Đọc thơ, theo tôi, hoàn toàn khác với đọc truyện, đọc tiểu thuyết. Một truyện, dù là truyện ngắn, một cuốn tiểu thuyết, dù là tiểu thuyết khoa học giả tưởng, thì cốt lõi của nó, cũng có một chủ đề, một cốt truyện để ta theo dõi. Còn thơ, trừ những cuốn truyện kể bằng văn vần, những vở kịch viết bằng văn vần mà ta gọi là kịch thơ, thì mỗi bài thơ dù dài, dù ngắn, là những biểu lộ tình cảm phức tạp, muôn mầu, muôn vẻ của người làm thơ. Mỗi cuốn thơ lại là một tập thơ của nhiều bài thơ. Cho nên, giới thiệu một cuốn truyện, một cuốn tiểu thuyết, chỉ đòi hỏi nơi tôi thì giờ để đọc và nắm vững chủ đề, cốt truyện, một số điểm căn bản trong nghệ thuật diễn tả cốt truyện, một số ẩn ý tác giả không viết rõ ra vì lý do này, hay vì lý do khác, một số tác dụng khách quan của tác phẩm đến người đọc -những tác dụng ngoài ý muốn của tác giả, đôi khi ngược với ý muốn của tác giả nữa. Nhưng khi giới thiệu một tập thơm dù tôi đã cố hết sức để hiểu xem trong mỗi bài thơ tác giả muốn nói gì, có chủ đề gì nối kết những bài thơ này với nhau trong tập thơ không, nghệ thuật sáng tạo của tác giả có điểm gì đặc biệt, giữa những hàng chữ, với những cái chấm, cái phẩy, những chỗ qua hàng (xuống dòng) tác giả muốn diễn ý gì, tôi phải thú thực rằng nhiều khi bị bế tắc. Cái “bất túc” của kiến thức, cái chai lỳ của tình cảm, cái thói quen thích ứng với đời sống duy lý nơi tạm dung, và có thể nói thêm, cái thì giờ ít ỏi mà tôi có sau những buổi làm việc, là những lý do đưa đến sự bế tắc đó.
Ngày xưa, khi đứng trên bục giảng để giảng cho học trò, phần lớn về văn thơ cổ, có cả những bài được gọi là thơ mới, một cái mới đầy rụt rè của thời tiền chiến, những người làm nghề dạy học chúng tôi không phải động não dữ dội như ngày nay khi phải giới thiệu một tập thơ.
Các cụ ta, các bậc tiền bối trong nền văn thơ chữ quốc ngữ, dù ảnh hưởng Tầu hay Tây, vẫn theo một số quy luật, công thức của nghệ thuật và bị ràng buộc, giới hạn tư tưởng, tình cảm có tính cách cổ điển. Phá công thức, linh động hóa những quy luật, tự do sáng tạo, và rất riêng tư là những đặc điểm của thơ Du Tử Lê.
Tuy vậy, Du Tử Lê đã không tự cắt đứt mình với dòng sống chung của loài người, của dân tộc. Du Tử Lê đã không “bình cũ rượu mới” hay “rượu cũ bình mới”, thơ của Du Tử Lê thuộc loại “bình mới mà rượu cũng mới”, nhưng đó là cái mới nối tiếp những tinh túy, tốt đẹp, thăng hoa của cái cũ chứ không cắt đứt hoàn toàn với cái cũ. Chính vì vậy mà thơ của Du Tử Lê được ưa thích, được phổ biến rộng rãi, mặc dù không phải là loại thơ dễ hiểu, dễ cảm.
Sự dễ hiểu, dễ cảm, mộc mạc có cái đẹp riêng. Giá trị của ca dao, của thơ Nguyễn Bính v.v... là một điều không ai có thể chối cãi. Nhưng, không phải vì công nhận giá trị này rồi không còn thấy bất cứ cái gì khác có giá trị nữa.
Trong thơ Du Tử Lê, cái mới nhất, theo tôi, là những từ ngữ, hình ảnh mang đầy tính chất sáng tạo và riêng tư của anh. Đây là phần khiến cho chúng ta có cảm tưởng thích thú nhất, nhưng đồng thời cũng là điều khiến chúng ta “vỡ đầu” nhất, và đôi khi có thể ngăn cản thơ Du Tử Lê tới với một số người yêu thơ, nhất là những người trẻ yêu thơ trong giới trẻ hiện nay ở hải ngoại.
Du Tử Lê làm thơ tình, tình yêu xứ sở quê hương, yêu bạn bè, thân quyến, tình yêu trai gái, tình yêu từ mẫu... Làm thơ để bộc lộ tình cảm của mình, trước hết cho mình, kế đến mới cho người, cho nên, Du Tử Lê rất tự do trong sự lựa chọn đề tài, thể cách, nhịp điệu, ngôn từ.
Trong thơ tình của Du Tử Lê cũng có rung động nhẹ nhàng hay mãnh liệt, cũng có nhớ nhung thoáng qua hay thiết tha, ray rứt, cũng có hứa hẹn, hy vọng, cũng có giận hờn, oán trách, và, cũng tràn ngập những đau thương. Người yêu của nhà thơ khi thì là Bồ Tát, khi biến thành Thánh Nữ, điều này đâu có quan trọng. Điều quan trọng là cả Bồ Tát lẫn Thánh Nữ đều phải hành xử như một Từ Mẫu. Không phải từ mẫu cho những đứa con của nhà thơ, mà là từ mẫu của chính nhà thơ.
Nhìn cái bề ngoài có vẻ bất cần đời của nhà thơ, nhìn vào nếp sống tình cảm, nếp sống gia đình, có vẻ bất cần dư luận, nhiều người chắc nghĩ Du Tử Lê phải là một người hướng nội mãnh liệt. Sự thực theo tôi nghĩ, sau khi nghiền ngẫm, tìm hiểu những bài thơ của anh, có lẽ là trái lại. Điều tôi nghĩ về Du Tử Lê có thể không đúng, nhưng qua thơ anh, tôi vẫn thấy anh là người hướng ngoại. Du Tử Lê không thể sống không có bạn bè, không có người yêu. Du Tử Lê thèm khát và chỉ cảm thấy có hạnh phúc khi được thương mến, vỗ về, săn sóc. Người yêu của Du Tử Lê phải đồng thời là một từ mẫu, bởi vậy phải tràn đầy mẫu tính. Một hôm, tôi gọi điện thoại cho Du Tử Lê cốt để giải tỏa một thắc mắc trong lúc sửa soạn bài giới thiệu anh với bạn bè, thân hữu tại Houston. Tôi hỏi Du Tử Lê:
“Này ông, bà cụ mất lâu chưa, sao trong thơ của ông tôi thấy hình ảnh của bà cụ còn rất lớn lao, kể cả khi tôi thấy ông nói về người yêu. Cái giọng hờn dỗi, oán trách của ông, ẩn dưới những lời kể lể, than vãn, hay thái độ tự tồn, tự tại, với bạn bè, hay người yêu dường như là giọng điệu, thái độ làm nũng, hờn dỗi với mẹ hiền...”
Thật sự cho đến khi Du Tử Lê xác nhận với tôi những nhận xét của tôi là đúng, và nghĩ tôi đã dùng phân tâm học để giải thích thơ của anh, những điều tôi hỏi anh vẫn chỉ là những cảm tưởng, mặc dù khá đậm đặc, rõ nét, nhưng thiếu một chứng minh cần thiết. Tôi cũng chẳng biết Du Tử Lê vốn là cậu út được cưng chiều. Tôi còn hỏi anh trong cú điện thoại vừa kể, và được xác nhận là, dù anh có gọi người yêu của anh là Thánh Nữ, dù anh có nói đến thập tự giá, đến Chúa, đến Đức Mẹ, nhưng giáo lý thấm vào hồn, vào tim anh là Phật giáo. “Đi Với Về Cũng Một Nghĩa Như Nhau” chỉ riêng tựa đề cuốn thơ đã nói lên điều này.
Nếu ta bắt đầu từ “Thơ Tình”, rồi qua “Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu” đến “Đi Với Về Cũng Một Nghĩa Như Nhau”, ta thấy rõ rệt tác giả đã đi từ “bờ mê” đến “bến giác”, từ chỗ “vô minh” đến chỗ “giác ngộ”. Nhưng, đó là qua đề tài những cuốn thơ mà tác giả xuất bản từ năm 1984 đến nay.
Đọc vào nội dung những bài thơ trong cuốn mới nhất, tôi thấy công cuộc giác ngộ “tịnh hóa” bản thân của tác giả hãy còn nằm trong giới hạn của bước khởi đầu. Bởi theo tôi, việc theo đạo Phật không chỉ ở việc thuộc và giảng được kinh, ở việc đi chùa, ăn chay, mà ở việc “tịnh hóa bản thân”, nghĩa là làm cho chính bản thân mình trở lại được trạng thái quân bình, trạng thái tĩnh, tịnh. Hãy đọc “Hiến Chương Tình Yêu Ngày 14-2”, với 9 điều hứa hẹn, hãy đọc “Ngọc Thi” với 8 điều “cho tôi”, rồi... đây “Buổi sáng thở cùng tôi hơi hướm mẹ” với:
vực thương nhớ thẳm sâu tôi réo gọi
em đôi bờ nhật nguyệt có rưng rưng
trưa thả tóc xuống lòng chiều bối rối
vai tôi đây. Xin đón nhận Tin Mừng
“như dấu ấn đóng trên vầng trán, tối
thơ tôi buồn từ thuở nắng mưa, sang
chim có trời với đất, rất thênh thang
tôi chẳng có một chốn nào để ở”
Và:
“buổi sáng thở cùng tôi hơi hướm mẹ
thở cùng tôi mùi áo cũ, xa xôi
em và mẹ tôi và tôi là... một nhé
dấu yêu ơi! phải tôi đã điên rồi?”
Không tác giả không điên, tác giả đang tiến đến bờ giác, đến “phá chấp triệt để” để nhận thức được tính nhất nguyên, sự mâu thuẫn thống nhất thường hằng của vũ trụ. Sắc tức thị không, không tức thị sắc, khứ tức thị lai, lai tức thị khứ, và tôi, và em, và mẹ vốn là một từ thủy đến chung, chỉ có sự nhầm lẫn, sự vô minh khiến ta phân biệt đấy chứ.
“Bay Suốt Đời Chưa Thấy Được Mình” một bài thơ khác trong phần thứ hai, cũng chứa đầy những dấu hỏi, những thôi thúc nội tâm về một nhu cầu tự giác.
Tôi thì tôi không tin và cũng không muốn tác giả tự giác triệt để, vì nếu như vậy thì còn đâu những cảm xúc sôi động để tạo nên những vần thơ tình bất hủ Du Tử Lê.
Một hôm, giờ nghỉ, ngồi trong sở, tôi đọc cho một người bạn trẻ cùng sở, một đoạn thơ Du Tử Lê. Nghe xong người bạn này nói với tôi: “Chú chép cho cháu bài thơ đó để cháu phổ nhạc, cháu chẳng hiểu ông ấy nói gì nhưng nghe chú đọc cháu thấy “phê” lắm.”
Sự kiện tình cờ này đã khiến tôi chứng thực được với mình một điều mà trước đó tôi vẫn chưa chắc chắn. Đó là, khi đọc thơ Du Tử Lê, nhiều khi vì tác giả muốn sử dụng một kỹ thuật mới, nhiều khi vì tác giả muốn ý thơ cô đọng, tác giả đã có một cách chấm câu rất đặc biệt. Muốn hiểu những câu thơ này không phải dễ dàng. Nhưng nếu ta tạm gác một bên nhu cầu “hiểu” để thử quen đi với những dấu chấm, dấu phẩy, đọc thơ Du Tử Lê với toàn câu, theo nhịp thơ lục bát, thất ngôn, ta vẫn cảm được thơ anh.
Âm điệu thơ Du Tử Lê, theo tôi, có lẽ là một lý do quan trọng dẫn đến việc thơ anh được các nhạc sĩ phổ nhạc, bên cạnh xúc cảm mãnh liệt mà thơ anh đã gây được trong người đọc qua hình tượng nghệ thuật, ngôn ngữ...
Nhiều nhà thơ cổ đã lưu danh chỉ nhờ một bài thơ, có thể chỉ một bài ngũ ngôn tứ tuyệt. Mỗi người trong chúng ta lại có một cách thưởng thức, đánh giá thi ca riêng, nhưng dù thưởng thức, đánh giá thi ca theo cách nào thì tôi cũng tin rằng mỗi người chúng ta đều tìm được nhiều bài, nhiều câu trong gần 200 trang thơ này những rung động do tác giả truyền tới, những điều muốn nói được tác giả nói hộ một cách chính xác, nghệ thuật.
Trước khi chấm dứt bài viết này, tôi xin mời bạn đọc đọc bài “Hành Nước Non”* tác giả viết cách đây trên hai năm. Hai năm trước và bây giờ, tôi chắc chắn tư tưởng cũng như tình cảm của tác giả đã có biến chuyển, và xúc cảm tác giả muốn truyền đến người đọc qua “Hành Nước Non” nếu viết lại cũng sẽ khác, từ đó ta nhầm cảm cái “vô thường” của cuộc đời, để vứt bỏ cái lăng kính “hữu thường” đầy khuôn mẫu, thành kiến, kết luận, nhìn cuộc đời chung quanh.