Triết Lý Và Những Dấu Chấm Phá Cố Tình Trong Thơ Du Tử Lê
(Bài nói chuyện tại Thư Viện Trung Ương Arlington, Hoa Thịnh Đốn, ngày 28 tháng 11-1993)
Tôi xin được đưa ra một vài ghi nhận như một người đọc thơ Du Tử Lê, và chỉ đọc tập Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra; vì thơ ông Lê rất nhiều và ông làm thơ đã nhiều năm, kể từ lúc ông 11 tuổi. Tập thơ tôi vừa đề cập là tập thơ mới nhất tôi hân hạnh được đọc nó và xin đóng góp thêm ba ghi nhận:
- Ghi nhận 1: Cái triết lý rất người trong Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra.
- Ghi nhận 2: Những dấu chấm phá cố tình của ông Lê.
- Ghi nhận 3: Đừng để ai ngâm hay đọc tập chơ này cho mình nghe, mà phải đọc lấy bằng chính mắt và hồn mình.
Về ghi nhận một: Như ông Phạm Đức Tiến đã nói về tình bạn trong tập thơ này của Du Tử Lê. Bạn tức là người. Mỗi người của Du Tử Lê phản ảnh một triết lý sống nhỏ nhoi của con người mà tôi gọi là triết lý rất người. Cái triết lý về thân phận hay cho tôi được bạo phổi gọi là triết lý nhân sinh trong mỗi bài thơ của Du Tử Lê. Triết lý rất người này trải ra ở mỗi chữ, mỗi câu, mỗi bài. Nếu đem gom lại thì tập thơ là một tập hợp những suy nghĩ nặng màu sắc triết lý. Mới đọc lướt qua mỗi bài thơ hay mở thật nhanh tập thơ, ta chẳng thấy được gì và có khi chẳng muốn đọc nó. Nhưng đọc chậm, đọc mãi ta sẽ thấy chính là mình ở trong từng bài thơ. Tôi gọi Du Tử Lê là một triết nhân thì có thể là một điều quá đáng, vì từ trước tới nay chưa ai gọi như vậy. Nhưng tập Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra đã thể hiện điều ấy.
Cái triết lý về thân phận con người kia, được ông Lê biểu hiện qua bài Ở Virgina, Đêm, Năm, Bảy, trang 19, khi ông viết về bạn mình, một trí thức cũ của Việt Nam thất thời đi bán phở, có phải là đại diện cho chính ta, chính tác giả, và chính người đọc? Mời quý vị nghe:
khép cửa. Đi. Hình, bóng chẻ đôi (1)
chiếc giằm trong mắt. Lắt con ngươi (2)
nhân gian bày đặt trò chơi nhảm (3)
trí lớn? (4)
- vừa thôi bạn . - dở hơi! (5)
Cái hình và cái bóng ấy đã chẻ đôi rồi từ khi chúng ta mất hết và sống kiếp lang thang. Cái giằm thường thì ở tay hay những phần cơ thể đụng chạm nhiều tới sự vật. Tại sao cái giằm lại ở trong con ngươi, trong mắt (?) để mỗi lần khép cửa thì thấy lắt con ngươi? Chỉ câu 1 và câu 2 cũng đã nói lên đủ cuộc đời lưu lạc rồi.
Rồi trang 38, bài Và Toại, Tuyên:
cây chia tàng, đọt sầu, khuya, sớm (1)
gió quẫy đuôi, tìm hạt nắng, trôi (2)
chân đi. Tâm ở, tù năm tháng (3)
đời đóng đinh ta, (4)
thập giá người (5)
để chua xót cho hai người khác mà lòng họ lúc nào cũng còn đồng vọng đến quê hương, nhưng oái oăm thay đã bị đóng đinh vào thập giá, mà lại là thập giá người!
Nếu cứ đọc tiếp, tôi sẽ đọc hết tập thơ cho quý vị nghe về từng thân phận, từng mảnh triết lý mà Du Tử Lê trải dầy trong gần 200 trang sách. Tôi sẽ không làm điều đó và để quý bạn đọc tự nghiền ngẫm lấy.
Về ghi nhận hai: Tôi không dám lạm bàn đến thơ lục bát qua luật thơ, qua cung điệu, hay qua những luật bằng trắc, vì đã có nhiều người viết về vấn đề này. Tôi chỉ xin đóng góp vài ghi nhận về những dụng ý của Du Tử Lê qua các dấu chấm phá cố tình để tạo nên những cái sống thì thật sống, cái động thì thật động, cái tĩnh thì thật tĩnh, tượng hình thì hơn cả những bức họa đang ở trước mặt người đọc thơ.
Trong bài Thơ Ở Một Thời Của Những Người Không Tuổi Trẻ, trang 14 có 4 câu:
chúng tôi lớn: còi cây rừng, cỏ dại (1)
tuổi thơ chưa kịp ngọt đã chua, lè (2)
mỗi trang sách bật lên nghìn dấu hỏi (3)
nguyên không gian chưa chỉ dấu đi, về (4)
Có lẽ Du Tử Lê thấy đời nhiều dấu hỏi quá, hay đời làm văn học của ông có nhiều dấu hỏi quá, nên ông đã tận dụng tất cả các dấu ngắt câu trong chữ Việt: chấm, phết, hai chấm, chấm hỏi, chấm than trong mỗi bài thơ, từng câu thơ, thậm chí cả tựa của nhiều bài thơ. Sự cố tình ấy đã tạo được cái sống, cái động, hoặc cái tĩnh, và tượng hình như tôi vừa mới trình bày ở trên.
Nếu ta lấy bài đầu tiên tựa đề Nhật Thực, trang 9, câu số 4, và bài Xuống Thấp, trang 13, câu số 3, thì ta sẽ thấy rõ sự cố tình của ông về cái thật động, cái thật tĩnh qua dấu chấm phá cố tình ấy.
Bài Nhật Thực viết:
chiều co. Chiều co, tay gầy (1)
duỗi đôi chân mỏng lên ngày tháng, lu (2)
môi người. Môi người đang trưa (3)
đỏ trong nhật thực. Ầm. Lua tiếng còn (4)
Rồi bài Xuống Thấp viết:
cây bềnh, bềnh trôi theo mưa (1)
qua xương thịt bụi hồn xô, tạt về (2)
rơi. Im. Rừng vươn tay che (3)
chỗ sâu: lũng, cỏ. Khe tì vết, quen (4)
đêm. Hôn. Mùi. Vùng thân, thơm (5)
trắng. Xanh. Tím. Đỏ. Hồng. Đen. Nâu. Vàng. (6)
Câu số 4 bài Nhật Thực, tác giả viết: đỏ trong nhật thực, dấu chấm, rồi chữ ẦM, rồi dấu chấm, rồi lua tiếng còn. Chữ ẦM đứng giữa hai dấu chấm làm người đọc thơ như nghe được cả tiếng động ầm ầm long trời lở đất. Trái lại câu số 3, bài Xuống Thấp, chữ IM giữa hai chấm làm cho khu rừng của Du Tử Lê tĩnh lại, vươn ra che phủ êm ái dịu hiền.
Tôi rất tiếc là không được quen biết Du Tử Lê nhiều để hỏi tác giả rằng hai bài thơ trên ông có làm cùng một lúc hay hay không, mà ông để hai dấu chấm hai bên chữ ẦM và chữ IM, khiến cho trạng thái đã Động và đã phản ảnh nhau một cách rõ ràng như đen với trắng vậy.
Về tượng hình, nếu nhắc lại câu thơ: khép cửa. Đi. Hình, bóng chẻ đôi, thì chỉ một dấu phết thôi giữa hai chữ hình và bóng, cũng đã đủ làm cho người đọc thấy cái hình bóng ấy bị chẻ đôi quá rõ...
Trong ngôn ngữ Việt, những từ ngữ ghép được xử dụng rất thông thường. Thông thường đến nỗi nhiều khi chẳng ai nghĩ đến sẽ có những dấu chấm phá chia tách sự ghép ấy. Thí dụ như: chua lè, lựa chọn, đau đớn, sung sướng, ân nghĩa, chia ly, vân vân...
Những lúc rảnh rỗi, tôi thường tán nhảm với bạn hữu về những từ ghép của Việt
Du Tử Lê có lẽ thừa biết từ ngữ Việt nên ông cố tình đem vào những dấu phết, dấu chấm..., để chia những chữ ghép thành những Ý Đơn mạnh mẽ hơn là để ghép lại với nhau như cũ. Điều tôi đang nói đây, nằm đầy trong mỗi bài thơ, mỗi câu thơ của Du Tử Lê. Thí dụ ông không dùng chữ CHUA LÈ, mà ông viết: CHUA, dấu phết, rồi LÈ, hoặc XUÔI, dấu phết, rồi NGƯỢC, hoặc nữa ÂN, dấu phết, rồi NGHĨA..., đã giúp chúng ta thấy được sự phân rời giữa Ân và Nghĩa một cách rõ ràng riêng biệt hơn. Trang 99, tôi thấy có câu thơ: trả em hộ tịch. Bứt rào cản, quanh. Nếu người ta đã trả lại người yêu mình cả hộ tịch thì phải bứt rào ngăn cản không phải hàng rào chỉ ở phía trước mà dấu phết thêm vào ở chỗ đó, đã làm sống lên bức rào cản cản, quây quanh, và có khi phải mạnh lắm mới bứt được tứ phía.
Tôi xin trở lại bài Xuống Thấp, một lần nữa. Bài lục bát này gồm 42 chữ và 6 câu mà Du Tử Lê đã dùng đến 19 dấu chấm phá, nghĩa là, số dấu chấm phá gần bằng một nửa số chữ trong toàn bài thơ. Riêng câu:
chỗ sâu: lũng, cỏ. Khe tì vết, quen
có 8 chữ mà tới 4 dấu chấm phá cố tình làm dội vào mắt người yêu thơ một bức tranh sống động về màu sắc và cả nội dung hay nội tâm cũng vậy.
- Chỗ sâu: là không gian
- Lũng: là địa thế
- Cỏ: là sự vật
- Khe tì vết: trạng thái của cái không gian ấy
- quen: là trạng thái cảm thức của con người.
Một câu thơ thôi, dấu chấm phá của Du Tử Lê cho ta thấy quá nhiều sự cố tình của tác giả và những người đọc thơ ông rất thích thú với cái mới lạ này.
Du Tử Lê không đóng vai một người thợ chụp hình đi đó đi đây để chụp lại những cảnh đẹp đem về đóng khung. Nên bức tranh xuân trong Kiều:
cỏ non xanh rợn chân trời
cành lê trắng điểm một vài bông hoa
có tuyệt đẹp thì vẫn là cái đẹp của những bức họa hay bức hình treo sẵn trên tường cho người đến thưởng ngoạn. Ở thơ Du Tử Lê, những dấu chấm phá cố tình đã khiến người đọc thơ nhìn được, cảm được, và đôi khi thấy chính mình trong bức tranh, vì nó quá động và tượng hình. Nơi trang 62 của Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra, tác giả viết:
mắt tôi buồn đủ. Thôi đừng gió
tới giờ lá nhớ vẫn bay, theo
Trang 74 có 2 câu:
em tan, tác trên lưng mùa sám, hối
tôi áo cơm! Thu quén lửa, đêm, tàn
Trang 88 có 2 câu:
vết son trên tách trà bông cúc
vai ghế còn thơm sợi tóc, rơi
Những dấu phết khiến hình ảnh mà tác giả muốn nói tới, nó lung linh lay động trước mắt người đọc, và như thu hút hồn người vào với trạng thái trong thơ.
Điểâm Ghi Nhận Chót: là hãy đọc lấy thơ này, đừng để ai ngâm hay đọc cho mình nghe. Bằng vào hai điểm nhận xét trên, chúng tôi đã chứng minh cho lời kết luận này. Vì nghe đọc, nghe ngâm, làm sao ta thấy được những dấu chấm phá cố tình của Du Tử Lê. Phải trầm lắng, nhìn tận mắt của chính ta, từng dấu, từng câu mới ôm trọn được cái thấm thía, cái chua chát, cái tượng hình và cái triết lý rất người trong thơ họ Lê vậy.
TRẦN VĂN THẾ
(Tuần báo Thương Mại Miền Đông, số đề ngày 20-12-93)