Chương 26

12 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 6388)
Chương 26

Quyết định thuê nhà là quyết định chớp nhoáng. Hãn chỉ biết căn phòng sau khi nó đã được sửa soạn tạm đủ. Lợi dụng mấy ngày học thi vấn đáp, lấy cớ phải tới thư viện, tôi chạy xuôi ngược kiếm đồ đạc với Lam. Có thể nói tất cả vật dụng trong căn nhà của chúng tôi là đóng góp của thập phương bá tánh, trừ giường và bàn viết ông chủ nhà cho mượn.

Giang sơn riêng của tôi là một căn phòng trên lầu một ngôi nhà ở khuất lánh một con ngõ rộng. Một giang sơn hơi tối và luôn ẩm mặc dù ở trên cao. Lý do căn phòng vuông vứt không có lấy một cửa sổ, ngoài hai khe gió, một ở phía cầu thang đi lên và một hướng về khu nhà thấp bên tay phải. Đến đó trong những trưa nắng thì có thể gọi nó là một cái lò than đốt… người. Nhưng những ngày mưa, thì căn nhà lại có thể coi như là một khoảng trũng của một xoáy nước. Mưa tạt bốn bề. Gió phần phật những tấm tôn trên mái. Nước sũng chảy ồ ề dưới thấp. Những ngày mưa lớn, nước dâng lên ở chung quanh vì thiếu hệ thống ống cống. Người và xe lội bì bõm, Tuy nhiên những ngày đầu ở giang sơn này là những ngày mà không bao giờ tôi được sống lại.

Mỗi buổi trưa, Hãn đều về nhà ăn cơm. Những bữa cơm phần nhiều chỉ có một món rau, xào hay luộc, với một món mặn là vừng và một chén nước mắm dầm ớt. Những trái ớt đỏ tươi sắt mỏng trông đẹp như hoa ngọc nữ nhưng ăn vào cay xé lưỡi, vã mồ hôi, chảy nước mắt. Lam gọi giang sơn này bằng một cái tên riêng Extra muros. Có nghĩa là Bên Ngoài Những Bức Tường. Tên gọi không thể chính xác và lột tả được nhiều hơn tinh thần và đời sống của chúng tôi trong căn phòng đó.

Ở đây, tôi thấy mình được an ổn. Ở đây tôi thấy tôi là một người đàn bà. Ông chủ nhà gọi tôi bằng bà. Lũ con ông gọi chúng tôi là anh chị. Ôi. Được làm đàn bà, được đóng vai người vợ, với tôi mới gian nan và sung sướng biết bao.

Ăn cơm xong, Hãn nằm nghỉ một lát trước khi đi làm lại. Lam và tôi dọn dẹp. Còn thì giờ thì chúng tôi trải drap lên sàn xi măng nằm nói chuyện ngày xưa.

Khoảng thời gian này, cũng là khoảng thời gian Lam đã chín nẫy trong tình yêu dành cho Hãn. Rất nhiều lần Lam đề cập xa gần với tôi về chuyện đó. Tôi trả lời lấp lửng “ai yêu ông Hãn cũng được. Miễn là đừng làm khổ ông ta và đừng bắt ông ta phải lo lắng tất tả hơn nữa”. Lam thở ra ngao ngán.

Mùa mưa đi vào những ngày cuối. Tầm tã và thường xuyên hơn.

Hai giờ, hay hơn một chút Hãn đi làm. Lam cũng phải đến sở. Còn lại một mình với căn phòng. Với mùi hôi và đầy dấu vết của Hãn, tôi mới bắt đầu giấc ngủ trưa của mình. Hình như càng ngày tôi càng ngủ nhiều hơn bình thường. Tôi có cảm tưởng như lúc nào cũng có thể ngủ được, và cơ thể thì bắt đầu có những triệu chứng bất thường. Bắt đầu là sự rời rã của tất cả các khớp xương. Tiếp theo là những cơn chóng mặt, xây xẩm. Rồi cảm giác muốn nôn ọe,và cuối cùng, tôi bị nôn ọe thật. Những cơn nôn khan tưởng như muốn xổ tung cả ruột gan ra ngoài. Những cơn nôn tưởng như bật cả mật xanh mật vàng. Tôi vàng võ, tiều tụy thấy rõ. Cùng với biến chuyển cơ thể mang triệu chứng của có thai, là cơn đau ruột trở lại hành tôi và những trận nghẹt thở nắm chắc cái chêát đến chín phần mười.

Cũng may rơi đúng vào dịp học thi, thêm nữa, bây giờ người ta có những loại thuốc chống nôn ọe một cách công hiệu giúp tôi thoát được sự nghi ngờ của bà cụ.

Tôi báo tin cho Hãn biết. Hãn không tỏ lộ một dấu hiệu nào ngoài sự âu lo hằn rõ trên gương mặt.

Những ngày bắt đầu ở Extra là những ngày Hãn bị lún sâu thêm vào những khó khăn của đời sống vật chất. Tôi cố gắng để không làm nặng thêm gánh nặng đời sống kinh tế của Hãn. Nhưng đó là tình trạng chung, ảnh hưởng của thời cuộc cùng sự leo thang của vật giá.

Không nói ra, nhưng tôi hiểu Hãn chưa dự trù cho việc tôi sẽ có con với chàng trong thời gian này. Chúng tôi chưa qua được quá nửa hạn kỳ năm năm mà chàng đã ấn định.

Dầu sao tôi cũng phải nói rằng sự lạnh lùng của Hãn trước niềm hân hoan trào vỡ của tôi, đã làm tôi tủi thân không ít. Trong óc, tôi đã dự định những việc tự làm lấy một mình và không cần đến Hãn. Chẳng hạn như tôi sẽ rời khỏi Saigon trước khi cái thai quá lớn không còn dấu được nữa. Tôi liên lạc với một người chị họ ở một thành phố heo hút, nhờ chị kiếm cho tôi một việc làm. Lý tưởng nhất là một chân dạy học hay kèm trẻ tại gia. Tôi cũng liên lạc với mấy cơ quan xã hội có thông cáo cần người. Tôi làm đơn xin được thâu nhận không đòi hỏi một điều kiện. Tôi cũng nhờ Mậu liên lạc với Sơ Thérèse, để phòng xa trường hợp cấp bách không kịp thu xếp trước. Sơ Thérèse nhắn tôi lại gặp sơ. Sơ không hề hỏi tôi chuyện gì và chỉ bảo bâát cứ lúc nào và bất cứ chuyện gì, nếu nghĩ đến Sơ thì cứ tìm tới.

Tất cả những chuyện này tôi đều làm một mình, Hãn không hề hay biết. Tôi cũng chẳng hé răng nói một lời nào với chàng. Tuy cố dấu nhưng tôi vẫn không che đậy được những cử chỉ bất thường, mỗi khi ở bên Hãn. Hãn hay gặng hỏi những lúc tôi thẩn thờ, ngơ ngác như một người mất trí. Nhưng lần nào tôi cũng chỉ mím môi, xong gượng cười, lắc đầu cho Hãn khỏi nghĩ ngợi, dù sau đấy lúc chia tay, có khi tôi khóc suốt dọc đường về. Nghĩ đến con, nghĩ đến niềm khao khát mơ ước lớn nhất của cả một cuộc đời, tôi chỉ thấy tủi thân thêm mà thôi. Mặc dù cái thai chưa thành hình và bác sĩ cho biết tình trạng thai rất yếu có thể là sẽ không giữ được, nhưng rất nhiều đêm, đợi mẹ ngủ say, tôi đặt tay lên bụng mình xoa nắn khắp nơi, như thể con tôi đã thành hình và đang hưởng được sự ve vuốt của mẹ nó. Đây cũng là những lúc mà tôi ràn rụa nước mắt dù cố kìm hãm. Không đêm nào tôi ngủ được quá một tiếng. Cả nghìn mối lo lắng và đau đớn dằn vặt quay mòng. Thâm tâm tôi vẫn mong mình sẽ có con. Tôi sẽ sinh nở. Mặc dù nếu chuyện đó xảy ra đúng như mơ ước, tôi sẽ phải lặng lẽ xa Hãn. Tôi sẽ phải rời bỏ thành phố này, nơi đời sống mở mắt tôi. Nơi tình yêu tôi lớn lên và dồng thời cũng là nơi con tôi được tạo dựng. Chỉ mới nghĩ tới, tôi đã thấy không còn một chút sinh lực nào để sống. Chỉ mới nghĩ tới, tôi đã thấy như trời đất quay cuồng, sụp đổ.

Nhưng có cách chọn lựa nào khác cho tôi đâu? Không còn cách nào khác. Tôi không thể cứ ở lại để trở thành món nợ quá to lớn của Hãn. Tôi yêu chàng. Tôi sống, tôi chết, tôi nhục nhằn, tủi hổ, tất cả vì chàng, tôi sẽ phải từ bỏ. Phải ra đi. Lên đường này, nếu có ở tôi, là một lên đường đầu tiên và cuối cùng mang ý nghĩa của một chuyến đi vĩnh biệt.

Nói ra nghe có vẻ tiểu thuyết, thê thảm quá nhưng sự thực là như vậy. Cách gì tôi trở lại? Cách gì tôi có thể tìm về thành phố, nơi tình yêu tôi đã có và đã chết. Nếu đi tôi buộc phải cắt đứt mọi liên lạc với chàng, dù dưới hình thức nào. Tôi vẫn nghĩ, sự bỏ đi của tôi, không báo trước với Hãn là một điều không thể chấp nhận được, dù nhân danh mục đích nào. Ngay cả khi Hãn có vì nghĩ đến con mà coi nhẹ chuyện đó thì tôi cũng không thể tự dễ dãi với mình. Tôi không tin là sự trở lại sau ít nhất một năm bặt tin nhau, Hãn còn nhìn tôi như xưa. Với ai không biết, riêng Hãn, tôi hiểu rõ điều đó. Hãn ích kỹ đến vô lý. Đa nghi tới không ngờ. Hơn thế, trong tinh thần của một người vợ, dù không được ai công nhận, việc làm tự ý kia, cũng vẫn là điều bất khả chấp. Chưa nói đến tự ái không cho phép tôi tìm Hãn trở lại. Tôi sẽ không tìm chị Liên trong hoàn cảnh này. Sinh con xong, bằng mọi cách, tôi sẽ nuôi nó, và không cần tới sư ïtrợ giúp dù tinh thần của bâát cứ ai, kể cả gia đình tôi. Trường hợp ngược lại, tôi sẽ gửi con vào viện cô nhi, và từ giã đời sống với khả năng, với vốn học vấn. Tôi không tin mình sẽ phải chọn lựa cách sau cùng đó. Là một người khác, một người đàn bà không còn một chút Phiến trong người, tôi sẽ nuôi con và chỉ cho nó biết cha nó là ai, khi nó đến tuổi thành niên. Tôi cho rằng đó là cách hay nhất để tránh cho con tôi sớm có trong đầu óc non nớt của nó lòng oán thán về người cha vắng mặt. Dù sao tới tuổi trưởng thành, nó cũng sẽ đủ suy xét và bình tĩnh để hiểu biết vì lý do nào tôi đã không thể làm khác.

Để sửa soạn cho chuyến đi của mình, tôi gom tất cả thư từ, hình ảnh, sách vở của chàng lại thành một món. Tôi cũng để riêng ra những xấp thư viết cho Hãn từ ngày còn ở Cao Nguyên, từ ngày tình yêu chưa rõ nét, cho tới những lá thư đầy tủi nhục. Những lá thư như những phần đời riêng mà tôi phải chịu lấy một mình, khi chia tay với chàng. Những lá thư thực ra, ngay từ lúc viết, tôi cũng đã không có ý định gửi cho Hãn. Có thể gọi nó như những đoạn nhật ký rời thì đúng hơn. Và đúng như dự định ban đầu, nó sẽ chỉ được chuyển tới chàng. Khi tôi đã khuất. Tôi cũng cất riêng một hộp những thứ vụn vặt, tầm thường và có vẻ trẻ con như ít chiếc lá, vài bông hoa, một que diêm, dăm hòn sỏi, ít mẩu thuốc lá, lấy từ những chuyến đi chơi Đà Lạt, hay từ những gặp gỡ của hai đứa. Hãn không để ý đến những vụn vặt này bao giờ. Tôi biết chắc chắn như vậy, chẳng hạn như tôi giữ được một miếng giấy nhỏ ghi lại hai câu thơ của Hãn viết trong quán cà phê một buổi tối, tôi bắt chàng chờ hơi lâu trước khi chàng phải đi công tác ngoài Trung. Hai câu thơ tình cờ Hãn viết ra và chàng quên ngay. Nhưng tôi vẫn mãi nhớ.

Con sông buồn biết bao đời

Chỉ như tôi một phút ngồi mà thôi.

Hãn quên ngay. Bởi một lần đọc lại cho Hãn nghe, tôi hỏi thơ của ai vậy anh?” Hãn ngẩn người một lát, xong chàng trả lời rất thành thật “anh cũng không biết tên tác giả, mặc dù anh nhớ là anh có đọc được ở đâu rồi”.

Hôm sau, đem theo miếng giấy đó cho Hãn xem. Chừng ấy Hãn mới tròn xoe mắt hỏi “Bộ Hãn làm thật sao?” Tôi cười “Không lẽ em?”

Lúc hân hoan sung sướng, vẻ mặt Hãn thật thơ ngây, trẻ con, Tôi đùa “Sao Hãn không thử làm thơ xem sao? Làm thơ rồi mình nhờ ông K. hay nhờ anh Các kiếm báo đăng cho”. Hãn cười ngặt nghoẽo. Chàng bảo “Đã có em rồi. Trong hai đứa, chỉ nên có một người theo đuổi văn chương thôi. Đứa nào còn lại phải lo cơm áo chứ!” Ý Hãn muốn chọc tôi thời mới lớn đấy. Quả thực thời mới lớn, tôi hăng lắm. Làm thơ, viết văn. Thành lập cả thi văn đoàn nữa. Thấy người ta “alô” với nhau, trong những cột báo dành cho các “búp bê”, tôi cũng “alô” líu lo với các bạn văn nghệ tý hon của tôi. Cũng chỉ vì mê văn chương, mê làm báo cho trường, tôi trượt năm tú tài nhất và bị dưa ra hội đồng kỷ luật. Nếu không có cô Trí bênh vực chắc tôi đã bị đuổi khỏi trường hồi ấy.

Nhưng đó là chuyện quá khứ. Phải, chuyện quá xa xưa, đến chính tôi mỗi khi chợt nhìn lại, cũng còn phải tự hỏi “phải chăng tôi? Phải chăng mình?”

Hãn như vậy. Trí nhớ của chàng rất tồi về những điều mà tôi cho là quan trọng. Chẳng hạn như Hãn cứ khăng khăng bắt tôi phải nhận là tác giả câu nói gì đấy trong một câu chuyện nào đấy với chàng. Trong khi tôi nhớ rõ, người nói không phải là tôi, mà là một người con gái khác, đã đi qua trong đời Hãn. Thử hỏi, nếu không là tôi, ai sẽ chịu được cái cảnh thư viết cho người ta mà chàng lại lầm lẫn dúi cho tôi. Có khi Hãn cho một công việc gì, cho một người nào đấy, và giữa khi đông đủ bạn bè, chàng kể lại, như là một trong những biểu tỏ của tình yêu và sự chăm sóc đặc biệt dành riêng cho tôi.

Tôi nghĩ không ai chịu được những chuyện đó, trừ tôi. Có lần tôi phải nói thẳng với Hãn “Chuyện gì, câu nào, anh không nhớ chắc chắn là anh đã làm cho em, hay do em nói, thì anh không nên nhắc lại. Dù yêu anh, dù em không là những người đàn bà khác, em cũng đau lòng chứ. Em cũng tủi thân chứ. Nếu em có gượng cười, nếu em có vờ như thế thật, thì cũng chỉ vì em không muốn Hãn nghĩ ngợi, cũng chỉ vì em không muốn bạn bè chúng ta ái ngại cho em và cho cái trí nhớ lủng củng của Hãn, nhưng khi một mình, em đã bao lần ứa nước mắt. Em đã có nghìn thứ để nhục nhằn, Hãn đừng vô tình với em như vậy nữa…”. Luôn luôn Hãn trả lời tôi bằng những nụ hôn đắm đuối kèm lời xin lời ngọt ngào. “Anh xin lỗi. Anh bậy thật. Anh xin lỗi. Anh xin lỗi…” Hãn thế đó. Nhưng không có cách gì có thể giận hờn Hãn lâu. Hình như tật đãng trí của Hãn đã khiến tôi yêu Hãn hơn sau đấy. Trong cái tật này của Hãn. Hãn có vẻ gì thật thà và trong sáng.

Tất cả những thứ mà có lần Lam đã gọi đùa là “đồ tế nhuyễn của riêng tây” tôi chuyển giao dần dần cho Hiên với một lời dặn dò ngắn ngủi rõ ràng “Khi em nghe tin chị chết, em chuyển tất cả những thư này cho anh Hãn”. Tôi trao lá thư cuối cùng cho Hiên vào buổi sáng sau khi có bảng. Lá thư đưa Hiên không phải lá thư mới của Hãn gửi cho tôi mà là của chính tôi gửi cho Hãn. Lá thư không ngày tháng, cũng chẳng có mở đầu quen thuộc “yêu dấu của em” mà là mở đầu ngắn ngủi “Bố, hãy đọc những giòng chữ này của em. Đó là những giọt máu đã nhỉ ra và đã thâm tím trong suốt cuộc tình của mình, để bố hiểu rõ em, nhìn rõ em, lần duy nhất rồi không bao giờ nữa. Đừng trách em và cũng đừng bận tâm về con. Tất cả đều không nghĩa gì hết, đúng như bố vẫn nói người ta sinh ra với một định mệnh có sẵn. Vấn đề là người ta sống như thế nào trong lưới chụp kia của định mệnh. Riêng em, em không có định mệnh, vì định mệnh của đời em ở nơi anh. Sự khuất vắng em, rồi thời gian sẽ cho anh thâáy đó là hạnh phúc toàn vẹn nhất mà em có thể đem đến cho anh. Bởi như vậy anh mãn nguyện hơn. Anh yên tâm hơn. Em là của Hãn ngay cả khi em đã thành cát bụi.

TB. Trong trường hợp anh không giữ được bên mình thì anh hãy đốt nó đi. Em không muốn, dù chỉ một cọng cỏ, một que tăm lọt vào tay ai khác. Cả đời em cho đến lúc chết chỉ có được chừng đó. Mong anh thương và hiểu cho…”

Tôi cố lấy giọng vui vẻ, báo tin thi đậu với bà cụ và thản nhiên đưa lá thư cho Hiên, như đưa một miếng giấy mời dự tiệc mừng thi đỗ.

Mẹ tôi ậm ự không rõ tiếng. Tôi chợt nhận thấy vẻ khác thường trong ngôi nhà. Hiên nhợt nhạt khi cầm lá thư của tôi trong tay. Những đường gân mờ nổi trên bàn tay mỏng run rẩy. Hiên nhìn tôi không chớp mắt. Cố tránh nhìn vào mắt Hiên, tôi nói nhỏ:

- Không có chuyện gì đâu.

Hiên mấp máy môi:

- Chị Phiến…

Tôi gật đầu:

- Gì Hiên.

- Em muốn chị hứa với em…

Tôi gượng cười ngắt lời Hiên:

- Muốn chị hứa gì mới được chứ?

Hiên nghẹn lời:

- Em sợ…

- Không. Không có chuyện gì đâu.

Mắt Hiên bắt đầu long lanh.

- Em… em muốn được làm một việc gì cho chị và anh Hãn.

Tôi lắc đầu.

- Chính chị và anh Hãn cũng chẳng thể làm được gì cho nhau.

Câu nói không suy nghĩ trước, vuột ra làm tâm hồn tôi trùng lại. Tôi bậm môi để đừng nói gì thêm.

- Chị Phiến…

- …

- Em sợ. Em sợ quá.

Và Hiên bưng mặt.

Nhìn Hiên, nghĩ tới Hãn, nhớ tới cái bào thai trong bụng, tôi cắn dập môi mình. Ngã người vào vai ghế, tôi ngửa mặt lên trần nhà mắt mở trừng và nước mắt sống…

Không biết tôi và Hiên ở trong tình trạng đó bao lâu, chừng sực nhớ mình đang ở trong nhà, tôi vội quệt nước mắt, hỏi lớn, vọng vào phòng trong.

- Mẹ ơi, bố đâu mẹ?

Không có tiếng trả lời. Hiên đang dùng mùi xoa chậm mắt. Sự buồn bã làm mặt Hiên nhếch nhác một cách tội nghiệp.

Tôi đứng lên đi vào bếp. Mẹ tôi đã bỏ đi từ lúc nào. Cửa hông khép hờ.

- Bố ơi. Bố.

Đứng dưới chân cầu thang, gọi vọng lên gác, tôi chờ đợi giọng khàn đục của ông cụ. Không có gì hết. Chỉ có một im lặng đầy nghi ngại ném thả xuống. Bấy giờ tôi chợt nhận ra trong nhà mới xẩy ra một điều khác thường.

Vừa nhảy từng hai bậc thang một, tôi vừa gọi lớn:

- Bố ơi! Bố. Bố ơi! Bố.

Căn gác mênh mông, nín lặng, chiếc ghế vải trống lốc. Phản xạ tự nhiên, tôi chạy ào ra lan can, nhìn xuống. Nắng vàng tươi. Mặt trời chấm ngang đỉnh tháp chuông. Lòng ngõ rộng, xi măng sáng trắng với từng khoảng thâm ố. Trận mưa lớn đêm trước không đủ để rửa sạch những vết dầu xe.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Bảy 2022(Xem: 6109)
23 Tháng Tư 2022(Xem: 18274)
23 Tháng Sáu 2021(Xem: 4845)
22 Tháng Sáu 2021(Xem: 4040)
22 Tháng Sáu 2021(Xem: 5123)
22 Tháng Sáu 2021(Xem: 3052)
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 21067)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15948)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17595)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10310)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18773)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 5133)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1868)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2419)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2255)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23571)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 20056)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8866)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9903)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9278)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12336)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31823)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21558)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26608)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 24048)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22840)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 20954)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18984)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20163)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17724)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16810)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25889)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33206)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35612)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,