Khánh Trường - nghĩ rời, khởi từ ở chỗ nhân gian không thể hiểu

15 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 3648)
Khánh Trường - nghĩ rời, khởi từ ở chỗ nhân gian không thể hiểu

Hạ Lào, 1970,

Kéo tấm chăn bằng nỉ mỏng phủ kín ngực. Vẫn lạnh. Hơi lạnh từ đất bốc lên, thẩm thấu qua lớp nylon của chiếc võng cá nhân, nhức tê cột sống; hơi lạnh từ núi rừng trùng điệp bên ngoài lùa qua lỗ châu mai, buốt cóng da mặt. Một trái hỏa châu từ Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn phóng lên, nổ bung, ánh sáng chập chờn tỏa rộng, phủ chụp lên cánh rừng âm u bọc quanh chân đồi, ngọn đồi thoai thoải đã được khai quang trống lốc. Từ lưng chừng đồi bên ngoài giao thông hào, là lớp kẽm gia chằng chịt, ngang dọc, đan thành mắt lưới thấp lè tè sát mặt dất. Trái hỏa châu thấp dần, thấp dần..., rồi tắt ngấm trong trùng điệp của rừng. Cảnh vật lại chìm vội vào màu đêm. Trăng hạ tuần mù trong sương, ánh sáng yếu ớt không soi nổi vào căn hầm thăm thẳm đặc quánh mực xạ. Góc hầm, người lính truyền tin chốc chốc trở mình sột soạt. Đêm hun hút. Tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng cú rúc, tiếng đại bác cầm canh dội âm trong không gian. Người Trung sĩ đốc canh đi ngang qua bên ngoài, báng súng đập vào giây nịt đạn kêu lách cách. Tôi đưa tay xem đồng hồ, cây kim ngắn dạ quang sáng lóa sắp vượt qua con số hai. Lại một ca gác mới.

Vẫn không thể ngủ.

Buổi chiều, khi trở lại căn cứ sau một ngày sục sạo chung quanh khu vực đóng quân. Rã rời. Tưởng sẽ nằm xuống là có thể ngủ được ngay. Nhưng lá thư của Th. từ hậu cứ chuyển lên theo chuyến tiếp tế lương thực ban sáng, do người Thượng sĩ Thường vụ trao lại, đã đẩy tôi vào tình trạng thức tỉnh hoang mang. Th. trốn gia đình vào Nam tìm tôi. Mười tám tuổi, tình yêu đầu, đam mê và liều lĩnh! Nàng đang ra sao? Đất lạ, quê người, tuổi đời non yếu, bất trắc nào sẽ đến với nàng? Mảnh giấy nhỏ của người bạn: Cô ấy đang ở nhà tôi. Bình yên mọi mặt. Bạn yên tâm. Làm sao có thể yên tâm khi tôi đang ở đây, cách Saigòn trên một nghìn cây số, giữa rừng núi điệp trùng. Cuộc hành quân chỉ mới ở giai đoạn đầu. Nếu mọi chuyện êm ả, cũng phải ít nhất ba tháng nữa chúng tôi mới trở lại hậu cứ. Ba tháng, chín mươi ngày... đâu phải một giờ, một khắc! Tôi thật không ngờ! Người con gái nhút nhát, chỉ một cái nắm tay đã run. Người con gái yêu văn chương, thuộc thơ hơn thuộc bài... Người con gái, trong bất cứ lá thư nào cho tôi cũng chép nguyên một bài thơ, hay ít nhất cũng một vài câu, vài đoạn của một thi sĩ nào đó. Lá thư chiều nay, là hai câu thơ của Du Tử Lê: 

 tình muôn thuở nên suốt đời vẫn mới
 môi đam mê nên vẫn nụ hôn đầu. 

Người con gái tưởng chừng như lau sậy, có thể ngã rập bất cứ lúc nào, dưới một con gió lớn, đã vượt ra khỏi vòng lễ giáo của gia đình, phó thác bản thân cho rủi may, để ru mình vào một tình yêu đầy bất trắc...

Làm sao tôi có thể yên tâm?

Gần hai mươi năm trôi qua. Người con gái đó, bây giờ, đã có với tôi ba đứa con, đã là người đàn bà nhận chịu bao nhiêu cơ cực thăng trầm, nhưng luôn luôn, và mãi mãi, vẫn là người vợ thủy chung, vẫn là tình muôn thuở nên suốt đời vẫn mới / môi đam mê nên vẫn nụ hôn đầu.

Hai câu thơ của thi sĩ Du Tử Lê, biết đâu đã góp thêm chút lửa cho ngọn đuốc tình kia còn rực rỡ cháy?

Nhưng Du Tử Lê, ông ấy là ai? Nghe nói đang làm việc tại Cục Tâm Lý Chiến. Nghe nói là một tay rong chơi mê đắm trong tình trường. Nghe nói đã có nhiều người nữ đi qua đời ông. Những người nữ yêu chữ nghĩa. Những người nữ yêu thi ca. Những người nữ xem mộng mơ là lẽ sống còn. Tập thơ thứ nhất Đời Mãi Ở Phương Đông, dường như đã nằm trong ba lô tôi trong suốt một thời gian dài. Tôi mê thơ, bên cạnh những ngông nghênh ngạo ngược của Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, những băn khoan về thân phận, về đất nước, về tuổi trẻ... trong chiến tranh của Nguyễn Bắc Sơn, Cao Thọai Châu, Phù Hư, Lâm Chương, Lâm Hảo Dũng, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Quốc Thái, Dương Phù Sao..., bao giờ thơ tình của Du Tử Lê cũng chiếm cứ một vị trí quan trọng trong trái tim tôi. Có thể nói không ngoa, những bài thơ đó, một phần nào, đã vun bồi cho tình yêu tôi, đã mở ra cho tôi những cửa khác. Những cánh cửa dẫn về miền vĩnh củu ngan ngát hương hoa. Bao nhiêu đêm, từ vùng hành quân trở về, trên cánh tay tôi là mái tóc dài óng mượt của Th., là hai vành tai mở rộng đón nghe, tôi đã đọc, đã ngâm những bài thơ mới nhất vừa được khai sinh từ Sứ Giả của Tình Yêu này. Nàng nghe, say sưa. Nàng nghe, như uống từng chữ, từng dòng. Nàng nghe, và với nụ cười phảng phất trên môi, bình yên trôi vào giấc ngủ. 

Tôi thầm mong một ngày nào, cơ duyên đưa đẩy sẽ được gặp tác giả.

Nhìn xuống bãi cát vàng co dãn bởi những con sóng trắng xóa ngoài đại dương cuốn vào, rút ra từ mỏm núi, vào những buổi chiều, là thói quen gần như đã thành nếp trong suốt gần ba tháng tạm cư ở đảo. Và gần như không sót chiều nào, qua chiếc loa phóng thanh đặt tại văn phòng trại, những bài hát từ lâu không còn được nghe, những bài hát của một thời, đã được phát ra bềnh bồng giữa không gian lồng lộng, khuất chìm vào tiếng sóng âm âm. Trong số đó, một nhạc phẩm của Từ Công Phụng phổ thơ Du Tử Lê đã bao lần làm chúng tôi quặn xót ruột gan. Từng dòng nhạc, từng lời thơ chảy trong huyết quản tôi, gợi nhớ xót xa người con gái thuộc thơ hơn thuộc bài, người đàn bà đầu gối tay ấp bao nhiêu năm: 

 Hạnh phúc tôi...Hạnh phúc tôi... 

Hạnh phúc đó bây giờ đã xa, tít tắp trong mù, ở phía bên kia mạt biển thẫm xanh, ở lại với bao nhiêu lo toan cho người chồng ra đi không biết sống chết thế nào. Ở lại với những đứa con đã bắt đầu khôn lớn mà sinh kế thì vật vã lao đao. Ở lại với chờ đợi mòn mỏi. Ở lại như bày sẻ cũ hom hem giữa bão giông cuộc đời. 

 Hạnh phúc tôi... Hạnh phúc tôi... 

Đó không là thơ? 

Đó là tiếng gào tuyệt vọng của kỷ niệm! Tiếng gào dựng lên, dựng lại cổng trường Phan Chu Trinh. Những hàng phượng thưa lá không đủ bóng mát. Những trái phượng dài ngoằng như kiếm. Đại lộ Thống Nhất với hai hàng kiền kiền cao vút, dập dìu áo trắng sau giờ tan học. Trong rừng áo trắng đó, có Th.: con chim trắng nhỏ mang đôi cánh xanh mùa đông, như thơ của Nguyễn Nho Sa Mạc, tặng nàng. Có tôi, từ Bao Vinh, vùng hành quân của đơn vị, hai tay trái M.26, lội qua sông, tìm ra quốc lộ, đón xe vượt đèo Hải Vân, trốn chui trốn nhủi bao nhiêu trạm Quân Cảnh để chỉ vào được Đà Nẵng, đứng trước cổng trường phì phèo thuốc lá nhìn Th. thướt tha với cặp sách ôm trước ngực, ríu rít cùng bạn bè... Chỉ như thế rồi lại vội vã lên xẻ đò trở về đơn vị, nghênh ngang trình diện Tiểu đoàn trưởng: bỏ nhiệm sở trong lúc hành quân. Trọng tội. Hai mươi ngày trọng cấm. Ký ngay. Không thắc mắc khiếu nại. Đáng tội là cái chắc. Binh nghiệp coi mòi không khá! Cũng chẳng sao. Tôi đâu có ý định tiến thân bằng đường kiếm cung. Vả lại, cái giá phải trả cho một vài phút đắm say, như thế, đâu phải là đắt? Ông Du Tử Lê mang cả cuộc đời mấy mươi năm thành bại để trả, còn được kia mà. 

 Hạnh phúc tôi... Hạnh phúc tôi... 

Căn phòng nhỏ thấp hơn mặt lộ dễ có gần nửa thước, tiền thân là một...chuồng heo, chủ nhà sửa lại thành phòng để cho thuê. Căn phòng chỉ vừa đủ để kê một chiếc giường, một kệ gỗ làm chỗ nấu nướng, một giá sách máng trên tường, một giá vẽ dựng trong góc, nơi nhiều ánh sáng nhất, thứ ánh sáng bần tiện hắt dội vào phòng từ đường hành lanh tối tăm chạy dọc bên hông nhà chủ, qua khung cửa sổ chấn song lỏng lẻo, chỉ được đóng lại hoặc mở ra bằng một tấm nylon giăng ngang phía trên. Tấm nylon dãi dầu bao nhiêu năm tháng, màu xanh dã ngả thành màu xám bẩn, rách nát, te tua. Căn phòng vào mùa đông, nước mưa từ cống thoát nước ngoài con hẻm chạy không kịp, tràn vào, như thác, ngập mấp mé đầu gối. Muốn ra ngoài, phải nhún nhẩy trên một tấm ván dài bắc từ thành giường tới bậu cửa! Mưa dứt, là lập tức hì hục dùng thau, dùng nồi cong lưng tát... Căn phòng đó, căn phòng ba năm đầu tiên của vợ chồng, ở xóm Đạo Tân Việt, khốn khó là thế, nhưng vẫn chưa bao giờ thiếu vắng tiếng cười, vẫn ăm ắp hạnh phúc tôi. 

 Hạnh phúc tôi... Hạnh phúc tôi... 

Chiếc xe lăn cọc cạch, gò bụng Th. căng cao, bốn vách tường nhà hộ sinh lạnh lẽo, tiếng quạt trần quay nhanh trên đầu...Tiếng khóc sơ sinh... Con trai đầu lòng. Lần bị thương sau cùng, từ giã vũ khí!

Những ngày dài lang thang trong thành phố... Bắt đầu những ngày khốn đốn áo cơm, bắt đầu những ngày những bữa ăn rau mắm... Và lại tiếng khóc sơ sinh, rồi lại tiếng khóc sơ sinh... Mái tóc xanh óng mượt ngày nào bắt đầu còi cọc, đôi má hóp, hố mắt trũng sâu, hai bàn tay xương đã cụt ngủn những móng dài, lược gương son phấn xếp xó từ lâu. Con chim trắng nhỏ mang đôi cánh mùa đông đã trở thành con gà mái rũ rượi ướt mưa... Không phải sức tàn phá thô bạo của thời gian, mà chỉ là tấm lòng của một người mẹ với con, một người vợ với chồng. Tấm lòng đó, giữa lao đao cơm áo, còn cần gì má phấn môi son? Nhưng đêm đêm, trên cánh tay tôi vẫn là đôi vành tai mở rộng, lắng nghe và ngày ngày, trên khung bố góc phòng vẫn bàng bạc với thơ, là những tảng màu tươi rói. 

 Hạnh phúc tôi... Hạnh phúc tôi... 

Khung cửa sổ nhìn ra bờ tường vàng bẩn nham nhở. Những nụ hoa mười giờ. Mái ngói nâu thẫm phía xa. Tàng cây trứng ca xanh mướt lấm tấm trái đỏ... Anh nhớ viết thư ngay cho mẹ con em khi đến được... Th. không dám dùng chữ nếu. Lẽ ra phải, nếu đến được mới hợp lý chứ. Nàng sợ. Nàng muốn khẳng định một điều: sẽ không thể có thất bại. Canh bạc tử sinh. Ván bài cuối. Trò chơi đen đỏ mà láng tẩy là sinh mệnh của chồng, an nguy của vợ con. Một canh bạc không được phép thua, không thể nào thua. Sau tháng 4-75, bao nhiêu canh bạc như thế đã bày ra, cho bao nhiêu gia đình. à bao nhiêu người đã thắng (thực sự thắng không?) Và bao nhiêu người đã thua? Cho dến ngày hôm nay, bước đi tàn nhẫn của l;ịch sử vẫn tiếp tục không ngừng! Cho đến ngày hôm nay tôi vẫn xót xa tự hỏi, có thực sự cần thiết để chọn cho mình, cho vợ con một định mệnh đòi đoạn, chia tan như thế? Nửa vòng địa cầu, một đại dương dầy phản trắc, làm sao ngờ được giữa khoảng không gian và thời gian thăm thẳm đó, cái gì đã xẩy ra và sẽ xẩy ra ngày mai, ngày mốt, tuần sau, tháng tới? Tôi biết, sẽ chẳng còn cơ hội nào sống lái cái hạnh phúc tôi đã thực sự vùi sâu dưới lớp lớp địa tầng dĩ vãng. Tôi cũng biết thêm, sẽ đầy dẫy bất trắc tai ương cái hạnh phúc tôi bây giờ và mai sau. Kinh nghiệm này, tôi nghĩ, không ai bằng Du Tử Lê, cảm thụ tron vẹn hơn. Sự phân ly của tôi, của chúng ta, một phần nào, bắt nguồn từ hoàn cảnh bên ngoài. Sự phân ly của Du Tử Lê do bản chất nhậy cảm và tài hoa, đã khởi di từ bên trong. Có thể nói, mỗi mối tình là một cuộc phân ly. Mỗi rung động mới là một khởi đầu chi tan tác cũ: 

 bạn bảo van tim tôi bị hở
 có lẽ. Nên dời mới lún sâu. 

Đó là con đường, là số phận của thisĩ, của những bậc tài hoa. Còn tôi? Cớ sao không thoát được cuộc phân ly này? 

 Hạnh phúc tôi... Hạnh phúc tôi... 

Du Tử Lê, ông ấy là ai? Sao định mệnh tôi cứ mãi gắn liền với những dòng thơ của ông ta? Nghe nói bây giờ đang ở tại Mỹ, ông mở quán cà phê. Nghe nói ông đang làm báo, và dĩ nhiên tiep tục làm thơ. Nghe nói đời sống ông đã có những đổi thay buồn thảm...

Tôi vẫn thầm mong một ngày nào, nếu có cơ duyên, sẽ được gặp ông. 

Quận Cam, 1987, 

Những ngày đâu tiên sống trên đất Mỹ, bơ vơ, lạc lõng, chưa biết phải an ở sinh sống như thế nào! Tháng tháng ngửa tay nhận những đồng tiền trợ cấp! Tủi nhục và buồn...Một người bạn làm báo tình cờ nhắc đến Du Tử Lê, tình cờ nói ông ấy cần người. lay out Lay out là công việc gì? Tôi hỏi. Người bạn giải thích sơ qua rồi kết luận: chỉ cần một chút khéo tay là OK. Để tôi giới thiệu... Tôi rất mừng. Thứ nhất, tránh được những ngày dài ăn không ngồi rồi, chờ cuối tháng lãnh tiền bố thí. Thứ hai công việc báo chí rất hợp với sở thích. Thứ ba điều mong ước từ nhiều năm qua đã có cơ duyên thành tựu. Như thế, qua người bạn, tôi đã gặp Du Tử Lê. Đã làm việc chung. Đã những sáng thức muộn. Đã cùng nhau bù khú, cà phê, thuốc lá dông dài đến xế chiều mới bắt tay vào việc. Đã những đêm thức trắng với giây bài lòng thòng còn ướt thuốc mà Du Tử Lê vừa chạy ra từ dàn computer. Đã những tháng mùa đông lạnh cóng, chiếc máy sưởi cá nhân không đủ hơi ấm cho căn phòng tiền thân là một garage, hoàn toàn thiếu mọi tiêu chuẩn bảo hộ. Đã khói thuốc mù mịt liên tu. Đã hamburger thay cơm nhiều bữa. Đã vất vả tăng trang khi có “mặt trận” mới. Đã mệt nhoài sụt trang khi thân chủ quảng cáo “nghỉ chơi.” Đã thấy làm báo ở hải ngoại, nếu không có một tấm lòng yêu mến tột cùng, người ta không thể nào đủ kiên nhẫn “ăn cơm nhà vác ngà voi” một cách bền bỉ bất tận như vậy được!

Sống gần Du Tử Lê, tôi có dịp hiểu thêm nhiều mặt khác của người thơ này. Nhậy cảm và chí tình với bạn bè. Đó là lý do khiến Du Tử Lê thường xuyên gây nên những trận bút chiến đã biến ông thành một người... đáng sợ! Sự thật tâm hồn ông như một sợi tơ mỏng, chỉ cần chạm nhẹ là đã rung. Dĩ nhiên, trong vô số những lần rung đó, có nhiều lần đúng, nhưng cũng không ít lần sai. Dù sai, dù đúng với Du Tử Lê, xong rồi là quên, là hết... Ngày mai, tuần sau, tháng sau, gặp nhau, lại cười...trừ. Lại bù khú cà phê thuốc lá. Và nếu cần lại đi chùa một cái quảng cáo. Rất trang trọng, rất đàng hoàng, rất tình nghĩa... Một điều nữa, tôicho là quan trọng nhất ở Du Tử Lê, đó là tấm lòng của ông với văn chương và chữ nghĩa. Chưa bao giờ tôi nghe Du Tử Lê chê bai, phê phán một đồng nghiệp nào, dù đó là những người đi trước, cùng thời, đi sau. Khám phá ra một tài năng mới, ông mừng như chính mình đã thành công. Một thi sĩ ngày nay đã thành danh, có kể cho tôi nghe về trường hợp của bản thân anh: Ngày còn ở đảo, anh có gửi cho Du Tử Lê một số thơ. Những bài thơ đó được đăng rất trang trọng, kèm theo báo biếu và thư riêng khích lệ hết lòng.

Đó là một trong những động cơ lớn giúp anh thêm tự tin khi chọn thi ca như một nghiệp dĩ. Tấm lòng đó, không chỉ với vị thi sĩ kia, mà còn với rất nhiều người khác.

Hết lòng với bạn bè, thủy chung với văn chương..., nhưng còn tình yêu, chất xúc tác, lực đẩy, cái sườn của thơ ông thì sao? Theo chủ quan tôi, tình yêu, với thơ, ở Du Tử Lê, là một. Đó là hai mặt hỗ tương tạo thành nhân cách thơ Du Tử Lê: 

 ở chỗ nhân gian không thể hiểu
 tôi là cánh cửa mở trăm năm
 chờ em tìm tới: -cài then lại
 chỉ rõ: - này đây, nhé chỗ nằm. 

Tôi là cánh cửa mở trăm năm. Mở hoài. Mở cho tình yêu đầu, mở cho tình yêu cuối, cuối? Chắc chắn, với Du Tử Lê, không bao giờ có trong tình yêu, và không bao giờ không có tình yêu, nên hạnh phúc thường đến vội vàng, để rồi ra đi cũng vội vàng không kém. Hạnh phúc ra đi, thi sĩ chết lặng: 

 tay tôi lạnh muôn đời không ấm nữa
 môi cũng khô vì mãi gọi tên người 
 dòng sông cũ đã đôi bờ suôi, ngược
 chỉ ngôi mồ là mãi của riêng tôi...
 ......

 ngồi đây tôi ngó đời tôi héo
 từng cánh hoàng lan đã tả tơi. 

Từ tình yêu, bởi tình yêu, do tình yêu, Du Tử Lê đã bao lần sống chết vì nó, rơi xuống đáy cùng của khổ đau và nhục nhã cũng vì nó: 

 ở chỗ nhân gian không thể hiểu
 tôi đui mù như con kiến hôi
 quẩn quanh miệng chén đời trây trúa
 vì chẳng ai làm râu do tôi 

Tôi có thể trích hàng trăm câu như thế. Hàng trăm câu thơ buốt xé ruột gan. Hàng trăm câu thơ khởi nguồn từ nỗi đau thương tột cùng của trái tim không ngừng bàng hoàng kinh ngạc trước tình yêu, không ngừng mê đắm vì tình yêu, không ngừng mù lòa bởi tình yêu: 

 tôi muốn cất ngôi nhà trong trí nhớ
 để muôn đời suy tụng một dung nhan
 Chúa linh hiển trên bàn tay than củi
 bão giông em xin cứu một linh hồn. 

Cái giá Du Tử Lê đã trả để nẩy sinh được những vần thơ có sức tác động mãnh liệt vào tâm can của người đọc là cái giá khá đắt với một số người, nhất là với những nhà đạo đức hay những kẻ tưởng rằng mình là người... đao đức. Riêng với cá nhân tôi thì xuyên qua tất cả mọi chuyện, bao giờ, lúc nào tôi cũng vẫn thấy ở Du Tử Lê một trái tim, một tài hoa hiếmqúy. Trái tim để rung động, và tài hoa để biến rung động thành thơ. Tôi chư từng biết một người nào coi trọng, nâng niu, sống chết với tình yêu đến độ coi thường cả bản thân mình, hệ lụy mình, ném tung cả cuộc đời mấy mươi năm vào đắm say đến độ tan hoang như Du Tử Lê! Giữa một xã hội mà tình yêu được “cân đong, đo đếm” hết sức chi li, điều đó không đáng để chúng ta ngưỡng mộ sao? Và nhất là từ điều đó, thi ca Việt Nam có thêm những hạt trân châu qúy báu, không đáng cúi đầu cảm ơn sao? 

 đời muôn cửa tôi chọn về địa ngục
 thiên đàng em bỏ lại đã hoang tàn
 ai nắng, gió trên cảnh đời kẻ đó
 mà tôi ngồi điếng lặng giữa tro than. 

Cho nên, cái giá Du Tử Lê đã trả đắt lắm với cuộc đời, với lề thói dung tục thường tình; nhưng xứng đáng vô cùng với thi ca, với chữ nghĩa. Vầng trăng chỉ tỏa sáng khi mọc giữa lòng đêm. Thác ghềng chỉ hùng vĩ khi đổ xuống từ vách núi cheo leo...

Du Tử Lê đắm say cùng tình yêu, trân trọng cùng chữ nghĩa..., nhưng trên hết, vượt cao, vượt xa, vượt lên, ngạo nghễ, là tấm lòng của ông với mẹ.

Mẹ, người đàn bà tám mươi lăm năm làm người, tám mươi lăm năm xuôi ngược lầm than, tám mươi lăm năm chỉ thờ chồng, nuôi con, miếng ngon không ăn, mảnh vải đẹp không mặc. Mẹ, người đàn bà đã cố làm cho mình xấu đi, như một vũ khí tự vệ trước bao nhiêu cám dỗ để thủy cung với người chồng quá cố, lúc tuổi xuân còn phơi phới. Mẹ, người đàn bà đã can trường sống non một thế kỷ, để chứng kiến những đứacon lần lượt ra đi theo chồng, về bên kia thế giới, trong bối cảnh đầy khổ lụy của một đất nước tan hoang vì chiến tranh, chủ nghĩa. Mẹ, người đàn bà nhất định không chịu vào Nam, nhất định đòi ở lại với mồ mả chồng con không người hương khói. Mẹ, người đàn bà dù đã vươt nửa vòng địa cầu, đi trên thảm êm, xem phim bộ Hồng Kông, uống sữa tươi như chớp, ngồi xe luớt êm trên xa lộ... vẫn không chịu tin rằng mình đã ra ngoài đất nước. Vẫn những khuya tỉnh dậy, cứ băn khoan một điều: cửa nẻo đã cài then cẩn thận? Kẻo trộm sẽ đột nhập lấy gạo, lấy cơm! Mẹ, tiếng gọi đơn sơ, mộc mạc, trần trụi nhưng dung chứa cả trời đất, vũ trụ, dựng lên thật rõ nét, hình ảnh một người mẹ Việt Nam điển hình nhất, cái hình ảnh không ai trong chúng ta, đã chưa từng gặp, đâu đó, đầy rẫy trên quê hương, trong những cuốn sách tập đọc lớp Năm, và có thể trong mỗi mái nhà... Tôi vẫn còn nhớ, như mới hôm qua, tâm trạng của tôi khi lần đầu tiên, được đọc Trường Khúc Mẹ Về Biển Đông, mà chính tôi là người lay out trên tờ Tay Phải. Đó là một buổi tối, sau gày bà cụ thân sinh của Du Tử Lê qua đời độ một tuần. Trước dàn máy computer, với đôi vai so, chiếc lưng còng, nhưng ngón tay run run, ông đã làm một mạch trên ngàn câu thơ - gần năm chục trang in - khóc mẹ. Bài thơ làm xong, ông in ra và đưa cho tôi. Cũng như ông, tôi đã đọc một cạch từ câu đầu đến câu cuối. Đọc say sưa như nuốt từng chữ, từng lời. Sự xúc động trong tôi cứ tăng dần, tăng dần...

Rất hiếm hoi trong đời, tôi được sống cái cảm giác bàng hoàng kinh ngạc như thế, trước một tác phẩm văn chương. Thật kỳ diệu! Khác hẳn loại ngôn ngữ Du Tử Lê vẫn xử dụng từ trước đến nay, ngôn ngữ trong Trường Khúc Mẹ Về Biển Đông là một thức ngọn ngữ rất trần trụi, rất mộc mạc, thứ ngôn ngữ Nói chúng ta xử dụng hàng ngày. Nhưng chính vì thế đã tạo cho người đọc một hấp lực lạ lùng. Nó làm người đọc rung động đến từng sợi thần kinh nhỏ nhất. Nó như máu huyết của một người vừa trúng thương, trào ra, tươi rói! Có thể tôi đã quá chủ quan. Có thể do hoàn cảnh riêng, tôi bất hạnh thiếu đi một tấm lòng từ mẫu khi vừa lên sáu. Có thể do tình thân và sự gần gụi, đã khiến sự thẩm định của tôi có phần lệch lạc. Nhưng cho đến bây giờ, khi tác phẩm đã được in ra thành sách, đọc lại, cảm giác của tôi, với bài thơ, vẫn là cái cảm giác cũ: bàng hoàng, kinh ngạc! Một người nào đó đã viết rằng, tất cả những bài thơ khóc mẹ, của bất cứ dân tộc nào, của bất cứa tác giả lớn bé nào, dù vụng dại, vẫn là những bài thơ đáng trân quý, nâng niu. Tôi hoàn toàn đồng ý nhận xét đó. Những bài thơ khóc mẹ, dù dở, vẫn đáng trân quý, nâng niu. Còn những bài thơ khóc mẹ mà hay thì sao? Ngôn ngữ Việt Nam còn từ nào trân trọng hơn để tán dương? Không cần phải ngoa ngôn, tôi dám quả quyết, Trường Khúc Mẹ Về Biển Đông là một trong những bài thơ khóc mẹ hay nhất trong kho tàng văn chương Việt Nam.

Tôi sẽ không trích dẫn một câu nào trong Trường Khúc này, ở đây, bởi vì muốn thưởng thức trọn vẹn bài thơ, người đọc phải đọc toàn bài, phải để cho mạch thơ dẫn dắt. Bài thơ là một tổng thể, một khối kết hợp chặt chẽ, một tiếng thét bi thương dội âm không đứt. Từng câu, từng chữ quyện vào nhau, nâng đỡ nhau, đưa đẩy nhau đẫn người đọc đi dần đến đỉnh chóp của rung động.

Chỉ cần một bài thơ như thế, cũng đủ để Du Tử Lê xóa sạch mọi lỗi lầm của ông nếu có, với đời, với người.

Kinh nghiệm của chúng ta, khi đọc một tập thơ, hay thậm chí một bài thơ, thường phải đọc làm nhiều lần, có khi rất nhiều lần. Đọc thơ vốn khó. Tìm thấy những bài thơ hay càng khó. Nhớ được những bài thơ hoặc vài câu thơ hay lại càng khó gấp bội. Tôi đã từng đọc rất nhiều thơ của rất nhiều thi sĩ, xuất hiện cùng khắp trên mặt báo chí trong nước và hải ngoại, hoặc trong các tuyển tập đã xuất bản. Một số không nhiều những bài thơ hay còn đọng mãi trong tôi. Ngược lại, công bình mà nhận xét, một số khá lớn khác tuy không thuộc loại dở, cấu trúc tứ thơ, hình ảnh, chũ dùng, âm điệu..., tất cả đều trung bình. Thế mà lạ quá, cho đến bây giờ vẫn không có cách nào tôi nhớ nổi, dù chỉ một câu. Tại sao? Tôi nghĩ rằng, thơ ca chỉ có thể đi vào lòng người khi nó thực sự phát xuất từ một tấm lòng, từ những xúc động thật. Thiếu hai yếu tố này, thơ chỉ còn là những hình nhân bằng giấy bồi, vô cảm, vô hồn. Đó là những hạt kim cương bằng thủy tinhcũng lóe sáng, nhưng giả! Thơ Du Tử Lê tập nào tôi cũng đọc một mạch từ bài đầu đến bài cuối. Đọc và nhớ. Có khi dai dẳng đến hai mươi năm vẫn chẳng thể quên. Có phải bởi Du Tử Lê đã làm thơ bằng chính máu lệ mình? 

Anh Du Tử Lê,

Đây không phải là một bài phê bình văn học. Lãnh vực này hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Tôi không có khả năng và kiến thức để làm công việc đó. Dĩ nhiên, bài viết này chỉ là những ý nghĩ rời, hoàn toàn có tính cách chủ quan. Cái chủ quan rất hạn hẹp của một người yêu mến thơ ca, đã tìm được cho mình niềm hoan lạc khi tiếp xúc với một tác phẩm, không dừng được, phải viết ra. Vì vậy, ở đây, sẽ không có những phân tích rạch ròi về cấu trúc của thể thơ, bài thơ, nỗ lực làm mới chữ nghĩa, sự tìm tòi công phu, cái ma lực của từ ngữ, cách chấm câu, ngắt đoạn tạo thêm hiệu năng cho hơi thở của thơ...Mà, hẳn anh, chắc cũng chả bao giờ nghĩ đến; hoặc cố gắng muốn làm thế. Tôi có cảm tưởng mỗi bài thơ của anh là một phần thịt xương anh, máu lệ anh. Mỗi bài thơ là một xúc động thật, khỏi nguồn từ những đau thương, hoan lạc, nhục nhằn, khốc liệt anh đã từng nếm trải... Do đó thơ anh không là một nỗ lực, bởi chính kinh nghiệm của anh đối với cuộc đời, tình yêu, tình người, tình máu mủ, đã là một nỗ lực tuyệt vời rồi. Những nỗ lực đó, cộng với tài hoa cũng thừa là một chất liệu để bật thành tuyệt phẩm; đâu cần mượn chi cái hình thức tân kỳ, câu kéo lạ lẫm, chữ, nghĩa ghê gớm. Dù rằng đầy rẫy trong thơ anh, tôi đã bắt gập nhan nhản cái tân kỳ, cái mới lạ, cái chức năng ghê gớm của chữ nghĩa. 

 theo gió buồn nong chật mắt nâu 

Cai chữ Nong của anh đủ khiến nhiều người chết giấc chứ chẳng chơi! Và nữa: 

 đôi khi ký ức ta như sáp
 bậc lụn còn rung tiếng gọi khuya
 nhớ ai mùi tóc thơm hương tối
 những bậc thang lên cõi biệt. Lìa 

Bộ mấy câu thơ này không đủ để gợi trong đầu người đọc chút hình ảnh sao? Không đủ để những tên cầm cọ như tôi đưa lên thành tranh sao? Đó là tôi chỉ “bốc đại” một đoạn trong vô số những đoạn thơ của anh mà không cần chọn lựa.

Mới chiều qua, quanh bàn nhậu, khi đề cập đến thơ anh, một nhà văn đã bằng những lời rất chân thật, thố lộ: “Tôi cũng làm thơ khá nhiều, những khi đọc xong tập thơ Du Tử Lê gửi tặng, tôi đã không ngần ngại xé bỏ tất cả.” Anh cười, tiếp: “Ít ra mình cũng còn đủ liêm sỉ để xấu hổ chứ, phải không?”

Thiết tưởng, không có lời nhận xét nào về một tài năng cụ thể, rõ ràng hơn.

Anh Du Tử Lê,

Thời gian tôi biết anh không lâu, nhưng có lẽ cũng đủ để anh hiểu, tôi vốn là đứa nóng nẩy, phổi bò. Thích, nói thích. Yêu, nói yêu. Và dĩ nhiên, ghét, nói ghét. Thậm chí, ghét quá, có khi còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay như đã từng...! Cho nên những điều tôi viết, chắc chắn sẽ gây ra nhiều ngộ nhận trong số những người không thích anh. Những người đã ghét thì “ghét từ con dán ghét đi.” Chắc chắn sẽ có nhiều cái nhún vai, nhiều cái cười khẩy khinh mạn, “bạn bè chúng nó đánh bóng nhau ấy mà!” Tôi nghĩ rằng, gần ba thập niên làm thơ, tên tuổi anh, nội lực anh cũng đã quá đủ để bảo chứng cho tác phẩm, cần gì phải nhờ ai đánh bóng. Và tôi, cũng không đủ rộng lòng đến độ phải đánh bóng cho ai; cũng không hèn và bất tài đến độ phải mượn một tí ánh sáng của một định tinh để le lói với đời! Ô hô! Chuyện này đã có nhiều vị độc quyền rồi. Tôi không dại gì cầm nhầm để mất hết nhân cách! Tóm lại, tôi hoàn toàn độc lập trong suy nghĩ, trong yêu ghét khen chê. 

 yêu ai cứ bảo là yêu
 ghét ai cứ bảo là ghét

 (Phùng Quán) 

Đó là phương châm mà suốt cuộc đời, tôi cố gắng để nói theo. Nhưng cũng chả sao, rồi ra, tôi tin họ sẽ hiểu tôi. Hiểu rằng lòng tôi cả đời, chỉ mong ở với chữ nghĩa một cách đàng hoàng, như lời một nhà văn lão thành thường nhắn nhủ. Văn chương, thời nào cũng thế, cũng dị ứng với sự hẹp hòi, với định kiến chủ quan, với lòng ganh ghét hẹp hòi. Văn chương đâu phải chỉ tồn tại một tháng, một năm, năm năm, mười năm... Nó phải là cái bất tri tam bách dư niên hậu... Tôi không biết rồi ba trăm năm sau anh có còn tồn tại hay chăng... Nhưng ngộ nhỡ... anh lỡ tồn tại thì chắc chắn cái còn lại là thơ anh, chứ chẳng phải cái ông Du Tử Lê mần báo xuất chiêu đánh đỡ giữa chốn giang hồ chánh tà mù mịt; cái ông Du Tử Lê năm thê bảy thiếp, con rơi, con rớt tùm lum; cái ông Du Tử Lê lao đao ngất ngư, tả tơi, thân bại danh liệt vì ở chỗ nhân gian không thể hiểu nó hành hạ tra tấn triền miên.

Và nếu chức năng của văn chương, thi ca, nghệ thuật... là đưa con người đến cái chân, cái toàn, cái thiện, và đẩy con người đến gần nhau, xóa tan những tỵ hiềm nhỏ mọn giữa cá nhân với cá nhân, thì ít nhất qua thơ anh, đã có một người nhận ra điều đó. Một người từng bảo “trông thấy mặt nó là tôi mất vui,” đã tình cờ trong một tiệm sách, cầm tập thơ anh lên, tò mò đọc chơi, để rồi không dừng được, phải đọc... bằng hết.

Cũng người đó, nửa khuya gọi tôi, rủ rê nhau vào quán nhậu, sau vài chai, đã gật gù nói về thơ anh. Ông ta phát hiện ra một điều rằng, cuối cùng sẽ chẳng còn gì đáng kể trên cõi đời này ngoài cái... tuyệt diệu của văn chương. Ông ta còn nói thêm, nếu chỉ sống thuần bằng bản năng, mà không sinh nở được gì hết thì đó là đời sống của một loài sinh vật hạ đẳng! Nhưng nếu từ bản năng, hắn tích lũy, thai nghén, chắt lọc, để khổ nhục sinh thành ra văn chương, thơ ca, nghệ thuật... dâng hiến cho đời thì việc làm đó là của những người tử tế. 

Mong sao, mỗi chúng ta sẽ chẳng bao giờ quên được điều giản dị mà ông bạn tôi đã nhắc đi nhắc lại năm lần bẩy lượt: sự xấu rồi sẽ bị triệt tiêu nhưng điều tử tế sẽ tồn tại mãi mãi...

KHÁNH TRƯỜNG

(Trích: Du Tử Lê: Tác Giả và Tác Phẩm, tập 1, Đời, xuất bản, 1992.)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 21062)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15945)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17590)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10306)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18770)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 5129)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1865)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2416)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2252)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23568)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 20052)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8862)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9898)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9274)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12331)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31818)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21554)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26603)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 24044)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22835)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 20950)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18980)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20158)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17721)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16807)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25885)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33202)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35609)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,