mẹ cứ yên tâm. Ở đây, con sung sướng lắm. Con ăn được và ngủ được hơn hồi ở Saigon. Chắc là con sẽ lại lên cân nữa cho mẹ coi. Mai mốt con về, có khi mẹ không nhận ra con đâu. Áo dài của con bắt đầu chật hết rồi đấy mẹ”. Chẳng hiểu mẹ tôi có nhận ra đó là điệp khúc mà chẳng lá thư nào thiếu vắng? Tôi nhớ có lần đã nói với Hãn “Mọi người có chung một niềm tự hào, đó là khả năng tự gạt mình và gạt những người chung quanh. Có lẽ đó là điều duy nhất được lập lại nhiều lần trong suốt một kiếp sống”.
Hãn lừ mắt nhìn tôi.Tia nhìn đăm đăm nghiêm trang có ý cảnh cáo, hay khiển trách. Lát sau, chàng nói: “Anh hy vọng tình yêu sẽ cho em thấy, đời sống còn nhiều ý nghĩa khác hơn. Và người ta sống vì thế”.
Khi ấy, chúng tôi đang nằm bên nhau. Tôi dấu mặt mình trong cạnh sườn chàng. Giọng tôi chùng lại: “Em già rồi phải thế không anh?” Hãn lúc lắc cái đầu làm rung động đôi vai: “Những người như em chẳng bao giờ già hết”. “Tại sao?”. “Tại em thiết tha với đời sống. Chính những kẻ chán đời là những kẻ yêu đời hơn cả. Do đó, một ngày nào, tìm thấy ý nghĩa đời sống, họ sẽ hưởng được hạnh phúc, những hạnh phúc mà kẻ bình thường không hưởng được”.
Tôi nghĩ Hãn nói để an ủi, cũng như để dập tắt ngọn lửa hoang mang dao động thường xuyên bùng cháy trong tôi nhiều hơn là một lời nói thật.
Tôi không dám nói ra ý nghĩ của mình, tôi im lặng chìm rơi trong bàn tay vỗ về êm đềm của chàng, như những cơn sóng nhỏ lăn vờn đều đặn một dãi cát ấm. Những lúc đó, tôi thực sự cảm thấy mình được nương tựa, được che chở, được trú ẩn. Anh, liệu anh có mãi là một mái nhà cho sự trú đụt của trái tim, của đời sống em?
Tiếng mẹ tôi nói lớn từ dưới nhà:
- Phiến ơi? Làm gì trên đó vậy, có anh Hữu đến này.
Tôi giả tảng không nghe, tắt ngọn đèn bàn, lăn mình trên tấm nệm tắm đẫm mùi mốc ẩm.
Mưa trên mái ngói. Tôi nhìn thấy những giòng nước ngoằn ngèo trên miếng kính mờ. Trong bóng tối, với hơi nước phà qua hai vách tường, tôi nghe lạnh ở chung quanh chỗ nằm. Xương cốt được dịp dãn ra sau một ngày dồn cứng. Đưa tay vuốt dọc thân thể mình, một nỗi buồn pha lẫn chua chát mọc lên trên từng tấc da thịt khi bàn tay đi qua, tôi bỗng thấy nhớ Hãn như nhớ tới một phần thân thể vừa mất đi. Một quãng đời rực rỡ vừa rơi, khuất. Nỗi nhớ đớn đau và nghẹn xát. Nỗi nhớ quặn thắt xen lẫn cảm giác ngậm ngùi, tủi tủi, như thể cuộc chia tay buổi chiều mới đây là một vĩnh quyết. Quả thực tôi không dám nghĩ đến một lần gặp khác. Dù có thể ngay ngày hôm sau, chúng tôi sẽ gặp nhau chưa chừng. Tôi thường có những phút giây dao động như vậy, mỗi khi xa Hãn. Có lẽ tại tình yêu của chúng tôi mong manh quá. Có lẽ đôi khi tự thâm tâm, tôi tự thấy mình không xứng đáng với tình yêu đẫm ngất của chàng, Và cũng có thể vì ám ảnh tội lỗi, mặc cảm của một đứa con gái mới lớn, yêu người đàn ông đã có gia đình, đã đem đến cho tôi những đe dọa thường trực, những thao thức ngày đêm. Nhưng phải chăng cũng chính vì sự mong manh, cái non yếu rớm máu của cuộc tình mà những giây phút ở bên nhau, bao giờ cũng là giây phút chúng tôi sẵn sàng để làm tất cả mọi việc, bất chấp đám đông. Bất chấp hoàn cảnh. Ngồi giữa quán, tôi vẫn có thể luồn tay vào ngực chàng. Đứng giữa nhà tôi vẫn dám nói với chàng “hôn em đi”. Tôi biết như vậy là quá quắt. Như vậy là không được. Không được một chút nào hết nhất là chúng tôi đang sống giữa xã hội đông phương, xã hội Việt Nam. Một xã hội đã bị chiến tranh đục ruỗng…
Tôi biết, nhưng tôi cứ làm. Tôi không cần. Bởi tôi thấy tôi, rõ hơn ai hết. Với hai mươi năm làm người, tôi đã được sống bao ngày? Với hai mươi năm làm người tôi đã được hưởng những gì? Không. Không gì hết. Kể cả cái mà người ta thường ngợi ca: tuổi thơ. Tôi không có tuổi thơ. Dĩ vãng tôi chỉ còn là những ngày ầm vang tiếng súng, những ngày chạy loạn, những ngày tản cư. Tôi không phải là người dễ bị đánh lừa với những thêu dệt hoa bướm về tuổi thơ. Nhưng khi cần, tôi lại có khả năng tự đánh lừa mình, đánh lừa chung quanh. Chẳng hạn như tôi đã đánh lừa mẹ tôi: những ngày sung sướng ở phố núi. Tôi đã tự đánh lừa mình khi mặc khoác cho việc vào đời kiếm sống quá sớm bằng những viện dẫn ý nghĩa cao cả, thiêng liêng.
Nhưng bây giờ, tôi đã mất cái khả năng đó. Tình yêu đã tước bỏ ở tôi những chiếc áo ảo tưởng. Tình yêu đã cuốn trôi và phủ sạch tất cả mọi lớp son phấn mà tôi tự thoa sát trên mặt nổi của đời sống mình.
Đã đến lúc tôi muốn và tôi phải, bằng mọi cách sống với ước muốn, với khao khát tự nhiên của trái tim. Dù đời sống tôi chọn lựa, có là một đời sống nhìn thấy trước, khốn quẫn, nói được ngay, oan nghiệt. Con đường trước mặt là con đường dẫn sâu xuống một đường hầm tăm tối. Đó là điều tôi đã nhìn thấy trước. Trực giác đã gióng hồi chuông báo hiệu ngay từ gặp mặt đầu tiên, khi chúng tôi chưa có dịp để nói với nhau một lời gì. Tôi nhớ, khi chàng rời thị trấn, tôi viết thư về cho Ngọc, rằng tôi linh cảm định mệnh đã chính thức bủa lưới xuống đời tôi. Người một đời đã đến, giông bão một đời đã chờn vờn trên đường bay oan nghiệt. Tôi cũng nói với Ngọc đó chỉ là linh cảm. Nhưng thường thì ít khi tôi linh cảm sai. Dù trước khi chàng đến, tôi như một tảng băng - trơn tuột, lạnh lùng và vô giác. Rồi cũng chính tôi đã tự tay mở lấy cho mình cánh cửa định mệnh, cánh cửa mở xuống đầu đường hầm tăm tối. Đó là lá thư được viết trong một buổi chiều cuối cùng của tuổi hai mươi. Đó là thời gian cho những hạt mưa cuối cùng của một mùa rơi nốt. Đó là lúc tôi chợt nhìn thấy mình, như một người xa lạ, hay đúng hơn một người thân yêu thất lạc trở về.
Tôi đã sống những ngày đầu của chọn lựa như tự tay ném đi những gói chất nổ, những quả mìn bộc phá, tôi ngang nhhiên đi chơi với chàng giữa thị trấn, Thị trấn của tiếng đồn, của dị nghị, nhỏi nhen, hẹp hòi và ác độc. Nọc rắn đã lần lượt được phun ra phía sau, những nơi chốn chúng tôi đi qua. Thị trấn như lên cơn sốt. Phụ huynh học sinh bàn tán. Đồng nghiệp lao xao. Chỉ có học sinh, những em bé với tâm hồn và trái tim chưa bị tẩm dịch, còn nhìn tôi, nhìn sự kiện xảy ra như một cái gì vừa hoang đường, vừa uy nghiêm rực rỡ. Những ngày chàng trở lên, một lần thêm với phố núi, cùng với những đám mây mù chứa đầy hơi nước ẩm bốc lên từ những thung lũng đen, phả xuống từ những chóp núi xám, là những ngày tôi liên tiếp bỏ lớp, bỏ trường. Những giờ học được dạy vội. Những bảng đen, phấn trắng trở thành tượng trưng của một ràng buộc, giam nhốt giết lần mòn sinh lực, tuổi trẻ. Tôi bứt phá mọi hàng rào câu thúc. Tôi bước qua, và bước đi trên tất cả những thứ đó bằng những bước chân sóc, nhẹ nhàng, vui tươi và không vướng bận. Chàng đến ở cửa trường, tôi chạy ào ra, như một đứa trẻ nhỏ. Chàng đợi tôi ở một đầu dốc, tôi phóng tới như một chiếc lá. Chàng đợi tôi ở đầu ngõ, tôi trốn thoát khỏi nhà, như bay bổng và được dắt đi bởi bàn tay của một bà tiên có quyền phép nhiệm mầu. Chàng đưa tôi tới những nơi tôi chưa hề đặt chân. Chàng đem tôi đến những chốn tôi đã quen thuộc. Nhưng ở đâu cũng cùng có chung một xúc động nồng nàn, đẫm ngất. Thị trấn càng mở to những đôi mắt cảnh cáo nghiêm khắc, tôi càng nhởn nhơ bay múa. Thị trấn càng muốn chụp xuống những móng vuốt cắn xé, tôi càng ngông nghênh ngửa mặt mỉm cười. Tôi hiểu đó là những hành động nguy hiểm ngông cuồng. Tôi hiểu từ phút đó, tôi đã thách thức đám đông, tôi đã bỡn cợt dư luận. Và tôi cũng hiểu đám đông, dư luận chẳng bao giờ buông tha cho một kẻ dám khinh thường, dám ngạo nghễ đứng trên chúng. Nhất là kẻ đó lại là tôi. Một con nhỏ đến với thị trấn như một cái gai, cần phải nhổ. Một cô giáo đến với lớp học như một luồng gió, hay một con sóng lớn cần phải để mắt, dè chừng hay lánh xa nơi ý nghĩ của đồng nghiệp, của ban giám đốc.
Nhưng làm sao họ hiểu, nếu tôi có sống đến ngày đó, cũng chỉ là để chờ đợi cơn giông định mệnh ập xuống đời mình. Làm sao họ hiểu nếu không vì chờ đợi đớn đau và cay nghiệp kia, tôi đã giã từ tất cả, giã từ cơm áo, giã từ bổn phận, giã từ chữ nghĩa…. Và đám mây khổng lồ của cơn giông đã tới. Những trận cuồng phong đầu tiên đã nổi. Tôi lao đao, tôi quay đảo. Nhưng đó là cái chới với lao đảo mà tôi mơ ước. Nhưng đó là cái quay đảo tối tăm mà tôi chờ đợi. Hạnh phúc và ngay cả sự đau khổ, chỉ dành riêng cho những kẻ nào có đủ kiên nhẫn đợi chờ, có đủ thẳng thắn và cam đảm bước tới.
Tôi là kẻ đã chờ đợi nó - những đớn đau nhìn thấy trước - bằng hình ảnh mơ hồ cùa vô thức u mê. Và có lý gì, tôi quay đi. Không. Tôi sống, chỉ để chờ đợi chừng đó. Hãn, Ôi anh. Người mà đám đông lên án. Hãn. Ôi anh, người của một mái nhà. Người chính thức của một người đàn bà và những đứa con. Nhưng, anh lại chính là người một đời của em.