Nhạc sĩ dùng ký âm pháp để diễn tả sự rung động bằng nốt nhạc. Nhà thơ tận dụng chất liệu có sẵn bằng văn chương, từ thiên nhiên, từ cuộc sống để bộc lộ ý tưởng, cảm giác và tạo hình ảnh qua ngôn ngữ. Nhạc điệu trong thơ có êm tai hay không là tùy thuộc vào âm hưởng của các câu thơ và cách sử dụng các thanh âm bằng trắc trong quy luật phối âm hay phối thanh.
Một bài thơ hay đem lại sự thích thú vô cùng cho người đọc, nếu chất liệu thơ được gạn lọc từ đời sống thường nhật; nếu tứ thơ và nhạc điệu là kết tinh của ý tưởng, của cảm xúc biểu hiện được hình tượng linh động và trọn vẹn qua bút pháp điêu luyện.
Với bài Bến Tâm Hồn đăng trong Tạp chí Mai, bút hiệu Du Tử Lê được dùng đầu tiên vào năm 1958. Bút hiệu này bắt nguồn từ tình yêu mẹ. Thi nhân lấy nhan đề bài thơ Du Tử Ngâm của Bạch Cư Dị, bỏ chữ ngâm thay thế bằng chữ Lê; ngụ ý là đứa con xa mẹ dòng họ Lê.
Đọc và xướng thơ Du Tử Lê, người nghe như tìm lại được cái âm hưởng của chính tâm sự mình, tâm sự chung của cả thế hệ cùng một lứa tuổi: sinh ra, lớn lên, và bị cuốn hút vào cơn lốc của cuộc chiến Việt Nam.
Trong đêm, dường như, người ta nghe có tiếng vỗ về:
bom đã rơi mừng đạn đã reo vui
ngày đã đau thương đêm đã ngậm ngùi
máu vẫn chảy và thây người vẫn đỏ
anh đã bảo ngủ đi, hỡi cô nàng bé nhỏ
(Bài Có gì đâu, trích đoạn).
Hay những đêm chén chú, chén anh, giọng ai đó kể lể:
chúng tôi lớn: sông nghìn năm đứt khúc
thồ nỗi buồn lên núi. Cột mây chơi
dăm đứa mượn lời ca và tiếng nhạc
rất nhiều thằng vui súng, đạn khơi khơi
thằng yếu đuối núp vô màu áo đạo
đứa hoang đàng chết tốt bụng dao phay
tên khụng khượng hỏi: - Đâu rồi thượng đế?
đứa lên rừng. Đứa kèm trẻ, xâm tay.
...
năm mươi tuổi: hai chục năm luân lạc
những anh hùng, tài tử hóa lem, nhem
đời dẫu nhận hay xua thì cũng vậy
chúng tôi buồn hơn núi thọ tang sông
năm mươi tuổi: chúng tôi không tuổi trẻ
thiếu quê hương: phế bỏ võ công mình.
(Thơ Ở Một Thời Của Những Người Không Tuổi Trẻ, trích đoạn.)
Thơ Du Tử Lê gồng gánh nặng chĩu những hình ảnh đau thương và đầy ắp chất tình: tình mẹ, tình yêu lứa đôi, tình bạn, và tình quê hương. Những băn khoăn, dằn vặt, thao thức, nuối tiếc, đợi chờ, đớn đau dằng dặc đã vùi sâu, chôn chặt tận đáy tâm tư chỉ đợi dịp bùng nổ trong thi ca như một loại khí nén chịu quá áp xuất.
Hãy thử tìm hiểu cảm nghĩ của Du Tử Lê khi ông viết về mẹ:
mẹ ngồi giữa cõi chia tan
óc moi xác những đứa con đã vùi
lưng đeo đá nặng một đời
bảy mươi năm đó còn hoài giọt sương
(Bình Minh Trên Sa Mạc Utah, Nhớ Mẹ Già, trích đoạn.)
Và những xót thương một đời mang nặng:
...
khi tôi nhớ những bông birdflower nở ối
cỏ cây chờ như tượng đã bao năm
tôi muốn chọn một chỗ nằm bên cạnh
không còn cha, môi mẹ máu hoen,bầm.
(Trường Khúc Mẹ Về Biển Đông, trích đoạn.)
Hoặc viết cho một trong những cuộc tình đã mai một:
tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt, lạnh
con dế buồn tự tử giữa đêm sương
bày sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
em ở đó, bờ sông còn ấm cát
con sóng tình vỗ mãi một âm: quên.
(68, hạnh phúc thêm cho huyền châu, trích đoạn.)
Tình trường Du Tử Lê có những mong đợi quay quắt:
chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
chim về góc biển. Bóng ra khơi
lòng tôi lũng thấp. Tâm hiu quạnh
chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi
(Chẳng Chiến Chinh Mà Cũng Lẻ Đôi, trích đoạn.)
Trong thơ Du Tử Lê cũng có những cơn mê sảng của thuở khai thiên lập địa:
...
khuya tôi trôi trên tay, còn
lung linh địa ngục. Thiên đàng dấu răng
(Khúc mười chín, tháng 9, trích đoạn.)
Cũng như có cả cái khoái cảm nóng bỏng, ngất lịm trong tiếng cụt ngủn:
(ôi... (!??!)
(bài thơ tình ngắn nhất nhân loại, gửi yêu dấu)
Có cả những oán trách:
em mỹ viện đến tâm hồn cũng lột
ngược chiều kim: nhiệt đới ẩm trong tim
(Trích đoạn.)
Và dĩ nhiên có cả tình nghĩa vợ chồng:
ơn em ngực ngải môi trầm
cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan
ơn em hơi thoảng chỗ nằm
dấu quanh quẩn, dấu nỗi buồn một nơi.
(Kiếp Sau Xin Giữ Lại Đời Cho Nhau, trích đoạn.)
Du Tử Lê có nhiều bạn. Bạn từ thời niên thiếu, bạn vong niên, bạn văn nghệ, bạn trong và ngoài quân đội. Những người bạn hầu hết đều chí tình và cưu mang. Vì vậy, trong thơ, do những nhận xét tinh tế, Du Tử Lê như con ma xó, biết rõ tâm sự của từng người.
(Xin đọc: Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra, thơ Du Tử Lê, Tủ sách Văn Học Nhân Chứng xuất bản, Calif., 1993.)
Tình yêu quê hương trong thơ Du Tử Lê được bộc lộ rõ ràng nhất trong bài Vỡ Lòng Cho Một Người Con Gái Mỹ:
ôi Donna, Donna
phải là người Việt Nam
em mới hiểu được nỗi xúc động rưng rưng của anh
khi nghe thấy tên gọi quê hương mình
dạt lùa trong một không gian đẫm mù sương muối
át cả trăm ngàn tiếng động cơ máy nổ chung quanh
(Trích từ thơ Du Tử Lê 1967-1972, Nhân Chứng tái bản, Calif., 1982)
Cũng vậy, những bài thơ viết sau này, như Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển; Cuối Cùng, Cho Một Người Con Gái Mỹ,... là những bài thơ chất chứa tâm sự hoài cố hương và thân phận lưu đầy của kẻ xa quê cha đất tổ:
khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn
(Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển; trích đoạn.)
Du Tử Lê viết văn và làm nhiều thể loại thơ. Ông từng được trao giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc, bộ môn thơ năm 1973, đánh dấu sự thành công về sự nghiệp thi ca của ông.
Nhận xét về Du Tử Lê, Thi sĩ Nguyên Sa cho rằng:
Lê sáng lên với cả năm chữ, tám chữ, bảy chữ. Lục bát của Lê đã bước sang thời kỳ sau Huy Cận, tôi muốn gọi là vượt Huy Cận. (1).
Nhà văn Mai Thảo phát biểu:
Và tiếng thơ Du Tử Lê theo tôi là tiếng thơ vô địch. Hắn bỏ lại sau lưng những người cùng thời; trong sự bỏ lại đó, có cả tôi nữa. Tôi ví tiếng thơ Du Tử Lê là tiếng thơ Áo Vàng. Và ngôi vị vô địch của Du Tử Lê, tôi nghĩ khó ai có thể theo kịp hoặc thay thế nổi. (2)
Nhận định về Du Tử Lê, Bùi Bảo Trúc viết:
Ngoài Du Tử Lê với những cố gắng làm mới lục bát..., ở hải ngoại còn thấy Thi Vũ làm công việc đó. Nhưng Du Tử Lê vẫn là người ở lâu nhất, gần gũi nhất và có những đóng góp lớn nhất với lục bát. (3)
Theo tôi, Du Tử Lê không đem ngôn ngữ ra khủng bố như lời Paul Valéry. Ông đem chữ nghĩa ra đãi lọc như kẻ tìm vàng và gọt tỉa, gán, ghép, ngôn từ như người chơi hoa nâng niu thủy tiên mỗi độ xuân về. Động từ được dùng như tiếng trống thúc quân, hình dung từ mạnh bạo đi kèm như khí thế xuất trận ào ào của ba quân khiến cho người đọc choáng, ngộp với những hình tượng trong thơ. Trừu tượng và cụ thể sánh đôi trong câu thơ khiến cho người đọc bắt gặp ngay những điều nhà thơ muốn so sánh.
Ngắt lại nhịp đi của thơ chưa đủ, Du Tử Lê còn đổi cả những thanh âm đều đặn của lục bát để thơ có nhạc điệu tân kỳ. Bài Cuối 66 là thử nghiệm đầu tiên. Dù bài thơ không được đón nhận, Du Tử Lê vẫn tiếp tục đi tới. Cho tới nay, sau hơn 30 năm đằng đẵng, cuộc cách tân lục bát của ông, đã được đón nhận với hảo ý. Nhưng Du Tử Lê không dừng ở đây. Ông đem ngôn ngữ và ký hiệu của điện toán để hoán chuyển vị trí của từ ngữ trong thơ.
Nỗ lực này nhằm mời mọc người đọc cộng hưởng sáng tác. Trong lãnh vực này Du Tử Lê không làm đỏm và cũng không lập dị. Với chỗ đứng đã định hình trong văn học, ông không phải lập dị. Cho nên, dù thành công hay thất bại, được đón nhận hay không, cố gắng phát triển và làm giầu cho văn chương Việt Nam nơi ông, đáng và cần được ghi nhận với nhiều khích lệ. (4)
Chúng ta sẽ thiếu sót nếu nói tới thơ Du Tử Lê mà không nói tới sự kiện thơ ông được dùng để giảng dạy tại một số đại học ở Hoa Kỳ và Âu Châu. Năm ngoái, trong Tháng Di Sản Văn Hóa Á Châu, thơ Du Tử Lê cũng đã được chọn để đọc chung với thơ của Tagore, Lý Bạch, Basò, và ông là người duy nhất có thơ được chọn đọc khi còn tại thế.
Cuộc đời Du Tử Lê là những chuỗi thời gian được vá víu vào nhau để đuổi bắt cái hạnh phúc đã ngoảnh mặt, quay lưng nhưng vẫn còn thoi thóp trong tâm hồn ông.
Mất cha, mất anh từ thơ ấu, cậu út Du Tử Lê sống gần mẹ và chị. Do thể chất yếu đuối và được nuông chiều hết mực, theo tác giả Lê Vương Ngọc, ông bị ảnh hưởng sâu đậm bản chất nữ tính trong ý thức và vô thức”. (5) Đây cũng là một trong những lý do giải thích nếp sống phóng túng của Du Tử Lê.
Nhưng dù ở bất cứ nơi nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời điểm nào, hình ảnh người mẹ vẫn ngự trị trong tâm hồn Du Tử Lê. Một hình ảnh được sùng bái, được tôn thờ như một thần tượng mà không sức mạnh nào có thể di chuyển nổi dù từ mẫu còn tại thế hay đã: chiếc nhau tôi lạnh phía đời bên kia.
Về tình duyên trong thơ Du Tử Lê không có cái vẻ bẽn lẽn như Nguyễn Bính mô tả:
em nghe hàng xóm phong phanh
hình như họ biết chúng mình... với nhau
Cũng không có dáng điệu si ngây như Huy Cận:
một hôm trận gió tình yêu tới
đứng ngẩn trông với áo tiểu thư
mà mang máng như nỗi đau của Hàn Mặc Tử:
người đi một nửa hồn tôi chết
một nửa hồn kia bỗng dại khờ.
Khởi đi từ những cuộc tình vụng dại, đam mê, cuồng nhiệt, đảo điên và chấp nối, cuộc đời người họ Lê đi từ đổ vỡ này đến tan hoang khác. Nỗi đau Du Tử Lê, do đó, trở nên đa diện bởi vì mỗi người tình có một tầm vóc riêng, một sắc thái dị biệt, và một chỗ đứng ẩn hiện trong thi ca tùy thuộc vào tác động tình cảm nặng nhẹ hoặc không đáng kể trong thời gian chung sống với nhà thơ.
Vừa mới giải quyết ổn thỏa rắc rối tình cảm với một cô gái Tàu, Du Tử Lê quyết định chung sống với thiếu nữ nhỏ tuổi vào đầu thập niên 60, chỉ vì một câu trả lời sẽ rán chịu rất tội nghiệp, nếu cô ta bị bỏ rơi trong lúc thai nghén. (6)
Là nhà thơ, dĩ nhiên, Du Tử Lê sống bằng cảm giác nhiều hơn lý trí. Vì vậy, chúng ta vẫn còn được thưởng thức những vần thơ hay.
Mối tình đầu với Huyền Châu manh nha từ thuở Du Tử Lê còn là học trò đang đậm đà, say đắm với mộng ước tương lai bỗng nhiên vỡ vụn. Những chiều mưa Saigòn, trần mây thấp, tâm hồn Lê ướt sũng nhớ thương:
em có còn đó không
khi ngày mưa trở lại
lúc cuộc tình đã qua
những ngày mưa bẻ gập đời anh xuống thấp
cho nỗi buồn mưng lên
chín trên từng ngọn cỏ
khi ánh sáng tình em
phút tình cờ bỗng tắt
đời nhạt nhẽo liếm môi mình cũng nhạt
tóc trên đầu vẫn từng sợi riêng tây
em phải nhớ dùm anh
lệ không chảy
dù tim ứa tràn máu mặn
hồn không tan vì đeo đá đau thương
(Trong Tay Gõ Cửa Đời,
Nguyễn Đình Vượng ấn hành, Saigòn, 1967.)
Những đoạn tuyệt đã thành dấu ấn, đôi mắt người tình lạnh lùng, dửng dưng, xa cách như chưa bao giờ gặp nhau. Trở về Bến Chương Dương, chỗ ngồi bên bờ sông còn ấm dấu tích, nhưng người xưa đã bỏ đi, chỉ còn âm thanh của sóng vỗ và những ngậm ngùi. Bài thơ này có tựa là: 68 hạnh phúc thêm cho huyền châu. Khi phổ nhạc, Từ Công Phụng đề nghị chọn một nhan đề khác, cho bớt riêng tư. Du Tử Lê đặt lại tựa mới: Trên Ngọn Tình Sầu. Những bài thơ khác như Cánh Buồm Đen, Thư Cho Em,... Du Tử Lê sáng tác nhiều năm trước đấy, trong ám ảnh về mối tình này.
Phục vụ trong ngành truyền thông, Du Tử Lê di chuyển nhiều, giao du rộng, và là chứng nhân của những trận chiến khốc liệt tại Việt Nam. Đồng thời, những mối tình nho nhỏ ở những nơi ông đặt chân tới lại được dịp nẩy sinh.
Theo Thi sĩ Nguyên Sa thì: Thời kỳ Thục Ngạn và thời kỳ Thụy Châu của Du Tử Lê và của đời Du Tử Lê thật khó phân định. (7) Lý do cũng giản dị và dễ hiểu thôi: Nhà thơ biến thành điệp viên nhị trùng với hành tung bí ẩn đi, về hai nơi. Từ năm 1970, Du Tử Lê sống chung chính thức với Thụy Châu cho tới khi miền Nam sụp đổ. Di tản một mình, không do chủ định, Du Tử Lê gặp lại Thục Ngạn ở trại tỵ nạn Pendleton. Biết nhau từ đầu thập niên 1970, Du Tử Lê xuất trại cùng Thục Ngạn. Rồi Thụy Châu đoàn tụ với Du Tử Lê. Thục Ngạn bỏ đi...
Du Tử Lê viết Kiếp Sau Xin Giữ Lại Đời Cho Nhau (còn được biết tới dưới nhan đề: Ơn Em, qua nhạc phẩm do Từ Công Phụng phổ nhạc,) và Khúc Thụy Du..., cho Thụy Châu; và K.Khúc của Lê cho Thục Ngạn.
Cuộc tình Du Tử Lê với một ca sĩ nổ tung như một hỏa diệm sơn. Phún xuất thạch sau đó nguội dần và trở thành chất liệu tốt trong vườn thơ Du Tử Lê vốn đã từ lâu phong phú.
Quen nhau bên bờ Sông Hương, Núi Ngự vào thập niên 70, lạc nhau từ độ biến cố tháng tư đen, cô sinh viên người Huế mang tên Hạnh Tuyền, trong gần hai chục năm trời mỗi ngày vẫn tựa cửa đợi người đưa thư, sau khoảng 7, 8 năm đầu hàng năm đã chọn ngày 30 tháng 4 làm ngày giỗ cho Du Tử Lê. Sau khi đoàn tụ với người tình, mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, mắt nhà thơ cay cay như... con tắc kè say khói thuốc lào!!!
Du Tử Lê đi tìm hình bóng mẹ qua những người tình, qua những cuộc tình. Những người đàn bà đã đi ngang, đã tạm trú hay ở lại trong đời Du Tử Lê đã đem hương sắc lại cho thi nhân, cho thơ. Đời sống Du Tử Lê là những vở kịch thơ kết nối lại thành một chuỗi dài. Thơ và Người cùng hợp xướng những khúc ca trác tuyệt cho nhân gian.
NGUYỄN ANH VĂN
(Tuần báo Phố Nhỏ, số 459, June 6, 1997)
(1) Nguyên Sa: Trên Ngọn Tình Sầu, Tạp chí Thế Kỷ 21, số 29, tháng 9, 1991.
(2) Mai Thảo: Thơ Du Tử Lê bây giờ, hội quán Tao Nhân ngày 30 tháng 1, 1994; Nhật báo Người Việt, số 2979 ngày 2 tháng 2, 1994.
(3) Bùi Bảo Trúc: Lục Bát và Những Đóng Góp của Du Tử Lê; Tạp chí Thế Kỷ 21, số 44, tháng 12, 1993.
(4) Tuần báo Người Việt Tây Bắc, số đề ngày 17 tháng 2, 1996.
(5) Lê Vương Ngọc: Những ngày thơ ấu của Du Tử Lê; Du Tử Lê: Tác Giả và Tác Phẩm, Nhà xuất bản Đời, Calif., 1992.
(6) Lê Vương Ngọc: sđd.
(7) Nguyên Sa: sđd.